Lý thuyết và bài tập Đọc - Hiểu môn Ngữ văn lớp 12
Lý thuyết và Bài tập Đọc - Hiểu môn Ngữ văn lớp 12
- 1. Các biện pháp tu từ
- 2. Nghĩa tường minh và hàm ý
- 3. Liên kết trong văn bản: Các câu, các đoạn văn liên kết với nhau về nội dung và hình thức
- 4. Các phương châm hội thoại
- 5. Phong cách chức năng ngôn ngữ
- 6. Phương thức biểu đạt
- 7. Phương thức trần thuật
- 8. Các thao tác lập luận
- 9. Kết cấu đoạn văn
- Giới thiệu một số đề tham khảo
Lý thuyết và Bài tập Đọc - Hiểu môn Ngữ văn lớp 12 được VnDoc.com sưu tầm và biên soạn giúp các bạn học sinh luyện tập với toàn bộ nội dung bài học trong chương trình Ngữ văn lớp 12 như: Biện pháp tu từ, Nghĩa tường minh và hàm ý, Liên kết trong văn bản, Các phương châm hội thoại, Phong cách chức năng ngôn ngữ, Phương thức biểu đạt... Tài liệu giúp các bạn củng cố và nâng cao kỹ năng làm bài Đọc hiểu, từ đó đạt điểm số cao trong bài thi THPT Quốc gia 2020. Mời các bạn tham khảo.
- Cấu trúc phần thi đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn
- Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2020
- Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn
1. Các biện pháp tu từ
- Các biện pháp tu từ từ vựng: So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, ngoa dụ, nói giảm, nhân hoá, vật hóa, điệp ngữ, uyển ngữ, nhã ngữ, chơi chữ...
- Các biện pháp tu từ cú pháp: Đảo ngữ, câu hỏi tu từ, lặp cú pháp, phép liệt kê, phép chêm xen...
- Các biện pháp tu từ ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh, tượng thanh, hài âm, tạo nhịp điệu, tạo âm hưởng...
2. Nghĩa tường minh và hàm ý
- Nghĩa tường minh: là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu.
- Hàm ý: là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.
3. Liên kết trong văn bản: Các câu, các đoạn văn liên kết với nhau về nội dung và hình thức
- Về nội dung:
- Liên kết chủ đề: Các đoạn văn phải phục vụ chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn.
- Liên kết lô-gic: Các đoạn văn và các câu văn phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.
- Về hình thức:
- Phép lặp từ ngữ: là cách dùng đi dùng lại một yếu tố ngôn ngữ nào đó để tạo ra tính liên kết giữa các câu chứa yếu tố đó. Có 3 cách sử dụng phép lặp: Lặp từ vựng, lặp cấu trúc ngữ pháp, lặp ngữ âm. Lặp còn tạo ra sắc thái tu từ như nhấn ý, tạo nhịp điệu, nhạc điệu,...
- Phép liên tưởng: là cách dùng các từ, tổ hợp từ có quan hệ liên tưởng trong từng câu giúp tạo ra sự liên kết giữa các câu chứa chúng.
- Phép thế: là cách dùng những từ, tổ hợp từ khác nhau, nhưng cùng chỉ về một vật, một việc để thay thế cho nhau và qua đó tạo nên tính liên kết giữa các câu chứa chúng.
- Phép nối: là cách liên kết câu bằng từ, tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ. Các phương tiện sử dụng trong phép nối là các quan hệ từ (và, vì, nhưng, thì, mà, nếu, cho nên, rồi,...) và các từ ngữ chuyển tiếp (bởi vậy, nếu thế, dầu vậy, tuy thế, vậy mà, đã vậy,...) các phụ từ (lại, cũng, còn,...)
- Phép tỉnh lược...
4. Các phương châm hội thoại
- Phương châm về lượng.
- Phương châm về chất.
- Phương châm quan hệ.
- Phương châm cách thức.
- Phương châm lịch sự.
5. Phong cách chức năng ngôn ngữ
* Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
- Khái niệm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm...đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.
- Đặc trưng:
- Giao tiếp mang tư cách cá nhân.
- Nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp.
- Nhận biết:
- Gồm các dạng: Chuyện trò, nhật kí, thư từ.
- Ngôn ngữ: Khẩu ngữ, bình dị, suồng sã, địa phương.
* Phong cách ngôn ngữ khoa học:
- Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học. Là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu.
- Đặc trưng
- Tính khái quát, trừu tượng.
- Tính lí trí, lô gíc.
- Tính khách quan, phi cá thể.
* Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật:
- Khái niệm: Là loại phong cách ngôn ngữ được dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (Văn xuôi nghệ thuật, thơ, kich).
- Đặc trưng:
- Tính thẩm mĩ.
- Tính đa nghĩa.
- Thể hiện dấu ấn riêng của tác giả.
* Phong cách ngôn ngữ chính luận:
- Khái niệm: Là phong cách ngôn ngữ được dùng trong những văn bản trực tiếp bày tỏ tư tưởng, lập trường, thái độ với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội.
- Đặc trưng:
- Tính công khai về quan điểm chính trị: Rõ ràng, không mơ hồ, úp mở.Tránh sử dụng từ ngữ mơ hồ chung chung, câu nhiều ý.
- Tính chặt chẽ trong biểu đạt và suy luận: Luận điểm, luận cứ, ý lớn, ý nhỏ, câu đọan phải rõ ràng, rành mạch.
- Tính truyền cảm, thuyết phục: Ngôn từ lôi cuốn để thuyết phục; giọng điệu hùng hồn, tha thiết, thể hiện nhiệt tình và sáng tạo của người viết.
* Phong cách ngôn ngữ hành chính:
- Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính.
- Là giao tiếp giữa nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác.
- Đặc trưng: Phong cách ngôn ngữ hành chính có 2 chức năng:
- Chức năng thông báo: thể hiện rõ ở giấy tờ hành chính thông thường. VD: Văn bằng, chứng chỉ các loại, giấy khai sinh, hóa đơn, hợp đồng,...
- Chức năng sai khiến: bộc lộ rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của cấp trên gửi cho cấp dưới, của nhà nước đối với nhân dân, của tập thể với các cá nhân.
* Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn):
- Khái niệm: Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Là phong cách được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề thời sự: (thông tấn có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi).
- Một số thể loại văn bản báo chí:
- Bản tin: Cung cấp tin tức cho người đọc theo 1 khuôn mẫu: Nguồn tin - Thời gian - Địa điểm - Sự kiện - Diễn biến - Kết quả.
- Phóng sự: Cung cấp tin tức nhưng mở rộng phần tường thuật chi tiết sự kiện, miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có 1 cái nhìn đầy đủ, sinh động, hấp dẫn.
- Tiểu phẩm: Giọng văn thân mật, dân dã, thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm nhưng hàm chứa 1 chính kiến về thời cuộc.
6. Phương thức biểu đạt
* Tự sự (kể chuyện, tường thuật):
Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự việc này đẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện 1 ý nghĩa.
* Miêu tả.
Miêu tả là làm cho người đọc, người nghe, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người (Đặc biệt là thế giới nội tâm) như đang hiện ra trước mắt qua ngôn ngữ miêu tả.
* Biểu cảm: Là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.
* Nghị luận: Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết.
* Thuyết minh: Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức về 1 sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc, người nghe.
* Hành chính – công vụ: Văn bản thuộc phong cách hành chính công vụ là văn bản điều hành xã hội, có chức năng xã hội. Xã hội được điều hành bằng luật pháp, văn bản hành chính.
Văn bản này qui định, ràng buộc mối quan hệ giữa các tổ chức nhà nước với nhau, giữa các cá nhân với nhau trong khuôn khổ hiến pháp và các bộ luật văn bản pháp lý dưới luật từ trung ương tới địa phương.
7. Phương thức trần thuật
- Trần thuật từ ngôi thứ nhất do nhân vật tự kể chuyện (Lời trực tiếp)
- Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình.
- Trần thuật từ ngôi thứ 3 của người kể chuyện tự giấu mình, nhưng điểm nhìn và lời kể lại theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm (Lời nửa trực tiếp)
8. Các thao tác lập luận
* Giải thích: chỉ ra nguyên nhân, lí do, quy luật của sự việc, hiện tượng được nêu trong luận điểm. Trong văn nghị luận, giải thích là làm sáng tỏ một từ, một câu, một nhận định.
* Phân tích: Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.
* Chứng minh: CM là đưa ra những cứ liệu - dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề.
* So sánh: So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.
Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản.
* Bác bỏ: Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình.
9. Kết cấu đoạn văn
Trong văn bản, nhất là văn nghị luận, ta thường gặp những đoạn văn có kết cấu phổ biến: quy nạp, diễn dịch, tổng phân hợp; bên cạnh đó là đoạn văn có kết cấu so sánh, nhân quả, vấn đáp, đòn bẩy, nêu giả thiết, hỗn hợp,...
- Đoạn diễn dịch.
Đoạn diễn dịch là một đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai ý tưởng chủ đề, mang ý nghĩa minh hoạ, cụ thể. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận; có thể kèm những nhận xét, đánh giá và bộc lộ sự cảm nhận của người viết.
Ví dụ: Đoạn văn diễn dịch, nội dung nói về cá tính sáng tạo trong sáng tác thơ:
"Sáng tác thơ là một công việc rất đặc biệt, rất khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hình thành một cá tính sáng tạo (1). Tuy vậy, theo Xuân Diệu - tuyệt nhiên không nên thổi phồng cái cá biệt, cái độc đáo ấy lên một cách quá đáng (2). Điều ấy không hợp với thơ và không phải phẩm chất của người làm thơ chân chính (3). Hãy sáng tác thơ một cách tự nhiên, bình dị, phải đấu tranh để cải thiện cái việc tự sáng tạo ấy không trở thành anh hùng chủ nghĩa (4). Trong khi sáng tác nhà thơ không thể cứ chăm chăm: mình phải ghi dấu ấn của mình vào trong bài thơ này, tập thơ nọ (5). Chính trong quá trình lao động dồn toàn tâm toàn ý bằng sự xúc cảm tràn đầy, có thể nhà thơ sẽ tạo ra được bản sắc riêng biệt một cách tự nhiên, nhà thơ sẽ biểu hiện được cái cá biệt của mình trong những giây phút cầm bút" (6)...
Mô hình đoạn văn: Câu 1 là câu mở đoạn, mang ý chính của đoạn gọi là câu chủ đề. Bốn câu còn lại là những câu triển khai làm rõ ý của câu chủ đề. Đây là đoạn văn giải thích có kết cấu diễn dịch.
- Đoạn quy nạp.
Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý chi tiết, cụ thể nhằm hướng tới ý khái quát nằm ở cuối đoạn. Các câu trên được trình bày bằng thao tác minh hoạ, lập luận, cảm nhận và rút ra nhận xét, đánh giá chung.
Ví dụ: Đoạn văn quy nạp, nội dung nói về đoạn kết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
“Chính Hữu khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo (1).
Đêm khuya chờ giặc tới, trăng đã xế ngang tầm súng (2). Bất chợt chiến sĩ ta có một phát hiện thú vị: Đầu súng trăng treo (3). Câu thơ như một tiếng reo vui hồn nhiên mà chứa đựng đầy ý nghĩa (4). Trong sự tương phản giữa súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra được sự gắn bó gần gũi (5). Súng tượng trưng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược (6). Trăng tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, yên vui (7). Khẩu súng và vầng trăng là hình tượng sóng đôi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam bất khuất và hào hoa muôn thuở (8). Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạng bay bổng đã hoà quyện lẫn nhau tạo nên hình tượng thơ để đời (9).
Mô hình đoạn văn: Tám câu đầu triển khai phân tích hình tượng thơ trong đoạn cuối bài thơ “Đồng chí”, từ đó khái quát vấn đề trong câu cuối – câu chủ đề, thể hiện ý chính của đoạn: đánh giá về hình tượng thơ. Đây là đoạn văn phân tích có kết cấu quy nạp.
- Đoạn tổng - phân - hợp.
Đoạn văn tổng phân hợp là đoạn văn phối hợp diễn dịch với quy nạp. Câu mở đoạn nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo khai triển ý khái quát, câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Những câu khai triển được thực hiện bằng thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, nhận xét hoặc nêu cảm tưởng, để từ đó đề xuất nhận định đối với chủ đề, tổng hợp lại, khẳng định thêm giá trị của vấn đề.
Ví dụ: Đoạn văn tổng phân hợp, nội dung nói về đạo lí uống nước nhớ nguồn:
“ Lòng biết ơn là cơ sở của đạo làm người (1). Hiện nay trên khắp đất nước ta đang dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ anh hùng, những gia đình có công với cách mạng (2). Đảng và Nhà nước cùng toàn dân thực sự quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách (3). Thương binh được học nghề, được trợ vốn làm ăn; các gia đình liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng được tặng nhà tình nghĩa, được các cơ quan đoàn thể phụng dưỡng, săn sóc tận tình (4). Rồi những cuộc hành quân về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, những nghĩa trang liệt sĩ đẹp đẽ với đài Tổ quốc ghi công sừng sững, uy nghiêm, luôn nhắc nhở mọi người, mọi thế hệ hãy nhớ ơn các liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì độc lập, tự do… (5)Không thể nào kể hết những biểu hiện sinh động, phong phú của đạo lí uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta (6). Đạo lí này là nền tảng vững vàng để xây dựng một xã hội thực sự tốt đẹp (7).
Mô hình đoạn văn: Đoạn văn gốm bảy câu:
- Câu đầu (tổng): Nêu lên nhận định khái quát về đạo làm người, đó là lòng biết ơn.
- Năm câu tiếp (phân): Phân tích để chứng minh biểu hiện của đạo lí uống nước nhớ nguồn.
- Câu cuối (hợp): Khẳng định vai trò của đạo lí uống nước nhớ nguồn đối với việc xây dựng xã hội.
Đây là đoạn văn chứng minh có kết cấu tổng phân hợp.
- Đoạn so sánh
- So sánh tương đồng.
Đoạn so sánh tương đồng là đoạn văn có sự so sánh tương tự nhau dựa trên một ý tưởng: so sánh với một tác giả, một đoạn thơ, một đoạn văn,… có nội dung tương tự nội dung đang nói đến.
Ví dụ: Đoạn văn so sánh tương đồng, nội dung nói về câu thơ kết trong bài “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chí Minh:
Ngày trước tổ tiên ta có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim” (1). Cụ Nguyễn Bá Học, một nho sĩ đầu thế kỉ XX cũng viết: “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (2). Sau này, vào đầu những năm 40, giữa bóng tối ngục tù của Tưởng Giới Thạch, nhà thơ Hồ Chí Minh cũng đã đề cập tới tính kiên nhẫn, chấp nhận gian lao qua bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”, trong đó có câu: “Gian nan rèn luyện mới thành công” (3). Câu thơ thể hiện phẩm chất tốt đẹp, ý chí của Hồ Chí Minh đồng thời còn là châm ngôn rèn luyện cho mỗi chúng ta (4).
Mô hình đoạn văn: Câu nói của tổ tiên, câu nói của Nguyễn Bá Học (câu 1,2) có nội dung tương đương với nội dung câu thơ của Hồ Chí Minh (4). Đây là đoạn văn mở bài của đề bài giải thích câu thơ trích trong bài “Nghe tiếng giã gạo” của Hồ Chí Minh có kết cấu so sánh tương đồng.
- So sánh tương phản.
Đoạn so sánh tương phản là đoạn văn có sự so sánh trái ngược nhau về nội dung ý tưởng: những hình ảnh thơ văn, phong cách tác giả, hiện thực cuộc sống,… tương phản nhau.
Ví dụ: Đoạn văn so sánh tương phản, nội dung nói về việc học hành:
Trong cuộc sống, không thiếu những người cho rằng cần học tập để trở thành kẻ có tài, có tri thức giỏi hơn người trước mà không hề nghĩ tới việc rèn luyện đạo đức, lễ nghĩa vốn là giá trị cao quý nhất trong các giá trị của con người (1). Những người ý luôn hợm mình, không chút khiêm tốn, đôi khi trở thành người vô lễ, có hại cho xã hội (2). Đối với những người ấy, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân: “ Tiên học lễ, hậu học văn” (3).
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là nói về quan niệm của việc học: học để làm người. Câu 1, 2 nêu nội dung trái ngược với ý tưởng; câu 3 nêu ý tưởng. Nội dung tương phản với ý tưởng bao giờ cũng được đề cập trước, sau đó dẫn đến nội dung chính của ý tưởng. Đây là đoạn văn mở bài, giải thích câu nói của Khổng Tử “Tiên học lễ, hậu học văn”.
- Đoạn nhân quả.
- Trình bày nguyên nhân trước, chỉ ra kết quả sau.
Đoạn văn có kết cấu hai phần, phần trước trình bày nguyên nhân, phần sau trình bày kết quả của sự việc, hiện tượng, vấn đề,…
Ví dụ: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói tới lời khuyên về lòng biết ơn của con cái với cha mẹ trong một bài ca dao:
Núi Thái Sơn là núi cao nhất, đồ sộ nhất, vững chãi nhất ở Trung Quốc, cũng như tình cha mạnh mẽ, vững chắc (1). Chính người đã dạy dỗ hướng cho ta về lẽ phải và truyền thêm cho ta sức mạnh để bay vào cuộc sống (2). Và thông qua hình tượng nước trong nguồn, dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhất, dạt dào mãi chẳng bao giờ cạn, ta cảm nhận ró được tình yêu của mẹ mới thật ngọt ngào, vô tận và trong lành biết bao nhiêu (3). Từ những hình ảnh cụ thể ấy mà ta có thể thấy ðýợc ý nghĩa trừu tượng về công cha nghĩa mẹ (4). Công ơn đó, ân nghĩa đó to lớn sâu nặng xiết bao; chính vì vậy mà chỉ có những hình tượng to lớn bất diệt của thiên nhiên kì vĩ mới sánh bằng (5). Vì thế mà người xưa mới khuyên nhủ chúng ta phải làm tròn chữ hiếu, để bù đắp phần nào nỗi cực nhọc, cay đắng của cha mẹ đã phải trải qua vì ta” (6).
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là giải thích ý nghĩa câu ca dao. Sáu câu trên giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của hình ảnh trong câu ca dao, nêu nguyên nhân. Câu 6 là kết luận về lời khuyên, nêu kết quả
- Chỉ ra kết quả trước, trình bày nguyên nhân sau.
Đoạn văn có kết cấu hai phần. Phần đầu nêu kết quả, phần sau nêu nguyên nhân.
Ví dụ: Đoạn văn nhân quả, nội dung nói về lòng hiếu nghĩa của Kiều trong lúc lưu lạc:
Chính trong hoàn cảnh lưu lạc quê người của nàng ta mới thấy hết được tấm lòng chí hiếu của người con gái ấy (1). Nàng biết sẽ còn bao cơn “cát dập sóng vùi” nhưng nàng vẫn chỉ lo canh cánh lo cho cha mẹ thiếu người đỡ đần phụng dưỡng vì hai em còn “sân hoè đôi chút thơ ngây” (2). Bốn câu mà dùng tới bốn điển tích “người tựa cửa”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân lai”, “gốc tử (3)”. Nguyễn Du đã làm cho nỗi nhớ của Kiều đậm phần trang trọng, thiết tha và có chiều sâu nhưng cũng không kém phần chân thực (4).
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn bình về lòng hiếu của Kiều. Câu 1 nêu kết quả, ba câu còn lại nêu nguyên nhân
- Đoạn vấn đáp.
Đoạn văn vấn đáp là đoạn văn có kết cấu hai phần, phần đầu nêu câu hỏi, phần sau trả lời câu hỏi. Nội dung hỏi đáp chính là chủ đề của đoạn văn. Trong kiểu kết cấu này, phần sau có thể để người đọc tự trả lời.
Ví dụ: Đoạn văn vấn đáp, nội dung nói về cái hồn dân tộc trong bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên:
Cứ đọc kĩ mà xem, sẽ thấy cái xót xa thấm đậm quay cuồng trong câu hỏi cuối: “Những người muôn năm cũ”, những người ấy là những tâm hồn đẹp thanh cao bên câu đối đỏ của ông đồ, hay những ông đồ trên phố phường Hà Nội xưa (1)? Tôi nghĩ là cả hai (2). Thắc mắc của tác giả rất có lí, và chính vì có lí nên nó thật tàn nhẫn và đau lòng (3). Những cái đẹp cao quý sâu kín, cái đẹp của hồn người Hà Nội, cái đẹp của hồn Việt Nam cứ ngày càng mai một, càng bị cuộc sống với những quy tắc rất thực tế lấn át, chà đạp và xô đẩy sang lề đường để rồi biến mất như ông đồ già kia, và có lẽ sẽ mãi mãi không còn nếu như không có những Vũ Đình Liên đáng khâm phục (4). “Hồn ở đâu bây giờ” (5)? Câu hỏi ấy là tiếng chuông cảnh tỉnh người đọc ở mọi thế hệ mọi thời đại, thức dậy những gì sâu xa đã bị lãng quên, chon vùi dưới cuộc sống ồn ào náo nhiệt (6). Làm sao để tìm lại cái hồn thanh cao cho mỗi con người Việt Nam, để khôi phục lại cái hồn cho cả dân tộc, đó là điều nhà thơ Vũ Đình Liên muốn nhắn gửi chúng ta (7).
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là giải thích và bình về hai câu thơ. Phần nêu câu hỏi là câu 1, phần trả lời là câu 2, 3, 4.
- Đoạn đòn bẩy.
Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy là đoạn văn mở đầu nêu một nhận định, dẫn một câu chuyện hoặc những đoạn thơ văn có nội dung gần giống hoặc trái với ý tưởng (chủ đề của đoạn) tạo thành điểm tựa, làm cơ sở để phân tích sâu sắc ý tưởng đề ra.
Ví dụ: Đoạn văn đòn bẩy, nội dung nói về hai câu thơ tả cảnh xuân trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:
Trong “Truyện Kiều” có hai câu thơ tả cảnh mùa xuân rất đẹp:
“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lên trắng điểm một vài bong hoa” (1).
Thơ cổ Trung Hoa cũng có hai câu thơ tả cảnh đầy ấn tượng:
“Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa
…Tác giả Trung Quốc chỉ nói: “Lê chi sổ điểm hoa” (trên cành lê có mấy bông hoa (3). Số hoa lê ít ỏi như bị chìm đi trong sắc cỏ ngút ngàn (4). những bông lê yếu ớt bên lề đường như không thể đối chọi với cả một không gian trời đất bao la rộng lớn (5). Nhưng những bông hoa trong thơ Nguyễn Du là hoàn toàn khác: “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (6). Nếu như bức tranh xuân ấy lấy phông nền là màu xanh của của cỏ thì những bông hoa lê là một nét chấm phá vô cùng sinh động và tài tình (7). Sắc trắng của bông hoa lê – cái sắc trắng chưa từng xuất hiện trong câu thơ cổ Trung Hoa - nổi bật trên nền xanh tạo ra thanh khiết trong sáng vô cùng (8). Tuy chỉ là một vài chấm nhỏ trên bức tranh nhưng lại là điểm nhấn toả sáng và nổi bật trên bức tranh toàn cảnh (9). Những bông hoa “trắng điểm” thể hiện sự tài tình gợi tả gợi cảm trong lời thơ (10). Cành hoa lê như một cô thiếu nữ đang e ấp dịu dàng (11). Câu thơ cũng thể hiện bản lĩnh hội hoạ của Nguyễn Du (12). Hai sắc màu xanh và trắng hoà quyện với nhau trong bức tranh xuân vừa đẹp vừa dào dạt sức sống đầy xuân sắc, xuân hương và xuân tình (13).
Mô hình đoạn văn: Ý tưởng của đoạn văn là bình giảng câu thơ với hình ảnh thơ đặc sắc. Câu 3, 4, 5 phân tích câu thơ cổ Trung Quốc làm điểm tựa để năm câu còn lại (câu 6, 7, 8, 9, 10) làm rõ được chủ đề đoạn.
* Nêu giả thiết.
Đoạn văn nêu giả thiết là đoạn văn có kết cấu: mở đoạn nêu giả thiết, để từ đó đề cập tới chủ đề đoạn.
Ví dụ: Đoạn văn nêu giả thiết, nội dung nói về chi tiết “cái bóng” trong “Chuyện người con gái Nam Xương”:
Giáo sư Phan Trọng Luận không sai khi nói: “Cái bóng đã quyết định số phận con người”, đây phải chăng là nét vô lí, li kì vẫn có trong các truyện cổ tích truyền kì (1)? Không chỉ dừng lại ở đó, “cái bóng còn là tượng trưng cho oan trái khổ đau, cho bất hạnh của biết bao người phụ nữ sống dưới xã hội đương thời (2). Nỗi oan của họ rồi cũng chỉ là những cái bóng mờ ảo, không bao giờ được sáng tỏ (3). Hủ tục phong kiến hay nói đúng hơn là cái xã hội phong kiến đen tối đã vùi dập, phá đi biết bao tâm hồn, bao nhân cách đẹp, đẩy họ đến đường cùng không lối thoát (4). Để rồi chính những người phụ nữ ấy trở thành “cái bóng” của chính mình, của gia đình, của xã hội (5). Chi tiết “cái bóng” được tác giả dùng để phản ánh số phận, cuộc đời người phụ nữ đầy bất công ngang trái nhưng cũng như bao nhà văn khác ông vẫn dành một khoảng trống cho tiếng lòng của chính nhân vật được cất lên, được soi sáng bởi tâm hồn người đọc (5). “Cái bóng” được đề cao như một hình tượng đẹp của văn học, là viên ngọc soi sáng nhân cách con người (6). Bạn đọc căm phẫn cái xã hội phong kiến bao nhiêu thì lại càng mở lòng yêu thương đồng cảm với Vũ Nương bấy nhiêu (7). “Cái bóng” là sản phẩm tuyệt vời từ tài năng sáng tạo của Nguyễn Dữ góp phần nâng câu chuyện lên một tầm cao mới: chân thực hơn và yêu thương hơn (8).
Mô hình đoạn văn: Đoạn văn có câu thứ nhất nêu giả thiết về chi tiết “cái bóng”. Các câu tiếp theo khẳng định giá trị của chi tiết đó.
*Đoạn móc xích.
Đoạn văn có mô hình kết câu móc xích là đoạn văn mà ý các câu gối đầu lên nhau, đan xen nhau và được thể hiện cụ thể bằng việc lặp lại một vài từ ngữ ở câu trước trong câu sau.
Ví dụ: Đoạn văn móc xích, nội dung nói về vấn đề trồng cây xanh để bảo về môi trường sống:
Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải trồng cây gây rừng. Trồng cây gây rừng thì phải coi trọng chăm sóc, bảo vệ để có nhiều cây xanh bóng mát. Nhiều cây xanh bóng mát thì cảnh quan thiên nhiên đẹp, đất nước có hoa thơm trái ngọt bốn mùa, có nhiều lâm thổ sản để xuất khẩu. Nước sẽ mạnh, dân sẽ giàu, môi trường sống được bảo vệ.
Mô hình đoạn văn: Các ý gối nhau để thể hiện chủ đề về môi trường sống. Các từ ngữ được lặp lại: gỗ, trồng cây gây rừng, cây xanh bóng mát.
Giới thiệu một số đề tham khảo
Đề đọc hiểu văn bản số 1
Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi:
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỏ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
(Trích Vợ nhặt - Kim Lân)
a. Đoạn văn trên được viết theo phương thức nào là chính?
b. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì?
c. Từ văn bản, viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình mẫu tử.
Trả lời:
Câu a: Đoạn văn được viết theo phương thức biểu cảm là chính.
Câu b: Đoạn văn diễn tả tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về nhà
Câu c: Đoạn văn cần đảm bảo các ý:
-Dẫn ý bằng chính dòng độc thoại nội tâm xúc động của bà cụ Tứ.
- Tình mẫu tử gì? Biểu hiện của tình mẫu tử?
- Ý nghĩa của tình mẫu tử?
- Phê phán những đứa con bất hiếu với mẹ và nêu hậu quả.
- Bài học nhận thức và hành động?
Đề đọc hiểu văn bản số 2
Đọc đoạn văn sau và trả lời những câu hỏi:
Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.
Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dầu ô chữ đặt trên phiếu lụa óng…
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Cảnh tượng đắt giá trong đoạn trích là gì?
Câu 3: Nêu biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.
Câu 4: Nêu cảm nghĩ của anh/chị về một nhân vật qua đoạn trích trên.
Gợi ý đáp án Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
Phương thức biểu đạt của đoạn trích: tự sự.
Câu 2:
Cảnh tượng đắt giá trong đoạn trích là cảnh người tử tù hiên ngang cho chữ còn viên quản ngục thì khúm núm lĩnh nhận ở nơi nhà giam ẩm thấp.
Câu 3:
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: đối lập (người tử tù hiên ngang cho chữ - viên quản ngục thì khúm núm lĩnh nhận).
Tác dụng: làm nổi bật cái đẹp, sự thiên lương dù ở bất cứ nơi nào cũng xứng đáng được tôn vinh, kính trọng.
Câu 4:
Học sinh tự lựa chọn nhân vật Huấn Cao hoặc Viên quản ngục để viết bài cảm nhận tùy theo sở thích của bản thân.
Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Lý thuyết và Bài tập Đọc - Hiểu môn Ngữ văn lớp 12, chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được lý thuyết và bài tập phần đọc hiểu môn Ngữ văn lớp 12. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức tài liệu học tập các môn được chúng tôi biên soạn và tổng hợp tại các mục sau Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...
Để giúp bạn đọc có thể thuận tiện hơn trong việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tài liệu học tập cùng như giảng dạy, VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé