Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay
Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông
Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
- Nghị luận vấn đề: Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ những điều tốt đẹp
- Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm.
1. Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay mẫu 1
Giao thông là vấn đề vẫn được các cơ quan chức năng nhắc đến rất nhiều hiện nay. Đó là việc gia tăng tai nạn giao thông, tắc đường, kẹt xe, xây dựng các công trình đường sá…Tuy nhiên có một vấn đề ngày càng được nhấn mạnh và kêu gọi mọi người ủng hộ là cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta.
Vậy có thể hiểu văn hóa giao thông là gì? Chúng ta vẫn thường nghe đến vẫn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp; nhưng gần đây lại xuất hiện cụm từ “văn hóa giao thông”. Khi nhắc đến văn hóa chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến thái độ cư xử đúng mực, cách giao tiếp giữa mọi người với nhau. Văn hóa giao thông cần phải có sự phối hợp giữa người tham gia giao thông và người quản lý giao thông.
Mọi người tham gia giao thông có văn hóa tức là đi đúng làn đường của mình, không vượt đèn đỏ, không lạng lách đánh võng, nhường đường cho xe ưu tiên. Cách cư xử có văn hóa này sẽ tạo nên môi trường tham gia giao thông lành mạnh và an toàn, hạn chế được sự quá tải cũng như tai nạn giao thông.
Tình trạng nhiều người tham gia giao thông hiện nay không coi luật giao thông ra gì, vi phạm luật nhưng lại vượt luật, gây náo loạn giao thông. Bộ phận này tập trung ở thanh thiếu niên, vì ý thức của họ chưa được nâng cao, không biết cách tự giác, cũng như muốn khẳng định cái “tôi’ của bản thân mình.
Tuy nhiên khi nói đến văn hóa giao thông thì cũng phải nhắc đến những người quản lý giao thông như cảnh sát giao thông, các cơ quan có nhiệm vụ điều tiết giao thông. Việc ban hành những quy định cũng như thắt chặt giao thông cũng cần phải khiến cho dân phục. Điều này cũng xuất phát từ việc xử phạt công bằng, văn minh, không có trường hợp bỏ qua hay nhận tiền hối lộ. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cư xử có văn hóa của những người tham gia giao thông.
Mặc dù quy định được ban ra nhưng không cần nhất thiết phải thực hiện cứng nhắc, khi có thể mềm dẻo thì vẫn có thể mềm dẻo được. Như thế sẽ tạo nên được môi trường tham gia giao thông lành mạnh.
Hiện nay, việc xây dựng các công trình giao thông như cầu vượt, mở rộng đường đang khiến cho tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Để xử lý được vấn đề này cần có sự phối hợp ăn ý và có văn hóa giữa người tham gia giao thông và người điều tiết giao thông.
Một vấn đề về ứng xử văn hóa giao thông chính là “văn hóa xe bus”. Đây là một loại phương tiện công cộng, bởi thế cần xây dựng văn hóa xe bus lành mạnh để mọi người có thể hạn chế sự ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay.
Xây dựng được văn hóa giao thông lành mạnh có tác dụng rất lớn đối với người tham gia giao thông. Khi mọi người đều có ý thức và trách nhiệm thì sẽ tạo nên môi trường lành mạnh, hạn chế tai nạn cũng như mang lại sự trong lành cho những cung đường.
Đối với những người trẻ thì cần xây dựng cho mình thói quen tốt khi tham gia giao thông. Chúng ta đang tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình.
Văn hóa giao thông hiện nay vô cùng cần thiết, nó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn thêm tốt đẹp hơn.
2. Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay mẫu 2
Giao thông đang là vấn nạn lớn của nước ta hiện nay, khiến cho các cơ quan chức năng phải đau đầu. Đó là việc gia tăng nạn kẹt xe, tắc đường tỷ lệ người chết do tham gia giao thông tăng lên đột biến. Trong đó, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông gia tăng, nạn tắc đường ở đô thị kéo dài là do văn hóa ứng xử của người tham gia giao thông.
Văn hóa tham gia giao thông là gì? Đó chính là những hành xử, thái độ khi chúng ta tham gia giao thông. Nó cũng như văn hóa giao tiếp biểu hiện ra bằng hành động cụ thể, bằng lời nói cử chỉ, ánh mắt, biểu hiện trên khuôn mặt con người khi tham gia giao thông.
Nếu như tất cả mọi người khi tham gia giao thông đều có những hành động đúng văn hóa, đúng quy định không vượt đèn đỏ, không lạng lách đánh võng, không đi lên vỉa hè, không vượt quá tốc độ cho phép, đậu xe đúng nơi quy định, những xem ô tô, xe tải chở đúng trọng tải quy định, lái xe không sử dụng chất kích thích, rượu bia thì tình trạng người chết do tai nạn giao thông sẽ giảm.
Nhiều người khi tham gia giao thông đã có thái độ không đúng quy định, không coi trọng pháp luật, thường chở quá tải, lạng lách, vượt đèn đỏ khi bị công an giao thông bắt thì những người này có thái độ chống lại người thi hành công vụ, cãi cọ, thậm chí là đánh lại công an giao thông khi bị bắt giữ xe, phạt hành chính…
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự thiếu văn hóa của người tham gia giao thông, nhất là những bạn thanh niên, ăn chưa no lo chưa tới, thường xuyên muốn chứng tỏ mình với những người xung quanh bằng cách thể hiện tay lái lụa, phóng xe đánh võng trên đường, vượt đèn đỏ, chở quá tải, không đội mũ bảo hiểm… Chính những hành động này của các bạn đã dẫn tới những cái chết thương tâm cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Trong những năm vừa qua nước ta có rất nhiều tai nạn giao thông mà hậu quả của nó làm nhiều người phải nhức nhối mỗi khi nhớ lại. Có những gia đình đi chơi tết khi bị tai nạn không còn ai sống sót. Có những cô dâu chú rể chưa kịp hưởng hạnh phúc thì đã phải đi gặp Diêm Vương trong ngày lễ trọng đại của mình.
Rồi có những gia đình chồng đưa vợ đi sinh nở bị xe tải va phải người vợ thì tử vong tại chỗ em bé trong bụng người mẹ bị văng ra ngoài gãy một chân, người chồng cũng bị xe nghiến phải cụt mất một chân. Một gia đình đáng ra sẽ vô cùng hạnh phúc vì sắp có thêm một thành viên mới. Nhưng cướp đi người mẹ chưa kịp nhìn mặt con mình dù chỉ một lần.
Thật là đau xót biết bao. Để tưởng niệm những nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông và để cảnh báo những người tham gia giao thông đài truyền hình Việt Nam cũng đã có tổ chức một đêm tưởng niệm cho những nạn nhân xấu số trên sóng truyền hình được nhiều khán giả chú ý theo dõi.
Ngoài ra, tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng cũng do cơ chế quản lý của cảnh sát giao thông nước ta hiện nay vẫn chưa được hợp lý lắm. Nhiều tuyến đường đang thẳng bỗng bị bẻ cong chia nhánh, việc phân chia làn đường chưa hợp lý.
Cơ sở hạ tầng dành cho giao thông đường bộ vẫn chưa đáp ứng kịp thời tốc độ tăng trưởng xe cộ, của người dân, dẫn tới tình trạng tắc đường triền miên trên diện rộng, làm cho người dân khó khăn trong việc di chuyển khi tham gia giao thông.
Hệ thống xe công cộng như xe bus thì chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, tuyến xe còn ít, tình trạng móc túi cướp giật khi tham gia xe bus đang là vấn nạn lớn khiến nhiều người hoang mang, chính vì vậy người dân ngại đi xe bus mà chủ yếu sử dụng xe riêng của mình. Thành ra số lượng xe tham gia giao thông ngày càng lớn, khó quản lý, tắc đường là điều dễ hiểu.
Tình trạng người dân địa phương lấn chiếm hành lang, lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán cũng khiến cho tình trạng giao thông của nước ta trở nên trầm trọng hơn, khi mà hai bên đường, vỉa hè quá nhiều hàng quán khiến người đi bộ không có lối đi phải tràn xuống lòng đường để đi.
Một trong những vấn đề quan trọng nữa đó là hệ thống giao thông của nước ta đang có xu hướng bỏ quên người đi bộ. Rất ít quãng đường cắt ngang dành cho người đi bộ sang đường, nếu có thì xe máy và ô tô cũng tràn lên không nhường đường, tình trạng người đi cứ đi, người sang đường cứ sang làm cho tệ nạn tắc đường gia tăng hơn.
Tình trạng người tham gia giao thông xảy ra tranh cãi, gây mâu thuẫn khi tham gia giao thông cũng gia tăng, bởi ai cũng vội, nên gây ra tranh luận cãi cọ, xô xát đánh nhau… Thậm chí nhiều án mạng giết người đã xảy ra chỉ vì những va quệt nhẹ khi tham gia giao thông.
Vì vậy, vấn đề quan trọng của nước ta hiện nay, chính là xây dựng nền văn hóa giao thông nghiêm túc, vững mạnh, hợp lý. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân thấy tác hại của việc thiếu nghiêm túc, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
Đối với người trẻ cần giáo dục cho họ hiểu rõ văn hóa khi tham gia giao thông là thế nào, để họ thấy vai trò, tầm quan trọng của mình khi là một người trẻ mầm non tương lai của đất nước.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.
Bài tiếp theo: Nghị luận về niềm tin vào đạo lý của thanh niên ngày nay