Soạn văn bài: Vợ nhặt

Soạn văn bài Vợ nhặt ngắn gọn

VnDoc mời các bạn học sinh và thầy cô tham khảo tài liệu: Soạn văn bài: Vợ nhặt, với nội dung đã được VnDoc cập nhật chi tiết và ngắn gọn sẽ là nguồn thông tin hữu ích giúp các bạn học sinh học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12.

Học tốt Ngữ văn lớp 12: Soạn văn bài Vợ nhặt

I. Tác giả & tác phẩm

1. Tác giả

Kim Lân (1920 – 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng.

Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

Kim Lân là cây bút chuyên viết về truyện ngắn.Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.

2. Tác phẩm

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962).Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám, nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954),ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Có thể chia tác phẩm thành bốn đoạn:

- Đoạn 1: (từ đầu đến “Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.

- Đoạn 2: (tiếp theo đến “cùng đẩy xe bò về”): lí giải về việc Tràng nhặt được vợ.

- Đoạn 3: (tiếp theo đến “nước mắt cứ chảy xuống dòng dòng”): cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.

- Đoạn 4 (phần còn lại): buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.

Mạch truyện được dẫn dắt tự nhiên, khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống anh Tràng lấy được vợ giữa những ngày đói kém khủng khiếp.

Câu 2 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà, bởi:

- Một người nghèo túng, xấu xí, dân ngụ cư lại bỗng dưng lấy được vợ.

- Giữa lúc đói kém, người như Tràng đến thân mình còn không lo nổi lại đèo bòng vợ với con.

Sự ngạc nhiên của dân làng, của bà cụ Tứ, và của chính Tràng, tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo: Đây là một tình huống oái oăm không biết nên vui hay nên buồn, không biết nên mừng hay nên lo. Mọi người đều có chung tâm trạng ấy, nhất là bà cụ Tứ: “Lòng ngưởi mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự. Bà mừng vì dù sao con mình cũng đã có vợ, một mặt lại tủi vì gặp phải đói khổ này người ta mới lấy đến con mình...”.

Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm.

Câu 3 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Nhan đề Vợ nhặt thâu tóm giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm: “Nhặt” đi liền với những thứ không ra gì, có thể “nhặt” ở bất kì đâu, hoàn cảnh nào. Nhưng “vợ” lại là sự trân trọng, người vợ có vị trí quan trọng trong gia đình. Người ta hỏi vợ, cưới vợ, còn Tràng do nhặt nhạnh mà thành.

→ Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời qua đó, cũng bộc lộ sự yêu thương, đùm bọc, sức mạnh hướng tới cuộc sống, tổ ấm, niềm tin của con người trong hoàn cảnh khốn cùng.

Câu 4 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Niềm khát khao hạnh phúc gia đình được thể hiện hết sức chân thực và sâu sắc qua nhân vật Tràng.

- Lúc đầu khi có ý định đưa người đàn bà xa lạ về nhà, Tràng có chút phân vân, do dự: “Mới đầu chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình còn chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng sau đó, chàng đã “tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ!” rồi quyết định đưa người đàn bà về nhà.

→ Quyết định của Tràng thể hiện niềm khao khát hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo khổ đồng thời thể hiện giá trị nghệ thuật của tác phẩm: “Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai”.

- Trên đường về xóm ngụ cư, Tràng không cúi xuống lầm lũi như mọi ngày mà “phởn phơ”, “vênh vênh ra điều”. Trong phút chốc, Tràng quên đi tất cả tăm tối, “trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy”.

- Buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng biến đổi hẳn: “Hắn thấy bây giờ hắn nên người”. Tràng thấy có trách nhiệm và gắn bó với tổ ấm của mình: “Bỗng nhiên hắn cảm thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”.

→ Con người trở nên trưởng thành hơn với những yêu thương, ước mong gắn bó, xây đắp hạnh phúc gia đình.

Câu 5 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

- Tâm trạng tinh tế, phức tạp của bà cụ Tứ được sau khi Tràng có vợ được miêu tả hết sức sinh động, tinh tế. Từ chỗ ngạc nhiên đến lo lắng, day dứt, băn khoăn rồi xót thương và cuối cùng vui vẻ chấp nhận... tất cả thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu của người mẹ nghèo.

- Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, bà cụ Tứ đã nhen nhóm cho các con niềm tin, niềm hi vọng: “tao tính khi nào có tiền thì mua lấy con gà về nuôi, chả mấy có đàn gà cho xem”. Bà là hiện thân của nỗi khổ con người. Người mẹ ấy đã nhìn cuộc hôn nhân éo le của người con thông qua toàn bộ nỗi khổ của cuộc đời bà.

→ Hình ảnh, tâm trạng của bà cụ Tứ thể hiện chiều sâu tư tưởng của Kim Lân, là nhân vật điển hình của bà mẹ Việt Nam khốn khó, bất hạnh nhưng giàu tình yêu thương, nhân ái.

Câu 6 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân:

- Cách tạo tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.

- Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.

- Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.

- Ngôn ngữ kể chuyện phong phú, cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi.

- Kết cấu truyện đặc sắc.

Luyện tập

Câu 1 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Tác phẩm có nhiều chi tiết rất thật, hiện lên dưới nhiều góc độ phong phú, nhiều sắc độ tình cảm. Chọn chi tiết gây xúc động và để lại ấn tượng nhất để phân tích.

Câu 2 (trang 33 sgk Ngữ Văn 12 Tập 2):

Đoạn kết của tác phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

- Hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc của Nhật và hình ảnh lá cờ đỏ của Việt Minh phấp phới bay trong đầu óc của Tràng đã khép lại câu chuyện.

- Tác phẩm không chỉ gợi ra hình ảnh nạn đói năm 1945 mà còn mở ra hình ảnh của cách mạng Việt Nam trong năm ấy.

→ Đó là con đường tất yếu của người nông dân đi theo cách mạng. Hình ảnh lá cờ đỏ đã gây một ám ảnh lớn trong đầu Tràng, thôi thúc, giục giã, gieo niềm tin cho con người để sống, chiến đấu nỗi vất vả, khốn khó của mình.

→ Vợ nhặt không chỉ vẽ nên bức tranh cụ thể, sinh động về thảm cảnh của con người trong nạn đói năm 1945 mà còn là bài ca về niềm tin yêu vào cuộc sống. Tác phẩm không chỉ có giá trị tố cáo mạnh mẽ mà còn là tiếng lòng sẻ chia chân thành, cảm thông của nhà văn với số phận con người.

------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Soạn văn bài: Vợ nhặt. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Phân tích truyện Vợ nhặt, đọc bài Vợ nhặt, soạn bài văn mẫu bài Vợ nhặt, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Toán, mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
1 2.980
Sắp xếp theo

    Soạn Văn Lớp 12 (ngắn nhất)

    Xem thêm