Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử

Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử

Dàn ý Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 1

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: văn hóa ứng xử.

Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

“Văn hóa ứng xử” là cách mỗi con người hành động, đối đãi, cư xử với người khác. Thông qua những hành động đó, người khác có thể hiểu, phán đoán và đánh giá được chúng ta là người như thế nào.

b. Phân tích

Mỗi con người có tính cách, suy nghĩ và tư duy khác nhau. Cách họ cư xử ra bên ngoài giúp chúng rút ra được bài học cho bản thân để hoàn thiện mình.

Nhân cách và cách ứng xử là thước đo chính xác nhất giá trị của mỗi con người.

Việc cư xử đúng mực với những người xung quanh không chỉ giúp cho ta được mọi người yêu thương, tôn trọng, học tập mà còn khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người biết cư xử, đối nhân xử thế để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội còn có nhiều người chưa biết cách cư xử đúng mực với những người xung quanh, đôi lúc là có những hành động thô lỗ. Lại có những người chưa có ý thức đúng đắn về cách đối nhân xử thế,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán.

3. Kết bài

Khái quát vấn đề nghị luận: văn hóa ứng xử; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử

Dàn ý Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 2

I, Mở bài

Giới thiệu vấn đề, nêu tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay.

“Ứng xử” vốn được coi như một tiêu chuẩn, một thước đo để khẳng định kiến thức của con người. Đối với nhiều người hiện nay, chỉ cần qua cách ứng xử thôi là có thể biết được tính cách cũng như học thức của người đối diện như nào.

II. Thân bài:

- Giải thích ứng xử là gì?

Ứng xử được hiểu là một biểu hiện của giao tiếp, chính là cách mà con người phản ứng lại trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định. Ứng xử còn được thể hiện cụ thể qua thái độ, hành động, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người với cá nhân, tập thể xung quanh.

- Ứng xử mang lại điều gì cho con người?

Một người có ứng xử tốt chắc chắn sẽ được nhiều người yêu quý, tôn trọng.

Và ngược lại, những kẻ nói tục chửi bậy, thô lỗ bất lịch sự,… có những hành vi ứng xử không tốt, tiêu cực sẽ bị xa lánh và ghét bỏ. Những người ứng xử kém không chỉ cho thấy rằng bản thân đang không tôn trọng người khác mà chính họ cũng đang không tôn trọng mình. Họ vô tình tạo nên một hình ảnh xấu trong mắt những người xung quanh.

Một học sinh ngoan ngoãn, vâng lời và luôn chào hỏi thầy cô sẽ được yêu quý hơn những học sinh ăn nói xấc xược, có thái độ vô lễ đúng không bạn?

Hay như trong các cuộc thi hoa hậu cũng vậy. Ở vòng chung kết bao giờ cũng sẽ có một câu hỏi về kiến thức xã hội để kiểm tra cách ứng xử của thí sinh dự thi. Người nào mà có câu trả lời thông minh, sắc bén sẽ luôn được lòng mọi người và ban giám khảo đánh giá cao và có khả năng trở thành hoa hậu cao hơn những thí sinh khác trong cùng một cuộc thi khi cơ hội của mọi người là như nhau.

- Ngay từ bây giờ trong mỗi chúng ta hãy có những hành động đúng mực, tập cho mình những hành vi, lối sống tích cực. Và hơn hết là điều đó sẽ giúp bạn có một lối sống ứng xử tốt.

“Chim khôn hót tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”

III. Kết luận

Ứng xử thể hiện trí tuệ và nhân cách của một con người. Vì vậy, có thể nói rằng ứng xử chính là chiếc chìa khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, hòa đồng với những con người có hiểu biết, văn minh, lịch sự.

II. Văn mẫu Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 1

Mỗi con người có những tính cách, màu sắc khác nhau và cách chúng ta thể hiện hành động ra bên ngoài phản ánh những tính cách đó. Lâu dần, những cách ứng xử giữa người với người trở thành văn hóa ứng xử trong cộng đồng. “Cách ứng xử” là cách mỗi con người hành động, đối đãi, cư xử với người khác. Nó nói lên suy nghĩ, tính cách, phẩm hạnh của chính mình giống như một tấm gương phản chiếu. Thông qua những hành động đó, người khác có thể hiểu, phán đoán và đánh giá được chúng ta là người như thế nào. Nhân cách và cách ứng xử là thước đo chính xác nhất giá trị của mỗi con người. Mỗi con người có tính cách, suy nghĩ và tư duy khác nhau. Cách họ cư xử ra bên ngoài giúp chúng ta đánh giá, nhận xét được người đó, từ những điều “chưa hài lòng” về cách ứng xử của họ, chúng ta có thể tự rút ra được bài học cho bản thân để hoàn thiện mình. Mỗi hành động, cách ứng xử của người khác mang đến cho chúng ta những bài học khác nhau: hành động đẹp giúp chúng ta có thêm bài học, hành động chưa đẹp giúp ta rút kinh nghiệm. Một trong những tấm gương về nhân cách sáng rọi nhất không thể không nhắc đến là chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Người tồn tại những đức tính, suy nghĩ vô cùng tốt đẹp phản ánh nhân cách cao cả của Người từ những hành động nhỏ nhất, cách Người đối đãi với trẻ em, cụ già, chiến sĩ… Người vĩnh viễn là tấm gương sáng soi để nhiều thế hệ học tập và noi theo. Mỗi chúng ta hãy trau chuốt cho bản thân không chỉ có ngoại hình đẹp trước tấm gương ở nhà mà có cả một tâm hồn, một nhân cách đẹp đẽ để những người khác nhìn vào đó học tập. Để làm được điều này đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rèn luyện bản thân, trau dồi kiến thức, không ngừng học tập, vươn lên. Mỗi người thay đổi một hành động nhỏ dẫn đến kết quả lớn, chúng ta hãy cư xử một cách văn minh, nhã nhặn với mọi người ngay từ hôm nay.

Nghị luận về văn hóa ứng xử mẫu 2

Trong cuộc sống, mỗi người giao tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau như ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, hay thậm chí chỉ là ánh mắt không lời. Chính vì thế từ lâu trong xã hội đã hình thành nền văn hóa ứng xử như một cách làm cho mọi người có thể cư xử có chừng mực với nhau hơn.

Văn hóa ứng xử là nét đẹp văn hóa của mỗi người cần được phát huy và rèn luyện thường xuyên. Đó thực ra chỉ là những hành vi nhỏ nhặt trong việc giao tiếp nhưng lại có vai trò quan trọng đối với đối phương và giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Văn hóa ứng xử được hiểu là cách cư xử, giao tiếp, trò chuyện, trao đổi với nhau bằng những hành động rất đời thường hằng ngày. Tuy nhiên đối phương có thể nhìn vào đó để đánh giá được con người bạn như thế nào.

Từ việc xây dựng cho mình một thói quen ứng xử có chừng mực hằng ngày thì bạn sẽ rèn luyện được tính cách cho bản thân mình. Bạn đang tự xây dựng hình tượng của bản thân mình từ chính những hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt đó.

Một người cư xử đúng mực luôn được yêu quý và tôn trọng, vì hành động cũng như lời nói của họ tạo nên sự thoải mái và nhã nhặn khiến đối phương hài lòng. Trong cuộc sống, chúng ta gặp gỡ rất nhiều người ở nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể chúng ta chưa hiểu họ là người như thế nào nhưng trước hết hãy tỏ ra là người lịch sự, biết quan tâm, lắng nghe những gì người khác nói. Đây chính là ấn tượng ban đầu mà bạn tạo ra cho mình và cho người khác. Bạn sẽ nhận lại được rất nhiều từ lối sống có văn hóa này.

Khi chúng ta trò chuyện, cư xử có chừng mực với đối phương thì chắc chắn họ sẽ có suy nghĩ tích cực về bạn và bắt đầu có những ấn tượng tốt.

Cư xử có văn hóa sẽ khiến bạn trở thành một người được yêu quý trong xã hội và có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Vậy tại sao bạn không rèn luyện thói quen này hằng ngày để thấy được hiệu quả của nó.

Bên cạnh những người cư xử có văn hóa thì vẫn còn tồn tại rất nhiều người không biết cư xử. Phần đông số người này ở tầng lớp thanh thiếu niên. Khi nói chuyện với người lớn thì cộc lốc, trống không, không biết thưa gửi. Điều này không những gây nên sự phản cảm khi trò chuyện mà còn khiến cho đối phương cảm thấy không hài lòng. Khi càng duy trì thói quen xấu này thì chắc chắn bạn đang biến mình thành một con người không có giáo dục. Đơn giản chỉ là lời chào, lời cảm ơn nhưng đối với họ lại quá khó khăn.

Bản thân những học sinh hiện nay đang ngồi trên ghế nhà trường thì hãy cố gắng là con ngoan trò giỏi, lắng nghe và lễ phép với cha mẹ, thầy cô giáo. Cư xử đúng mực, biết nhận sai khi mắc lỗi cũng là cách cư xử có văn hóa mà học sinh cần phát huy.

Cư xử có văn hóa hiện nay sẽ khiến cho mỗi chúng ta ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn và giúp cho bạn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống.

Nghị luận về văn hóa ứng xử mẫu 3

Ngày nay thì có lẽ chưa bao giờ cụm từ “văn hóa ứng xử” lại được nhắc nhiều như ngày nay. Và điều đó như đã cho ta thấy rằng tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong cuộc sống cũng như sự xuống cấp và quả thật rất đáng báo động của nó đang đặt ra khiến không ít người trong chúng ta phải giật mình nhìn lại về văn hóa ứng xử của chính mình.

Văn hóa được hiểu là tổng hòa các giá trị, các giá trị tư tưởng được hệ thống lại bởi các hoạt động trong quá khứ cũng như trong hiện tại của cá nhân này với cá nhân khác, của cá nhân này với tập thể, cộng đồng. Và ngay cả qua các hoạt động sáng tạo ấy, thì dường như các thế hệ tiếp nối nhau dường như cũng đã hình thành nên những quy chuẩn, những giá trị thước đo, những khuôn mẫu chuẩn mực. Có thể nói những cái riêng biệt, độc đáo của một cộng đồng, một dân tộc. Và còn như sự ứng xử có thể hiểu đơn giản là cách mình đối đáp, đáp trả với người khác khi mà người đó đang tác động đến ta. Tóm lại ta như thấy chính cách ứng xử được thể hiện rõ rệt qua thái độ, hành vi, lời nói, cử chỉ của mình là cách mà người khác đang nhìn nhận hay cũng như đang nhận xét về tính cách, nhân cách của ta. Nói tóm lại văn hóa ứng xử là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, và cả giữa con người với tất cả những gì xung quanh chúng ta. Đó chính là sự bao gồm tất cả như cây cỏ hoa lá, bao gồm cả các loài vật hay đó chính là mẹ thiên nhiên sản sinh ra vậy.

Ta có thể thấy những nét văn hóa ứng xử là nơi để chúng ta cho mọi người được thấy về con người. Và chính cá tính nhân cách của chính bản thân mình, và nói rộng ra hơn nữa, thì những hành xử hay giao tiếp đó giúp ta như cũng đã thể hiện được tinh thần, ý chí con người của một dân tộc, một cộng đồng khác biệt không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc hay cộng đồng khác. Dường như mà đã gọi là văn hóa ứng xử thì đó phải là những ứng xử đẹp, đó chính là sự lịch sự, văn minh. Ví dụ như chúng ta nói chuyện phải nói nhỏ nhẹ, duyên dáng, có học thức. Và đó không phải mở miệng ra là chửi thề rồi chỉ trích, nói xấu người này, người kia, vứt rác thì phải vứt đúng nơi, đúng chỗ, chứ không thể bạ đâu vứt đó.

Trước hết chúng ta phải kể tới văn hóa ứng xử giữa người với người. Văn hóa này đã được dân tộc ta cũng như đã được hun đúc nên từ ngàn đời nay với những câu ca dao, tục ngữ như câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay cả câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Ăn phải nhai nói phải nghĩ”, “Uống nước nhớ nguồn”,… đó là văn hóa trọng tình, trọng nghĩa, văn hóa quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Và có thể nói chính những cái nôi đầu tiên mà chúng ta học cách ứng xử, giao tiếp với người khác đó chính là gia đình. Dường như ở đó, ngay từ thuở bé, chúng ta như cũng đã được ông bà, cha mẹ dạy cho khi gặp người lớn phải biết cười. Và có những hành động như vòng tay cúi đầu xuống và chào ông, chào bà, chào cô, chào chú, khi được người lớn cho quà phải biết giơ hai tay nhận lấy và nói lời cảm ơn, và còn là khi làm một việc gì đó sai trái phải biết vòng tay lại cúi đầu xin lỗi. Cho đến khi lớn hơn một chút, dường như chúng ta được dạy cách đi đâu phải thưa, về nhà phải gửi lời chào để người lớn trong nhà không phải lo lắng vì chúng ta. Có thể thấy trong một gia đình luôn ngập tràn yêu thương, tiếng cười và niềm vui là điểm tựa là vạch xuất phát tốt nhất để gieo mầm cho những thế hệ tiếp nối cách ứng xử văn minh, rất lịch sự, và lại có khuôn phép, lễ giáo.

Hiện nay thì đã có không ít các bạn học sinh, sinh viên trong chúng ta là những người đó. Các bạn chính vì quá mải mê hưởng thụ cuộc sống mà quên mất học tập, tích lũy tri thức, rèn luyện đạo đức. Khi các bạn về nhà không chịu học bài, làm bài tập, lên lớp thầy cô kiểm tra thì kiếm cách thoái thác, tìm lí do này lí do nọ, không được thì bảo ông thầy này ác, bà cô kia keo kiệt, và đằng sau lưng thì đi nói xấu đủ kiểu. Thật đau lòng vì còn đâu là truyền thống hiếu học “Tôn sư trọng đạo”, hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của người dân Việt ta truyền từ bao thế hệ nay.

Và tiếp đến là văn hóa ứng xử giữa con người và chính với môi trường xung quanh. Thường thường thì chúng ta vẫn hay nghĩ vì là con người với nhau có xúc giác, có cảm nhận, và có cả những nhận thức nên người ta lại như đã rất coi trọng trong việc ứng xử, giao tiếp lẫn nhau mà ít nhắc đến văn hóa ứng xử với môi trường xung quanh. Đó chính là một sự thiếu sót lớn bởi con người chúng ta không phải là sinh vật duy nhất sống trên Trái đất này. Cũng bởi vì vậy ứng xử sao cho hợp lẽ với môi trường xung quanh cũng là một lối sống đẹp như: bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, sống xanh. Bên cạnh những kẻ ích kỉ đó còn có những người đang ngày đêm không ngừng nghỉ và họ dường như cũng đã tìm mọi cách để bảo vệ môi trường, cải tạo môi trường. Đó là những cô chú công nhân dọn vệ sinh ngày đêm miệt mài cầm theo cây chổi dọn dẹp phố phường, những bạn tình nguyện viên xung phong đến những vùng sâu vùng xa, những nơi còn nghèo khó nhất để giúp bà con một tay xây cái trường, cái nhà để cho các em nhỏ có nơi vui chơi và học tập.

Văn hóa ứng xử luôn luôn được đề cao và đặc biệt coi trọng trong bất cứ thời đại nào, chính vì vậy bạn và tôi hãy rèn luyện cho mình những lối sống có văn hóa. Mỗi người có ý thức sẽ tạo lên được một xã hội có ý thức, xã hội có ý thức thì mới phát triển toàn diện về cả môi trường xã hội lành mạnh và môi trường tự nhiên trong sạch.

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 4

Trong cuộc sống, người sống với người bằng tình cảm, bằng lời nói ngọt ngào sẻ chia nhiều điều trong cuộc sống. Cách bạn nói, cách bạn thể hiện chính là văn hóa ứng xử. Ứng xử vốn được coi là tiêu chuẩn, một thước đo để khẳng định kiến thức của con người. Đối với nhiều người hiện nay chỉ cần qua cách ứng xử thôi là có thể biết được tính cách cũng như học thức của người đối diện như thế nào.

Vậy ứng xử là gì? Ứng xử được hiểu là một biểu hiện của giao tiếp, chính là cách mà con người phản ứng lại trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định. Ứng xử còn được thể hiện cụ thể qua thái độ, hành động và cử chỉ, cách nói năng của con người với cá nhân, tập thể xung quanh.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi là ứng xử mang lại điều gì cho họ. Tất nhiên rồi, một người ứng xử tốt, chắc chắn sẽ được nhiều người yêu quý, tôn trọng. Và điều ngược lại, những ai nói không văn hóa, nói tục chửi bậy, có những hành động thô lỗ vô văn hóa, đi ngược lại với các đạo lí của xã hội thì chắc chắn sẽ bị xa lánh và bị mọi người ghét bỏ. Những người có thái độ ứng xử không tốt vừa cho thấy họ đang không tôn trọng người xung quanh mình và đó cũng là không tôn trọng chính bản thân mình. Không phải cố ý, nhưng họ đang tạo ra một hình ảnh xấu trong lòng mọi người dù bản thân hoàn toàn không phải vậy.

Không thể chối cãi rằng, một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, chăm chỉ đến trường, chào thầy chào cô mọi lúc mọi nơi, chắc chắn sẽ được thầy cô yêu quý. Một học sinh láo nháo, mất dạy thì chẳng ai có thể yêu quý được cả, chỉ có bị ghét bỏ thành học sinh cá biệt mà thôi. Có thể bản thân của em không xấu, nhưng mà cách làm của em làm người khác không thiện cảm nên thành kẻ xấu.

Hay như trong cuộc thi hoa hậu, phải trải qua rất nhiều phần thi sắc đẹp, nhưng cuối cùng vẫn phải có vòng thi ứng xử để thử tài năng về học thức và thái độ sống, đẹp người và cần cả đẹp nết nữa. Cách ứng xử chính là đạo đức là cái nết của con người.

Giới trẻ hiện nay, cách ứng xử đang bị tha hóa dần dần. Hình như công nghệ quá phát triển nên con người sống với nhau bằng thế giới ảo. Thế giới mà ở đó, công nghệ lên ngôi. Nhắn tin nói chuyện qua facebook, hay zalo thì rất lịch sự, quan tâm từng việc một, quan tâm đến ngày sinh nhật các kiểu. Nhưng khi gặp ngoài đời thì một câu chào cũng không có. Trên mạng là một người vô cùng tử tế, gặp ở ngoài thì nói năng thô tục, hành động thì thô bạo không chấp nhận được. Đến cả việc nói chuyện với nhau cũng phải nhắn qua điện thoại, ngôn ngữ giao tiếp giảm dần, con người khó nói chuyện với nhau. Đặc biệt trong các nhà trường thì học sinh bỏ học, cãi thầy cô giáo quá nhiều. Con cãi cha mẹ không phải số lượng nhỏ, sự tôn trọng lẫn nhau ngày càng bị giảm sút đi rất nhiều.

Vì vậy, ngay từ bây giờ trong mỗi chúng ta hãy có những hành động đúng mực, tập cho mình những hành vi, lối sống tích cực. Và trên hết là điều đó sẽ giúp cho bạn có một lối sống ứng xử tốt.

Ứng xử thể hiện trí tuệ và nhân cách của một con người, xem người đó có văn hóa có học thức hay không đều chỉ cần thông qua cách ứng xử. Vì vậy, có thể nói rằng ứng xử chính là chiếc chìa khóa để chúng ta tiếp xúc với xã hội, hòa đồng với con người có hiểu biết, văn minh, lịch sự. Mỗi học sinh hãy chăm chỉ học hành thật tốt, ngoan ngoãn nghe lời thầy cô giáo của mình để có thể là người có nhiều thiện cảm trong lòng mọi người.

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 5

Trong giao tiếp, con người cần biết cách ứng xử. Đó là cách mà ta phản ứng trước các tình huống xảy đến trong cuộc sống. "Khéo ăn khéo nói có được thiên hạ", vậy nên việc ứng xử phù hợp sẽ giúp ích ta rất nhiều trong học tập, công việc. Ngoài ra, cách hành xử còn bộc lộ khả năng ứng biến, giải quyết tình huống của con người trong thực tiễn. Từ đó, cánh cửa của thành công sẽ được mở ra. Hơn nữa, khi biết ứng xử thông minh, ta sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng. Muốn đạt được những điều nói trên, mỗi người cần không ngừng rèn luyện bản thân. Đầu tiên, ta cần học kỹ năng quan sát và lắng nghe trong giao tiếp, từ đó hiểu được đối phương, biết điều chỉnh cuộc nói chuyện sao cho phù hợp. Tiếp theo, ta cũng cần tôn trọng người giao tiếp với mình, không nên áp đặt suy nghĩ của bản thân lên họ. Điều đó sẽ giúp ta tránh việc làm tổn thương, xúc phạm đối phương chỉ để thỏa mãn cảm xúc của bản thân. Mỗi người cần loại bỏ các hành vi mất lịch sự, thô lỗ trong giao tiếp, hành động. Để trở thành người ứng xử có văn hóa, chúng ta cần cố gắng rèn luyện, trau dồi bản thân mỗi ngày về cả tri thức và đạo đức.

Nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử mẫu 6

Từ xưa đến nay kho tàng văn học Việt Nam luôn có nhiều câu ca dao, tục ngữ, các bài học được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nói về văn hóa ứng xử, cách đối nhân xử thế giữa con người với con người. Vấn đề văn hóa ứng xử luôn là vấn đề thu hút được sự quan tâm đông đảo của toàn xã hội, đặc biệt là vấn đề văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay.

Để đi sâu vào vấn đề, hiểu rõ về vấn đề cần nghiên cứu thì chúng ta phải biết thế nào là văn hóa, thế nào là cách ứng xử? Có thể hiểu văn hóa là tổng hợp các giá trị, các tư tưởng được hệ thống lại bởi các hoạt động trong quá khứ, hiện tại của cá nhân này với cá nhân khác, của cá nhân này với tập thể với cộng đồng. Qua những hoạt động sáng tạo ấy, các thế hệ tiếp nối nhau đã hình thành nên những quy chuẩn, những giá trị thước đo, những khuôn mẫu chuẩn mực, những cái riêng biệt, độc đáo của một cộng đồng, một dân tộc. Còn ứng xử có thể nôm na là cách mình đối đáp, trả lời với người khác khi người đó đang tác động đến ta. Và cách ứng xử được thể hiện rõ qua thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói,… của mình là cách người khác đang nhìn nhận, đang nhận xét về tính cách, nhân cách của ta. Nói tóm lại văn hóa ứng xử là tổng hòa các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tất cả những gì xung quanh chúng ta bao gồm cây cỏ hoa lá, bao gồm cả các loài vật hay đó chính là mẹ thiên nhiên. Văn hóa ứng xử là nơi để chúng ta cho mọi người được thấy về con người, cá tính nhân cách của chính bản thân mình, và nói rộng ra hơn nữa, thì những hành xử hay giao tiếp đó giúp ta thể hiện được tinh thần, ý chí con người của một dân tộc, một cộng đồng khác biệt không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc hay cộng đồng khác. Đã gọi là văn hóa ứng xử thì đó phải là những ứng xử đẹp, lịch sự, văn minh. Ví như nói chuyện phải nói nhỏ nhẹ, duyên dáng, có học thức, chứ không phải mở miệng ra là chửi thề rồi chỉ trích, nói xấu người này, người kia, vứt rác thì phải vứt đúng nơi, đúng chỗ, chứ không thể bạ đâu vứt đó, cứ tiện cho mình, sạch cho mình là được, còn xung quanh có ra sao cũng mặc kệ. Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng văn hóa ứng xử đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người, và đặc biệt là cuộc sống hiện đại ngày nay.

Trên thực tế, hành vi ứng xử của các bạn trẻ trong xã hội ngày nay là sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa đông và tây, giữa cái mới và cái cổ điển. Với sự bùng nổ của thiết bị công nghệ, các bạn có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, từ đó hình thành cung cách ứng xử tiến bộ, hợp thời. Không còn những hủ tục như trọng nam khinh nữ, đạo tam tòng như thế hệ cũ, các bạn trẻ thể hiện sự tôn trọng với phái yếu bằng những hành động “ga – lăng” như luôn nhường phụ nữ đi trước, mở cửa, kéo ghế cho các bạn gái, nói năng vừa đủ nghe, lịch thiệp,… Ngoài ra, được bồi bổ kiến thức đa chiều, văn hóa ứng xử của các bạn trẻ cũng được nâng tầm, từ đó tác động đến những lối suy nghĩ còn lạc hậu, không theo kịp thời đại nhằm từng bước thay đổi, loại trừ.

Trước hết phải nói đến văn hóa ứng xử giữa con người với con người. Nền văn hóa này đã được dân tộc ta vun đắp nên từ ngàn đời nay với những câu ca dao, tục ngữ như; “ Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “ Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”, “ Uống nước nhớ nguồn”,…đó là văn hóa trọng tình, trọng nghĩa, quan tâm yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Cái nôi đầu tiên khởi nguồn cho chúng ta học cách ứng xử, giao tiếp với người khác đó chính là gia đình. Từ khi con người ta được sinh ra đến khi trưởng thành là cả một quá trình dài tu dưỡng, rèn luyện học tập không ngừng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, khi còn nhỏ chúng ta đã được ông bà, cha mẹ, người thân dạy cho chúng ta cách tập ăn, tập nói, học đọc, học viết,… khi được ai cho những món quà thì phải biết khoanh tay lại xin và nói cảm ơn. Gặp người lớn thì phải khoanh tay lại chào hỏi một cách lễ phép. Lớn hơn một chút nữa thì chúng ta học khi đi phải thưa, khi về phải trình đó là thể hiện sự lễ phép đối với ông bà, cha mẹ, để cho người lớn biết mình đi đâu, khi nào về để họ không phải lo lắng. Chẳng hạn như những bạn được sinh ra trong một gia đình bố mẹ luôn yêu thương, các thành viên trong gia đình luôn vui vẻ hòa thuận, được gia đình quan tâm, bao bọc, dạy dỗ từ những điều nhỏ nhặt nhất, những điều hay lẽ phải, giáo dục cho bản thân nhận ra được những điều sai trái khi mắc lỗi, đây cũng là cách làm cho các bạn hình thành những thói quen tốt từ rất sớm trong cách ứng xử với mọi người xung quanh. Ngược lại đối với các bạn trẻ sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ hay xảy ra bất đồng, cự cãi nhau, gia đình không quan tâm yêu thương đến nhau, không chỉ bảo cho con em mình những điều tốt, lẽ phải thì lớn lên những bạn trẻ đó tính cách thường nóng nảy, có xu hướng bạo lực, nói năng cũng cục cằn, thô lỗ, còn cãi lại ngay cả phụ huynh của mình.

Văn hóa ứng xử không phải ai sinh ra cũng đều có khả năng cư xử một cách lịch thiệp và có văn hóa, nó được đúc kết từ một quá trình dài từ những bài học của gia đình đến những bài học trên trường lớp. Trong trường học chúng ta được dạy học về kiến thức trong sách vở, kiến thức xã hội, học đạo đức, rèn luyện về nhân cách, kỹ năng, học cách làm người, học những điều hay lẽ phải,… không chỉ học từ thầy cô, sách vở, chúng ta còn học những điều ở bên ngoài xã hội, từ mọi người xung quanh để nâng tầm hiểu biết cho bản thân. Nhà trường dạy cho ta về kiến thức văn hóa, cũng dạy cho ta những kỹ năng trong giao tiếp, kỹ năng sống để cho chúng ta trở thành những người có văn hóa, có trình độ so với những bạn không được đến trường lớp như chúng ta. Ví dụ như đi học chúng ta được thầy cô dạy cho chúng ta những bản sắc văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc ta như: truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”,…Từ đó chúng ta biết vận dụng những bài học đó vào cuộc sống sao cho phù hợp. Đối với bạn bè gặp khó khăn thì phải giúp đỡ, động viên, khuyến khích, sẻ chia với bạn bè, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, ủng hộ, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn do thiên tai, lũ lụt,… Thông qua các bài học chúng ta biết vận dụng ứng xử sao cho phù hợp với bạn bè và mọi người xung quanh cho đúng mực, thể hiện mình là người văn minh, có văn hóa, được học hành, dạy dỗ bài bản.

Tuy nhiên hiện nay có không ít các bạn học sinh cũng được đi học tới nơi tới trốn so với những bạn còn kém may mắn không được đến trường mà có những hành vi, cách cư xử thiếu văn hóa trong môi trường học đường không khác gì những người ở đầu đường, xó chợ. Có thể nói đến đó là tình trạng học sinh khi nói chuyện với thầy cô giáo thì cộc lộc, trống không, nhiều bạn hay bị thầy cô gọi trả bài nhưng lại không thuộc bài nên bị thầy cô phạt từ đó dẫn đến ghét thầy cô, đi nói xấu thầy cô mình với các bạn khác, thậm chí còn gọi thầy cô mình là “ông này”, “bà nọ”.

Những nhóm học sinh chơi với nhau thường nói chuyện xưng hô mày, tao, thậm chí không còn gọi tên của nhau mà thay vào đó là gọi tên của phụ huynh của người khác hoặc hay nói tục, chửi thề đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường,…Một tình trạng đáng báo động trong học sinh hiện nay đó là tình trạng học sinh vô lễ với giáo viên đây là hành động không có văn hóa, cư xử không đúng chuẩn mực của người học sinh, còn đâu là truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Chúng ta cần lên án, phê phán mạnh mẽ đối với những bạn có hành vi này, đây cũng là hành vi trái đạo đức của những người học sinh đối với những người đã dạy dỗ chúng ta, cho ta kiến thức, những người làm nhiệm vụ trồng người cho đất nước.

Còn khi ở bên ngoài xã hội chúng ta phải biết ứng xử, nói chuyện với mọi người như thế nào để thể hiện mình là người văn minh, có tri thức. Chẳng hạn như khi ở bên ngoài xã hội chúng ta chúng ta cũng được gia đình, nhà trường giáo dục là gặp người lớn, người có quen biết thì chúng ta phải chào hỏi đàng hoàng, gặp người già phải biết kính trọng họ, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng những người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ họ khi cần thiết. Đây là những tình huống cụ thể mà chúng ta thường hay gặp trong cuộc sống đó là khi tham gia giao thông thì chúng ta cũng phải thể hiện mình là người có văn hóa đi đúng làn đường, phần đường quy định, chở đúng số lượng người cho phép, đi xe phải đội mũ bảo hiểm, khi đi trên trường nếu có xảy ra va quẹt với người khác thì cũng phải xin lỗi họ và dừng lại kiểm tra xem họ và phương tiện của bị trầy, hư hỏng gì không. Giới trẻ hiện nay thường rất manh động họ chỉ xảy ra va quẹt không cần biết ai đúng ai sai mà đã cự cãi, thậm chí đã có nhiều vụ xô xát, ẩu đả dẫn đến thương vong dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra gây nên tâm lý hoang mang lo sợ cho những người tham gia giao thông khi đụng phải các thanh niên hổ báo, thích thể hiện bản thân, cái tôi của mình mà không coi ai ra gì. Cũng có thể dẫn chứng văn hóa ứng xử của giới trẻ hiện nay đó là khi đi ra ngoài đường gặp người già, trẻ nhỏ khi muốn qua đường hay những trường hợp thường gặp khi đi xe bus, cũng như văn hóa xếp hàng, văn hóa giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng,… thì những người có văn hóa, có tri thức các bạn sẽ hành động bằng cách đi lại chỗ người già hay bạn nhỏ cần đi qua đường dẫn người già và bạn nhỏ đó qua đường một cách an toàn, còn trên xe bus thì chủ động nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai và những người khuyết tật mà không cần ai phải nhắc nhở, người có ý thức thì sẽ tuân thủ các quy định ở những nơi công cộng không xả rác, vứt rác bừa bãi,…. Tuy đây chỉ là những hành động nhỏ nhưng lại thể hiện được mình là người có văn hóa, biết cách ứng xử với mọi người, đây cũng là những hành động đẹp được mọi người khen ngợi và để lại ấn tượng cho những người xung quanh. Đây cũng là những nét đẹp cần gìn giữ và phát huy trong giới trẻ hiện nay, phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên hiện nay trong giới trẻ gặp những tình huống như vậy các bạn còn thờ ơ, làm ngơ như không thấy, thậm chí còn giành giật chỗ ngồi với những người lớn tuổi hơn hay khi có người bảo nhường ghế cho trẻ em, người lớn tuổi thì mới nhường, còn có những trường hợp còn cố tình không nhường, đã vậy còn nói chuyện lớn tiếng gây ồn ào, mất trật tự ảnh hưởng đến những người xung quanh hoặc ngay khi xếp hàng mua đồ cũng vậy văn hóa xếp hàng của giới trẻ thì rất tệ, thiếu ý thức. Còn nhiều những trường hợp vụ việc rất dễ thấy trên các trang thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội như các bạn trẻ đi chơi, ăn uống không hiểu vì có xảy ra xích mích từ trước, hay là do từ những lời góp ý của người khác, hay từ một cái nhìn mà nói người khác nhìn đểu mình,… Đó cũng là nguyên nhân gây nên các vụ đánh nhau, kéo băng nhóm chém nhau, thậm chí có nhiều bạn thấy người khác bị đánh không can ngăn lại còn quay lại video để đăng tải lên các trang mạng. Đây là những hình ảnh xấu xí, hành động cần phải lên án đấu tranh với những bạn trẻ có lối sống cách cư xử gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội làm xấu đi hình ảnh về một xã hội văn minh.

Sự suy thoái về mặt văn hóa, đạo đức trong giới trẻ hiện nay còn thể hiện ở lối sống buông thả, thích ăn chơi, đua đòi theo người khác, thích hưởng thụ mà không thích lao động. Cách cư xử của giới trẻ hiện nay ảnh hưởng không ít bởi phong cách sống của phương Tây, các bạn trẻ cho rằng sống để hưởng thụ, để làm những điều mình thích. Giới trẻ không ngần ngại phá vỡ những quy chuẩn đạo đức, văn hóa dân tộc như kính trên nhường dưới, xem nhẹ các chuẩn mực đạo đức xã hội, ma túy, mại dâm,…Thậm chí, việc sống thử trước hôn nhân cũng được các bạn trẻ hào hứng đón nhận, coi đó là hành động hợp mốt, hợp thời, gây ra những hậu quả đáng tiếc như có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai. Với những nước đã phát triển, giới trẻ thường được giáo dục cách bảo vệ bản thân ngay từ khi còn nhỏ thì tại Việt Nam, việc áp dụng một cách nửa vời vô hình dung gây ra những hậu họa đáng tiếc cho chính bản thân giới trẻ.

Nguyên nhân của sự xuống dốc trong hành vi đạo đức của giới trẻ hiện nay là do các bạn trẻ hãy học theo những thói hư, tật xấu được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội, học hỏi lẫn nhau của đại bộ phận bạn trẻ trong cuộc sống hiện nay. Chẳng hạn như học theo :Khá bảnh” về kiểu cách ăn chơi, nhảy múa, để kiểu tóc sao cho giống.Tiếp đó là do môi trường sống, môi trường giáo dục. Do công việc bận rộn, nhiều cha mẹ sẵn sàng để con cái phát triển một cách bản năng, thiếu đi sự quan tâm, thiếu đi định hướng ứng xử, hành vi khiến những đứa trẻ mất phương hướng, không biết thế nào là đúng sai, dẫn đến có những nhận thức, hành vi lệch lạc,… hậu quả khi lớn thường khó hòa nhập và giao tiếp với cộng đồng. Lý do quan trọng nhất vẫn là nằm ở bản thân ý thức của mỗi người. Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi ứng xử xấu, kém văn minh, nếu không giữ vững lập trường và đấu tranh với những thói hư tật xấu thì bản thân rất dễ sa ngã.

Để khắc phục tình trạng tha hóa về đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử thiếu văn hóa của giới trẻ hiện nay, nhà trường, gia đình và xã hội cần có sự phối hợp, tác động về mọi mặt. Gia đình uốn nắn hành vi của con trẻ từ khi còn nhỏ, thường xuyên quan tâm, điều chỉnh cách ứng xử của con cái độ tuổi hình thành nhân cách. Nhà trường cần có hệ thống giáo dục bài bản, linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng văn hóa, vừa đảm bảo khuôn khổ chuẩn mực đạo đức. Với xã hội, cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh trước những hành vi sai trái, đồng thời tuyên dương những hành động đẹp nhằm biểu dương và khích lệ các bạn trẻ sống theo đúng đạo đức, truyền thống dân tộc.

Bản thân mỗi chúng ta chính là thế hệ trẻ, là tương lai, vận mệnh đất nước, chúng ta cần từng bước nâng cao nhận thức đúng đắn về cách ứng xử trong giao tiếp, hành động từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cùng với sự chỉ dẫn và quan tâm từ nhà trường, gia đình, hãy hình thành những thói quen tốt đẹp, tích cực tham gia các phong trào bài trừ thói hư tật xấu, rèn luyện trở thành công dân tốt, có lối ứng xử tốt đẹp, lành mạnh. Có như vậy, đất nước mới có tiềm năng phát triển dựa trên nền tảng con người bền vững.

Mời bạn đọc cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
24
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 12

    Xem thêm