Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ, Hậu học văn

Văn mẫu: Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ, Hậu học văn được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu lớp 10 hay dành cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết môn Ngữ văn 10 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn. (Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

  • “Tiên học lễ”: Con người trước hết phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc.
  • “hậu học văn”: con người cũng cần phải rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại.

→ Mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

b. Phân tích

  • Mỗi con người cần rèn luyện cho mình một đạo đức tốt, một phẩm chất tốt, luôn đối xử đúng mực và giúp đỡ, chan hòa với người xung quanh ta sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và cuộc sống sẽ vui vẻ hơn.
  • Khi chúng ta có kiến thức tốt thì sẽ làm tốt công việc của bản thân và sẽ tiến gần hơn đến thành công, giúp ích cho xã hội.
  • Nếu con người vừa có tấm lòng nhân hậu, phẩm chất tốt và có kiến thức, kĩ năng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội và sớm muộn cũng đạt đến đỉnh vinh quang, được người đời kính nể và học tập.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng là tấm gương có cả tài và đức để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: Dẫn chứng phải nổi bật, tiêu biểu, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

  • Trong xã hội có nhiều người có đạo đức không tốt, đi ngược với tiêu chuẩn của xã hội, làm những việc xấu xa gây ảnh hưởng nặng nề đến xã hội. Có những người không chịu trau dồi kiến thức mà lười biếng, dựa dẫm vào người khác. → những người này đáng bị xã hội lên án và phê phán.
  • Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: “tiên học lễ, hậu học văn” đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Văn mẫu Nghị luận xã hội về câu tục ngữ “Tiên học lễ Hậu học văn”

Học tập là quá trình bền bỉ và lâu dài của con người. Mỗi chúng ta nếu không học tập sẽ không trở thành người có ích cho xã hội. Học tập đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Để răn dạy con người về tầm quan trọng của việc học tập kiến thức cũng như học cách làm người, ông cha ta đã có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

“Tiên học lễ” là việc con người trước hết phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc. “Hậu học văn” là việc con người cũng cần phải rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại. Ý kiến khuyên nhủ con người rằng: mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

Học tập là việc cả đời của mỗi người, chúng ta không chỉ học kiến thức trong sách vở mà còn phải học cách làm người, trau dồi cho mình một nhân phẩm tốt để trở thành người có ích. Mỗi con người cần rèn luyện cho mình một đạo đức tốt, luôn đối xử đúng mực và giúp đỡ, chan hòa với người xung quanh sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng và cuộc sống sẽ vui vẻ hơn. Ngoài việc có một đạo đức tốt, chúng ta cần có kiến thức vững vàng, khi chúng ta có kiến thức tốt thì sẽ làm tốt công việc của bản thân và sẽ tiến gần hơn đến thành công, giúp ích cho xã hội. Nếu con người vừa có tấm lòng nhân hậu, phẩm chất tốt và có kiến thức, kĩ năng thì sẽ giúp ích rất nhiều cho xã hội và sớm muộn cũng đạt đến đỉnh vinh quang, được người đời kính nể và học tập.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người có đạo đức không tốt, đi ngược với tiêu chuẩn của xã hội, làm những việc xấu xa gây ảnh hưởng nặng nề đến xã hội. Lại có những người không chịu trau dồi kiến thức mà lười biếng, dựa dẫm vào người khác,… những người này đáng bị xã hội lên án và phê phán.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Câu nói này hoàn toàn đúng đắn. Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, hãy trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức, xứng đáng là một công dân có ích cho đất nước.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 2

Xã hội ta từ trước đến nay luôn coi trọng đạo đức của con người. Người có tài và được coi trọng phải luôn đi liền với đạo đức tốt. Hiểu rõ tầm quan trọng của đạo đức tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn."

Trước tiên, ông cha ta muốn khuyên con cháu đời sau phải rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách bản thân ta phải tự hướng ta về những truyền thống đạo đức vốn có từ lâu đời của dân tộc. Muốn trở thành một con người toàn diện, ngoài việc có nhân cách tốt, ta còn phải có trình độ chuyên môn cao, nắm vững khoa học kĩ thuật hiện đại. Vì vậy mỗi chúng ta muốn trở thành người có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, phải có nhân cách cao thượng, có tâm hồn trong sáng và có sự hiểu biết rộng rãi.

Người học sinh ngoài học ở sách vở, phải biết tự học tập kiến thức và rèn luyện đạo đức ngoài cuộc sống, phải biết biến những kiến thức của thầy cô truyền đạt cho mình thành những kiến thức của bản thân để sử dụng và phát huy chính những kiến thức đó sẽ giúp ta rất nhiều trong cuộc sống khi ta tiếp xúc với xã hội.

Lễ nghĩa là một trong những truyền thống quan trọng trong xã hội Việt Nam. Điều đó sẽ giúp con người tạo mối quan hệ tốt với bạn bè, hàng xóm, đem lại một niềm tự hào cho gia đình, được mọi người yêu thương, quý mến, coi trọng. Ngoài ra, tạo được uy tín trong công việc, sự nghiệp thành đạt. Hơn thế nữa, khi có ý thức thì con người sẽ biết sắp xếp, tổ chức việc học, việc làm một cách khoa học, từ đó, công việc của họ luôn được hoàn thành, có hiệu quả, cuộc sống sẽ trở nên nề nếp và thanh thản hơn. Xin lấy ví dụ từ giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhờ được giáo dục ý thức từ nhỏ, nên ông đã có thái độ nghiêm túc trong việc học, cùng với sự cố gắng, ông đã thành công ngoài mong đợi. Vậy là đối với một con người, một nền tảng nhân cách tốt sẽ giúp họ có một tiền đồ tươi sáng, thành đạt.

Đạo đức luôn là yếu tố nhân cách cơ bản của con người. Phẩm chất đạo đức là hướng phấn đấu của con người từ nhỏ đến lớn, từ xưa đến nay khi mới chào đời đến khi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, những bước đi chập chững đầu đời thì con người đã được ông bà dạy dỗ bao lời nói hay, bao cử chỉ đẹp. Đó chính là tiếng chào hỏi, tiếng dạ thưa đối với người lớn tuổi. Đó chính là những cử chỉ nhường nhịn, hành động bày tỏ tình cảm yêu thương đối với các em nhỏ. Đó chính là lễ mà con người đã được học từ khi chưa bước vào nhà trường, nhân phẩm của một con người đã được học từ khi chưa bước vào nhà trường, chưa bắt đầu học văn. Phẩm chất đạo đức chính là thước đo giá trị, nhân phẩm của một con người nếu pháp luật là nền tảng kỉ cương của xã hội thì lễ giáo chính là nền tảng vững chắc của môi trường sư phạm. Tôn trọng pháp luật là thước đo một xã hội công bằng văn minh, tôn trọng lễ giáo trong nhà trường là nền tảng đạo đức của người học sinh, là bệ phóng cho tài năng phát triển cao hơn, bay xa hơn. Con người tốt luôn chú trọng đến việc rèn luyện nhân cách cá nhân. một khi đã trở nên người có phẩm chất, biết tôn trọng giá trị đạo đức thì con người sẽ đem lại những kiến thức, tri thức của mình cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng phát triển vững mạnh. Làm được điều đó thì mối tương quan giữa con người và xã hội mới ngày một thân ái, ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong xã hội, cuộc sống, con người có thể hạn chế về mặt kiến thức nhưng có phẩm chất đạo đức tốt, biết cách cư xử hòa nhã, thủy chung đối với mọi người xung quanh thì vẫn được mọi người yêu mến, xã hội trọng dụng. Một người học sinh chỉ học khá nhưng lại vui vẻ, đối xử tốt với bạn bè, thì vẫn được bạn bè yêu mến, tôn trọng. Nhưng ngược lại, một học sinh giỏi luôn đứng đầu lớp lại tỏ thái độ ta đây hống hách, khinh người thì bạn bè sẽ ngày càng xa lánh, không yêu mến, giúp đỡ. Lễ, hiếu chính là nền tảng, là mục tiêu để hướng tài năng của một cá nhân nào đó vào mục đích cao cả, tốt đẹp. Lễ là gốc, văn là ngọn. Nếu gốc không chắc thì làm sao cành lá có thể phát triển tốt tươi. Lễ là nền, văn là nhà. Nếu nền không vững chắc thì làm sao nhà có thể đứng vững được. Con người trong xã hội nếu không có lễ, biết lễ thì làm sao có thể là một xã hội trong sáng, văn minh được. Lúc ấy tự con người sẽ bị xã hội đào thải. Vì vậy người học sinh phải rèn luyện nhân cách và tài năng để sau này trở thành một công dân tốt trong xã hội. Tiên học lễ, hậu học văn cũng có nghĩa là tôn sư trọng đạo mỗi người trong tập thể học sinh phải nhận thức sâu sắc điều này. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư có Trọng thầy mới được làm thầy.

Ý nghĩa của câu tục ngữ cần được phát huy tác dụng triệt để. Trong nhà trường và xã hội ngày nay, cái xấu đang phát triển, đang có chiều hướng lấn át cái tốt vì chữ lễ chưa được coi trọng. Ngày nay điều đáng sợ là lòng tôn kính thầy cô đã có những biểu hiện xấu. Trong trường, người học trò lại dám đứng ngang nhiên cãi lời thầy cô, dám làm những điều hạ thấp nhân cách của người thầy như báo chí đã phê phán. Thử hỏi có xã hội nào, đất nước nào trên thế giới này lại không xem đạo đức, lễ giáo là nền tảng giá trị.

Ta cần phải ra sức chống lại và loại trừ những cái xấu đang phát triển. Đó chính là những sách báo, phim ảnh xấu xa đang len lỏi dần để đầu độc những tư tưởng vốn trong sáng của người học trò tạo ra khuynh hướng bạo lực đối với thầy cô. Chúng ta cần phê phán nghiêm khắc đối với các học sinh này.

Các biện pháp củng cố lễ nghĩa ở học sinh trong nhà trường của ngành giáo dục đang rất cần phát triển và duy trì để trường ra trường, trò ra trò, thầy ra thầy cho dù xã hội có phát triển đến đâu, nền khoa học kĩ thuật có tiến bộ cách mấy thì đạo đức vẫn là cơ sở để phát triển tài năng, xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp. Ta cần học cả lễ lẫn văn. Lễ được hiểu là đức, văn là tài, lễ là cơ sở cho văn phát triển, văn tác động giúp lễ vững bền.

Nếu chỉ học một thứ ta sẽ không làm nên được việc như Bác Hồ đã nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Thực tế cuộc sống đã chứng minh điều đó. Trong một xí nghiệp, vị giám đốc là một người có nhân cách tốt, hòa nhã, cư xử tốt với mọi người trong xí nghiệp nên ai ai cũng yêu mến, cũng hết lòng làm việc. Nhưng vị giám đốc này không có trình độ chuyên ngôn, hiểu lơ mơ về khoa học kĩ thuật hiện đại thì vẫn không đưa xí nghiệp đó tiến lên ngày càng phát triển. Ngược lại vị giám đốc đó là một người học cao, có năng lực làm việc, có tài lãnh đạo nhưng kiêu căng, đối xử không tốt với nhân viên nên không được công nhân tận tâm làm việc thì vẫn không đưa xí nghiệp đó tiến lên được. Việc học lễ là việc cả đời người nên ta phải xác định được nơi học lễ.

Ta học lễ ở mọi nơi, mọi lúc, ở những lời nói hay, cử chỉ đẹp, ở những truyền thống, ở những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc, trọng thầy, mến bạn, hiếu nghĩa với cha mẹ, cư xử hòa nhã, lễ phép với mọi người xung quanh. Việc rèn luyện lễ của học sinh không chỉ là bổn phận, trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Vì sự hình thành tài năng, nhân cách của con người không những chịu ảnh hưởng của nhà trường, thầy cô, mà còn chịu sự chi phối của cha mẹ, anh em, gia đình, bạn bè. Người rèn luyện lễ nghĩa từ nhỏ tới lớn khi còn là học sinh ta ra sức cố gắng ôn luyện, trau dồi lễ nghĩa, tài năng thì sau này khi lớn lên, ra đời tương lai mới mở rộng, tràn đầy hy vọng. Không có con đường rộng mở cho những ai lẩn tránh đấu tranh (Lỗ Tấn). Một thái độ, một hành vi trái đạo lí, trái với truyền thống tốt đẹp của tổ tiên dù nhỏ cũng hết sức tránh.

Lời răn dạy mà cha ông để lại có ý nghĩa thật sâu sắc. Nếu mỗi chúng ta đều có ý thức rèn luyện đạo đức và trí tuệ thì xã hội thật tốt đẹp và đáng sống biết bao. Đất nước ta sẽ nhanh chóng trở thành đất nước văn minh giàu đẹp, con người sẽ không phải lo sợ có kẻ xấu hại mình, người khó khăn sẽ được giúp đỡ kịp thời.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 3

Trong cuộc sống, trên hết của cải, tiền bạc, con người ta trân trọng nhất thái độ ứng xử giữa người với nhau. Chính vì lẽ đấy, dân gian ta có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Trong câu nói đó, “tiên học lễ” nghĩa là con người trước hết phải có một phẩm chất đạo đức tốt, phải học được những thái độ ứng xử phù hợp với lề thói xã hội, sau đó, khi đã có được một nhân cách hoàn thiện thì mới bắt đầu học đến những bộ môn khoa học khác, đấy là “hậu học văn”. Tóm lại, câu nói của người xưa muốn truyền dạy cho thế hệ chúng ta rằng làm người trước tiên phải biết lễ nghĩa, đạo đức từ đó mới tạo nên một nền tảng tốt để học tập đỗ đạt được. Một con người nhận thức được những điều đó thì sẽ biết kính trên nhường dưới, biết “cảm ơn”, “xin lỗi” đúng lúc, biết phân biệt phải trái để có những hành động đúng mực đối với mọi người, hơn nữa, khi đã được dạy dỗ thì người đó sẽ biết suy nghĩ để làm việc, học tập nghiêm túc, chăm chỉ, không phụ lòng những người đã tin tưởng mình. Đấy là những thể hiện của một con người đã học được chữ “lễ” và chữ “nghĩa”.

Lễ nghĩa là một trong những truyền thống quan trọng trong xã hội Việt Nam. Điều đó sẽ giúp con người tạo mối quan hệ tốt với bạn bè, hàng xóm, đem lại một niềm tự hào cho gia đình, được mọi người yêu thương, quý mến, coi trọng. Ngoài ra, tạo được uy tín trong công việc, sự nghiệp thành đạt. Hơn thế nữa, khi có ý thức thì con người sẽ biết sắp xếp, tổ chức việc học, việc làm một cách khoa học, từ đó, công việc của họ luôn được hoàn thành, có hiệu quả, cuộc sống sẽ trở nên nề nếp và thanh thản hơn. Xin lấy ví dụ từ giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhờ được giáo dục ý thức từ nhỏ, nên ông đã có thái độ nghiêm túc trong việc học, cùng với sự cố gắng, ông đã thành công ngoài mong đợi. Vậy là đối với một con người, một nền tảng nhân cách tốt sẽ giúp họ có một tiền đồ tươi sáng, thành đạt.

Thế nhưng, khi không cư xử lễ độ trong cuộc sống, chỉ “học văn” mà không “học lễ” thì học tập họ có thể làm tốt, nhưng họ không tạo được mối quan hệ tốt với bạn bè, không biết cư xử phải phép với mọi người thì họ sẽ không nhận được sự yêu mến, đồng cảm của những người xung quanh. Từ đó, cuộc sống của họ sẽ bị cô lập, xa lánh, không có niềm vui và chia sẻ. Chưa hết, khi không có sự hợp tác, giúp đỡ, tinh thần không được tỉnh táo, thoải mái thì công việc lại càng gặp nhiều khó khăn, dễ bị phân tâm, khó đạt được hiệu quả như mong muốn. Như Hồ Chủ tịch đã nói: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức thì không dùng được”. Ngoài ra, cuộc sống vẫn còn những kẻ đạo đức giả, cố tỏ ra lễ phép, có tài nhưng sau lưng luôn phá ngầm, gây khó cho người khác, vừa không có đức mà lại không có tài, thật đáng lên án. Tóm lại, nhân cách không tốt thì chỉ kéo theo những hậu quả xấu, những điều không mong muốn.

Vì những lẽ đó, trẻ em từ nhỏ nên được giáo dục từ gia đình và nhà trường, nên được rèn luyện một nếp sống, một nền tảng đạo đức bởi “cây non dễ uốn”. Còn những người trẻ, đã trưởng thành thì nên học tập những kỹ năng sống cần thiết như hoạt động nhóm, giao tiếp xã hội, nói trước đám đông. Quả thật, con người ta cần có một thái độ sống tích cực thì mới mong đạt được thành công trong mọi việc.

Người xưa thật đúng đắn khi cho rằng có “học lễ”, có đạo đức thì sau đó con người ta mới “học văn” mới có thể giúp ích cho xã hội được. Để thay lời kết, xin trích dẫn câu nói: “Học để làm người, học để làm việc”.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 4

Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn

Sáu chữ trên không có xa lạ gì với người Việt chúng ta. Chúng đã biến thành những khẩu hiệu nằm trên đầu môi ngọn lưỡi của các nhà sư phạm, của các bậc phụ huynh, của nhiều vị "dân chi phụ mẫu", và đôi khi cũng là chính sách của nhà nước nữa. Chúng ta cũng không lạ lẫm gì khi mà hầu hết những tác phẩm thi ca kinh điển của những bậc đại nho đều ca tụng và nâng lễ nghĩa lên thành một đức tính, tương đương với tam tòng tứ đức, đôi khi lại còn hơn thế nữa. Nguyễn Du coi lễ như là quy tắc, trong khi Nguyễn Ðình Chiểu lấy chữ lễ làm nòng cốt của nền tư tưởng đạo đức. Trong Lục Vân Tiên, cụ đồ họ Nguyễn nhắc đi nhắc lại không biết mệt cái chữ lễ mà cụ coi như là khuôn vàng thước ngọc đo cái giá trị làm người. Nói một cách khác, nhà thi sĩ mù lòa chất phác này đồng nghĩa lễ với luân thường đạo lí, và thường thì coi lễ như là nền tảng của đạo đức. Qua câu thơ "Thôi thôi, ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái ta là phận trai", ta nhận thấy một cách rõ ràng là cụ đồ họ Nguyễn đã đồng hóa lễ trong việc đối xử giữa trai - gái với quy luật "nam nữ thọ thọ bất thân" của thời Hán. Thực ra, cụ đồ Chiểu đã phản ánh cái tâm thức chung coi lễ không khác chi là quy luật của người bình dân Việt: "Cá không ăn muối cá ươn – Con không giữ lễ (nghe mẹ) trăm đường con hư" mà thôi. Thế nên, "tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành một quy tắc tất yếu, suy diễn từ lối nhìn bình dân như vậy.

Lối suy tư coi lễ là lề luật có phải là lối suy tư đại biểu duy nhất của Việt Nho hay không, đây là một điểm đáng được tranh luận. Theo thiển kiến của chúng tôi, quan niệm này chỉ đúng được phần nào, bởi lẽ câu hỏi quan trọng hơn nằm ở sau, đó là, nếu lễ là quy luật, thì đó là quy luật gì? Nếu nó chỉ là pháp luật, hình luật, thì lễ chưa phản ánh được cái lễ nghĩa của người Việt, nhưng nếu lễ là quy luật sống, thì nó mới thực là lễ nghĩa.

Như mọi người đều thấy, ngay từ thời thơ ấu, chúng ta đã được đào tạo phải giữ đạo nghĩa, mà đạo nghĩa thường không phải chi khác hơn là chính lễ nghĩa. Lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa, lễ nghi, lễ phục… là những quan niệm, hay nói đúng hơn là những quy luật (codes), những cách thế (manners), những biểu tượng (expressive symbols), những chuẩn mực (criteria) đo lường con người Việt. Chúng ăn sâu vào trong tâm não, chúng nằm chặt trong mạch máu, đến độ chúng ta đồng hóa lễ với giá trị, với nền đạo đức, và với tất cả cuộc sống của người Việt. Chúng ta đánh giá một người, một phụ nữ, một quan chức, một giáo chức và ngay cả một người học sinh tùy theo hành vi lễ độ, lễ phép của họ. Ta xem họ có giữ lễ và hành vi, ngôn ngữ, cách xử thế của họ có đúng lễ hay không: cha phải ra cha, con phải ra con, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Chúng ta kính trọng một người nào đó cũng là vì họ giữ lễ giữ nghĩa. Chúng ta coi thường những người "vô lễ", "vô phép, vô tắc", "vô lương", những kẻ "bất nghĩa", "bất tín", "bất trung", "bất hiếu", "bất nhân", những người mà ta thường đùa cợt cho là người không ra người, ngợm không ra ngợm.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 5

Nhân dân Việt Nam từ xưa cho đến nay luôn chú trọng đến lễ nghĩa. Chính vì vậy mà ông cha ta mới có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu tục ngữ đem đến bài học ý nghĩa cho con người.

Ở vế câu thứ nhất, “tiên” có nghĩa là trước tiên, còn “lễ” là những lễ nghi hay hiểu đơn giản là cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống. Con người sinh ra việc đầu tiên cần phải học chính là cách cư xử với những người xung quanh. Đến về câu thứ hai, “hậu” có nghĩa là sau, còn “văn” ý chỉ vốn kiến thức có được trong các môn học hay bên ngoài xã hội. Như vậy, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ mỗi người việc cần học đầu tiên phải là học cách làm người có đạo đức, nhân cách tốt. Sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa để có thể phát triển bản thân.

Quả thật, khi muốn đánh giá một con người, đôi khi chúng ta không nhìn vào những tấm giấy khen hay những tấm bằng tốt nghiệp. Mà chúng ta đánh giá họ thông qua những hành vi rất nhỏ trong cách giao tiếp, hành xử với những người xung quanh. Nếu “học văn” cung cấp kiến thức cho con người, thì học “lễ nghĩa” sẽ giúp rèn luyện đạo đức, phẩm chất tốt đẹp.

Một người vừa có kiến thức sâu rộng, lại biết cách cư xử sẽ gây được thiện cảm tốt đẹp cho mọi người. Từ đó, con đường đến với thành công của họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn. Họ cũng nhận được nhiều tình yêu thương và cảm thấy hạnh phúc hơn.

Có “văn” mà không “có lễ” cũng giống như có “tài” mà không có “đức”. Điều ấy sẽ gây ra tác hại vô cùng to lớn. Một người dù có học vấn cao, nhưng lại không biết cách cư xử với những người xung quanh sẽ không có được sự kính trọng, yêu thương từ người khác. Thậm chí, họ có thể gây ra những hành vi sai trái, gây nguy hại cho xã hội (đánh nhau, trộm cướp, giết người…).

Chính vì vậy, mỗi người hãy đặt việc rèn luyện đạo đức, nhân cách lên hàng đầu. Trên nền tảng đó mới học tập kiến thức. Nhà trường và gia đình chính là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Phải luôn ý thức được rằng rèn luyện đạo đức luôn song hành với rèn luyện kiến thức.

Như vậy, câu tục ngữ trên đã đưa ra một lời khuyên đúng đắn. Mỗi người hãy coi đó như một kim chỉ nam trong quá trình rèn luyện của bản thân.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 6

Xã hội Việt Nam luôn coi trọng giá trị đạo đức của con người, và sự phát triển cá nhân và xã hội phải đi đôi với đạo đức tốt. Từ lâu, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" đã thể hiện sâu sắc tầm quan trọng của đạo đức trong cuộc sống.

Trước hết, ông cha ta khuyến khích thế hệ sau phải rèn luyện và trau dồi lễ nghĩa và đạo đức. Chúng ta cần giữ vững những truyền thống đạo đức của dân tộc và đồng thời phải có kiến thức và trình độ chuyên môn cao. Để trở thành công dân có ích, chúng ta cần kết hợp cả đức lẫn tài, có nhân cách cao thượng, tâm hồn trong sáng và kiến thức rộng rãi.

Học sinh không chỉ cần học từ sách vở mà còn cần tự học kiến thức và rèn luyện đạo đức trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta phải biến kiến thức từ giảng dạy thành kiến thức của riêng mình để áp dụng trong xã hội.

Lễ nghĩa là một truyền thống quan trọng trong xã hội Việt Nam. Nó giúp chúng ta xây dựng mối quan hệ tốt với mọi người, tạo niềm tự hào cho gia đình, và đạt được sự tôn trọng trong công việc. Hơn nữa, khi chúng ta có ý thức về lễ nghĩa, chúng ta có khả năng tự quản lý thời gian và công việc hiệu quả hơn, đảm bảo cuộc sống trở nên gọn gàng và thanh thản.

Ví dụ về giáo sư Ngô Bảo Châu, người đã thành công nhờ tinh thần nghiêm túc và sự cố gắng trong học tập, chứng minh rằng một nền tảng đạo đức mạnh mẽ sẽ dẫn đến thành công đáng kể.

Đạo đức là yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội. Phẩm chất đạo đức giúp con người tạo ra giá trị và đóng góp cho xã hội, đồng thời củng cố mối quan hệ trong xã hội.

Ngoài ra, đạo đức còn giúp xây dựng niềm tin trong công việc và sự nghiệp. Con người có thể có kiến thức, nhưng nếu thiếu đạo đức, họ có thể trở nên vô ích.

Câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn rất cần thiết trong xã hội ngày nay. Xã hội đang phải đối mặt với sự gia tăng của các hành vi xấu xa và sự mất mát của đạo đức. Chúng ta cần phải đối mặt với những thách thức này và thúc đẩy giá trị đạo đức trong xã hội.

Cụ thể, chúng ta cần đối mặt với các vấn đề như sách báo và phim ảnh xấu xa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng của người trẻ. Cần phê phán nghiêm khắc những học sinh không tuân thủ đạo đức và quy tắc.

Giáo dục đạo đức trong trường học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách của học sinh. Nhà trường cần xây dựng và duy trì các biện pháp củng cố đạo đức ở học sinh để đảm bảo rằng họ không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được rèn luyện đạo đức một cách bền vững.

Tóm lại, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là một nguyên tắc quan trọng trong giáo dục mà còn là hướng dẫn cho cuộc sống của mỗi người. Chúng ta cần thể hiện tầm quan trọng của đạo đức trong hành động và cuộc sống hàng ngày để xây dựng một xã hội văn minh và tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 7

Học tập là một hành trình lâu dài và kiên nhẫn của con người nhằm mở mang trí óc và đóng góp cho xã hội. Quá trình học tập không chỉ tích lũy kiến ​​thức mà còn hình thành nên con người, tạo nên những giá trị và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Truyền thống của tổ tiên đã khắc sâu vào tâm hồn chúng ta câu nói quý giá: ‘Tiên học lễ, hậu học văn’.

‘Tư duy lễ nghĩa’ dùng để chỉ việc trau dồi thói quen sinh hoạt, đạo đức, tính cách và bảo vệ các giá trị truyền thống từ xa xưa. ‘Hậu học văn’ nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực liên tục để nghiên cứu và phát triển kiến ​​thức và chuyên môn đương đại. Điều quan trọng nhất là muốn trở thành một công dân có ích thì phải đầu tư cả đức lẫn tài, trau dồi tâm hồn trong sáng, cũng như nghiên cứu sâu rộng về kiến ​​thức. Việc học không bao giờ kết thúc và là một hành trình suốt đời. Chúng ta phải học cách trở thành những con người có phẩm chất, luôn thực hành đạo đức trong mọi hoạt động và thể hiện sự tử tế, tôn trọng mọi người. Đồng thời, tri thức là một yếu tố quan trọng khác giúp chúng ta làm chủ được công việc và thành công, từ đó góp phần vào sự phát triển của xã hội. Nếu kết hợp thành công đạo đức và tài năng, bạn có thể đạt được địa vị cao, được mọi người yêu mến, kính trọng, đóng góp cho xã hội và đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay vẫn còn có những người thiếu đạo đức, vi phạm chuẩn mực xã hội và gây tổn hại cho cộng đồng của mình. Một số người không nỗ lực học tập, lười biếng và phụ thuộc vào người khác. Những hành động này phải bị xã hội lên án và chỉ trích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: ‘Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó’. Câu nói này cho thấy sự kết hợp giữa đạo đức và kiến ​​thức là điều hết sức quan trọng trong cuộc sống. Hãy sống hết mình và trở thành một công dân xứng đáng, tài năng và danh dự, đóng góp cho xã hội cũng như đất nước ngày càng phát triển thạnh vượng.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 8

Trong hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn tự hào về truyền thống cao quý của mình, đặt nền tảng cho đạo đức và lễ nghi trong cuộc sống. Qua bao thời kỳ, những lời khuyên về cách sống đó đã được thế hệ tiền bối truyền đạt dưới hình thức các câu tục ngữ và thành ngữ. Trong số đó, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở thành một trong những quan điểm quý báu của chúng ta, mang đến cho chúng ta những bài học quý giá về cách thái độ và hành vi trong cuộc sống.

Câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" đã trở nên thân thuộc và gắn liền với tất cả chúng ta. Nhưng để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nó, chúng ta cần phân tích. Trước hết, "lễ" ở đây không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ nghi thức hay quy tắc, mà còn là cách chúng ta ứng xử có lễ phép, đạo đức, biết tôn trọng và nhường nhịn. "Văn" không chỉ đề cập đến kiến thức sách vở, mà còn bao gồm tư duy, sự hiểu biết và kỹ năng. Vì vậy, câu tục ngữ này thực chất khuyến khích chúng ta học cách trước hết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và sau đó mới tiến xa hơn trong việc tích lũy kiến thức và kỹ năng.

Câu tục ngữ này đưa ra một bài học quan trọng về cuộc sống. Nó nhấn mạnh rằng trước khi chúng ta tiến xa trong việc học hỏi và phát triển kiến thức, chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức và lễ nghi. Điều này đúng với tất cả mọi người, bởi vì đạo đức và lễ nghi đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày. Chúng là nền tảng mà chúng ta được dạy dỗ từ nhỏ, trước khi bắt đầu học chữ và kiến thức khác. Việc học cách kính trọng người lớn tuổi, tôn trọng những người khác và tuân theo quy tắc xã hội là bước đầu tiên và quan trọng để trở thành một cá nhân tốt.

Đạo đức và lễ nghi có tầm quan trọng không thể bàn cãi trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ảnh hưởng đến tư duy, thái độ và thành tựu của mỗi người, vì những người có đạo đức và lễ nghi thường suy nghĩ cẩn thận trước khi hành động và sử dụng kiến thức của họ vào mục tiêu tốt đẹp và hợp phù hợp với các giá trị văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc. Điều này giúp họ đạt được hiệu quả cao hơn và được người khác yêu mến và kính trọng. Nếu chỉ tập trung vào việc tích lũy kiến thức mà bỏ qua đạo đức và lễ nghi, chúng ta có thể mất đi sự tôn trọng của người khác và trở thành những con người thiếu đạo đức, không biết cách ứng xử đúng mực.

Vì vậy, câu tục ngữ "Tiên học lễ, hậu học văn" đã đưa ra cho chúng ta một bài học quý báu và ý nghĩa. Chúng ta cần phải hiểu rằng trước khi tiến xa trong việc tích lũy kiến thức, chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức và lễ nghi. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên bỏ lỡ cơ hội mở rộng tri thức và kiến thức của chúng ta. Trong thế giới hiện đại, có nguy cơ rằng chúng ta có thể tập trung quá nhiều vào học tập mà bỏ qua giá trị đạo đức và cách ứng xử. Điều này là đáng trách và cần phải được chỉnh đốn. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng không nên quên rằng đạo đức và lễ nghi là những yếu tố quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và chúng ta cần phải nắm vững cả hai để trở thành những cá nhân đáng kính trọng và hữu ích cho xã hội.

Nghị luận xã hội về câu tục ngữ: Tiên học lễ Hậu học văn - Bài làm 9

Việc học tập là một quá trình dai dẳng và lâu dài của con người. Nếu không học tập, chúng ta sẽ không thể trở thành những người có ích cho xã hội. Học tập đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Để truyền đạt về tầm quan trọng của việc học tập kiến thức cũng như học cách làm người, người ta thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn” từ thời ông bà.

“Tiên học lễ” đề cập đến việc mỗi con người cần rèn luyện, trau dồi lễ nghĩa, đạo đức, và nhân cách. “Hậu học văn” là việc mỗi người cần phải rèn luyện kiến thức, trình độ chuyên môn cao. Ý kiến khuyên nhắc mọi người rằng: để trở thành người có ích cho xã hội, cần phải rèn luyện cả đức lẫn tài, có nhân cách cao thượng, tâm hồn trong sáng và kiến thức rộng lớn.

Học tập là một hành trình suốt đời của mỗi người, không chỉ học kiến thức từ sách vở mà còn học cách làm người, rèn cho mình một nhân phẩm tốt để trở thành người có ích. Mỗi con người cần phải rèn luyện cho mình một đạo đức tốt, luôn đối xử công bằng và hòa nhã với mọi người xung quanh, từ đó được mọi người yêu quý và tôn trọng, cuộc sống sẽ trở nên hạnh phúc hơn. Bên cạnh đó, cần phải có kiến thức vững vàng, khi có kiến thức tốt sẽ làm tốt công việc của bản thân và tiến gần hơn đến thành công, giúp ích cho xã hội. Nếu con người có lòng nhân hậu, phẩm chất tốt và kiến thức, kỹ năng, sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội và sớm muộn cũng đạt được thành công, được mọi người kính trọng và học theo.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người có đạo đức không tốt, không tuân thủ tiêu chuẩn của xã hội, làm những việc xấu gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội. Còn những người không chịu học hỏi, lười biếng, chỉ biết dựa dẫm vào người khác,… những hành động này đáng bị xã hội lên án và chỉ trích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Câu nói này hoàn toàn đúng đắn. Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất, hãy trở thành một con người vừa có tài lại vừa có đức, xứng đáng là một công dân có ích cho đất nước.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
16
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm