Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải. Bài soạn văn 12 này sẽ giúp các bạn đọc - hiểu tác phẩm, nắm được các nội dung chính mà Nguyễn Đình Thi muốn truyền đát, hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa. Chúc các bạn học tốt môn Ngữ văn lớp 12.

1. Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi mẫu 1

1.1. Câu 1 (trang 60, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Nguyễn Đình Thi đã lí giải về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện ở tâm hồn con người là:

- Người sáng tác phải có cảm xúc, phải có rung động thì mới có thể sáng tác được thơ

- Lời thơ “làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc”

- Nhân vật trữ tình: nếu truyện khám phá nhân vật ở ngoại hình, số phận, tính cách,... thì nhân vật trong thơ được khám phá bởi những tâm trạng, những cung bậc cảm xúc khác nhau.

- Bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc

1.2. Câu 2 (trang 60, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Những đặc trưng khác của thơ được tác giả giới thiệu:

- Hình ảnh thơ: hình ảnh thực, có sực lôi cuốn và hấp dẫn người đọc được nảy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc một trạng thái nào đấy.

- Ngôn ngữ thơ: tả thực, ngoài gọi tên còn phải có sức gợi, sức lan tỏa.

- Nhạc điệu thơ: thể hiện ở cách ngắt nhịp, cách phối thanh, cách hiệp vần; đồng thời, đó còn là thứ nhạc điệu của hình ảnh, của tình ý, nhạc của tâm hồn

- Đường đi của thơ: con đường đưa thẳng vào tình cảm – thơ trực tiếp tác động vào tình cảm, cảm xúc của con người.

1.3. Câu 3 (trang 60. Sgk Ngữ văn 12, tập 1)

- Theo Nguyễn Đình Thi, ngôn ngữ thơ đặc biệt so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác ở chỗ: ngôn ngữ thơ có nhịp điệu, có sức gợi tỏa sâu sắc, có nhạc tính.

- Quan niệm của Nguyễn Đình Thi về vấn đề thơ tự do, thơ không vần:

+ Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần, chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và không hay, thơ và không thơ.

+ Mỗi thể thơ có một khả năng và một thứ nhịp điệu của riêng nó, biến đổi phù hợp với những thời kì lớn của lịch sử.

1.4. Câu 4 (trang 60, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong cách lập luận:

- Bố cục mạch lạc, luận điểm rõ ràng

- Cách lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực

- Sử dụng câu văn giàu hình ảnh, giàu sức gợi.

1.5. Câu 5 (trang 60, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Quan niêm về thơ của Nguyễn Đình Thi đến nay vẫn còn có giá trị. Vì:

- Bài viết đã nêu lên những nét đặc trưng cơ bản của thơ và không bị biến đổi nhiều theo thời gian

- Thơ ca vẫn có sức sống đến ngày hôm nay

- Con người luôn có khao khát thể hiện và tìm kiếm cảm xúc của mình qua những vần thơ.

2. Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi mẫu 2

2.1. Về tác giả Nguyễn Đình Thi

  • Nguyễn Đình Thi (1924-2003) sinh tại Luông Pha-bang (Lào) quê gốc ở Hà Nôi, thuở nhỏ cùng gia đình ở Lào.
  • Năm 1931 theo gia đình về nước. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941. Sau cách mạng, ông giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Hội Văn học – nghệ thuật, sau này là Hội Nhà văn Việt Nam.
  • Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài: biên khảo triết học, viết văn, làm thơ, phê bình văn nghệ, ở lĩnh vực nào cũng có đóng góp đáng ghi nhận. Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
  • Các tác phẩm chính.
    • Tiểu thuyết: Xung kích (1951), Vào lửa (1966).
    • Thơ: Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974)...
    • Kịch: con nai đen (1961), Hoa và Ngần (1975).
    • Tiểu luận: Mấy vấn đề về văn học (1956), Công việc của người viết tiểu thuyết (1964).

2.2. Về văn bản

a. Hoàn cảnh ra đời

  • Mấy ý nghĩ về thơ được viết vào tháng 9-1949 tại Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc.
  • Bài viết này về sau được đưa vào tập Mấy vấn đề về văn học.

b. Thể loại: tiểu luận

2.3. Một số câu hỏi, bài tập

BT 1. Nguyễn Đình Thi đã phân tích như thế nào về đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người?

Gợi ý:

  • Để làm nổi bật đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người, Nguyễn Đình Thi đã phân tích, lí giải về mối quan hệ giữa thơ với tâm hồn con người bằng cách đưa ra một loạt dẫn chứng.
    • Ta nói trời hôm nay nên thơ nhưng chính ra lòng chúng ta mang một nỗi niềm vui buồn nào mà muốn làm thơ, hoặc đọc thơ về trời xanh... Mưa phun buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung nhưng chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ.
    • Làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mắt.
    • Những câu, những lời thơ diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc.
    • Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Qua đó tác giả muốn nhấn mạnh giữa thơ với tâm hồn con người có sự tác động qua lại lẫn nhau.
  • Tiếp theo tác giả đưa ra đặc điểm của thơ để khẳng định thơ diễn tả tâm hồn con người.
    • "Thơ là một thứ nhạc", "một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu khoảng im lặng, tình ý" và nói chung những cái đó là "của tâm hồn".
    • Nhịp điệu thơ được hinh thành từ những cảm xúc, hình ảnh và trong khoảng im lặng "cũng la nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động".
  • Cuối cùng tác giả kết luận "đường đi của thơ là đi thẳng vào tình cảm". Điều đó có nghĩa là phương tiện biểu hiện của tâm hồn con người.

BT 2. Những yếu tố đặc trưng khác của thơ (hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực...) đã được Nguyễn Đình Thi đề cập ra sao?

Bên cạnh việc thể hiện tâm hồn con người, thơ còn mang nhiều yếu tố đặc trưng cơ bản khác cũng được Nguyễn Đình Thi đề cập đến.

  • Hình ảnh thơ: "là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hoặc trạng thái nào đấy", ví như "những tia lửa tóe lên khi búa đập vào sắp trên đe" được thu lượm kết nên một bó sáng.
  • Tư tưởng trong thơ: "Những tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của nhà thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự".
  • Cảm xúc trong thơ: "Cảm xúc là phần xương thịt hơn cả của đời sống tâm hồn" "bất cứ cảm xúc tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ".
  • Cái thực trong thơ: "là những hình ảnh sống, những hình ảnh có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc. Đó là những hình ảnh chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước."

BT 3. Ngôn ngữ thơ có gì đặc biệt so với ngôn ngữ các thể loại văn học khác? Nguyễn Đình Thi quan niệm như thế nào về thơ tự do, thơ không vần?

a. Ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ của các thể loại văn học khác ở chỗ: nó có nhịp điệu có tính nhạc va ý ở ngoài lời "thi tại ngôn ngoại".

  • Nguyễn Đình Thi đã so sánh ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ văn xuôi để tìm ra điểm riêng của thơ; "Đường đi của thơ là con đường đi thẳng vào tình cảm, không quanh co". Trong khi "văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này qua điểm khác" thì thơ "chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo".

b. Nguyễn Đình Thi trực tiếp bày tỏ quan niệm về thơ tự do và thơ không vần.

  • Trước tiên tác giả công nhận vai trò sứ mạng của vần, nhịp, luật thơ, sau đó sử dụng thành thao tác lập luận bác bỏ để khẳng định không có nó người làm thơ vẫn thành côn: "Theo tôi những luật lệ của thơ từ âm điệu đến vần đều là những vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Nhưng không phải hễ thiếu những vũ khí ấy là trận đánh nhất định thua. Thiếu vũ khí ấy trận đánh gay go thêm nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng".
  • Đưa ra quan niệm: "Tôi nghĩ rằng, không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không có vần".
  • Định hướng cách hiểu về thơ. "Tôi cho rằng chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác mà trước hết nên lo sao phải nói lên được những tình cảm tư tưởng mới của thơi đại. Dùng bất cứ hình thức nào miễn la thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay".
    • Đây chính là vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi.

Nhận xét:

  • Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi đúng đắn, tiến bộ, sát thực với tình hình thơ ca đương thời.
  • Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

BT 4. Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay còn có giá trị không? Vì sao?

Gợi ý:

Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, vì:

  • Sáng tác thơ ca và thưởng thức thơ là những hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Bất kì ở thời đại nào con người cũng có nhu cầu thể hiện tư tưởng, tình cảm, cảm xúc và thơ chính là chuyện đồng điệu của những tâm hồn.
  • Dẫu quan niệm về thơ có đổi mới về một số mặt thi pháp nhưng những luận điểm cơ bản trên đây vẫn còn giữ vững giá trị.
  • Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi con có ý nghĩa rất lớn đối với việc định hướng sáng tạo và cảm thụ thơ ca.

BT 5. Nêu rõ nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật lập luận đưa dẫn chứng, sử dụng từ ngữ, hình ảnh... để làm sáng tỏ từng vấn đề đặt ra.

Gợi ý:

Bài tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ đã thể hiện nét tài hoa của Nguyễn Đình Thi trong nghệ thuật lập luận, đưa dẫn chứng sử dụng từ ngữ, hình ảnh.

  • Hệ thống luận điểm rõ ràng, lập luận chặt chẽ, sắc sảo. Tác giả sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận so sánh, phân tích, giải thích, bác bỏ. Cách suy luận logic.
  • Cách lấy dẫn chứng: độc đáo, tinh tế, sát thực có tác dụng soi sáng cho luận điểm.
  • Từ ngữ giàu có, ngôn ngữ chọn lọc, được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo.
  • Cách viết có hình ảnh, hình ảnh chân thực, độc đáo gợi nhiều liên tưởng.

3. Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi mẫu 3

3.1. Kiến thức cơ bản

I. TÁC GIẢ:

1. Tiểu sử

- Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch. Ông học tiểu học và trung học ở Hà Nội và Hải Phòng. Học Đại học Luật Hà Nội.

- Năm 1941, ông tham gia phong trào Việt Minh, trong tổ chức cứu quốc Hà Nội. Từ năm 1942, Nguyễn Đình Thi bắt đầu viết sách báo. Hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước chống phát xít và trong Hội Văn hoá Cứu quốc.

– Năm 1945, ông là đại biểu Hội Văn hoá Cứu quốc đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, được cử vào ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam.

- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm Tổng thư ký Hội Văn hoá Cứu quốc, đại biểu Quốc hội, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (1958 –1988).

- Năm 1995, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I– 1996.

2. Sự nghiệp văn học

- Nguyễn Đình Thi là một con người đa tài, viết văn, làm thơ, làm báo, sáng tác nhạc,... lĩnh vực nào tác phẩm của ông cũng được công chúng mến mộ, ưa thích. Ông còn là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi được giới văn học nghệ thuật yêu mến.

- Về thơ, Nguyễn Đình Thi đã có những tập: Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958), Dòng sông trong xanh (1974), Tia nắng (1983), Trong cát bụi, Sóng reo (2001). Thơ ông cô đọng hàm súc, gợi mở hơn tả, giàu triết lí trầm tư, mang phong cách và bút pháp mới.

II. TÁC PHẨM MẤY Ý NGHĨ VỀ THƠ

1. Hoàn cảnh sáng tác

- Tháng 9/1949, có một sự kiện văn nghệ đáng chú ý. Đó là Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ theo đường lối của Đảng để phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc

kháng chiến chống Pháp. Cùng với kịch của Lộng Chương, văn của Nguyễn Tuân, Hội nghị còn tranh luận về thơ của Nguyễn Đình Thi và mở rộng ra một số vấn đề thuộc quan niệm về thơ.

– Nguyễn Đình Thi đã phát biểu quan niệm của mình về thơ trong bài Mấy ý nghĩ về thơ đăng trên Văn nghệ số 10-1949. Bài tiểu luận nêu lên những quan niệm mới mẻ, có chiều sâu về thơ, trong đó có những suy nghĩ, đề xuất của tác giả có thể gọi là táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ.

- Phải đặt bài tham luận này vào thời điểm ra đời của nó mới thấy được sự sáng tạo trong lĩnh vực lí luận – phê bình, tư tưởng định hướng văn học của Nguyễn Đình Thi nói riêng và của giới nghiên cứu văn học ở ta nói chung.

- Chắc chắn tại thời điểm ấy, khả năng giao lưu phê bình văn học của ta với nước ngoài là rất hạn chế. Nhưng nhiều vấn đề được Nguyễn Đình Thi đưa ra trong bản tham luận là hết sức độc đáo, sâu sắc và luôn đúng trong bất kì thời điểm nào khi một ai đó muốn bàn về thơ.

2. Thể văn nghị luận văn học

- Nghị luận văn học là thể văn thuộc phê bình – lí luận. Người viết dùng lí lẽ để giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận,... một vấn đề nào đó của văn chương nhằm làm sáng tỏ điều mình muốn nói.

- Cũng giống như văn hư cấu (tự sự, thơ và kịch), văn nghị luận cũng sử dụng đầy đủ mọi sắc thái cảm hứng như trữ tình, mỉa mai, ca ngợi, đả kích,... Nhưng nghị luận văn học thì không hư cấu. Đối tượng nghiên cứu của nghị luận văn học là tác phẩm, tác giả, hiện tượng văn chương...

- Văn nghị luận hấp dẫn người đọc bằng lối tư duy lô gic, đầy trí tuệ; lối văn thiên về hùng biện, có lúc dõng dạc, có lúc thiết tha để lay động lòng người.

- Văn nghị luận bao giờ cũng đòi hỏi người viết đưa ra ý kiến chủ quan của riêng mình. Vì vậy, khi viết, tác giả bao giờ cũng phải vận dụng phạm vi tri thức sách vở (lẫn tri thức cuộc sống tự nhiên, xã hội) rất lớn để làm dẫn chứng, nêu luận điểm, thường xưng tôi để đối thoại, trao đổi nhằm rút ra kết luận thoả đáng, có sức thuyết phục người đọc.

3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật

a) - Nguyễn Đình Thi đã phân tích sâu sắc đặc trưng cơ bản nhất về thơ là biểu hiện tâm hồn của con người. Ông đưa ra những câu hỏi không mang nghĩa nghi vấn mà mang nghĩa khẳng định: “Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng?”.

- Khởi đầu một bài thơ, người viết phải có “rung động thơ”, sau đó mới làm thơ. Rung động thơ có được khi tâm hồn ra khỏi trạng thái bình thường, do có sự cố với trạng thái bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác mà tâm hồn con người thức tỉnh, bật lên những tình ý mới mẻ, còn làm thơ là thể hiện những rung động của tâm hồn.

b) Tác giả phân tích những yếu tố đặc trưng khác của thơ:

- Hình ảnh phải từ cảm xúc mà có, mà loé sáng trong thơ và hiện lên một cách tự nhiên trong lòng nhà thơ.

- Nhịp điệu, nhạc điệu trong thơ quan trọng nhất là nhịp điệu, nhạc điệu bên trong tâm hồn nhà thơ.

- Ngôn ngữ trong thơ phải có hồn, có sức gợi, phải kết tinh trong tình cảm, cảm xúc của thi nhân.

- Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với trái tim người đọc.

- Giải thích nguyên nhân thành công của sáng tạo thơ ca, Nguyễn Đình Thi ghi nhận, có lẽ không ngoài hai yếu tố: tài năng thiên bẩm của một người trực tiếp sáng tạo thơ bàn về thơ và tri thức về thơ được tích luỹ qua quá trình học tập, nghiên cứu bền bỉ.

c) Tác giả quan niệm thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích.

d) Về thơ tự do, thơ không vần, Nguyễn Đình Thi có một số quan niệm rất mới, có thể nói là rất táo bạo trong bối cảnh lúc bấy giờ: “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không cần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Điều này là một sự “phá cách” đối với thơ truyền thống.

e) - Bằng một hệ thống lập luận chặt chẽ, cách đưa dẫn chứng, cách sử dụng hình ảnh, từ ngữ tài tình, Nguyễn Đình Thi đã đưa ra những suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về thơ và đặc trưng của thơ ca. Ông cho rằng “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Đa số các thời đại mới của nghệ thuật đều sáng tạo ra hình thức mới của riêng chúng .

- Những quan niệm của tác giả đến nay vẫn còn giá trị bởi ý nghĩa thời sự, tính chất khoa học đúng đắn, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống và thực tiễn sáng tạo của thi ca.

3.2. Tự luận

Anh (chị) hãy phân tích những giá trị lập luận và giá trị nội dung trong văn bản Mấy ý nghĩ về thơ của Nguyễn Đình Thi.

Gợi ý làm bài

1) Nguyễn Đình Thi xác định: Thơ là gì?

- Tham luận được mở đầu bằng cách nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa về thơ. Cách định nghĩa của Nguyễn Đình Thi rất đặc biệt. Ông bắt đầu từ chỗ xác định: Thơ khởi phát từ đâu?

+ Thơ khởi phát từ tâm hồn. Một tâm hồn biết rung động trước cái đẹp, cái thiện, cái hữu ích... Như thế, sự rung động đó không phải đến từ ý thức chủ quan bên trong tâm hồn mà từ chính những yếu tố bên ngoài.

+ Nhưng thật quan trọng là, nếu không có tâm hồn thơ thì những sự vật hiện tượng đó cũng chỉ vô hồn mà thôi: “Mưa phùn buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung, nhưng chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ”.

+ Thơ là sự kết tinh văn hoá ở mức độ cao. Theo ý trên của Nguyễn Đình Thi, con người ta rung động trước cảnh vật đã đành mà những nét văn hoá tàng trữ trong ta hễ có dịp cũng đòi lên tiếng.

+ Thơ không chỉ là tiếng lòng của một cá thể biết xao xuyến trước ngoại giới mà còn là tiếng lòng trĩu nặng những ngân vang văn hoá đợi dịp cất lên tiếng nói, điệu hồn của một dân tộc..

+ Điệu hồn đó được tải qua những lớp kí hiệu. Con chữ là kí hiệu đầu tiên của thơ hay cũng chính là của tâm hồn thơ. Không có chữ, hiểu theo nghĩa là ngôn ngữ, thì sẽ không có thơ. Chữ ấy là lời, lời chuyển tải mọi trạng thái tâm lí, cảm xúc của con người.

- Quá trình chuyển tải giữa cảm xúc, lời và thơ cũng được Nguyễn Đình Thi khảo sát. Ông đưa ra hàng loạt định nghĩa:

+ Làm thơ tức là chữ.

+ Làm thơ là đang sống.

– Từ chữ” và “sống” ấy, Nguyễn Đình Thi khẳng định tác dụng của hình tượng thơ. Rõ ràng, ngôn ngữ thơ chỉ có giá trị khi nó gợi lên hoặc tạo dựng được một hình tượng nào đó. Thơ nói với người đọc bằng hình tượng.

- Nhờ thế, Nguyễn Đình Thi mới có cơ sở để lập luận: “Bài thơ là những câu, những lời diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc”.

- Từ “làm thơ” (tức là thao tác), Nguyễn Đình Thi chuyển sang “bài thơ” (tức là sản phẩm). Thao tác là nhằm để “thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường”. Còn “bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc”.

- Với các lập luận trên, Nguyễn Đình Thi trở lại tiếp tục đưa ra thêm định nghĩa về thơ:

+ Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống.

+ Thơ phải có tư tưởng, có ý thức.

+ Thơ không nói bằng ý niệm thuần túy.

+ Thơ là tổng hợp, kết tinh,…

- Tất cả những khái quát trên đều là những đặc trưng cơ bản của thơ. Nguyễn Đình Thi không hề có tham vọng đưa ra một định nghĩa cuối cùng về thơ. Nhưng rõ ràng ông nắm rất sâu về bản chất thơ. Thơ nói bằng hình ảnh, bằng cảm xúc. Không có cảm xúc, không có thơ: “Tóe lên ở những nơi giao nhau của tâm hồn và ngoại vật, trước hết là những cảm xúc. Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn”.

2) Thơ là chữ, cảm xúc, tư tưởng, hình ảnh...

- Ở ngoài đời, Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, một con người khôn khéo, có cá tính mạnh mẽ. Cứ xem cái cách ông để cho một chàng trai trong kháng chiến ôm một cô gái là đủ thấy sự khôn khéo ấy như thế nào: “Anh ôm chặt em Và ôm cá khẩu súng trường bốn vai em” (Chia tay trong đêm Hà Nội),

– Thơ ông và cả tiểu luận của ông cũng mang đậm cá tính sáng tạo ấy. Một mặt, ông có nói hết, cố diễn tả bằng hình ảnh sinh động bằng cách liên hệ so sánh, lấy dẫn chứng từ trong sách vở (Truyện Kiều) và cả ngoài đời (mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy). Mặt khác, diễn từ của ông vẫn luôn kín đáo, có khả năng che giấu nhiều điều, đọc thấy hấp dẫn, nhưng không thể hiểu hết ngay được.

- Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh vai trò của “chữ” trong sáng tạo thơ. Chữ chuyển tải cảm xúc, tư tưởng, hình ảnh thơ. Chữ chuyển tải nhịp điệu, nhạc điệu cho thơ. Chữ không chỉ trình xuất ý niệm về sự vật hiện tượng mà quan trọng hơn, chữ tạo nên “sức gợi”. Nguyễn Đình Thị ví nó như ánh sáng ngọn nến: “ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả xung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc xung quanh”.

- Phát hiện khả năng phản ánh vô biên của diễn từ thơ, Nguyễn Đình Thi còn khám phá được sức mạnh của thơ ở những khoảng lặng: “Ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”. Đây là một phát hiện đáng ghi nhận. Điều này còn cho thấy cách lập luận chặt chẽ của Nguyễn Đình Thi, từ sức gợi của thơ, ông đề cập đến các khoảng lặng trong thơ. Để từ đó ông tiếp tục triển khai mạch lập luận tiếp nhận của mình.

3) Con đường đi của thơ

- Đề cập đến bất kì một đặc điểm nào của thơ, Nguyễn Đình Thi cũng chú ý đến sự tiếp nhận. Thành công lớn nhất của văn bản là ở mặt này.

- Đa số những luận điểm Nguyễn Đình Thi đưa ra có thể không mới nhưng cách lập luận đan xen, thống nhất về cả ba phương diện: đặc trưng thơ – cách sáng tạo – cách tiếp nhận đã khiến thiên tiểu luận đạt đến tầm mẫu mực của lập luận nghị luận.

- Chẳng hạn khi đề cập đến “chữ”, Nguyễn Đình Thi chỉ ra “chữ” có đời sống nội tại của nó (giá trị ý niệm), khi được vận dụng trong thơ “chữ” tạo nên một vầng nghĩa bao bọc xung quanh, vầng nghĩa này được hiểu, được khám phá khi có sự tiếp nhận của người đọc. Tương tự, tự tưởng, cảm xúc, hình ảnh thơ đều được tri nhận theo cách ấy.

- Từ những lập luận trên, Nguyễn Đình Thi đi đến ba kết luận:

+ Thơ là “tổng hợp, kết tinh”.

+ Thơ “luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích”.

+ “Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số”.

4) Thế nào là thơ tự do?

- Vẫn dựa trên cách lập luận khôn khéo, gợi nhiều hơn nói rõ, Nguyễn Đình Thi cho rằng việc tranh luận về thơ có vần hay không vần không quan trọng, quan trọng là “để cho tìm tòi thử thách”.

- Nguyễn Đình Thi chấp nhận quy luật đổi mới sáng tạo của thơ ca. Ông cho rằng luật lệ thơ, vần điệu,... là “vũ khí rất mạnh trong tay người làm thơ”. Thiếu vũ khí đó thì quả thật là gay go, “nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng”.

- Quả là một nhận định sáng suốt. Thực tiễn sáng tạo thơ ca đã kiểm nghiệm sự đúng đắn từ nhận định này. Ngày nay, thi đàn thơ ca Việt Nam hướng nhiều đến khả năng biểu lộ cảm xúc, hơn là đẽo gọt câu chữ, vần điệu.

5) Thời đại mới cần một hình thức thơ mới

- Nguyễn Đình Thi khẳng định: “một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới”. Bước đầu của hình thức mới ấy có thể còn chệch choạc ít nhiều nhưng qua thời gian, nó sẽ ổn định: “Thơ nảy nở trong những hình thức trong sáng đã tìm thấy”.

- Điều này không có nghĩa là phủ nhận sạch trơn quá khứ, mà phal luôn có tính kế thừa. Sự sáng tạo nảy sinh trên sự kế thừa. Điều này không chỉ đúng đối với sáng tạo thơ ca mà còn đúng với mọi sáng tạo nghệ thuật nói chung.

- Tuy nhiên, tối kị trong sáng tạo thơ là sự “buông thả, bừa bãi”. Thơ phải tuân theo một “kỉ luật sắt”. Kỉ luật ấy không thể áp đặt từ bên ngoài vào mà là “sự tự kiểm soát, tự chủ từ bên trong sự sáng tác mà ra”. Thơ ca có sức sống nội tại của nó.

_ Những luận điểm này khẳng định sự tự do, dân chủ của sang tạo và nghệ thuật. Bản thân chúng mang tính định hướng rất lớn.

- Nguyễn Đình Thi tôn trọng: “luật lệ bản thân của nghệ thuật”. Ông xem đó là lẽ sống còn của sáng tạo thơ: “Đạp đổ bức tường giam trước mặt rồi, giới hạn chỉ còn do sức đi xa của mình”. Như thế, thơ có phát triển được hay không là do chính sức mạng nội tại của những người làm thơ.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12, Soạn bài lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
7
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn bài lớp 12

    Xem thêm