37 mở bài mẫu cho các tác phẩm văn học lớp 12

VnDoc mời quý thầy cô và các bạn học sinh cùng tham khảo tài liệu: 37 mở bài mẫu cho các tác phẩm văn học lớp 12. Tài liệu cung cấp đến bạn 37 mở bài hay, ấn tượng về các tác phẩm văn học lớp 12. Chúc các bạn học sinh học tập tốt và có kết quả cao trong các kì thi.

HOT: Đáp án Ngữ văn THPT Quốc gia 2023

Tây Tiến - Quang Dũng

Mở bài 1: Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Quang Dũng - một nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với hình ảnh người lính Tây Tiến vừa lãng mạn, lạc quan lại vừa bi tráng, ông đã mang đến cho bạn đọc một góc nhìn khác về người chiến sĩ trong thời chiến.

Mở bài 2: Năm tháng trôi qua, nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng tuy nhiên những giá trị thì vẫn trường tồn cùng thời gian và gây ấn tượng sâu sắc với thế hệ đi sau. Có thể lúc bấy giờ có rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu, nhưng mãi sau này chúng ta vẫn còn ấn tượng và yêu quý nhà thơ Quang Dũng cùng hình ảnh người lính Tây Tiến vừa lãng mạn, lạc quan lại vừa bi tráng.

Mở bài 3: Để làm nên một tác phẩm thành công, bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì mỗi nhà văn, nhà thơ cần phải có một phong cách nghệ thuật đặc sắc, khác biệt để tác phẩm của mình mang nhiều giá trị, ý nghĩa. Nhà thơ Quang Dũng đã vô cùng thành công khi viết bài thơ Tây Tiến, qua hình ảnh người lính Tây Tiến vừa lãng mạn, lạc quan lại vừa bi tráng, ta cũng hiểu rõ hơn về tình cảm và nỗi nhớ mà ông dành cho binh đoàn cũ của mình.

Mở bài 4: Nếu trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn học Việt Nam với tác phẩm tiêu biểu là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì ở thời kì kháng chiến chống Pháp, bài thơ được biết đến nhiều nhất có lẽ là bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ đã thể hiện lên vẻ đẹp hào hùng, anh dũng của những người chiến sĩ dưới ngòi bút tài hoa, lãng mạn đầy thi vị của tác giả. Có lẽ khó có một bài thơ nào trong thời kì này sánh được bằng đoàn binh Tây Tiến của ông

Mở bài 5: Phong trào thơ mới 1932 - 1945 đánh dấu sự thành công vượt bậc của văn học Việt Nam với sự đóng góp bởi các tên tuổi nổi tiếng với phong cách thơ lãng mạn, hào sảng nổi trội trong làng thơ như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Quang Dũng... Và hẳn nhiên, không ai có thể quên Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, bởi riêng mình Quang Dũng dường như đã tự tách biệt mình ra với hướng đi của các nhà thơ lãng mạn khác.

Mở bài 6: Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét và bài thơ Tây Tiến: “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

Mở bài 7: Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Và “Tây Tiến” là 1 trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm gian khổ ấy bất tử cùng thời gian

Mở bài 8: Cho đến nay Tây tiến vẫn là một đài thơ (Thi Sơn) đầy kỳ bí. Cái ma lực, cái âm hưởng của bài thơ Tây tiến...chưa ai lý giải hết được. Phải chăng cái hay là bởi lời thơ, ý thơ, hình tượng thơ Giầu nhạc điệu được chứa trong một hồn thơ thật mới lạ và rất sâu sắc? Con người nồng hậu, nét bút tài hoa trong cách sử dụng ngôn ngữ thơ và hình ảnh thơ đã làm nên kiệt tác thơ Tây tiến. Với Tây tiến, Quang Dũng dưa ta đi vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm,của sự vọng tưởng diệu huyền. Với Tây tiến, Quang Dũng đã xây tượng đài về anh Bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến 9 năm đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng

Mở bài 9: Nhà thơ Chế Lan Viên từng để tâm hồn thăng hoa trong những lời thơ sâu sắc: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Trong cuộc đời mỗi người từng gắn bó với nhiều mảnh đất. Mỗi mảnh đất ta qua đều trở thành dấu ấn, trở thành những kỉ niệm khó quên. Nhà thơ Quang Dũng cũng đã từng trải qua cảm xúc ấy. Nỗi nhớ của ông về những năm tháng kháng chiến, về những kỉ niệm gắn bó với mảnh đất Tây Bắc đã được ghi lại chân thực trong bài thơ Tây Tiến.

Mở bài 10: Quang Dũng là một người nghệ sĩ đa tài, ông có thể viết văn, làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc, trong đó ông đặc biệt thành công trong lĩnh vực sáng tác thơ văn, với hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng Quang Dũng đã mang đến cho thơ văn kháng chiến một màu sắc mới mẻ, độc đáo, đặc biệt là trong hình tượng người lính: vừa kiên cường dũng cảm vừa hào hoa phong nhã. Có thể thấy rõ những nét mới mẻ này qua bài thơ được coi là kiệt tác thơ văn của Quang Dũng- Tây Tiến. Tây Tiến được sáng tác năm 1947 khi Quang Dũng chia tay với đồng đội, binh đoàn Tây Tiến để chuyển đến đơn vị công tác mới. Qua bài thơ, Quang Dũng không chỉ thể hiện nỗi nhớ, tình cảm gắn bó với những người đồng đội và vùng đất Tây Bắc mà còn dựng lên đầy sống động chân dung những người lính Tây Tiến vừa kiêu dũng, ngoan cường vừa tài hoa lãng mạn.

Xem thêm:

Việt Bắc - Tố Hữu

Mở bài 1: Đề tài kháng chiến là một đề tài quen thuộc trong thơ ca cách mạng VN trong đó bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là thi phẩm tiêu biểu. Bài thơ được sáng tác vào tháng 10-1954 sau thắng lợi chiến dịch ĐBP lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Vì thế bài thơ vừa có ý nghĩa lịch sử lại vừa có ý nghĩa văn học sâu sắc. Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ VB của TH là khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến”

Mở bài 2: Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10 năm l954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân - tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc. Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

Mở bài 3: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai của dân tộc ta thắng lợi được nhân loại tiến bộ vinh danh là “cuộc chiến tranh thần thánh”. Tính thần thánh, huyền thoại ấy được biểu hiện ở đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng suốt, ở lòng yêu nước, lý tưởng độc lập – tự do, ở tinh thần kiên cường, dũng cảm của quân dân ta. Với một lực lượng nhỏ bé, vũ khí thô sơ, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, quân ta phải đối diện trước bọn thực dân Pháp binh hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại,...Vậy mà cuối cùng dân tộc ta đã chiến thắng. Một trong những nguyên nhân thắng lợi là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân, sức mạnh của tình dân với Cách mạng, tình người mặn nồng, tha thiết, yêu thương, gắn bó với nhau.Vẻ đẹp của khối đoàn kết toàn dân, của tình người ấy đã được nhà văn Tố Hữu ngợi ca bằng những từ ngữ, những câu thơ, những hình tượng thẩm mĩ vô cùng ấn tượng trong đoạn trích phần một của trường ca Việt Bắc. Ngày nay, cuộc chiến đã đi qua, nhưng tình người thì còn lại mãi mãi...

Mở bài 4: Tố Hữu là nhà thơ lớn, con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, các chặng đường thơ của ông đều gắn bó với các chặng đường cách mạng dân tộc. Các tác phẩm của Tố Hữu luôn in đậm khuynh hướng trữ tình chính trị và đậm đà tính dân tộc. Và “Việt Bắc” là một trong những bài thơ hay nhất của đời thơ Tố Hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Pháp. Nó được xem như một bản tổng kết bằng thơ cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, anh hùng của dân tộc và lời tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng. Đoạn trích “...” là lời của cán bộ kháng chiến về xuôi với người dân Việt Bắc, như sự đáp lời cho câu hỏi đau đáu “Mình về mình có nhớ ta?”. Nếu như đồng bào Việt Bắc nhớ cán bộ kháng chiến thì cán bộ kháng chiến cũng dành trọn tình cảm yêu thương cho những con người nghĩa tình ấy. Một tình cảm tri ân đồng vọng.

Mở bài 5: Có một nhà thơ lớn để lại những cảm xúc không thể nào quên trong lòng độc giả. Đó là nhà thơ Tố Hữu. Những vần thơ của ông mãi là áng văn ca trữ tình dạt dào cảm xúc nhất. Với chất thơ chính trị kết hợp với trữ tình, ông luôn đề cập đến những vấn đề lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Nhân vật trong thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho ý chí, tinh thần, tình cảm của cộng đồng giai cấp. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là cái tôi đại diện, đứng trên lập trường của dân tộc để ngợi ca hay phê phán. Cả bài thơ là nỗi nhớ của người miền ngược nhớ người miền xuôi khi phải chia tay. Để đáp lại tình cảm đó cán bộ kháng chiến cũng dành tình cảm yêu thương cho người miền ngược chung thủy, trọng tình nghĩa.

Mở bài 6: Chiến tranh luôn hằn sâu trong mỗi chúng ta là đau khổ, hy sinh, mất mát. Văn học giai đoạn 1945 – 1975 đã chứng kiến rất nhiều những gian khổ, đớn đau đó. Để rồi hào hùng có, bi tráng có, in lại nỗi nhói đau trong tim của biết bao nhiêu người lính. Nhưng thực sự đến khi Việt Bắc ra đời thì nó mới xứng đáng là một mảnh “trữ tình”, thổi làn gió mới vào những trái tim đau thương bấy lâu nay. Sau sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ làm nên lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, người lính Tố Hữu phải rời xa chiến khu. Trong giây phút quyến luyến chia tay, ông đã viết bài thơ để gửi gắm nỗi niềm thương nhớ tới những con người đậm đà tình nghĩa. Qua đó cũng là cách ông tự hào về dân tộc, về chiến thắng oanh liệt của dân ta.

Mở bài 7: Trong câu chuyện với một nhà nghiên cứu văn học Pháp là Mireille Gansel, Tố Hữu tâm sự rằng ông "phải lòng" đất nước và nhân dân mình và đã nói về đất nước, về nhân dân như nói với người đàn bà mình yêu. Thật vậy, thấm dần trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương Tổ quốc và người dân đất Việt, là những khúc hát yêu thương thấm đượm nghĩa tình. Vì thế "Việt Bắc" đã trở thành tiếng hát ân tình thủy chung của những người kháng chiến, của cả dân tộc trong một thời điểm rất đáng ghi nhớ. Vốn là tiếng nói của tình cảm, tinh yêu sâu sắc nhưng "Việt Bắc" là tình yêu với quê hương đất nước, đối với cách mạng, đối với nhân dân. Có thể nói, tác phẩm "Việt Bắc" ngọt ngào đằm thắm rất tiêu biểu cho hồn thơ, cho phong cách của Tố Hữu. Việt Bắc là một trong những bài thơ có độ phổ biến với công chúng bạn đọc nhiều nhất của ông. Qua bài thơ bạn đọc có thể cảm nhận được một thời đại cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, nhất là nghĩa tình gắn bó thắm thiết của những người kháng chiến với Việt Bắc, với nhân dân, đất nước. Thấy rõ nội dung bài thơ đậm tính dân tộc, làm dào dạt thêm tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

Xem thêm:

Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm

Mở bài 1: Đất Nước - hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta vừa cao cả, trang trọng, vừa xiết bao bình dị, gần gũi. Hình tượng Đất nước đã khơi nguồn cho biết bao hồn thơ cất cánh. Văn học kháng chiến 1945 - 1975 trong mạch chảy ngầm dạt dào, mãnh liệt của cuộc sống không chỉ bắt được những âm vang náo nức cùa thời đại mà còn khắc tạc nên tượng đài nghệ thuật Đất nước thật nên thơ, cao đẹp.

Mở bài 2: Trong suy nghĩ của mỗi người, yêu nước thường là một tình cảm lớn lao, xa vời, khó cảm nhận. Nhưng qua bài Đất nước, bằng những câu thơ vừa dồn nén cảm xúc vừa trĩu nặng suy tư, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thầm nhắc bạn đọc – nhất là lớp người trẻ tuổi “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ...” Đất Nước gắn bó, biểu hiện ngay bên cạnh chúng ta. Phải chăng lòng yêu nước bắt đầu từ những điều giản dị, gần gũi nhất, như yêu cha mẹ, gia đình, mái nhà ta ở, hạt gạo ta ăn, từ mỗi giọt máu, đốt xương của chính mình? Từ tình yêu nhỏ, tuổi trẻ hãy mở rộng tấm lòng để có tình yêu lớn. Từ tình yêu, chúng ta cần thức tỉnh sứ mệnh của mình trước lịch sử. Ngày xưa, sứ mệnh ấy là chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, còn ngày nay, sứ mệnh ấy là gì?

Mở bài 3: Đất nước là đề tài muôn thuở của thơ văn Việt Nam. Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu song gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất nước là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc chính tác giả.

Mở bài 4: Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân. Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng trong Đất nước trích Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm , ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.

Mở bài 5: Đối với mỗi chúng ta, khi nhắc về đất nước, ta thường đồng nhất khái niệm ấy với những điều thiêng liêng, to lớn, xa xôi, trừu tượng. Nhưng khi đọc Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm trích trong trường ca Mặt đường khát vọng ta nhận ra rằng đất nước không trừu tượng, xa xôi như thế, đất nước gần gũi bình dị, thân thương, ân tình và mỗi người đều tìm thấy đất nước trong chính mình. Nó không chỉ là mảnh đất đã ấp ủ, chắt chiu nuôi ta lớn mà hơn thế, đất nước đã trở thành một phần hòa chảy cùng dòng máu nóng trong cơ thể, thành những nhịp đập trong trái tim ta và từ đó trong mỗi chúng ta đều có một phần Đất nước.

Mở bài 6: Giữa muôn vàn những tác phẩm thơ ca về đề tài Đất nước, ta vẫn nhận thấy được cái chất rất riêng của Nguyễn Khoa Điềm với thi phẩm “Đất nước” được trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Những vần thơ mang đậm chất trữ tình xen lẫn chính luận của ông đã đưa ra một cái nhìn rất mới mà cũng rất gần gũi bình dị, qua đó cũng thức tỉnh thế hệ trẻ về trách nhiệm, sứ mệnh của mình với đất nước. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua biết bao nhiêu sóng gió chiến tranh được tái diễn một cách sinh động qua một hồn thơ tinh tế, đầy phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất Nước – một tên gọi vô cùng thiêng liêng, bình dị nhưng lại chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc của chính tác giả.

Xem thêm:

Sóng - Xuân Quỳnh

Mở bài 1: Tình yêu - một đề tài từng làm rung động trái tim biết bao người và ngân lên thành biết bao lời thơ nhân loai. Mỗi một nhà thơ tìm đến một cách biểu hiện khác nhau: một tình yêu mang yếu tố triết lý trong thơ Tago, một tình yêu nồng nàn đắm say trong thơ Puskin, một tình yêu rạo rực tràn đầy cảm xúc trong thơ Xuân Diệu và đến với bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh tôi bắt gặp một cảm xúc tình yêu đầy trăn trở khát khao của tâm hồn người phụ nữ trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

Mở bài 2: Sẽ thật là thãi thừa khi nói về vẻ đẹp, sự huyền bí, sự hấp dẫn, niềm sung sướng và cả những đớn đau do Tình Yêu đem lại. Thế gian đã tốt bao nhiêu giấy, mực, thậm chí cả ..máu để nói, viết, ca tụng cho Tình Yêu. Trong cuộc đời trần tục đầy biến ảo này, mọi thứ đều thay đổi, nhưng có một thứ là bất biến, vĩnh hằng...Đó chính là sự thuần khiết, lung linh của Tình yêu. Có lẽ tự thủa hồng hoang, tình yêu của loài người cũng đã vậy và cho đến nay nó vẫn vậy về bản chất, tình yêu đó chỉ thay đổi về hình thức thể hiện nhưng bảo tồn nguyên vẹn chất liệu nội dung.Thật là đẹp và lãng mạng biết bao khi tác giả Xuân Quỳnh đã mượn hình ảnh sóng để nói lên những trăn trở, khát khao của tâm hồn người phụ nữ trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

Mở bài 3: Tình yêu là một đề tài muôn thuở của thơ ca. Muôn đời tình yêu vẫn mới lạ vẫn hấp dẫn với mọi người.Nhiều nhà thơ đã viết về tình yêu đã nói về tình yêu bằng một cảm hứng mãnh liệt in đậm dấu ấn tâm hồn tư tưởng và phong cách của mình. Xuân Quỳnh với bài thơ "sóng"-một bài thơ tình duy nhất trong tập thơ "Hoa dọc chiến hào" đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó quên. Tình yêu ở đây được đề cập đến một cách sâu sắc đậm đà. Chị đã mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc tâm trạng những sắc thái tình cảm vừa phong phú phức tạp vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực khao khát yêu đương.

Mở bài 4: “Sóng” được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968 của nữ nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Quỳnh. Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu đồng nhịp với sóng biển. Rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải, có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.

Mở bài 5: Không biết từ bao giờ mà những con sóng nhỏ ào ạt từ sông, từ biển đã chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc một làn hơi thở của mùa thu trong veo, hay Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những vần thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc, thì nhà thơ Xuân Quỳnh lại khoác lên những con sóng bạc đầu kia một tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng, nồng nàn. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng, thì vẻ đẹp dịu dàng, một lòng chung thủy trong tình yêu của người con gái được nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ “Sóng” ngời sáng như một viên ngọc minh châu của văn chương.

Mở bài 6: Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ cứu nước đã để nhiều dấu ấn trong nền văn học Việt Nam với vô vàn những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn viết về đề tài đất nước, cách mạng. Trên những bước đường hành quân đầy gian khổ vẫn có những vần thơ tươi xanh, vui vẻ, vẫn có những đóa hoa nở dọc chiến hào cất lên với bao lời ca say đắm về tình yêu đôi lứa. Đến với “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh người đọc sẽ được đi vào một thế giới của tình yêu và cảm nhận những nét đặc sắc rất riêng trong thế giới thơ tình của nhà thơ.

Mở bài 7: Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn học, nghệ thuật; là nguồn cảm hứng bất tận của người nghệ sĩ thiết tha với đời, với người. Có thể nói rằng từ khi có con người thì đã có tình yêu và con người còn tồn tại thì tình yêu còn bất diệt. Lịch sử thơ ca nhân loại từ xưa đến nay đã có biết bao bài thơ tình nổi tiếng khắp Đông, Tây ca ngợi tình yêu của con người và đã từng làm xúc động biết bao trái tim của nhiều thế hệ. Ở Việt Nam chúng ta, những năm tháng chống Mỹ cứu nước, tuy phạm vi thơ ca chủ yếu mở rộng về phía tình cảm lớn như tình yêu Tổ quốc, đất nước, nhân dân, cách mạng nhưng thơ ca vẫn dành một khoảng nhất định cho tình cảm riêng tư. Nhiều bài thơ ca ngợi tình yêu nam nữ ra đời trong thời kỳ này còn mãi làm xúc động trái tin bao thế hệ sau này. “Sóng” của Xuân Quỳnh – một nhà thơ nữ tài hoa – là một bài thơ như thế.

Xem thêm:

Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Mở bài 1: Nhà văn Tô Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng trước Cách Mạng Tháng Tám. Ông là người có vốn hiểu biết phong phú vê phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta, trong đó Tây Bắc là một điển hình sâu sắc nhất. Trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ, Tô Hoài đã làm nên bức tranh hai màu sáng tối, mà đứng đầu hai thái cực ấy chính là cha con thống lý Pá Tra và vợ chồng A Phủ.

Mở bài 2: Nói về việc sáng tác “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết, “ngoài tài liệu và trên cả sáng tạo”, ông đã đưa vào trong tác phẩm của mình “những ý thơ”: “Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi”. Thật vậy, cụ thể trong “Vợ chồng A Phủ”, ta bắt gặp một trong những nét đặc sắc nhất của Tô Hoài là biệt tài phát hiện và chuyển tải chất thơ trong cuộc sống bình dị vào trang viết. Chất thơ man mác bao phủ bầu không khí của tác phẩm là sự cộng hưởng hiệu ứng của nhiều thủ pháp nghệ thuật, ánh lên từ tình huống truyện đầy nhân văn, từ ngôn ngữ hàm súc và giọng điệu trần thuật giàu tính nhạc. Để rồi từ đó, hiện lên trong tác phẩm bàng bạc chất thơ này là thiên nhiên, là lối sống, là phong tục và tâm hồn con người không lẫn vào đâu được.

Mở bài 3: Tô Hoài - nhà văn của người dân miền núi. Những năm tháng lặn lội, thâm nhập vào cuộc sống của con người vùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà văn. Những bản làng chìm trong sương với những người dân chân chất, thật thà. Những con người sống trong cảnh đời cơ cực đầy những bất công dưới xã hội cũ nhưng lòng vẫn cháy không nguôi khát vọng sống mạnh mẽ tựa như sức sống vững vàng của núi, của rừng. Phẩm chất tốt đẹp đó của con người vùng cao được Tô Hoài phản ánh qua khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật Mị - nhân vật chính trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ vào đêm tình mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc.

Mở bài 4: Nếu ai từng một lần đến với Tây Bắc, đến với những bản làng hiền hòa chìm trong sương, đến với những phong cảnh núi rừng hùng vĩ trữ tình, đến với cuộc sống tươi vui của những đứa con nơi núi rừng hẳn không nghĩ rằng, những con người nơi đây từng khổ cực tram bề. Cảnh đói nghèo cơ cực cùng sức nặng cường quyền và thần quyền đè nặng lên đôi vai những số phận bé nhỏ. Nhưng đằng sau tất cả vẫn là sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ. Và Tô Hoài đã phản ánh những điều ấy qua hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Mở bài 5: Nếu chỉ dừng lại ở tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhà văn Tô Hoài đã rất nổi tiếng, đã làm được cái việc mà như nhà văn Nam Cao nói là “để đời” đối với sự nghiệp của bất cứ người cầm bút nào. Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài không dừng lại ở chú “dế mèn” mà còn đi xa hơn. Ra đi ở tuổi 95, ông đã để lại cho đời hơn 100 đầu sách. Nếu chỉ tính về mặt số lượng thì mấy ai làm được như ông? Còn nói về khía cạnh nghệ thuật, bảo rằng Tô Hoài đi được xa hơn cũng chính bởi khi nghĩ đến ông, người ta cũng nhớ ngay “Vợ chồng A Phủ” - truyện ngắn đã được dựng thành phim và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã cống hiến.

Mở bài 6: Tô Hoài được biết đến như nhà văn của phong tục và người dân miền núi phía Bắc. Có lẽ vậy mà Tô Hoài chia sẻ: “Tây Bắc đã để thương, để nhớ trong tôi”. Ông tìm kiếm sự chân thực với quan niệm viết văn là một quá trình không tầm thường, phản ánh sự thật ở đời cho dù phải đập vỡ những hình tượng trong lòng bạn đọc. Nếu cùng thời với nhà văn, Nguyễn Tuân lên Tây Bắc tìm thứ vàng mười đã qua thử lửa thì Tô Hoài Lên Tây Bắc với quan niệm Văn chương và khao khát đóng góp cho cuộc đấu tranh của nhân dân. Tám tháng gắn bó với bà con dân tộc miền núi phía Bắc (trong đợ theo bộ đội lên Tây Bắc mở trại sáng tác) là tám tháng Tô Hoài hiểu và cảm đời sống cùng tấm lòng của người dân nơi đây. Trước khi về, tạm biệt dân làng tại chân núi, hai tiếng “Cháo lù! Cháo lù!” (Trở lại! Trở lại!) để lại nỗi nhớ da diết về người thương nơi đây. Ông viết tập Truyện Tây Bắc và trong đó “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc nhất. Truyện hoàn thành năm 1953 với người phụ nữ tên Mị trải qua cuộc đời đầy bi kịch trước những hào quang bề ngoài. Thế nhưng, sau sự cam chịu sống dật dờ, Mị đã thức tỉnh khao khát hạnh phúc và bứt phá khỏi sợi dây cường quyền, thần quyền để tìm lại tự do cùng với A Phủ.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ mẫu 7

Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Tô Hoài - một nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với vốn am hiểu về cuộc sống, phong tục của con người Tây Bắc, ông đã mang đến cho bạn đọc một “Vợ chồng A Phủ” nhiều ý nghĩa sâu xa khiến bạn đọc ám ảnh.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ mẫu 8

Năm tháng trôi qua, nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng tuy nhiên những giá trị thì vẫn trường tồn cùng thời gian và gây ấn tượng sâu sắc với thế hệ đi sau. Có thể lúc bấy giờ có rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu, nhưng mãi sau này chúng ta vẫn còn ấn tượng và yêu quý nhà văn Tô Hoài cùng hình ảnh cô Mị xinh đẹp, đáng thương hay A Phủ tràn đầy sức sống, vô cùng mạnh mẽ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ mẫu 9

Để làm nên một tác phẩm thành công, bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì mỗi nhà văn, nhà thơ cần phải có một phong cách nghệ thuật đặc sắc, khác biệt để tác phẩm của mình mang nhiều giá trị, ý nghĩa. Nhà văn Tô Hoài đã vô cùng thành công khi viết truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, qua hình ảnh cô Mị bất hạnh và chàng trai A Phủ mạnh mẽ, ta hiểu hơn về những hủ tục một thời ở vùng cao đã đày đọa con người khốn khổ thế nào.

Xem thêm:

Vợ nhặt - Kim Lân

Mở bài 1: Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân - một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy" ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay viết ngay tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn "Vợ nhặt" đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.

Mở bài 2: Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945 để diễn tả được cái đói có sức nặng như thế nào, nhưng ngụ ý của tác giả chính là việc dựa trên nạn đói để lột tả tính cách “trong như ngọc sáng ngời” của những con người, những mảnh đời lầm thân. Nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng điển hình cho người đàn bà nghèo khổ đến cùng cực nhưng có tình yêu thương con đến vô bờ bến. Hẳn rằng người đọc sẽ không bao giờ quên những lời mà Kim Lân đã dành cho bà.

Mở bài 3: Dịch đói năm 1944-1945 đã cướp đi rất nhều sinh mạng của đồng bào ta. Ở các vùng nông thôn Bắc Bộ, hầu như gia đình nào cũng có người chết đói, anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái ly tán khắp nơi. Sự sống của mỗi người bị cái đói đe dọa từng ngày. Trong bối cảnh xã hội đó, truyện Vợ Nhặt lại được viết ra thì thật lạ. Một cuộc sống vợ chồng, một nguồn sống cho một mầm sống tương lai tại sao lại được bắt đầu ảm đạm và phấp phỏng như thế dưới ngòi bút đầy tinh tế và tài hoa của Kim Lân.

Mở bài 4: Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã khiến cho nhân dân ta rơi vào tình cảnh vô cùng thê thảm. Tình cảnh ấy được các nhà văn tái hiện chân thực trong những sáng tác của mình. Nhà văn Kim Lân cũng là một trong số đó. Ông đã khắc họa số phận của những người nông dân qua tác phẩm “Vợ nhặt” bằng một lòng thương cảm sâu sắc.

Vợ nhặt là một trong số truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được ông viết sau Cách mạng tháng Tám nhưng còn dở dang và sau đó bị thất lạc bản thảo. Đến năm 1954, Kim Lân đã viết lại tác phẩm này dựa vào một phần truyện cũ và được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Truyện tố cáo tội ác diệt chủng của bọn thực dân, phát xít đồng thời cũng khẳng định niềm khát khao hạnh phúc cùng niềm tin mãnh liệt của nhân dân lao động vào sự sống và tương lai phía trước.

Mở bài 5: Lịch sử dân tộc ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc ghi dấu mốc son chói lọi, song vận mệnh đất nước lại lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành, là một nỗi ám ảnh trong ký ức của biết bao con người. Cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng của mình đã khắc họa lại rõ nét bức tranh nghèo đói của con người thời ấy. Nhưng vượt lên cả là niềm sống mãnh liệt, sự khao khát về một tương lai tươi sáng dù trong cái tận cùng của chết chóc. Tất cả nghịch cảnh, hay sự đẹp đẽ trong tình người đều được thể hiện rất rõ nét qua tác phẩm "Vợ nhặt."

Xem thêm:

Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành

Mở bài 1: Đọc truyện ngắn Rừng xà nu, người đọc có ấn tượng mạnh mẽ song trùng là vẻ đẹp của cánh rừng và những người anh hùng trên vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Rừng xà nu được khắc họa từ đầu đến cuối tác phẩm vừa mang nét tự nhiên, vừa tượng cho biết bao tính cách của con người. Trong đó, nổi bật là nhân vật Tnu. Tnu cũng xuất hiện ngay từ đầu rồi đi suốt văn bản, song hành, đầy biến động, để lại ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc như rừng xà nu vậy. Một rừng cây – một đời người. Xà nu – loại cây thông chỉ có ở núi rừng nơi đây không chỉ “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng” mà còn góp phần sinh ra, nuôi lớn, bảo vệ và hóa thân vào tinh thần, ý chí, vào sức mạnh anh hùng của mỗi người dân, và đặc biệt là Tnu. Tnu là người con của dân làng cũng là người con của rừng xà nu.

Mở bài 2: ...Để dẫn ra một tác phẩm tiêu biểu có thể minh hoạ cho sự tồn tại của "nền văn học sử thi" trong văn học Việt Nam 1945 - 1975 tưởng không có tác phẩm nào tiêu biểu hơn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Quả đây là một truyện ngắn mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn (thực ra với các tác phẩm thuộc loại này chỉ nói đến tính sử thi là đủ bởi cảm hứng lãng mạn đã trở thành một phần tất yếu của nó).

Mở bài 3: Truyện ngắn Rừng xà nu là tác phẩm xuất sắc viết về đề tài miền núi, đề tài chiến tranh, cách mạng. Truyện ngắn này đã đạt giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Rừng xà nu phản ánh cuộc đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên chống Mĩ Ngụy, làm ngời lên lòng yêu nước bất khuất và sức sống kiên cường của người dân Tây Nguyên nói riêng, đồng bào miền Nam nói chung. Tác phẩm Nguyễn Trung Thành nổi bật ở cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi trong văn học giai đoạn 1945 - 1975. Nổi bật lên trong truyện ngăn Rừng xà nu là nhân vật Tnú.

Mở bài 4: Tây Nguyên là mảnh đất nắng gió bao la, nơi đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Mảnh đất sản sinh văn hóa cồng chiêng và bao pho sử thi đồ sộ như Đam Săn, Xinh Nhã, Xinh Bia… Mảnh đất ấy cũng từng kinh qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và để lại bao dấu ấn đẹp đẽ qua bao trang văn, trang thơ. Trong số những sáng tác về mảnh đất và con người nơi đây phải kể đến “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965 và nhanh chóng trở thành một khúc hùng ca bi tráng, thiêng liêng – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Người đã dệt nên bản anh hùng ca ấy chính là hình tượng nhân vật Tnú – con người tiêu biểu cho chân lý cách mạng ngời sáng mà cụ Mết đã truyền dạy “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

Mở bài 5: Nguyễn Trung Thành là nhà văn đã sống và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính mảnh đất và tình người nơi đây đã phả hồn vào những trang viết của nhà văn và để lại dấu ấn sâu đậm qua: “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Trong số đó, “Rừng xà nu” được xem là một khúc hùng ca – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Tác phẩm có kết cấu độc đáo – truyện lồng truyện, truyện của cuộc đời những cánh rừng xà nu quyện hòa vào cuộc đời của nhân vật chính – Tnú. Tất cả tạo nên một đội ngũ trùng điệp, bất tận về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn của dân tộc. Ấn tượng sâu đậm nhất, khắc sâu nhất trong tác phẩm này chính là hình tượng nhân vật Tnú – một nhân vật mang tầm vóc sử thi của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên anh hùng.

Xem thêm:

Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Mở bài 1: Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. Ở giai đoạn trước, ngòi bút của ông theo khuynh hướng sử thi, đậm tính chiến đấu và thiên hướng trữ tình lãng mạn, thời kì sau chuyển sang cảm hứng thế sự cùng những vấn đề triết lí nhân sinh. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau. Tác phẩm kể về chuyến đi thực tế của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng, qua đó thể hiện cái nhìn sâu sắc của tác giả về vấn đề nghệ thuật và cuộc sống. Những phát hiện của nghệ sỹ nhiếp ảnh Phùng làm nổi bật tư tưởng của nhà văn.

Mở bài 2: Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.

Mở bài 3: Nguyễn Minh Châu là người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật, thao thiết kiếm tìm “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người.” Trước 1975, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những tác phẩm đậm chất sử thi như: Cửa sông, Miền cháy, Dấu chân người lính. Thế nhưng, sau 1975, chính Nguyễn Minh Châu lại là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Chiếc thuyền ngoài xa được in năm 1983 là một bước tiến dài rất đáng trân trọng trong hành trình khám phá vào tầng chìm, vào chiều sâu của cuộc sống và con người của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.

Mở bài 4: Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ cách nhìn về cuộc đời của mình qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa.Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ cách nhìn về cuộc đời của mình qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Cách đặt tên tác phẩm, tên nhân vật và xây dựng hình tượng trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của ông là một ví dụ. Và có lẽ hình tượng “Chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.

Mở bài 5: Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt nam hiện đại. Ông là người mở đường tinh anh và thành công nhất của nền văn học thời kì đổi mới. Mang một ước nguyện khám phá con người ở bên trong con người, ông đã mang đến cái nhìn đa chiều các sự việc và con người trong cuộc sống vào tác phẩm của mình. "Chiếc thuyền ngoài xa" cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này của ông. Nhân vật người đàn bà hàng chài được tác giả khắc học và phăm phá bằng cái nhìn đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có khi được hiện lên từ sự quan sát, cảm nhận của nhân vật Phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh với tâm hồn nhạy cảm, phong phú, có lúc chị tự bộc lộ mình qua những lời nói, hành động trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Khi khám phá tính cách của người đàn bà hàng chài, ấn tượng đầu tiên Nguyễn Minh Châu muốn đem đến cho người đọc là vẻ ngoài xấu xí, lam lũ cùng với vẻ cam chịu đến nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này ẩn dấu những vẻ đẹp nhân tâm của phụ nữ Việt nam hiên đại.

Mở bài 6: Nhà văn Nam Cao từng khẳng định "nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Người nghệ sĩ phải dùng đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, không nên chạy theo những vẻ đẹp dù hào nhoáng mà trống rỗng vô hồn. Với quan niệm ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong các sáng tác của mình đã làm rõ khởi nguồn của nghệ thuật, thông qua số phận đau khổ bất hạnh của nhân vật. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là thước phim quý giá được nhà văn sáng tác ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Tác phẩm không chỉ khắc họa trên thực hình ảnh cuộc sống thời hậu chiến mà còn bộc lộ nỗi trăn trở, xót xa trước những góc khuất của người lao động. Thông qua đoạn trích, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện nỗi cảm thông sâu sắc trước số phận vô cùng bất hạnh của người đàn bà hàng chài.

Mở bài 7: Bước ra khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Thế nhưng trong cuộc sống thời hậu chiến của những con người nhỏ bé đáng thương vẫn phải vật lộn với những lo toan, mưu sinh. Những phát hiện đau đớn đó đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Đó không chỉ là nỗi trăn trở do trước những đau đớn của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm nghệ thuật cũng như tư tưởng của người nghệ sĩ.

--------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc 37 mở bài mẫu cho các tác phẩm văn học lớp 12. Bài viết được tổng hợp các mẫu mở bài cho các tác phẩm văn học lớp 12. Mong rằng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc học tốt hơn môn Ngữ văn 12 nhé. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Soạn văn 12, Văn mẫu 12...

Xem thêm:

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về

Đánh giá bài viết
19 111.589
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Hằngg Ỉnn
    Hằngg Ỉnn

    Có phần kết bài không bạn, mình xin với ạ

    Thích Phản hồi 18/06/22
  • Bảnh
    Bảnh

    Mở bài là phần linh hồn của bài văn, cảm ơn bạn nhiều nha

    Thích Phản hồi 18/06/22
  • M✼L✼C』LྂKྂSྂPTTB vẹt ...
    M✼L✼C』LྂKྂSྂPTTB vẹt ...

    Mình xin tài liệu ôn thi THPT môn Văn nhé ad

    Thích Phản hồi 18/06/22

Mở bài lớp 12 hay

Xem thêm