Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi khảo sát lớp 10 trường THPT Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc môn Ngữ văn

Đề thi khảo sát lớp 10 trường THPT Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc môn Ngữ văn được Vndoc.com giới thiệu với các bạn dưới đây, chúc các bạn làm bài thật tốt.

Đề thi khảo sát lớp 10:

SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT YÊN LẠC

ĐỀ THI KHẢO SÁT KHỐI 10
Năm học: 2012 - 2013

MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài:
150 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2 điểm):

Suy nghĩ của anh/chị về chữ “thẹn” trong bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Câu 2 (3 điểm):

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.

Câu 3 (5 điểm):

Sức cảm thông lạ lùng” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với những khổ đau và khát vọng của con người qua hai đoạn trích “Trao duyên” và “Nỗi thương mình”( trích Truyện Kiều).

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI:

Câu 1:

- Thẹn: là cảm xúc xấu hổ với người hoặc với mình khi chưa được bằng người khác hoặc chưa làm được điều mình trông đợi.

- Trong bài thơ, “thẹn” chỉ cảm xúc của tác giả. Phạm Ngũ Lão xấu hổ khi nghe chuyện Vũ Hầu – tức Gia Cát Lượng, vị quân sư tài giỏi đã giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán. Có lẽ tác giả thấy mình chưa lập được sự nghiệp lớn lao, chưa giúp đỡ được nhiểu cho vua, cho đất nước như Vũ Hầu. Vì thế mà tác giả thấy thẹn với người đời, với chủ tướng Trần Hưng Đạo với chính mình. Đây là cái thẹn của một nhân cách lớn.

- Nói thẹn với Vũ Hầu chính là gián tiếp muốn lấy Vũ Hầu là tấm gương để nỗ lực noi theo. Vì thế, câu thơ có thể hiểu là lời thề suốt đời tận tụy, suốt đời phấn đấu vì chủ tướng. Đằng sau chữ “thẹn” là khát vọng lập công lớn lao, là lẽ sống cao đẹp của trai thời loạn.

- Từ xuất thân bình dân, Phạm Ngũ Lão đã lập được những chiến công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên và công cuộc bảo vệ biên giới phía Nam. Ông đã sống một cuộc đời không phải hổ thẹn với bất cứ ai bởi lẽ ông đã có những cảm xúc “thẹn” rất đáng quý, đáng trọng đến như vậy.

Câu 2:

1. Giải thích:

Câu tục ngữ thật ngắn gọn nhưng đã sử dụng cách nói so sánh. So sánh thất bại – không đạt đựơc mục đích, với thành công- thực hiện đựơc mục đích đề ra. Lời nói trên mới nghe như chứa một mâu thuẫn. Nhưng nếu giải thích ta có một ý nghĩa rất thực tế. Thất bại là kết quả xấu, là thiệt hại, hư hỏng. “Mẹ” ở đây có ý nói là lớn, là đầy hiệu lực. Đó là một lời khuyên để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không nản trước khó khăn thất bại. Nếu biết học tập rút kinh nghiệm thì “thất bại” sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn.

2. Bàn luận:

- Thất bại là khi con người không đạt được mục đích của mình. Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có lần thất bại trong công việc. Công việc càng khó khả năng thất bại càng nhiều.

- Tuy nhiên, có thất bại thì ta càng có kinh nghiệm. Mỗi lần thất bại là một lần rút ra bài học để sửa đổi( lối suy nghĩ, cách làm viêc…), từ đó giúp ta tiến gần đến thành công.

- Con người có được những thành công trong cuộc sống chính là đi từ những thất bại. Những thành công có được sau những thất bại thường có giá trị chắc chắn, vững bền đem lại cảm giác hạnh phúc thực sự cho con người.

- Không phải thất bại nào cũng dẫn đến thành công. Vấn đề là ở chỗ con người thu hoạch được điều gì sau mỗi lần thất bại. Yếu tố quan trọng vẫn là nghị lực và trí tuệ của con người.

- Trên thực tế cũng có những người thành công dễ dàng, và dường như chưa bao giờ thất bại. Tuy nhiên đó không phải là số nhiều.

3. Bài học nhận thức và hành động:

- Rèn luyện ý chí và không nản lòng trước thất bại. Xem thất bại là thử thách đối với con người.

- Cũng không nên lấy câu nói này để chỉ tự an ủi mỗi lần thất bại trong học tập và trong công việc. Phải biết biến “ thất bại” trở nên “ người mẹ ” của thành công.

Câu 3:

1. Giải thích vấn đề:

- Sức cảm thông lạ lùng: Lời nhận xét rất đúng đắn thể hiện tập trung tư tưởng nhân văn sâu sắc, mới mẻ của tác giả. Nguyễn Du nhập thân vào Kiều, sống trong cảnh ngộ và tâm trạng của Kiều để rồi có niềm cảm thông đặc biệt, hơn người và hơn đời với nàng..Ông đã cảm thương trước bi kịch của Kiều, khẳng định nhân cách đẹp đẽ của nàng, khẳng định sự ý thức về nhân phẩm và sự ý thức cá nhân. Nói như Mộng Liên Đường chủ nhân là từng câu thơ ở đây như có máu rỏ trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, như có nước mắt của nhà thơ thấm qua trang giấy. Dẫu có bao lớp bụi thời gian phủ lên nhưng những giọt nước mắt nhân tình ấy không khi nào ráo được

- Sức cảm thông lạ lùng: xuất phát từ một trái tim lớn, giàu lòng yêu thương.

2. “Sức cảm thông lạ lùng” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với những khổ đau và khát vọng của con người qua từng văn bản:

* Trong Trao duyên: Bi kịch tình yêu tan vỡ và khát vọng hạnh phúc của Kiều:

- Nặng lòng với lời thề, vì lo cho Kim Trọng, Thúy Kiều thuyết phục em để nối “ tơ thừa”, cũng là để mong lòng được thanh thản, yên tâm, dù có phải chết. Nhưng khi trao kỉ vật tình yêu, trong nàng có sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, mâu thuẫn giữa lời nói ban đầu và tâm trạng hiện tại, cõi lòng đầy nuối tiếc, xót xa. Nàng không quên được Kim Trọng, vẫn mang nặng lời thề và không nguôi khao khát tình yêu, hạnh phúc.

- Đối diện với hiện tại là đối diện với sự mất mát, đổ vỡ, lỡ làng với bao xót xa, đau đớn. Nhưng nàng vẫn không quên quá khứ ngày nào với bao hạnh phúc. Nàng oán thán số phận bac bẽo và luôn tự dằn vặt, thấy mình có lỗi, là người phụ bạc.

- Trao duyên xong, dường như trong nàng càng dằn vặt, đau khổ và tuyệt vọng hơn bởi nàng cảm nhận rõ hơn sự mất mát: mất Kim Trọng, mất hạnh phúc, mất tương lai.

→ Nguyễn Du nhập rất sâu vào nội tâm nhân vật, thấu hiểu và cảm thông tâm trạng phức tạp mâu thuẫn của Kiều. Từ đó giúp người đọc cảm nhận được một nàng Kiều giàu đức hi sinh với nhân cách cao thượng.

* Trong nỗi thương mình: Bi kịch về nhân phẩm bị chà đạp và khát vọng sống trong sạch. Đoạn trích cho ta thấy tình cảnh trớ trêu, đau đớn của Thúy Kiều khi phải sống ở lầu xanh.:

+ Thương mình cô đơn giữa chốn nhơ nhớp “ cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”…

+ Thương mình đến đau đớn khi nghĩ về thực tại phũ phàng, “ tan tác như hoa giữa đường”… Nàng chua chát, tủi hổ, bẽ bàng cho thân phận của mình.

+ Thương mình phải “vui gượng”, bởi “ ai tri âm đó mặn mà với ai”. Nỗi sầu từ lòng người lan tỏa lên cảnh vật.

→ Nhà thơ cảm thương trước bi kịch của nàng Kiều, khẳng định nhân cách đẹp đẽ của nàng, khẳng định ý thức về nhân phẩm và khát vọng được sống là mình, đúng nghĩa con người của nàng Kiều.

3. Đánh giá chung

- Cả hai đoạn trích đều cho ta hiểu rõ về thân phận của người phụ nữ, của những người “ tài sắc bạc mệnh” trong xã hội xưa.

- Cả hai đoạn trích đã thể hiện sự thành công ở việc sử dụng từ ngữ chọn lọc, biện pháp ẩn dụ, câu hỏi tu từ, ngắt nhịp, đối, sử dụng cách nói ước lệ…;

- Thề hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật.

→Tấm lòng đồng cảm, xót xa của Nguyễn Du trước cảnh ngộ của con người là tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lớp 10

    Xem thêm