Công chức chuyển sang viên chức có cần bằng đại học
Công chức chuyển sang viên chức
Chuyển sang viên chức, công chức cần bằng đại học không? Trong bài viết này VnDoc sẽ phân tích rõ điều kiện công chức chuyển sang viên chức và có bắt buộc phải có bằng đại học không?
- 7 thay đổi lớn về lương cán bộ, công chức, viên chức 2021
- 13 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên được đề xuất bỏ
Điều kiện công chức chuyển sang viên chức là gì?
Khoản 9 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức nêu rõ:
Công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật này.
Đồng thời, quá trình cống hiến, thời gian công tác của công chức trước khi chuyển sang viên chức được xem xét khi thực hiện các nội dung liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và các quyền lợi khác.
Theo đó, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, công chức được tiếp nhận vào làm viên chức trong trường hợp:
- Đang là công chức cấp xã, có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí cần tuyển, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc;
- Đã từng là công chức sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội, nghề nghiệp…
Như vậy, theo quy định mới, có 02 đối tượng là công chức sẽ được chuyển sang viên chức. Trong đó, nếu đang là công chức cấp xã thì phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Riêng trường hợp bổ nhiệm để làm viên chức quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thì không phải lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.
Trong khi đó, trước đây, theo khoản 4 Điều 42 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, công chức được điều động về làm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về viên chức như:
- Có quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Việt Nam; Có lý lịch rõ ràng;
- Có đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;
- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái quy định của pháp luật…
Như vậy, theo phân tích trên, có thể thấy, hiện nay, chỉ có 02 đối tượng công chức được chuyển sang viên chức như trên mà không còn trường hợp công chức được điều động sang làm viên chức nữa.
Chuyển sang viên chức, công chức cần bằng đại học không?
Theo phân tích ở trên, chỉ trong 02 trường hợp công chức được tiếp nhận vào làm viên chức. Trong đó, thành phần hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào viên chức được nêu tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 115/2020 gồm:
- Sơ yếu lý lịch viên chức, lập chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận, có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp chậm nhất là 30 ngày trước ngày nộp hồ sơ tiếp nhận;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
Có thể thấy, về điều kiện văn bằng, chứng chỉ, quy định trên chỉ yêu cầu “các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển” mà không yêu cầu rõ người được tiếp nhận vào viên chức phải có bằng đại học.
Theo đó, các đối tượng này chỉ cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của vị trí việc làm cần tuyển mà không bắt buộc phải có bằng đại học.
Ví dụ:
Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên cần phải đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo như sau:
- Giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;
- Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm…
Như vậy, nếu công chức thuộc trường hợp được xem xét tiếp nhận vào làm giáo viên mầm non thì về trình độ đào tạo chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên là được mà không bắt buộc phải có bằng đại học.