Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bình giảng bài thơ Chiều xuân

Văn mẫu lớp 11: Bình giảng bài thơ Chiều xuân gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

1. Bình giảng bài thơ Chiều xuân mẫu 1

Bài thơ "Chiều xuân" in trong tập "Bức tranh quê" của nữ sĩ Anh Thơ. "Chiều xuân" được viết theo thể thơ 8 tiếng, gồm có 12 câu thơ, chia đều thành ba khổ thơ.

Bức tranh lụa "Chiều xuân" gồm có ba cảnh; cảnh nào cũng bình dị, thân quen với mọi con người Việt Nam chúng ta. Sau gần bảy mươi năm, người đọc cảm thấy cô gái Kinh Bắc đang đứng bâng khuâng ngắm nhìn cảnh bến đò, dải đường đê và cảnh đồng lúa quê nhà một buổi chiều xuân mưa bụi.

Khổ thơ đầu tả cảnh bến đò. Trời đã ngả chiều, mưa xuân đổ bụi trắng đất trắng trời, nên bến đò trở nên vắng vẻ, không một bóng người khách lại qua: "Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng". Từ láy "êm êm" gợi tả một không gian êm đềm trong làn mưa xuân phơi phới bay". Tạo vật như đang được ướp khí xuân và hương xuân; cỏ cây như đang mở mắt, lạng nghe "mưa đổ bị êm êm", chào đón Chúa xuân đã về.

Bình giảng bài chiều xuân

Con đò chiều mưa được nhân hoá, như một kẻ lười biếng nằm nghỉ, vô tâm và vô tình "mặc nước sông trôi". Ta chợt nhớ đến con đò trong thơ Ức Trai hơn 600 năm về trước:

"Con đò gối bãi suốt ngày ngơi"

(Bến đò xuân đầu trại)

Vì chiều mưa nên quán hàng cũng vắng vẻ. Quán tranh nghèo trên bến đò được nhân hoá như một lữ khách "đứng im lìm" trú mưa đầy tâm trạng. Nhà thơ không nói đến gió xuân mà ta vẫn cảm thấy có nhiều gió thổi. Chữ "tơi bời" gợi lên cảm nhận ấy:

"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng,

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời".

Hoa xoan tím là một nét đẹp của hồn quê xứ sở. Cuối tháng hai đầu tháng ba, xoan ở đầu ngõ, xoan dọc đường bung nở từng chụm, toả hương nồng nàn. Nguyễn Trãi có câu thơ: "Trong tiếng cuốc kêu, xuân đã muộn — Đầy sân mưa bụi, nở hoa xoan" (Cuối xuân tức sự). Trong bài "Mưa xuân" thi sĩ Nguyễn Bính đã viết:

"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy".

Cảnh bến đò với hình ảnh con đò biếng lười, quán tranh im lìm, chòm xoan "hoa tím rụng tơi bời" được Anh Thơ chấm phá một cách tinh tế; hình ảnh nào, hoạ tiết nào cũng có hồn, rất bình dị, thân thuộc, đáng yêu.

Khổ thơ thứ hai nói về cảnh vật ngoài đường đê. Chắc là những dải đê của sông Cầu, sông Thương, sông Đuống? Cỏ xanh là biểu tượng về sắc xuân. Nhiều nhà thơ đã viết rất hay, rất đẹp về cỏ xuân:

-"Phương thảo liên thiên bích" (cổ thi)

- "Cỏ xanh như khói bến xuân tươi" (Nguyễn Trãi)

-"Cỏ non xanh tận chân trời" (Nguyễn Du)

Cô gái Bắc Giang vẫn có một cách cảm nhận riêng, vừa mới vừa đẹp:

"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ"

Chữ "non", chữ "biếc" gợi lên màu xanh ngọt ngào; chữ "tràn" gợi tả vẻ tốt tươi, mơn mởn, căng đầy sức sống, nhựa sống của những thảm cỏ xuân trên đường đê uốn lượn. Cảnh vật không còn "êm êm", "im lìm", "vắng lặng" nữa mà trở nên sống động, có hồn. Từ đàn sáo đen, mấy cánh bướm đến những trâu bò tất cả như đang mang theo bao tình xuân:

"Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa".

Nét vẽ nào cũng sinh động: "sà xuống mổ vu vơ", "rập rờn trôi trước gió", "thong thả cúi ăn mưa". Cánh bướm sặc sỡ không bay mà "trôi", con trâu hiền lành đang gặm cỏ non trên dải đê tưởng "cúi ăn mưa". Chữ dùng của Anh Thơ khá tinh luyện, giàu hình tượng và biểu cảm.

Cảnh thứ hai của bức tranh "Chiều xuân" không còn là tĩnh vật nữa, mà hoạ tiết nào cũng cựa quậy, sống động đầy sức xuân. Các động từ dùng rất đắt: tràn, sà xuống, mổ vu vơ, rập rờn trôi, thong thả cúi ăn mưa. Nhà thơ tả ít mà gợi nhiều; nét nào cũng mang theo sức xuân và tình xuân đầy ý vị. "Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa" là một câu thơ gợi cảm có hình ảnh bình dị đáng yêu đã gợi lên bao nỗi niềm thương mến và tin cậy, làm nhớ lại một lời nguyền xa xưa:

"Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoai đồng trầu ăn"

(Ca dao)

Cảnh thứ ba là đồng lúa, lúa "sắp ra hoa " xanh rờn. Lá lúa như những ngón tay xoè ra đón mưa bụi nên "ướt lặng". Lũ cò con như bầy trẻ nhỏ tinh quái, tinh nghịch "chốc chốc vụt bay ra". Chiều đã xuống dần, "Con cò đi đốn cơn mưa — Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?" (Ca đao). Lũ cò con mong mẹ nên mới "chốc chốc vụt bay ra" hay có tình ý gì? Hình ảnh cô thôn nữ "yếm thắm" nổi bật trên nền xanh ruộng lúa đã làm sáng bừng vần thơ:

"Lũ cò còn chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa".

Cảnh thứ ba có nhiều rung động xôn xao. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật lấy động để tả tĩnh khá thành công, làm nổi bật cảnh "Chiều xuân" nơi làng quê, trong những ngày mưa bụi thật là vắng lặng, êm đềm. Những chiều mưa xuân nơi đồng quê, làng quê ngày xưa vốn thế. Anh Thơ đã giúp những thế hệ độc giả hôm nay và sau này cảm nhận được cảnh vật và không khí thôn dã một thời quá vãng.

Trong "Thi nhân Việt Nam" khi nói về Anh Thơ, nhà văn Hoài Thanh viết: "Sau câu thơ, ta mơ hồ thấy một cái gì: có lẽ là hồn thi nhân". Đọc "Chiều xuân " ta cảm thấy rõ "hồn thi nhân" của nữ sĩ đã trang trải khắp các vần thơ.

"Chiều xuân " cho thấy ngòi bút nghệ thuật của Anh Thơ tinh tế, đậm đà. Cảnh vật được chấm phá, phối sắc hài hoà, ý vị. Có màu tím của hoa xoan, màu biếc của cỏ non, đôi cánh đen của bầy sáo, màu xanh rờn của đồng lúa. Và nổi bật nhất, xinh tươi nhất là chiếc yếm thắm của cô thôn nữ, cô đang cần mẫn cào cỏ trên ruộng lúa "sắp ra hoa".

Anh Thơ sử dụng từ láy tượng hình một cách đắc địa, làm nổi bật cái êm đềm, vắng lặng, xôn xao của cảnh vật trong một chiểu xuân mưa bụi: êm êm, im lìm„vắng lặng, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả.

"Chiều xuân" là một bức cổ hoạ xinh xắn. Không phải cảnh lầu son gác tía, mà là cảnh bình dị, thân thuộc nơi đồng quê, làng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa, là hồn xuân xứ sở. "Chiều xuân " là môt bài thơ hay và đậm đà.

2. Bình giảng bài thơ Chiều xuân mẫu 2

Đọc hồi kí "Từ bến sông Thương " độc giả mới biết chị Anh Thơ viết tập thơ đầu tay "Bức tranh quê " phải giấu bố, viết vụng trộm, ông cụ biết được là phải đòn, vì cụ cho rằng con gái làm thơ chỉ tổ ế chồng, chỉ để viết thư cho giai. Rồi chị cũng viết được ba mươi bài gửi thi ở Tự lực văn đoàn và được giải năm 1939, chính thức bước vào làng thơ. "Bức tranh quê ", đúng như tên gọi, là những bức tranh bằng thơ vẽ lại cảnh thôn quê thời đó, mỗi bài thường là mười hai câu, có kết cấu khá giống nhau, nhưng các chi tiết đều sắc sảo, không trùng lặp. Tập thơ mở đầu bằng các bài về cảnh mùa xuân rồi lần lượt mùa hạ, mùa thu, cuối cùng là mùa đông với các bài thơ Tết. Bài "Chiều xuân " này được in ở đầu tập thơ.

Chọn chiều mưa bụi, Anh Thơ có dịp nói được cái đặc sắc của thời tiết xứ Bắc. Nông thôn ta hồi đó thưa vắng (cả nước hai mươi triệu dân), nền kinh tế tiểu nông càng khép kín xóm làng, cuộc sống yên tĩnh, có phần ngưng đọng. Trong chiều mưa lạnh này, nơi bến sông rìa làng càng tiêu điều vắng vẻ. Một khung cảnh không âm thanh, không sắc màu tươi sáng: mưa rơi rất êm, bến rất vắng, có được con đò thì cũng lười biếng bất động, một quán nước không người. Động đậy một chút chỉ là những cánh hoa xoan tím rụng tơi bời. Nhưng những cánh hoa ấy lại quá nhỏ và nhẹ, nó lẫn với màn mưa rồi cùng chìm vào cái vắng và lặng của trời chiều.

Ba đoạn thơ là ba khung cảnh. Cảnh đầu tiên là bến vắng. Cảnh hai là đường đê. Vẫn làn mưa bụi ấy bay dăng nhưng đã có sự hoạt động: có đàn sáo khi bay khi đậu, có trâu bò gặm cỏ, và những "Cánh bướm rập rờn bay trước gió ". Đoạn thơ có nhiều nét tươi mát và thơ mộng, chứng tỏ người viết biết quan sát và lại có hồn thơ nên cảnh vừa thực lại vừa có cái kì ảo, như câu thơ: "Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa" hay cái sắc "cỏ non tràn biếc cỏ " và "đàn sáo mổ vu vơ". Những ý thơ ấy điểm xuyết cho những câu thơ tả thực, tạo nên cái lung linh sinh động của cảm giác, ảo giác. Có những cảnh bình thường, quen thuộc, hàng ngày ai cũng thấy, qua mắt nhìn Anh Thơ bỗng nhiên mới mẻ đầy kì thú. Nhìn, đã thành một phát hiện. Năng khiếu thơ chính ở chỗ này, nó phải thấy được những gì mà người thường không thấy. Chị tả ông thầy bói:

"Bước gậy lần như những bước chiêm bao".

Và một vệt khói buổi đầu ngày mùa hạ:

"Vươn mình lên như tỉnh giấc mơ say".

Điều đáng quý ở Anh Thơ là chị tìm cảm hứng ngay từ những khung cảnh bình thưòng quanh chị. Chị không mĩ lệ hoá nhưng vẫn tìm được cái đẹp trong sự bình dị. Đoạn cuối bài thơ "Chiều xuân" vẫn là cảnh thường thấy ở chốn quê: cảnh ngoài cánh đồng đang mùa cào cỏ. Bài thơ rất dễ bằng phẳng nếu ở đoạn cuối này không có nét gì đột biến. Nét đột biến ở đây là... một cô nàng yếm thắm, một cái giật mình:

"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa ".

So với cảnh đầu bài thơ, ở đây không gian đã hoạt động hơn, đã có con người làm lụng và cảm xúc, ruộng lúa sắp ra hoa thay vì hoa xoan rụng. Cảnh sắc bớt vắng vẻ, bài thơ có được cái ấm áp của đời thường.

Các bài thơ trong "Bức tranh quê " có chất lượng khá gần nhau, ít cái hay đột xuất, nhưng bài nào cũng ý vị, cho ta thấy hình ảnh của quê hương ta cách đây nửa thế kỉ, thấy cả vẻ đẹp lẫn nỗi nghèo khó, thô thiển của đời sống dân quê.

Sau "Bức tranh quê", Anh Thơ định viết "Bức tranh thành thị", nhưng không thành công. Sống ở quê từ tấm bé, những cảnh sắc quê hương thấm vào chị từ tuổi thơ, nên chị mới diễn đạt cảnh quê bằng nhiều sắc thái chân thật và độc đáo đến thế. Không chỉ quan sát bằng nhìn ngắm mà phải sống với hồn của cảnh vật thì thơ mới tả được cái thân của cảnh. Đọc "Bức tranh quê " không nên đòi hỏi chiều sâu của tư tưởng. Anh Thơ không quen đặt những vấn đề lớn trong thơ, chị thích viết những điều trông thấy quanh mình. Thơ chị hay ở tài quan sát và cố nhiên cũng ở tình cảm của chị đối với làng quê.

3. Bình giảng bài thơ Chiều xuân mẫu 3

Anh Thơ (1921-2005) quê ở Bắc Giang, từ nhỏ bà đã tìm đến văn thơ để giải thoát và tự khẳng định mình. Tháng 8 năm 1945 Anh Thơ hăng hái tham gia cách mạng, nhiệt tình phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước bằng sáng tác thơ ca bà từng là ủy viên ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam, bà đã để lại nhiều tập thơ có ý nghĩa tinh thần và nghệ thuật sâu sắc. Trong đó có bài “chiều xuân” Anh Thơ đã miêu tả một bức tranh quê chiều xuân thanh bình, đồng thời thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình.

Quê hương đất nước là mảng đề tài quen thuộc của giới văn nghệ sĩ, đã có nhiều tác phẩm tuyệt vời ra đời, Anh Thơ là một trong số những nhà văn đó đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng. Cảnh quê hương thanh bình yên ả của một quê hương giàu đẹp được thi nhân đón nhận bằng cả tâm hồn. Trải rộng bài thơ trích trong tập thơ “bức tranh quê” xuất bản năm 1941.

Anh thơ đã chọn thể thơ 8 chữ, gieo vần giãn cách, mỗi khổ có 4 câu là một bức tranh quê êm đềm, thư thái như tâm hồn người phụ nữ:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.”

Nhịp thơ 3/5 chậm rãi, khoan thai với những hình ảnh quen thuộc trong ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam vẫn là bến nước, con sông, con đò, quán nước nhưng có lẽ không phải bên sông có đông người lên xuống mà là một bến vắng, con đò cũng không phải là con đò nối nhịp cầu hai cảng mà là con đò biếng lười, hờ hững để mặt dòng sông trôi xuôi và quán tranh im lìm, vắng lặng trong một chiều mưa xuân . Tất cả cảnh vật như rơi vào tình trạng im ắng tuyệt đối, tất cả như đang mong mỏi một cái gì đó đến từ nơi xa thẳm. Nếu như không có sự chuyển động của nước sông trôi và “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” thì người đọc tưởng như mình đang đối diện với bức tranh xuân tĩnh vật, bức tranh xuân tuyệt đẹp, thật êm ả nhưng cũng thật buồn , chất chứa tâm trạng buồn não nề của chủ thể tôi đang cô đơn, khao khát đợi chờ, hỏi thăm. Khổ thơ như chứa đựng được nỗi niềm của thi nhân.

Ở khổ thứ 2, từ cái nhìn bao quát tác giả đi gần vào với con người và thiên nhiên

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.”

Cảnh chiều xuân được mở rộng hơn sau những ngày băng giá, xuân về cỏ non trở nên tốt tươi hơn “cỏ non tràn biếc cỏ”, điệp từ “cỏ” được lặp lại 2 lần đã khắc họa được cảnh vật thân quen ở nông thôn, cỏ non xanh mơn mởn, sức sống bừng lên mạnh mẽ qua cụm từ “tràn biếc cỏ” trên nền hình ảnh cỏ xuân ấy, chiều xuân hiện ra thật sinh động:“Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” cùng với đàn bò đang gặm cỏ để ăn và cao hơn một chút là: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió”, cảnh vật có động nhưng thật nhẹ nhàng vì đàn sáo đen sà xuống nhưng chỉ mổ một cách vu vơ, vài ba cánh bướm thì lại không bay mà để mặc trôi trước gió, mấy chú trâu bò kia lại cúi thong thả ăn mưa, cách miêu tả của Anh Thơ đã làm cho vật đã tĩnh nay càng thêm tĩnh, càng trở nên mơ hồ, huyền hoặc hơn. Tác giả lại đi vào chỉ tiết hơn ở cánh trong đồng, được Anh Thơ thể hiện trong khổ 3 của bài thơ:

“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.”

Thi nhân tiếp tục khắc họa thêm hình ảnh chiều xuân với “đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng” , có những chú cò con thỉnh thoảng lại tung vụt bay lên giữa mảnh ruộng sắp ra hoa, trên khung cảnh chiều xuân ấy lại có sự xuất hiện thêm bóng dáng của thiếu nữ đang cúi cuốc cào, tưởng chừng như cô gái đang chăm chỉ với công việc, nhưng không tập trung vào công việc của mình nhiều lắm, chỉ cần tiếng cất cánh của đàn chim con” thôi mà cô gái cũng phải giật mình, cái “giật mình” thật đáng suy nghĩ, nàng yếu thắm kia thả hồn về nơi đâu trong tuổi dậy thì mơ mộng với nỗi buồn vu vơ, nàng ngẩn ngơ trước cảnh vật đang rạo rực vào xuân.

Cả bài thơ chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ, mỗi khổ là một bức tranh xuân hợp lại, tạo nên cảnh xuân buổi chiều êm ả, bình yên và tĩnh lặng. Qua thủ pháp lấy động tả tĩnh cảnh sắc tươi tắn, con người mộng mơ, với sự quan sát tinh tế của người con gái phải yêu quê hương tha thiết thì ngòi bút của nhà văn Anh Thơ mới dựng lên được một cảnh chiều mưa xuân đẹp đến như thế.

4. Bình giảng bài thơ Chiều xuân mẫu 4

Anh Thơ (1921-2005) là một nhà thơ xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ, quê gốc ở tỉnh Bắc Giang, tên tuổi của bà xuất hiện trong phong trào Thơ mới với những bài thơ viết về cảnh sắc nông thôn tràn ngập những hình ảnh gần gũi, thân thuộc, gợi được không khí và nhịp sống sôi động nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Anh Thơ được được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Các tác phẩm tiêu biểu của bà là: Bức tranh quê (thơ -1941), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ – 1957), Từ bến sông Thương (hồi kí – 1986)…Bài thơ Chiều xuân là bài thơ được rút từ “Bức tranh quê” – là tập thơ đầu tay của Anh Thơ. Đây là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Anh Thơ, bài thơ là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi mát, thơ mộng và khung cảnh làng quê tĩnh lặng, thanh bình làm cho con người thêm gắn bó với quê hương.

Bài thơ với ba khổ thơ như vẽ nên ba bức tranh về chiều xuân yên ả, thanh bình. Những bức tranh nhỏ ghép lại thành một bức họa lớn về bức tranh thiên nhiên nơi đồng quê miền Bắc nước ta.

Khổ thơ thứ nhất tương ứng với bức tranh thứ nhất, tả cảnh một chiều mưa bụi với những hình ảnh thân thuộc, “bến sông vắng khách”, “quán tranh” và “chòm xoan đầy hoa tím”:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.

Nhà thơ đã dùng cả tâm hồn nhạy cảm của mình để cảm nhận cảnh vật, trong một buổi chiều mưa lạnh nên cảnh vật trở nên tiêu điều, vắng vẻ và có phần xơ xác. Bao trùm cả bức tranh là một vẻ tĩnh lặng gần như là hoàn toàn, nhưng vẫn có sự hoạt động của cảnh vật dù chỉ là sự hoạt động rất nhẹ: “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, các cảnh vật còn lại dường như chỉ lặng im, con đò thì “nằm mặc nước sông trôi”, còn quán tranh thì “đứng im lìm”. Con đò hàng ngày tất bật chở khách thì hôm nay trở nên “biếng lười”, như tỏ vẻ mệt mỏi. Quán tranh trong buổi chiều mưa bụi cũng trở nên vắng lạnh vì thiếu đi sự nhộn nhịp tấp nập tiếng cười, tiếng trò chuyện của khách. Nhưng cơn mưa dù nhỏ, nhẹ nhưng khi kèm theo những cơn gió gió còn vướng hơi lạnh của những ngày cuối mùa đông cũng đủ sức làm cho những chòm hoa xoan tím rụng “tơi bời”. Nhưng có lẽ chính sự tĩnh lặng này đã làm cho bức tranh buổi chiều xuân có chiều sâu của nó, tất cả cảnh vật đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín.

Tiếp đến là khổ thơ thứ hai với bức tranh thứ hai, nếu như ở bức tranh thứ nhất là bức tranh về cảnh vật tĩnh lặng thì ở bức tranh thứ hai dường như đã có sự sống, hoạt động của các loài động vật:

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”.

Con đê ven làng là hình ảnh thân thuộc mà có lẽ ở vùng quê nào cũng có, mùa xuân là mùa của hoa lá, cỏ cây bắt đầu sinh sôi nảy nở, chính vì vậy mà con đường ven đê cỏ non tràn biếc cỏ, câu thơ thể hiện sự tươi mát, xanh non của cảnh vật tràn ngập sức sống của mùa xuân, hai từ cỏ như mở ra trước mắt ta một không gian ngập tràn màu xanh làm tâm hồn ta mênh mang, rộng mở. Trên cái nền xanh tươi ấy là hình ảnh “đàn sáo đen”, là “mấy cánh bướm” và “những trâu bò”, tất cả như một sự điểm xuyết làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn.

Trong bức tranh này các hoạt động cũng trở nên rộn ràng, tấp nập hơn chứ không nhỏ, nhẹ như bức tranh thứ nhất nữa, đàn sáo đen sà xuống mặt đất mổ nhưng chỉ là mổ vu vơ, trước cơn gió xuân ta cảm giác như những cánh bướm không bay mà là đang “trôi’ theo làn gió, đặc biệt là hình ảnh trâu bò “cúi ăn mưa”, tại sao không phải là ăn cỏ mà lại là “ăn mưa”. Đây là một hình ảnh thật sự lãng mạn, mưa xuống những ngọn cỏ còn long lanh nước, ta có cảm giác như không phải là trâu bò gặm cỏ dưới làn mưa bụi mà là đang cúi xuống để gặm những hạt mưa. Bức tranh thứ hai là một bức tranh được nhìn bằng sự lãng mạn của nhà thơ, chính vì vậy nó vừa thực vừa ảo, vừa gợi cảm giác tươi mát vừa gợi sự thơ mộng.

Bức tranh thứ ba được thể hiện qua khổ thơ cuối cùng với sự xuất hiện của con người, đây chính là yếu tố quan trọng làm cho từ một bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh sinh hoạt của con người:

“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.

Một bức tranh dù đẹp đến đâu nhưng nếu thiếu vắng đi bóng dáng con người thì bức tranh cũng thật đơn điệu và kém phần sinh động. Từ bức tranh thứ nhất đến bức tranh thứ ba đã có sự biến chuyển đi từ tĩnh lặng gần như là tuyệt đối đến đã bắt đầu có sự hoạt động của sự vật và ở bức tranh cuối cùng là hoạt động của con người. Giữa cánh đồng lúa xanh rờn và hành động của lũ cò con “chốc chốc vụt bay ra” thì đã xuất hiện hình ảnh của con người đó là “một cô nàng yếm thắm”, cả bức tranh là một sự hòa hợp của nhiều sắc màu, lúa xanh, cò trắng, yếm thắm làm cho bức tranh trở nên sinh động và rất tươi tắn.

Ba bức tranh đã khắc họa nên những cảnh vật khác nhau với những dáng vẻ khác nhau nhưng đó đều là những hình ảnh rất thân thuộc, gần gũi với làng quê nông thôn, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Anh Thơ. Bài thơ mang cho ta cảm nhận về bức tranh thiên nhiên của một buổi chiều xuân êm đẹp, qua đó gợi lên tình yêu quê hương đất nước sâu sắc trong trái tim mỗi con người chúng ta.

5. Bình giảng bài thơ Chiều xuân mẫu 5

Khi phong trào Thơ Mới do các nhà thơ trẻ khởi xướng, trong khung cảnh phôi thai hồi những năm ba mươi đầu thế kỷ 20 – đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của phái Thơ Cũ – gồm những cây bút cựu trào có uy tín trên văn đàn Việt Nam…

Nhưng, sự ra đời của Thơ Mới phù hợp quy luật tất yếu lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam đương đại. Thơ Mới đã nhanh chóng được thế hệ trẻ và người đương thời đón nhận nồng nhiệt. Ngoài ’’Nguyên soái Tao Đàn’’ – Thế Lữ và những ‘’Công thần, Nguyên Lão’’ của ‘‘Thi Đàn – Thơ Mới‘‘, Nữ sỹ Anh Thơ (2) – Cô gái trẻ, tuổi 18 – nặng lòng với thi ca Việt Nam thời đó – bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, hưởng ứng nhiệt thành. Vương Kiều Nữ của thì đàn Việt nam say mê thơ đến độ dấu diếm, trốn Cha làm thơ – điều mà các Kiều nữ danh gia vọng tộc thời xưa bị gia đình ngăn cấm. Cũng vì sự say mê làm thơ, Vương Kiều Ân bỏ học… khi mẹ mất, nàng Vương mới 14 tuổi. Một năm sau nhân một lần đi tảo mộ mẹ… ngay ở nghĩa trang, trên cánh đồng huyện Tiền Hải – (nơi cha đang làm quan) – nàng thơ của thi đàn Việt nam đã bộc lộ thiên phú bằng bài thơ nhớ mẹ. Người đọc nhận ra tài năng của người con gái mà 5 năm sau, ’’cô’’ Vương Kiều Ân cùng bút danh Anh Thơ trở thành ’’Người thư kí thời đại đã lưu giữ được hồn quê Việt Nam’’ trong thơ của mình. Người đọc đương thời sớm nhận ra một tài năng đang ẩn mình nơi thôn dã qua những đoạn thơ nồng nàn tình yêu thương đồng quê:

Buổi chiều thu gió yên mây tạnh

Em vẩn vơ ngắm cảnh đồng không

Chân Trời phớt nhuộm mầu hồng

Lúa xanh lá biếc như lồng bóng mây

Bức tranh chiều khen thay tạo hóa

Lúa xanh xanh sáng tỏ đôi mầu

Mảng vui cảnh đẹp quên sầu

Chim hôm thoắt đã trên đầu kêu sương

Đìu hiu nhẹ gió vương sương tóc

Cảnh thắm tươi mờ xóa phôi pha

Ngậm ngùi em trở lại nhà

Thơ lên điệu thảm, đàn ra giọng sầu

Đây là những vần thơ của cô gái 15 tuổi, mất mẹ, đi viếng mộ mẹ ở tha ma, nằm trên cánh đồng Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái bình vào một buổi chiều thu năm 1934. 5 năm sau, người con gái đó đã lừng lững trên thi đàn Việt nam bằng tập thơ Bức Tranh Quê khiến thi đàn Việt Nam ngỡ ngàng, xửng sốt…

Nhà phê bình cự phách Hoài thanh đã viết trong Thi Nhân Việt Nam về Anh Thơ như sau:’’Anh Thơ từ lâu chỉ chuyên lối tả cảnh mà lại tả những cảnh rất tầm thường; Một phiên chợ, một đứa bé quyét sân, một mụ đàn bà ngồi bắt chấy… có kẻ sẽ cho Anh Thơ là người vô tình. Nhưng có thiếu nữs nào 20 tuổi lại vô tình?…Hẳn người đã tập luyện nhiều lắm mới có thể đi đến cái thản nhiên, cái dửng dưng mà độc giả Bức Tranh Quê ắt phải lấy làm la…’’.

Khi Thơ mới chiếm lĩnh vũ đài, Anh Thơ hăng hái, cổ vũ nhiệt thành. Bà không viết luận chiến hay phát biểu ồn ào, mà bằng ngay những sáng tác tuyệt vời của mình bỏ phiếu cho Thơ Mới. Tập thơ Bức Tranh Quê ra đời được tổ chức văn bút có uy tìn thời đó – Tự Lực Văn Đoàn – tặng giải khuyến khích.

Bức Tranh Quê chỉ có 48 bài, mổi bài – phần lớn 3 khổ – viết theo thể thơ thất ngôn và thơ tự do – tám chữ. (Vì nằm ngoài nguyên tắc của những thể thơ truyền thống nên thơ 8 chữ được thời đó cho là thơ Mới). Cả tập thơ là một bản trường ca về thôn quê Việt Nam trong 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Ðông.

Mở đầu là bài Chiều Xuân – được Hoài Thanh tuyển vào Thi Nhân Việrt Nam năm 1941. Bằng 4 câu miêu tả, hiên ra khung cảnh buổi chiều mùa Xuân trên một bến đò ở thôn quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, miền Bắc Việt Nam – năm xưa:

Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng.

Ðò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan, hoa tím rụng tơi bời.

Ở miền Bắc, mùa xuân ẩm ướt, thường có mưa bụi dân gian gọi là Mưa xuân. Khí trời ấm lại sau hơn 3 tháng mùa Ðông hanh khô, rét ngọt. Mưa nhe khiến cây cỏ, hoa lá, đồng lúa tươi xanh mơn mởn.

Bến đò này nằm trên bờ con sông không qúa lớn nối từ 2 sông Cái (sông mẹ) vào. Mưa xuân kéo dài triền miên nhiều ngày khiến đường lầy lội, người đi lại thưa vắng. Con đò được neo giữ, như kẻ ’’biếng lười’’ nằm mặc nước sông trôi khiến thân đung đưa, vật vã mà chẳng thèm cưỡng lại. Mưa xuân, Trên đường không có người đi lại. Mấy quán hàng mái tranh, trên bến đò – đứng im lìm đón khách.

Trên bờ sông có con đê nhỏ.

Dưới chân đê lưa thưa vài mái tranh nghèo nép bên dưới rặng xoan. Trên cành xoan, đây đó buộc những chiếc tổ sáo do các cậu bé lây phên rổ (rổ bị hỏng, rách) – quân lại, dụ sáo vào đẻ, bắt sáo non về nuôi, dậy sáo nói. Hoa Xoan nở… những chùm hoa Xoan tím thơm hắc… ’’rụng tơi bời’’ xung quanh gốc, vương vải khắp nơi khiến cả một vùng hương thơm ngào ngạt.

Từ bến đò, hướng nhìn lên trên mặt đê, về phía xa xa:

Ngoài bờ đê cỏ non tràn cỏ biếc

Ðàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

Trên bề mặt đê, hai bên lối đi, cỏ non tràn cỏ biếc.

Cỏ non mới nở. Cỏ biếc đã nở được nhiều ngày. Trong vạt cỏ, côn trùng các loại cùng nhau sinh sống. Những con Sáo có đôi mắt tinh tường, có thói quen nhận biết từ cuộc sống của mình nên tìm đến bãi cỏ kiếm mồi về nuôi đàn con đang há mỏ đứng trong miệng những cái tổ – đặt trên các cây xoan gần đó – thò cổ, réo gọi bố mẹ. Nhìn lũ sáo mổ chỗ này, chỗ kia… tưởng chúng mổ vu vơ nhưng thực ra chúng mổ rất trúng con mồi, mắt thường của con người không nhìn thấy.

Thỉnh thoảng cơn gió đông ào tới, những con bướm đang bay bi gió thổi, không chịu được sức đẩy, chúng phải gượng chống… Khi làn gió tan, cánh bướm lại trở về vị trí cũ. Trông cứ như cánh bướm đang nắm trên mặt nước bị sóng xô khiên hình ảnh trở nên rập rờn. Lát sau làn gió cũ tan, gió mới tới, những con bướm đã di chuyển tới vị trí khác và cảnh cũ lặp lại.

Sau vụ cấy, những con trâu kéo cầy kéo bừa mất sức, gầy đi. Giờ đã cấy xong, thư rỗi, người chủ có thời gian rảnh chăm bẵm cho trâu lấy lại sức chuẩn bị cho vụ tới. Chúng được dắt ra bờ đê cho ăn cỏ tươi. Ðối với trâu, bò, cỏ non tươi của mùa xuân chính là bữa tiệc. Trời cư mưa, trâu cừ lăng lẽ liếm vạt cỏ trên đường. Chiêc lưỡi và hai hàm của nó lia liếm, cắt, nhai cỏ, phát ra tiếng sột soạt. Ðứng từ xa nhìn hạt mưa loang loáng rơi bao trùm cậu bé ngồi trên lưng Trâu, trùm kín trong chiến nón và áo tơi lá xòa che cả lưng trâu(3) – cứ tưởng trâu đang ăn mưa.

Ðưa mắt nhìn xuống chân đê: Ðồng lúa xanh tươi. Gio đông thổi lúc nhẹ lúc mạnh. Ðây đó, thỉnh thoảng thấy bóng người mặc áo tơi nón lá, cặm cụi làm việc trên cánh đồng:

Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng

Lũ cò con, chốc chốc vụt bay ra

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm

Cúi cuốc cào, cỏ ruộng sắp ra hoa.

Lúa non. Lá cây được mưa xuân tưới đẵm như kích thích sinh trưởng.

Mới tháng đầu của mùa xuân, lúa đang chớm Thì con gái. Gío nhẹ, đồng lúa như tấm thảm lụa Xanh, được gió đông thổi khiến thảm lúa xanh rờn như làn sóng lúa.

Ðể giúp lúa có đà lớn ra hoa kết hạt đúng thời vụ, nông dân phải làm cỏ ở dưới gốc. Nếu để cỏ phát triển sẽ hút hết chất màu của đất làm lúa chậm lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Công việc này đòi hỏi sự nương nhẹ, khéo tay, bền bỉ – vì cây lúa rất mảnh dẻ nếu đụng mạnh vào gốc, đứt rễ, cây bị thương tích chột đi, ảnh hưởng tới làm đòng – tạo ra hạt lúa mẩy sau này. Công việc làm cỏ dưới gốc lúa đang phát triển – đòi hỏi đức tính kiên trì, tỉ mẩn, cần bàn tay khéo léo, nhe nhàng… cho nên việc cào cỏ chỉ giành cho các mẹ, các chị.

Cũng trong khung cảnh, thời gian lúa đang con gái, lũ chim cò, chim cút thường lẩn dưới gốc lúa tìm mồi. Khi cô nàng yếm thắm đưa chiếc cào cỏ tới gần.., lũ chim sợ, vụt bay lên. Cánh chim quạt gio đập phải lá lúa kêu đánh soạt: Người và chim đều giật mình!

Với 3 khổ thơ, 12 dòng, 96 chữ, Nữ sỹ Anh Thơ đã miêu tả – vẽ Bức Tranh Quê Việt Nam như bức tranh Thủy mạc diệu kỳ. Người đọc Việt Nam ở bất cứ đâu, của bất cứ thời đại nào – cũng đầy cảm xúc vê Mùa Xuân Quê Hương!

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Bình giảng bài thơ Chiều xuân. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc.

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 11 để có thêm tài liệu học tập nhé

Bài tiếp theo: Bình giảng bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm