Câu phủ định

Câu phủ định - Văn 8

Câu phủ định được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các bạn học sinh tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài giảng của học kì mới sắp tới đây của mình.

A. HƯỚNG ĐẪN TÌM HIỂU BÀI

I. Đặc điểm hình thức của câu phủ định

Câu phủ định là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chang phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…

Ví dụ:

  • Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi.

(Nguyễn Dữ)

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch củng người Tràng An.

(Ca dao)

II. Chức năng của câu phủ định

Câu phủ định thường dùng để:

  • Thông báo, xác định không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó, còn gọi là câu phủ định miêu tả.

Ví dụ:

Tôi chưa hề biết trên đời này lại có những chuyện mới lạ như vậy: bên bờ biển có những vỏ sò đủ màu sắc như thế kia, và có được quả dưa hấu ăn cũng phải trải qua bao nhiêu là nguy hiểm.

(Lỗ Tấn)

  • Phản bác một ý kiến, một nhận định, còn gọi là câu phủ định bác bỏ.

Ví dụ:

  • Sao thế? Bác ta mỉm cười bảo – ai mà chẳng có bố.

Em bé nói tiếp một cách khó khăn, giữa những tiếng nấc buồn tủi:

  • Cháu… cháu không có bố.

(G.đơ Mô-pát-xăng)

Câu phủ định bác bỏ bao giờ cũng xuất hiện sau một ý kiến, một nhận xét nào đó đã được đưa ra từ trước.

Do đó, câu phủ định bác bỏ không bao giờ đứng ở vị trí mở đầu đoạn văn.

Tuy nhiên, sự phân biệt giữa câu phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ nhiều khi không được thể hiện ra một cách rõ ràng qua dấu hiệu hình thức. Trong những trường hợp như vậy, cần dựa vào hoàn cảnh để xác định đâu là câu phủ định miêu tả hay là câu phủ định bác bỏ.

Chú ý: Ngoài hai dạng câu phủ định nói trên, còn có câu phủ định của phủ định, sẽ cho ta ý nghĩa khẳng định.

Ví dụ: Không phải là tôi không biết chuyện ấy (Tôi biết chuyện ấy).

B. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này yêu cầu các em xác định câu phủ định bác bỏ trong các câu cho ở bài tập trang 53. Và giải thích vì sao đó là câu phủ định bác bỏ. Những câu phủ định bác bỏ trong các câu văn:

a) Trong đoạn văn này không có câu phủ định bác bỏ, chỉ có câu 2 là câu phủ định miêu tả.

b) Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu!

Đây là câu của ông giáo bác bỏ ý kiến của lão Hạc nhận xét về con chó đã đưa ra trước đó.

c) Không, chúng con không đói nữa đâu.

Đây là câu nói của cái Tí bác bỏ lại điều chị Dậu nghĩ đã đưa ra ở phần văn bản trước đó.

2. Bài tập này nêu hai yêu cầu:

  • Những câu dẫn trong bài tập trang 54 có ý nghĩa phủ định không?

Vì sao?

  • Đặt câu không có từ ngữ phủ định mà có ý nghĩa tương đương bởi những câu đã cho. So sánh những câu mói đặt với các câu đã cho và cho biết có phải ý nghĩa của chúng hoàn toàn giống nhau không?

Những câu trong đoạn trích là những câu phủ định nhưng lại mang ý nghĩa khẳng định, vì đó là dạng câu phủ định của phủ định.

Có thể đặt những câu không có từ phủ định mà vẫn có ý nghĩa tương đương với những câu dẫn trong bài tập:

+ Câu (a) dùng cách nói phủ định của phủ định: không phải là không có: Câu chuyện có lẽ chỉ là một chuyện hoang đường, song vẫn có ý nghĩa.

+ Câu (b) dùng cách nói phủ định của phủ định: không ai không: Tháng tám, hồng ngọc đỏ, hồng hạc vàng, ai cũng đã từng ăn trong Tết Trung thu, ăn nó như ăn cả mùa thu vào lòng vào dạ.

+ Câu (c) dùng từ nghi vấn kết hợp với từ phủ định: ai chẳng: từng một lần nghển cổ nhìn lên tán lá cao vút mà ngắm nghía một cách ước ao chùm sấu non xanh hay thích thú chia nhau nhấm nháp món sấu dầm bán trước cổng trường.

3. Xét câu văn và trả lời câu hỏi

Nếu Tô Hoài thay từ phủ định không bằng chưa thì phải bỏ từ nữa.

Khi đó sẽ là: Choắt chưa dậy được, nằm thoi thóp.

Việc thay thế như vậy làm ý nghĩa của câu văn thay đổi.

+ Từ phủ định không trong câu được hiểu là: Choắt không còn khả năng đứng dậy. Đây là câu phủ định vĩnh viễn.

+ Từ phủ định chưa thay thế được hiểu là: Choắt vẫn còn khả năng đứng dậy được. Đây là câu phủ định tạm thời.

Do đó, câu Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp dùng ở đây là phù hợp với câu chuyện hơn vì sau đó Choắt đã chết.

4. Bài tập này nêu ba yêu cầu:

  • Xác định câu phủ định trong các câu dẫn ra trong SGK, trang 54.
  • Những câu phủ định đó dùng để làm gì?
  • Đặt những câu có ý nghĩa tương đương.

Các câu dẫn ra trong SGK không phải là các câu phủ định vì không có từ phủ định. Tuy nhiên, những câu này được dùng với ý nghĩa phủ định, bác bỏ lại ý kiến đã đưa ra.

Đặt những câu có ý nghĩa tương đương.

a) Không đẹp.

b) Không có chuyện đó.

c) Bài thơ này không hay.

d) Tôi không sung sướng hơn cụ đâu.

5. Bài tập này yêu cầu các em đọc đoạn trích dẫn trong SGK, trang 54 và cho biết: có thể thay quên bằng không, chưa bằng chang được không? Giải thích lí do?

Trong đoạn trích dẫn trong SGK, không thể thay quên bằng không, chưa bằng chang được, vì sắc thái ý nghĩa của các từ này là hoàn toàn khác nhau:

  • Quên: không nghĩ đến, không để tâm đến. Từ này không phải là từ phủ định.
  • Không, biểu thị ý nghĩa phủ định.
  • Chưa: biểu thị ý phủ định đối với điều mà cho đến lúc nói không có hoặc không xảy ra nhưng tương lai có thể xảy ra.
  • Chẳng: biểu thị ý nghĩa phủ định được nhấn mạnh.

Nếu thay từ như trên thì ý nghĩa của câu sẽ thay đổi: không thể hiện được lòng căm thù giặc và quyết tâm giết giặc của Trần Quốc Tuấn.

6. Bài tập này yêu cầu các em viết một đoạn đối thoại ngắn, trong đó có dùng câu phủ định miêu tả và câu phủ định bác bỏ.

(Bài tập này học sinh tự làm).

............................................

Ngoài Câu phủ định. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
3 2.192
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8

    Xem thêm