Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Viết bài làm văn số 6 - Nghị luận văn học

VnDoc xin giới thiệu tới các bạn Soạn bài Viết bài làm văn số 6 - Nghị luận văn học. Nội dung tài liệu sẽ là nguồn thông tin hay để phục vụ công việc học tập của các bạn học sinh được tốt hơn. Mời các bạn tham khảo.

1. Soạn bài Viết bài làm văn số 6 - Nghị luận văn học mẫu 1

Đề 1: Trong chuyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, "mà biển thì rộng lắm [...], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta". Anh (chị) có cho rằng trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: chị em Chiến và Việt?

A. Mở bài

Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình thực sự đã có một dòng chảy của truyền thống gia đình. Dòng sông ấy đã thực sự chảy từ các thế hệ cha anh đến thế hệ của những chiến sĩ trẻ anh dũng thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Trong quan niệm của Nguyễn Thi, mỗi con người mỗi đời người trong một gia đình phải là khúc sông trong một dòng sông truyền thống: "chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, "mà biển thì rộng lắm [...], rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta".

B. Thân bài

1. Khúc thượng nguồn của dòng sông hiện ra qua hình tượng chú Năm và má Việt

Truyền thống ấy chảy từ các thế hệ ông bà, cha mẹ, cô chú đến những đứa con mà kết tinh là ở hình tượng chú Năm.

a. Chú Năm

Chú Năm không chỉ là người ham sông nước mà còn ham đạo nghĩa. Trong con người chú Năm phảng phất cái tinh thần Nguyễn Đình Chiểu xa xưa.

- Chú Năm là một cuốn gia phả sống luôn hướng về truyền thống, sống với truyền thống, đại diện cho truyền thống và lưu giữ truyền thống (Qua những câu hò, cuốn sổ gia đình).

b. Má Việt: Hình tượng người mẹ cũng là hiện thân của truyền thống.

- Một con người sinh ra để chống chọi với gian nguy, khó nhọc "Cái gáy đo đỏ, đôi vai lực lưỡng, tấm áo bà ba đẫm mồ hôi, người sực mùi lúa gạo- thứ mùi của đồng áng của cần cù mưa nắng".

- Ấn tượng sâu đậm nhất là khả năng ghìm nén đau thương để sống, để che chở cho đàn con và để tranh đấu.

- Người mẹ ấy không biết sợ, không chùn bước, kiên cường và cao cả.

2. Khúc sông sau của dòng sông hiện ra qua hình tượng Chiến, Việt

- So với thế hệ mẹ thì Chiến là khúc sông sau. Khúc sông sau bao giờ cũng chảy xa hơn khúc sông trước. Người mẹ mang nỗi đau mất chồng nhưng chưa kịp cầm súng còn Chiến mạnh mẽ quyết liệt, ghi tên đi bộ đội trả thù cho ba má.

- Việt là chàng trai mới lớn lộc ngộ, vô tư

- Chất anh hùng ở Việt: Không bao giờ biết khuất phục; bị thương chỉ có một mình vẫn quyết tâm sống mái với kẻ thù.

- Việt đi xa hơn dòng sông truyền thống: Không chỉ lập chiến công mà ngay cả khi bị thương vẫn là người đi tìm giặc. Việt chính là hiện thân của sức trẻ.

"Rồi trăm sông ......... nước ta"

=> Điều đó có nghĩa là, từ một dòng sông của gia đình nhà văn muốn ta nghĩ đến biển cả, đến đại dương của nhân dân và nhân loại.

=> Chuyện gia đình cũng là chuyện của cả dân tộc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ những đau thương.

C. Kết bài

Nêu ý kiến của bản thân về câu nói của Nguyễn Thi.

Đề 2: Phân tích hình ảnh thơ mộng, trữ tình của những dòng sông Việt Nam qua hai bài tùy bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Đường).

A. Mở bài

- Giới thiệu đề tài đất nước quê hương trong văn học Việt Nam thời kì từ CMT8.

- Giới thiệu hai tác phẩm.

- Giới thiệu đề bài.

B. Thân bài

1. Vẻ đẹp dòng sông Đà

Theo tác giả, sông Đà có hai tính cách cơ bản: hung bạo và trữ tình, Sông Đà chỉ thơ mộng khi mang nét trữ tình.

Khi sông Đà chảy qua vùng bình nguyên thì nó trở nên hiền hòa, là bạn của con người chứ không phải là kẻ thù số một như ở đoạn trên. Tác giả nhìn con sông Đà ở đoạn này với nhiều góc độ khác nhau.

- Ở trên cao nhìn xuống sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, ẩn hiện trong mây trời, hoa núi mùa xuân gợi vẻ đẹp mơ màng, duyên dáng, kín đáo.

- Bên bờ nhìn xuống thì thấy dòng sông lấp loáng như đứa trẻ nghịch gương, nhìn thấy nó như đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân => vẻ hiền hòa, thân thiện.

- Dưới thuyền nhìn lên thấy bờ sông hoang dại như bờ tiền sử, bở sông hồn nhiên như nỗi niềm cổ tích tuổi xưa ... => gợi vẻ đẹp tự nhiên, giàu chất thơ, chất hội họa.

=> Tác giả dùng nhiều phép so sánh sáng tạo, ngôn ngữ mềm mại, giọng văn nhẹ nhàng, hình ảnh thơ mộng, dịu dàng nên đã vẻ được ra nhiều bức tranh giàu chất hội họa: dòng sông ẩn hiện trong mây trời, con hươu ngẩng đầu ra khỏi ánh cỏ sương ... để từ đó làm nổi bật hình ảnh dòng sông hiền hòa, thơ mộng, trong sáng. Dòng sông có vẻ đẹp của thi ca, nhạc họa.

Nguyễn Tuân đã khám phá dòng sông ở phương diện thẩm mĩ: được xem là một tác phâm hội họa tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho đất nước. So với ngôn ngữ sắc cạnh ở đoạn trên, ngôn ngữ ở đoạn này rất mềm mại, chứng tỏ nhà văn có một vốn từ phong phú và sử dụng nó một cách điêu luyện, tài hoa.

2. Vẻ đẹp của sông Hương

Tác giả tả tỉ mỉ, từ thượng nguồn Trường Sơn, dòng Hương chảy qua núi đồi, cánh đồng, làng mạc, kinh thành rồi đổ ra biển Đông. Dòng sông được nhân hóa như người con gái có dáng dấp, trang phục, gương mặt, tính cách, tâm hồn ...

- Giữa dòng Trường Sơn, nó là bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn ... như cô gái di-gan phóng khoáng và man dại ... nó có bản lĩnh gan dạ với một tâm hồn tự do và trong sáng.

- Khi ra khỏi rừng, sông Hương lại mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, như người mẹ phù sa, tâm hồn sâu thẳm đã đóng kín lại ở cửa rừng. Những ngọn đồi tạo nên những mảng phản quan lên gương mặt sông nhiều màu sắc trên nền tây nam thành phố: sớm xanh, trưa vàng, chiều tím.

- Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, dòng sông như người đẹp nhủ mơ màng ... uốn mình theo những đường cong thật mềm ... sắc nước xanh thẳm.

- Giữa đám quần sơn lô xô ấy là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch, dòng sông đi qua giữa chốn bốn bề núi phủ mây phong lại mang vẻ đẹp trầm mặc ... kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga ...

- Từ đó, như tìm đúng đường về, sông Hương lại vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô. Giáp mặt thành phố thì sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến quanh năm sương khói mơ màng, làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói của tình yêu.

- Khi rời khỏi kinh thành, nó lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc ... như sự nhớ điều gì chưa bịp nói, nó đột ngột đổi dòng để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh ... như chút vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu ... ấy là tấm lòng người Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở.

=> Giọng văn mềm mại giàu chất nhạc, ngôn từ giàu chất thơ đã lột tả hết vẻ phong phú của dòng sông nhưng nổi bật nhất là vẻ duyên dáng, hiền hòa, trong xanh phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Gương mặt của dòng sông phả chiếu tấm gương muôn màu và thanh âm của quê hương xứ sở. Chiều dài của dòng sông như chiều dài của một chuyến đi, cũng là hành trình lớn lên của một cuộc đời được đào thải những tính nết chưa đẹp để giữ lại nét đáng yêu của tuổi đương thì, nên dòng chảy biểu lộ một tính cách có thay đổi theo địa hình để vừa tô điểm cho vẻ đẹp kinh thành như một con người của quê hương xứ Huế.

3. Sông Đà và sông Hương

Sông Đà được Nguyễn Tuân so sánh như con quái vật hung hãn khi qua vùng thác giữ hay như áng tóc của người con gái hi hiền hòa thơ mộng; còn Hoàng Phủ Ngọc Tường so sánh sông Hương như người con gái ... (vì nó tên Hương?) Nhờ thể tùy bút với lối so sánh tài hoa ấy mà người đọc có thể hình dung từng đường nét, chi tiết vẻ đẹp phong phú của con sông và đó là nét đẹp kiểu chưa từng lặp lại bất cứ con sông nào trên thế giới.

=> Vẻ đẹp phong phú của dòng sông còn mang đến thi hứng cho văn nhân nên sau đó những vần thơ được bắt nhịp để trở về tô điểm cho con sông. Sông Hương thành con sông của thi ca nhạc họa, bồi đắp phù sa văn hóa cho đất kinh thành. Biết bao sung sướng tự hào của tác giả về dòng sông thơ mộng của quê mình.

C. Kết bài

- Cả hai nhà văn đều sử dụng thể tùy bút để khám phá vẻ đẹp riêng của mỗi dòng sông, giúp người đọc thêm hiểu biết về vẻ đẹp phong phú của cảnh quan đất nước.

- Hai đoạn trích đều bộc lộ lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước của hai nhà văn.

Đề 3: Về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích.

A. Mở bài

- Kim Lân thuộc lớp các nhà văn đã thành danh từ trước Cách mạng Tháng 8 - 1945 với những truyện ngắn nổi tiếng về vẻ đẹp văn hoá xứ Kinh Bắc. Ông gắn bó với thôn quê, từ lâu đã am hiểu người nông dân. Đi kháng chiến, ông tha thiết muốn thể hiện tinh thần kháng chiến của người nông dân.

- Truyện ngắn Làng được viết và in năm 1948, trên số đầu tiên của tạp chí Văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc. Truyện nhanh chóng được khẳng định vì nó thể hiện thành công một tình cảm lớn lao của dân tộc, tình yêu nước, thông qua một con người cụ thể, người nông dân với bản chất truyền thống cùng những chuyển biến mới trong tình cảm của họ vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

B. Thân bài

1. Truyện ngắn Làng biểu hiện một tình cảm cao đẹp của toàn dân tộc, tình cảm quê hương đất nước. Với người nông dân thời đại cách mạng và kháng chiến thì tình yêu làng xóm quê hương đã hoà nhập trong tình yêu nước, tinh thần kháng chiến. Tình cảm đó vừa có tính truyền thống vừa có chuyển biến mới.

2. Thành công của Kim Lân là đã diễn tả tình cảm, tâm lí chung ấy trong sự thể hiện sinh động và độc đáo ở một con người, nhân vật ông Hai. Ở ông Hai tình cảm chung đó mang rõ màu sắc riêng, in rõ cá tính chỉ riêng ông mới có.

a. Tình yêu làng, một bản chất có tính truyền thông trong ông Hai.

- Ông hay khoe làng, đó là niềm tự hào sâu sắc về làng quê.

- Cái làng đó với người nồn dân có một ý nghĩa cực kì quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần.

b. Sau cách mạng, đi theo kháng chiến, ông đã có những chuyển biến mới trong tình cảm.

- Được cách mạng giải phóng, ông tự hào về phong trào cách mạng của quê hương, vê việc xây dựng làng kháng chiến của quê ông. Phải xa làng, ông nhớ quá cái không khí "đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá..."; rồi ông lo "cái chòi gác,... những đường hầm bí mật,..." đã xong chưa?

- Tâm lí ham thích theo dõi tin tức kháng chiến, thích bìh luận, náo nức trước tin thắng lợi ở mọi nơi "Cứ thế, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, cả súng cũng vậy, hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại, làm gì mà thằng Tây không bước sớm".

c. Tình yêu làng gắn bó sâu sắc với tình yêu nước của ông Hai bộc lộ sâu sắc trong tâm lí ông khi nghe tin làng theo giặc.

- Khi mới nghe tin xấu đó, ông sững sờ, chưa tin. Nhưng khi người ta kể rành rọt, không tin không được, ông xấu hổ lảng ra về. Nghe họ chì chiết ông đau đớn cúi gầm mặt xuống mà đi.

- Về đến nhà, nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ vì chúng nó "cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi". Ông giận những người ở lại làng, nhưng điểm mặt từng người thì lại không tin họ "đổ đốn" ra thế. Nhưng cái tâm lí "không có lửa làm sao có khói", lại bắt ông phải tin là họ đã phản nước hại dân.

- Ba bốn ngày sau, ông không dám ra ngoài. Cai tin nhục nhã ấy choán hết tâm trí ông thành nỗi ám ảnh khủng khiếp. Ông luôn hoảng hốt giật mình. Khong khí nặng nề bao trùm cả nhà.

- Tình cảm yêu nước và yêu làng còn thể hiện sâu sắc trong cuộc xung đột nội tâm gay gắt: Đã có lúc ông muốn quay về làng vì ở đây tủi hổ quá, vì bị đẩy vào bế tắc khi có tin đồn không đâu chứa chấp người làng chợ Dầu. Nhưng tình yêu nước, lòng trung thành với kháng chiến đã mạnh hơn tình yêu làng nên ông lại dứt khoát: "Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù". Nói cứng như vậy nhưng thực lòng đau như cắt.

- Tình cảm đối với kháng chiến, đối với cụ Hồ được bộc lộ một cách cảm động nhất khi ông chút nỗi lòng vào lời tâm sự với đứa con út ngây thơ. Thực chất đó là lời thanh minh với cụ Hồ, với anh em đồng chí và tự nhủ mình trong những lúc thử thách căng thẳng này:

+ Đứa con ông bé tí mà cũng biết giơ tay thề: "ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!" nữa là ông, bố của nó.

+ Ông mong "Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông".

+ Qua đó, ta thấy rõ:

Tình yêu sâu nặng đối với làng chợ Dầu truyền thống (chứ không phải cái làng đổ đốn theo giặc).

Tấm lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng với kháng chiến mà biểu tượng của kháng chiến là cụ Hồ được biẻu lộ rất mộc mạc, chân thành. Tình cảm đó sâu nặng, bền vững và vô cùng thiêng liêng: có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.

d. Khi cái tin kia được cải chính, gánh nặng tâm lí tủi nhục được trút bỏ, ông Hai tột cùng vui sướng và càng tự hào về làng chợ Dầu.

- Cái cách ông đi khoe việc Tây đốt sạch nhà của ông là biểu hiện cụ thể ý chí "Thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước" của người nông dân lao động bình thường.

- Việc ông kể rành rọt về trận chống càn ở làng chợ Dầu thể hiện rõ tinh thần kháng chiến và niềm tự hào về làng kháng chiến của ông.

3. Nhân vật ông Hai để lại một dấu ấn không phai mờ là nhờ nghệ thuật miêu tả tâm lí tính cách và ngôn ngữ nhân vật của người nông dân dưới ngòi bút của Kim Lân.

- Tác giả đặt nhân vật vào những tình huống thử thách bên trong để nhân vật bộc lộ chiều sâu tâm trạng.

- Miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ đối thoại và độc thoại. Ngôn ngữ của Ông Hai vừa có nét chung của người nông dân lại vừa mang đậm cá tính nhân vật nên rất sinh động.

C. Kết bài

Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấm thía tình yêu làng, yêu nước rất mộc mạc, chân thành mà vô cùng sâu nặng, cao quý trong những người nông dân lao động bình thường. Sự mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yếu đất nước là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kháng chiến chống Pháp đã chú trọng làm nổi bật. Truyện ngắn Làng của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý.

2. Soạn bài Viết bài làm văn số 6 - Nghị luận văn học mẫu 2

2.1. Đề số 1 (trang 68 sgk Văn 12 Tập 2):

1. Mở bài: Dẫn dắt, nêu vấn đề nghị luận

2. Thân bài: Chứng minh dòng sông truyền thống liên tục chảy trong gia đình Việt:

- Khúc thượng nguồn hiện lên hình ảnh của má, của chú Năm và thấp thoáng hình bóng người cha.

Mẹ là người phụ nữ nông dân kiên cường bất khuất, dám cầm rổ đi đòi lại đầu chồng bị giặc chém. Đó là một hình ảnh đầy ấn tượng, gây xúc động mạnh đến độc giả. Chứng kiến hình ảnh truyền lửa ấy của mẹ, Việt và Chiến cũng sớm được bồi đắp tình yêu nước và khát vọng trả thù giặc.

Chú Năm không trực tiếp cầm súng ra trận để bảo vệ gia đình, bảo vệ quê hương đất nước. Nhưng chú có một cách thức đặc biệt để lưu giữ những truyền thống, những gì tốt đẹp nhất của gia đình cũng như những nối đau mà gia đình phải chịu đựng: đó chính là cuốn sổ gia đình. Thông qua cuốn số ấy, chú ghi lại những nỗi đau gia đình phải chịu, những thành tích của các thành viên trong gia đình. Để Việt và Chiến soi vào đó, sống sao cho xứng đáng.

- Khúc sông sau chính là hình ảnh của Việt và Chiến, tuổi trẻ miền Nam trong những năm chống giặc cứu nước.

Việt và Chiến được bồi đắp tình yêu nước, thương nhà từ mẹ và chú Năm nên đã sớm xin cầm súng ra trận tiêu diệt giặc. Tính cách của hai nhân vật Việt và Chiến vừa có những điểm tương đồng, lại vừa có những điểm khác biệt. Cụ thể như sau:

Những điểm giống nhau:

+ Cả hai đều được bồi đắp, nuôi dưỡng bằng một tình cảm gia đình hết sức sâu nặng.

+ Cả hai chị em đều chung mối thù giết cha, giết mẹ đối với bọn giặc.

+ Tuy đều sớm trưởng thành, nhưng cũng có những lúc rất hồn nhiên, ngây thơ, sống đúng với lứa tuổi.

+ Hai chị em gan dạ, dũng cảm, lập được nhiều thành tích trong việc tiêu giệt kẻ thù.

Những điểm khác biệt:

+ Chiến là nữ nên cũng có những lúc rất dịu dàng, làm dáng. Là chị nên cô cũng tỏ ra đảm đang, tháo vát và trưởng thành sớm hơn em. Dù chỉ hơn Việt có một tuổi nhưng cô người lớn hơn hẳn anh.

+ Nhân vật Việt thì rất hồn nhiên, đúng với lứa tuổi 18 đôi mươi. Khi ra trận thì kiên cường, dũng cảm, không sợ chết nhưng lúc ở nhà thì lại còn tị nhau với chị, và đặc biệt là rất sợ ma.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

2.2. Đề số 2 (trang 68 sgk Văn 12 Tập 2):

1. Mở bài: Dẫn dắt nêu vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

a. Sông Đà hiện lên với 2 vẻ đẹp hung bạo hùng vĩ và thơ mộng trữ tình:

- Vẻ đẹp hung bạo:

+ So sánh lòng sông Đà như một cái yết hầu, thắt chặt lại ở giữa như không muốn cho bất kì con thuyền nào đi qua.

+ Gió cuồn cuồn quanh năm suốt tháng như đòi nợ một cách vô lí bất kì người lái đò nào vô tình đi qua đó.

+ Nước thì sặc lên như một cái cống cái vậy.

+ Phép điệp từ: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, mọi thứ như dính chặt lấy nhau cuồn cuộn gầm gào đầy hung bạo, lớp sau nối tiếp lớp trước, đá tiếp sóng, sóng tiếp gió tạo thành những thử thách vô cùng vất vả cho ông lái đò.

+ Biến thác nước như trở thành một con người biết than khóc, trách móc, lúc lại như van xin, như gầm siết,…rất nhiều những cung bậc phức tạp khác nhau của cảm xúc.

+ Phép liên tưởng, tưởng tượng ra một anh quay phim táo bạo, chìm hẳn mình mà máy quay xuống dòng nước dữ để bắt cho kì được những khoảnh khắc kì vĩ nhất của dòng nước sông Đà.

- Vẻ đẹp trữ tình:

+ Nhà văn đưa ra nhiều điểm nhìn để bao quát trọn vẹn cái trữ tình nên thơ của dòng Đà giang:

+ Lúc thì nhìn từ trên cao thấy dòng sông “tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc mây trữ tình”, mềm mại đầy quyến rũ. Nhà văn thấy dòng nước sông Đà biến đổi theo từng mùa, nhưng lúc nào cũng đẹp, cũng nên thơ chứ không nhờ nhờ một thứ màu xanh canh hến.

+ Lúc thì Nguyễn Tuân lại dạo chơi hai bên bờ sông, thấy như lạc về một thời tiền sử xa xôi lắm, thấy lòng mình an yên, thanh tĩnh lạ thường, như gặp được một khoảnh khắc hiếm hoi trong thơ Đường cổ, như được nối tiếp giấc chiêm bao đang dở dang của mình vậy.

+ Nhà văn đi trên thuyền mà thấy cảnh vật lặng yên như tờ vậy, như là một bức tranh thiên nhiên tràn dầy sức sống.

b. Vẻ đẹp của sông Hương:

- Sông Hương vùng thượng lưu hiện lên dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy dữ dội và mãnh liệt.

+ Sông Hương giống như một bản trường ca dữ dội của núi rừng Trường Sơn, với những tiết tấu vô cùng hùng tráng. Trước khi về đến thành phố Huế, sông Hương đã trải qua biết bao ghềnh thác, cuộn xoáy.

+ Giống như một cô gái Digan phóng khoáng đầy man dại. Rừng già đã tôi luyện cho sông Hương có một bản lĩnh đầy vững vàng và một tâm hồn trong sáng, đầy tự do.

+ Nhưng cũng chính núi rừng Trường Sơn đã chế ngự hết những sức mạnh của sông Hương, để khi ra khỏi rừng, nó trở thành một người con gái đầy dịu dàng, là một người mẹ trở theo dòng phù sa đầy dinh dưỡng nuôi sống vùng đồng bằng màu mỡ.

- Sông Hương hiện lên theo một cách mới đầy khác lạ khi chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố.

+ Sông Hương đã trở nên đầy dịu dàng, trở thành một người mẹ mang theo nguồn phù sa màu mỡ để nuôi sống cư dân hai bên bờ sông.

+ Sông Hương liên tục thay đổi dòng chảy, lúc thì uốn cong về phía này, lúc lại đột ngột bẻ ngoặt sang phía khác, như những dải lụa thật mềm mại, như những chiếc uốn cung rất nhẹ nhàng. Điều này càng khiến cho dòng sông trở nên dịu dàng, đầy thu hút.

+ Sông Hương như một người con gái đỏm dáng, điệu đà, liên tục khoác lên mình những bộ đồ khác nhau, tùy theo thời tiết mây trời. Lúc thì mặt nước trở nên xanh thắm, lúc lại phản quang những màu sắc rực rỡ khác nhau của nền trời ngoại ô thành phố. Sáng thì xanh, trưa chuyển sang vàng, tối lại một màu tím thẫm mơ mộng. Nhà văn đã có cái nhìn đầy tinh tế mới có thể khám phá ra được bước chuyển màu đầy thú vị của dòng sông ấy.

- Sông Hương khi chảy vào thành phố Huế lại mang một màu sắc đặc trưng mới:

+ Vẫn là những cử chỉ hết mực nhẹ nhàng, và đồng thời tươi vui hẳn lên khi được gặp lại thành phố thơ mộng, như được gặp lại một người tình thủy chung của mình.

+ Tác giả còn so sánh với những dòng sông nổi tiếng trên thế giới để thấy rằng, ở mỗi vùng đất địa linh, đều gắn bó với một con sông. Con sông chảy qua lòng thành phố, đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố ấy. Và con sông Hương cũng vậy.

3. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề

2.3. Đề số 3 (trang 68 sgk Văn 12 Tập 2):

Viết về truyện ngắn Làng của Kim Lân.

Mở bài

Văn học là một người thư kí trung thành ghi lại chân thực bộ mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên một tác phẩm văn học muốn được lưu giữ mãi trong lòng bạn đọc thì nó không chỉ phản ánh hiện thực mà nó còn là sự khám phá, tìm tòi, những am hiểu, cách nhìn mới của tác giả với đời với con người, qua đó nhằm hướng con người tới các giá trị tốt đẹp. Khi đọc truyện ngắn Làng ta cũng sẽ cảm nhận được những điều mới mẻ, những lời nhắn nhủ mà Kim Lân muốn đem góp vào đời sống.

Thân bài

a) Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã thể hiện được những điều hoàn toàn mới mẻ với những lời nhắn nhủ riêng của nhà văn trên cơ sở những vật liệu mượn được ở thực tại:

- Giới thiệu tác giả: Kim Lân là nhà văn xuất sắc của văn học hiện đại với sở trường về truyện ngắn. Đề tài chủ yếu của ông là viết về những người nông dân và những sinh hoạt làng quê. Những nhà văn cùng thời rất nhiều người đã hướng bút vào mảng đề tài này nhưng Kim Lân lại chọn cách viết riêng. Ông chuyên viết về những phong tục văn hóa cổ truyền, những điều dung dị mộc mạc chân chất của người dân quê. Tác phẩm của ông mang đậm hơi thở của đồng nội.

- Tác phẩm Làng : được sáng tác năm 1948, trong thời kì đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp. Làng là một tác phẩm có cốt chuyện tâm lí bởi chuyện chỉ xoay quanh diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai - 1 người nông dân rất đỗi yêu làng tự hào về làng nhưng lại được tin làng theo giặc làm Việt gian. Đặt nhân vật vào tình huống căng thẳng, có tính chất thử thách đó nhà văn đã làm nổi bật những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời chống Pháp. Như vậy, với truyện ngắn này, Kim Lân đã mượn nhiều những vật liệu ở thực tại, và vật liệu đó chính là hiện thực của cuộc kháng chiến chống Pháp và đời sống tình cảm của những người nông dân trong kháng chiến.

- Không chỉ vậy, nhà văn còn phát hiện ra những điều mới mẻ trong tâm hồn của người nông dân sau cách mạng tháng 8. Tình yêu làng quê hòa quyện với tình yêu đất nước và tinh thần kháng chiến. Tình cảm ấy được nhà văn gửi gắm qua hình tượng ông Hai.

* Tình yêu làng của ông Hai ở nơi tản cư

+) Điều đầu tiên ta cảm nhận được ở ông Hai là tình yêu làng xóm yêu quê hương tha thiết, nó gắn bó như máu thịt, như một phần cuộc sống của ông. Tác giả đã để ông hai bộc lộ tình cảm đó một cách nồng nhiệt, rất riêng mà cũng rất giống với những người dân lao đọng Việt Nam vốn sống với làng xóm, quê hương từ thuở tấm bé. Xong tình yêu làng của ông Hai không cổ hủ mà đã có những chuyển biến mới theo dòng chảy của thời đại. Sự đổi mới cũng rất hợp lí, đúng như sự rung động trong trái tim ông.

+) Nếu như trước CMT8 ông thường khoe về cái sinh phần của viên tổng đốc làng thì đến khi có ánh sáng Cm soi rọi ông lại thấy căm thù cái sinh phần đó. Ông khoe về sự giàu có của làng mình với những chòi phát thanh cao, với những con đường lát toàn đá xanh mà trời mưa bùn không dính đến gót chân. tình yêu làng đã khắc sâu trong trái tim ông trở thành một mối tình nóng bỏng, vì thế ông không muốn rời khỏi làng, nhưng vì nghe theo lời Cm, lời BH mà ông đã phải đi tản cư.

+) Ở nơi tản cư, ông không nguôi nhớ về làng của mình. Ngày nào ông không nghe về làng là ông ăn không ngon ngủ không yên. Một khi kể chuyện về làng ông lại vui vẻ hoạt bát hẳn lên. Ông hồi tưởng về những ngày cùng anh em đào đường đắp ụ, ông băn khoăn về những công việc còn đang dở dang ở làng. Có lẽ tình yêu làng của ông Hai đã hòa cùng tình yêu kháng chiến, tinh thần kháng chiến. Tình cảm ấy đã gắn sâu vào tâm hồn, máu thịt của ông. Ở nơi tản cư ông cùng gia đình vẫn chăm chỉ làm ăn, nhưng ông còn một thú vui khác là thường xuyên đến phòng thông tin để nghe ngóng nắm bắt tình hình, tin tức của quân ta.

=> Đây chính là sự mới mẻ trong những chuyển biến tình cảm của người nông dân, trong sự phát hiện tìm tòi của nhà văn Kim Lân.

* Khi nghe tin làng theo giặc

+) Cuộc sống của Ông Hai sẽ cứ thế yên ả trôi đi nếu như ông không nghe được tin dữ: Làng mình theo giặc, đó là vào một buổi trưa như mọi ngày, sau khi ở phòng thông tin bước ra, ông rất phấn khởi vui mừng: " Ruột gan ông lão cứ múa cả lên" vì những tin chiến thắng từ khắp mọi miền của Tổ Quốc. Bỗng nhiên ông nhận được tin làng mình theo giặc.

+) Bao đau đớn tủi nhục ê chề làm cho cổ ông nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân. Chỉ bằng 1 chi tiết nhỏ Kim Lân đã diễn tả thành công nỗi đau sững sờ, choáng váng trong tâm hồn ông Hai. Nếu lúc "quay phắt lại" Để hơn những người tản cư ông hy vọng bao nhiêu thì khi biết tin đó là 9 giờ ông lại hụt hẫng bấy nhiêu. Trước cái tin sét đánh đó ông đã nghẹ ngào không nói nên lời. Ông xấu hổ tủi nhục đến mức không giám cho người tản cư biết mình là người làng Chợ dầu và ông đã bỏ làng đi nơi khác. Bên tai ông vẫn nghe rõ "Cái giọng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú": "Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó đói khổ ăn cắp, ăn chộm người ta còn thương, cái giống Việt gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát". Chi tiết này đã thể hiện tài năng miêu tả tâm lý nhân vật bậc thầy của Kim Lân từng gắn bó cuộc sống nông thôn, am hiểu sâu sắc về người nông dân cho nên hơn ai hết Kim Lân đã thấu hiểu rõ những tâm tư, suy nghĩ của họ để rồi thể hiện thành công ở nhân vật Ông Hai. Từ chỗ yêu con đường làng , yêu những mái nhà ngói, tình cảm của ông Hai đã tiến dần lên thành tình yêu kháng chiến yêu đất nước. Vì yêu nước nên khi nghe tin làng theo giặc ông đã đau đớn tủi nhục đén mức cúi gằm mặt xuống đất mà đi, không dám ngẩng đầu lên nhìn ai.

+) Rồi về đến nhà ông nằm vật ra giường, nhìn con nước mắt ông lão cứ trào ra, ông thương con thương thân mình vì đều là người làng chợ Dầu. Dù rất thương con nhưng ông đành bất lực. Ông rít lên chửi cái bọn ở làng nhưng vẫn ngờ rằng lời mình không được đúng lắm, rằng mình không nên tin vào cái lời đồn kia. Nhưng cứ nghĩ đến người đàn bà đi tản cư ông lại thấy tủi nhục ê chề, bao tâm trạng đan xen giằng xé đang bốc lên ngùn ngụt. Suốt ngày hôm đó, ông sống trong không khí ẩm đạm nặng nề và lo sợ.

+) Luôn mấy ngày sau đó ông không ra khỏi nhà, lúc nào cũng lo lắng khổ đau, chỉ sợ mụ chủ nhà biết chuyện sẽ đuổi gia đình ông đi. Thoáng nghe: tây, việt gian hay những tiếng cười nói từ xa vọng lại ông lại lủi ra một góc nhà nín thít và thầm nghĩ: "thôi lại chuyện ấy rồi". Kim Lân đã miêu tả rất tinh tế nỗi ám ảnh thường trực đè nặng trong tâm hồn ông Hai, điều đó đủ cho thấy tình yêu làng của ông Hai hòa quyện trong tình yêu nước yêu kháng chiến đến mức độ nào.

+) Khi mụ chủ nhà lên tiếng đuổi khéo, tâm trạng của ông Hai càng u ám, năng nề, rơi vào bế tắc tuyệt vọng. Trong ông diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt: Không về làng thì biết đi đâu, nhưng nếu về làng nghĩa là bỏ kháng chiến bỏ cụ Hồ, cam chịu kiếp nô lệ. giữa lúc bế tắc ông chỉ còn biết trò chuyện giải tỏa cùng đứa con út. Nói với con cũng chính là ông tự giãi bày, tự minh oan cho chính mình. Đó là lời khẳng định sự thủy chung gắn bó của ông Hai với cụ Hồ với cách mạng. Tuy đau khổ đén tột cùng, tuyệt vọng hết mức tưởng như rơi vào bế tắc nhưng ông hai vẫn hướng về Cm tin vào kháng chiến, tin vào Bác Hồ. Tấm lòng của ông chính là tấm lòng của người nông dân VN thời chống Pháp. Tình yêu nước đã bao trùm lên tình yêu làng quê. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng và cảm phục.

* Khi nghe tin làng cải chính

Nếu truyện ngắn Làng thắt lại bằng tình huống khi nghe tin làng theo giặc thì lại mở ra bằng chi tiết ông nhận được tin cải chính. Hóa ra cái tin làng chợ Dầu của ông theo giặc chỉ là tin đồn. Nhận được tin này cái mặt buồn thiu mọi ngày lại trở nên tươi vui rạng rỡ hẳn lên. Ông không quên mua quà cho các con rồi lại hối hả, lật đật chạy đi khoe khắp nơi. Ông Hai yêu nước đến xúc động, nhà bị đốt vẫn sung sướng vẫn múa tay lên khoe vì ông hiểu rằng như vậy là ông đã cống hiến cho quê hương, cho đất nước. Nếu lúc trước ông sụp đổ tinh thần ghê gớm thì bây giờ ông lại có niềm tin và hi vọng.

=> Như vậy ông Hai là một hình ảnh mới, đại diện cho người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng Tám. Dù rơi vào tột cùng đau khổ nhưng ông vẫn có niềm tin để sống, đó là niềm tin vào làng, vào cách mạng, và lòng tin kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi; lúc đó ông sẽ là người tự do, được sống trong một xã hội bình đẳng, bác ái. Đây thực sự là một sự thay đổi rất lớn so với những người nông dân trước cách mạng, mà một ví du cụ thể là hình ảnh lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Lão sống một cuộc đời đau khổ, bất hạnh, chỉ có cái chết đầy đau đớn dữ dội bằng bả chó mới là sự giải thoát duy nhất cho lão. Chết là hết, là không còn chịu sự kìm kẹp, bóc lột của xã hội phong kiến nửa thuộc địa. Đó là cuộc đời chung của người nông dân khi chưa có ánh sáng cách mạng soi đường.

b) Điều mới mẻ của nhà văn Kim Lân còn được thể hiện trong những giá trị về mặt nghệ thuật mà tác phẩm đem lại. Làng có một cốt truyện đơn giản nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn người đọc bởi nhà văn đã rất thành công trong việc xây dựng tình huống độc đáo kết hợp nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật tinh tế. Tâm trạng nhân vật ông Hai được miêu tả tỉ mỉ có diễn biến, quá trình biểu hiện qua suy nghĩ cử chỉ thái độ lời nói khi trầm xuống lắng động với suy tư dằn vặt, day dứt, khổ đau đến tận cùng; khi thì ồn ào trong niềm vui sướng hạnh phúc đến tột bậc. Vì vậy ông Hai hiện lên chân thực giản dị, sống động, có chiều sâu và trở thành hình ảnh tiêu biểu của người nông dân Việt nam trong kháng chiến chống Pháp với tình yêu quê hương, đát nước tha thiết.

c) Thông qua truyện ngắn Làng, nhà văn Kim lân muốn gửi gắm đến bạn đọc tình yêu làng quê vốn là tình cảm truyền thống của người nông dân Việt Nam nhưng chỉ ở người nông dân sau cách mạng tình yêu làng mới hòa quyện sâu sắc với tình yêu nước. Họ có niềm tin vào lãnh tụ, có tinh thần ủng hộ kháng chiến.

Mời các bạn tham khảo thêm soạn bài Ngữ văn 12 dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Soạn bài Viết bài làm văn số 6 - Nghị luận văn học. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12, Soạn bài lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn bài lớp 12

    Xem thêm