Nghị luận xã hội 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”

Nghị luận xã hội 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc để bạn đọc cùng tham khảo. Mong rằng bạn đọc có thể học tập tốt hơn và có thêm tài liệu ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”.

(Học sinh tự lựa chọn cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp cho bài làm văn của mình).

2. Thân bài

a. Giải thích

Sự cảm thông: chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, vì như thế chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.

b. Phân tích

Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.

Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, cảm thông, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Văn mẫu Nghị luận xã hội về câu nói Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác

Cuộc sống của con người luôn diễn ra với những điều chúng ta không thể lường trước được. Sẽ có những lúc khiến ta gục ngã, buồn bã, tổn thương,… nhưng hơn tất cả, nếu chúng ta sống với sự cảm thông bởi lẽ: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”. Sự cảm thông là việc chúng ta yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh. Bên cạnh đó, cảm thông còn là việc chúng ta đồng cảm, xót thương trước những số phận bất hạnh, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác để khiến cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại của họ lúc mình gặp khó khăn. Từ đó, nghĩa cử cho và nhận trong cuộc sống này sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn, con người sống có tình cảm hơn. Mỗi người khi biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại, không mảy may, xót thương trước bất hạnh mà người khác đang cần sự giúp đỡ… những người này cần bị phê phán, chỉ trích. Sự cảm thông có ai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nó không chỉ giúp cho bản thân hòa hợp với những tâm hồn khác cũng như rút ra được những bài học cho bản thân mình mà nó còn giúp cho những người chia sẻ với mình họ cảm thấy thoải mái hơn, dễ chịu hơn. Mỗi người hãy bớt đi cái tôi của mình một chút, cố gắng lắng nghe người khác để khiến cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 2

Bạn muốn người khác mở lòng với mình, muốn họ chia sẻ tâm tư của họ với mình... Thứ duy nhất bạn có thể làm được là luôn cảm thông với họ. Giống như EC Mc Kenzie đã nói: Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác. Thực vậy, cảm thông là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm của mình với cảm xúc của người khác. Câu nói của Kenzie muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của cảm thông. Bước vào thế giới của người khác, không có chiếc chìa khóa nào bằng sự cảm thông. Cảm thông sẽ khiến người khác tin tưởng chúng ta hơn, dễ dàng chia sẻ những tâm sự của họ với mình. Cảm thông cũng giúp chính chúng ta học cách nhìn nhận người khác không vội vàng và thêm phần thấu hiểu họ hơn. Điều đó thực sự giúp cho cuộc sống này tốt đẹp và giảm bớt đi hận thù. Nhờ có cảm thông mà những ông bố bà mẹ hiểu con mình hơn, giúp con sẵn sàng chia sẻ và tin tưởng sự chỉ dẫn của bố mẹ mình. Nhờ có cảm thông mà một vị sếp dễ dàng trao cho nhân viên của mình cơ hội được sửa sai, học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi đó họ sẽ cống hiến hết mình cho công việc. Cầm chiếc chìa khóa cảm thông trong tay, bạn có thể chẳng giải quyết được sự cố của ai đó, nhưng cũng khiến họ vui vì có người đã hiểu họ. Và chúng ta cũng thật đáng buồn, vì có những thầy cô cứ mắng nhiếc học sinh vì lỗi lầm mà không biết bạn ấy đang gặp vấn đề gia đình. Có những bố mẹ vì mong muốn của bản thân mà áp đặt con cái theo ý mình để rồi cánh cửa trái tim của những đứa trẻ ấy mãi không mở ra nữa. Chỉ đến khi có sự việc đáng tiếc xảy ra mới ân hận đầy muộn màng. Là chính bản thân mình cũng vậy thôi, muốn người khác hiểu mình thì trước hết bạn phải cảm nhận được họ đang cảm thông với mình. Không có điều đó, bạn hay tôi cũng chẳng muốn mở cửa trái tim. Giá trị của cảm thông trong cuộc sống chắc chắn còn lớn hơn việc là mở cửa được trái tim người khác. Hãy bắt đầu bằng việc đặt mình vào hoàn cảnh của họ, thấu hiểu, sẻ chia với họ để sự cảm thông không chỉ là chìa khóa mà còn là liệu pháp tinh thần mãi mãi ở có trong mỗi chúng ta.

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 3

Trong xã hội hiện đại như ngày nay, tình cảm giữa con người với con người dường như ngày một trở nên xa cách và với nhịp sống nhanh, sống gấp, con người càng cần được cảm thông chia sẻ. Người xưa từng nói "Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác". Vậy bạn hiểu như thế nào về nhận định này?

Cảm thông được định nghĩa là sự thấu hiểu, chia sẻ lắng nghe và cảm nhận nỗi đau nỗi buồn của người khác. Sự cảm thông chỉ xuất phát từ trái tim chân thành, không toan tính vụ lợi. Khi con người cảm thông cho nhau tức là họ hiểu được những gì đối phương đang trải qua đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ bao bọc. Trái tim ở đây là tâm hồn, tình cảm, là sự thông cảm giữa con người với con người là phương tiện truyền tải và cảm nhận cảm xúc. Một trái tim biết yêu thương là một trái tim biết rung động trước những sự khổ đau mà người khác gặp phải.

Cảm thông chính là chìa khóa mở cửa trái tim. Bởi có sự cảm thông, con người trở nên có tình thương, rút ngắn khoảng cách của không gian thời gian, kéo gần những người xa lạ và thắt chặt tình cảm của những người đã quen biết. Sự cảm thông có thể xoa dịu được nỗi đau hoặc làm tan biến hận thù. Hai người có thể không cùng một tiếng nói, không có một tư tưởng, nhưng nếu như họ biết cảm thông, nhường nhịn và thông cảm với nhau, chắc chắn họ có thể dung hòa, thậm chí tiến tới một mối quan hệ lâu dài. Trong tình yêu đôi lứa, sự cảm thông được thể hiện qua cách cả hai chấp nhận những tật xấu, những thói quen của nhau và từ đó cùng nhau chỉnh sửa, khắc phục, dung hòa. Trong cuộc sống, sự cảm thông giúp chúng ta phân biệt được đúng sai phải trái. Chúng ta thấu hiểu được những hoàn cảnh khó khăn để rồi giúp đỡ, cưu mang họ. Sự cảm thông chính là sức mạnh tinh thần, giúp con người không chỉ vượt qua thử thách khó khăn trước mắt mà còn khiến con người trở nên hoàn thiện theo từng ngày. Biết lắng nghe, cảm nhận, biết cảm thông và chia sẻ, biết mở rộng trái tim để hòa cùng nhịp đập với người khác, đó là cách mà con người cho đi và đồng thời nhận lại. Ai có một trái tim biết cảm thông, sẻ chia chắc chắn sẽ có một cuộc sống tươi đẹp.

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 4

EC Mckenzie đã từng nói “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”. Thật vậy, cảm thông là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm của mình với cảm xúc của người khác. Câu nói của Kenzie muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của cảm thông. Cuộc sống nếu như biết cho đi thì sẽ được nhận lại. Người biết đồng cảm, chia sẻ sẽ nhận được tình yêu thương, sự quý mến, biết ơn từ chính những người nhận được sự cảm thông, yêu thương; đồng thời còn nhận được sự tin yêu, tôn trọng từ mọi người xung quanh. Hơn hết là niềm hạnh phúc, sự tự hào về chính mình khi đã làm được điều khiến mọi người đều vui vẻ. Cảm thông và chia sẻ giúp mọi người gần gũi nhau hơn, là cầu nối giữa người với người tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, gia đình mới êm ấm, hạnh phúc, góp phần hình thành nên xã hội văn minh, tràn ngập tình yêu thương ấm áp tốt đẹp. Khi con người biết yêu thương nhau sẽ phá bỏ những bức tường của đố kỵ, ganh đua, thù hận. Chiến tranh suy cho cùng cũng chỉ vì loài người thiếu một “trái tim biết yêu thương”. Nếu có tình yêu thương ngự trị thì con người có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, bình yên, thay vì chỉ có hận thù và chết chóc. Dẫu thế, cuộc đời vẫn còn đó những trái tim vẫn đập nhưng lạc mất nhịp sống. Đó là con tim vô cảm, dửng dưng với nỗi đau của người khác. Hơn hết, còn có những kẻ đã bán trái tim của mình cho quỷ dữ, vì đồng tiền, vì hư danh mà đánh mất lương tâm, đạp đổ hạnh phúc của biết bao nhiêu người. Thật đáng lên án những kẻ tham lam, ích kỷ ấy! “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” là một định lý đúng đã được khẳng định qua thực tế cuộc sống. Hãy tập suy nghĩ bằng trái tim, hãy dùng tình yêu thương, sự cảm thông để khám phá, trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống này. Và chúng ta – những con người của thế hệ mới hãy quên đi những cỗ máy vô tri, hãy sống đi, sống bằng những trái tim với nhịp đập nhân ái để giữa cuộc đời hôm nay, ta bỗng cảm thấy yên lòng khi vẫn có người chờ đợi hoa cúc nở, và khi ai đó trót vấp ngã vẫn có những bàn tay giơ ra đỡ đần…

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 5

Khi cuộc sống ngày nay gắn liền với quá nhiều các thiết bị công nghệ hiện đại, thì chỉ cần một cái nhấp chuột là bạn có thể biết được tất cả những chuyện đang xảy xung quanh mình. Tuy nhiên, việc ở sau màn hình vi tính hay điện thoại quá nhiều đã khiến tình thương giữa người với người càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, thay vào đó là những anh hùng bàn phím xuất hiện ngày càng nhiều. Để rồi nhiều người vô tình biến mình thành người thờ ơ, dửng dưng trước những khó khăn, nỗi đau của người khác. Cuộc sống vốn dĩ là một bức tranh nhiều màu sắc, được tô điểm bởi những cá thể riêng biệt. Như những bông hoa đua nhau khoe hương sắc riêng, như những chú chim cất lên tiếng hót đặc trưng của mình. Còn với con người thì phải dùng trái tim – nơi biểu hiện của sự sống, nơi kết tinh phẩm chất của mỗi người. Đồng thời, cũng là loại keo “thần kỳ” giúp kết dính mỗi cá thể riêng biệt ấy với xã hội và giữa con người với nhau. Tình yêu thương đã trở thành bài ca, là tiếng hát của cả dân tộc, trở thành tiếng gọi của lương tâm tạo ra sức mạnh nhằm đẩy lùi khó khăn, hoạn nạn. Một trái tim biết yêu thương là trái tim mang theo những cảm xúc tươi đẹp, biết đặt mình vào vị trí của người khác, biết chúc mừng niềm vui của người khác và biết san sẻ niềm đau với những số phận bất hạnh hơn mình. Đó chính là sự cảm thông, là thông điệp mà mọi người muốn truyền tải đến nhau. Bởi cảm thông phải xuất phát từ trái tim, mà điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim. Nó có khả năng biến thành ngôn ngữ chung của nhân loại, tác động lên ý thức và dẫn con người đi đến hành động, giúp rút ngắn khoảng cách của thời gian, không gian, vượt qua những bất đồng ngôn ngữ, biến những người xa lạ xích lại gần nhau hơn. Cuộc sống luôn đầy rẫy những nỗi bất hạnh, cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự thiếu thốn về vật chất có thể là nỗi đau, nhưng sự u uất về tâm hồn mới là điều đáng sợ hơn cả. Đôi khi, chỉ đơn giản là sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ chân thành cũng đã giúp bạn mở cửa được biết bao trái tim đang héo mòn trong sự tuyệt vọng. Bỏ đi những lần suy nghĩ chỉ giàu có về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác. Bởi cuộc sống này vật chất không phải là tất cả, chỉ cần giàu về tâm hồn và lòng cảm thông thì bạn đã có thể làm cho biết bao trái tim mở lòng đón nhận yêu thương rồi. Trái tim có thể xoa dịu nỗi đau, còn sự cảm thông sẽ giúp xóa tan những thù hận, cảm hóa được tâm hồn người khác. Vậy nên, điều quan trọng trong mỗi người chỉ đơn giản như thế thôi, dùng sự cảm thông từ chính trái tim mình để tạo ra những hạt giống tốt đẹp mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho chính bản thân của mình nữa. Mặc dù thế, đời có đen và trắng, bên cạnh những người nhiệt tình, giàu lòng trắc ẩn thì vẫn còn những con tim vô cảm, thiếu đi sự cảm thông trước nỗi đau của người khác. Đừng biến trái tim mình lạc mất nhịp sống với mọi người xung quanh. Vì suy cho cùng chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì thiếu đi một trái tim biết yêu thương, đồng cảm mà thôi. Chỉ cần có tình yêu thương, lòng vị tha hay sự cảm thông ngự trị thì trên thế giới này, con người đều có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, bình yên và bỏ qua những nỗi đau không đáng có. Tập suy nghĩ bằng trái tim, dùng tình yêu thương, sự cảm thông để phá bỏ bức tường đố kỵ, ganh đua, tranh đấu, thù hận và cũng để khám phá, trải nghiệm, tận hưởng cuộc sống này. Bởi “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”.

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 6

Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại được. Mỗi con người cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta hãy sống một cuộc đời thật trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Có thể thấy, sự sẻ chia giữa con người với con người đã góp phần không nhỏ khiến cho thế giới này tốt đẹp hơn. Đồng cảm là việc chúng ta rung động, yêu thương, thấu cảm với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Còn sẻ chia là khi chúng ta gặp người khác có hoàn cảnh khó khăn, cần sự san sẻ chúng ta sẵn lòng giúp đỡ họ mà không màng đến danh lợi cả về vật chất lẫn tinh thần để họ có thể vượt qua khó khăn và khắc phục cuộc sống. Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Lại có những người sống có cách hành xử thô lỗ, kém tinh tế,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích. Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn, con người được sống tình cảm hơn vì vốn dĩ: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Viết đoạn văn 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác” mẫu 7

Trong cuộc sống ngày nay với bộn bề lo toan mệt mỏi, người ta dần quên đi những đạo lí ứng xử cần thiết và một trong số đó là “ Cảm thông chia sẻ” Có thể nói“ Cảm thông và chia sẻ là một đức tính cần thiết của mọi người”. Cảm thông và chia sẻ là một quan niệm gần gũi, quan trọng và mỗi người đều có thể hiểu được cảm nhận được. Cảm thông là hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của người khác. Còn chia sẻ là san sẻ, gánh vác giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống rằng cả suy nghĩ và hành động, bằng cả vật chất và tinh thần. Chia sẻ còn là cùng với nhau để cùng chịu là san sẻ với người khác những gì mình có để họ cùng hướng. Vì thế,mà cảm thông và chia sẻ là một đức tính tốt của con người, là lẽ sống mà con người nên hướng tới. Vậy, tại sao mỗi chúng ta cần phải cảm thông và chia sẻ? Trong xã hội vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em lang thang cơ nhỡ, người nghèo, nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, những người khuyết tật, người có cảnh ngộ éo le…. Họ là những người rất cần được sự cảm thông của mọi người và cộng đồng. Cảm thông và chia sẻ là biểu hiện của tình người, của ý thức vị tha, vì người khác. Mỗi con người chúng ta không ai có thể sống tách rời người thân tập thể, cộng đồng. Sự cảm thông, chia sẻ giúp người gặp khó khăn có thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn. Không những vậy, nó còn giúp con người có điểm tựa, sự động viên, giúp đỡ khi vấp ngã, khi thất bại, thậm chí cả khi ta mắc sai lầm trong cuộc sống. Người biết đồng cảm chia sẻ nhận được tình yêu thương sự cảm phục, biết ơn từ chính người nhận được chia sẻ, cảm thông và đồng thời còn nhận được sự tin yêu, quý mến từ mọi người xung quanh. Cảm thông và chia sẻ, giúp mọi người gần gũi, gắn bó hơn và là cầu nối giữa người với người tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, gia đình mới em ấm, hạnh phúc, xã hội mới văn mình, tốt đẹp. Bên cạnh đó, thông cảm và sẻ chia với người khác là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Bên cạnh đó có những người quan tâm nhưng họ tỏ ra là trên thiếu sự chân thành của con người để dẫn đến sự giả dối. Có những kẻ quan tâm để cầu lộc khi không thể trục lợi sẽ dễ phơi bày bản chất. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết đoạn thơ phê phán trong tác phẩm Thói đời.

“Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến
Gang không mật mỡ kiến bò chi!
Đời nay những trọng người nhiều của
Bằng đến tay không ai kẻ vì?”

Vì thế mà chúng ta cần phê phán, tố cáo những kẻ quan tâm có tính chất vụ lợi, giả tạo, phê phán sự lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm của con người hiện nay. Mỗi chúng ta cần cần chia sẻ, sống có tình người như bill gates, như Hồ Chính Minh…. Nguyễn Khuyến có câu” “Còn tiền còn rượu còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”.

----------------------

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc Nghị luận xã hội 200 chữ về câu nói: “Cảm thông là chiếc chìa khóa mở cửa trái tim người khác”. Bài viết được tổng hợp gồm có dàn ý và các bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Đánh giá bài viết
1 8.753
Sắp xếp theo

    Đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ (5-7 dòng)

    Xem thêm