Nghị luận xã hội bàn về quan điểm Không có ai là hoàn hảo cả

Nghị luận xã hội bàn về quan điểm Không có ai là hoàn hảo cả được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc để bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết tại đây.

I. Dàn ý Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề nghị luận: Không có ai là hoàn hảo cả.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Giải thích ý kiến: con người ai cũng có khuyết điểm, không một ai sinh ra là hoàn hảo, chúng ta cần biết chấp nhận con người mình, những khuyết điểm của mình, không nên vì đó mà tự ti, mặc cảm. Khi chúng ta chấp nhận và yêu thương chính mình, ta sẽ có động lực, ý chí vươn lên để hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp nhất.

b. Phân tích

Con người không ai là hoàn hảo, chúng ta cũng đều nhận thấy được khuyết điểm của bản thân mình. Tuy nhiên lựa chọn đối mặt với nó như thế nào lại tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

Nếu muốn bản thân mình trở nên hoàn hảo hơn, trước hết ta cần biết chấp nhận những điều chưa hoàn hảo ở chính mình, đối diện với nó và kiên trì, nhẫn nại khắc phục nó từng ngày.

Khi chúng ta biết chấp nhận những điều chưa tốt của bản thân mình, ta cũng sẽ hiểu và chấp nhận những khuyết điểm của người khác, từ đó khiến cho mối quan hệ giữa ta và người trở nên tốt đẹp hơn, xã hội văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người biết chấp nhận khuyết điểm của bản thân và cố gắng vươn lên để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực, nổi bật, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tự ti về chính mình, không chấp nhận bản thân, thậm chí là ghét bỏ chính mình. Lại có những người không cố gắng rèn luyện bản thân ngày càng tốt hơn mà buông thả, để cho khuyết điểm ngày càng nhiều che lấp đi phần tốt của mình,… Những người này thật đáng phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: không một ai là hoàn hảo cả; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

II. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả

1. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 1

“Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng chiếu vào”. Và con người chúng ta cũng vậy. Không ai hoàn hảo cả. Hoàn hảo – không một khuyết điểm, là điều không tưởng. Sống trong cuộc đời, ai cũng có lúc mắc sai lầm và có những điểm mạnh cũng như điểm yếu riêng. Chúng ta thường băn khoăn, trăn trở về những khiếm khuyết của mình và bị áp lực bởi những định kiến, chuẩn mực của xã hội xung quanh. Ta không nhận ra rằng điều ta cần làm là chấp nhận và đối mặt. Có thể, những thiếu sót ấy lại là một bài học giúp bạn trở thành một phiên bản tốt hơn của ngày hôm qua. Khi ta biết nhìn nhận đúng về bản thân, yêu thương chính mình thì tâm hồn ta sẽ an nhiên, thư thái. Chính sự “không hoàn hảo” ấy khiến cuộc sống trở nên đa dạng. Con người sống công bằng, bình đẳng và biết thông cảm, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Tự ti về chính mình, không chấp nhận bản thân hay không cố gắng rèn luyện bản thân,… đều là những lối sống không tốt. Điều quan trọng là đừng đánh mất bản thân, bởi chẳng có ai giúp được bạn nếu ngay cả bạn cũng phủ định chính mình!

2. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 2

“Vạn vật điều có vết nứt, đó là nơi ánh sáng chiếu vào”. Vậy nên, “Không có ai hoàn hảo cả” có lẽ chính là câu nói “hoàn hảo” nhất trên đời. Đầu tiên, cuộc sống là một vòng xoay bất tận với những biến thiên khó lường. Để có được thế giới này hôm nay, Trái Đất mà chúng ta đang sống cũng phải trải qua rất nhiều những thăng trầm. Chính vì thế, cuộc đời không bao giờ bằng phẳng mà luôn chứa đựng vô vàn khó khăn. Việc con người thất bại hay có khuyết điểm là một điều tất yếu. Nếu ta sống mà chưa từng thất bại hay nhận ra khuyết điểm của bản thân thì có lẽ, ta chưa thực sự “sống” mà chỉ tồn tại. Thứ hai, “hoàn hảo” vốn dĩ cũng là một khái niệm có tính thời điểm. Tiêu chuẩn về cái đẹp, về sự thông minh hay hạnh phúc cũng thay đổi theo từng thời đại, từng vùng đất khác nhau. Thậm chí, cá nhân mỗi người cũng có những tiêu chuẩn riêng cho mình. Ý thức được rằng không ai là hoàn hảo sẽ giúp chúng ta được sống an nhiên, không gặp phải áp lực vì phải chạy theo những khuôn mẫu gò bó. Không chỉ vậy, nó còn khiến ta có thái độ sống tích cực, biết bao dung với mọi người xung quanh. Cuối cùng, có lẽ điều ý nghĩa nhất mà những khuyết điểm, thất bại mang lại cho ta nằm ở việc khiến mỗi người không ngừng phấn đấu. Dù không thể trở nên “Mười phân vẹn mười” nhưng chúng ta sẽ ngày một tiến bộ, cải thiện bản thân. Hãy cống hiến bản thân hết mình cho những đam mê, dám sống, dám thất bại, dám yêu lấy những điều khiếm khuyết và trở thành phiên bản đẹp nhất của chính mình!

3. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 3

Đã bao lần bạn cố gắng đổ lỗi cho tất cả mọi người... về những khiếm khuyết của bản thân, trong khi thực tế bạn không đủ can đảm để đối mặt? Để hoàn thành mục tiêu không cần thiết bạn phải "chinh phục thế giới" và cố gắng bằng mọi cách để hơn người. Tất cả những gì chúng ta cần làm là làm chủ bản thân, làm việc hết mình và hoàn thiện bản thân bằng cách khắc phục những điểm yếu.

Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những người từng trải. Đôi khi bạn thấy mình được an ủi hơn khi biết những trưởng nhóm, lãnh đạo, những người nổi tiếng đã từng như mình khi phải vượt qua những trở ngại cá nhân và đấu tranh để đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân.

Một ví dụ điển hình cho những con người dám mạo hiểu, dám đối mặt với những khiếm khuyết của bản thân mình để tiến tới thành công là Richard Branson – một trong 4 doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Do bị một vài khiếm khuyết bẩm sinh như chứng khó đọc (dyslexia)… nên việc tiếp thu kiến thức của tỷ phú sáng lập ra tập đoàn Virgin chậm và kết quả học tập luôn thua kém chúng bạn. Rất có thể vì điểm yếu này mà ông sẽ gục ngã và bỏ cuộc, tuy nhiên ông vẫn kiên trì đến cùng để tự cải thiện bản thân và có được thành công như ngày hôm nay.

Có lẽ với bất cứ doanh nhân nào thì khởi nghiệp luôn là giai đoạn khó khăn nhất vì chính sự thiếu kinh nghiệm là rào cản trên con đường đi đến thành công. Công việc kinh doanh đầu tiên của Richard Branson là làm chủ bút cho một tạp chí dành cho sinh viên. Tuy nhiên, ông lại chẳng hề có nhiều kinh nghiệm trong ngành xuất bản. Thay vì để sự thiếu kinh nghiệm đánh gục ông càng chú tâm hơn vào mục tiêu, không ngừng học hỏi và cải thiện bản thân.

Đừng sợ hãi trước những điều mới mẻ, hãy nhớ rằng giấc mơ được thực hiện bằng hành động. Nếu bạn không đặt ra những mục tiêu dài hạn thì bạn chẳng bao giờ có thể biết bản thân mình có thể tiến được bao xa. Do đó, trước khi từ bỏ hãy mơ những giấc mơ lớn.

Richard Branson đã sớm nhận ra chúng ta không hề đơn độc và để có được thành công không nhất thiết bạn phải tự mình làm tất cả. Để đạt được mục tiêu bạn chỉ cần tập trung vào thế mạnh của mình thôi, phần còn lại dành cho những trợ thủ đắc lực của bạn.

Do kỹ năng máy tính của mình không tốt, Branson nhờ đến các chuyên gia trong lịch vực này và lập lên một đội tuyệt vời. Điều này sẽ giúp bạn tránh mất nhiều thời gian và không mặc cảm xấu hổ về những điểm yếu của mình.

Một lý do khác khiến con người ta không dám sống với tiềm năng vốn có của mình là họ không có khả năng tạo nên điều khác biệt trong nền giáo dục chính quy. Sau khi bỏ học, ông nhận ra bản thân mình cảm thấy không thoải khi phải tuân theo quy tắc của người khác, vì vậy ông tạo ra nguyên tắc riêng của mình. Richard Branson đủ dũng cảm để theo đuổi niềm đam mê của mình và tìm thấy được điều ông thấy ý nghĩa.

Câu chuyện cụ thể từ cuộc đời Branson có lẽ là một trong những ví dụ điển hình và mạnh mẽ nhất khi nói đến những con người thành công nếu hiểu rõ điểm yếu của chính mình và quyết tâm biến chúng thành sức mạnh. Vì vậy, để thực sự sống với giấc mơ của mình, bạn phải biết cách nắm bắt điểm yếu và biến chúng thành tài sản mạnh nhất của bạn.

Nếu những thách thức được liệt kê ở trên là chưa đủ thì, Branson đã phải đấu tranh với chứng khó đọc và có lẽ cũng một phần bởi khiếm khuyết này mà ông đã phải bỏ học. Tuy nhiên, một lần nữa, ông đã vượt lên trên bằng cách biến điểm yếu này thành lợi thế.

Branson bắt đầu luyện khả năng nghe của mình và chính điều này góp phần không nhỏ cho sự nghiệp thành công của ông. Thứ nhất, khả năng này đã cho ông cơ hội để thực sự biết lắng nghe nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, ông đã học bí quyết làm sao để phân tích các thông tin nhận được từ những người khác không những coi đó là những lời khuyên mà còn là những bài học hữu ích.

Khi nhắc đến sự nghiệp của những người thành công chúng ta luôn có xu hướng chỉ biết tập trung đến thành quả họ có được sau mỗi nỗ lực, đấu tranh mà quên đi những thất bại họ đã gặp phải. Đó là lý do tại sao rất nhiều người trong chúng ta từ bỏ cố gắng sau khi nếm trải cảm giác thất bại. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thất bại là mẹ đẻ của thành công như hành trình mà Branson đã trải qua để có được thành công.

Richard Branson đã sớm nhận ra rằng thất bại là một phần của hành trình đi đến thành công và chúng ta cần học hỏi để phát triển bản thân và khiến mình mạnh mẽ hơn. Theo Branson, hãy học cách kết hợp công việc và niềm vui thích để cuộc sống trở nên thú vị và bớt căng thẳng hơn. Và bí quyết đó là theo đuổi nghề nghiệp mà mình đam mê. Thành công là một quá trình rèn luyện có chủ ý, sự chăm chỉ và táo bạo đi theo khao khát của bản thân.

Đừng sợ hãi trước những thứ mới mẻ, khó khăn mà bản thân không thực hiện được, ai cũng có khuyết điểm, người thành công là người biết sử dụng nó làm bàn đạp cho một tương lai tươi sáng.

4. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 4

Thế giới con người thật phức tạp đa dạng muôn màu sắc, một bản thể con người là một thế giới nhỏ khác nhau và họ tụ hợp lại sinh tồn trên một bầu trời rộng lớn, có bản thể thành công rực rỡ trên vòng danh lợi, được người đời yêu mến, lại cũng có hàng tỉ tỉ nhưng bản thể sống trong bơ vơ cù bấp, bữa no bữa đói, nhưng tuyệt nhiên trong số đó có hàng tá người có đầy ước mơ hoài bão một đức tính tốt đẹp đáng trân trọng.

Trong một xã hội mà nếu không biết vươn dậy bạn sẽ đẩy lùi phía sau rất nhanh, bởi vậy ai ai cũng phải chạy đua, nỗ lực về đích thành công, cơ hồ trên đoạn đường nảy sinh bùng phát nhiều điều trải nghiệm mà mỗi một bản thể ai cũng sẽ trải qua dù ít hay nhiều.

Sự im lặng giữa hai con người cùng sinh tồn trong một không gian gần là điều đáng sợ nhất trong cuộc sống, cứ thử tưởng tượng nếu là trẻ con thời xưa giận dỗi nhau vì tranh giành kẹo bánh thì tỏ ra mặt "tao ghét mầy, bùm mầy ra, không chơi với mầy nữa đâu", khi trưởng thành sự ghét nhau ấy đã chuyển hóa thành một thứ đáng sợ hơn đó là sự im lặng, căn phòng vắng tiếng động, im lìm cục nịch, hóa ra một bản thể chỉ coi một bản thể khác như người vô hình.

Sự dung hợp giữa hai con người đã khó, nếu không nói đến việc dung hòa với tất thảy bản thể con người cùng sinh tồn, ấy vậy đâu có ai là hoàn hảo đến mức được lòng tất cả, có người này thì cũng có người nọ, chơi với nhau thì cũng chỉ biết kiếm lấy một đứa cho thật hợp tính tình hẳn thôi, nhưng tìm thấy rồi cũng chưa hẳn là không va chạm, có người thích cái này có kẻ ghét điều kia, đâu ai là bản sao hoàn toàn của một ai.

Sự giận dỗi, ghét nhau, đố kị, ganh đua, lợi dụng không phải xuất phát từ bản tính sẵn có mà đó là do chính môi trường con người tác động, vì đã là do điều kiện trường tồn thì điều đó cũng dễ dàng thay đổi, khi va vào môi trường mới hay vấp phải ngưỡng cửa buộc tự ý thức đó là xấu, con người sẽ hoàn thiện bản thân hơn.

Đường đời dạy cho ta nhiều điều, dù rằng trong cuộc chạy đua khốc liệt, nhưng con người hãy sống thật với chính bản thân, biết nghĩ cho mọi người là điều quí giá nhất, ai cũng có một lỗi lầm hay một bản tính xấu có khi tiềm ẩn đến một lúc mới phát hiện ra có khi lộ tẩy ngay ngày đầu tiên, nhưng không ai xấu hoàn toàn cũng như chẳng ai tốt đẹp hoàn hảo, có thể đứng dậy từ những sửa chữa và biết lắng nghe khi mọi người đàm tiếu cố thay đổi để được lòng nhau đó là điều ai cũng cần phấn đấu.

Lời ăn tiếng nói là con dao dập tắt một con người hoàn hảo nhanh nhất, bởi vậy khi đã trải nghiệm một ít sự việc ta sẽ suy nghĩ nhiều đến việc cẩn trọng khi phát ngôn, biết nhìn nhận vấn đề và suy nghĩ trước khi nói về một điều gì đó, cũng nên từ bỏ thói quen phán xét người khác, cũng nên tập cách sống phớt lờ, bỏ ngoài tai những lời thị phi chỉ vì ghen ghét nhau.

Một bản thể hoàn hảo toàn vẹn ai cũng muốn sỡ hữu, có ai mà không thích được khen, có ai không thích được đa số mọi người quen biết trân trọng yêu mến và kính nể thật lòng. Hãy cứ va chạm, hãy cứ cọ xát, hãy cứ bị thương rồi chúng ta sẽ trưởng thành hơn, thế giới này không ai là không có lỗi sai, không ai bước đi mà không vướng vấp đôi chỗ, vì vậy hãy cứ sống vị tha, bao dung, hào phóng rộng lượng cho người khác rồi người khác cũng sẽ đối xử như thế với mình thôi mà.

5. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 5

Mỗi người trong chúng ta đều có một bản sắc và một cá tính riêng, và không ai hoàn hảo hoàn toàn. “Thậm chí khi bạn không hoàn hảo, bạn vẫn là một phiên bản giới hạn” là một quan điểm tích cực và khích lệ có thể giúp các cá nhân vượt qua áp lực hoàn thiện và chấp nhận sự không hoàn hảo của mình. Trong xã hội hiện nay, áp lực để hoàn hảo trong mọi khía cạnh của cuộc sống có thể gây áp lực quá mức và dẫn đến cảm giác thất bại và không an toàn. Việc chấp nhận sự không hoàn hảo và giới hạn của chúng ta có thể giúp chúng ta đánh giá cao tính độc nhất và tập trung vào điểm mạnh của mình.

Tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và điểm yếu, và đó cũng là điều làm cho chúng ta trở nên đặc biệt. Thậm chí, việc chấp nhận điểm yếu của mình có thể giúp chúng ta phát triển và trưởng thành hơn. Khi chúng ta biết rằng mình không hoàn hảo và chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ không bị áp lực và lo lắng quá nhiều về việc phải đạt được tiêu chuẩn cao. Thay vào đó, chúng ta có thể tập trung vào những điểm mạnh của mình và cố gắng phát triển chúng. Nếu ai ai cũng hoàn hảo, thế giới sẽ trở nên nhạt nhẽo và đơn điệu. Sự khác biệt và sự không hoàn hảo của chúng ta làm cho chúng ta độc nhất và đặc biệt. Thật tuyệt vời khi chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, học hỏi lẫn nhau và cùng hợp tác với nhau để đạt được các mục tiêu chung. Chấp nhận sự không hoàn hảo của chúng ta có thể dẫn đến cuộc sống hạnh phúc hơn. Khi chúng ta ngừng cố gắng hoàn hảo và chấp nhận giới hạn của mình, chúng ta có thể buông bỏ nỗi sợ thất bại và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể đánh giá cao những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và tìm thấy niềm vui trong những thành tựu của chúng ta, dù nhỏ hay lớn. Và việc mỗi cá nhân chấp nhận sự không hoàn hảo của chúng ta không có nghĩa là chúng ta ngừng cố gắng đạt tới sự xuất sắc, mà chúng ta phải có nhận thức giới hạn của mình và cố gắng cải thiện bản thân mình một cách tử tế và thông cảm. Chúng ta cần hưởng thụ tính độc nhất vô nhị của mình, tôn trọng sự khác biệt và đánh giá cao hành trình phát triển cá nhân.

Và ngày nay, có rất nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã có những khuyết điểm nhưng vẫn được yêu mến và được coi là một phiên bản giới hạn độc đáo. Như nhạc sĩ Beethoven bị điếc và có những trục trặc về sức khỏe tâm thần nhưng ông vẫn được coi là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, chúng ta có thể tập trung vào việc học tập và phát triển để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Chúng ta có thể tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình để phát triển những kỹ năng mới và trở thành một phiên bản giới hạn độc đáo.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số người có thể phản đối quan điểm rằng “Thậm chí khi bạn không hoàn hảo, bạn vẫn là một phiên bản giới hạn”. Họ có thể cho rằng nó là một lời khuyên quá đơn giản và thiếu thực tế, và không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Với họ quan điểm này thiếu tính khách quan và khuyến khích sự tự hào và tự ca ngợi quá mức. Chúng ta cần nhớ rằng không chỉ chúng ta mà ai cũng đều là phiên bản giới hạn, không hoàn hảo. Việc chấp nhận sai sót không nên được coi là sự đánh giá thấp vai trò và đóng góp của người khác.

Quan điểm “Thậm chí khi bạn không hoàn hảo, bạn vẫn là một phiên bản giới hạn” nhấn mạnh rằng mỗi người đều có những hạn chế và không thể hoàn hảo trong mọi mặt của cuộc sống. Nó khuyến khích sự đa dạng và cá nhân hóa, vì nếu tất cả mọi người đều hoàn hảo thì thế giới sẽ trở nên nhàm chán và đơn điệu. Qua đó, quan điểm này khuyến khích ta đón nhận cuộc sống và tận hưởng từng khoảnh khắc, đồng thời động viên ta tiếp tục phấn đấu vươn tới sự hoàn thiện trong cuộc sống mà không cần phải bị áp lực bởi chuẩn mực hoàn hảo không thực tế.

6. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 6

Con người sinh ra không có ai là hoàn hảo, có người tài giỏi, có người kém hơn nhưng ai cũng có trong mình những giá trị bản thân cần được tôn trọng. Giá trị bản thân dù lớn lao hay nhỏ bé thì nó cũng là yếu tố cốt lõi tạo nên con người bạn, không lẫn với bất kì một ai. Và chúng ta, ai cũng cần tự tin và tôn trọng chính bản thân mình cũng như tôn trọng những người xung quanh dù họ có là ai đi nữa.

Có một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận rằng, con người ai cũng có khuyết điểm, chẳng có ai là tốt đẹp về mọi mặt, được cái này thì mất cái kia, đó là quy luật của cuộc sống không ai có thể phủ nhận. Vậy nên chúng ta không được mặc cảm khi bản thân mình không phải là một người tài giỏi, vĩ đại. Chúng ta có thể không xinh đẹp nhưng ta lại là một đứa con ngoan, ta có thể không hát hay nhưng ta lại nấu ăn giỏi, cũng có thể ta không học giỏi nhưng ta là chịu khó, siêng năng…

Ai cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng, hiểu được điều này, con người sẽ thêm tự tin hơn về bản thân mình cũng như nhìn người khác bằng ánh mắt tôn trọng, dù họ có nhiều khuyết điểm cũng không được phép chê bai, khinh thường. Vì chúng ta biết rằng, dù là ai, dù lớn lao hay nhỏ bé cũng đều có những giá trị riêng của bản thân để ta tôn trọng họ hơn. Ta sẽ thấy được những điểm giống nhau của một danh nhân tài ba với một cậu bé bán vé số hay một bà thím bán cá ở chợ. Mỗi người một nghề nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều có chung giá trị của bản thân mình để ai cũng phải tôn trọng, ai cũng phải công nhận.

Trong cuộc sống, con người luôn sống trong những câu hỏi về giá trị của chính mình. Hàng loạt những câu hỏi luôn được đặt ra như; Mình đang đứng ở vị trí nào? Mình là người như thế nào trong mắt mọi người? Hay phải làm sao để nhận được sự tôn trọng của những người xung quanh? Chúng ta cứ sống và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Hiểu và tìm kiếm giá trị bản thân là nhu cầu chính đáng của con người bởi vì “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”, nhưng mỗi người lại có cách nhìn nhận khác nhau. Có những người tự tin thái quá, luôn đề cao bản thân mình, họ cho rằng họ luôn là nhất, nếu họ đứng thứ hai thì cũng chẳng có ai đứng ở vị trí số một.

Chính vì tự tin thái quá và tự phụ nên họ có cái nhìn không đúng về giá trị của những người xung quanh. Vì họ cho rằng mình là nhất nên họ thường coi thường người khác, cho rằng suy nghĩ hay hành động của mình đều là đúng và buộc người khác phải nghe theo. Họ tự phụ không nghe bất cứ ai, luôn làm theo ý mình, không có sự phối kết hợp với người khác. Ngược lại có những người lại vô cùng tự ti với chính bản thân họ. Họ luôn cảm giác mình là người kém cỏi, không làm được trò trống gì. Chính sự tự ti đã làm cho họ trở nên rụt rè, không dám khẳng định cái tôi.

Có những người, họ có thể làm được nhưng họ lại sợ hãi, lo lắng rằng mình không thể cho nên nhiều tài năng của họ luôn bị chôn vùi. Có những người họ thừa sức để làm được nhưng vì mặc cảm, tự ti nên họ chỉ biết im lặng và đứng nhìn người khác. Và cứ thế, họ dần dần chôn giấu giá trị của chính mình, khép mình vào cái vỏ do họ tự tạo nên. Mỗi người có một cách nhìn nhận, một cách thể hiện khác nhau về giá trị của bản thân. Dù là ai thì cũng nên bộc lộ hết khả năng của mình, đúng thì mọi người tán dương, sai thì sửa chữa để rút ra kinh nghiệm. Dù có thế nào thì cũng hãy sống hết mình.

Giá trị bản thân không nằm ở việc bạn làm gì, có chức tước gì hay là kiếm được bao nhiêu tiền, nó cũng không nằm ở một kết quả nhất thời mà chính quá trình ta chinh phục cái đích mới là sự thể hiện rõ ràng nhất của giá trị con người. Có những người sinh ra không có trí thông minh cực đỉnh nhưng suốt quãng đường học tập họ luôn chăm chỉ, chịu khó vươn lên. Chính sự miệt mài không quản khó khăn đã để lại trong lòng người khác một sự kính nể và tôn trọng. Có những người, làm chức to, ông này bà kia nhưng lại không nhận được sự tôn trọng của người khác. Bởi vì sao? Chức tước đó là do họ mua chuộc bằng tình, bằng tiền và do những mối quan hệ không sòng phẳng. Thực chất thì họ không có đủ khả năng và trí tuệ để có thể làm được công việc đó. Ở một địa vị cao sang nhưng không thanh liêm thì người khác cũng nhìn vào bằng con mắt khinh thường, chế giễu.

Giá trị của bản thân được gây dựng bằng chính đôi bàn tay của chủ thể. Chẳng ai quan tâm bạn bắt đầu, xuất phát ở chỗ nào và cái đích bạn đạt được có cao hay không, chỉ cần quá trình bạn đi đến mục đích nó được xây dựng trên chính nỗ lực và ý chí của bạn. Con đường đi đến thành công chưa bao giờ là bằng phẳng và dễ dàng, nó đầy rẫy những gian nan và thử thách. Chính quá trình vượt qua khó khăn ấy con người mới bộc lộ phẩm chất và giá trị bản thân mình. Đừng đánh giá một ai đó qua cái nhìn mà bạn thấy trước mắt, hãy suy xét thật kĩ lưỡng thực chất bên trong của chúng, bởi vì giá trị sẽ chẳng bao giờ là kết quả ở một thời điểm nhất định, nó là cả một quá trình, một con đường dài mà con người phải trải qua bằng chính sức lực và đôi chân của mình.

Hiểu được giá trị bản thân, chúng ta phải không ngừng cố gắng học tập để hoàn thiện mình. Biết nhìn nhận đúng đắn về vị trí của mình, không nên quá tự tin nhưng cũng đừng quá tự ti. Hãy sống bằng chính con người bạn, đừng sống vì người khác cũng đừng cố làm hài lòng tất cả mọi người, đó là điều không thể và cũng không cần thiết. Chỉ cần ta sống chân thành và hài lòng về bản thân, như vậy là đủ rồi.

7. Nghị luận xã hội Không có ai là hoàn hảo cả - Mẫu 7

Thế giới của con người là một cuộc phiêu lưu động đa dạng, nơi mỗi bản thể con người tồn tại như một thế giới nhỏ riêng biệt. Chúng ta tụ hợp lại trên bầu trời rộng lớn của cuộc sống, với những bản thể thành công nổi bật trên đỉnh danh lợi, được người khác yêu mến. Nhưng đồng thời, cũng có hàng tỉ bản thể sống trong bơ vơ, đối mặt với đói no, bất hạnh. Tuy nhiên, trong số đó, có những người đầy ước mơ và hoài bão, đại diện cho những giá trị đáng trân trọng.

Trong xã hội nơi mà không biết vươn lên có thể dẫn đến tụt lại, mọi người đều phải chạy đua, nỗ lực vượt qua nhằm đạt được thành công. Trên đoạn đường này, mỗi bản thể sẽ trải qua nhiều trải nghiệm, từ ít đến nhiều.

Sự im lặng giữa hai bản thể sống chung trong cùng một không gian là một nỗi sợ hãi lớn trong cuộc sống. Hình dung nếu như trẻ con tranh giành kẹo bánh và sau đó biến thành sự im lặng, căn phòng trở nên tĩnh lặng, chỉ tạo ra sự hững hờ, thì đó là một biến đổi đáng sợ. Một bản thể coi bản thể khác như người vô hình là điều đáng lo ngại.

Sự kết hợp giữa hai bản thể không dễ dàng, và thậm chí nếu không phải là sự hòa hợp với tất cả bản thể sống chung, không có ai là hoàn hảo đến mức làm hài lòng tất cả. Có người yêu mến, cũng có người không hài lòng, trong mối quan hệ, việc chọn lựa người hợp tính trở nên quan trọng, nhưng ngay cả khi đã tìm thấy, vẫn có thể có va chạm, có người thích điều này, có kẻ không ưa điều kia, mỗi người đều độc lập và không ai giống hệt ai.

Những cảm xúc như tức giận, sự ghen tỵ, ganh đua, hay lợi dụng không phải là do bản chất mà là do tác động của môi trường con người. Điều kiện sinh tồn là yếu tố quyết định, và nó có thể thay đổi khi chúng ta tiếp xúc với môi trường mới, đối mặt với thách thức mới. Việc nhận ra xấu và sửa chữa bản thân là điều có thể dễ dàng thay đổi khi bước vào một môi trường mới.

Đường đời là một giáo viên tận tâm, những trải nghiệm trên đoạn đường chạy đua, mặc dù khó khăn, nhưng con người hãy sống trung thực với bản thân, biết đặt mình vào vị trí của người khác, và học cách từ bỏ thói quen phê phán. Mỗi người đều có lỗi lầm hay bản tính xấu, nhưng không ai hoàn toàn xấu, cũng chẳng ai hoàn hảo. Sẵn sàng học từ sửa chữa, lắng nghe ý kiến của người khác và thay đổi để được lòng mọi người là chìa khóa cho sự phát triển bản thân.

Lời nói có thể gây tổn thương nhanh chóng, vì vậy hãy cẩn trọng khi diễn đạt ý kiến, học cách nhìn nhận vấn đề và suy nghĩ trước khi nói. Hãy từ bỏ thói quen phê phán, sống phớt lờ, và không để ý đến những lời thị phi ghen ghét. Một bản thể hoàn hảo không tồn tại, nhưng sẵn sàng sống vị tha, bao dung, và hào phóng sẽ thuận lợi hơn trong cuộc sống.

Mọi người đều khao khát sở hữu một bản thể hoàn hảo, được khen ngợi và được đánh giá cao. Hãy chấp nhận va chạm, cọ xát, và thậm chí cả những vết thương, vì chúng ta sẽ trưởng thành từ những thử thách đó. Thế giới không ai là không mắc sai lầm, không va chạm, vì vậy hãy sống với lòng vị tha, bao dung, và hào phóng, và người khác cũng sẽ đối xử như thế với chúng ta.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội bàn về quan điểm Không có ai là hoàn hảo cả. Bài viết được tổng hợp gồm có dàn ý và các bài văn mẫu nghị luận xã hội bàn về quan điểm Không có ai là hoàn hảo cả. Mong rằng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm Soạn văn 12, Văn mẫu 12...

Đánh giá bài viết
19 29.938
Sắp xếp theo

Ngữ văn lớp 12

Xem thêm