Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tiết kiệm để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

1. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 1

Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu. Xã hội phồn thịnh cũng bởi mỗi cá nhân biết chi tiêu đúng cách. Tiết kiệm là sử dụng hợp lý của cải, thời gian, công sức lao động một cách có hiệu quả. Người tiết kiệm là người biết cân đối, biết chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong sản xuất những vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Tiết kiệm thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước. Bởi thế, tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp và cần có ở mỗi người. Mỗi học sinh cần phải rèn luyện cho mình tính tiết kiệm và xây dựng lối sống giản dị, tránh xa lối sống đua đòi, xa hoa và lãng phí,. Trong học tập, sắp xếp khoa học tránh lãng phí thời gian. Trong cuộc sống, biết bảo quản, tận dụng các đồ dùng học tập, lao động, sử dụng điện, nước hợp lí, tiết kiệm tiền bạc, của cải và thời gian. Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là tằn tiện quá mức mà phải chi tiêu hợp lí, đảm bảo hiệu quả cao nhất, phục vụ tốt nhất cho công việc và cuộc sống của mình. Người không có tính tiết kiệm không những có thể làm tổn thất của cải, vật chất của xã hội mà bản thân cũng dễ rơi vào cuộc sống nghèo khó.

2. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 2

Tiết kiệm là đức tính cần có của tất cả chúng ta. Vậy bản chất của tiết kiệm là gì? Tại sao nó lại quan trọng với con người đến vậy? Tiết kiệm là sử dụng hợp lí, không lãng phí hay bừa bãi các giá trị vật chất. Ai cũng hiểu tài nguyên trên Trái Đất không gì là vô tận. Nước, than, dầu mỏ, khí đốt…, dẫu có nhiều đến đâu mà không được sử dụng đúng cách chắc chắn sẽ sớm cạn kiệt. Tương tự, khả năng tích lũy của con người cũng là có hạn. Nếu không có dự tính lâu dài, ăn tiêu phung phí, chẳng mấy chốc ta sẽ rơi vào nghèo túng nợ nần. Bởi vậy, có thể khẳng định, tiết kiệm chính là nền tảng đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, bền vững của mỗi cá nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung. Vậy nhưng, ngày nay, vẫn còn không ít kẻ sử dụng phung phí, thậm chí là tận thu tận diệt sản vật tự nhiên, không có ý thức giữ gìn, nâng niu tài sản chung của bản thân và nhân loại. Đồng thời, cũng có những người lầm lẫn giữa tiết kiệm với ki bo, bủn xỉn, không biết cách cho đi dù chỉ một đồng. Là thế hệ trẻ nắm giữ tương lai của đất nước, chúng ta cần nói không với các hiện tượng tiêu cực này và bắt đầu thực hành tiết kiệm từ những điều nhỏ nhất: tắt đèn khi ra khỏi phòng, vặn vòi nước thật chặt nếu không sử dụng... Bởi đúng như Benjamin Frankmin đã nói: “Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu.”

3. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 3

Từ xưa tới nay, tiết kiệm vốn đã là một trong những đức tính vô cùng đáng quý được ông cha ta răn dạy qua nhiều thế hệ bằng những câu ca dao, những câu thơ như "ăn phải dành, có phải kiệm" "ít chắt chiu hơn nhiều phung phí"...… Trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì tiết kiệm lại càng là một phẩm chất cần có ở mỗi người. Nói tiết kiệm không phải là nói ở đầu miệng mà mỗi người trong chúng ta đều phải có ý thức để vừa được lợi cho bản thân, và cũng thể hiện bạn là một người có trách nghiệm trong đời sống xã hội. Bởi vậy ngay từ bây giờ, hãy tập phẩm chất tiết kiệm từ những thứ xung quanh ví dụ như nước, điện, đồ dùng hàng ngày...… để cùng nhau xây dựng một cộng đồng văn minh và giàu mạnh hơn bạn nhé!

4. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 4

Tiết kiệm là một đức tính tốt đẹp của người Việt Nam ta, sống tiết kiệm là không lãng phí, mọi hoạt động sử dụng đều phù hợp, đúng mục đích. Tiết kiệm giúp chúng ta làm chủ được cuộc sống, công việc, tích lũy được nguồn lực về vật chất, kinh tế cho tương lai. Ngược lại, nếu không biết tiết kiệm thì mọi tiền bạc, vật chất sẽ đổ sông đổ bể bơi "Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không." (Hồ Chí Minh). Tiết kiệm không chỉ là một đức tính cần có mà còn là một lối sống có văn hóa, đạo đức. Để làm ra của cải, những giá trị tốt đẹp chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ, đó là thời gian, mồ hôi, công sức và cả những kì vọng. Bởi vậy, việc sử dụng tiết kiệm, đúng cách thể hiện sự trân trọng thành quả mà bản thân hay người khác làm ra. Người có lối sống tiết kiệm sẽ biết cách chi tiêu hợp lí, có kế hoạch nhằm giảm thiểu tối đa những chi phí không cần thiết mà vẫn đạt được hiệu quả công việc như mong muốn. Tiết kiệm không có nghĩa là sống kham khổ hay chi tiêu quá khắt khe, tính toán. Tiết kiệm là việc cân đối việc chi tiêu, sử dụng ở mức phù hợp, đáp ứng được những điều kiện cần thiết của hoàn cảnh, nó khác với việc khắt khe, tính toán từng đồng. Thực hành lối sống tiết kiệm theo lời dạy của ông cha "Tiết kiệm là quốc sách", mỗi học sinh chúng ta cần sống giản dị, rèn luyện tính tiết kiệm, tránh xa những thú vui tiêu khiển và lối sống đua đòi lãng phí. Trong học tập cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập để tránh lãng phí thời gian. Hãy học cách tiết kiệm từ hôm nay hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng cuộc sống, xây dựng đất nước.

5. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 5

Việt Nam vốn là một nước có nền kinh tế tiểu nông lạc hậu. Sau hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm là thực dân Pháp và đế quốc Mĩ kéo dài suốt mấy chục năm, nền kinh tế nước ta lại càng nghèo nàn, lạc hậu. Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, nhân dân ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hòa bình nên bước đầu đã có cuộc sống ấm no: Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một trong những nước chậm phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, đi đôi với những cố gắng phát triển kinh tế, khoa học, kĩ thuật, nhà nước ta đề cao chủ trương tiết kiệm trong toàn Đảng, toàn dân. Coi tiết kiệm là quốc sách, là một trong những biện pháp cơ bản hàng đầu để xây dựng đất nước. Vậy thế nào là tiết kiệm? Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, keo kiệt, không phải là coi trọng đồng tiền một cách quá đáng, cần chi tiêu cũng không dám chi tiêu, gặp việc cần đóng góp cũng không đóng góp. Tiết kiệm cũng không phải là dè sẻn, để dành, cất kín những tiền của dư thừa, mà ngược lại, cần làm cho nó sinh sôi nảy nở. Người dân nào có tiền chưa dùng đến, nên đem gửi vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm, sẽ ích nước lợi nhà. Cao hơn nữa, tiết kiệm là cần sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… một cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí. Tiết kiệm là quốc sách, bởi vì tiết kiệm đem lại lợi ích to lớn cho con người và xã hội. Tiết kiệm là biểu hiện của nếp sống văn minh, văn hóa. Xưa nay, những kẻ có thói xấu ném tiền qua cửa sổ đều mau chóng thất cơ lỡ vận, còn những người biết chỉ tiêu hợp lí và thực sự tiết kiệm thì ngày càng giàu có. Với một quốc gia như Việt Nam hiện nay thì tiết kiệm lại càng quan trọng và cần thiết. Tiết kiệm để tích lũy vốn, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân, từng bước đưa đất nước đi lên. Chúng ta có thể huy động vốn từ nhiều nguồn như vay mượn của nước ngoài hay hợp tác đầu tư… nhưng nguồn vốn trong nước vẫn là cơ bản mà nguồn vốn của dân chỉ có thể có được bằng cách chi tiêu hợp lí và tiết kiệm. Tiết kiệm là việc làm vô cùng cần thiết. Đảng và Nhà nước kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hãy tiết kiệm tối đa, không mua ô tô loại sang, không xây dựng công sở thật lớn, không trang bị những đồ dùng đắt tiền, không tổ chức tiệc tùng lãng phí… Những công trình lớn được xây dựng đúng tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng tốt là tiết kiệm cho ngân quỹ quốc gia. Những cuộc họp đúng giờ, ngắn gọn là tiết kiệm thời gian. Một dây chuyền sản xuất hợp lí là tiết kiệm công sức lao động. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã căn dặn toàn dân phải tiết kiệm thời giờ, sức lao động và tiền của. Mỗi người có những cách thức khác nhau để thực hành tiết kiệm. Chủ doanh nghiệp tiết kiệm tiền của, sức lao động, hợp lí hóa sản xuất. Người nội trợ chi tiêu hợp lí để tiết kiệm ngân quỹ gia đình. Còn học sinh chúng ta phải làm gì để thực hành tiết kiệm? Giữ gìn trường lớp, bàn ghế, đồ dùng học tập… là tiết kiệm cho nhà trường. Bảo quản sách vở, quần áo, xe cộ để cha mẹ đỡ tốn tiền mua sắm cũng là tiết kiệm. Chăm chỉ học tập, lao động vừa là giúp đỡ cha mẹ, vừa là giúp đất nước tiết kiệm tiền của để đào tạo một con người. Có muôn ngàn cách để tiết kiệm, miễn là mỗi người phải có ý thức tự giác. Không chỉ tự mình thực hành tiết kiệm mà chúng ta nên vận động mọi người cùng hưởng ứng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Nhà nước. Tiết kiệm không chỉ là việc làm quan trọng, cấp thiết mà còn là một trong những phẩm chất cần có của mỗi con người nếu muốn thành công trong sự nghiệp. Vì thế, ủng hộ chủ trương tiết kiệm của nhà nước cũng là biện pháp để chúng ta rèn luyện phẩm chất tốt đẹp của con người mới.

6. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 6

Tiết kiệm là một trong những đức tính quan trọng để giúp mỗi người trở nên giàu có và phát triển trong cuộc sống. Người ta giàu có không chỉ bởi vì họ biết lao động mà còn bởi vì họ biết cách tiết kiệm chi tiêu một cách thông minh. Trong một xã hội phồn thịnh, việc mỗi cá nhân biết cách chi tiêu đúng cách đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Việc tiết kiệm là sự sử dụng hợp lý của tài sản, thời gian và nỗ lực lao động để đạt được kết quả tối ưu. Người tiết kiệm là những người biết cân bằng và chi tiêu có kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng và xem xét các yếu tố khác nhau để đạt được mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Tính tiết kiệm thể hiện sự quý trọng và trân trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Nó giúp tạo ra sự giàu có cho bản thân, gia đình và đất nước. Do đó, tính tiết kiệm là một trong những đức tính tốt đẹp và cần thiết cho mỗi người trong xã hội. Trong học tập, việc sắp xếp thời gian hợp lý và tránh lãng phí là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian. Trong cuộc sống, việc bảo quản và tận dụng các đồ dùng, sử dụng điện, nước hợp lý cũng là cách để tiết kiệm chi phí và tài sản. Ngoài ra, việc chi tiêu hợp lý và đảm bảo hiệu quả cao nhất cũng là một phần quan trọng của tính tiết kiệm. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng tính tiết kiệm không có nghĩa là phải sống tằn tiện và giảm bớt mọi chi tiêu. Tiết kiệm là sống giản dị và không xa hoa, đồng thời tận dụng và sử dụng tài sản một cách hợp lí và hiệu quả. Từ những lợi ích của thói quen sống tiết kiệm, có thể thấy hình thành một thói quen sống tiết kiệm là điều cần thiết để mỗi chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

7. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 7

Có người nói rằng tiết kiệm, chất phác, đều là đức tốt của người ta. Thế mà, trong xã hội ngày nay, vẫn còn một số ít bạn trẻ chưa có ý thức về tiết kiệm thời gian quý báu của mình. Chúng ta nên dành những thời gian quý báu đó để làm những việc có ích như: Học tập, đọc sách, tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Tiết kiệm là sử dụng những của cải vật chất một cách đúng đắn, không được phí phạm. Trên vấn đề tiền bạc thì tiết kiệm không phải là không được dùng nữa mà chúng ta phải lao động và tạo ra nó nhiều hơn. Vì đó thể hiện một lối sống có văn hóa và đạo đức của mỗi người. Không nên lãng phí những của cải không do chúng ta làm ra. Vì đó là mồ hôi nước mắt của người khác. Không lãng phí vào những việc không cần thiết. Đối với em là một học sinh thì em nghĩ mình cần phải biết tiết kiệm thời gian, đồ dùng học tập, phải biết giữ gìn những tài sản của chung và của riêng bản thân. Những chiếc bàn chiếc ghế trong nhà trường là bố mẹ gom góp từng đồng tiền lẻ để phụ giúp nhà trường mua những chiếc bàn ghế ấy cho chúng ta ngồi học. Vì vậy chúng ta cần phải tiết kiệm, giữ gìn những của cải của chung hay của riêng. Chính vì vậy tiết kiệm là một đức tính quý báu của con người. Cần phải hiểu rõ thế nào là tiết kiệm và phải thực hành việc tiết kiệm, trước hết là cho bản thân mình, gia đình và xã hội.

8. Viết đoạn văn ngắn về tiết kiệm 200 chữ mẫu 8

Ông bà ta đã có câu "Tiết kiệm là quốc sách", cho thấy vai trò của việc tiết kiệm trong cuộc sống. Tiết kiệm không chỉ là lối sống đúng đắn, một đức tính tốt cần phải có mà còn là quốc sách hàng đầu giúp mỗi con người, mỗi quốc gia tích lũy nguồn lực và tiềm năng để phát triển. Điều này đặc biệt cần thiết trong một thế giới đang trải qua nhiều thách thức về tài nguyên, môi trường và kinh tế. Việc tiết kiệm không chỉ giúp chúng ta sử dụng tài nguyên một cách hợp lí, mà còn giúp đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Nếu chúng ta không tiết kiệm, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong tương lai, như là tình trạng thiếu hụt tài chính, nguồn lực và môi trường. Vì vậy, tiết kiệm là một phương pháp quản lý tài chính thông minh và đáng tin cậy. Việc tiết kiệm cũng giúp chúng ta tích lũy được nguồn lực kinh tế, vật chất để đảm bảo cho tương lai. Nó giúp chúng ta có khả năng đối phó với những rủi ro và thách thức trong cuộc sống, và cung cấp cho chúng ta những cơ hội để đầu tư vào những mục tiêu lớn hơn. Bên cạnh đó, tiết kiệm còn giúp chúng ta sống một cuộc sống đơn giản hơn và khiêm tốn hơn. Chúng ta không cần phải theo đuổi những thú vui xa xỉ và tốn kém, mà thay vào đó, hãy tập trung vào những điều cơ bản và quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ ràng giữa tiết kiệm và việc chi tiêu khắt khe, ki bo kẹt xỉn. Tiết kiệm không phải là việc ki bo, kẹt xỉn mà là việc sử dụng tài nguyên hay quản lý tài chính một cách hợp lí và đúng mục đích. Trong thời đại hiện nay, việc tiết kiệm đòi hỏi phải xuất phát từ ý thức của mỗi người, tự giác thực hiện những hành động nhỏ nhặt, ví dụ như tắt điện khi không sử dụng, sử dụng các sản phẩm tái chế, không phung phí tiền bạc,... để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và bền vững hơn.

Mời bạn đọc cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
23
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm