Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng của con người

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng là một trong những bài nghị luận hay được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu học Ngữ văn 12. Mời các bạc cùng tham khảo bài văn dưới đây để có thêm tài liệu học tập nhé.

I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng tự trọng

Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng tự trọng mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: lòng tự trọng.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tự trọng: là việc tự ý thức được những giá trị của bản thân; coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự đó và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, tự trọng còn là việc chúng ta biết bảo vệ bản thân, không cho người khác động chạm hoặc xúc phạm đến giá trị của mình.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người có lòng tự trọng:

Hiểu được giá trị của bản thân mình, biết mình là ai và cần gì. Luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, theo đuổi, thực hiện mục tiêu, ước mở của mình một cách nhiệt thành nhất.

Người có lòng tự trọng cũng là người không bao giờ coi thường người khác, họ đối xử lịch sự, nhã nhặn với mọi người, luôn tôn trọng những người xung quanh.

- Ý nghĩa của lòng tự trọng:

Lòng tự trọng khiến cho bản thân người đó tốt đẹp hơn.

Người có lòng tự trọng sẽ là người có nhận thức và hành động đúng đắn, sống theo chiều hướng tích cực, góp phần giúp ích cho cuộc sống, cho xã hội và cho người khác.

c. Đánh giá

Tự trọng không đồng nghĩa với tự cao và tự phụ. Tự cao và tự phụ là thói xấu của con người còn tự trọng là phẩm chất tốt đẹp, nó khiến ta tự hào về những gì chúng ta đã có và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn.

d. Phản đề

Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức, ý thức được những giá trị của bản thân và tự trọng về nó. Lại có những người vì những lợi ích trước mắt của bản thân mà tự hạ thấp mình, đánh mất đi lòng tự trọng vốn có,…

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lòng tự trọng, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng tự trọng - Bài mẫu 2

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sức mạnh của niềm tin.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tự trọng: là việc tự ý thức được những giá trị tốt đẹp của bản thân; coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự đó và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

Mỗi con người ai cũng có những thế mạnh riêng, những phẩm chất tốt đẹp riêng của bản thân mình. Khi chúng ta nhận biết và ý thức được những giá trị đó, chúng ta sẽ tận dụng tối đa được lợi thế của mình để trau dồi và phát triển mạnh mẽ hơn theo chiều hướng tích cực.

Người có lòng tự trọng sẽ là người có nhận thức và hành động đúng đắn, sống theo chiều hướng tích cực, góp phần giúp ích cho cuộc sống, cho xã hội và cho người khác.

Tự trọng không đồng nghĩa với tự cao và tự phụ. Tự cao và tự phụ là thói xấu của con người còn tự trọng là phẩm chất tốt đẹp, nó khiến ta tự hào về những gì chúng ta đã có và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người có lòng tự trọng, ý thức được giá trị của bản thân để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, gần gũi, tiêu biểu và được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức, ý thức được những giá trị của bản thân và tự trọng về nó. Lại có những người vì những lợi ích trước mắt của bản thân mà tự hạ thấp mình, đánh mất đi lòng tự trọng vốn có,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: sức mạnh của niềm tin, đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về lòng tự trọng

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 1

l Người xưa thường nói: "Đói cho sạch rách cho thơm", "Chết đứng còn hơn sống quỳ" để giáo dục con người về phải giữ gìn phẩm giá trong bất kì hoàn cảnh nào. Điều ấy quả thực rất đúng đắn bởi tự trọng là phẩm chất cao đẹp mà mỗi người cần có. Vậy tự trọng là gì? Suy cho cùng, tự trọng chính là ý thức được giá trị bản thân, biết đề cao phẩm giá của mình. Tự trọng được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống như sống có kỷ luật, tự giác hoàn thành những công việc của mình mà không cần người khác nhắc nhở, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm và ưu điểm của bản thân, không làm những việc trái với lương tâm,... Tự trọng mang lại rất nhiều giá trị thiết thực cho mỗi con người. Có lòng tự trọng, con người có được kim chỉ nam giúp ta đi đúng hướng, trung thành với mục tiêu đã đề ra. Tự trọng giúp con người đứng vững trước những thử thách chông gai, không sợ đánh mất bản thân khi đối mặt với cám dỗ. Không chỉ vậy, tự trọng còn giúp con người hoàn thiện bản thân, biết cách nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách đúng đắn. Nhờ có tự trọng mà chúng ta được bồi đắp thêm nhiều phẩm chất như: dũng cảm, trung thực, chăm chỉ,... Bên cạnh đó, lòng tự trọng còn khiến ta biết cách sống chủ động, dựa vào chính sức lực của mình. Từ đó, con người đạt được thành công bởi những giá trị sống được tạo ra là năng lực của bản thân luôn vững bền hơn những điều trông chờ từ người khác. Người có lòng tự trọng cũng là người biết tôn trọng người khác, nhờ vậy mà nhận được sự tin tưởng, yêu mến từ mọi người và trở thành công dân tốt cho xã hội. Câu chuyện về Trần Bình Trọng với câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” chính là một ví dụ cho lòng tự trọng. Hiện nay, vẫn có những kẻ sống ỷ lại, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, dễ bị thao túng bởi vật chất nên rất đáng lên án. Lòng tự trọng là một đức tính quý báu. Mỗi người hãy trau dồi đức tính ấy ngay trong đời sống hằng ngày.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 2

Mỗi người đều có những giá trị riêng cho bản thân mình. Chúng ta trân trọng bản thân mình thế nào thì những người khác cũng yêu mến giá trị của bản thân họ như thế. Chính vì thế, chúng ta cần sống với lòng tự trọng để cuộc sống thêm phần nhân văn hơn. Tự trọng là việc tự ý thức được những giá trị của bản thân; coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự đó và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, tự trọng còn là việc chúng ta biết bảo vệ bản thân, không cho người khác động chạm hoặc xúc phạm đến giá trị của mình. Lòng tự trọng cũng được coi là một giá trị phẩm chất cao đẹp bởi nó có ý nghĩa to lớn đối với cá nhân mỗi người. Tự trọng được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của mỗi con người. Đó là việc sống trung thực với bản thân, gia đình và xã hội, luôn nỗ lực làm hết mình trong công việc, không gian dối, sống ngay thẳng, luôn cố gắng khẳng định tài năng và nhiệt huyết của mình,… Người có lòng tự trọng thường là người có một tâm hồn đẹp, một lối sống cao đẹp khiến người khác phải nể phục và kính trọng. Bên cạnh đó, lòng tự trọng cũng giúp con người ta hoạch định bản thân tốt hơn, biết việc nên và không nên làm, phên biệt được phải - trái, đúng - sai rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống không có lòng tự tôn, không chịu tôi luyện bản thân để nâng cao giá trị của mình. Lại có những người sẵn sàng vì tư lợi cá nhân mà gạt bỏ lòng tự trọng,… Những người này thật đáng chỉ trích, phê phán. Nhận biết được những điều đó, mỗi chúng ta cần cố gắng rèn luyện để nâng cao giá trị bản thân cũng như rèn luyện cho mình lòng tự trọng, sống theo lẽ phải, hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Mỗi người được sống có một lần, hãy làm một công dân gương mẫu, xây dựng những điều tốt đẹp nhất cho xã hội.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 3

Bạn sinh ra là gì và bạn sẽ là ai? Có khi nào bạn tự nhận thức đúng đắn giá trị của bản thân mình? Để trả lời được những câu hỏi đó thì trước hết bạn cần hiểu thế nào là lòng tự trọng. Tự trọng là việc mỗi người tự ý thức được những giá trị của bản thân; coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự đó và phát triển nó ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, tự trọng còn là việc chúng ta biết bảo vệ bản thân, không cho người khác động chạm hoặc xúc phạm đến giá trị của mình. Người có lòng tự trọng là những người hiểu được giá trị của bản thân mình, biết mình là ai và cần gì. Luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, theo đuổi, thực hiện mục tiêu, ước mở của mình một cách nhiệt thành nhất. Người có lòng tự trọng cũng là người không bao giờ coi thường người khác, họ đối xử lịch sự, nhã nhặn với mọi người, luôn tôn trọng những người xung quanh. Lòng tự trọng có vai trò và ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người: Lòng tự trọng khiến cho bản thân người đó tốt đẹp hơn. Người có lòng tự trọng sẽ là người có nhận thức và hành động đúng đắn, sống theo chiều hướng tích cực, góp phần giúp ích cho cuộc sống, cho xã hội và cho người khác. Tuy nhiên, tự trọng không đồng nghĩa với tự cao và tự phụ. Tự cao và tự phụ là thói xấu của con người còn tự trọng là phẩm chất tốt đẹp, nó khiến ta tự hào về những gì chúng ta đã có và thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn. Trong xã hội vẫn còn có nhiều người chưa có nhận thức, ý thức được những giá trị của bản thân và tự trọng về nó. Lại có những người vì những lợi ích trước mắt của bản thân mà tự hạ thấp mình, đánh mất đi lòng tự trọng vốn có,… Những người này cần xem xét lại bản thân nếu muốn cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần và quỹ thời gian có giới hạn, hãy giũ lấy cho mình lòng tự trọng và cố gắng hướng về phía trước.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 4

Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội. Mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người. Lòng tự trọng là coi trọng danh dự, phẩm chất, nhân cách của bản thân. Người có lòng tự trọng là luôn biết giá trị của bản thân mình. Họ biết mình là ai, có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy. Lòng tự trọng đi liền với cái tôi cá nhân. Bởi mỗi người sẽ có những giá trị riêng của bản thân vì thế mà ai cũng có lòng tự trọng riêng ở mức độ nhất định. Có lòng tự trọng bạn sẽ biết tôn trọng bản thân mình từ đó tôn trọng người khác. Sự tôn trọng thực sự cần thiết trong các mối quan hệ xã hội ngày nay. Để bảo vệ được lòng tự trọng cũng như nhận thức rõ giá trị của bản thân, bạn không làm gì khác ngoài rèn luyện để giữ gìn và phát triển nhân cách trong sạch, đúng mực. Bạn phải học tập hàng ngày để hình thành nhân sinh quan đúng đắn cho bản thân mình. Có như vậy bạn mới có khả năng đánh giá đúng đắn những hành động mà mình làm. Nghiêm khắc với chính bản thân mình là cách tốt nhất để rèn luyện. Hãy rèn luyện sức khỏe, bản thân, học tập không ngừng, để giá trị con người ngày càng phát triển. Bổ sung kiến thức khoa học cũng như xã hội, giữ cho bản thân có một thái độ lạc quan và tích cực trong mọi tình huống, hòa nhã và tôn trọng người đối diện. Biết nhận lỗi và sửa sai lỗi lầm. Đừng để cái tôi cá nhân quá lớn lấn át lòng tự trọng. Hãy cư xử một cách văn minh, lịch sự, hòa nhã và tôn trọng người khác bởi cuộc sống là cho đi rồi lại nhận về. Lòng tự trọng là thứ cơ bản và cần thiết đối với mỗi con người. Có lòng tự trọng, bạn mới có được sự tôn trọng của người khác đối với bản thân mình.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 5

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc khó khăn và vấp ngã, để bước qua những khó khăn ấy và đi tiếp trên con đường của mình, chúng ta cần phải rèn luyện cho mình nhiều đức tính tốt đẹp để đương đầu với những sóng gió phía trước. Một trong những đức tốt đẹp mà chúng ta cần có chính là tự trọng. Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Người có lòng tự trọng là luôn biết giá trị của bản thân mình. Họ biết mình là ai, có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy. Sống tự trọng là biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách, dám bênh vực lẽ phải dù có ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân. Con người không có lòng tự trọng sẽ trở nên vị kỷ, hèn hạ, sống giả dối. Lòng tự trọng là sự song hành giữa nhận thức và hành động, giữa lời nói và việc làm. Một dân tộc có lòng tự trọng khẳng định được chỗ đứng của mình trên trường quốc tế, vị thế và tầm vóc của dân tộc đó cũng được nâng cao theo thời gian. Lòng tự trọng phải luôn đi kèm với tính khiêm nhường, từ tốn, biết người biết ta. Chính lòng tự trọng làm nên giá trị bản thân của mỗi người, giúp con người luôn hướng đến những chuẩn mực chung của xã hội, làm những điều tốt đẹp, suy nghĩ những điều thiện, những điều tích cực… Vì vậy mỗi con người cần bồi đắp cho mình cách sống tự trọng từ những việc làm nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên bên cạnh những con người giàu lòng tự trọng, biết ý thức về bản thân và về công việc thì còn không ít những kẻ thiếu lòng tự trọng. Hoặc có lòng tự trọng nhưng lòng tự trọng quá cao sinh ra tính tự ái, tự cao, tự kiêu. Những người này cần xem xét lại bản thân mình và sửa đổi theo chiều hướng tích cực. Chúng ta hãy sống với những nhận định đúng đắn, cố gắng vươn lên và đạt được những giá trị tốt đẹp cho bản thân cũng như xã hội.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 6

Người ta thường nói, đối với mỗi người bản thân mình là quan trọng nhất. Nhưng để hiểu về bản thân một cách rõ ràng, cụ thể và đặc biệt biết cách khẳng định giá trị bản thân trong cuộc sống thì đó lại là vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ. Những người làm được điều đó là những người nhận thức rất rõ “lòng tự trọng”.

Theo từ điển Tiếng Việt, “tự trọng” là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Người có lòng “tự trọng” là người luôn biết bản thân mình là ai, mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?. Điều đó được biểu hiện ở chỗ, bạn biết bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào từ đó bạn biết cách phát huy điểm mạnh và luôn cố gắng tìm cách khắc phục điểm yếu. Đối với lứa tuổi học sinh ở lứa tuổi từ 16 – 18, tâm lý luôn muốn được làm người lớn, muốn khẳng định bản thân mình thì việc tu dưỡng lòng “tự trọng” là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, trước hết bạn cần cố gắng giữ gìn các phẩm chất đạo đức, luôn tôn trọng thầy cô và giữ mối quan hệ hòa nhã với bạn bè. Đặc biệt, bạn luôn phải trung thực với chính bản thân mình và những người xung quanh. Tuyệt đối không được quay cóp, gian lận trong khi làm bài kiểm tra, bởi nếu bị thầy cô phát hiện bạn đã tự mình đánh mất đi lòng tự trọng của chính mình.

Trong học tập, bạn cần nỗ lực cố gắng tìm tòi, học hỏi để bổ sung và hoàn thiện kiến thức, hơn nữa bạn cần đặt ra cho mình mục tiêu phấn đấu và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, dù khó khăn cũng không được nản chí. Đó chính là cách bạn khẳng định bản thân. Trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè, bạn cần giữ thái độ lễ phép và từ tốn. Dù người khác có nói sai thì bạn cũng không được cắt ngang lời hoặc có những lời lẽ xúc phạm, nếu bạn nghĩ mình làm điều đó để thể hiện cái tôi của mình thì bạn đã sai rồi, ngược lại những người xung quanh bạn sẽ nghĩ bạn thiếu tôn trọng họ và bạn sẽ làm mất hình ảnh của chính mình.

Người có lòng tự trọng luôn biết cách nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm. Nếu bạn làm điều gì đó có lỗi với bố mẹ, bạn bè hoặc những người xung quanh, hãy nói lời xin lỗi họ và hứa lần sau sẽ không tái phạm. Đó cũng là cách bạn khẳng định giá trị bản thân. Nếu bạn né tránh hoặc đổ lỗi cho người khác, mọi người sẽ không coi trọng bạn bởi vì bạn dám làm nhưng không dám nhận, đó là hành vi hèn nhát. Bên cạnh việc cố gắng trong học tập, bạn cần biết cách hài hòa các mối quan hệ xung quanh bằng việc nói được, làm được và giúp đỡ người khác trong khả năng có thể bằng những hành động đơn giản như chào hỏi lễ phép, nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi làm người khác phải suy nghĩ. Bởi nếu bạn làm được điều đó, mọi người sẽ luôn nhìn nhận bạn là một người tốt, họ sẽ tôn trọng và quý mến bạn. Điều đó có nghĩa là bạn đã xây dựng được hình ảnh bản thân trong mắt của những người xung quanh.

Có như vậy bạn mới có khả năng đánh giá đúng đắn những hành động mà mình làm. Nghiêm khắc với chính bản thân mình là cách tốt nhất để rèn luyện. Có tôn trọng bản thân bạn mới tôn trọng người khác, ý thức được lòng tự trọng của bản thân, bạn mới biết cách để bảo vệ nó. Nhưng chỉ bảo vệ lòng tự trọng thôi thì chưa đủ, bạn cần phải làm cho nó ngày càng có giá trị hơn. Hãy rèn luyện sức khỏe, bản thân, học tập không ngừng, để giá trị con người ngày càng phát triển. Bổ sung kiến thức khoa học cũng như xã hội, giữ cho bản thân có một thái độ lạc quan và tích cực trong mọi tình huống, hòa nhã và tôn trọng người đối diện. Biết nhận lỗi và sửa sai lỗi lầm. Đừng để cái tôi cá nhân quá lớn lấn át lòng tự trọng. Làm sai mà không nhận ra còn khăng khăng cho là mình đúng thì quả là không tốt chút nào. Tâm lí ấy bạn có thì hãy nên gạt bỏ ngay từ bây giờ. Thái độ tích cực sẽ đem tới cho bạn nhiều niềm vui hơn là cố chấp bảo vệ bản thân trong tình huống không phù hợp. Cái cách mà bạn nhận lỗi và xin lỗi cũng là cách để khẳng định giá trị bản thân mình. Xin lỗi không có nghĩa là lòng tự trọng của bạn sẽ bị mất đi. Bạn đừng hiểu lầm nói lời xin lỗi là khuất phục trước người khác mà không thể bảo vệ được quan điểm cá nhân. Đó là sai lầm. Lời xin lỗi lúc cần không những là sự tôn trọng của bạn đối với người khác mà còn thể hiện bản thân là người có học thức, có nhân cách. Như tôi đã nói ở trên chỉ vài hành động nhỏ cũng đủ để bạn đánh mất lòng tự trọng của bản thân mình. Hãy cư xử một cách văn minh, lịch sự, hòa nhã và tôn trọng người khác. Cuộc sống là cho đi rồi lại nhận về. Bạn đối xử với họ ra sao họ cũng sẽ đối xử với bạn như vậy. Bạn tôn trọng họ, họ tôn trọng bạn, bạn hòa nhã với họ họ cũng sẽ như vậy. Có như vậy bạn sẽ được mọi người yêu mến. Xây dựng được hình tượng tốt trong mắt mọi người không hề dễ dàng. Nhưng làm được điều đó không phải là không thể. Bạn tự làm đẹp cho tâm hồn mình thì bạn sẽ nhân được những điều tốt đẹp ấy mà thôi. Nhân đây tôi cũng kể cho bạn nghe một câu chuyện sâu sắc. Một cậu bé bán vé số trên đường. Đi qua một quán nước mời mua mà không ai chịu. Đi được một quãng, hai chàng thanh niên uống nước ở vỉa hè ném vỏ lon ra lòng đường. Cậu bé nhặt lên mà ai cũng nghĩ cậu lượm về đem bán. Nhưng không, cậu mang chúng vào thùng rác trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người. Thấy thế một anh gọi cậu đến hỏi: "Tại sao em không đem về bán". Cậu trả lời: "Cô giáo em dạy không được xả rác bừa bãi" - "Em còn đi học hả?" - "Dạ không em nghỉ rồi ạ". "Lại đây anh mua vé số cho". "Sao vừa nãy em mời anh không mua". "Bây giờ anh tội nghiệp em". "Em không bán cho anh đâu, em không cần anh tội nghiệp". Lòng tự trọng của cậu bé thật khiến anh thanh niên phải suy ngẫm. Một bài học quí giá về cách cư xử giữa con người với nhau. Lòng tự trọng của cậu bé bán vé số thực sự khiến tôi nhận ra được nhiều điều.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 7

Con người sinh ra và lớn lên cùng những cảm xúc khác nhau, vui có, buồn có, hạnh phúc có, đau khổ có. Và tất cả những dòng cảm xúc đó tạo nên những đức tính riêng biệt cho mỗi người, nhưng chung quy lại ở trong bất kì ai cũng tồn tại một thứ cảm xúc khó diễn tả vô cùng đó là lòng tự trọng, nhưng thế nào là lòng tự trọng, lòng tự trọng có quan hệ như thế nào với cách ứng xử thì không phải ai cũng có thể trả lời chính xác được.

Trước tiên xét về lòng tự trọng ta có thể hiểu lòng tự trọng là một trong những đức tính tốt đẹp của con người, đó là đức tính luôn giữ gìn phẩm chất, nhân cách của mỗi người, hành động, lời nói cư xử đúng mực với những người xung quanh trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Người có lòng tự trọng là người biết, hiểu rõ những việc mình đang làm, biết rõ giá trị của bản thân, dùng kiến thức kĩ năng để bảo vệ những thứ tốt đẹp, tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác theo cách riêng của mình.

Trong ứng xử với người đối diện lòng tự trọng chính là bàn đạp thúc đẩy câu chuyện, mối quan hệ giữa con người với con người, giúp con người đối xử với nhau có chừng mực, có sự tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó lòng tự trọng còn mang đến nhiều yếu tố tích cực trong cuộc sống đặc biệt là xây dựng nhân cách cá nhân, người có lòng tự trọng sẽ sống sao cho phù hợp với những chuẩn mực mà xã hội đề ra, sống một cuộc sống thoải mái, biết chấp nhận khó khăn, thất bại, thử thách, hơn nữa những người có lòng tự trọng luôn luôn thành công trong cuộc sống, sống cuộc sống thoải mái ít suy nghĩ lo âu.

Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rõ lòng tự trọng khác với tính sĩ diện và tính bảo thủ, người có lòng tự trọng là người có quan điểm, cách ứng xử đúng đắn, dùng lí lẽ dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của mình, còn những người mang trong mình tính sĩ diện hay sự bảo thủ thì ngược lại hoàn toàn, những người đó luôn đặt bản thân lên hàng đầu theo một cách tiêu cực, coi thường, thiếu tôn trọng đối với người khác.

Lòng tự trọng đem lại nhiều lợi ích trong cuộc sống, vậy lòng tự trọng có mối quan hệ như thế nào đối với cách ứng xử? Trước tiên phải khẳng định lòng tự trọng và cách ứng xử có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau, thấy rõ nhất được mối quan hệ đó là ở trong cuộc sống, trong cuộc sống bạn cư xử, dùng lời nói hành động với người khác như thế nào thì người đó sẽ cư xử lại với bạn như thế, lòng tự trọng đem tới cho con người cách cư xử đúng mực, xây dựng hình ảnh đẹp, nhã nhặn trong mắt người khác từ đó sẽ tạo nên các mối quan hệ bền vững.

Và lòng tự trọng đặc biệt quý giá trong xã hội ngày nay khi mà xã hội tồn tại phát triển dựa trên các mối quan hệ, chúng ta không thể sống cô lập trong một xã hội như thế. Khi có lòng tự trọng lời nói của bạn sẽ được lí trí điều khiển sao cho đúng mực, tránh những hành động vô nghĩa, đi ngược với những hành vi đạo đức và lương tâm con người. Cuối cùng mỗi người cần phải biết tự trọng đó là điều cần thiết nhất trong cách ứng xử giữa người với người, có rất nhiều tấm gương to lớn về lòng tự trọng mà chúng ta có thể học tập, điển hình nhất đó là lòng tự trọng về chủ quyền, tự trọng về quyền tự do dân tộc trong suốt những năm tháng trong lịch sử của cha ông.

Lòng tự trọng là đức tính tốt đẹp mà con người cần phát huy, tôi luyện để có được, đặc biệt lòng tự trọng và cách ứng xử luôn đi đôi với nhau, ứng xử sao cho phù hợp với lòng tự trọng hay xây dựng lòng tự trọng như thế nào để có cách ứng xử đúng mực là vô cùng quý giá trong thời đại ngày nay.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 8

Đạo đức nhân phẩm là phần quan trọng không thể thiếu đối với bản thân con người, trong đó lòng tự trọng là một đức tính vô cùng cần thiết, là vũ khí mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Nhưng đôi khi nó cũng tiềm ẩn sức mạnh đối lập giúp chúng ta sống tốt hơn nhưng cũng có thể làm thay đổi, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của ta. Vậy phải thế nào để có thể điều khiển tốt cái gọi là lòng tự trọng của bản thân?

Bản thân con người không ai hoàn hảo một cách tuyệt đối nhưng họ luôn hướng đến việc rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp để ngày một hoàn thiện nhân cách. Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất như thế, thế nào là lòng tự trọng? Hiểu đơn giản đó là sự tôn trọng bản thân mình, ý thức, trân trọng những danh dự, phẩm giá, nhân cách của chính mình, có niềm tin vào những giá trị mà mình đang có, biết nỗ lực phát huy những khả năng tiềm ẩn đang sở hữu và tin tưởng rằng bạn sẽ thành công trong cuộc sống. Ngoài việc có những quan điểm nhất định về bản thân thì người có lòng tự trọng còn biết mình, biết người, không gây ra những việc làm xấu xa khiến bản thân phải hổ thẹn, sống chính trực ngay thẳng và luôn giữ gìn đạo đức của mình dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, biết bảo vệ đấu tranh cho lẽ phải, lẽ công bằng. Đồng thời dám nhìn nhận những sai trái lỗi lầm của mình và biết sửa chữa chúng để ngày càng tiến bộ và hoàn thiện hơn. Mỗi người đều có lòng tự trọng của riêng mình nhưng lại có những mức độ khác nhau. Lòng tự trọng của nhiều người được đánh giá cao nhưng ngược lại một số người lại quá coi trọng lòng tự trọng của chính mình mà không biết lắng nghe người khác nói. Khi có lòng tự trọng lành mạnh bạn sẽ suy nghĩ tích cực hơn, đúng đắn về bản thân và có thái độ khá lạc quan về mọi thứ diễn ra trong cuộc sống. Khi đối diện với khó khăn, thất bại họ sẽ có tự tin rằng mình sẽ vượt qua được nó và cố gắng hết mình, hơn nữa họ còn có nhận thức được mình có giá trị, có ích, có những đức tính cần thiết của con người. Với những người có lòng tự trọng thấp, họ thường nhìn nhận bản thân, thế giới xung quanh và cả tương lai theo hướng tiêu cực. Khi gặp phải chông gai, sóng gió, bạn sẽ bắt đầu có thái độ nghi ngờ rằng mình có vượt qua được hay không, đánh giá thấp bản thân mình và dùng cách tránh né chúng. Thấy lo lắng, buồn rầu, chán nản, buông xuôi và không có động lực sống nào cả, chỉ biết ngồi đó trách móc số phận, cuộc đời, không ai là có lòng tự trọng thấp từ khi sinh ra. Nguyên nhân là gì? Nó là kết quả từ những trải nghiệm của ta trong cuộc sống, có thể là đã từng bị trừng phạt, thất bại thê thảm,bị bỏ rơi, bị bắt nạt bạo hành hay không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, thiếu đi sự yêu thương, chia sẻ từ đó họ tự đúc kết, rút ra những suy nghĩ, quan điểm tiêu cực về bản thân, như tự gắn những cái mác: Mình không đủ tốt, mình thật sự không giỏi, thật là tồi tệ, người không có ý chí vươn lên nỗ lực cải thiện. Tuy nhiên, cuộc sống là một quá trình trưởng thành, những quan điểm ấy sẽ được điều chỉnh, thay đổi phù hợp hay không là còn tùy thuộc vào mỗi người.

Tự trọng là điều kiện không thể thiếu để phát huy tối đa sức mạnh và phẩm chất của mỗi cá nhân, bạn đã là một người có lòng tự trọng tốt hay chưa. Nếu bạn hi sinh lợi ích riêng của mình, sẵn sàng chịu thiệt thòi để giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khó khăn bất hạnh trong cuộc sống nhưng lại bị ai đó nói là ngu ngốc và lo chuyện bao đồng không cần thiết thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu câu trả lời của bạn là rất buồn thì bạn đang bị sĩ diện chi phối. Còn khi bạn trả lời là bạn không thấy buồn gì mà bỏ qua tất cả những lời nói đó, từ trong sâu thẳm bạn rất tin tưởng, nhận thức được những gì mà mình đang làm và muốn làm thì chứng tỏ bạn là một người có lòng tự trọng và tự chủ. Vậy biểu hiện đầu tiên là người có lòng tự trọng luôn biết giá trị của bản thân mình, biết mình là ai, có những gì, tự hào về điều gì và không để người khác xâm phạm đến những điều ấy vì người có lòng tự trọng luôn biết bảo vệ tự trọng của bản thân mình. Thứ hai là biết kiềm chế nhiều nhu cầu, ham muốn thấp kém, mang tính bản năng, họ kiên quyết không tham tiền bạc danh lợi của cải bất chính kể cả khi bị xúi giục, dụ dỗ. “Thà chết vinh còn hơn sống nhục ”, họ nhất định trả lại những thứ không thuộc về mình, biểu hiện tiếp theo là người có lòng tự trọng luôn cố gắng sống đúng những chuẩn mực đạo đức xã hội, tự nguyện thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt nghiêm túc nghĩa vụ của công dân, quyết không làm việc xấu, chỉ hưởng những gì mà mình xứng đáng được nhận, sống trung thực, biết tuân thủ pháp luật. Họ chạy xe cẩn thận để an toàn cho người khác kể cả có người rủ rê đua xe lạng lách, giữ gìn môi trường sống . Nói chung là họ luôn kiên định chấp nhận sự chê bai để sống đúng lương tâm đạo đức, có những suy nghĩ hành vi đẹp đẽ, lối sống lành mạnh.

Lòng tự trọng cũng có nhiều mức độ và cách thể hiện khác nhau: Tự trọng bản thân, tự trọng quốc thế, tự trọng dân tộc,… Như tấm gương về vị quan thanh liêm Tô Hiến Thành với tài thao lược và chính trị hơn người, là một trụ cột của đời nhà Lý đã không vì lòng tham mà đi nhận của cải đút lót, luôn làm tròn nghĩa vụ với triều đình, đất nước, Trần Bình Trọng khi bị giặc bắt, tra tấn, dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo phản bội nhưng ông đã dõng dạc nói một câu rất nổi tiếng “ Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” những con người ấy sẽ mãi là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo, rèn giũa cho mình lòng tự trọng. Nhà văn Nam Cao đã từng viết: “Người sáng suốt cõi lòng tự trọng là không thể thương lượng và sẽ không đổi nó để lấy sức khỏe, sự giàu sang hay bất cứ thứ gì khác”. Ai cũng muốn mình được tôn trọng, cũng không muốn bị người khác khinh thường, bạn phải là người đầu tiên tôn trọng giá trị của bản thân, giữ gìn những nhân phẩm của mình không để chúng bị tha hóa, biến chất bởi những yếu tố tiêu cực và chính lòng tự trọng sẽ giúp bạn làm được điều đó. Nó là một phẩm chất vô cùng quan trọng góp phần nâng cao của những giá trị của con người, khích lệ ta vươn đến những điều tốt đẹp, có khả năng khơi dậy những sức mạnh kì diệu của ta. Thật vậy, lòng tự trọng của một vị thuyền trưởng tài ba sẽ chỉ lối cho con thuyền của tuổi trẻ đi đúng hướng, vượt qua được sống gió để cập đến bến bờ thành công. Giúp cho bạn biết trau dồi, rèn luyện bản thân để có một cái tôi trong sáng, tốt đẹp nhất và giữ được bản lĩnh thật vững vàng trước những cám dỗ của vật chất tầm thường, những tham vọng thấp hèn, dũng cảm đấu tranh trước những thói hư tật xấu, ngày càng hoàn thiện mình. Tự trọng còn giúp con người có động lực để hy sinh những lợi ích cá nhân hướng đến lợi ích chung của cộng đồng, cống hiến cho xã hội mà không hề toan tính vụ lợi. Người có lòng tự trọng tốt sẽ được mọi người quý trọng, noi gương, yêu mến và thành công trong cuộc sống, trong giao tiếp ứng xử, lòng tự trọng tốt đẹp ấy sẽ giúp con người đối xử với nhau có chừng mực, văn hóa, biết tôn trọng lẫn nhau chính là cách để giữ gìn nhiều mối quan hệ tốt đẹp, lành lạnh, tạo ra được một xã hội chính nghĩa, công bằng, văn minh và phát triển.

Vậy đấy lòng tự trọng là thứ chẳng ai có thể bán nó với bất kỳ giá nào, ai cũng giữ cho mình một cái “ tôi ” đầy kiêu hãnh vốn có. Nhưng lòng tự trọng ấy đôi khi lại bị bán rẻ đi, bị xói mòn bởi những lối sống thực dụng, vật chất, chỉ nghĩ cho lợi ích của mình. Phẩm chất đáng quý ấy thì ai cũng cần phải có để sống ngẩng cao đầu trong cuộc đời này, nhưng không phải lúc nào cũng đem lòng tự trọng cao ngất hay cái tôi riêng của mình ra sử dụng cũng đều có hiệu quả mà đôi khi nó còn có tác dụng ngược lại, bị biến thành lòng tự cao, tự đại thậm chí là sự tự ái, sĩ diện. Không chịu lắng nghe người khác nói hoặc là hay bị ảnh hưởng chi phối bởi sự đánh giá, nhìn nhận của mọi người xung quanh, kể cả người xấu, trở nên hẹp hòi, ích kỷ, rất dễ bị sai khiến, điều khiển chỉ vì một lời khen chê bất kể đúng sai và đánh mất bản thân mình, thật đáng buồn vì những người như thế còn nghĩ đó là lòng tự trọng. Tất cả những lối sống đó cần phải được phê phán và thay đổi. Bảo vệ lòng tự trọng thì khó nhất đánh mất nó cũng rất dễ dàng, chỉ cần một hành động, lời nói xúc phạm, không tôn trọng người khác, thiếu suy nghĩ cũng đủ khiến bạn đánh mất đi lòng tự trọng bấy lâu nay mà mình giữ gìn. Trong các mối quan hệ xã hội, đôi khi chúng ta cần phải biết hạ cái tôi của mình xuống, đừng chỉ quá nghĩ đến bản thân, phải biết xác định những điểm mạnh điểm yếu, những gì mình làm tốt, chưa tốt. Còn phải biết lắng nghe những đóng góp của mọi người để sửa đổi, không đố kị ghen tị với thành tựu của người khác, đánh giá cao nỗ lực của họ và từ đó biết học hỏi trau dồi thêm. Đó chính là một cái tôi biết hoàn thiện bản thân mình hằng ngày, gặp thất bại thì không nản, chiến thắng thì không kiêu, không xúc phạm đến lòng tự trọng, tự tôn của người khác. Biết cách rèn luyện nghiêm khắc chính mình, ra sức học tập rèn luyện để đạt được thành công, đồng thời luôn bồi dưỡng củng cố lòng tự trọng và biết phân biệt, gạt bỏ đi những tự cao, tự ái tiêu cực.

Giá trị con người không phải được thể hiện ở ngoại hình, trình độ học vấn hay địa vị xã hội mà nó có được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người. Trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” cũng đã có một câu nói như lời nhắc nhở với mọi người, không bao giờ được đánh rơi lòng tự trọng của mình “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình”.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 9

Con người ai cũng có những đức tính tốt đẹp, nhân phẩm giá trị, trong đó lòng tự trọng là yếu tố quan trọng để đánh giá 1 con người.

Lòng tự trọng được hiểu là gì? Lòng tự trọng chính là sự coi trọng danh dự, phẩm chất của bản thân. Người có lòng tự trọng tự đánh giá được giá trị của bản thân, đứng đâu trong xã hội, giữ gìn những phẩm chất của bản thân không người khác xâm phạm. Trong giao tiếp và ứng xử, lòng tự trọng sẽ giúp con người đối xử với nhau có chừng mực và có văn hóa, tôn trọng lẫn nhau chính là cách để giữ gìn một mối quan hệ tốt đẹp.

Lòng tự trọng có nhiều lợi ích, lòng tự trọng thường đi với cái tôi của cá nhân. Người có lòng tự trọng thường cũng có sự trung học, ví dụ không học bài cũng sẽ không xem bài bạn trong giờ kiểm tra, giữ chữ tín đó là trả tiền đúng hẹn và đã hứa thì giữ lời. Đó là những cái tôi tích cực giúp hoàn thiện nhân cách con người Sống trong một cộng đồng có mối quan hệ giữa người với người, không ai có thể sống đơn lẻ, việc có những mối quan hệ tốt đẹp và đáng tin cậy là cần thiết. Nếu có lòng tự trọng, mỗi người chúng ta sẽ biết cư xử đúng mực, không đi chệch ra khỏi các luân lí trong cuộc sống, giữ gìn các mối quan hệ được tốt đẹp. Không ai muốn chơi với người luôn thất hứa, trễ hẹn. Lòng tự trọng còn giúp các cá nhân giữ mình trước cái ác, ngăn cản những việc làm sai hay thiếu đạo đức. Khi có lòng tự trọng, bạn sẽ trở thành con người có nhân cách.

Lòng tự trọng giữ thì khó nhưng đánh mất dễ dàng. Lòng tự trọng có thể bị đánh mất ngay khi bạn văng ra một câu chửi thề, một cú đấm hoặc những hành động không thể kiểm soát. Lòng tự trọng giúp thuận lợi trong ứng xử, giao tiếp mà khi mất nó, những mối quan hệ tồi tệ bởi và không có sự kiểm soát.

Mỗi cá nhân hãy biết rèn luyện lòng tự trọng, hãy luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình, tôn trọng bản thân thì mới tôn trọng những người khác. Ngoài việc giữ gìn, rèn luyện lòng tự trọng hãy biết sống trong sạch, ngay thẳng, sống thế nào cho bạn sẽ không hổ thẹn với chính lương tâm, có sai thì phải xin lỗi. Lòng tự trọng bạn còn phải biết tiếp thu những ý kiến tốt, tích cực để hoàn thiện bản thân, nhân cách của chính mình.

Lòng tự trọng là đức tính quan trọng và thiết thực trong cuộc sống mà con người phải có. Có lòng tự trọng chúng ta mới có thể ứng xử mọi việc thật đúng đắn, lịch sự, văn minh để góp phần tạo nên các mối quan hệ tốt đẹp, xây dựng xã hội tiến bộ. Con người có lòng tự trọng sẽ biết cách ứng xử thông minh trong cuộc sống, hài hòa các mối quan hệ với nhau.

Nghị luận xã hội về lòng tự trọng - Bài mẫu 10

Con người ta từ khi sinh ra đến khi hòa mình về với cát bụi phải trải qua biết bao thăng trầm ở cuộc đời. Có những người không thể chống chọi được mà tha hóa, biến chất; cũng có những người dù chết cũng phải giữ trọn vẹn tấm lòng thiện lương. Để gìn giữ những giá trị tốt đẹp ở mình, người ta cần đến lòng tự trọng. Có thể nói rằng, lòng tự trọng là phẩm chất quan trọng nhất ở con người, phẩm chất mà ai cũng cần có, phải có.

Tự trọng vốn là một từ Hán Việt, dịch nghĩa là tự biết để ý, giữ gìn, đặt nặng những vấn đề của bản thân. Suy rộng ra tự trọng có nghĩa là luôn tự biết chú ý, giữ gìn những phẩm giá tốt đẹp của bản thân, luôn coi trọng bảo nhân cách của mình, không cho phép bản thân sống lệch lạc, hoặc tác động của môi trường làm ảnh hưởng đến chúng, dù có là ở trong hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo nhất. Người có lòng tự trọng là người trước hết có tư cách đạo đức, nhân phẩm cao đẹp, sống nhân hậu, vì người cũng là vì mình, tôn trọng bản thân cũng đồng thời tôn trọng mọi người xung quanh, không tùy tiện đánh giá, hay đối xử bất công với người khác bởi tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Người có lòng tự trọng là người rộng lượng, không hay tính toán thiệt hơn, sẽ không vì cái lợi nhỏ mà bị cám dỗ, ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự, để bị chê cười. Ở một khía cạnh nào đó, trong quá khứ, người ta thường quy cho tự trọng chính là lối sống thanh cao, thoát tục không vướng vào những chuyện thị phi, đó là điều không sai, nhưng cho đến nay thế giới có nhiều biến đổi, người có lòng tự trọng không còn là việc sống tách biệt với thế giới để bảo vệ cái tôi cá nhân nữa mà là sống hòa nhập, chan hòa nhưng vẫn bảo vệ được phẩm giá và danh dự của mình, được người người yêu quý kính trọng.

Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Ngay cả khi trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn”. Đó chính là một biểu hiện của lòng tự trọng. Nhưng không cần tìm kiếm ở đâu xa để hiểu về lòng tự trọng. Ngay trong lịch sử Việt Nam ta cũng đã có những tấm gương ngời sáng về lòng tự trọng. Đó là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn yêu nước căm thù giặc sâu sắc “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Đó là Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, thêu lá cờ với sáu chữ vàng, quyết ra trận đánh giặc mặc cho nhà vua chê cười mình nhỏ tuổi. Cha ông ta không chịu khuất phục trước kẻ thù, không chấp nhận để lòng tự tôn dân tộc, lòng tự trọng của một tướng võ triều đại nhà Trần bị chà đạp. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm lui về ở ẩn để giữ gìn khí tiết, không vướng danh lợi và đồng tiền khi sống trong xã hội “Còn tiền còn bạc còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.

Ngày nay, lòng tự trọng được hiểu và biểu hiện một cách gần gũi hơn. Trong ứng xử với người đối diện lòng tự trọng chính là bàn đạp thúc đẩy câu chuyện, mối quan hệ giữa con người với con người, giúp con người đối xử với nhau có chừng mực, có sự tôn trọng lẫn nhau. Tự trọng khiến người ta sống trung thực với bản thân, gia đình và xã hội, luôn nỗ lực làm hết mình trong công việc, không gian dối, sống ngay thẳng, luôn cố gắng khẳng định tài năng và nhiệt huyết của mình. Không làm những việc khuất tất, không rõ ràng minh bạch để người khác hiểu lầm, luôn chí công vô tư, tấm lòng trong sáng, đối xử chân thành với mọi người, không dựng chuyện đặt điều về người khác, không tham gia bình luận hay phán xét một cách chủ quan. Thấy cái sai phải lên tiếng chỉ ra một cách khéo léo, tuyệt đối đừng quá gay gắt khiến đối phương mất mặt, cần đặt cả lòng tự trọng của đối phương lên để cân nhắc trước khi hành động. Khi chúng ta vô tình mắc lỗi, không nên trốn tránh vì không dễ gì trốn được, bởi ai cũng có đôi mắt đủ tinh tường để nhận ra, đôi khi họ im lặng không có nghĩa là họ không biết mà chỉ đơn giản là họ chờ ta tự nói ra mà thôi. Khi chúng ta thẳng thắn nhận lỗi và chấp nhận sửa sai với một thái độ nhiệt tâm, chân thành, thì hơn tất cả chúng ta vừa bảo vệ được phẩm giá của bản thân, vừa khiến người khác có cái nhìn thiện cảm hơn, lỗi lầm của chúng ta vì thế mà cũng dễ dàng được bỏ qua. Tự trọng còn thể hiện ở nếp sống và sinh hoạt cá nhân, một người có lòng tự trọng sẽ biết sắp xếp cuộc sống của mình thật gọn gàng ngăn nắp, biết lên kế hoạch, biết quý trọng thời gian và sức khỏe của bản thân. Có ý thức bảo vệ của công, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích của tập thể dù đôi khi phải hy sinh lợi ích cá nhân. Bên cạnh đó lòng tự trọng còn mang đến nhiều yếu tố tích cực trong cuộc sống đặc biệt là xây dựng nhân cách cá nhân, người có lòng tự trọng sẽ sống sao cho phù hợp với những chuẩn mực mà xã hội đề ra, sống một cuộc sống thoải mái, biết chấp nhận khó khăn, thất bại, thử thách, hơn nữa những người có lòng tự trọng luôn luôn thành công trong cuộc sống, sống cuộc sống thoải mái ít suy nghĩ lo âu.

Tuy nhiên ngày nay có một số người đã để lòng tự trọng ngủ quên trong sâu thẳm hay đánh mất đi từ bao giờ. Họ quên mất lời dặn của cha ông rằng “Đói cho sạch, rách cho thơm” họ vô cảm trước khó khăn của người khác, chà đạp lên lòng tự trọng của chính mình mà hôi bia, hay vụ hôi tiền 500 nghìn, trộm điện thoại của người bị tai nạn xe máy ở Đồng Nai vào năm 2013. Thực sự những con người đó, việc làm đó đã đánh mất đi nét đẹp truyền thống, lòng tự trọng ngày càng suy thoái khiến cho chúng ta có nhiều trăn trở về nhân cách làm người.

Vậy làm thế nào để chúng ta có được lòng tự trọng? Mỗi người cần sống ngay thẳng, trung thực, không gian dối. Luôn hoàn thành những nhiệm vụ được giao, mà không cần đến sự nhắc nhở bảo ban. Trung thực từ những điểu nhỏ bé nhất, khi ấy ta mới có thể có lòng tự trọng thực thụ.

Lòng tự trọng là một trong những tính cách chính hình thành lên phẩm chất, nhân cách con người. Vì vậy, là một người trẻ, tôi nhận thấy bản thân cần cố gắng hơn nữa để xây dựng nhân cách, gìn giữ lòng tự trọng, trở thành một con người có ích cho xã hội.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
265
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Mai Anh Nguyễn
    Mai Anh Nguyễn

    kêu 50 mà  đc c0s 20


    Thích Phản hồi 09:21 05/05
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm