Đề Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
- Đề Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 1
- Đáp án Đọc hiểu văn bản Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 1
- Đề Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 2
- Đáp án Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 2
- Đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 3
- Đáp án đề đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 3
- Đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 4
- Đáp án đề đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 4
Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi giúp các em học sinh ôn luyện thật tốt dạng bài Đọc - hiểu để chuẩn bị bước vào kì thi sắp tới. Mời các em tham khảo!
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.com
Nghiêm cấm sao chép nhằm mục đích thương mại
Đề Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 1
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
Đã có lần tôi muốn nguôi yên
Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng
Nhưng vô ích làm sao quên được
Những yêu thương khao khát của đời tôi.
Tôi thở trong sức gió muôn người
Mùa gió mới nhờ em tôi có lại
Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội
Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya.
Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá.
Ước chi được hoá thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời...
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
(Trích Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi , Lưu Quang Vũ, thơ tình, NXB Văn học, 2002 )
Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Nêu những đặc trưng của thể thơ đó.
Câu 2: Theo em, vì sao tác giả không thể “Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng”?
Câu 3 : HÌnh ảnh so sánh “Đất nước tôi như một con thuyền/Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá” gợi cho em những tình cảm, suy nghĩ gì về đất nước?
Câu 4 : Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ thứ tư và nêu tác dụng.
Câu 5: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
Đáp án Đọc hiểu văn bản Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 1
Câu 1:
- Đoạn trích trên được viết theo thể thơ tự do.
- Đặc trưng của thể thơ tự do: Không có thể thức nhất định, không bị ràng buộc bởi số dòng, số chữ, số vần. Bài thơ có thể là sự kết hợp của nhiều đoạn theo các thể khác nhau hoặc tự do hoàn toàn. Thơ tự do đề cao nhu cầu giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của các quy tắc về hình thức, phản ánh được những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ.
Câu 2:
Tác giả không thể “ Khép cánh cửa lòng mình cho gió lặng ” vì:
+ Cả đất nước đều đang vận động trên đà phát triển. Nhịp sống mới rộn ràng, nô nức lôi cuốn con người.
+ Chính trái tim của tác giả cũng tràn đầy niềm khao khát được hòa nhập nên không thể đứng ngoài những vang động của đời sống.
Câu 3 :
Hình ảnh so sánh “Đất nước tôi như một con thuyền/Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xoá”:
+ Khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của đất nước, con người Việt Nam. Dù phải trải qua nhiều gian nan trong lịch sử nhưng Tổ quốc vẫn như con thuyền căng buồm lướt trên sóng sẵn sàng vượt lên mọi gian khó.
+ Thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Câu 4 : Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ thứ tư và nêu tác dụng.
- Biện pháp nghệ thuật điệp từ được thể hiện qua từ “Để”.
- Từ “Để” được lặp lại bốn lần, đặt ở đầu các dòng thơ có tác dụng làm cách diễn đạt thêm sinh động, nhấn mạnh những mong muốn “ôm trọn vẹn nước non này”, “thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá”, “mát rượi những mái nhà nắng lửa”, “luôn luôn được trở lại với đời” của tác giả. Từ đó, khổ thơ bộc lộ tình yêu quê hương, sự gắn bó với cuộc đời ở nhà thơ.
Câu 5: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
- Dẫn dắt và giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích:
+ Cá nhân là một cá thể riêng biệt với những suy nghĩ, quan điểm, sở thích và hành động riêng.
+ Tập thể là cộng đồng, gồm nhiều cá nhân khác nhau tập hợp lại và hành động vì một mục tiêu chung.
- Mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể:
+ Cá nhân và tập thể là hai trường phái đối lập nhau nhưng lại hỗ trợ nhau phát triển.
+ Mỗi cá nhân không thể tách biệt mà cần dung hòa với nhiều cá nhân khác để tạo nên tập thể vững mạnh. Nếu không biết hòa nhập với nhịp sống cộng đồng, con người cá nhân sẽ trở nên lạc lõng, tụt hậu.
+ Mỗi con người cần giữ gìn bản sắc riêng.
+ Tập thể cũng cần cung cấp các điều kiện để cá nhân phát huy hết năng lực của bản thân.
- Nêu ra bài học, khẳng định ý nghĩa của mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể.
Đề Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 2
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
một con sông chảy qua thời gian
chảy qua lịch sử
chảy qua triệu triệu cuộc đời
chảy qua mỗi trái tim người
khi êm đềm khi hung dữ
một con sông rì rào sóng vỗ
trong muôn vàn trang thơ
làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà
tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt
[…]
máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
nỗi khổ và niềm vui bất tận
luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi
luôn già nhất và luôn trẻ nhất
sông để lại trước khi về với biển
không phải máu đen độc ác của quân thù
không phải gươm đao ngàn năm chiến trận
không phải nghẹn ngào tiếng nấc
sau sụp lở hưng vong say thù hận sóng trào
là bãi mới của sông xanh ngát
là đất đai lấn dần ra biển
là tâm hồn đằm thắm phù sa
dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ
(Trích Sông Hồng, Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr286-288)
Câu 1: Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: Theo đoạn tích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển?
Câu 3: Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?
một con sông rì rào sóng vỗ
trong muôn vàn trang thơ
Câu 4: Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị?
máu ta mang sắc đỏ sông Hồng
nỗi khổ và niềm vui bất tận
Đáp án Đọc - hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 2
Câu 1:
Đoạn trích được viết theo thể thơ: tự do.
Câu 2:
Theo đoạn tích, những điều sông Hồng đã để lại trước khi về với biển: là bãi mới của sông xanh ngát, là đất đai lấn dần ra biển,blà tâm hồn đằm thắm phù sa.
Câu 3:
Vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam qua hai câu thơ “một con sông rì rào sóng vỗ/trong muôn vàn trang thơ”: sông Hồng là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca Việt Nam, góp phần tạo nên nét đẹp, sự phong phú, đa dạng cho thi ca nước nhà.
Câu 4:
Nội dung hai dòng thơ “máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/nỗi khổ và niềm vui bất tận” có ý nghĩa: Sông Hồng như một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dòng nước đỏ phù sa của sông Hồng có vai trò quan trọng như dòng máu đỏ chảy trong con người Việt Nam. Sông Hồng như một chứng nhân lịch sử chứng kiến và cùng con người Việt Nam trải qua những niềm vui, nỗi buồn, những đau thương, mất mát để có được nền độc lập, tự do như hiện nay.
Đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 3
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Gió rừng cao xạc xào lá đổ
Gió mù mịt những con đường bụi đỏ
Những dòng sông ào ạt cánh buồm căng
(…)
Dẫu đêm nay ngọn gió mùa hè
Còn bề bộn một vùng gạch ngói
Lịch sử quay những vòng xoáy gian nan
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa.
Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
(Trích Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Lưu Quang Vũ, Tinh hoa thơ Việt,NXB Hội nhà văn, 2007, tr.313,317)
Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Xác định thể thơ của văn bản trên ?
Câu 2. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung của các dòng thơ:
Đất nước tôi như một con thuyền
Lướt trên sóng những ngực buồm trắng xóa?
Câu 3. Chỉ rõ hiệu quả của phép điệp được sử dụng trong khổ thơ cuối của đoạn trích.
Câu 4. Qua đoạn trích, anh/chị có cảm nhận gì về vẻ đẹp của non sông đất nước?
Đáp án đề đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 3
Câu 1:
- Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
- Thể thơ: tự do
Câu 2:
Hai câu thơ khẳng định bản lĩnh của đất nước, con người VIệt Nam vượt lên trên gian khó để bảo vệ vẻ đẹp tươi của quê hương hôm nay. Con thuyền đó mang theo hi vọng, khát vọng, mang theo niềm tin xây dựng quê hương. Đó là con người phải thật sự có chí, có khao khát để làm nên điều lớn lao.
Câu 3:
- Điệp từ “Để”
- Tác dụng: tăng sức gợi hình, gợi cảm, tạo nhịp điệu cho câu thơ
Nhấn mạnh mong muốn, khao khát trong con người khi muốn góp phần làm đẹp quê hương
Cho thấy khao khát, cho thấy tình yêu quê hương đất nước nồng nàn trong thi nhân
Câu 4: Vẻ đẹp của non sông đất nước rất đáng quý, đáng trân. Mỗi một hình ảnh tươi đẹp của non sông đất nước đều gắn liền với bao khát khao trong con người. Quê hương bình dị, mộc mạc đã in hằn trong tâm trí con người và tạo nên non sông với muôn ngàn vẻ đẹp. Đâu đâu trên đất nước cũng là con người với khao khát dựng xây quê hương và cống hiến vì ngày mai.
Đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 4
GIÓ VÀ TÌNH YÊU THỔI TRÊN ĐẤT NƯỚC TÔI
Anh viết thâu đêm, đánh vật với từng trang
Rồi thao thức không sao ngủ được
Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng đọng khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Seecxpia:
Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường
(Trích”Cho Quỳnh những ngày xa”, Lưu Quang Vũ, Theo Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010)
Thực hiện các yêu cầu sau
Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2: Xác định giọng điệu chủ đạo của đoạn trích.
Câu 3: Đọc đoạn trích và chỉ ra những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ Lưu Quang Vũ về thời gian
Đáp án đề đọc hiểu Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi - Đề 4
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là: biểu cảm.
Câu 2. Giọng điệu chủ đạo của đoạn trích là: cắt nghĩa, lý giải.
Câu 3. Cảm nhận của Lưu Quang Vũ về thời gian:
- Thời gian đã trôi đi thì sẽ không trở lại.
- Thời gian không phải được dô bằng ngày/ tháng/ năm mà thời gian được đo bằng sự gắn bó trong tình cảm của con người và sự cống hiên sức lực, tài năng cho cuộc đời.
--------------------------------------
Ngoài tài liệu trên, mời các em đón đọc các tài liệu bổ ích khác tại Văn mẫu lớp 12, Ngữ văn lớp 12. VnDoc rất vui được trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong quá trình học tập. Chúc các em gặt hái được kết quả cao!