Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi

Trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn sẽ có phần viết nghị luận xã hội, với nhiều chủ đề về cuộc sống xung quanh ta, những câu chuyện ý nghĩa hay những trích dẫn trong sách, báo... Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng tư duy, mà còn yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng viết tốt. Trong bài này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo văn nghị luận xã hội mẫu: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi.

Văn nghị luận: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi.

(Nhiều tác giả, Hạt giống tâm hồn, Tập 1, NXB Tổng hợp TP HCM, 2013)

1. Gợi ý làm bài văn nghị luận

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

  • Giải thích ý kiến để thấy được: trong cuộc sống không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém để chúng ta coi thường hoặc từ bỏ; công việc nào cũng có ý nghĩa và giá trị đối với một cá nhân hoặc cộng đồng khi nó phù hợp với sở thích, năng lực của cá nhân hay cộng đồng đó; vấn đề là ở chỗ chúng ta có nhận ra được ý nghĩa trong công việc mà mình đã, đang và sẽ làm để làm tốt và thành công trong công việc đó hay không.
  • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
  • Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề lựa chọn việc làm và thái độ/quan điểm/cách đánh giá công việc...

2. Nghị luận xã hội: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi mẫu 1

Thật đáng buồn cho những ai chỉ xem công việc đang làm như một phương tiện để kiếm tiền, bởi vì nhận thức này không những hoàn toàn sai lầm không đúng với thực tế mà còn là một trong những nguyên nhân chính làm mất đi niềm vui trong công việc.

Cho dù bạn đang làm bất cứ loại công việc nào, sự thật là cuộc sống của bạn vốn dĩ đã gắn liền với công việc. Công việc không chỉ chiếm một khoảng thời gian rất lớn trong cuộc sống, mà còn là môi trường giao tiếp, là điều kiện nảy sinh và nuôi dưỡng nhiều quan hệ tình cảm, cũng như là nơi để bạn sử dụng và phát triển năng lực tinh thần cũng như trí tuệ. Không có công việc, bạn không chỉ đơn thuần là không có thu nhập, mà sự thật là đã đánh mất đi một phần quan trọng trong cuộc sống. Không có công việc, bạn không thể chứng tỏ được mình là người hữu ích cho xã hội. Vì thế, sự rỗi rãnh thường xuyên không phải là điều đáng mơ ước như một số người lầm tưởng, mà sự thật là một tình trạng rất đáng sợ vì nó luôn làm cho chúng ta có cảm giác là người vô dụng trong xã hội.

Nền tảng giáo dục trong gia đình và cả ở trường học ngay từ những năm đầu đời đã hướng chúng ta về công việc. Năng khiếu của mỗi người luôn được phát triển và rèn luyện hướng về một công việc trong tương lai. Những năm tháng miệt mài trên ghế nhà trường xét cho cùng cũng là để chuẩn bị tốt cho công việc mà bạn sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Và ngay cả việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cũng góp phần trong sự chuẩn bị này, bởi vì chính đạo đức và nhân cách là những yếu tố quan trọng trong công việc. Xét cho cùng, nếu một người có nhân cách và đạo đức tốt thì anh ta không thể không biểu hiện những điều đó qua công việc.

Vì thế, nếu chúng ta xem công việc chỉ là một phương tiện để kiếm tiền, chính là ta đã hạ thấp giá trị thật có của công việc, và cũng đồng thời phản bội lại sự kỳ vọng của gia đình và xã hội vào sự trưởng thành của bản thân ta, cũng như phủ nhận công lao và tâm huyết của những bậc thầy đã dạy dỗ, dẫn dắt và rèn luyện chúng ta từ thơ ấu cho đến lúc nên người.

Sự nghiệp của mỗi người được gầy dựng qua công việc mà người ấy theo đuổi. Ngoài khoản tiền lương hay thu nhập hằng ngày, hằng tháng, mỗi chúng ta đều có những ước mơ, những hy vọng nhất định trong việc phát triển công việc, phát triển năng lực của bản thân, và thông qua đó mà gầy dựng sự nghiệp đời mình.

Khi bạn làm chủ một cơ sở sản xuất chẳng hạn, điều bạn quan tâm không chỉ duy nhất là lợi nhuận thường niên, mà chắc chắn là bạn còn luôn mong muốn khẳng định được thương hiệu của mình qua chất lượng và uy tín của sản phẩm. Để làm được điều đó, có khi bạn phải mất rất nhiều thời gian và công sức, phải có nhiều tâm huyết với công việc mới có thể từng bước khắc phục những yếu kém để ngày càng hoàn thiện công việc của mình. Tất cả những điều đó mang lại cho bạn một niềm tự hào chính đáng khi sản phẩm được khách hàng chấp nhận, được nổi tiếng trên thị trường... Và rõ ràng là bạn không thể đánh giá tất cả những điều ấy chỉ qua giá trị tiền bạc.

Chỉ khi nhận rõ được những ý nghĩa nêu trên, chúng ta mới có thể thực sự yêu thích công việc của mình. Bởi vì chúng ta biết rằng những nỗ lực trong công việc không chỉ là để kiếm được nhiều tiền hơn, mà còn luôn là sự phát huy tính sáng tạo để đạt được những thành quả nhất định mang dấu ấn cá nhân, qua đó khẳng định ý nghĩa sự tồn tại của bản thân mình trong xã hội.

Nói theo một cách văn vẻ hơn, hết thảy mọi thành quả của những công việc khác nhau trong xã hội đều là những tác phẩm nghệ thuật mà mỗi cá nhân thực hiện để dâng tặng cho toàn xã hội. Bạn có thể hoài nghi điều này, nhưng tôi xin mời bạn hãy cùng tôi đến thăm một đại lộ nào đó giữa trung tâm thành phố vào một buổi sáng sớm. Hôm nay chúng ta sẽ tạm gác lại ly cà phê sáng để cùng nhau đứng im lặng dưới một gốc cây cổ thụ ven đường và ngắm nhìn người công nhân đang cần mẫn quét từng chiếc lá khô, từng mảnh giấy vụn nằm vung vãi trên đường phố... Chỉ khoảng mười phút thôi, chúng ta sẽ có ngay một khoảng đường sạch đẹp để ngắm nhìn. Bạn có thể nào phủ nhận sự góp phần của người công nhân vệ sinh trong việc giữ cho đường phố sạch đẹp? Sự thật là nếu không có những bàn tay cần mẫn ấy, thành phố xinh đẹp này của chúng ta mỗi ngày hẳn đã phải chìm ngập trong hàng tấn rác thải! Và nghệ thuật là gì nếu không phải là cái đẹp quanh ta để ngắm nhìn, chiêm ngưỡng?

Trong ý nghĩa đó, người công nhân quét rác đang làm nghệ thuật, người thợ nề trên công trường xây dựng kia cũng đang làm nghệ thuật... cho đến hàng trăm, hàng nghìn người công nhân sản xuất trong thành phố này cũng đang làm nghệ thuật, vì có người thợ nào lại không cố hết sức mình để làm ra những sản phẩm đẹp hơn?

Thật đáng buồn nếu chúng ta không nhìn sâu vào thực tế để thấy được những nét đẹp thật có trong công việc mình đang làm. Mỗi một công việc lớn nhỏ trong xã hội xét cho cùng đều là nhắm đến việc phục vụ cho cuộc sống con người. Mỗi một công việc – cho dù là nhỏ nhoi hay đơn giản nhất – khi được thực hiện bởi bàn tay và khối óc của con người đều biểu lộ được tính sáng tạo và sự khao khát vươn lên hoàn thiện. Tôi nhớ có rất nhiều lần chiếc xe cũ kỹ của tôi bị thủng bánh, và tôi phải ghé vào một tiệm nhỏ ven đường nào đó để vá ép. Trong những lúc ngồi chờ, tôi thường chăm chú quan sát thao tác của những người thợ khi vá xe, và phát hiện ra một điều là tuy vẫn cùng làm một công việc đơn giản ấy nhưng mỗi người thợ đều có một cách làm rất riêng của mình. Có vẻ như ai cũng muốn làm sao cho công việc được nhanh hơn và thực hiện được những miếng vá đẹp hơn.

Có người thợ khi cắt xong miếng vá, đưa lên ngắm nghía và thấy không hài lòng, lại tỉ mỉ dùng kéo cắt lại đường viền chung quanh cho thật đẹp. Kể cũng lạ, chỉ là một miếng vá rồi sẽ nằm yên bên trong vỏ xe chẳng còn ai trông thấy, thế mà người làm ra nó vẫn muốn cho đẹp hơn, tốt hơn! Có lần, tôi không ngăn được sự tò mò đã đặt câu hỏi về việc này. Anh thợ nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên rồi vui vẻ giải thích: "Tuy chẳng là bao nhiêu, nhưng đã lấy tiền của khách thì phải làm cho xứng đáng. Nếu đường viền của miếng vá không được cắt kỹ, miếng vá sẽ rất dễ bị bong ra."

Làm sao chúng ta có thể không trân trọng những cách suy nghĩ như thế? Ai có thể cho rằng những công việc nhỏ nhoi là đáng xem thường? Trong thực tế, có biết bao kẻ quyền cao chức trọng nhưng lại không thể hiện được một tinh thần trách nhiệm tương tự như thế!

Vì thế, tôi luôn cho rằng không có nghề nghiệp nào là thấp hèn hay cao quý, chỉ có những con người trong khi thực hiện công việc của mình đã tạo nên sự thấp hèn hay cao quý mà thôi. Những công việc khác nhau trong xã hội thể hiện những năng lực và trình độ chuyên môn, trí tuệ khác nhau, nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng sẽ tạo nên những con người thấp hèn hay cao quý. Ai cũng tin rằng những người làm thầy thuốc hoặc thầy giáo là cao quý, nhưng thực tế cho thấy vẫn có những bác sĩ vô lương tâm hoặc những giáo viên thiếu phẩm chất đạo đức. Ngược lại, trong số công nhân lao động ngày đêm thực hiện những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt, không quan trọng lại cũng có không ít những tấm gương vị tha, giàu tinh thần trách nhiệm và đạo đức.

Bởi vậy, công việc không chỉ đơn thuần là công việc như nhiều người vẫn tưởng. Nếu chúng ta biết nhìn sâu hiểu đúng thì hết thảy mọi công việc đều đáng trân trọng, vì tất cả đều đang góp phần làm đẹp hơn cho xã hội. Công việc của mỗi người bao giờ cũng là sự biểu hiện của nhân cách, năng lực, trí tuệ và những phẩm chất đạo đức của con người đó. Nếu hiểu được như thế, chúng ta sẽ thấy yêu quý công việc của mình hơn. Và đó chính là một trong những điều kiện tất yếu để có được niềm vui trong công việc.

3. Nghị luận xã hội: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi mẫu 2

Chủ tích Hồ Chí minh đã từng nói: Lao động là vinh vang. Người biết lao động là người sống có ý nghĩa. Bởi chính lao động mới có thể tạo ra các giá trị hữu ích, giúp cuộc sống được ấm no, xã hội phát triển. Bởi thế có người cho rằng: “Không có công việc nào nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không thấy ý nghĩa trong công việc mà thôi”.

Công việc là những hoạt động của con người tác động vào các phương tiện sản xuất nhằm tạo ra một giá trị lao đọng nào đó. Công việc còn được hiểu là một việc làm nào đó do con người thực hiện. Theo ý nghĩa này, công việc phải là những hoạt động tích cực, phù hợp với các chuẩn mực và quy định của xã hội.

Công việc nhỏ nhoi là nhưng việc tầm thường, không mang lại lợi ích gì cho bản thân và xã hội. Ý nghĩa trong công việc là giá trị mà con người nhận được sau khi tiến hành một công việc nào đó.

Trong cuộc sống không có công việc nào nhỏ nhoi, thấp kém để chúng ta coi thường hoặc từ bỏ. Mỗi công việc đều có ý nghĩa và giá trị nhất định đối với mỗi cá nhân và cộng đồng khi nó phù hợp với năng lực, sở thích của cá nhân hay cộng đồng đó. Mỗi người cần nhận ra ý nghĩa của công việc mình đã, đang và sẽ làm để cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc đó.

Phân công lao động là một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội loài người. Mỗi người trong xã hội đều đảm nhận một vị trí lao động nào đó trong tổng thể các lực lượng lao đọng của toàn xã hội. Công việc của họ không những nhằm đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình mà còn góp phần hoàn thiện bức tranh lao động của toàn xã hội. Nếu công việc của họ không được tiến hành nó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác, nhiều công việc khác cũng đang đồng loạt diễn ra.

Thực không khó để nhận ra điều ấy trong cuộc sống. Nếu một ngày nào đó, vị bác sĩ khám bệnh không đến làm việc thì sẽ có rất nhiều bệnh nhân sẽ bỏ lỡ việc khám bệnh của ngày hôm đó. Có thể một vài rủi ro sẽ xảy ra đối với những người bệnh đang trong cơn nguy kịch. Nếu người nồng dân không trồng cấy trên đồng ruộng nữa thì người dân ở các thành phố sẽ khốn đốn vì không có nguồn cung cấp lương thực. Nếu các nhân viên vệ sinh môi trường không dọn rác từng ngày thì chắc chắn chỉ trong một vài ngày, thành phố sẽ ngập chìm trong biển rác.

Mỗi con người đảm nhận một vai trò nhất định trong xã hội. Có thể họ không có địa vị cao. Có thể công việc của họ diễn ra âm thầm nhưng chắc chắn là không thấp kém. Công việc của họ có ảnh hưởng đến một số đông, thậm chí là toàn xã hội.

Có những người từ khi sinh ra, cuộc sống đã định sẵn cho họ sẽ được làm những công việc thuận lợi nhất. Công việc của họ ít tốn công sức nhất và kiếm được nhiều tiền nhất. Trong khi có những người chỉ ước ao có được một công việc ổn định, phù hợp với năng lực của bản thân nhưng thật sự không dễ dàng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng.

Trong lao động lại còn ít công bằng hơn. Có thể bạn đã cố gắng hết sức mình và kiên trì đến tận cùng trong công việc nhưng cuối cùng lại thất bại, nhận về những tổn thất to lớn. Có thể công sức lao động của bạn bị người khác tước đoạt lấy và đẩy bạn vào khốn cùng. Nhưng hãy tin rằng, đó chỉ là rủi ro, là tai nạn. Ai tin vào nhân quả, tin vào điều chân thiện nhất định sẽ thắng lợi. Hãy luôn làm đúng trong mọi công việc và tin tưởng ở tương lai nếu bạn muốn thành công.

Cuộc sống sẽ như thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của bạn đối với nó. Không có công việc nào nhỏ nhoi hay thấp kém nếu bạn nhìn thấy giá trị lao động đích thực của nó do hành động ấy mang lại. Nhìn những người lao động nghèo khó nhưng xin bạn đừng cho rằng họ sống tầm thường hoặc vô dụng. Họ đang làm tốt nhất công việc mà họ có thể làm hoặc có cơ hội để làm. Nhìn thấy những người giàu có đi lại trên đường bạn đừng cho rằng họ có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển của xã hội và con người. Có những người sinh ra đã ở trong nhung lụa. Và trọn cuộc đời họ là những cuộc tàn phá khủng khiếp.

Trong xã hội, vẫn còn có rất nhiều người có thái độ phân biệt địa vị và danh thế. Họ tự cho mình là người thuộc “đẳng cấp trên”, có cái nhìn thiển cận, cách suy nghĩ ấu trĩ với những người làm những việc bình thường trong xã hội. Họ thường rất kiêu căng và khinh thường người khác. Ít khi họ có lòng thương đối với những người nghèo khó hay đang trong khó khăn hoạn nạn. Họ sống vô cảm với mọi người xung quanh. Những người như thế thật đáng chê trách.

Một số người khác lại khinh việc nhỏ, việc thu nhập thấp, việc làm khổ nhọc. Từ đó, họ có tính lười biếng, không thích lao động, muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, hoặc thói dựa dẫm, ỷ lại vào người khác mà không biết rằng “lao động là vinh quang”, được lao động là hạnh phúc.

Chỉ có lao đông mới có thể tạo ra của cải vật chất. Không có công việc nào là thấp kém miễn nó mang đến cho bản thân và xã hội một lợi ích nào đó. Hãy siêng năng làm việc tự nuôi sống bản thân và gia đình, góp phần thức đẩy xã hội phát triển.

“Không có công việc nào nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không thấy ý nghĩa trong công việc mà thôi” là lời khuyên thật ý nghĩa. Mỗi chúng ta cần phải biết nỗ lự, cố gắng hết mình với công việc mình đang có. Nếu bạn lao động chăm chỉ và tin tưởng ở công việc của mình thì cuộc sống của bạn sẽ đầy ắp niềm vui. Hãy lao vào công việc bạn tin tưởng bằng tất cả trái tim, sống vì nó, chết vì nó, và bạn sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ đạt được.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Nghị luận xã hội: Không có công việc nào là nhỏ nhoi hay thấp kém, mà chỉ có người không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình mà thôi. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, Ngữ văn 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm