Ôn thi THPT Quốc gia môn Văn: Bí quyết viết mở bài
Ôn thi THPT Quốc gia môn Văn: Bí quyết viết mở bài
Khi gặp phải một đề văn, có lẽ phần mở bài thường khiến nhiều bạn cảm thấy khó khăn nhất. Nhiều bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Hãy tham khảo các cách mở bài sau để có thêm nhiều ý tưởng khi viết văn. Chúc các bạn đạt thành tích tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 môn Văn sắp tới.
Cách viết phần mở bài trong bài văn nghị luận
Cách viết phần kết bài trong văn nghị luận
Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2016
Mở bài là giới thiệu vấn đề cần bàn luận trong bài làm cơ sở cho phần thân và kết bài, đồng thời tạo không khí để thu hút người đọc, bởi vậy mở bài đóng một vai trò rất quan trọng. Không ít bạn cảm thấy "cứng tay" và mất nhiều thời gian cho phần mở bài trong bài văn nghị luận.
Nguyên tắc viết mở bài
Hai nguyên tắc mở bài mà các bạn phải luôn tâm niệm là:
- Nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài.
- Chỉ được phép nêu những ý khái quát về vấn đề cần nghị luận.
Một mở bài hay và đúng cần có các yếu tố sau:
- Ngắn gọn (khoảng 3-4 câu). Phần mở bài quá dài dòng không những khiến bạn mất thời gian mà còn khiến bạn bị ... cạn kiệt ý tưởng cho phần thân bài. Hãy hé mở những gì mình định viết ở phần thân bài thôi nhé.
- Đầy đủ: phải nêu được vấn đề cần nghị luận; phạm vi tư liệu, thao tác nghị luận chính).
- Độc đáo: gây được sự chú ý cho người đọc về vấn đề cần nghị luận bằng cách nêu, cách liên tưởng khác lạ, bất ngờ cho người đọc. Bạn sẽ dễ chiếm cảm tình của người viết nhất bằng cách này, bởi nó làm bạn nổi bật giữa hàng trăm bài văn khác.
- Tự nhiên: ngôn từ giản dị, mộc mạc, tránh sáo rỗng, tránh gượng ép. Điều này sẽ gây cho người đọc cảm giác mơ hồ, khó chịu về sự giả tạo.
Nên nhớ đây là bài thi, nếu phần mở bài bạn lạc đề thì không những mất điểm mà còn mất luôn cảm tình của người chấm đấy!
Cách viết mở bài
1. Xác định vấn đề cần nêu trong mở bài
Bằng cách đặt và trả lời cho câu hỏi: Bài làm cần viết về cái gì? Từ đó xác định kiến thức cần nêu. Hãy dùng bút tô đậm những từ chìa khóa trong đề ra và lấy đó làm từ trọng điểm cho phần mở bài của mình nhé.
Cách xác định vấn đề: Xác định vấn đề bàn luận là điều căn cốt nhất vì nếu xác định sai thì coi như toàn bộ nội dung bài viết sẽ chệch hướng hoàn toàn (lạc đề). Muốn xác định được vấn đề th́ì phải t́ìm hiểu đề bài. Thông thường đề bài có hai dạng:
- Dạng nổi (Lộ thiên): Là dạng đề mà các yêu cầu về nội dung, h́ình thức, cách thức, phương hướng, phạm vi, mức độ nghị luận được nêu ra trực tiếp và rõ ràng trong đề bài. Ở đề bài này vấn đề cần bàn luận đã có sẵn.
Ví dụ 1: Đề bài: Vai tṛò của biển với đời sống nhân loại.
Vấn đề trọng tâm đă được nói rõ ở đề bài đó là khẳng định vai tṛò quan trọng của biển đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Ví dụ 2: Tình yêu với biển đảo quê hương của thanh niên Việt Nam
Vấn đề cần tìm đã rất rõ ràng đó là tình yêu biển đảo của thanh niên Việt Nam.
Lưu ý: Nhiều khi đề có đoạn dẫn rất dài hãy chú ý quan sát để tìm vấn đề được chỉ rõ ngay trong đề. Ở những trường hợp này nhiều đề bài sau khi nêu nội dung (Đoạn trích thơ, văn hoặc nhận định) thường có yêu cầu thí sinh phải làm rõ điều gì đó. Đấy chính là vấn đề cần lý giải.
Ví dụ: Hãy phân tích đoạn Mỵ ở nhà thống lý Pá Tra để thấy được nỗi đau và sức sống tiềm tàng của người phụ nữ mèo vùng Tây bắc.
Ta xác định vấn đề rất nhanh: Thể loại phân tích vấn đề để nêu bật 2 nội dung đề yêu cầu: Nỗi đau khổ và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mỵ
- Dạng chìm: Là dạng đề trong đó người ra đề không cho dữ kiện rõ về các yêu cầu của nội dung cũng như cách thức, phạm vi...nghị luận. Bởi thế người viết phải phân tích, tổng hợp, khái quát nội dung vấn đề từ chính nội dung của đoạn văn, đoạn thơ, hoặc tác phẩm, câu trích...
Ví dụ: Biển đảo quê hương hôm nay với thanh niên Việt Nam
Đề bài đưa ra một vấn đề "nóng" hiện nay, để làm rõ vấn đề cần có suy nghĩ : biển đảo quê hương hôm nay có vấn đề gì ? Vì sao phải đặt vấn đề đó hôm nay ? trách nhiệm của thanh niên với biển đảo...
Học sinh khi đọc đề cần xác định thật rõ ràng những yêu cầu của đề theo hướng:
- Về nội dung cần xem yêu cầu vấn đề cần nghị luận có giới hạn ở đâu? giai đoạn nào? tác phẩm hay đoạn nào? đề tài gì? chủ đề gì ?...
- Về hình thức: quan tâm đến kiểu bài mà đề yêu cầu: Phân tích, bình luận, bình giảng... hay đi kèm 2 kiểu bài hoặc tổng hợp các kiểu ?
2. Xác định cách nêu vấn đề
Bạn có thể viết mở bài theo 1 trong 3 cách sau:
Mở bài trực tiếp (trực khởi): Là cách giới thiệu ngay vào vấn đề cần nghị luận .
Ví dụ: Mở bài cho đề bài: Phân tích bài thơ "Chiều tối" trong tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
"Chiều tối" là một bài thơ trong tập thơ "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh. Bài thơ được Bác sáng tác ngay trên đường bị giải đi từ nhà ngục Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào lúc chiều tàn. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ đã ghi lại bức tranh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người ở vùng rừng núi một cách sinh động.
- Ưu điểm của cách mở bài trực tiếp:
- Đi thẳng ngay vào bài nên tránh được sự lan man, xa đề hoặc lạc đề.
- Dễ vận dụng đối với các học sinh có kỹ năng lập luận yếu.
- + Tiết kiệm được thời gian suy nghĩ cho người viết.
- Nhược điểm:
- Ít tạo được không khí lôi cuốn cho người đọc.
Mở bài gián tiếp (lung khởi): Là cách mở bài đi từ xa đến gần : nêu ra những ý liên quan đến vấn đề cần nghị luận để dẫn đến vấn đề cần nghị luận.
Có 4 cách mở bài gián tiếp :
+ Mở bài theo lối diễn dịch:
Ví dụ: Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là một "bài thơ cuộc đời". Bài thơ được sáng tác năm 1958 nhân một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả. Thông qua một đêm đánh cá của đoàn thuyền lớn trên biển, tác giả ca ngợi kiểu lao động mới mẻ của người lao động tràn đầy lạc quan tin tưởng, làm chủ thiên nhiên, biển cả bao la. Qua bài thơ ta cảm nhận được không khí lao động khẩn trương, hăng say, nhộn nhịp của miền Bắc thời kì xây dựng CNXH.
+ Mở bài theo lối quy nạp
Ví dụ: Cảm nhận về bức tranh xuân trong đoạn trích "Cảnh ngày xuân".
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực...thì vẫn còn mãi mãi với thời gian. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm nghệ thuật như thế, đặc biệt là đoạn thơ viết về Cảnh ngày xuân – một mùa xuân mới mẻ, tinh khôi và giàu sức sống.
+ Mở bài theo lối tương liên. Tìm 1 vấn đề tương tự (đề tài, chủ đề, hình ảnh, tác phẩm...) làm cầu nối so sánh với vấn đề của đề bài để tạo đoạn dẫn.
Ví dụ: Khi đọc Mùa Lạc của Nguyễn Khải ta gặp nhân vật Đào, cô gái có quá khứ đau thương nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ khi đón nhận cuộc sống mới và những con người mới; nhưng đau thương hơn và sự vươn dậy quyết liệt hơn phải kể đến nhân vật phụ nữ trong tác phẩm viết cùng thời của nhà văn Tô Hoài
+ Mở bài theo lối tương phản (đối lập): Tìm 1 vấn đề đối lập tạo thế bắc cầu để giới thiệu vấn đề cần bàn.
Ví dụ: Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn... Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nhân vật văn học nữ tiêu biêu biểu là Mỵ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Nhà văn Tô Hoài.
* Kết cấu của đoạn mở bài theo cách gián tiếp gồm 3 phần:
- Mở đầu đoạn:
- Viết những câu dẫn dắt có liên quan gần gũi với vấn đề chính cần nghị luận.
- Tuỳ nội dung vấn đề cần nghị luận mà người viết lựa chọn câu dẫn dắt có thể là một câu thơ, một câu danh ngôn,hoặc một câu chuyện kể...
- Phần giữa đoạn:
- Nêu luận đề (nếu bình giảng thơ thì thường là nêu ấn tượng bao trùm mang tư tưởng chủ đề mà bản thân cảm nhận được).
- Phần kết đoạn: Nêu phương thức nghị luận và phạm vi tư liệu sẽ trình bày.
Ví dụ: Bình luận về mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và hiện thực cuộc sống . Chứng minh bằng một số tác phẩm văn học.
- Mở bài 1: Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Hãy đến với một số tác phẩm văn học lớn, chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.
- Mở bài 2: Thần thoại Hy Lạp còn để lại một câu chuyện đầy cảm động về chàng lực sĩ Ăngtê và đất mẹ.Thần Ăngtê sẽ bất khả chiến bại khi chân chàng gắn chặt vào lòng đất mẹ Gaia. Có thể ví mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống hệt như quan hệ giữa Ăngtê và đất mẹ vậy. Chưa tin ư, bạn hãy đến với những tác phẩm văn học lớn mà xem.
- Mở bài 3: Trong một lần tâm sự với văn nghệ sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Nghệ thuật phải bắt nguồn từ đời sống, thoát ly đời sống,nghệ thuật nhất định sẽ khô héo".Văn học là một loại hình cơ bản của nghệ thuật. Lời tâm sự trên đã trực tiếp khẳng định mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Phân tích một số tác phẩm văn học lớn, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Cách duy nhất khiến bạn không "cứng tay" khi viết mở bài là luyện tập, luyện tập và luyện tập. Cố lên bạn nhé!