Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội nêu suy nghĩ về đồng tiền

Nghị luận xã hội về việc nêu suy nghĩ về đồng tiền

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội nêu suy nghĩ về đồng tiền để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập môn Ngữ văn 12 nhé.

Dàn ý Nghị luận xã hội về việc nêu suy nghĩ về đồng tiền

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: suy nghĩ về đồng tiền.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài làm văn tùy theo năng lực của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Đồng tiền: vật dụng, phương tiện để con người trao đổi hàng hóa với nhau. Đồng tiền có nhiều mệnh giá, giá trị khác nhau. Đồng tiền vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn của con người.

b. Phân tích

Có tiền con người ta sẽ dễ dàng giải quyết những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần, nó giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái, tiện nghi hơn.

Trước đây, con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa. Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc lại tác động chi phối ngược lại đến đời sống con người.

Đồng tiền luôn tồn tại 2 mặt, cho nên chúng ta cần nhận thức rõ và đúng đắn vai trò của đồng tiền để tránh bị nó tiêu khiển, trở thành một người xấu, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, xấu xa.

c. Phản đề

Có nhiều người để đồng tiền chi phối, không nhận ra được bản thân mình bị đồng tiền điều khiển, sẵn sàng làm mọi việc để có tiền, kiếm những đồng tiền không chân chính. Lại có những người tiêu tiền hoang phí, không biết cách tiết kiệm,… những người này cần phải xem xét lại những hành động của bản thân mình.

d. Liên hệ bản thân

Là một học sinh, trước hết chúng ta phải có nhận thức đúng đắn về đồng tiền, sống và hướng đến những điều tốt đẹp, không để đồng tiền điều khiển suy nghĩ, hành động của bản thân, không tham lam,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: suy nghĩ về đồng tiền; đồng thời nêu cảm nghĩ của bản thân.

Văn mẫu Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền

Trong thời đại khoa học – kĩ thuật đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, con người bị cuốn vào vòng xoay xô bồ của cuộc sống, các giá trị tinh thần vô tình bị lãng quên mà thay vào đó, người ta tôn sùng và chạy theo các giá trị vật chất, cụ thể là đồng tiền. Đồng tiền từ một phương tiện duy trì cuộc sống bỗng chốc trở thành thứ chi phối các mối quan hệ, quyết định các đánh giá, nhìn nhận một con người.

Tiền là phương tiện dùng để trao đổi, mua bán hàng hóa, giúp con người duy trì cuộc sống. Từ thời xa xưa, khi chưa có giấy, người ta sử dụng những đồng tiền có hình tròn, đúc bằng kim loại như đồng, bạc. Hiện nay, tiền được làm bằng giấy thường hoặc polymer.

Tại sao tiền lại có vai trò quan trọng đến vậy trong cuộc sống? Trước hết, có tiền, ta sẽ dễ dàng giải quyết những nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Nó giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thoải mái, tiện nghi hơn. Đồng tiền tuy nhỏ bé nhưng nếu tích góp lại sẽ tạo thành một tài sản khổng lồ. Không ai có thể phủ nhận và từ chối sức hấp dẫn và lợi ích mà tiền bạc mang lại.

Thế nhưng, việc đặt đồng tiền từ chỗ là phương tiện duy trì cuộc sống trở thành mục đích sống dần biến con người ta trở thành những ham lợi, ích kỉ. Đồng tiền ngày nay có một sức mạnh thật đáng sợ. Trước đây, con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa. Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc lại tác động chi phối ngược lại đến đời sống con người. Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền trở thành đại diện cho quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội… Chính vì thế mà có câu: “Tiền là tiên, là phật”. Đồng tiền chia cách tình cảm anh em ruột thịt, vì thế mà bao gia đình phải chịu cảnh cốt nhục chia lìa chỉ vì chia của cải, gia tài. Biết bao người vì đồng tiền mà cướp bóc giết người.

Tuy nhiên, tiền cũng có những mặt tích cực của nó. Tạo ra tiền bằng công sức của chính mình, dùng đồng tiền đúng mục đích, dùng đồng tiền để giúp đỡ người khác, đó là tích cực. Sẽ chẳng có gì là xấu nếu con người kiếm tiền một cách chính đáng và dùng nó để phục vụ cho các nhu cầu của bản thân. Hạnh phúc không mua đuợc bằng tiền nhưng nếu không có tiền thì bạn không thể đảm bảo và phát triển đời sống vật chất của bản thân, của gia đình.

Sống trong thế giới thời mở cửa, nền văn hóa giữa các nuớc hội nhập với nhau, đồng tiền đang dần chiếm giữ một vị trí quan trọng, nó đuợc xem là chìa khóa vạn năng, giúp con người có được tất cả. Vì vậy, người ta thường nói “Có tiền là có tất cả”. Đúng là có nhiều điều quan trọng không thể có được nếu thiếu tiền nhưng nói nói tiền mua đuợc tất cả mọi thứ trên đời là không đúng bởi vì tiền chỉ là công cụ để trao đổi và phục vụ cuộc sống hàng ngày. Đồng tiền chỉ là một vật trung gian để bạn có thể tạo ra hạnh phúc.

Trong xã hội hiện nay, việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực là một thử thách rất lớn đối với mỗi người. Bất cứ điều gì cũng có hai mặt. Đồng tiền cũng vậy. Nó là tốt hay xấu do chính người sử dụng quyết định. Chính vì vậy, mỗi người cần kiên định, bản lĩnh để dùng đồng tiền một cách đúng đắn nhất.

Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền mẫu 2

Lối sống của một quốc gia, một dân tộc luôn bị ảnh hưởng bởi một vài giá trị vật chất. Đồng tiền và những giá trị thực hay giá trị ẩn của nó đều được xem như có sức ảnh hưởng rất lớn đối với lối sống. Không có quyền đổ lỗi cho đồng tiền nhưng khống chế được nó quả không phải là đơn giản.

Cách đây không lâu, trong một diễn đàn giáo dục con cái xài tiền như thế nào và có nên cho tiền con trẻ khi đi học, nhiều phụ huynh đã làm cho chúng tôi thật sự bất ngờ. Nguyễn Thị X, luật sư, tuyên bố một cách chắc nịch: Không cho tiền con trẻ, nếu cho tiền chỉ tổ làm cho chúng hư… Trao đổi danh thiếp để có cơ hội trò chuyện, nhưng có ai ngờ đâu đúng hơn năm sau, chị gọi lại cho tôi và báo rằng con chị ăn cắp tiền của gia đình để xài vặt… Nỗi đau này quả là một bài học quý. Nhiều quốc gia trên thế giới đã giáo dục con cái sử dụng đồng tiền và hiểu được giá trị đồng tiền ngay từ thuở bé. Dù rằng không phải quy gán tội cho các bậc phụ huynh nhưng rõ ràng đây là một trong những yếu tố có thể được xem là căn nguyên của vấn đề. Nhân cách con người thế nào thì những hành vi tương ứng sẽ như thế ấy và hành vi sử dụng đồng tiền hay để đồng tiền khống chế ngược là một ví dụ. Thực tế cho thấy những diễn biến tâm lí và những dấu ấn của ký ức căng thẳng xoay quanh việc xài tiền đã trở thành những động lực để con người phấn đấu, nhưng cũng chính vì vậy đôi lúc nhiều cá nhân đã phấn đấu có tiền bằng mọi cách mà không kể đến lương tâm, sĩ diện và nhân cách. Khi bị một áp lực căng kéo về đồng tiền trong quá khứ, nhu cầu trỗi dậy để làm chủ nó, để khống chế nó lại bùng phát mạnh mẽ nhưng khi cá nhân chưa đủ nội lực thì những chuyện kinh khủng đã xảy ra. Tiền chỉ là phương tiện. Có ai lại sống không cần tiền? Câu hỏi thật đơn giản lại được trả lời một cách quá khó khăn dành cho những người thật bình thường trong cuộc đời. Giá trị đồng tiền đã rõ nhưng không phải ai cũng hiểu đồng tiền chỉ là phương tiện.

Hãy giáo dục cho con trẻ sự thấu cảm của cuộc sống ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Sự thấu cảm này tưởng chừng thật đơn giản nhưng lại có giá trị rất đặc biệt. Đã qua rồi thời giáo dục chung chung và khái quát. Hãy bắt đầu từ những việc rất đơn giản như: “Ăn quả táo này con cảm ơn ai?”. Cảm ơn người trồng cây vẫn chưa đủ, cảm ơn người bán táo vẫn chưa đủ mà trước hết phải cảm ơn bố mẹ – người đã lao động cực nhọc để mua táo cho con. Hãy thẳng thắn nhưng thật nhẹ nhàng và tinh tế giáo dục cho con cái hiểu rằng việc tìm ra đồng tiền là quan trọng nhưng chính tình cảm bố mẹ dành cho con mới là quan trọng nhất.

Theo thời gian và năm tháng, hãy giúp trẻ nhận ra với 500.000 đồng có được từ hai nguồn khác nhau, một là trúng số, hai là có được từ tháng lương đầu tiên, con sẽ làm gì… Chính lúc này trẻ sẽ hiểu hơn về những giá trị của đồng tiền trong cuộc sống. Không có quyền phán xét và không có quyền chỉ trích nhưng quá nhiều bậc cha mẹ ngày nay đã ép con mình sống theo thước đo của đồng tiền từ những tình huống rất thường nhật. “Chú Ba mày keo quá, lì xì cho tui có 5.000 thì bo hơn cái bánh xèo miền Trung”; “Con cứ thi vào kinh tế cho mẹ mới có nhiều tiền, vào chi ba cái xã hội, học chi cho mệt thân…” là những câu nói cửa miệng của khá nhiều gia đình! Nhiều người thân, nhiều gia đình đã thật sự sai lầm khi cứ tạo áp lực chồng mình, vợ mình tìm nhiều tiền hơn nữa để xây nhà, đi du lịch. Nhiều bậc bố mẹ hay những bạn đời thấy người thân của mình đem về nhiều tiền thì sung sướng hỉ hả trên đống tiền có được mà thiếu hẳn sự quan tâm, hỏi han… Chính sự vô tâm, chính sự thờ ơ vô cảm này đã làm cho nhiều người thân của chính mình trượt đi trên con dốc số phận theo vòng xoáy của đồng tiền mà không thể hãm phanh. Buồn, xót… giờ đã muộn!

Bài học giản đơn mà sâu sắc nhất vẫn là giáo dục giá trị làm người của một con người. Biết tự trọng, biết cân nhắc, có sĩ diện, biết điểm dừng khi cần… trong cuộc sống sẽ làm cho mỗi người vững vàng hơn trước áp lực của đồng tiền.

Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền mẫu 3

Tiền là một trong những vật mang rất nhiều ý nghĩa và cũng rất nhạy cảm. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của đồng tiền trong cuộc sống và trong xã hội. Tuy nhiên nếu như chúng ta quá coi trọng đồng tiền thì cũng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Tiền quan trọng như vậy, vậy thế nào là tiền? Tiền là đơn vị tiền tệ chính thức của Việt Nam, do ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành. Tiền là một chuẩn mực chung có thể so sánh được các giá trị của hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người và nó mang tính dễ thụ nhận và thường được nhà nước bảo đảm bởi những giá trị. Tóm lại tiền là phương tiện dùng để trao đổi, đổi chác mua bán.

Từ xa xưa đến nay tiền đong vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người? Vì nó là phương tiên mang giá trị dùng để trao đổi hàng hóa. Tiền ra đời khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định, nền sản xuất đạt đến một trình độ nhất định. Khi đó thay vì chuẩn bị rất nhiều hàng hóa cho một chuyến đi thì người ta chỉ cần chuẩn bị tiền là đủ. Nó đánh đấu một bước ngoặt lớn và tiền trở thành một công cụ của con người.

Nếu như chúng ta coi tiền là một phương tiện phục vụ cho cuộc sống thì là một điều đáng quý, nó phục vụ chúng ta mọi lúc mọi nơi, nó sẽ giúp cho con người ta đạt tới cảnh giới hạnh phúc. Như chúng ta vẫn thường nói với nhau có tiền mua tiên cũng được. Tiền giúp đem lại cho con người chúng ta những điều tốt đẹp muốn có nhà đẹp, ăn ngon, mặc đẹp thì chúng ta đều có thể thực hiện một cách nhanh chóng nhờ có tiền.

Tuy nhiên nếu như chúng ta trở thành nô lệ của đồng tiền thì tiền sẽ trở thành một ông chủ xấu. Đồng tiền nó làm cho con người ta trở nên tham lam, ích kỷ, chỉ biết sống cho riêng mình. Và đặc biệt đồng tiền nó làm cho con người chúng ta trở nên xấu xa khi tìm mọi cách, không từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền. Tiền sẽ làm cho con người ta trở nên biến chất trở thành người xấu lúc nào không biết, đã có những vụ giết người cướp của rung động dư luận cũng vì tiền mà ra.

Đồng tiền luôn tồn tại 2 mặt, cho nên chúng ta cần nhận thức rõ và đúng đắn vai trò của đồng tiền, nó chỉ là phương tiện là công cụ cho chúng ta sống tốt hơn mà thôi. Đừng biến mình trở thành nô lệ của đồng tiền mà hãy luôn là con người tỉnh táo biết sống cho đúng, phù hợp với giá trị đạo đức.

Tiền không phải là tất cả nên chúng ta đừng quá phụ thuộc vào đồng tiền, hãy biết sống cao đẹp đừng quá phụ thuộc vào đồng tiền.

Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền mẫu 4

Có bao giờ bạn tự hỏi: Tiền bạc là gì mà bao kẻ mù quáng theo đuổi, hạnh phúc là gì mà bao người khát khao, hi vọng. Hai điều đó tưởng chừng không gắn bó gì với nhau nhưng lại tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết trong cuộc sống.

Hạnh phúc là cảm giác sung sướng, mãn nguyện vì cảm thấy hoàn toàn đã được những gi mong muốn, còn tiền bạc là những đồng tiền dùng để chi tiêu và sử dụng. Giữa tiền bạc và hạnh phúc có một mối quan hệ khăng khít với nhau.

Tiền bạc có tầm ảnh hướng lớn đối với chúng ta. Nó là điều kiện cần cho nhiều hoạt động của cuộc sống như học tập, ăn, mặc, ở, đi lại... Mỗi việc chúng ta làm đều cần rất nhiều tiền. Hàng ngày chúng ta phải ăn uống để duy tri sự sống. Phải có tiền thì chúng ta mới có thể mua được những loại thực phẩm mà chúng ta cần dùng hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta không có tiền để chi tiêu, không thể mua được những thứ cần thiết cho cuộc sống, lúc đó chúng ta sẽ như thế nào? Không ăn uống, không có những điều tối thiểu để sinh hoạt, chắc chắn sức khoẻ của chúng ta sẽ bị giảm sút theo đó là rất nhiều hệ luỵ, việc khám chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, học tập và làm việc sẽ không được đảm bảo.

Bên cạnh những giá trị vật chất, chúng ta còn đáp ứng được những giá trị thần khi có tiền. Chúng ta có thể tổ chức đi chơi vào những ngày hay đơn giản là những hoạt động, dịch vụ như Internet, điện thoại, phải có tiền thì chúng ta mới có thể chi trả cho những hoạt động đó. Chúng ta cần tiền, rất cần tiền mỗi ngày để chi trả cho những vấn đề cần trong cuộc sống. Dường như đồng tiền đã một phần nào chi phối hoạt động và nhu cầu của chúng ta. Mỗi người đều có những nhu cầu thiết yếu cho gia đình, cho bản thân, tuy nhiên với những gì chúng ta có, cần phải biết cách chi cho hợp lý, phải biết tính toán những gì mình cần, mình có. Nếu là một sinh nghèo vừa tốt nghiệp ra trường, cần có một chiếc xe máy để đi làm, với những gì cô có, chi có thể mua được một chiếc xe bình thường, không sang trọng, đắt tiền nhưng đã đáp ứng được nhu cầu của bản thân. Hay bên cạnh đó những sinh viên con nhà giàu, có thể mua được chiếc xe đắt tiền, sang trọng... Nhưng dù có nhiều tiền hay ít tiền, với nhu cầu của bản thân, với một sự tính toán, cân đối thì chúng ta có thể thoả mãn nhu cầu của cuộc sống tuy có lúc cũng chưa thật sự hài lòng. Tiền bạc là một điều kiện cần của cuộc hạnh phúc nhưng đó không phải là điều kiện đủ của hạnh phúc. Có những người chỉ biết kiếm tiền, họ chi mải làm, tiền đối với họ chẳng bao giờ là đủ nhưng họ lại không quan tâm, không biết trân trọng những gì mình đang có. Đối với họ, họ hạnh phúc ở chỗ họ làm ra tiền. Và khi nhận ra ra rằng mình không có được hạnh phúc thực sự thì có lẽ, đã là quá muộn. Những đồng tiền làm ra không thể đổi lấy hạnh phúc. Khi có tiền, tạo ra những giá trị tinh thần được vui chơi, được hòa mình vào cuộc sống, đó là điều kiện cho hạnh phúc nảy sinh và phát triển.

Như vậy chúng ta có thể nói tiền bạc là một điều kiện cần nhưng chưa đủ hạnh phúc. Khi thức tỉnh lòng mình, có ước mơ nhưng đồng ý tiếp nhận, trân trọng và yêu thương những gì mình có, chấp nhận những gì mình không thể có, có một nhận thức rõ ràng vể đồng tiền, lúc đó, chúng ta đã có hạnh phúc. Trong xã hội Việt Nam xưa và bây giờ vẫn còn tồn tại những quan niệm sai trái về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc:

"Trong tay đã sẵn đồng tiền

Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì"

Trong cái xã hội cũ đó, đồng tiền như một thế lực vạn năng. Hạnh phúc của người có thể đem ra mua bán bằng những giá trị đồng tiền. Còn ngày nay lại có rất nhiều người không biết quý trọng đồng tiền, sinh ra những thói hư tật xấu lười biếng, hư hỏng, trì trệ... Cái gì cũng đã có, không phải làm gì không ai hướng dẫn, họ chỉ biết hưởng thụ những gì tiền có thể đem tới, những thứ cần phải có sự rèn luyện về tinh thần và ý chí, họ không thể có được hạnh phúc. Họ không nghe nhạc để biết thế nào là bản nhạc hay không biết đọc báo để biết ai sướng, ai khổ, họ không có thời gian để chuyện tâm tình thật lâu, thật sâu để hiểu về một người bạn, để hiểu thế nào là một tình bạn...

Và khi có được tất cả, trừ những cái mới như ma tuý, thuốc lắc,... thì họ thử. Họ có thế vui khi làm được điều đó, họ có thể hạnh phúc nhưng bố mẹ họ chắc chắn không hạnh phúc, những người thân của họ chắc chắn không hạnh phúc và cái hạnh phúc của họ chỉ là nhất thời. Như vậy những quan niệm trái về ý nghĩa của tiền bạc và hạnh phúc cần phải phê phán, bác bỏ và hướng họ tới những quan niệm tốt đẹp, cho họ biết giá trị của cuộc sống và làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự.

Tiền bạc và hạnh phúc? Tiền bạc giúp chúng ta thoả mãn nhu cầu vật chất, một phần nào đó giúp chúng ta đáp ứng về tinh thần. Còn hạnh phúc thực sự thoả mãn về nhu cầu ấy. Với tôi, hạnh phúc không phụ thuộc vào giá trị vật chất mà đồng tiền mang đến, quan trọng là sự nâng niu, trân trọng cuộc sống mà chúng ta có mà thôi.

Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền mẫu 5

Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ tiên tiến, hiện đại khiến con người vô tình bị bủa vây trong vòng xoay của cuộc sống. Chạy theo sức hút của đồng tiền, mà con người dần lãng quên đi những giá trị tinh thần tốt đẹp. Đồng tiền có vai trò quan trọng trong cuộc nhưng nhưng đồng thời cũng chứa đựng nhiều tác động tiêu cực.

Tiền xuất hiện từ xa xưa, ngay từ xã hội nguyên thủy dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình dáng ban đầu của đồng tiền là hình tròn, đúc bằng kim loại đồng và bạc. Theo sự phát triển của công nghệ, người ta sáng tạo ra tiền bằng giấy hoặc polymer. Vàng, bạc, kim cương cũng có thể gọi là "tiền". Dù xuất hiện dưới các hình thức khác nhau nhưng bản chất của đồng tiền chính là phương tiện mua bán, trao đổi hàng hóa, thỏa mãn các nhu cầu của con người trong cuộc sống.

Đồng tiền có vai trò và ảnh hưởng cụ thể như thế nào trong cuộc sống? Trước tiên, tiền giúp chúng ta duy trì cuộc sống. Ăn, mặc, ở, đi lại,...tất cả đều cần tiền chi trả. Rất nhiều người bởi vì không có tiền mà lang thang, cơ nhỡ, không được đi học, không có được cuộc sống sinh hoạt bình thường. Trẻ em sinh ra cần có tiền để chăm sóc, nuôi dưỡng. Người mất đi rồi cũng cần có tiền để làm lễ tang, phúng viếng, chôn cất. Các công trình trường học, bệnh viện, cầu đường,... muốn xây dựng được cần có nguồn vốn đầu tư lớn.

Muốn vượt qua khó khăn nhất định không thể thiếu sự có mặt của đồng tiền. Kháng chiến chống các thế lực xâm lược, chống bè lũ bán nước cướp nước năm xưa giành thắng lợi không chỉ nhờ vào sức người mà còn nhờ vào sức của. Thiên tai, bão lụt hay điển hình như đại dịch covid 19 đang diễn ra sẽ khó lòng đẩy lùi nếu không có tiền. Một dân tộc dù đồng lòng chống dịch đến đây cũng không thể vượt qua nếu không có đủ các thiết bị, vật tư y tế. Các thiết bị, vật tư ấy lại cần mua sắm bằng tiền.

Đồng tiền ngoài ra còn giúp thỏa mãn những nhu cầu về tinh thần của con người. Bạn muốn đi du lịch, muốn nghỉ ngơi thư giãn, muốn làm đẹp, bạn cần có tiền. Không ai có thể phủ định rằng việc có nhiều tiền sẽ giúp bản thân có được cuộc sống thuận lợi, nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt còn có thể dùng tiền để làm từ thiện, giúp đỡ người khác, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Song, bên cạnh những giá trị tích cực đó, đồng tiền còn chứa đựng rất nhiều tác động tiêu cực. Tiền từ vị trí là phương tiện duy trì cuộc sống dần biến chất bởi những tham lam, ích kỉ. Đồng tiền hiện nay mang một sức mạnh thật đáng sợ. Trước kia, người ta dùng tiền để thay thế giá trị hàng hóa, dịch vụ. Còn ngày nay, rất nhiều thứ trong đời sống vật chất đều có thể mua được bằng tiền, nó thậm chí đại diện cho quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng trong xã hội... Câu nói "Tiền là tiên, là phật", "Thứ gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền" theo đó mà xuất hiện.

Tiền trở thành phương tiện chi phối các mối quan hệ và thỏa mãn mục đích dơ bẩn. Vì mâu thuẫn tiền bạc, con giết cha mẹ, anh em ruột thịt xa cách, kiện tụng... Biết bao gia đình vì tiền mà tan cửa nát nhà. Biết bao người vì tiền mà lâm vào cảnh tha hóa nhân cách, cướp của giết người. Những nghề nghiệp cao quý như nghề giáo, bác sĩ, những mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy - trò... dần biến chất dưới mê lực của đồng tiền. Hàng năm, biết bao vụ tham nhũng, nhận hối lộ với con số hàng chục tỷ đồng được phơi bày chính là minh chứng cho mặt tối tăm của đồng tiền.

Tuy nhiên, bản thân đồng tiền vốn không phải xấu xa, bẩn thỉu. Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực ấy suy cho cùng đều bắt nguồn từ nội tâm tham lam, mưu lợi của con người. Tiền tạo ra bằng công sức của chính mình, sử dụng cho mục đích chính đáng là tiền trong sạch.

Nhiều người thắc mắc tiền liệu có mua được tất cả, bao gồm hạnh phúc hay không? Câu trả lời là không, tiền không phải tất cả. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi và phục vụ cuộc sống hàng ngày. Một gia đình nghèo nhưng các thành viên yêu thương nhau chắc chắn sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn gia đình giàu có mà cha mẹ con cái xa cách lạnh nhạt với nhau. Một người làm công việc bình thường, có thời gian cho bản thân hẳn sẽ vui vẻ hơn người cả ngày chỉ chạy theo mục đích kiếm tiền.

Mỗi yếu tố trong cuộc sống đều có giới hạn riêng, tiền cũng như vậy. Bản thân chúng ta cần biết đâu là đủ để đạt được những giá trị cần thiết thực sự. Cố gắng kiếm nhiều tiền để cuộc sống thoải mái, đầy đủ hơn nhưng tuyệt đối đừng để đồng tiền chi phối và thay đổi bản thân mình.

Nghị luận nêu suy nghĩ về đồng tiền mẫu 6

Bạn đã từng tự đặt câu hỏi 'Hạnh phúc là gì?' và luôn tìm kiếm nó trong cuộc sống? Mỗi người định nghĩa hạnh phúc theo cách khác nhau. Có người coi đó là những điều bình dị nhỏ nhoi, có người cho rằng hạnh phúc là điều vĩ đại. Vậy tiền bạc và hạnh phúc có mối liên quan gì nhau? Tiền bạc là tài sản vật chất phục vụ nhu cầu hàng ngày. Nó bao gồm tiền, nhà cửa, và tài sản cá nhân. Hạnh phúc là sự thỏa mãn khi đạt được những giá trị tinh thần trong cuộc sống. Cả tiền bạc và hạnh phúc đều là nhu cầu tồn tại ngoại và trong con người. Cả hai đều quan trọng trong cuộc sống. Tiền bạc giúp đáp ứng nhu cầu hàng ngày, trong khi hạnh phúc là kết quả của thỏa mãn tinh thần. Người giàu không luôn hạnh phúc, người nghèo không phải không bao giờ hạnh phúc. Đứa trẻ nghèo với tình thương gia đình có thể hạnh phúc hơn đứa trẻ giàu có nhưng thiếu tình cảm. Một doanh nhân mắc bệnh có thể ít hạnh phúc hơn công nhân nghèo có tình thương. Tiền bạc không mua sức khỏe, đạo đức, và hạnh phúc. Nó cũng có thể cuốn vào những vòng xoáy bất hạnh. Không thể coi thường tiền, nhưng cũng đừng để nó làm mất bản thân. Cần nhận thức về giá trị của cả hai và cân bằng cuộc sống. Hãy trân trọng những giá trị tốt đẹp hơn tiền, như tình yêu thương và quan hệ. Đừng để tiền bạc làm mờ bản thân. Sống để cảm thấy thoải mái, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm

    Ngữ văn 12

    Xem thêm