Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa"

Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa" gồm các bài văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa"

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Trần Tế Xương, bài thơ Vịnh khoa thi hương và dẫn dắt vào hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa".

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.

2. Thân bài

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ: hình ảnh người sĩ tử tham gia kì thi được miêu tả với nghệ thuật đảo ngữ, đặt tính từ “lôi thôi” lên đầu câu để nhấn mạnh vẻ ngoài cẩu thả của những “nhân tài tương lai”. Hình ảnh thiếu nghiêm túc này đã phần nào đánh giá được thái độ của con người trước kì thi cũng như gián tiếp phản ánh một xã hội đầy bê bối, mục nát lúc bấy giờ.

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa: một lần nữa, nghệ thuật đảo ngữ, đặt tính từ “ậm ọe” lên đầu câu để nhấn mạnh thái độ, tác phong của quan trường trong kì thi tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Quan lại vốn là những người đã được tuyển chọn kĩ càng trong những nhân tài để đứng ra phụng sự đất nước nhưng trong câu thơ này, hình ảnh “ậm ọe, thét loa” đã giúp ta hình dung ra những viên quan bất tài, quen thói dọa nạt, không có khí chất thậm chí là có phần bần hèn. Hình ảnh này phản ánh thực tế nước nhà ở bối cảnh ấy, nơi mà những người bất tài làm quan lại.

→ Hai câu thơ tuy ngắn gọn được viết theo lối xong hành, đối xứng nhau lột tả một cách chân thực nhất hình ảnh khoa thi của nước ta ở bối cảnh đó. Từ đây gián tiếp nói lên tâm trạng, thái độ quan ngại của tác giả trước những sứ mệnh quan trọng của đất nước và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục nước nhà nói riêng và sự phát triển của tổ quốc nói chung.

3. Kết bài

Khái quát lại nội dung, ý nghĩa của hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa".

Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa" mẫu 1

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Đúng vậy, người tài là những người giúp nước phát triển thịnh vượng, bền vững hơn. Tuy nhiên, hình ảnh sĩ tử trong kì thi chọn nhân tài và hình ảnh quan lại qua bài thơ Vịnh khoa thi hương lại mang đến sự đối lập đáng quan ngại:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa

Trong kì thi quan trọng, vốn mang không khí trang nghiêm nhưng sĩ tử lại lôi thôi, quan trường những người có tiếng nói, có oai phong thì lại ậm ọe. Hai câu thơ tuy ngắn gọn nhưng đã lột tả rõ nét bức tranh kì thi với sự mỉa mai cùng tiếng cười trào phúng, phản ánh một xã hội thối nát.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Hình ảnh người sĩ tử tham gia kì thi được miêu tả với nghệ thuật đảo ngữ, đặt tính từ “lôi thôi” lên đầu câu để nhấn mạnh vẻ ngoài cẩu thả của những vị quan hiền tài của đất nước trong thời gian tới đây. Ngay cả cái ý thức căn bản nhất là ăn mặc trang trọng, phong thái nghiêm túc mà người sĩ tử cũng không có được. Điều này không chỉ phản ánh ý thức của thí sinh mà còn phản ánh sự lỏng lẻo trong cách quản lí của cơ quan nhà nước lúc bấy giờ đối với thí sinh tham gia kì thi hương quan trọng đó.

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa

Một lần nữa, nghệ thuật đảo ngữ, đặt tính từ “ậm ọe” lên đầu câu để nhấn mạnh thái độ, tác phong của quan trường trong kì thi tìm kiếm nhân tài cho đất nước. Quan lại vốn là những người đã được tuyển chọn kĩ càng trong những nhân tài để đứng ra phụng sự đất nước nhưng trong câu thơ này, hình ảnh “ậm ọe, thét loa” đã giúp ta hình dung ra những viên quan bất tài, quen thói dọa nạt, không có khí chất thậm chí là có phần bần hèn. Hình ảnh này phản ánh thực tế nước nhà ở bối cảnh ấy, nơi mà những người bất tài làm quan lại.

Quang cảnh kì thi khiến độc giả liên tưởng đến một phiên chợ khi mà sĩ tử và quan lại lộn xộn, lôi thôi, ầm ĩ, quát nạt. Qua đó, ta thấy được thực trạng xã hội lúc bấy giờ vô cùng lạc loạn, mục nát. Từ đây gián tiếp nói lên tâm trạng, thái độ quan ngại của tác giả trước những sứ mệnh quan trọng của đất nước và cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục nước nhà nói riêng và sự phát triển của tổ quốc nói chung.

Hai câu thơ phản ánh một lát cắt của cuộc sống - nơi mà nhân tài và quan lại trong kì thi giống một kì họp chợ. Qua đây, ta có một góc nhìn chân thật hơn về cuộc sống lúc bấy giờ đồng thời nhìn nhận lại thái độ bản thân với cuộc sống, sống có ý nghĩa hơn, tốt hơn, cống hiến nhiều điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa" mẫu 2

Tú Xương là một nhà thơ gặp nhiều trắc trở trên con đường công danh sự nghiệp của mình. Ông đã nhiều lần rớt khoa thi và bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá. Cũng chính từ những trải nghiệm thi cử của mình, ông đã sáng tác bài thơ Vịnh khoa thi hương để nói về thực trạng thi cử lúc bấy giờ, nổi bật là hai câu thơ:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Hình ảnh sĩ tử chẳng hề mang dáng dấp thư sinh. Biện pháp đảo ngữ lôi thôi sĩ tử vừa nhấn mạnh sự luộm thuộm, không gọn gàng, vừa gây ấn tượng khái quát về hình ảnh những sĩ tử khoa thi này. Họ không có tư thế người đi thi, càng không có tư thế người làm chủ trong kì thi. Hình ảnh sĩ tử trong thơ Tú Xương đã phản ánh sự sa sút về “nho phong sĩ khí”, do sự nhốn nháo, ô hợp của hoàn cảnh xã hội đem lại.

Hình ảnh quan trường xuất hiện với vẻ ra oai, nạt nộ. Cái oai của quan trường là cái oai cố tạo, cái oai “vờ”. Từ ậm oẹ biểu đạt âm thanh của tiếng nói to nhưng bị can trong cồ họng nên trầm và nghe không rõ, nói lên cái oai không thực chất của quan trường. Cùng với biện pháp đảo ngữ ậm oẹ giọng thét loa của quan trường, có thể thấy được sự huyên náo, lộn xộn của cảnh trường thi này. Quan phải thét vì sĩ tử chẳng ai nghe. Sĩ tử không ai nghe nên quan càng phải cố tỏ cái oai vờ nạt nộ.

Cảnh thi cử mất đi sự thiêng liêng, nghiêm túc vốn có mà trở nên lộn xộn, ầm ĩ như họp chợ phần nào đánh giá một xã hội thối nát, mục rữa. Tác giả gián tiếp phê phán thực trạng xã hội bấy giờ vô cùng thâm thúy và hài hước. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và gây ấn tượng sâu sắc với nhiều thế hệ bạn đọc.

Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa" mẫu 3

Kẻ sĩ xưa vốn không “Đề huề lưng túi gió trăng”, “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” như chàng Kim của Nguyễn Du thì cũng "đầu đội trời chân đạp đất" “Chí nam nhi nam bắc tây đông” như Nguyễn Công Trứ. Bởi vậy nên ta thấy lạ lắm, kì lắm cho những chàng sĩ tử trong bộ dạng thế này:

“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”

Những học trò của cửa Khổng sân Trình nhưng chẳng khác nào phường buôn thùng bán mẹt, đầu đường xó chợ. Tú Xương đã dùng phép đảo ngữ để đưa hai từ “Lôi thôi” lên trước, “lôi thôi” là luộm thuộm không gọn gàng. Hai từ ấy tạo ấn tượng về đám sĩ tử bệ rạc, ăn mặc lếch thếch, thật phường giá áo túi cơm hèn mọn, gắng lắm chỉ gánh nổi đôi hạt vừng nói chi đến đội trời đạp đất? Ăn mặc đã vậy, tác phong cũng thật lạ kì: “vai đeo lọ”. Lọ gì? Lọ mực chăng? (Nói đến sĩ tử có lẽ nào lại là lọ nước?) Từ “đeo” khiến dáng vẻ kẻ sĩ thêm nặng nề, kì cục, “đeo” là đeo vật gì nặng nề ra điều khó nhọc, nay đeo lọ mực thì cái dáng vẻ ấy vừa buồn cười lại vừa thêm bội phần luộm thuộm. Lọ mực nhỏ vậy mà đã "đeo" còn bút giấy không hiểu mang vác, khuân ôm thế nào? Ở đây có thể hiểu thêm một ẩn ý sâu xa của nhà thơ: việc học hành, ôn luyện chữ thánh hiền là một việc quá sức với những kẻ ngu ngốc, kệch cỡm như vậy. Nhưng mang mực đi đâu mà phải “đeo” như vậy?

“Ậm oẹ quan trường miệng thét loa”

Nhắc đến quan trường là nhắc đến trường thi. Ra là những sĩ tử kia đi thi. Ta biết rằng việc thi cử trong xã hội xưa là một việc vô cùng quan trọng, cho cả kẻ sĩ, cho cả triều đình, đất nước bởi thi là để chọn ra người hiền tài giúp nước. Bởi vậy, trường thi luôn toát lên vẻ trang trọng, uy nghiêm. Nhưng trường thi này thì khác, đám sĩ tử thì lôi thôi, bệ rạc. Còn đám quan trường coi thi cũng chẳng hơn, “ậm oẹ”, “thét loa”. Tiếp tục dùng phép đảo ngữ, đưa từ “ậm oẹ” lên trước nhà thơ muôn tạo ấn tượng về những bậc quan chưa thấy người mà đã thấy tiếng. Không phải tiếng tăm, danh vọng chi mà là tiếng quan trường “thét loa” (gọi sĩ tử, thông báo, nhắc nhở,... điều gì đó) bằng thứ tiếng thét “ậm oẹ” - tiếng bị cản từ trong cổ họng nghe không rõ. Chỉ riêng từ “ậm oẹ” đã đủ bán đứng tư cách và phẩm giá vị quan trường. Đó là những kẻ "ăn không nên đọi nói chẳng nên lời" vậy sao có thể cai quản việc nước? Âm thanh “ậm oẹ” còn gợi liên tưởng đến tiếng người câm đang cố gào lên điều gì đó. Chỉ khác là ở đây quan trường không gào mà “thét”, “thét loa”. “Thét” để át đi những âm thanh ồn ã, lộn xộn nhộn nhạo hay “thét” để góp thêm vào sự hỗn loạn vốn có. Cái dáng vẻ ấy nhốn nháo thế nào, nó không có được sự nghiêm túc, chỉn chu, trang nghiêm cần có ở một vị quan.

Hình ảnh đám sĩ tử lôi thôi, bệ rạc và lũ quan trường lộn xộn, ồn ã đã gợi đến hình ảnh một buổi thi Hương lúc cuối mùa của Nho học, khi ngày tàn của chế độ phong kiến và thời điểm úa tàn của nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của chủ nghĩa thực dân. Hình ảnh ấy mang giá trị tố cáo sâu sắc, đồng thời nó ẩn chứa một nỗi đau, một tiếng thở dài của Tú Xương.

------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình ảnh sĩ tử và quan trường qua hai câu thơ: “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ/ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa". Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Các bài liên quan tác phẩm:

Bài tiếp theo: Phân tích vẻ đẹp của hai câu thơ sau: "Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm