Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm
Những bài văn mẫu hay lớp 12
Văn mẫu lớp 12: Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Kể lại truyện "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân
Nghị luận vấn đề: Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ những điều tốt đẹp
Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm mẫu 1
Cái kết của câu chuyện Tấm Cám luôn gây nhiều tranh cãi đối với dư luận xã hội. Bởi từ một con người mẫu mực như Tấm lại có cách trả thù tàn bạo, độc ác như vậy. Hành động trả thù của Tấm là đúng hay sai, có chứng tỏ rằng sau bao nhiêu sóng gió cô đã trên nên ích kỉ, độc ác hay không? Hành động này có khiến cho bạn có suy nghĩ khác về nhân vật Tấm hiền lành không?
Nhân vật Tấm được khắc họa là cô gái hiền lành, xinh đẹp, chăm chỉ, giỏi giang ở với dì ghẻ và Cám. Cuộc sống của Tấm là chuỗi ngày cay đắng, bị ghẻ lạnh, bóc lột, chửi bới thậm tệ. Nhiều bất công đến với Tấm nhưng cô vẫn câm lặng, nín nhịn, chịu đựng vì gì ghẻ là người cay nghiệt, luôn muốn hành hạ Tấm cho hả giận. Trong gia đình này, Tấm như một người thừa, nói đúng hơn là nô lệ cho hai mẹ con Cám. Cuộc sống ấy hỏi rằng có xứng đáng với cô gái hiền lành, chăm chỉ như Tấm không? Xã hội có lên án hành động và thái độ cư xử của hai mẹ con Cám không. Bởi rằng xã hội phong kiến lúc đó nhiều bất công và nước mắt, kẻ mạnh thì thắng, kẻ yếu thì chỉ mãi không ngóc đầu lên được.
Nhưng dường như cuộc sống của Tấm bước sang một giai đoạn khác từ sau khi trốn mẹ con Cám đi trẩy hội và gặp nhà vua. Tấm được vua cưới về làm vợ, có cuộc sống sung túc đủ đầy. Nhưng trái tim và tấm lòng của Tấm vẫn luôn hiền hậu đối với mẹ con Cám. Còn ngược lại mẹ con Cám ghen ghét, đố kị, và tìm mọi cách hãm hại Tấm. Trong lần về giỗ cha, mẹ con Cám đã bày mưa giết chết Tấm. Trong ngày giỗ cha mà mẹ con Cám vẫn không tha cho Tấm, điều này chứng tỏ rằng họ không còn lương tri nữa. Bất chấp thủ đoạn, bất chấp tất cả để lấy đi hết mọi thứ của Tấm. Cô gái nhẹ dạ cả tin, hiền lương ấy lại bị hai mẹ con giết hại, biến thành chim vàng anh. Còn mẹ con Cám thì vui mừng, hí hửng vào cung, Cám thay Tấm làm vợ vua. Mẹ con Cám đã nhẫn tâm cướp đi hạnh phúc, cướp đi cuộc sống của Tấm. Thật quá đáng.
Tấm sau nhiều lần hóa kiếp thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị đều bị mẹ con Cám tìm mọi cách để “giết” đến cùng. Khi còn sống và khi đã chết, họ đều không tha cho Tấm. Hỏi rằng có hành động nào tàn bạo hơn thế nữa không?
Bởi vậy, chúng ta có thể khẳng định được rằng hành động trả thù của Tấm là nhân quả cho những gì mà mẹ con Cám đã gieo rắc, đã làm với Tấm trước đây. Cái ác là bản chất, nếu nó tồn tại thì còn khủng khiếp hơn gấp trăm vạn lần. Sự phẫn nộ của Tấm đã dồn nén ở cách trả thù. Họ đã ép Tấm phải ra tay như vậy. Không hề quá đáng chút nào.
Tuy nhiên người đọc vẫn có ý kiến rằng hành động trả thù của Tấm là tàn bạo và độc ác, không phải là cô Tấm hiền lành ngày xưa nữa. Nhưng bạn có nghĩ xem cuộc sống của Tấm đã trải qua khổ hạnh như thế nào, kẻ nào làm ra chuyện này, chúng có đáng tội không. Con người không có ai hoàn hảo hết, và Tấm cũng vậy, cũng là một con người bình thường, có áp bức thì có đấu tranh, gieo nhân nào thì gặp quả ấy. Tấm độc ác ở hành động, nhưng mẹ con Cám đã dẫn tới hành động này.
Tấm trải qua bao nhiêu biến cố đã thực sự gan dạ, dũng cảm, thực sự nhận ra được rằng không nên nhẹ dạ cả tin. Cái ác nếu không tiêu diệt thì sẽ vẫn luôn tồn tại ở đó, không hề biến mất. Bởi thế hành động trả thù bằng cách dội nước sôi vào Cám, chặt đầu, làm thành mắm gửi cho gì ghẻ hoàn toàn không có gì sai. Mọi thứ khi đã đi quá giới hạn thì không còn con đường nào khác là tiêu diệt, là trừ khử. Khát vọng muôn đời của mỗi con người chính là vươn lên những giá trị tốt đẹp nhất, và Tấm cũng vậy, cô muốn chính tay mình trừ khử cái ác, không để lại một mầm mống để nảy nở.
Thực ra trong hành động của Tấm đã có chút nhân đạo. Tấm chỉ giết mỗi Cám, còn mụ gì ghẻ thì Tấm không giết. Có thể nói đây là sự trừng phạt cực kỳ lớn dành cho gì ghẻ. Nhớ lại cách trả thù của ông trời trong truyện Thạch Sanh, mẹ con Lý Thông bị ông trời trừng trị. Nhưng ở đây, không phải ông trời trừng trị mà do chính những người đã từng bị áp bức trừng trị. Đây là sự chuyển biến mới và ý thức mới của con người. Chính tay người bị hãm hãi trừng trị người hãm hại là một điều hợp lý. Bởi vậy Tấm không có gì là sai.
Cũng chính hành động này của Tấm đã thức tỉnh mọi người rằng, kẻ ác phải được trừng trị, những tội ác tàn bạo thì cần phải được trừng trị tàn bạo để răn dạy đời, để không được lặp lại nữa.
Như vậy, có thể nói hành động trả thù của Tấm là hành động đáng làm và đáng khen, không hề đáng trách. Con người luôn cần phải biết mạnh mẽ hơn sau nhiều biến cố.
Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm mẫu 2
Tấm Cám là câu truyện cổ tích dân gian quen thuộc đối với mọi thế hệ người Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, mọi đứa trẻ đều từng được bà và mẹ kể cho nghe câu truyện về cuộc đời nàng Tấm xinh đẹp, dịu hiền và đầy đáng thương. Tuy có nhiều dị bản nhưng nội dung cơ bản của cốt truyện không khác biệt nhiều giữa các dị bản, trừ phần kết truyện. Câu truyện kết thúc bằng sự trả thù khá tàn nhẫn của Tấm được lưu truyền với nội dung khác nhau song dù là hình thức trả thù nào cũng không tránh khỏi sự ghê rợn và gây tranh cãi cho người đọc.
Nhân vật chính của câu truyện là Tấm - một cô gái hiền lành, đảm đang nhưng số phận không yên ả. Bố mất sớm, Tấm ở với mẹ kế và Cám. Dù không một lần phản kháng hay cãi lại yêu cầu quá quắt của hai mẹ con Cám nhưng chuỗi ngày tháng sống cùng một ngôi nhà với hai mẹ con dì ghẻ là sự cơ cực, đau khổ và bị chửi bới thậm tệ mà Tấm phải trải qua. Không còn bất cứ quyền lời nào của con người, Tấm trở thành nô lệ cho hai mẹ con. Dưới sự bóc lột và đối xử thậm tệ mà hai người dành cho Tấm, ta chỉ thấy một sự im lặng và cam chịu đến đáng sợ. Tấm không dám phản đối hay đấu tranh cho quyền lợi của mình. Những người xung quanh cũng không lên tiếng để bảo vệ cô. Điều này cho thấy sự bất công và đầy nghịch lí đang tồn tại trong xã hội ấy. Đó là xã hội “thắng làm vua, thua làm giặc”, là xã hội của kẻ mạnh, có quyền, có tiền.
Cuộc sống của Tấm sẽ mãi mãi tiếp diễn trong sự lặng câm đau khổ và chẳng đổi thay nếu như không xuất hiện sự kiện Tấm đi lễ hội gặp được vua. Bắt đầu từ đây, cuộc đời Tấm chuyển sang một trang khác với sự luân hồi chuyển kiếp, hạnh phúc cùng khổ đau đan xen nhau. Từ ngày Tấm được về sống trong cung vua, có quyền, có tiền nhưng cô vẫn vậy, mọi đức tính tốt đẹp vẫn còn nguyên đó. Tấm cũng không mượn thế lực của nhà vua để trả thù hai mẹ con Cám. Vậy nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”, lòng ghen ghét và đố kị đã xóa đi toàn bộ nhân tính trong con người hai mẹ con bà dì ghẻ. Bất chấp thủ đoạn, hai người sử dụng mọi phương pháp, biện pháp nhằm đuổi cùng giết tận số kiếp Tấm. Lừa Tấm về nhà đẻ ngày giỗ cha rồi chặt cây cau cho Tấm ngã chết, sau đó hí hửng để Cám tiến cung. Tấm hóa thành vàng anh về bên người mình yêu thương không bao lâu cũng bị giết. Rồi Tấm chuyển hóa kiếp thành cây xoan đào, khung cửi cũng bị hai mẹ con nhà Cám tìm kế loại bỏ khỏi cuộc đời. Nếu để ý ta sẽ thấy, ở Tấm có sự đáng thương nhưng cùng với đó là sự nhu nhược, cam chịu một cách ngốc nghếch từ kiếp người đầu tiên cho tới khi thành cây xoan đào. Không một lần vùng lên sống vì mình, Tấm cứ để cuộc đời mình bị hãm hại hết lần này đến lần khác. Nhưng đến kiếp khung cửi thì khác. Trong khi Cám đang dùng khung cửi do Tấm hóa thành, khung cửi kêu kẽo kẹt vang lên lời cảnh báo:
“Kẽo cà kẽo kẹt
Lấy chung chồng chị
Chị khoét mắt ra”.
Chính thời điểm này, Tấm đã thể hiện sự vùng dậy của mình. Dù mới chỉ dừng lại ở lời nói, câu đe dọa nhưng có thể thấy, đến đây, ở Tấm có sự chuyển biến rõ rệt. Không một ai biết liệu Tấm sẽ khiến hai mẹ con Cám trả giá ra sao nhưng ít nhất, nó cũng là một điều dự đoán tương lai - khi Tấm trở về trừng phạt tội ác mà hai người kia gây ra cho Tấm. Hơn nữa, lần hóa kiếp thành quả thị cũng hoàn toàn khác so với những lẫn trước. Tấm không còn xuất hiện ở gần hoàng cung hay nơi ở của Cám và mẹ kế nữa để đảm bảo cho sự an toàn của chính mình. Tấm đã biết bảo vệ bản thân trước sự ác độc không còn tính người của bà mẹ kế cùng con gái.
Sau nhiều lần bị hãm hại cùng sự lặng câm hứng chịu mọi thứ, Tấm trở về và đòi lại tất cả. Tấm đã từng rộng lượng, đã từng rất vị tha nhưng sự đuổi cùng giết tận của hai mẹ con dì ghẻ đã đi quá xa sức chịu đựng của một con người. Và Tấm đã dùng hình thức dã man để trừng phạt hai kẻ bất nhân bất nghĩa: lừa Cám tắm nước sôi, dùng xác Cám làm mắm cho dì để bà bị sốc mà chết. Nhiều người cho rằng hành động này đã xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh một cô gái hiền dịu, nhẹ nhàng, trở thành một người độc ác nhưng để xét về hoàn cảnh thực tế, ta sẽ thấy một góc nhìn nhận khác. Có áp bức thì có đấu tranh, Tấm giết hai mẹ con Cám nhưng ngược lại, hai người họ đâu chỉ giết Tấm chỉ một lần? Gieo nhân nào thì gặt quả đấy, hai người đó đã gieo nên nghiệt ác quá lớn nên hậu quả họ gánh lấy cũng cần tương đương với tội ác họ gây nên. Hơn nữa, với tư tưởng làm người cần biết đấu tranh cho hạnh phúc chính đáng của mình, đồng thời luôn đấu tranh diệt trừ cái xấu cho xã hội thêm tốt đến, nhân dân để cho tự bản thân Tấm trừng trị thích đáng những kẻ đáng bị trừng phạt. Bởi nếu để chúng sống, Tấm sẽ lại bị giết hại một lần nữa. Không phải trời đất trừng trị, ở đây là những người bị áp bức đích trừng trị kẻ hãm hại mình để bảo vệ quyền sống chính đáng của bản thân. Điều này là hoàn toàn hợp lí.
Nếu Tấm không để hai mẹ con Cám chết, người ta sẽ luôn phải lo lắng và cho rằng kẻ ác mãi mãi không làm sao cả, cái ác sẽ lấn át cái thiện không sớm thì muộn. Hành động trả thù của Tấm hoàn toàn không đáng trách. Tuy nhiên đối với một câu truyện dành cho trẻ em, những yếu tố như này cũng nên lược bỏ và có thể dùng để giảng dạy vào các bậc học lớn hơn, khi học sinh đã có đủ nhận thức để phân tích và hiểu được dụng ý của dân gian.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Nghị luận văn học về hành động trả thù của Tấm. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.
Bài tiếp theo: Nghị luận về cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta hiện nay