Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Soạn bài Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS là tài liệu tham khảo hay dành cho các bạn tham khảo. Soạn bài môn Văn lớp 12 này sẽ hướng dẫn các bạn trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa, nhằm chuẩn bị bài trước khi đến lớp hiệu quả. Chúc các bạn học tốt.

Soạn bài lớp 12: Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

1. Soạn bài thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS của Cô-phi An-nan mẫu 1

Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến “chống lại dịch bệnh này”): Đặt vấn đề - Tầm quan trọng của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS

- Phần 2 (tiếp đó đến “im lặng đồng nghĩa với cái chết”): Giải quyết vấn đề - Tổng kết thực trạng hành động và nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS

- Phần 3 (còn lại): Kết thúc vấn đề - Lời kêu gọi phòng chống HIV/AIDS

1.1. Câu 1 (trang 82, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

- Vấn đề: phòng chống HIV/AIDS

- Tác giả cho rằng đó là vấn đề phải đặt lên hàng đầu vì:

+ Việc cam kết của các quốc gia trên thế giới nhất trí để đánh bại HIV/AIDS cần có sự cam kết, nguồn lực và hành động

+ Đại dịch AIDS đang hoành hành với tốc độ lây lan đáng báo động, nó vẫn đang hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao và chưa có dấu hiệu suy giảm

1.2. Câu 2 (trang 82, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Để việc tổng kết tình hình thực tế của mình không chỉ trung thực đáng tin cậy mà còn là cơ sở để tổng thư kí Liên hợp quốc nêu lên những kiến nghị sau đó, ông đã nêu lên những chứng cứ, những con số cụ thể về những việc đã làm và những vấn đề còn tồn tại khi phòng chống HIV/AIDS:

- Những việc đã làm được:

+ Ngân sách tăng đáng kể

+ Thành lập quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao và sốt rét

+ Đa số các nước đã xây dựng chiến lược quóc gia về phòng chống HIV/AIDS

+ Nhiều công ti áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS

+ Nhiều tổ chức và nhóm từ thiện tham gia tích cực

→ Nhân loại đã tập trung nhân lực, tiền của để chống lại đại dịch và hiểm họa này

- Thực trạng hiện nay:

+ HIV/AIDS đang hoành hành

+ Gây tử vong cao, tuổi thọ giảm

+ Lây lan với tốc độ báo động, đặc biệt ở phụ nữ

+ Độ lan rộng rất nhanh

→ Lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng cụ thể, tạo sức thuyết phục đối với người đọc

- Hậu quả:

+ Không hoàn thành được một số mục tiêu đề ra

+ Bị chậm trong việc giảm quy mô và tốc độ của dịch

→ Hậu quả: chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu nào trong năm 2005

1.3. Câu 3 (trang 83, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Trong bài lời kêu gọi của mình ông nhấn mạnh: Thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/ AIDS

Câu 4 (trang 83, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

- Câu văn làm chúng tá xúc động:

+ Hãy đừng để một ai đó (...) đồng nghĩa với cái chết.

+ Hãy cùng chúng tôi đánh đổ thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử bao vây quanh bệnh dịch này.

+ Trong cuộc sống chỉ có tình thương chân thành (...) dè dặt im lặng vô ích

- Bài học cho việc làm văn nghị luận của mình:

+ Bố cục mạch lạc, luận điểm rõ ràng

+ Đưa ra được các dẫn chứng, số liệu cụ thể, khách quan

+ Kết hợp giữa nghị luận với biểu cảm

1.4. Luyện tập

Câu 1 (trang 83, sgk Ngữ văn 12, tập 1)

Bản báo cáo cần đảm bảo các vấn đề sau:

- Quốc hiệu, tiêu ngữ

- Thời gian, địa điểm làm báo cáo

- Tên bản báo cáo

- Nơi nhận bản báo cáo

- Nội dung của bản báo cáo: thực trạng người mặc bệnh HUV/AIDS, các biện pháo đã được dùng để phòng chống, đề xuất thêm các biện pháp mới,...

- Kí, ghi rõ họ tên người làm báo cáo

Nội dung chính của văn bản:

- Giá trị nội dung

Bản thông điệp khẳng định phòng chống HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại, và những cố gắng của con người về mặt này vẫn còn chưa đủ. Tác giả thiết tha kêu gọi các quốc gia và toàn thể nhân dân thế giới hãy coi việc đẩy lùi lại đại dịch đó là công việc của chính mình, hãy sát cánh bên nhau để cùng “đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử” với những người bị HIV/AIDS

- Giá trị nghệ thuật

+ Sử dụng thành công thể loại nghị luận với luận điểm, luận cứ, luận chững rõ ràng, xác thực

+ Vận dụng sáng tạo các thao tác lập luận so sánh, bác bỏ...

+ Lời văn ngắn gọn, súc tích, giàu sức thuyết phục

2. Soạn bài thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS của Cô-phi An-nan mẫu 2

2.1. Hướng dẫn học bài

BT 1. Dựa vào Tiểu dẫn trong SGK giới thiệu khái quát về bài viết và tác giả Cô-phi An-nan.

Gợi ý

  • Tác giả Cô-phi An-nan sinh 8-4-1938 tại Ga na. Ông là Tổng thư kí Liên hợp quốc trong hai nhiệm kì (từ 1997 – 2007). Ông đã ra lời kêu gọi hành động năm điều về đại dịch HIV/AIDS, kêu gọi thành lập Quỹ Sức khỏe và AIDS toàn cầu, kêu gọi chống khủng bố trên toàn thế giới. Được trao Giải thưởng Nô-ben hòa bình.
  • Văn bản được Tổng thư kí liên hợp quốc Cô-phi An-nan viết và gửi nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1-12-2003.

BT2. Bản thông điệp nêu lên vấn đề gì? Vì sao cho rằng đó là một vấn đề rất cần phải đặt lên vị trí hàng đầuu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân?

Gợi ý

a.Bản thông điệp nêu lên vấn đề phòng chống AIDS.

b. Đó là một vấn đề rất cần phải đặt lên "vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế" của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân vì:

  • HIV/AIDS là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết của toàn nhân loại và đe dọa nghiêm trọng tới con người. AIDS vẫn đang hoành hành, lây lan với tốc độ báo động, nhất là ở phụ nữ và có rất ít dấu hiệu suy giảm.
  • HIV/AIDS làm tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng, tỉ lệ tử vong cao.

BT3. Tìm hiểu cách tác giả điểm lại tình hình đã qua. Vị Tổng thư kí Liên hợp quốc đã làm thế nào để cho việc tổng kết tình hình thực tế không chỉ trung thực đáng tin cậy mà còn là cơ sở để dẫn tới những kiến nghị mà ông sẽ nêu bên dưới?

Gợi ý

a. Cách tác giả điểm lại tình hình đã qua

  • Đầu tiên tác giả nhấn mạnh phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS các quốc gia đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS đưa ra các mục tiêu, cam kết, nguồn lực và hành động.
  • Tác giả đưa ra một số kết quả đạt được như:
    • Ngân sách dành cho phòng chống HIV/AIDS đã tăng lên một cách đáng kể.
    • Quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao, sốt rét đã được thông qua.
    • Đại đa số các quốc gia đã xây dựng chiến lược phòng chống HIV/AIDS.
    • Ngày càng nhiều các công ty áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.
    • Các nhóm từ thiện cộng đồng luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS và có các hoạt động tích cực, phối hợp với chính phủ, các tổ chức khác. Tuy nhiên với những kết quả đó thì đại dịch HIV/AIDS vẫn còn rất ít dấu hiệu suy giảm và hiện tại vẫn hoành hành gây tỉ lệ tử vong cao, lây lan với tốc độ báo động.
  • Tiếp đó, tác giả nêu ra: "Chúng ta đã không hoàn thành được một số mục tiêu đề ra cho năm nay theo Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS. Với tiến độ như hiện nay thì sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào trong năm 2005. Tác giả đã điểm lại tình hình đã qua một cách trung thực đáng tin cậy.

b. Để có cơ sở dẫn tới những kiến nghị mà ông sẽ nêu. Cô-phi An-nan đã đưa ra các biểu hiện và số liệu cụ thể nhằm thuyết phục người đọc. Đó là:

  • Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV.
  • Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng.
  • HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ. Giờ đây phụ nữ đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới.
  • Dịch bệnh lan nhanh nhất ở chính những khu vực mà trước hầu như vẫn còn an toàn, đặc biệt là Đông Âu, toàn bộ Châu Á từ dãy núi A-ran đến Thái Bình Dương.
  • Ngoài ra tác giả còn sử dụng các câu mở đầu bằng từ "lẽ ra" để làm cơ sở đưa ra kiến nghị ở phía sau của mình.
  • Lẽ ra chúng ta phải giảm được ¼ số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
  • Lẽ ra chúng ta phải triển khai các chương trình chăm sóc toàn diện ở khắp mọi nơi.

Nhận xét: Nghệ thuật lập luận chặt chẽ có sức thuyết phục.

BT4. Trong lời kêu gọi mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa, tác giả nhấn mạnh đặc biệt đến điều gì? Từ đấy em cảm nhận được những gì về con người tác giả, về đặc sắc của bài văn?

Gợi ý

a. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh: Thậm chí chúng ta còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS.

b. Từ đây có thể thấy: Tác giả là một con người có trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương, một tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Ông có tầm nhìn sâu rộng đối với sự vận động không ngừng của sự sống, luôn quan tâm đến vận mệnh của loài người hơn bao giờ hết. Là một con người sống vì công việc, vì sự ổn định tốt đẹp của toàn nhân loại.

c. Bài văn có sức thuyết phục mạnh mẽ

  • Bài văn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố chính luận với giọng văn trữ tình thấm đượm tình cảm, cảm xúc của tác giả.
  • Cách lập luận chặ chẽ, đáng tin cậy khi tác giả lần lượt điểm lại tình hình đã qua, thực trạng của HIV/AIDS và hướng tới kêu gọi mọi người hãy sát cánh để chống HIV/AIDS bởi Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn.

Bởi vậy bài văn có sức lôi cuốn.

BT5. Trong bản thông điệp này, những nội dung và câu văn nào đã làm cho em thấy xúc động nhiều hơn cả? Vì sao? Qua đó em rút ra được bài học nào cho việc làm văn nghị luận của bản thân mình?

Gợi ý

a. Các câu văn cảm động

  • Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa chúng ta và họ. Trong thế giới khốc liệt AIDS này không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết.
  • Hãy cùng tôi đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử bao vây quanh bệnh dịch này.

b. Bởi vì:

  • Đó là những câu văn giản dị, chân thành thiết tha thể hiện tâm huyết của người viết.
  • Trong cuộc sống chỉ có tình thương chân thành mới níu giữ con người ta khỏi rơi vào cái xấu, cái ác, nâng đỡ con người khi lầm lỗi, tiếp sức cho họ vững bước, tự tin trên đường đời. Đối với những người bị bệnh HIV càng rất cần có tình thương, sự quan tâm động viên, an ủi của mọi người. Chỉ khi tất cả mọi người cùng lên tiếng để chống lại HIV/AIDS, thông cảm, sẻ chia với những người bất hạnh, lúc ấy cuộc sống mới thật sự dễ chịu, có ý nghĩa thay vì sự dè dặt im lặng vô ích.

c. Bài học cho việc làm văn nghị luận

  • Lập luận chặt chẽ logic.
  • Dẫn chứng thuyết phục, sát thực.
  • Bài viết thể hiện tư tưởng, tình cảm, quan điểm của mình một cách rõ ràng. - Lời văn trong sáng, logic, giàu sức thuyết phục.

BT 6. Em có cho rằng khi đại dịch HIV/AIDS đã qua đi thì bản thông điệp này cũng không còn giá trị nữa không? Vì sao?

Gợi ý

a. Khi đại dịch HIV/AIDS qua đi thì bản thông điệp này vẫn còn nguyên giá trị.

b. Vì nó mang giá trị cuộc sống cao.

  • Ở bất kì thời đại nào, ở đâu, vấn đề sức khỏe con người vấn được đặt lên hàng đầu.
  • Bản thông điệp sẽ mãi là bài học nhắc nhở con người ta phải sống sao cho lành mạnh không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
  • Đề phòng luôn là yếu tố quan trọng hơn chống HIV/AIDS qua đi nhưng nó vẫn có thể quay trở lại.
  • Bản thông điệp còn có giá trị nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mỗi con người về đạo làm người là phải biết yêu thương quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.

Tóm lại: Qua bản thông điệp, Cô-phi An-nan cho chúng ta thấy phòng chống HIV/AIDS là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại, những cố gắng của con người vẫn chưa đủ. Vì vậy tác giả thiết tha kêu gọi các quốc gia, toàn thể nhân dân trên thế giới hãy sát cánh bên nhau để cùng lật đổ thành trì của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử với những người bị HIV/AIDS.

Bài văn có sức thuyết phục mạnh mẽ vì đã diễn đạt được những suy nghĩ và cảm xúc của một con người có tấm lòng nhân đạo, có tầm nhìn rộng lớn và luôn quan tâm sâu sắc đến vân mệnh của loài người.

2.2. Luyện tập

2.2.1. Viết một bản báo cáo về tình hình phòng chống HIV-AIDS ở phương em.

Gợi ý:

a. Mở bài: Giới thiệu về tệ nạn xã hội HIV/AIDS ở địa phương.

VD: Hiện nay HIV/AIDS đang là một căn bệnh thế kỉ, làm đau đầu các nhà chức trách, chính trị gia và là mối quan tâm lo lắng của toàn nhân loại. Căn bệnh ấy không trừ bất cứ nơi đâu, mà vấn đề là ở đó ít hay nhiều mà thôi. Trước vấn đề cấp thiết đó ở địa phương, tôi cũng góp tiếng nói của mình để đẩy lùi, phòng chống nó.

b. Thân bài

  • Trong những năm gần đây địa phương tôi không ngừng đưa ra các biện pháp để phòng chống HIV/AIDS.
    • Mở các lớp học tuyê truyền về cách phòng chống HIV/AIDS, nêu lên tác hại to lớn mà HIV/AIDS gây ra.
    • Vận động nhân dân không được xa lánh với người bệnh.
    • Tuyên truyền về nếp sống văn hóa lành mạnh, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật.
    • Tổ chức các hội thi...
  • Tuy nhiên HIV/AIDS cũng rất khó đẩy lùi ở địa phương. Nguyên nhân:
    • Do một số thanh thiếu niên đua đòi, ăn chơi.
    • Hiệu quả của việc tuyên truyền chưa mang lại kết quả như mong đợi.
    • Việc quả lí nhập cư từ nơi này sang nơi khác làm chưa tốt có khi người đến đem theo HIV/AIDS vào địa phương.
    • Do sự bất cẩn khi không có phương pháp đúng đắn phòng tránh HIV/AIDS.
  • Khẳng định chỉ có con đường phòng chống HIV/AIDS, đẩy nó ra khỏi cuộc sống mới làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy phải ra sức đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.

c. Kết bài Tình hình phòng chống HIV/AIDS là vẫn đề nan giải của địa phương, nhưng địa phương tôi đang cố gắn nổ lực để tiêu diệt căn bệnh này.

2.2.2. Phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về câu cuối của bức thông điệp: Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV-ADIS bắt đầu từ chính các bạn. Em sẽ làm gì để tham gia cuộc chiến chống đại dịch này?

Bài làm:

Trong lịch sử nhân loại, loài người đã phải trải qua bao nhiêu đại dịch: dịch hạch, đậu mùa, thổ tả, … từng hoành hành và tiêu diệt cả một ngôi làng hay thành phố. Nhưng cho đến ngày nay, chưa có căn bệnh dịch nào có thể sánh bằng thứ tai họa mà hiện tại chúng ta đang phải đối diện: HIV/AIDS. HIV/AIDS thật sự là cơn ác mộng gieo rắc kinh hoàng đối với mỗi người, mỗi quốc gia và toàn thế giới. Vì lẽ đó,qua “Bản thông điệp nhân ngày phòng chống HIV/AIDS 1/12/2003”, tồng thư kí liên hiệp quốc Cô-phi An-nan đã phát động lời kêu gọi đến toàn thể nhân dân thế giới: “Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn.” Thông điệp này cho đến ngày hôm nay vẫn là một lời kêu gọi có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của bất cứ ai đã từng nghe qua. Đặc biệt đối với giới trẻ chúng ta ngày nay, việc cần phải làm không chỉ là suy nghĩ mà còn phải tìm ra cho mình những hành động thiết thực nhất để đáp lại lời kêu gọi ấy.

Trước nhất, chúng ta cần phải hiểu HIV/AIDS là gì. Nguyên tên của HIV/AIDS là “hội chứng suy giảm miễn dịch HIV/AIDS”. Như chính tên gọi của nói, HIV/AIDS là một căn bệnh khủng khiếp, nó làm suy giảm khả năng miễn dịch, tê liệt sức đề kháng của con người, vì vậy, người bệnh dễ mắc phải tất cả những chứng bệnh thường gặp trong môi trường sống như viêm da, tiêu chảy, đau mắt, lao phổi,… nhưng lại hoàn toàn không có khả năng hồi phục, dẫn đến suy kiệt, rồi tử vong. Từ lúc phát hiện ra vi rút HIV và nghiên cứu – vào hai thập niên cuối của thế kỉ XX, cho đến nay, đã gần trôi qua mười năm đầu của thế kỉ XXI, mà y học thế giới vẫn chưa thể tìm ra một thứ thuốc nào để chống lại căn bệnh này, cũng chưa có một loại vắc xin nào giúp phòng ngừa được thứ vi rút này. Những thứ thuốc tốt nhất - hầu hết đều khá đắt tiền - chỉ có thể kéo dài sự sống cho người bệnh. Và hiện tại, mọi biện pháp phòng tránh, cũng chỉ có thể giảm bớt một phần nào sự lây lan từ người này sang người khác, giữ nó không lan ra thành cơn đại dịch mang tính toàn cầu. Nhưng, dù chưa trở thành đại dịch, nhưng HIV/AIDS cũng đã thật sự là một thảm họa cho thế giới.

Thật vậy, chỉ qua những con số thống kê, ta có thể thấy được rằng, vi rút HIV/AIDS là tai họa cho toàn nhân loại. Trong năm 2007, toàn thế giới đã có 36.1 triệu người phải sống cùng căn bệnh HIV/AIDS. Đến lúc đó, đã có 21.8 triệu người chết vì HIV/AIDS, mà riêng chỉ trong năm 2000 thì là 3 triệu người. Cho đến năm 2007, trên thế giới có 13.2 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì HIV/AIDS. Nếu tính trung bình trong năm 2007, cứ mỗi ngày trôi qua, trên thế giới lại có thêm 16 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, nghĩa là cứ sau mỗi giờ thì có đến 750 người bị nhiễm căn bệnh ấy. Và tất nhiên, bước sang thể kỉ mới, cứ mỗi năm, những con số thống kê này lại tăng lên theo cấp số cộng. Theo số liệu năm 2007, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có gần 5 triệu người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có đến 440.000 người mới bị nhiễm trong năm 2007 và cũng đã có 300.000 người tử vong vì HIV/AIDS. Riêng tại Việt Nam, hiện có hơn 133 nghìn người bị nhiễm HIV/AIDS. Trên tất cả 64 tỉnh thành và trên 96% số quận huyện trong cả nước có người nhiễm bệnh. Đau long hơn. số người bệnh trong độ tuổi từ 18 – 39 chiếm tới trên 78%. Từ những con số đó, ta có thể suy ra một sự thật khác: có một số lượng rất lớn người dân hiện nay không thể sản xuất ra sản phẩm phục vụ cho xã hội, đang sống trong đau đớn và bệnh tật, và cũng có một số lớn những người tương ứng phải tập trung chăm lo cho những người bệnh ấy. Bao nhiêu thuốc men, tiền bạc của gia đình và xã hội này phải đổ vào việc chăm lo cho những bệnh nhân. Công việc chống đói nghèo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vốn dĩ đã gian nan nay lại còn gian nan thêm gấp bội lần.

Như Cô-phi An-nan đã nói – “cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn - cuộc chiến này bắt đầu từ chúng ta, do chúng ta điều khiển và quyết định. Vì sao ? Vì tất cả chúng ta, đều là đồng loại. Chúng ta cùng nhau hít thở một bầu không khí, cùng chung sống trong một thế giới, làm sao có thể tách mình ra khỏi nỗi đau của hàng trăm triệu con người khác đang sống khắp nơi trong chính xã hội của mình. Liệu chúng ta có quyền được dửng dưng hay thờ ơ, và liệu chúng ta có né tránh không tham gia vào cuộc chiến ấy được hay không ? Không ! “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ.”. Ta không thể mang trong mình suy nghĩ “họ mắc bệnh, ta không mắc bệnh, việc gì đến ta” hay “họ mắc bệnh, phải tránh xa họ ra”. HIV/AIDS thật sự đang tác động rất xấu đến đời sống của toàn nhân loại trên thế giới. Một số lớn tiền bạc và vật chất của thế giới đang phải dồn cho việc chống lại căn bệnh, trong khi lẽ ra số tiền đó phải được dùng trong sản xuất lương thực, phòng chống thiên tai,... và tất cả chúng ta đều đang phải gánh chịu những khó khăn từ việc ấy, không riêng một ai. Và ả những người mắc bệnh, cũng như chúng ta, đều là những con người bằng xương bằng thịt, có tình cảm, cảm xúc, chỉ kém may mắn hơn ta một chút thôi, bởi lẽ, căn bệnh HIV/AIDS luôn rình rập ở khắp mọi nơi. Nhưng, nếu thật sự có hiểu biết, và biết phòng tránh, giữ gìn, những người mang bệnh vẫn có thế tiếp tục sống chung với tất cả mọi người một cách bình thường vì bệnh chỉ có thể lây lan qua những đường như: truyền máu không an toàn, mẹ sang con, qua đường tình dục,.... Hơn nữa, những người không may mắc bệnh lại là những người nhạy cảm hơn hết, và việc bị xã hội kì thị, xa lánh sẽ dẫn đến những hệ lụy rất xấu. Những người bệnh ấy sẽ không có điều kiện điều trị, lại dễ mang tâm trạng chán chường, thù hận, oán trách cuộc đời, sẽ có những hành động thiếu suy nghĩ và nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Mặt khác, từ đó, có những người bị bệnh nhưng lo sợ mình cũng bị xa lánh, đâm giấu giếm bệnh, hoặc gia đình, làng, xã sợ bị mất danh dự, cũng che đậy giấu giếm. Nếu im lặng, sẽ dẫn đến bệnh dễ lây lan hơn, ít có điều kiện chữa trị, thành ra một bệnh dịch, đe dọa đến an toàn và sức khỏe của nhiều người khác. Vì “trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết” - nếu không có biện pháp phòng ngừa và chữa trị mạnh mẽ, bệnh có thể đến gõ cửa từng nhà.

Vậy, đứng trước trận chiến này, tôi, bạn và chúng ta, phải làm gì, để đáp lại lời kêu gọi của Cô-phi An-nan ? Trước hết, tất cả chúng ta phải quyết tâm, đồng lòng và đoàn kết thật mạnh mẽ. Bệnh dịch dễ lây lan chính là do sự thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, là do thái độ thiếu kiên quyết trong phòng ngừa. Ở nước ta, ở những vùng nông thôn, bệnh dễ lây nhiễm là vì người dân chưa có nhận thức đúng đắn và hiểu biết về căn bệnh này. Một mặt, ta phải cùng thực hiện những chiến dịch tuyên truyền. Một mặt, nhằm cảnh báo với tất cả mọi người về những nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS để tự mình tích cực đề phòng. Mặt khác, hãy biết cảm thông và chia sẻ đối với những người không may nhiễm HIV. Ta không nên kì thị, phân biệt mà phải giúp họ tạo dừng một niềm tin và nghị lực, tạo cho họ điều kiện tiếp tục sống và đóng góp cho xã hội. Mỗi người trong chúng ta đều phải góp một phần công sức vào mặt trận chung này, tại chính cộng động mình đang sống. Riêng tôi – và tất cả những ai đang còn là học sinh, sinh viên, hãy học tập thật tốt và bổ sung cho bản thân những kiến thức về HIV/AIDS, hãy có một đời sống thật lành mạnh,an toàn, có trách nhiệm với bản thân để không bao giờ phải thốt lên câu “giá như” muộn màng, hãy biết bảo vệ chính bản thân mình và giúp mọi người xung quanh cũng hiếu biết được như thế. Làm được như vậy, là chúng ta đã chung tay góp sức một phần trong cuộc chiến khốc liệt này.

Một lần nữa, xin mượn lời ông Cô-phi An-nan, xin kêu gọi tất cả - bạn, tôi, chúng ta - “hãy cùng lên tiếng thật to và dõng dạc về HIV/AIDS”, “hãy cùng đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này”. Cũng như tất cả những đại dịch ngày trước, cuối cùng đều đã tìm được thuốc chữa, ta cũng hãy có một niềm tin mạnh mẽ rằng, trong tương lai không xa, con người chúng ta sẽ tìm ra thuốc chữa khỏi bệnh HIV/AIDS và vắc xin phòng ngừa căn bệnh thế kỉ này.

3. Soạn bài thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS của Cô-phi An-nan mẫu 3

3.1. Hướng dẫn

Trả lời câu 1 (trang 82 SGK Ngữ văn 12, tập 1)

- Bản thông điệp nêu lên hiểm họa toàn cầu từ đại dịch HIV/AIDS và sự cấp bách của việc phòng chống AIDS đối với mọi quốc gia, mọi cá nhân.

- Tác giả cho rằng đó là vấn đề phải đặt lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân vì:

+ Dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới, ít dấu hiệu suy giảm.

+ Chúng ta không hoàn thành một số mục tiêu đề ra cho năm nay và bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2005.

Trả lời câu 2 (trang 82 SGK Ngữ văn 12, tập 1)

Để việc tổng kết tình hình thực tế không chỉ trung thực mà còn là cơ sở để dẫn tới những kiến nghị, tác giả đã:

- Trình bày bao quát, toàn diện cả những mặt đã làm được và những mặt chưa làm được đối với những khu vực khác nhau, những giới tính, lứa tuổi khác nhau…

- Đưa ra những số liệu, tình hình cụ thể, thuyết phục phản ánh tính cấp thiết của vấn đề.

Trả lời câu 3 (trang 82 SGK Ngữ văn 12, tập 1).

Trong lời kêu gọi mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn, tác giả đặc biệt nhấn mạnh việc đánh đổ các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này.

Trả lời câu 4 (trang 82 SGK Ngữ văn 12, tập 1).

- Nội dung và câu văn gây xúc động là Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết vì tác giả đã nhấn mạnh sự nguy hại khủng khiếp đến từ chính thái độ kì thị của cộng đồng với người nhiễm AIDS.

- Bài học làm văn nghị luận rút ra từ văn bản: bố cục rõ ràng và chặt chẽ, lập luận logic, suy nghĩ sâu sắc và cảm xúc chân thành, dẫn chứng tiêu biểu thuyết phục.

3.2. Luyện tập

Câu hỏi (trang 83 SGK Ngữ văn 12 tập 1)

Bản báo cáo cần đảm bảo các vấn đề sau:

- Quốc hiệu, tiêu ngữ

- Thời gian, địa điểm làm báo cáo

- Tên bản báo cáo

- Nơi nhận bản báo cáo

- Nội dung của bản báo cáo: thực trạng người mặc bệnh HIV/AIDS, các biện pháp đã được dùng để phòng chống, đề xuất thêm các biện pháp mới,...

- Kí, ghi rõ họ tên người làm báo cáo

3.3. Bố cục

Bố cục: 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến "...dịch bệnh này"): Đặt vấn đề: Tầm quan trọng của việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS.

- Phần 2 (Tiếp theo đến "...với cái chết"): Giải quyết vấn đề: Tổng kết thực trạng và hành động phòng chống HIV/AIDS.

- Phần 3 (Đoạn còn lại): Kết thúc vấn đề: Lời kêu gọi.

3.4. Nội dung chính

Bản thông điệp khẳng định phòng chống HIV/AIDS phải là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại, và những cố gắng của con người về mặt này vẫn còn chưa đủ. Tác giả thiết tha kêu gọi các quốc gia và toàn thể nhân dân thế giới hãy coi việc đẩy lùi đại dịch là công việc của chính mình, hãy sát cánh bên nhau để cùng đánh đổ "các thành lũy của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử" với những người bị HIV/AIDS.

Các tài liệu liên quan:

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Soạn bài Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Đề thi học kì 1 lớp 12, Soạn văn 12, Soạn bài lớp 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
5
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn bài lớp 12

    Xem thêm