Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi KSCL đội tuyển HSG Ngữ văn 12 năm 2018 - 2019 trường Yên Lạc 2 - Vĩnh Phúc

Đề thi KSCL đội tuyển HSG Ngữ văn 12 năm 2018 - 2019

VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Đề thi KSCL đội tuyển HSG Ngữ văn 12 năm 2018 - 2019 trường Yên Lạc 2 - Vĩnh Phúc. Với bộ câu hỏi bài tập gồm 2 câu, thời gian làm bài 180 phút. Mời các bạn học sinh tham khảo.

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT YÊN LẠC 2

KÌ THI KSCL ĐỘI TUYỂN HỌC SINH GIỎI KHỐI 12

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2018 - 2019

Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian giao đề.

Đề thi gồm: 01 trang.

Câu 1: (3,0 điểm)

Thomas Carlyle cho rằng:

Những giá trị bên ngoài rồi sẽ biến mất, những giá trị sâu bên trong vẫn luôn như vậy, ngày hôm qua, ngày hôm nay và mãi mãi.

Anh/chị hãy viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2: (7,0 điểm)

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ .

(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu và “Việt Bắc” của Tố Hữu.

Đáp án Đề thi KSCL đội tuyển HSG Ngữ văn 12

A. YÊU CẦU CHUNG:

- Giám khảo cần nắm chắc phương pháp và nội dung bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

- Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của hướng dẫn chấm, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ:

Câu

Ý

Nội dung trình bày

Điểm

1

Thomas Carlyle cho rằng:

Những giá trị bên ngoài rồi sẽ biến mất, những giá trị sâu bên trong vẫn luôn như vậy, ngày hôm qua, ngày hôm nay và mãi mãi.

Anh/chị hãy viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên. (3,0 điểm).

a

Giải thích ý kiến:

- Những giá trị bên ngoài rồi sẽ biến mất: những yếu tố thuộc về vật chất, hình thức bề ngoài chỉ có ý nghĩa tạm thời, không bền vững.

- Những giá trị sâu bên trong vẫn luôn như vậy, ngày hôm qua, ngày hôm nay và mãi mãi: những yếu tố thuộc về tinh thần, làm nên vẻ đẹp bên trong, có tác động tích cực tới cuộc sống mới có ý nghĩa bền vững, dài lâu, bất biến.

=> Câu nói của Thomas Carlyle nhấn mạnh ý nghĩa của những yếu tố bên trong làm nên giá trị thực chất và bền vững cho con người và cuộc sống.

0.75

b

Bàn luận:

- Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến:

+ Những thứ bên ngoài vốn nhất thời, dễ thay đổi, phôi pha theo thời gian và những tác động khách quan.

+ Những giá trị bên trong mang tính bền vững vì nó thuộc về bản chất, là những gì cốt lõi nhất làm nên giá trị con người.

+ Bản thân mỗi người mang một giá trị riêng. Chân giá trị của mỗi người không phải nằm im trong bản thân mà phải hiện hữu sống động trong lòng người khác, trong thực tế học tập và lao động. Nó cần là những giá trị sâu bên trong – giá trị thực chất, hướng đến những giá trị chung của nhân loại: chân- thiện- mĩ.

+ Khi hiểu được giá trị bản thân, con người sẽ hiểu và trân trọng giá trị người khác. Từ đó tạo nên sự cộng hưởng, lan tỏa những giá trị sống tốt đẹp. (Nêu dẫn chứng tiêu biểu).

1.25

- Mở rộng - phản đề:

+ Đề cao giá trị bên trong không có nghĩa là xem nhẹ những giá trị bên ngoài. Cần phải có thái độ cân đối, hài hòa, có cái nhìn tỉnh táo để xây đắp những giá trị bên ngoài và những giá trị bên trong, từ đó hướng tới bồi đắp những giá trị lớn lao, đích thực.

+ Phê phán những người sống ảo tưởng, đồng nhất giá trị riêng, giá trị sống của bản thân với tiền tài, quyền lực, danh vọng; những người sống không mục đích, không có ý thức về giá trị bản thân, không biết trân trọng giá trị người khác.

0.5

c

Bài học nhận thức và hành động:

- Mỗi người cần có nhận thức đúng về bản thân và những giá trị cuộc sống.

- Tích lũy, trau dồi tri thức, rèn luyện ý chí, bản lĩnh sống, kĩ năng sống để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và vững vàng trước mọi sóng gió cuộc đời.

0.5

2

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.

(Trích: “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ vấn đề qua tác phẩm"Vội vàng" của Xuân Diệu và “Việt Bắc” của Tố Hữu. (7,0 điểm)

1

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

0.5

2

Giải thích:

- Tác phẩm: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.

- Nghệ sĩ: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

- Vật liệu mượn ở thực tại: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.

- Ghi lại cái đã có rồi: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.

- Muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.

- Cặp quan hệ từ: không những…. mà còn….: chỉ quan hệ bổ sung.

=> Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

0.75

3

Lí giải vấn đề:

3.1 Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại ?

- Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.

- Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.

- Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.

0.5

3.2 Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?

- Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.

- Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.

- Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy - những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.

- Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

- Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.

- Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.

0.5

4

Chứng minh:

4.1. Chứng minh qua Vội vàng của Xuân Diệu.

* Chất liệu mượn từ thực tại đời sống.

- Bức tranh mùa xuân đẹp, tràn trề sức sống (ong bướm, hoa, lá, đồng nội, yến, anh, ánh sáng…); bức tranh hoàng hôn buồn….

- Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.

* Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

- Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt “xanh non” của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra "thiên đường trên mặt đất”, bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa .

- Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).

- Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.

- Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa, được chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng

từng giây, từng phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.

* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí…). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, thâu, cắn; no nê, đã đầy, chếnh choáng…), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng. Nhạc điệu của thơ là nhạc của “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”.

Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

0.5

1.0

0.5

4.2. Chứng minh qua Việt Bắc của Tố Hữu:

* Chất liệu mượn từ thực tại đời sống:

- Việt Bắc là khu căn cứ địa cách mạng, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Tháng 10 năm 1954, ngay sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hòa bình về trên miền Bắc, cán bộ cách mạng, cơ quan trung ương Đảng, Chính phủ dời Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội.

- Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống và gắn bó nhiều năm với Việt Bắc, nay từ biệt chiến khu Việt Bắc để về xuôi.

0.5

* Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

- Cuộc sống trong Việt Bắc được hiện lên với cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ của nhà thơ Tố Hữu: nhớ về một giai đoạn lịch sử gian lao mà hào hùng của dân tộc với những mảng hoài niệm chân thực, rõ nét về con người và quê hương cách mạng. Đó là khúc tình cakhúc hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp.

+ Thiên nhiên Việt Bắc: thanh bình, thơ mộng, đậm dấu ấn vùng miền song cũng rất oai hùng trong những ngày kháng chiến.

+ Con người Việt Bắc: dù còn nghèo khổ, cuộc sống còn nhiều gian lao, vất vả nhưng rất nghĩa tình, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, kề vai sát cánh cùng cách mạng, luôn hào hùng, tràn đầy khí thế, dũng mãnh, lạc quan…. khi ra trận.

- Tái hiện kỉ niệm về Việt Bắc là để:

+ Bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng của cán bộ cách mạng với đồng bào và quê hương Việt Bắc.

+ Lời tự vấn của nhà thơ với lòng mình về nghĩa tình thủy chung đối với đất và người Việt Bắc.

+ Nhắn nhủ bài học sâu sắc về đạo lí dân tộc: uống nước nhớ nguồn, quá khứ lịch sử luôn là một phần của hiện tại hôm nay.

1.25

* Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:

- Kết cấu đối đáp, hô ứng kết hợp cặp đại từ mình - ta được sử dụng linh hoạt, sáng tạo. Nó biến cuộc chia tay tập thể, mang ý nghĩa lịch sử trở thành cuộc tình tự nồng nàn tha thiết sâu lắng giữa kẻ ở người đi.

- Thể thơ 6/8 truyền thống.

- Giọng thơ tâm tình ngọt ngào tha thiết, nhịp thơ thay đổi phù hợp với cảm xúc:

+Chậm rãi, tha thiết, sâu lắng khi hoài niệm về thiên nhiên, con người.

+ Nhanh, mạnh, hối hả, gấp gáp khi tái hiện những tháng ngày kháng chiến hào hùng và niềm vui chiến thắng.

- Hình ảnh thơ kế thừa sáng tạo từ văn học dân gian.

- Sử dụng từ láy, điệp từ ngữ, đối, các biện pháp tu từ…

→ Việt Bắc là một minh chứng cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.

0.5

5

Bàn luận.

- Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.

- Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.

- Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.

- Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.

0,5

----------------------------

Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Giải bài tập Lịch Sử 12, Giải bài tập Địa Lí 12, Học tốt Ngữ văn 12, Tài liệu học tập lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 12

    Xem thêm