Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng nhân nghĩa

Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng nhân nghĩa vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

Dàn ý Nghị luận xã hội về lòng nhân nghĩa

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lòng nhân nghĩa. (Một trong những phẩm chất quý báu của con người Việt Nam ta chính là lòng nhân nghĩa).

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Nhân là lòng thương người, nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Nhân nghĩa là lòng thương người, đối xử với người theo lẽ phải, cư xử đúng chừng mực với mọi người; sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp nhiều người với suy nghĩ và hành đọng khác nhau, chúng ta cần tôn trọng họ và cư xử có chừng mực với tất cả mọi người.

Cuộc sống cũng vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, chúng ta cần biết yêu thương, san sẻ, giúp đỡ họ để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Con người sống với lòng nhân nghĩa sẽ được mọi người yêu quý, tin tưởng, lấy đó làm gương để học tập theo, từ đó lan tỏa được những thông điệp tốt đẹp ra xã hội.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người có lòng nhân nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người để minh họa cho bài làm của mình.

Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người chưa biết cách cư xử đúng mực với người khác,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của lòng nhân nghĩa; đồng thời rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Văn mẫu Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 1

Có một câu nói rất hay về lòng nhân nghĩa rằng: “Nhân nghĩa là kho quý không bao giờ thay đổi phương hướng”. Nhân nghĩa là lòng thương yêu giữa người với người và những thái độ, việc làm đúng đắn, phù hợp với đạo lí của dân tộc Việt Nam. Một người có lòng nhân nghĩa là người biết quý trọng đạo lý và giữ gìn chữ tín. Họ luôn là biết yêu thương, giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn. Họ luôn hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Khi chúng ta biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác, ta sẽ góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh và cao đẹp, từ đó mà cuộc sống con người trở nên tốt đẹp, có ý nghĩa hơn. Không chỉ vậy, lòng nhân nghĩa còn lại một sợi dây gắn kết giữa thế hệ ngày nay với thế hệ cha ông. Chắc hẳn, ta vẫn không thể quên được những cán bộ, chiến sĩ, những anh Bộ đội Cụ Hồ đã dũng cảm hy sinh vì Tổ quốc thân yêu. Nếu lòng nhân nghĩa không tồn tại, thì cuộc sống của chúng ta liệu có được như bây giờ? Không chỉ vậy, trong cuộc sống, lòng nhân nghĩa chính là sợi dây tình cảm thiêng liêng, không chỉ đối với những người xung quanh mà còn đối với cả thiên nhiên, vạn vật của trái đất. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Những người này đáng bị xã hội phê phán và chê trách. Lòng nhân nghĩa là cội nguồn của một xã hội hạnh phúc, văn minh. Cuộc sống sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn gấp bội khi lòng nhân nghĩa lan tỏa trong trái tim mỗi người.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 2

Cuộc sống hối hả, vội vã, có bao giờ bạn đi chậm lại và tự hỏi rằng mình có đang sống trọn vẹn hay không không? Để cuộc sống của chúng ta được trọn vẹn và tốt đẹp hơn, chúng ta hãy sống có lòng nhân nghĩa. Nhân là lòng thương người, nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Nhân nghĩa là lòng thương người, đối xử với người theo lẽ phải, cư xử đúng chừng mực với mọi người; sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Trong cuộc sống hiện nay, lòng nhân nghĩa có ý nghĩa và vai trò vô cùng to lớn đối với đời sống con người. Dòng đời ngày càng vội vã, con người bị kéo theo vào vòng xoáy cuộc đời, vào công việc,… khiến chúng ta không có thời gian quan tâm đến những việc, những người xung quanh. Ngoài kia còn bao mảnh đời khó khăn, bất hạnh cần ta yêu thương, che chở, giúp đỡ. Đôi khi tấm lòng nhân nghĩa chỉ là việc ta lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu trước nỗi lòng của người nào đó. Nhân nghĩa không còn là những việc lớn lao mà nó hiện hữu trong những điều nhỏ nhặt quanh ta khi ta biết vì người khác dù chỉ là những điều nhỏ nhoi. Nhân nghĩa gắn kết con người lại với nhau, lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người, làm cho xã hội thêm tốt đẹp, văn minh và cao thượng hơn. Chúng ta - những người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, ngay từ hôm nay hãy sống và yêu thương, chia sẻ với mọi người, biết phân biệt phải trái, đúng sai, sống vì cộng đồng để góp phần giúp đấ nước phát tiển vững bền, văn minh hơn. Lòng nhân nghĩa có vai trò to lớn với con người, hãy lan toản nghĩa cử cao đẹp này rộng khắp hơn nữa để xã hội trọn vẹn tình yêu thương hơn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 3

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” Đúng vậy, con người được coi là động vật cao cấp nhất vì chúng ta có tình cảm. Chính vì vậy, chúng ta cần sống với nhau bằng tấm lòng nhân nghĩa. Nhân là người, nghĩa là tình nghĩa. Lòng nhân nghĩa là tình yêu thương giữa con người với con người. Rộng hơn nữa chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Người có lòng nhân nghĩa là những người luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Họ cũng là những người luôn yêu thương mọi người, sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỉ nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác; sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực đến cho mọi người và lan tỏa được những thông điệp, hành động tốt đẹp ra xã hội. Lòng nhân nghĩa có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xã hội loàn người vì cuộc sống vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh, giúp đỡ nhau làm cuộc sống của con người ngày càng tốt lên, xã hội phát triển hơn, những thông điệp tốt đẹp sẽ được lan tỏa đến mọi người. Ngoài ra, khi chúng ta sống yêu thương, ta sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn, mọi người sẽ yêu quý, tôn trọng chúng ta nhiều hơn. Một xã hội được xây dựng trên cơ sở của lòng nhân nghĩa là một xã hội mơ ước, đáng sống, sẽ đẩy xa được sự ích kỉ, lạnh lùng, vô cảm. Bên cạnh đó vẫn còn có nhiều người sống ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng, bàng quan với thế giới xung quanh, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người sống chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi,… Những người này cần xem xét lại bản thân mình nếu muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, nhiều tình yêu thương hơn. Mỗi người mang một sứ mạng riêng nhưng sứ mạng chung của chúng ta chính là sống với nhau bằng lòng nhân nghĩa.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 4

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…” Câu hát mang đến cho bạn đọc nhiều suy ngẫm về cuộc đời nhất là về lòng nhân nghĩa. Nhân là lòng thương người, nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Nhân nghĩa là lòng thương người, đối xử với người theo lẽ phải, cư xử đúng chừng mực với mọi người; sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn, điều này làm lan tỏa thông điệp “cho và nhận” trong xã hội ngày càng được lan tỏa hơn. Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình. Lại có những người chưa biết cách cư xử đúng mực với người khác,… những người này đáng bị chỉ trích. Mỗi người chỉ được sống một lần, chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế, cho đi và yêu thương để làm cho xã hội này ngày càng tốt hơn

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 5

Nhân nghĩa là một trong những truyền thống của dân tộc ta. Nhân là lòng thương người, nghĩa là điều được coi là hợp lẽ phải làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội. Nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải. Sống có nhân nghĩa, làm nhiều việc tố sẽ giúp cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, giúp con người có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta. Người sống có lòng nhân nghĩa, biết quý trọng đạo nghĩa và giữ gìn chữ tín luôn là người nhân ái, biết yêu thương, tương trợ, giúp đỡ người khác trong hoạn nạn, lúc khó khăn không đắn đo tính toán, biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày với mong muốn mọi người cùng hạnh phúc ấm no. Người nhân nghĩa luôn sống vị tha cao thượng, không cố chấp với người có lỗi lầm biết hối cải, đối xử khoan hồng với kẻ có tội. Người nhân nghĩa luôn được người khác kính trọng, tin tưởng và yêu mến. Sống không có lòng nhân nghĩa sẽ bị người khác khinh thường, xa lánh, nhất định thất bại trong cuộc sống này. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 6

Thời gian trôi qua sẽ không lấy lại, được mỗi con người chúng ta cũng chỉ được sống một lần duy nhất trong đời. Chính vì vậy chúng ta hãy sống một cuộc đời trọn vẹn với tình yêu thương, sự sẻ chia với người khác. Có thể thấy lòng nhân nghĩa giữa con người với con người đã góp phần khiến cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Lòng nhân nghĩa  chính là tình yêu thương giữa người với người, sẵn sàng đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Lòng nhân nghĩa  chính là tình đồng bào, tinh thần đoàn kết. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực và việc của chúng ta đó là phải sống tử tế, yêu thương đùm bọc giúp đỡ những người đó, làm xoa dịu, giảm bớt những nỗi đau của họ như vậy xã hội sẽ phát triển vững mạnh hơn. Khi giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của mọi người và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình mỗi khi chúng ta gặp khó khăn. Mỗi người biết chia sẻ yêu thương giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội giàu tình thương, phát triển văn minh hơn. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn không ít người có tính ích kỷ nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lạnh lùng, vô cảm, mặc kệ nỗi đau của đồng loại. Những người này cần bị lên án và chỉ trích. Chúng ta hãy sống với tấm lòng, sự tử tế cho đi yêu thương và nhận lại yêu thương để xã hội ngày càng tốt hơn bởi "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 7

Trong các mối quan hệ xã hội, lòng nhân nghĩa là một đức tính không thể thiếu. Đó chính là lòng yêu thương, sự cảm thông chia sẻ giữa người với người. Lòng nhân nghĩa thể hiện qua từng cử chỉ, lời nói, hành động trong cuộc sống. Đó là khi chúng ta quan tâm đến người khác với mong muốn tiếp lại niềm vui và hạnh phúc cho họ. Đó là khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giúp đỡ mọi người nhất là với những người bất hạnh và gặp hoạn nạn. Lòng nhân nghĩa vốn là đạo lý truyền thống của dân tộc ta và là một trong những phẩm chất đạo đức cần thiết để con người Việt Nam có thể thành công. Mỗi khi có thiên tai xảy đến, người dân cả nước lại đồng lòng, tích cực quyên góp để cứu trợ đồng bào gặp nạn. Ngày nay truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi người chúng ta phải có ý thức giúp đỡ nhau trong sinh hoạt học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các hoạt động xã hội để mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 8

Ông cha ta có câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" qua đó gửi gắm thế hệ con cháu đời sau phải sống với nhau bằng tình cảm yêu thương, chan hòa. Trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay những tình cảm đó càng phải được đề cao. Đặc biệt là lòng nhân nghĩa. Lòng nhân nghĩa là tình yêu thương giữa người với người, sẵn sàng đồng cảm sẻ chia, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau. Lòng nhân nghĩa chính là nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết. Lòng nhân nghĩa là một đức tính tốt đẹp và cũng là một trong những tiêu chí là thước đo chuẩn mực để đánh giá đạo đức nhân cách của một người. Lòng nhân nghĩa không phải là những điều gì quá xa xôi, cao cả. Nó tồn tại ngay trong chính cuộc sống của mỗi con người, từng biểu hiện của chúng ta dành cho nhau cử chỉ, lời nói, hành động hay chỉ là cảm xúc dành cho nhau. Dù nó giản dị nhưng cũng đã khiến cho trái tim trở nên ấm áp. Người có lòng nhân nghĩa là người luôn sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Họ cũng là những người luôn yêu thương mọi người sẵn sàng cho đi mà không mong nhận lại, không ích kỷ, nhỏ nhen, tính toán thiệt hơn với người khác, sống chan hòa với mọi người xung quanh, luôn mang những điều tích cực tốt đẹp tới cộng đồng. Lòng nhân nghĩa sẽ mang đến cho xã hội sự gắn kết chặt chẽ giữa người với người., từ đó tạo nên cơ sở nhân văn, vững chắc để phát triển các giá trị sống, phẩm chất đạo đức cao đẹp. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay vẫn còn có nhiều người sống ích kỷ, lạnh lùng, vô cảm, chỉ biết để bạn thân mình, lại có những người tự tách biệt với xã hội. Những người này thật đáng lên án. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần biết yêu thương mọi người, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người xung quanh cũng như giúp đỡ những mảnh đời khó khăn bất hạnh để thấy cuộc đời thật đáng sống.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 9

Từ xưa đến nay nhân dân ta luôn đồng lòng cùng nhau bảo vệ và phát triển đất nước trên dưới như một. Những đức tính quý báu cũng như phẩm chất tốt đẹp đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay và đều được thế hệ sau gìn giữ và phát huy tích cực. Một trong những tinh thần đáng quý của nhân dân ta phải kể đến chính là lòng nhân nghĩa. Nhân nghĩa là tình yêu thương giữa con người với con người, sẵn sàng đồng cảm sẻ chia, thấu hiểu và giúp đỡ người khác, cùng nhau hướng đến mục tiêu tốt đẹp để phát triển cộng đồng, dân tộc và đất nước. Truyền thống vẻ vang đó của dân tộc đã luôn được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc hàng nghìn năm. Chính truyền thống quý báu ấy đã khiến hàng triệu con người Việt Nam nhỏ bé vùng lên thoát khỏi vòng nô lệ, khiến anh em từ miền xuôi đến miền ngược cùng nhau đứng lên cầm vũ khí đánh giặc. Lòng nhân nghĩa còn được thể hiện ở việc chúng ta cùng nhau chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, mỗi người một sự sẻ chia nhỏ tạo nên một thông điệp lớn. Phải chăng sự đoàn kết vẫn luôn hiện lên trong những hành động nhỏ nhặt mà thấm đẫm tình người ấy. Tuy nhiên thế giới ngoài kia vẫn còn những người chỉ biết cho bản thân mình. Đó là những con người ích kỷ, hẹp hòi. Họ chỉ biết nhận mà không biết đến cho. Chỉ biết nghĩ cho bản thân mình đầu tiên mà không quan tâm xem người khác đã nghĩ gì. Họ cũng là những con người bảo thủ, cổ hủ, không biết tiếp thu ý kiến của người khác. Những người như thế sẽ chẳng bao giờ thành công. Vì vậy cần lắm tấm lòng nhân nghĩa để làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nhân nghĩa là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ngày nay đó cũng là một yếu tố quan trọng để quyết định thành công đối với mọi người. Mỗi người chúng ta hãy rèn luyện cho bản thân mình một đức tính tốt đẹp để khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 10

Lòng nhân nghĩa là một trong những phẩm chất đáng quý của người Việt ta. Lòng nhân nghĩa là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề vụ lợi, không cần hồi đáp. Lòng nhân nghĩa giúp con người biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, biết rung động, biết đồng cảm, sẻ chia trước những hoàn cảnh khó khăn. Trong mùa dịch covid-19 rất nhiều cá nhân, tập thể đã chia sẻ vật chất đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ dang tay chào đón đồng bào từ vùng dịch trở về. Khi miền Trung oằn mình trong lũ dữ, nhân dân cả nước đã đồng lòng quyên góp tiền ủng hộ miền Trung khắc phục hậu quả. Tất cả đều là minh chứng thực địa cho lòng nhân ái. Lòng nhân nghĩa còn tạo ra lực hấp dẫn kéo con người xích lại gần nhau, tạo thành một khối thống nhất chống lại kẻ ác, sự ích kỷ, hận thù. Người có lòng nhân nghĩa sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng, biết ơn. Ngược lại sống ích kỷ chỉ lo nghĩ cho bản thân mình, dửng dưng trước những đau khổ bất hạnh của người khác chỉ khiến cho bản thân trở nên tầm thường. Bởi vậy mỗi con người sinh ra hãy là một tấm gương nhân nghĩa để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 11

Sự khác biệt giữa con người và thế giới loài vật được tạo nên bởi lòng nhân nghĩa. Chính lòng nhân nghĩa tạo nên sức mạnh chinh phục và gắn kết của con người. Bởi thế, có người từng nói rằng nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi trái tim không có tình người. Hiểu đơn giản, lòng nhân nghĩa là sự quan tâm, giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác, chia sẻ, thông cảm với niềm vui, nỗi buồn và sự khổ đau của người khác, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoạn nạn. Hơn cả một phẩm đức tốt đẹp cần phải có, lòng nhân nghĩa từ lâu đã trở thành truyền thống đạo đức cao quý của dân tộc ta. Người có lòng yêu thương con người được mọi người quý trọng và có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Trái với yêu thương là thù hận, mâu thuẫn nhau, căm ghét nhau. Lòng nhân nghĩa không hề sẵn có mà do rèn luyện, bồi dưỡng mà thành. Muốn sống có lòng nhân nghĩa, chúng ta cần phải sẵn sàng giúp đỡ người khác; thông cảm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn; biết hi sinh, biết tha thứ, sống có lòng vị tha; đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 12

Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất đáng quý của người Việt ta. Lòng nhân ái là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề vụ lợi, không cần hồi đáp. Lòng nhân ái giúp con người biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, biết rung động, biết đồng cảm, sẻ chia trước những hoàn cảnh khó khăn. Trong mùa dịch covid-19 rất nhiều cá nhân, tập thể đã chia sẻ vật chất đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ dang tay chào đón đồng bào từ vùng dịch trở về. Khi miền Trung oằn mình trong lũ dữ, nhân dân cả nước đã đồng lòng quyên góp tiền ủng hộ miền Trung khắc phục hậu quả.Tất cả đều là minh chứng thực địa cho lòng nhân ái.Lòng nhân ái còn tạo ra lực hấp dẫn kéo con người xích lại gần nhau, tạo thành một khối thống nhất chống lại kẻ ác, sự ích kỷ, hận thù. Người có lòng nhân ái sẽ được mọi người xung quanh yêu mến, quý trọng, biết ơn. Ngược lại sống ích kỷ chỉ lo nghĩ cho bản thân mình, dửng dưng trước những đau khổ bất hạnh của người khác chỉ khiến cho bản thân trở nên tầm thường. Bởi vậy mỗi con người sinh ra hãy là một tấm gương nhân ái để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 13

Lòng nhân nghĩa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người và cả xã hội. Lòng nhân ái giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, gắn kết bền chặt với nhau hơn. Nó tạo nên một khối đoàn kết mạnh mẽ khó có thể tách rời, tạo nên sức mạnh của tập thể. Điều này đã được chứng minh trong suốt chặng dài lịch sử của dân tộc Việt Nam trong những năm kháng chiến oanh liệt. Những người đứng lên trong khốn khó, đùm bọc lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau và hi sinh vì nhau bằng tình yêu thương chân thành mà rộng hơn là lòng yêu nước. Sức mạnh của lòng nhân nghĩa, của sự đoàn kết ấy không một kẻ thù nào đánh bại được. Sức mạnh của lòng nhân ái còn được thể hiện ở sự lan tỏa. Lòng nhân nghĩa có sức lan tỏa vô cùng lớn. Nó có ảnh hưởng tích cực làm thay đổi suy nghĩ và hành động của con người trong xã hội. Khi bạn làm một việc thiện, việc thiện ấy sẽ được đón nhận và trao gửi tới nhiều người khác nữa. Như kênh VTV24 có chương trình “Người tử tế” hay “Cặp lá yêu thương” là những chương trình tôn vinh những tấm gương, những con người biết giúp đỡ người khác, giúp ích cho xã hội. Lòng tốt, lòng nhân ái của những con người ấy đã truyền cảm hứng tích cực đến rất nhiều người. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều người chỉ biết nhận mà không biết cho đi yêu thương. Sống bàng quan với cuộc sống, sống vô cảm với mọi người xung quanh. Những con người đó đang tự bó mình, tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Họ cần có những thay đổi trong chính nhận thức của mình để hòa nhập hơn với cuộc sống.

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân nghĩa - Mẫu 14

Để gắn kết bản thân với xã hội, con người sống rất cần phải có tấm lòng nhân nghĩa. Nhân nghĩa giúp ta nâng cao giá trị của cá nhân mình, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên tốt đẹp. Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Lòng nhân nghĩa là lòng yêu thương con người, biết đồng cảm, xót xa trước những khổ đau bất hạnh của người khác; biết trân trọng, đề cao những phẩm giá tốt đẹp, cái cao cả, thiên lương trong mỗi con người, căm ghét những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc của người khác. Lòng nhân nghĩa là một trong những tiêu chí, là thước đo để đánh giá đạo đức, nhân cách của con người. Thật vậy, từ xưa đến nay, tiền tài, danh vọng, địa vị, tài năng, học thức, không phải là những yếu tố quan trọng làm nên giá trị con người mà chính lòng yêu thương con người. Chính nếp sống đạo đức cao đẹp, biết hi sinh bản thân mình vì người khác mới là nhân tố quyết định, góp phần làm tôn lên giá trị của mỗi người chúng ta. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Lep-tônxtôi, Maxime Gorki, Puskin đều trở nên vĩ đại là vì từ trong cuộc đời và tác phẩm của họ đều toát lên một tấm lòng yêu thương con người bao la rộng lớn. Sống yêu thương, quan tâm giúp đỡ người khác là một lối sống đẹp, được mọi người yêu quý kính trọng, khi gặp khó khăn sẽ được mọi người cưu mang giúp đỡ. Ngược lại sống ích kỷ chỉ lo nghĩ cho bản thân mình, dửng dưng trước những khổ đau, bất hạnh của người khác chỉ khiến cho mình trở nên tầm thường nhỏ bé, bị mọi người coi thường xa lánh, nào có ích lợi gì. Yêu thương con người, biết hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì người khác sẽ làm cho tâm hồn ta trở nên cao đẹp, thánh thiện. Và chính lòng yêu thương chân thành đó có sức cảm hóa vô cùng to lớn, nó giúp cho những con người lầm đường lạc lối trở về với cuộc sống hiền lành, lương thiện. Lòng nhân nghĩa là một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, cần được giữ gìn và phát huy. Mỗi người chúng ta hãy biết sống sẻ chia, mở rộng lòng mình ra để cứu giúp những con người nghèo khổ bất hạnh, để nâng cao giá trị đời sống của chính mình và làm cho cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của lòng nhân nghĩa. Hãy yêu thương con người và làm cho lối sống cao đẹp ấy lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Hãy đề cao tình yêu thương và yêu thương đúng cách. Có như vậy, chúng ta mới tìm thấy được hạnh phúc đích thực ngay trong cuộc sống này.

-----------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về lòng nhân nghĩa. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tài liệu tại các mục Soạn văn 12, Văn mẫu 12...

Đánh giá bài viết
8 28.273
Sắp xếp theo

Đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ (5-7 dòng)

Xem thêm