Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen do VnDoc biên soạn bám sát chương trình Ngữ Văn 12 sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu học tập văn nghị luận xã hội, ôn thi học kì và luyện tập các đề văn lớp 12 có đáp án.

Dàn ý nghị luận xã hội về phía sau những lời khen

1. Mở bài

Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: phía sau những lời khen.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Lời khen: là những lời ca ngợi, tán dương con người khi người đó làm được việc tốt hoặc tạo được thành quả cho bản thân, gia đình, xã hội… để khiến cho con người có động lực làm nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa.

b. Phân tích

Cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách, bộn bề, khi chúng ta vượt qua được những khó khăn đó, những lời khen đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự cố gắng của con người.

Khi chúng ta tạo được thành tích, giá trị, lợi ích cho tổ chức hay xã hội, những lời động viên, tuyên dương không chỉ giúp thông điệp tốt đẹp đó được lan tỏa mạnh mẽ hơn mà bản thân ta cũng nhận thức được điều mình làm là hoàn toàn đúng đắn.

Nếu cuộc sống không có lời khen, những thông điệp tốt đẹp sẽ không được lan tỏa mạnh mẽ, con người sẽ trở nên khô cằn, âm thầm và lặng lẽ.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về lợi ích, tác dụng của lời khen làm dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người sử dụng lời khen với mục đích xấu như xu nịnh, tâng bốc người khác nhằm mục đích tư lợi cá nhân, lấy lòng,… lại có những người sống phụ thuộc vào lời khen, nếu không được khen sẽ không làm việc đến nơi đến chốn,… những người này đều đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: phía sau những lời khen; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 1

Cuộc sống không chỉ có làm việc, tạo ra của cải vật chất mà còn là những phút giây tưới nước, làm mới tâm hồn của con người để cuộc sống trọn vẹn hơn. Trong đó không thể thiếu đi những lời khen, lời động viên, khuyến khích, thúc đẩy chúng ta vươn lên phía trước. Tuy nhiên, phía sau lời khen ẩn chứa những gì chúng ta cần phải xem xét.

Lời khen là những lời ca ngợi, tán dương con người khi người đó làm được việc tốt hoặc tạo được thành quả cho bản thân, gia đình, xã hội… để khiến cho con người có động lực làm nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa. Lời khen nếu hiểu theo nghĩa tích cực, nó mang nguồn năng lượng thúc đẩy con người để chúng ta có động lực hơn. Tuy nhiên, có một số lời khen mà ngay bản thân người được khen cũng cần phải cân nhắc.

Cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách, bộn bề, khi chúng ta vượt qua được những khó khăn đó, những lời khen đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự cố gắng của con người. Khi chúng ta tạo được thành tích, giá trị, lợi ích cho tổ chức hay xã hội, những lời động viên, tuyên dương không chỉ giúp thông điệp tốt đẹp đó được lan tỏa mạnh mẽ hơn mà bản thân ta cũng nhận thức được điều mình làm là hoàn toàn đúng đắn. Nếu cuộc sống không có lời khen, những thông điệp tốt đẹp sẽ không được lan tỏa mạnh mẽ, con người sẽ trở nên khô cằn, âm thầm và lặng lẽ.

Tuy nhiên, một điều chúng ta không thể phủ nhận là trong cuộc sống hiện nay có nhiều người sử dụng lời khen với mục đích xấu như xu nịnh, tâng bốc người khác nhằm mục đích tư lợi cá nhân, lấy lòng. Lời khen lúc này không mang ý nghĩa thúc đẩy hay cổ vũ mà nó là hành vi trục lợi của những người có tâm địa, có tham vọng. Hoặc có những người trước mặt họ khen chúng ta nhưng sau lưng lại làm những chuyện xấu nhằm hạ bệ, hãm hại ta, lời khen có vai trò quan trọng nhưng nó lại là con dao hai lưỡi, mỗi người cần phải luôn tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh để nhận biết đúng đắn.

Chúng ta không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 2

Lời khen như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Dù ở bất cứ lứa tuổi hay cương vị nào thì con người cũng thích những lời động viên, khen ngợi từ người khác dành cho mình. Tuy nhiên, lời khen luôn có hai mặt của nó.

Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục của mọi người dành cho một cá nhân nào đó. Lời khen có hai loại là lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt là lời khen xuất phát từ tận đáy lòng, từ sự chân tình, không vụ lợi, và là động lực để con người phấn đấu vươn lên. Còn lời khen xấu là những lời khen không thật lòng, ẩn chứa nhiều mưu đồ và sự giả dối. Đó chỉ là những lời khen xã giao nhằm mục đích lấy lòng hoặc để đạt được một mục đích nào đó. Lời khen giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể là lời khích lệ động viên cũng có thể là cái bẫy đẩy con người tới một việc làm xấu. Bởi vậy, con người cần phải tỉnh táo trước những lời khen của người khác.

Có người đã từng nói rằng: “Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ là kẻ thù của ta”. Những lời khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp người được khen có được niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sung sướng và tự tin. Khi chúng ta làm được một việc tốt, một lời khen kịp thời sẽ giúp ta có thêm sức mạnh, niềm tin, khiến niềm vui được lan tỏa đến với mọi người xung quanh. Lời khen tốt là phần thưởng mà con người xứng đáng được nhận sau những cống hiến, hy sinh và sự nỗ lực của bản thân, giúp con người có thêm sức mạnh và ý chí để đi đến thành công. Một lời khen tốt có thể giúp một học sinh học yếu có ý chí phấn đấu. Một lời khen tốt có thể giúp cho người sa ngã muốn hướng thiện có thêm sức mạnh để làm lại cuộc đời. Một lời khen tốt giúp con người vượt qua thử thách…

Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khen cũng mang lại những tác dụng tốt. Lời khen là liều thuốc tốt cho đời sống tinh thần nhưng đôi khi nó trở thành một mối nguy hại vì có biết bao mầm mống của sự ảo tưởng, kiêu ngạo có thể sinh ra từ đó. Những lời khen với mục đích xã giao, không xuất phát từ cái nhìn thực tế thường là những lời khen có cánh, nó tức thì làm lan tỏa xung quanh ta thứ hương thơm ngọt dịu, xây dựng trước mắt ta một lâu đài ảo mộng khiến ta đắm chìm trong giấc mộng ảo đó. Bản chất của con người thường kiêu ngạo, vậy nên khi nghe lời khen giả tạo hay thực chất đó là những lời xu nịnh thì con người dễ trở nên kiêu ngạo hơn là sự khiêm nhường. Có thể cá nhân đó mới đạt được chút thành công bé nhỏ mà họ đã tự xem mình là trung tâm của vũ trụ, xem mình là hơn tất cả, đến khi thất bại dễ trở nên yếu đuối.

Không chỉ vậy, phía sau những lời khen giả tạo còn là cả một sự áp lực nặng nề cho người được khen. Vì được khen nên cá nhân đó phải gồng mình lên để sống tốt, làm việc tốt, học thật giỏi… Những cố gắng đó đôi khi khiến con người trở nên căng thẳng vì sợ lúc nào mọi người xung quanh cũng đang theo dõi việc làm của mình. Lời khen giả tạo có thể làm cho con người ngộ nhận, ảo tưởng để rồi phải sống như một con rô bốt, như một con vẹt, chỉ dám nói hành động theo dư luận mà không dám sống là chính mình.

Tôi đã từng được nghe một câu chuyện kể về một vị tướng tài ba, có tài cầm quân. Ông chỉ huy trận nào là thắng trận đó. Rồi ông trở thành quốc vương của cả một vùng đất rộng lớn. Ông được mọi người tung hô, khen ngợi, nhưng rất ít lời khen thật lòng. Những đại thần thường vây quanh ông, khen ngợi ông hết lời để được ông ban thưởng vàng, lụa. Họ nịnh bợ ông, khẳng định với ông mình sẽ mãi trung thành và dù biết là nịnh bợ nhưng ông lại rất thích và rất tin vào điều đó. Cho đến một ngày, đất nước xảy ra biến cố, ông kêu gọi sự hợp sức của các đại thần nhưng họ đều lần lượt bỏ rơi ông. Đến khi ông nhận ra mình đã tin tưởng một cách mù quáng thì đất nước đã rơi vào tay kẻ khác.

Trong cuộc sống không phải ai cũng có thể tỉnh táo trước lời khen của người khác. Bên cạnh những người đã biết biến lời khen thành sức mạnh để phấn đấu thì một số người dẫu biết những lời khen chỉ mang tính chất “cho vừa lòng nhau” nhưng họ vẫn ngộ nhận, tin là thật. Một số khác lại quá coi thường lời khen hoặc lạm dụng lời khen để trêu chọc người khác, làm mất đi những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Đó đều là những hiện tượng xấu mà chúng ta cần khắc phục.

Một lời khen có thể khiến con người đến được tới đỉnh vinh quang nhưng cũng có thể khiến con người rơi xuống vực sâu của sự thất bại. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo để phân biệt được đâu là lời khen tốt, đâu là lời khen xấu, lời khen giả tạo. Tâm lý con người rất thích được khen bởi vậy mỗi người trong chúng ta không nên tiết kiệm lời khen nhưng cũng không nên lạm dụng nó. Hãy học cách khen chân thành, đúng lúc, đúng chỗ và lắng nghe lời khen có chọn lọc. Đó mới là cách sống của một người hiểu biết và thông minh.

Khi con một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta hãy biết tỉnh táo trước mọi lời khen. Chúng ta không nên quá khiêm tốn cũng không nên tự kiêu trước lời khen mà mình nhận được mà hãy luôn trau dồi bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Lời khen là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là động lực để chúng ta đi tới những thành công, là bài học để mỗi người trở nên trưởng thành, cứng cáp. Bởi vậy chúng ta hãy sử dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ như một món quà mà cuộc sống ban tặng cho con người.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 3

Tuân Tử có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta”. Câu nói trên đã đem đến cho con người nhiều những suy nghĩ về lời khen trong cuộc sống.

Lời khen là lời ngợi ca, tán thưởng, khâm phục. Nó thể hiện sự ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm được điều gì đó tốt đẹp. Những lời khen thường mang ý nghĩa tích cực. Đó là lời khen chân tình thật lòng, lời khen đúng chỗ, đúng lúc xuất phát từ sự thực với động cơ lành mạnh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những lời khen mang ý nghĩa tiêu cực, đó là những lời khen xuất phát từ những mục đích không tốt như sự tán thưởng quá lời, xã giao lấy lòng, tâng bốc nịnh bợ… Chính vì điều đó, mà con người cần phải suy ngẫm về ý nghĩa ẩn chứa đằng sau những lời khen.

Trước hết, một lời khen tích cực sẽ mang đến những ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Một lời khen đúng lúc sẽ cho chúng ta có thêm sự tự tin để tiếp tục thực hiện công việc. Không chỉ vậy, lời khen còn giúp người nhận được cảm thấy vui vẻ, phấn khởi hơn. Lời khen thể hiện sự công nhận của những người xung quanh đối với mỗi người. Khi nhận được lời khen, chúng ta nỗ lực để xứng đáng với lời khen đó. Ví dụ như trong học tập, khi một học sinh đạt được thành tích tốt nhận được lời khen của thầy cô, bạn bè sẽ cảm thấy được động viên, tiếp tục nỗ lực học tập hơn. Còn trong công việc, nếu nhân viên nhận được lời khen từ sếp hoặc đồng nghiệp sẽ cảm thấy có động lực để tiếp tục hoàn thành tốt công việc được giao. Nếu như sự nỗ lực và thành quả không được ghi nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chí, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ buông xuôi. Chính vì vậy, lời khuyên giống như một ánh sáng giúp con người có thêm tự tin, sức mạnh để tiếp tục nỗ lực thực hiện ước mơ, mục tiêu.

Nhưng có đôi khi, phía sau những lời khuyên lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa mà con người cần phải suy nghĩ. Đó là những lời khen được nói ra với một mục đích xấu, không xuất phát từ sự chân thành. Một lời khen xấu thường không xuất phát từ thực tế, nó gây ra sự “ảo tưởng” cho người nhận được khen. Điều đó khiến họ tự mãn về bản thân, không tiến bộ được, thậm chí còn chủ quan và dễ dẫn đến sai lầm. Con người đều thích được khen ngợi, bởi vậy nên khi nghe lời khen giả tạo thì chúng ta dễ trở nên kiêu ngạo. Thế mới thấy được rằng, đằng sau một lời khen cũng có thể đem lại những ảnh hưởng tiêu cực.

Với một học sinh cuối cấp như tôi, thì một lời khen chân thành sẽ đem đến nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh giúp tôi vững bước trên con đường chinh phục ước mơ. Ngược lại, tôi cũng ý thức được rằng cần phải tỉnh táo trước những lời khen, hiểu được năng lực của bản thân mình. Đồng thời, tôi cũng sẽ đưa ra những lời khen ngợi đúng đắn để có thể lan tỏa những điều tích cực đến mọi người xung quanh.

Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Lời khen, cũng giống như vàng và kim cương, đáng quý vì nó hiếm”. Và mỗi chúng ta hãy coi lời khen là một món quà thật giá trị, sử dụng đúng lúc và bằng một trái tim chân thành.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 4

Nếu được yêu thương, con người sẽ biết yêu thương và trở nên đáng yêu hơn. Nếu chỉ luôn nhìn vào mặt xấu của một ai đó, điều đó sẽ làm họ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích họ vươn tới những điều tốt đẹp, chắc chắn họ sẽ làm được và sẽ làm tốt hơn. Bởi vậy mà lời khen chính là một điều quan trọng trong cuộc sống của con người.

Trong mối quan hệ con người với nhau khi mà một ai đó mắc phải sai lầm. Điều đầu tiên nên làm là khen ngợi trước khi góp ý. Hành động đó cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc nhổ răng bằng thuốc tê. Bởi khát vọng sâu xa của mỗi con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm.

Không gì ít tốn kém bằng lời khen, lời cảm ơn và lời xin lỗi. Việc gián tiếp góp ý xây dựng những thiếu sót của mình đối với họ sẽ làm cho họ rất cảm kích. Trong khi họ có thể cảm thấy rất khó chịu trước bất kỳ lời phê phán trực tiếp nào. Con người vốn có bản chất kiêu hãnh tự nhiên. Việc ta nói thẳng ra rằng: “Người nào đó đang mắc sai lầm” chính là một sai lầm lớn nhất đối với ta trong các mối quan hệ. Nếu người phê phán khiêm tốn thừa nhận rằng chính họ cũng đã từng phạm lỗi như thế thì có khó khăn gì khi mà ta không nghe về những lỗi lầm của ta.

Việc nhìn nhận sai lầm của chính mình có thể giúp ta thuyết phục người khác thay đổi hành vi của họ. Cố gắng đừng làm người khác bị tổn thương, dù là chỉ một câu nói đùa. Giữ thể diện cho người khác là một điều hết sức quan trọng. Chỉ cần suy nghĩ vài phút, với vài lời nói ân cần, thông cảm là chúng ta đã tránh được việc làm tổn thương người khác và cũng là tránh làm thương tổn chính nhân cách của mình. Làm thương tổn phẩm giá của một con người là một điều không nên.

Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài phát triển, trong đó có con người. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những ngôn từ cộc cằn, hằn học khó nghe, để phê phán người khác. Nhưng lại rất ngần ngại khi tặng họ những lời nói chân tình, tình cảm ấm áp, thông qua lời động viên khen tặng. Mọi người đều muốn được khen, những lời khen phải cụ thể rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai.

Chúng ta đều khao khát được tán thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được như thế. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh hót. Mọi tiềm năng đều nở hoa trong lời khen và héo tàn trong chỉ trích. Chỉ cần một nụ cười ấm áp và một cái vỗ vai thân thiện của ta đã có thể cứu một con người đang bên bờ vực thẳm. Khen ngợi để người khác luôn phấn đấu xứng đáng với lời khen đó. Trong đời thường, cho người khác một thanh danh là quan trọng. Những phê bình một người mà vẫn giữ được danh dự cho người ấy còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.

Nếu muốn khuyến khích một điều gì ở ai đó, ta hãy làm như điều ấy chính là đặc điểm vượt trội của người đó. Họ nhất định sẽ nỗ lực phi thường để trở nên như thế. Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy. Nếu ta nói với ai đó rằng: Họ ngốc nghếch, vụng về hay bất tài… nghĩa là ta đã hủy diệt hầu hết mọi động cơ để họ tiến bộ. Nhưng nếu ngược lại, ta khuyến khích, làm cho sự việc có vẻ dễ dàng hơn, thể hiện sự tin tưởng rằng họ có năng khiếu nhưng chưa được phát triển thì họ nhất định sẽ cố gắng phát triển năng khiếu mà ta đã phát hiện ra hay thậm chí là ta đã gán cho họ.

Ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì, mà ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn bên trong con người họ. Con người dễ có xu hướng thay đổi thái độ nếu chúng ta làm cho họ vui thích thực hiện điều mình được gợi ý. Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để họ thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến họ, chúng ta sẽ làm được.

Khen chê là hai mặt của cuộc sống. Nếu không chê, không phê bình góp ý thì những mặt yếu, mặt tiêu cực khó có thể sửa chữa và phát huy. Nhưng nêu khen mà khen không đúng như vậy đồng nghĩa với sự ta đang chửi khéo họ. Vậy điều quan trọng và cốt lõi ở đây là việc khen chê phải rạch ròi, minh bạch “Đúng người, đúng tội”, nhưng khen và chê như thế nào để người khác tiếp thu được để sữa chưa mà họ vẫn cảm nhận được sự ấm áp tình người từ phía người góp ý đó mới là điều chúng ta nên làm.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 5

Lời khen là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Dù ở bất kỳ độ tuổi hay tư cách nào, con người đều thích những lời động viên, khen ngợi từ người khác. Tuy nhiên, lời khen luôn mang hai mặt.

Lời khen là sự ngợi khen, tán dương, khâm phục của mọi người dành cho một cá nhân. Lời khen chia thành hai loại: lời khen tốt và lời khen xấu. Lời khen tốt xuất phát từ lòng chân thành, không vụ lợi, và là động lực để con người tiến lên. Trái lại, lời khen xấu ẩn chứa mưu đồ và sự giả dối. Đó chỉ là những lời khen giả dối nhằm mục đích lấy lòng hoặc đạt được mục tiêu nào đó. Lời khen giống như một con dao hai lưỡi, có thể khích lệ nhưng cũng có thể làm hại. Bởi vậy, con người cần tỉnh táo khi tiếp nhận lời khen từ người khác.

Có người đã nói rằng: “Người khen ta phải là bạn thân. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ thì là kẻ thù”. Những lời khen chân thành, đúng lúc, đúng nơi sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự tự tin cho người được khen. Khi chúng ta làm điều gì đó tốt, một lời khen kịp thời có thể thêm sức mạnh, niềm tin, lan tỏa niềm vui đến cho mọi người xung quanh. Lời khen tốt là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến, hy sinh và nỗ lực của bản thân, giúp con người có thêm sức mạnh và ý chí để đạt được thành công. Một lời khen tốt có thể truyền động lực cho một học sinh yếu đuối. Một lời khen tốt có thể làm cho người gặp khó khăn muốn hướng về hướng thiện. Một lời khen tốt có thể giúp con người vượt qua mọi thử thách…

Tuy nhiên, không phải lúc nào lời khen cũng mang lại những tác dụng tốt. Lời khen giống như liều thuốc tốt cho tinh thần nhưng đôi khi lại trở thành mối nguy hại vì có thể tạo ra sự ảo tưởng, kiêu ngạo. Những lời khen xã giao, không thực sự chân thành thường mang lại hậu quả tiêu cực. Bản tính của con người thường kiêu ngạo, khiến họ dễ bị kiêu ngạo khi nghe lời khen giả tạo. Có thể cá nhân đó mới chỉ đạt được ít thành công nhưng lại tự cho mình là trung tâm của thế giới, hơn hẳn mọi người.

Không chỉ vậy, sau những lời khen giả tạo còn là áp lực lớn cho người được khen. Vì đã được khen nên họ phải cố gắng để không phụ lòng mọi người, điều này đôi khi khiến họ căng thẳng và sợ hãi. Lời khen giả tạo có thể khiến con người trở nên ảo tưởng, mất đi bản thân.

Tôi đã từng nghe câu chuyện về một tướng tài giỏi, chỉ huy trận nào thắng trận đó. Ông trở thành vua nhưng ít ai khen ông thật lòng. Những đại thần luôn nịnh bợ ông để được thưởng vàng, lụa. Họ nói dối ông rằng sẽ luôn trung thành nhưng rời bỏ ông khi đất nước gặp khó khăn. Đến khi ông nhận ra mình đã mù quáng tin tưởng, đất nước đã rơi vào tay kẻ khác.

Trong cuộc sống, không phải ai cũng nhận biết được lời khen của người khác. Bên cạnh những người biết sử dụng lời khen để thúc đẩy bản thân, cũng có những người dễ bị ảo tưởng hoặc coi thường lời khen. Những tình huống xấu này cần được khắc phục.

Một lời khen có thể đưa con người đến đỉnh cao nhưng cũng có thể đẩy họ xuống vực sâu. Chúng ta cần phải phân biệt được lời khen tốt và lời khen xấu, giả dối. Hãy học cách khen ngợi chân thành, đúng lúc, và lắng nghe lời khen một cách có chọn lọc. Đó mới là cách sống của người hiểu biết và thông minh.

Khi còn học sinh, hãy tỉnh táo trước mọi lời khen. Không nên khiêm tốn quá mức cũng không nên tự kiêu trước lời khen. Hãy luôn trau dồi bản thân để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Lời khen là động lực giúp chúng ta tiến tới thành công và là bài học để mỗi người trưởng thành. Hãy sử dụng lời khen đúng lúc, đúng chỗ như một món quà mà cuộc sống ban tặng.

Nghị luận xã hội về phía sau những lời khen mẫu 6

Quả thật, lời khen là một điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống của con người. Lời khen là lời ca ngợi, tán thưởng, khâm phục, là lời ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm điều tốt. Đa số lời khen mang ý nghĩa tích cực, đó là lời khen chân tình thật lòng, lời khen đúng chỗ, đúng lúc xuất phát từ sự thực với động cơ lành mạnh. Ngược lại, cũng có những lời khen mang ý nghĩa tiêu cực – lời khen xấu, có mục đích không tốt

Lời khen vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Lời khen tốt tạo ra niềm vui, niềm hạnh phúc, thúc đẩy sự phát triển của 1 cá nhân. Điều này sẽ tiếp thêm sự tự tin, tự hào cho người khác và điều tốt này cần duy trì, tiếp tục. Bên cạnh đó, nó còn tiếp thêm động lực để người khác tiếp tục cố gắng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa. Học sinh đạt được thành tích tốt nhận được lời khen của thầy cô, bạn bè sẽ cảm thấy được động viên, tiếp tục nỗ lực học tập hơn. Nhân viên nhận được lời khen từ cấp trên, đồng nghiệp sẽ cảm thấy tự tin hơn, tiếp tục cống hiến cho công việc. Nếu sự nỗ lực và thành quả không được ghi nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chí, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ bỏ cuộc. Nhưng ngược lại, lời khen mang mục đích xấu sẽ có ảnh hưởng tiêu cực. Lời khen không xuất phát từ thực tế sẽ gây ra sự ảo tưởng cho người được khen. Điều này khiến họ tự mãn về bản thân, thậm chí còn chủ quan cho đến khi vấp phải sai lầm sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản và bỏ cuộc

Bởi vậy, con người cần phải ý thức được ý nghĩa phía sau của những lời khen. Ai cũng mong muốn nhận được những lời khen, nhưng phải luôn tỉnh táo để nhận ra đó lời khen mang mục đích tốt hay xấu. Bản thân người nói ra lời khen cũng phải sử dụng một cách hợp lí, đúng mục đích. Cần tránh sự ích kỉ để đưa ra những lời khen mang mục đích xấu. Chúng ta cần ý thức về việc sử dụng lời khen một cách hợp lý.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 12

    Xem thêm