Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2024 (Đề 1)
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn năm 2024 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 9 trong quá trình ôn thi học kì 2 luyện thêm đề môn Ngữ văn lớp 9 có đáp án.
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn có đáp án
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:
- Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
- Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 9.
Sau đây mời các em tham khảo đề thi:
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.
Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
- Em à, anh thích bánh mì cháy mà.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
- Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.
Rồi ông nói tiếp:
- Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
Câu 1(0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5đ): Em hãy đặt nhan đề cho câu chuyện.
Câu 3 (0,75đ): Những lời nói của người cha thể hiện điều gì?
Câu 4 (1,25đ): Nêu ý nghĩa của câu chuyện?
II. Làm văn (7đ)
Câu 1(2đ): Từ ý nghĩa của câu chuyện trên, hãy viết một bài văn nghị luận về bài học mà em rút ra.
Câu 2 (5đ): Phân tích hình ảnh người lính qua hai bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
Hướng dẫn giải đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ văn
Đáp án phần Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ): Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự
Câu 2 (0,5đ): Nhan đề của văn bản: Miếng bánh mì cháy
Lưu ý: Học sinh có thể tự đặt nhan đề theo cách riêng của mình nhưng phải phù hợp với nội dung câu chuyện giáo viên vẫn cho điểm.
Câu 3 (0,75đ):
- Những lời người cha nói với mẹ: thể hiện sự yêu thương, trân trọng người vợ; biết ơn, cảm thông cho những việc vợ làm cho mình dù nó không hoàn hảo.
- Những lời người cha nói với con: đó là những lời dạy bảo con nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhắc nhở con trai hãy trân trọng những việc không hoàn hảo mà người khác dành cho mình. Hãy sống thật bao dung để cuộc đời được thanh thản.
→ Có thể thấy đây là người cha dịu dàng, ấm áp, biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị, chưa hoàn hảo trong cuộc sống mà người khác dành cho mình.
Câu 4 (1,25đ):
Câu chuyện không chỉ nói về tình yêu thương, trân trọng mà người chồng dành cho vợ, người cha dành cho con mà còn thể hiện một triết lí giá trị của cuộc sống: hãy biết yêu thương, trân trọng những điều người khác dành cho mình dù nó chưa hoàn hảo; biết chấp nhận sai sót của người khác vì cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu; hãy yêu quý những người cư xử tốt với mình và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý bài văn nghị luận xã hội: Bài học được rút ra qua câu chuyện
1. Mở bài
Giới thiệu câu chuyện
Tóm tắt ý nghĩa câu chuyện (bao dung, cảm thông và yêu thương)
2. Thân bài
a. Giải thích
Giải thích ý nghĩa câu chuyện: câu chuyện khuyên chúng ta phải biết bao dung trước khuyết điểm của người khác; biết trân trọng những người xung quanh mình và có một trái tim nhân hậu để yêu thương.
→ Đây là một trong những đức tính tốt mà mỗi con người cần rèn luyện
b. Phân tích
- Chúng ta cần sống bao dung, yêu thương, trân trọng người khác vì mỗi người chỉ sống một lần trên đời, hãy bỏ qua khuyết điểm, những điều chưa hoàn hảo của người khác để mỗi ngày đều là những ngày tươi đẹp.
- Khi chúng ta bao dung, yêu thương, trân trọng người khác ta sẽ nhận lại được tình cảm của họ.
- Xã hội có tình yêu thương, sự bao dung, trân trọng nhau là một xã hội văn minh, tốt đẹp.
c. Dẫn chứng
Học sinh tự tìm va lấy dẫn chứng cho bài văn của mình từ 1 - 3 dẫn chứng tiêu biểu.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn những người nhỏ nhen, ích kỉ, chưa biết san sẻ yêu thương; lại có những người hay chỉ trích những lỗi sai của người khác… những người này đáng bị phê phán.
3. Kết bài
Chốt lại vấn đề: biết bao dung, yêu thương, trân trọng người khác là đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và học tập.
Câu 2 (5đ):
Dàn ý bài văn nghị luận về hình ảnh người lính qua bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”
1. Mở bài:
Hình ảnh người lính là đề tài quen thuộc khơi nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ; trong đó có tác giả Chính Hữu với bài thơ Đồng chí và Phạm Tiến Duật với bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
2. Thân bài:
a. Đoạn 1: Giới thiệu về 2 tác giả và 2 bài thơ
- Chính Hữu là nhà thơ trong cuộc kháng chiến chống Pháp…
- Phạm Tiến Duật là nhà thơ nổi tiếng của cuộc kháng chiến chống Mĩ…
- Tác phẩm Đồng chí được sáng tác trong hoàn cảnh…
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được viết….
b. Đoạn 2: Nêu điểm giống nhau của 2 tác phẩm
Đều khắc họa hình ảnh người lính: tuy hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng vô cùng lạc quan, yêu đời.
c. Đoạn 3: Điểm khác biệt đặc trưng của bài thơ Đồng chí
- Những người lính của Đồng chí là những người lính chống Pháp, họ đến với kháng chiến từ màu áo nâu của người nông dân, từ cái nghèo khó của những miền quê lam lũ (Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá).
- Sống giữa chiến trường với tình đồng đội thiêng liêng, người lính chống Pháp nhớ về gia đình với mẹ già, vợ dại, con thơ.
- Chính Hữu dùng bút pháp hiện thực - lãng mạn dựng lên hình ảnh những người lính thời kì đầu của cuộc kháng chiến với nhiều khó khăn thiếu thốn:
"Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày"
- Trong "Đồng chí" của Chính Hữu, nhà thơ đã dựng lên hình ảnh người lính với tình đồng đội thiêng liêng chia sẻ với nhau những khó khăn, cực nhọc của một cuộc sống kháng chiến gian nan, thiếu thốn.
- Đồng chí là hiện thân của vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà sâu sắc. Tình đồng chí được thể hiện thật tự nhiên hòa trong tinh thần yêu nước mãnh liệt và chia sẻ giữa những người bạn với nhau.
d. Đoạn 4: Điểm khác biệt đặc trưng của bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính
- Những người lính của Bài thơ về tiểu đội xe không kính còn rất trẻ; họ phần lớn vừa rời ghế nhà trường, tâm hồn còn phơi phới tuổi xuân.
- Người lính chống Mĩ mang nỗi nhớ của họ là sự vấn vương nơi mái trường, là sự nuối tiếc những trang vở còn tinh tươm.
- Phạm Tiến Duật xây dựng hình ảnh người lính bằng những gì có thực trong cuộc sống chiến đấu gần gũi.
- Trong trái tim chảy dòng máu đỏ của người Việt Nam, những người lính Trường Sơn mang trong mình tinh thần lạc quan, ý chí quyết thắng giải phóng miền Nam cùng tình đồng chí đã hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp.
- Bài thơ về tiểu đội xe không kính là sự khắc hoạ nổi bật của nét trẻ trung, tinh thần lạc quan, dũng cảm với tinh thần yêu thần yêu nước rừng rực cháy trong tim. Khát vọng và niềm tin của họ được gửi vào những chiếc xe không kính, thứ đưa họ vượt dãy Trường Sơn thẳng tiến vì miền Nam yêu dấu.
e. Đoạn 5: tổng kết lại 2 tác phẩm
- Nêu nội dung và nghệ thuật chính của 2 tác phẩm
- Khái quát điểm chung của 2 tác phẩm
- Khái quát điểm riêng của 2 tác phẩm
3. Kết bài:
- Hình ảnh người lính hiện lên thật đẹp đẽ, họ chính là biểu tượng, là niềm tin, khát vọng của nhân dân gửi gắm.
- Những nét khác biệt còn thể hiện từng phong cách riêng của mỗi tác giả trong phương thức thể hiện làm giàu, làm đẹp thêm cho vườn hoa nghệ thuật nước nhà.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:
- Bài tập đọc hiểu lớp 9 môn Ngữ văn
- 10 đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ ôn thi vào lớp 10
- Giáo án bài Ánh trăng
- Phân tích bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật
Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Luyện thi lớp 9 lên lớp 10.
Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 2 lớp 9 môn Ngữ Văn năm 2024. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi của mình.