Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình
Những bài văn mẫu hay lớp 11
Văn mẫu lớp 11: Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.
Dàn ý Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: ý kiến: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
Nên tha thứ cho người khác: khuyên nhủ con người sống với đức vị tha, khoan dung với người khác để họ tốt lên và bản thân cũng nhẹ nhàng hơn.
Đừng bao giờ tha thứ cho chính mình: nhắc nhở con người nghiêm khắc với chính bản thân mình, biết suy nghĩ về những hành động, việc làm của mình để hoàn thiện hơn từng ngày.
→ Câu nói nhắn nhủ con người hãy sống với lòng vị tha, nhân văn nhưng cũng không quên nghiêm khắc với bản thân mình để mình tốt hơn từng ngày.
b. Phân tích
Trong cuộc sống, ai cũng sẽ mắc sai lầm, nếu chúng ta sẵn sàng tha thứ, cho họ cơ hội, con đường sửa chữa thì họ sẽ tốt hơn, bản thân ta từ đó cũng sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Đối với bản thân mình, nhất định ta phải nghiêm khắc vì nếu ta buông lỏng thì thì bản thân ta sẽ không thể tiến bộ hơn được và thậm chí còn trượt dài trên những thất bại.
Trau dồi bản thân là việc mà mỗi người ai cũng cần làm nếu muốn có được thành công trong cuộc sống, sống vị tha với người khác và nghiêm khắc với bản thân là việc mà ta luôn cần làm và ưu tiên hàng đầu.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người nghiêm khắc, kỉ luật với chính mình và đạt được thành tựu để minh họa cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Tuy nhiên trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống với tính ích kỉ, nhỏ nhen. Lại có những người quá lười biếng, ỷ lại, không chịu vươn lên để hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn,… Những người này cần phải xem xét lại cách sống của bản thân nếu muốn tốt hơn từng ngày.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: ý kiến: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình mẫu 1
Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm mình buồn rười rượi…
Nhưng bạn đừng nên giữ những điều không vui ấy mãi trong lòng, biết tha thứ để vui sống là điều đáng để chúng ta quan tâm. Ngạn ngữ có câu: “Hãy tha thứ và hãy quên!”, nhưng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm ta đau lòng, thất vọng não nề. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào đi nữa, ta cũng nên học cách tha thứ. Fred Luskin – giáo sư tâm lý đại học Stanford, tác giả quyển sách “Hãy tha thứ vì sự tốt đẹp” – đã khuyên: “Nếu cứ gặm nhấm những nỗi đau và âm ỉ sự phục thù, bạn sẽ bị hao mòn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tha thứ sẽ là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ.
Nếu bạn lỡ không hoàn thành đúng tiến độ công việc, bạn cảm thấy có lỗi, điều đó là đương nhiên nhưng bạn đừng mang trách nhiệm ấy để tạo áp lực triền miên cho mình, rằng mình là người bất tài… Hãy biết dừng lại đúng lúc những điều làm mình không vui, hãy biết cách để tha thứ cho chính mình để có thể tiếp tục những bước đi kế tiếp.
Bạn hiểu lầm và trách oan một đồng nghiệp, khi bạn nhận ra sai lầm ấy bạn đã tự trách mình sao quá hồ đồ, bạn ngượng ngùng tránh gặp người bạn ấy, cảm giác xấu hổ vì tính hẹp hòi, thiển cận của mình không thể xua đi trong thâm tâm bạn… Sao bạn không sớm quên những cảm giác tiêu cực ấy đi.
Tha thứ cho người và quan trọng là tha thứ cho chính bản thân sẽ giúp chúng ta cân bằng trong cuộc sống. Tha thứ và rút ra những bài học cho mình là cách tạo nên sự thanh thản thông minh.
Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình mẫu 2
Đường đi của đời người là một đường thẳng nhưng lại như một sợi chỉ mỏng manh, đường đi ấy cũng là cái ranh giới giữa cái xấu và cái tốt. Bạn chỉ cần sơ ý chệch chân thì sợi chỉ ấy sần sàng hất tung bạn ra khỏi con đường thẳng và dần bạn vào sự vòng vèo, nghệch ngoạc của một con đường khó đi. Vì thế, muốn tự tin tiến tới đích mà mình mong muốn thì bạn chỉ còn cách nghiêm khắc với bản thân và hãy sống chan hòa với những người xung quanh bạn. Nói như Joubert: “Bạn hãy hiền dịu bao dung với hết tất cả mọi người trừ chính mình”.
“Hiền dịu bao dung với mọi người” phải chăng là sự tha thứ cho những lỗi lầm đã qua, là sự giúp đỡ, chia sẻ lần nhau. Vậy tại sao ta không thể hiền dịu bao dung với chính bản thân mình? Phật dạy “Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung”. Khi bạn giúp đỡ được một ai đó, hay bạn tha thứ, bỏ qua cho những ai biết sửa lỗi. Thì bạn sẽ nhận được một tâm lòng chân thật, một sự biết ơn và được mọi người tôn trọng, bởi bạn đã đem cho họ một hạnh phúc lớn “làm cho người khác tốt hơn đó là cách duy nhất làm cho người ta hạnh phúc hơn” (Ampere). Rồi biết đâu trên chặng đường đi tới cái đích của bạn có lúc chao đảo, có lúc ban sắp rẽ vào một “con đường” khác thì những người xung quanh bạn, họ sẽ giúp bạn tìm được cái “hạnh phúc lớn” ấy và kéo bạn trở về với chính bạn. Bạn còn phải biết hòa đồng với mọi thiết lập cho mình những mối quan hệ tốt đẹp. Bởi như thế sẽ giúp bạn lại chuẩn mực của bản thân từ người khác, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều đứng đắn và hiểu biết thêm về xã hội bạn đang sống, qua đó bạn có thể phân biệt được tốt xấu. Nhưng nếu bạn cũng áp dụng sự tha thứ, bao dung cho chính mình thì đó là cách nhanh nhất, tốt nhất để người ta đánh mất chính mình. Trước mỗi con người, đường đời cũng như là một mê cung bắt buộc bạn phải luồn lách để đi qua nó, tất nhiên không phải ai cũng tìm thấy lối, nhất là khi bạn tự khoan dung với chính mình. Bởi khi bạn dễ dàng tha thứ, bỏ qua cho những cái sai của mình thì bạn đã tự tích lũy cho mình một vốn sống không đẹp, tự chấp nhận hành vi sai trái. Rồi cái vốn sống ấy ngày một lớn lên, cái hành vi ấy trở thành thói quen khiến bạn không thể kiểm soát và đến khi đó bạn sẽ không bao giờ quay về được cái mốc ban đầu của mình.
Bao giờ cũng vậy, trong một xã hội luôn có người xấu và người tốt. Nhưng quan trọng là bạn thuộc loại người nào, cuộc sống của bạn sẽ biểu hiện trên lối sống. Cũng như trong một bức tranh với sự kết hợp hài hoà của sắc màu, “bức tranh đó trở nên dễ nhìn và cũng dễ dàng đi vào lòng người xem. Nhưng khi người hoạ sĩ lỡ tay làm lem một vệt màu thì ấn tượng đập vào mắt người xem chính là cái vệt màu bị lem kia, những cái tống thể xung quanh giờ chỉ làm nền cho cái vệt màu nổi trội đó. Vệt màu đó như một cá thể riêng lẻ tồn tại đơn độc, cô lập trong một xã hội bằng phẳng. Con người cũng vậy, mọi người đều yêu thương nhau, sống với nhau bằng tình thương, bằng sự bao dung. Còn bạn, khi bạn không còn thuộc về thế giới của sự chan hòa đó thì cuộc sống của bạn sẽ nổi trội hơn hẳn bởi bạn luôn chịu sự dòm ngó, luôn là trung tâm của sự bàn tán. Rồi con đường mà bạn đi sẽ trở nên khúc khuỷu, khó đi. Để đạt được mục đích chắc hẳn bạn sẽ dễ sai lầm và càng sai lầm hơn. Nhưng bạn vẫn có cơ hội quay lại hòa nhập với cuộc sống trước kia nếu bạn biết dừng đúng lúc, biết sửa chữa ngay khi có thể, và mọi người vẫn đón chào bạn. Để làm được điều đó bạn phải nghiêm khắc hơn với bản thân, phải tự vượt qua chính mình. Sẽ không có ai có thể giúp bạn vượt qua chính bạn ngoài bạn vì “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, và bạn phải tìm cách để loại bỏ kẻ thù lớn ấy.
Để sống được như vậy bạn phải tự giữ mình trong một giới hạn nhất định, biết bảo vệ mình tránh xa những cái xấu, những cái không đúng đắn. Bạn phải xoá đi trong mình những tham vọng về lợi ích riêng, luôn nghiêm khắc trước những lỗi sai của mình, và biết sửa đổi ngay chứ đừng để tật xấu phát tán rồi làm tê liệt phần tốt trong bạn. Ta có thế thấy một tấm gương sáng ngời trong cách sống ấy, đó là Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Người là một Chủ tịch nước nhưng lại sống vô cùng giản dị. Người chẳng cần những cung điện nguy nga đồ sộ, Người chỉ gắn bó với gian nhà sàn nhỏ và đơn sơ. Người sống hòa đồng với mọi người như bao người khác. Người luôn nghiêm khác với bản thân, không bao giờ bị mua chuộc bởi thế lực đồng tiền hay vì lợi ích của cá nhân. Người luôn đặt ra cho mình những chuẩn mực đúng đắn, luôn biết phân biết phải trái, tốt xấu. Cũng chính nhờ cách sống ấy mà Hồ Chủ Tịch đã đưa nước ta tiến tới ngày tự do – độc lập.
Giờ đây khi còn là học sinh, còn gắn bó với những trang sách vở nơi trường lớp, bạn hãy tự rèn luyện tính nghiêm khắc đối với bản thân, đơn giản như trong những giờ kiểm tra, bạn hãy tự làm bài theo sức của mình. Đừng vì chút điểm mà làm hư bản thân bạn, bạn không nên quay cóp hay hỏi bài, vì như thế sẽ tập cho bạn tính phụ thuộc vào người khác. Như vậy sẽ làm bạn mất tự tin, bạn đã quay cóp một lần rồi sẽ có một lần nữa, lần nữa và dần dần bạn sẽ trở nên chủ quan, thụ động và hèn kém.
Còn trong công việc hay trong đời sống, bạn đừng bán đổi danh dự vì địa vị, quyền thế, tiền bạc… Bạn hãy xem những người giàu có kia, quyền thế kia là cái đích để bạn phấn đấu. Đừng nhìn họ bằng còn mắt ghen tị mà hãy nhìn họ bằng con mắt ngưỡng mộ, bạn hãy đi lên bằng chính sức lực của bạn, hãy đặt ra cho mình những mục tiêu nhất định, nhưng những mục tiêu ấy phải là những mục tiêu chính đáng. Chỉ có như thế mới giúp bạn đạt đến đích một cách nhanh chóng và bền vững.
Với bài học sâu sắc về cách sống, sống “hiền dịu bao dung với hết tất cả mọi người trừ chính mình”, câu nói trên mang một ý nghĩa thật to lớn và có giá trị quan trọng cho con đường tu dưỡng đạo đức của mồi con người. Câu nói không chỉ góp phần giáo dục con người mà từ đó, nó giúp định hình nhân cách mỗi cá nhân, xây dựng một xã hội tốt đẹp với những con người biết sống cho người khác và tự chiến thắng bản thân mình.
Vậy ngay từ bây giờ, còn chần chừ gì nữa mà bạn không mở rộng lòng với mọi người để xây dựng một lối sống tốt đẹp. Và bạn hãy tập ngay cho mình một lối sống đúng đắn, đừng để cái phần xấu trong bạn trấn áp phần tốt. Mà hãy dùng phần tốt để xoá dần phần xấu và đó cũng chính là: “Bạn hãy hiển dịu bao dung với hết tất cả mọi người trừ chính mình”
-----------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Nghị luận về ý kiến sau: Nên tha thứ cho người khác nhưng đừng bao giờ tha thứ cho chính mình. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.
Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội về câu nói "Không có áp lực, không có kim cương"