Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ năm học 2015 - 2016 là đề kiểm tra học kì I lớp 10 môn Văn nhằm đánh giá chất lượng học sinh nửa đầu năm học. Đề thi môn Văn có đáp án chi tiết đi kèm, giúp các bạn học sinh ôn tập và củng cố kiến thức môn Văn hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng năm học 2015 - 2016
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN THƠ TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÝ TỰ TRỌNG ĐỀ CHÍNH THỨC
| KIỂM TRA HỌC KỲ I, NĂM HỌC 2015 –2016, Tuần 19 Môn: Ngữ Văn - Lớp 10 Thời gian: 90 phút Đề gồm 2 phần trên 01 trang |
I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (3.0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
"Nếu đất mẹ xót xa không thấy biển?
Biển yêu thương che chở suốt ngàn đời
Hồn dân Việt lắng trong hồn sóng biển
Tiếng dân ca còn mặn muối trùng khơi."
(Nếu đất Việt đau thương không thấy biển? – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 1 (0.5 điểm) Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.
Câu 2 (0.5 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 3 (1.0 điểm) Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu hiệu quả biểu đạt của các biện pháp tu từ đó.
Câu 4 (1.0 điểm) Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tình cảm của tác giả thể hiện trong đoạn thơ.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
"Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao."
(Sách giáo khoa Ngữ Văn 10, cơ bản, trang 129)
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 10
Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)
Câu 1. (0.5 điểm)
Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 2. (0.5 điểm)
Nội dung chính của đoạn thơ trên là tình cảm xót xa, nỗi âu lo của tác giả cho vận mệnh của biển, đảo quê hương.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên: biện pháp nhân hóa (đất mẹ xót xa, biển yêu thương che chở, hồn sóng biển); điệp từ "biển" (0.5 điểm)
- Hiệu quả biểu đạt: Bộc lộ, nhấn mạnh tình cảm xót xa, nỗi âu lo của tác giả trước vận mệnh của biển, đảo quê hương. (0.5 điểm)
Câu 4. (1.0 điểm)
HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, chặt chẽ và phải trình bày được suy nghĩ của bản thân về tình cảm của tác giả thể hiện trong đoạn thơ.
Phần II: Tự luận (7.0 điểm)
1. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm bài phân tích tác phẩm văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu cụ thể
a. Đảm bảo cấu trúc bài phân tích (1.0 điểm)
- Điểm 1.0: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và giới thiệu được bài thơ cần phân tích; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của bài thơ; phần kết bài khái quát được vấn đề hoặc liên hệ, mở rộng.
- Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần phân tích (1,5 điểm)
- Điểm 1.5: Xác định đúng vấn đề cần phân tích: Vẻ đẹp về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
- Điểm 0.75: Chưa làm rõ được nét đẹp về nội dung, hình thức của bài thơ.
- Điểm 0: Phân tích bài thơ không chính xác.
c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu luận điểm và phân tích luận điểm ....(3.5 điểm)
- Điểm 3.5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau
- Nội dung
- Hai câu đề: Nhàn thể hiện ở sự ung dung trong phong thái, thảnh thơi, vô sự trong lòng, vui với thú điền viên.
- Hai câu thực: Nhàn là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn danh lợi bon chen, tìm về "nơi vắng vẻ", sống hoà nhập với thiên nhiên để "di dưỡng tinh thần".
- Hai câu luận: Nhàn là sống thuận theo lẽ tự nhiên, hưởng những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không phải mưu cầu, tranh đoạt.
- Hai câu kết: Nhàn có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.
- Từ đó, cảm nhận được trí tuệ uyên thâm, tâm hồn thanh cao của nhà thơ thể hiện qua lối sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên thôn dã.
- Nghệ thuật
- Sử dụng phép đối, điển cố.
- Ngôn từ mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu chất triết lí.
- Ý nghĩa văn bản
- Vẻ đẹp nhân cách của tác giả: thái độ coi thường danh lợi, luôn giữ cốt cách thanh cao trong mọi cảnh ngộ đời sống.
- Lưu ý: HS trình bày được cảm nhận của riêng mình miễn là hợp lý
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
- Điểm 1.5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 1.0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d. Sáng tạo (0.5 điểm)
- Điểm 0.5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng với tâm sự của tác giả.
- Điểm 0.25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng với tâm sự của tác giả.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ chưa thích hợp.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)
- Điểm 0.5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0.25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.