Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống
Nghị luận về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập Ngữ văn 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.
1. Dàn ý nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống
I. Mở bài
- Dẫn dắt vào đề: Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu của mỗi người lại không giống nhau. Có sự khác nhau này không chỉ do định hướng, cách thức thực hiện của con người mà còn bị chi phối bởi thói quen trì hoãn công việc.
II. Thân bài
– Cắt nghĩa:
+ “Công việc” là những mục tiêu, dự định trước mắt mà chúng ta cần thực hiện.
+ “Trì hoãn” là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc.
–> Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc.
– Cuộc sống có rất nhiều biến động, trong đó có nhiều điều bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn của con người.
–> Những thay đổi đó có thể làm gián đoạn buộc con người phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt.
– Thói quen trì hoãn công việc lại là thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần ở con người.
– Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng.
– Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn
– Trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân
– Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao.
– Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.
III. Kết bài
- Trì hoãn là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công các bạn nhé!
2. Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống mẫu 1
Cuộc sống là một chuỗi những hành trình, để thực hiện những mục tiêu, dự định con người cần lên kế hoạch và thực hiện tốt những công việc. Thời gian để hiện thực hóa mục tiêu của mỗi người lại không giống nhau, có người thực hiện một cách nhanh chóng trong một khoảng thời gian xác định, cũng có người phải mất khoảng thời gian rất dài mới có thể thực hiện được. Có sự khác nhau này không chỉ do định hướng, cách thức thực hiện của con người mà còn bị chi phối bởi thói quen trì hoãn công việc.
“Công việc” là những mục tiêu, dự định trước mắt mà chúng ta cần thực hiện. “Trì hoãn” là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc. Thói quen trì hoãn công việc đang là một trong những thói quen chưa tốt của con người trong việc thực hiện những mục tiêu công việc.
Cuộc sống có rất nhiều biến động, trong đó có nhiều điều bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn của con người. Những thay đổi đó có thể làm gián đoạn buộc con người phải trì hoãn công việc đang thực hiện để giải quyết những vấn đề trước mắt. Chẳng hạn, công việc hàng ngày của người học sinh là học tập, nhưng vì những lí do bất ngờ: thời tiết, sức khỏe, phương tiện đi lại, người học có thể phải trì hoãn công việc học để giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt ấy.
Tuy nhiên, đó chỉ là việc trì hoãn tạm thời, còn thói quen trì hoãn công việc lại là thói quen được lặp đi lặp lại nhiều lần ở con người. Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng, đứng trước một công việc cần phải giải quyết nhưng mãi ngần ngừ không chịu thực hiện và trì hoãn cho đến ngày hôm sau, ngày sau nữa hoặc một khoảng thời gian không xác định nào đó.
Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, thậm chí thói quen trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân.
Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao. Nếu duy trì thói quen xấu này, con người không chỉ khó khăn trong việc thực hiện những mục tiêu, bỏ lỡ cơ hội để phát triển, thăng tiến mà còn đánh mất đi uy tín, làm giảm đi giá trị của bản thân trong mắt đối tác cũng như mọi người xung quanh.
Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.
Trì hoãn là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân, đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển, đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công các bạn nhé!
3. Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống mẫu 2
Trì hoãn là một căn bệnh trầm kha, khiến bạn luôn cảm thấy day dứt mỗi khi không hoàn thành việc gì đó. Bạn tự hỏi mình vì sao lại không giải quyết công việc một cách dứt điểm, mà cứ phải trì hoãn hết lần này đến lần khác. Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng xoáy vô hình ấy?
Có một dự án đang cần bạn hoàn thành gấp cho kịp deadline, bạn đang dồn hết tâm trí và sự tập trung vào đó. Đột nhiên, bạn nảy ra ý định rằng, mình hôm nay chưa lướt "Newsfeed" trên Facebook để cập nhật tin tức thì phải.
Dành khoảng 20 phút lướt chán chê, bạn lại muốn quay sang Instagram, chỉ muốn coi một vài bức ảnh đẹp mà thôi. Và rồi cuối cùng, khi đã cảm thấy mỏi mệt, một bộ phim sẽ là cứu cánh cho bạn và bạn sẽ lấy nó làm lý do để trì hoãn công việc của mình sang một buổi khác. Mà theo bạn, lúc đó mới thực sự là lúc thích hợp để làm việc.
Cảm giác trên có quen thuộc không? Nếu như tôi nói rằng, một trong những lý do khiến con người ta hay có thói quen thích trì hoãn là bởi vì chính những chiếc "smartphone" bé nhỏ nhưng đầy quyền lực kia thì liệu bạn có tin? Theo nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, lý do chủ yếu khiến con người ta muốn trì hoãn mọi thứ đó là bởi vì stress. Và hễ cứ sau mỗi lần trì hoãn đó, mức độ stress lại càng có xu hướng tăng lên.
Không phải lúc nào trì hoãn cũng là điều xấu. Có 2 loại trì hoãn khác nhau: một là trì hoãn mang tính xây dựng, và hai là trì hoãn mang tính phá hoại.
Loại thứ nhất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bất cứ hoạt động sáng tạo tri thức nào, bởi vì não bộ của bạn cần có thời gian nghỉ ngơi để phát huy trí tưởng tượng. Nhưng cốt lõi vấn đề là ở chỗ, bạn vẫn phải quay trở lại làm việc như bình thường. Còn thế hệ trẻ như chúng ta bây giờ đang quay cuồng trong kiểu trì hoãn phá hoại hơn.
Thử nghĩ xem, khi bạn cảm thấy bị căng thẳng, bạn sẽ tìm đến những hoạt động giúp giải phóng mình khỏi stress. Nhưng rốt cuộc bạn lại tìm cách chạy trốn thay vì đương đầu với nó, thông qua việc tự huyễn hoặc một lý do để tìm cách trì hoãn việc đó. Kết cục là bạn lại càng cảm thấy stress nhiều hơn trước.
Bạn càng không giữ được sự bình tĩnh thì bạn lại càng cảm thấy ức chế hơn, giống như đang bị mắc kẹt trong một chiếc đu quay không có điểm dừng. Và bạn quá sợ hãi đến mức không dám nhảy ra khỏi nó, mà thay vào đó lại chọn cách trì hoãn và ngồi trên chiếc đu quay ấy. Việc chọn cách không trì hoãn đôi khi cũng gây ra stress do áp lực phải hoàn thành công việc, nhưng đó là stress có tính tích cực. Nó tạo động lực cho bạn tiếp tục công việc được giao.
Làm cách nào để thoát khỏi thói quen trì hoãn? Nếu không tự tạo động lực cho bản thân, bạn sẽ không đạt được bất cứ thành quả gì trong cuộc sống. Không bị gò ép trong phạm vi công việc mà nó bao gồm cả những mặt khác của cuộc sống. Không ai khác ngoài chính bạn sẽ phải là người chủ động nắm lấy cơ hội để đạt được khát vọng của mình.
Cảm giác thất bại, hay sợ hãi, là có thật, nhưng nếu chỉ vì lý do ấy mà bạn phải trì hoãn mọi thứ thì dần dà bạn sẽ cảm thấy có một sức nặng vô hình nào đó đè chặt lên lưng mình. Và xung quanh mọi người đều đang bận rộn với công việc riêng của họ, thế nên cách duy nhất là bạn phải tự mình trải nghiệm tất cả. Hãy cứ thử bắt tay vào làm việc.
Đó không phải là cái gì đó quá to tát, ngược lại nó giúp bạn chuẩn bị tinh thần để tận hưởng thành quả chiến thắng về sau. Và hơn cả, nó giúp bạn tránh xa khỏi viễn cảnh phải sống co cụm trong nỗi âu lo, khổ sở và dằn vặt tại sao mình không dám làm điều này điều kia.
Trì hoãn dẫn đến stress mang tính tiêu cực, còn hành động sẽ tạo ra stress mang tính tích cực. Dù có thế nào đi nữa, việc tự mình trải nghiệm và xắn tay lên làm điều gì đó cũng mang lại chút động lực để bạn tiến về phía trước.
Thử nghĩ xem, cuộc sống còn có ý nghĩa hay không, nếu bạn không dám thử thách bản thân dù chỉ một chút? Một khi bạn học được cách đối phó với sự căng thẳng, việc phân tích tình huống và dựa vào đó để đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu tác hại của stress hoàn toàn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nên nhớ rằng, stress mang tính tiêu cực sẽ tích tụ dần theo thời gian và gây ra vô số những vấn đề liên quan đến sức khỏe. Còn stress mang tính tích cực sẽ tạo động lực giúp bạn giải quyết được công việc cũng như mang lại sự chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Có thể bạn đã biết, trong cơ thể con người có một loại hormone mang tên dopamine. Cứ mỗi lần bạn trì hoãn hoặc không làm một điều gì đó cần thiết để giải phóng bản thân khỏi stress, dopamine sẽ sản sinh ra hàng nghìn lần, gây kích thích hưng phấn hơn và khiến bạn cảm thấy càng ngày càng muốn trì hoãn hơn nữa. Nói cách khác, về bản chất nó không khác gì một dạng ma túy cả. Và bạn phải học được cách để cai nghiện và thoát ra khỏi nó.
Tuy vậy, cũng đừng bao giờ dằn vặt bản thân sau mỗi lần trì hoãn, dù bạn có làm điều đó chủ đích hay không. Hãy nghĩ tới tương lai, đích đến, cảm giác chinh phục được mục tiêu của mình sẽ tuyệt vời như thế nào. Hãy để chúng dẫn lối và tạo động lực cho bạn.
Và quan trọng là hãy bắt tay vào việc đi, đừng trì hoãn. Không quan tâm đến đó là việc gì, chỉ cần biết rằng nó phục vụ cuộc sống tương lai của bạn là đủ. Đừng bao giờ để stress trở thành vật cản, hãy luôn trân trọng và coi nó giống như động lực để tiếp tục tiến lên.
4. Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống mẫu 3
Trì hoãn là một căn bệnh nhiều người mắc phải. Nó khiến bạn cứ mãi nấn ná, lần nữa, mãi không hoàn thành dứt điểm một việc gì đó. Cuộc sống không chờ đời ai cả, cứ tiếp tục trì hoãn, tuổi trẻ của bạn sẽ trôi đi nhanh chóng và những gì còn lại sẽ chỉ là những tiếc nuối, dở dang...
Thời gian là một thứ tài sản duy nhất được sở hữu như nhau ở tất cả mọi người. Vậy nên, điều quan trọng giúp bạn tiến lên là sự nhanh nhạy, năng động hơn trong mọi việc so với người khác. Nếu bạn định rằng, đầu năm 2 đại học phải đi học ngoại ngữ nhưng đến năm 4 mới học thì có phải bạn đã mất 2 năm để nói ngoại ngữ lưu loát hơn? Bạn có nghĩ là cô bạn cùng lớp đã học xong một khóa giao tiếp và có được một công việc làm thêm khá tốt, trong khi bạn đang chần chừ xem có nên đi học không?
Hoặc bạn nghĩ bản thân đang cần rất nhiều thay đổi, muốn sống tốt hơn, biết nhiều phương pháp làm việc hơn và được tư vấn mua một cuốn sách về đọc, nhưng bạn cứ viện lý do bận rộn, gia đình, bạn bè…và cuốn sách cứ nằm chỏng chơ trên kệ, thì cứ 1 ngày bạn chưa thay đổi tích cực, bạn đang dừng lại đấy. Xã hội luôn tiến về phía trước, còn bạn cứ đứng nguyên nghĩa là bạn đang thụt lùi. Một câu châm ngôn rất kinh điển là “sống là không chờ đợi”. Bất cứ việc gì cần thiết cho sự phát triển của bản thân mà bạn chậm thực hiện, trì hoãn từ ngày này qua tháng khác, bạn không những lãng phí thời gian mà còn tự làm cho mình có xu hướng phát triển chậm lại so với thời đại.
Hãy suy nghĩ kỹ về điều này vì tôi chắc chắn rằng trong chúng ta có rất nhiều người rơi vào tình huống này.
Còn 1 tuần nữa là đến kỳ thi. Kỳ thi gồm 7 môn. Ban đầu bạn lên kế hoạch ôn tập cho mỗi môn 1 ngày. Tuy nhiên vì trì hoãn, cuối cùng bạn chỉ còn 3 ngày cho 7 môn. Như vậy mỗi môn chỉ còn khoảng thời gian ôn là gần nửa ngày. Khỏi cần nói thêm, sự chênh lệch thời gian này cũng cho thấy là hiệu quả ôn tập sẽ giảm rất nhiều so với kế hoạc ban đầu, phải không? Khi ôn tập với thời gian ngắn như thế, bạn sẽ phải bỏ qua một số phần, tâm lý học tủ, đem phao vào phòng thi bắt đầu xuất hiện. Và hậu quả thì cũng “hên xui” lắm.
Trì hoãn ôn thi là một ví dụ điển hình trong muôn vàn trì hoãn trong cuộc đời mỗi con người (bật mí nhỏ là chính tác giả cũng từng trì hoãn như thế), từ đó sẽ có tâm lý học đối phó, kiến thức nắm không chắc và lúc này sự học chẳng còn giữ vai trò quan trọng là cung cấp kiến thức như ban đầu nữa.
Từ ôn thi, sau này chúng ta sẽ có tâm lý trì hoãn về công việc, gia đình, cuộc sống…và hậu quả từ sự trì hoãn trong những lĩnh vực này khiến chúng ta phải đau đầu hơn nhiều.
Sự trì hoãn là một trong những nguyên nhân gây ra tính thụ động, thiếu quyết đoán trong chúng ta. Hiểu nôm na, sự trì hoãn làm kéo dài thời gian thực hiện một công việc, từ đó làm giảm khả năng phản xạ nhanh nhạy, gây tâm lý chậm chạp trong mọi việc, khiến năng suất công việc giảm. Những ai sắp ra trường hoặc đang tìm kiếm cho mình một công việc hãy cẩn thận nhé, các nhà tuyển dụng rất không thích thói quen này của ứng viên. Một số nhà tuyển dụng chuyên nghiệp còn dùng các bài kiểm tra để thử phản ứng nhanh nhạy, tính quyết đoán của bạn nữa.
Đặc biệt là với những việc “không cấp thiết, cần thời gian nhiều và kế hoạch”. Quay trở lại với việc học ngoại ngữ, nếu bạn trì hoãn, đến một lúc nào đó có thể bạn sẽ không tham gia học. Một số việc bị cho là không cần thiết cũng rơi vào tình trạng này.
Chà, tôi chắc rằng sức khỏe là một yếu tố quan trọng và là một phần của cơ thể nhưng tiếc thay nhiều người trong chúng ta không biết trân trọng nó. Mỗi khi triệu chứng đau ốm nào đó xuất hiện, chúng ta thường chủ quan và trì hoãn không chịu đi khám. Cho đến khi chuyện tồi tệ xảy ra. Chúng ta thở không nổi và đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Hẳn bạn biết trong một số chuyện, “1 phút” cũng làm nên lịch sử phải không?
Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ phàn nàn rằng “nãy giờ mình biết rồi, trì hoãn muôn thuở ai cũng biết là xấu rồi, nhưng quan trọng là làm sao để khắc phục trì hoãn đây?”. Ừm, đây mới là mấu chốt của vấn đề, phải không?
Cứ bình tĩnh, tôi muốn bạn hãy suy ngẫm về thói trì hoãn – nguyên nhân và tác hại trước đã. Đến khi bạn thực sự thấy cần thiết phải khắc phục thói xấu này, chúng ta sẽ cùng bắt tay vào thực hành những bài tập chống trì hoãn nhé.
5. Nghị luận xã hội về tác hại của thói quen trì hoãn công việc trong cuộc sống mẫu 4
Sự trì hoãn có thể đem lại nhiều hậu quả và rắc rối trong công việc, trong đời sống, trì hoãn dẫn đến căng thẳng, cảm giác tội lỗi, nặng nề và khủng hoảng về tâm lý đặc biệt là sự hao hụt mất mát nghiêm trọng trong năng suất lao động cá nhân, sự chỉ trích, phê bình và dày vò của xã hội khi họ không đáp ứng các trách nhiệm, cam kết về thời hạn, tiến độ hoàn thành công việc.
Những cảm xúc này kết hợp với nhau và có thể thúc đẩy sự trì hoãn hơn nữa. Nhiều người mắc bệnh trì hoãn thường xuyên than phiền về tâm trạng lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi hạn hoàn thành công việc đã cận kề, cảm thấy cắn dứt và sự hoảng sợ buộc họ phải tăng tốc để hoàn thành vừa kịp hạn.
Trì hoãn khiến công việc thêm dồn dập và quá tải, kết quả là thất bại trong bận rộn. Sự trì hoãn sẽ trở thành một rắc rối khi nó cản trở hoạt động bình thường không được diễn ra suôn sẽ, trôi chảy theo ý muốn, nó thường khiến người ta thất bại trong việc thực hiện các cam kết đặt ra. Việc trì hoãn một cách triền miên này sẽ làm cho chủ thể sẽ gặp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự tin cậy, tin tưởng, giao trách nhiệm do sự kỳ thị, đánh giá của xã hội và thành kiến cho rằng những nhiệm vụ trễ nải này do sự lười biếng, thiếu ý chí và nghị lực, không có quyết tâm, thiếu sự chú tâm, tập trung trong công việc hay là người không có tham vọng thiếu chí tiến thủ.
Sự trì hoãn là nguyên nhân lớn nhất làm giảm thiểu năng suất lao động và chậm tiến độ công việc. Việc chần chừ không chỉ làm giảm mức độ hoàn thành công việc, mà còn ảnh hưởng tới thu nhập cá nhân. Hậu quả của thói trì hoãn là công việc cấp bách, dồn lại thì lại trở nên quá tải, không thể giải quyết hiệu quả điều này dễ khiến người ta vội vàng, bộp chộp làm việc lụp chụp, qua loa dẫn đến nhiều sai sót hoặc không đáp ứng được chất lượng và kết quả là thất bại trong bận rộn. Một cuộc khảo sát do H&R Block thực hiện cho thấy việc chần chừ đến phút cuối cùng mới kê khai thuế khiến mọi người thiệt hại trung bình 400 USD do những sai sót do cẩu thả.
Sự trì hoãn chi phối không nhỏ đến công việc, nghề nghiệp của một số người và thậm chí nó khiến các nỗ lực của họ quay về điểm xuất phát. Hoặc do thói quen trì hoãn mà những công việc quan trọng đang làm ít nhiều bị đình trệ, bỏ bê điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả cũng như thời gian hoàn thành công việc. Những lần trì hoãn có thể ngăn cản việc thực hiện những điều thực sự thiết yếu với sự thành công của mỗi cá nhân. Quan điểm sống tiêu diêu, thư thái, thường xuyên trì hoãn mọi việc tiềm ẩn các tác động tiêu cực sự thành công của cá nhân.
Nhìn chung, sự trì hoãn là một hiện tượng tâm lý và thói quen của con người, và có thể xảy ra khi xuất hiện một khoảng thời gian trống giữa những hành động nằm trong dự định và những hành động tự phát và khi có dấu hiệu của một khoảng thời gian giữa những việc dự định làm cho đến khi những việc ấy thật sự được tiến hành, người ta cũng có xu hướng trì hoãn khi trì hoãn công việc là thấy thời gian còn lại quá dư dả. Một số nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này gồm:
Sự trì hoãn bắt đầu từ sự lười biếng vì khi có tính lười biếng thì một số người có thể để mọi việc vào một thời điểm khác để thực hiện, và không có nhiều động lực để làm ngay, làm gấp gáp.
Thói quen tùy tiện, vô tổ chức, vô kỹ luật, nổi hứng, bốc đồng trong công việc, lao động, sản xuất cụ thể là:
Chờ khi có hứng: Một số người không thích làm việc đó do chưa cảm thấy hứng thú. Hoặc khi tâm trạng bạn không thoải mái, cảm xúc không tốt nên không thực hiện mà đợi đến lúc tinh thần thoải mái rồi mới bắt tay làm. Ví dụ: Tôi cảm thấy không thoải mái khi bắt tay vào việc lúc này hoặc làm việc theo kiểu ngẫu hứng lý qua cầu, thích thì bắt tay vào làm, không thích thì không ngó ngàng.
Chờ tới đúng lúc: Nhiều người không nghĩ đã tới lúc cần phải hành động trong khi thực sự thì thời điểm đó đã tới. Biểu hiện qua kiểu bình chân như vại, chờ nước đến chân rồi mới nhảy, chờ cho hội tụ đủ Thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Hoặc làm việc theo kiểu bức hổ nhảy tường để tạo kỳ tích, họ để lại công việc đến thời điểm cuối cùng sẽ tạo ra kết quả tốt hơn (ví dụ: Tôi sáng tạo nhất vào thời điểm tối khuya do đó tôi định chờ đến tối nay rồi sẽ làm. Hoặc: Trước ngày thi thì minh mẫn nhất, để đến lúc đó học cũng được).
Khi có cảm giác bị ép buộc phải làm việc, thì sự hưng phấn sẽ giảm sút đi và không có nhiều động lực để thôi thúc họ háo hức bắt đầu công việc.
Sự trì hoãn cũng xuất phát từ nỗi sợ hãi, lo âu do trì hoãn được coi là một cơ chế để đối phó với sự lo lắng liên quan khi bắt đầu thực hiện một công việc hoặc việc hoàn thành nhiệm vụ được giao hay là thời khắc để ra quyết định, sự lo âu này khiến con người trì hoãn nhất là đối với những người làm việc theo kiểu bốc đồng, tài tử, làm theo sở thích, ngẫu hứng. Cụ thể là: Sợ thất bại, sợ hỏng việc. Nỗi sợ hãi hay lo âu về sự thất bại khi thực hiện một công việc: Nhiều người hoài nghi năng lực của mình, liệu mình có đủ sức để làm việc đó (Ví dụ: Tôi không nghĩ mình có thể làm nó. Nếu tiếp tục, tôi sẽ thất bại mất thôi hoặc: Nếu tôi đã từng thất bại, tôi phải làm thế nào để kiểm soát những bối rối đó? Tốt hơn hết là đừng xuất hiện trong lần trình bày này. Vậy là trì hoãn thôi). Ngoài ra người trì hoãn thường thiếu tự tin vào bản thân, ít mong đợi rằng họ sẽ hoàn thành được nhiệm vụ.
Sợ khó, ngại khó. Trong trường hợp công việc được cho là quá khó khăn thì cũng có xu hướng bị trì hoãn nhiều, do nhiều người có tâm lý ngại giải quyết vấn đề nan giải, tâm lý ngán khi phải làm và nản khi chưa bắt tay vào công việc. Một số công việc mang tính chất dài hạn, chiến lược hoặc mang tầm vĩ mô thì nhiều người không có định hướng, không biến phải bắt đầu tư đâu và triển khai thực hiện như thế nào dẫn đến bị ngưng trệ.
Sợ thành công, sợ bị kỳ vọng, sợ đố kỵ: Một số người lo lắng nếu làm tốt thì người ta sẽ kỳ vọng vào mình, giao thêm nhiệm vụ hoặc bản thân có thể bị xăm soi.
Ví dụ: Nếu làm tốt lần này, người ta sẽ chờ đợi tôi làm được như thế ở lần sau. Liệu tôi có thể đương đầu với những áp lực để tiếp tục gặt hái thành công?
Sợ phá vỡ những truyền thống, sợ trách nhiệm: (Ví dụ: Nếu những trật tự cũ bị phá vỡ, ai mà biết tình huống mới sẽ diễn ra như thế nào? Thôi thì ta cứ để mọi thứ hệt như cũ đi. Tại sao phải chấp nhận rủi ro chứ?, ai chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra?).
Sợ mất mát: Ví dụ: Nếu làm việc đó bây giờ, có thể tôi sẽ mất mát một vài thứ.
6. Đoạn văn về tác hại của thói quen trì hoãn công việc mẫu 5
Trì hoãn là một trạng thái khó chịu, khiến bạn luôn cảm thấy bất mãn mỗi khi để công việc đó chờ đợi. Bạn tự hỏi vì sao mình không thể hoàn thành ngay từ đầu, mà lại phải trì hoãn lần này sang lần khác. Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy này?
Có một dự án cần hoàn thành, bạn tập trung mọi sức vào đó. Đột nhiên, ý muốn kiểm tra 'Newsfeed' trên Facebook nảy lên. Dành 20 phút lướt, sau đó là Instagram chỉ để xem vài bức ảnh đẹp. Cuối cùng, sau khi mệt mỏi, bạn chọn xem một bộ phim và lý do là để trì hoãn công việc sang buổi khác. Đó liệu có phải là thời điểm thích hợp để làm việc hay không?
Cảm giác quen thuộc chưa? Nếu tôi nói rằng một trong những lý do khiến chúng ta thích trì hoãn là do những chiếc 'smartphone' nhỏ có quyền lực lớn, liệu bạn tin không? Theo nghiên cứu, stress là nguyên nhân chính khiến chúng ta trì hoãn, và mỗi lần trì hoãn, stress càng tăng lên.
Không phải mọi trì hoãn đều xấu. Có trì hoãn mang tính xây dựng và phá hoại. Loại đầu tiên quan trọng trong sáng tạo, nhưng bạn vẫn phải quay trở lại làm việc. Thế hệ trẻ ngày nay thường rơi vào trì hoãn phá hoại.
Thách thức là đối mặt với stress mà không chạy trốn, không trì hoãn. Hãy thử bắt đầu công việc. Đó không phải là điều lớn lao, mà giúp bạn chuẩn bị tinh thần cho chiến thắng. Hơn nữa, nó giúp bạn tránh xa khỏi lo lắng, khổ sở và tâm trạng tiêu cực.
Trì hoãn tạo ra stress tiêu cực, hành động tạo ra stress tích cực. Hãy tìm động lực tự tạo ra, để bạn có thể tiến về phía trước. Hãy thử đối mặt với căng thẳng, phân tích vấn đề và ra quyết định để giảm thiểu stress tích cực. Bạn càng giữ bình tĩnh, càng có động lực để hoàn thành công việc.
Đừng để stress tích tụ, vì nó sẽ gây vấn đề về sức khỏe. Hãy nhìn stress như động lực giúp bạn chuẩn bị tốt cho tương lai. Hãy học cách đối phó với căng thẳng và tận hưởng thành quả.
Dù thất bại hay sợ hãi, đừng tự trách mình sau mỗi lần trì hoãn. Hãy tập trung vào tương lai, mục tiêu của bạn. Hãy để đó là nguồn động viên để tiếp tục tiến lên.
Và quan trọng nhất, hãy bắt đầu, đừng trì hoãn. Không cần quan tâm công việc là gì, chỉ cần biết nó giúp cuộc sống tương lai của bạn. Đừng để stress ngăn cản, hãy coi đó là động lực để tiến bộ.
7. Đoạn văn về tác hại của thói quen trì hoãn công việc mẫu 6
Trì hoãn, một căn bệnh tâm lý phổ biến, có thể đẩy bạn vào tình trạng mãi chẳng hoàn thành được một công việc nào đó. Cuộc sống không chờ đợi ai, và việc tiếp tục trì hoãn chỉ làm cho thời gian trôi đi một cách nhanh chóng, để lại những tiếc nuối và hối tiếc không đáng có. Thời gian, nguồn tài sản đối với mọi người, đòi hỏi sự nhanh nhạy và tích cực trong mọi hoạt động. Nếu bạn để mất cơ hội, ví dụ như học ngoại ngữ, bạn có thể phải đối mặt với việc lãng phí thời gian và bỏ lỡ những cơ hội tốt trong khi người khác tiến triển. Cùng lớp có thể đã có công việc tốt từ khi họ hoàn thành khóa giao tiếp, trong khi bạn vẫn chần chừ và tự đặt lý do cho sự chậm trễ. Nếu bạn muốn thay đổi, muốn sống tốt hơn và nắm vững nhiều phương pháp làm việc hơn, thì không nên để những lý do như bận rộn, gia đình hay bạn bè làm trì hoãn quyết định của bạn. Nếu cuốn sách bạn cần để thay đổi đang chờ đợi trên kệ, mà bạn vẫn lý do về sự bận rộn, bạn đang tự làm cho mình dừng lại và không tiến triển. Trì hoãn không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của công việc, mà còn tạo ra tính bê trễ, thiếu kỉ luật, và thiếu trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc. Mất hạn chế thời gian ôn tập trước kỳ thi là một ví dụ rõ ràng. Kế hoạch ôn tập ban đầu dành một ngày cho mỗi môn, nhưng do trì hoãn, bạn chỉ còn 3 ngày cho 7 môn. Hiệu quả ôn tập giảm đáng kể, và cảm giác chênh lệch thời gian chỉ làm tăng áp lực và lo ngại. Sự trì hoãn không chỉ xuất hiện trong học tập mà còn lan rộng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, từ công việc đến gia đình và cuộc sống cá nhân. Điều này khiến cho tính thụ động, thiếu quyết đoán trở nên phổ biến, và những người trì hoãn có thể gặp khó khăn khi tìm kiếm công việc, vì nhà tuyển dụng thường không ưa thói quen này. Thậm chí, việc trì hoãn còn lan sang sức khỏe, khi chúng ta thường chủ quan và trì hoãn điều trị cho đến khi tình trạng trở nên quá nặng nề. Để khắc phục thói quen trì hoãn, đầu tiên, bạn cần nhận thức và hiểu rõ về nguyên nhân và hậu quả của nó. Hãy tìm hiểu về tâm lý học đối phó và áp dụng những bài tập chống trì hoãn để thay đổi thói quen xấu này. Bằng cách này, bạn có thể tự giúp bản thân tiến triển, tránh lãng phí thời gian và không để thói quen trì hoãn làm chậm lại cuộc sống của mình.
8. Đoạn văn về tác hại của thói quen trì hoãn công việc mẫu 7
Một trong những lối sống có tác hại lớn đối với đời sống con người ấy chính là trì hoãn. Trì hoãn là thuật ngữ trong tâm lý học chỉ về những thói quen của con người có xu hướng để chậm lại, tự hoãn lại, chưa muốn bắt tay vào làm ngay một công việc phải làm, hoặc có tâm lý chờ và để một thời gian sau đó mới thực hiện. Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng. Đây rõ ràng là 1 thái độ dáng phải phê phán. Một lần trì hoãn công việc rồi có người giúp đỡ sẽ làm nảy sinh sự trông chờ vào sự giúp đỡ ở những lần tiếp theo. Trì hoãn công việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, trì hoãn khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Kết quả công việc chắc chắn sẽ không cao nếu như con người chỉ còn 1 ít thời gian để hoàn thành nó. Thêm vào đó, trì hoãn khiến cho con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân. Có những cơ hội chỉ đến một lần mà ta không biết nắm giữ thì quả là lãng phí. Vì vậy, mỗi người cần nhận thức được tác hại của thói quen trì hoãn công việc; rèn luyện thói quen học tập và làm việc theo kế hoạch một cách hợp lí, khoa học. Nếu không tự tạo động lực cho bản thân, bạn sẽ không đạt được bất cứ thành quả gì trong cuộc sống. Không bị gò ép trong phạm vi công việc mà nó bao gồm cả những mặt khác của cuộc sống. Không ai khác ngoài chính bạn sẽ phải là người chủ động nắm lấy cơ hội để đạt được khát vọng của mình.
Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung