Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về câu nói: Học hỏi là việc làm suốt đời

Nghị luận xã hội 200 chữ về câu nói: Học hỏi là việc làm suốt đời vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Dàn ý Nghị luận về câu nói: Học hỏi là việc làm suốt đời

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề nghị luận: câu nói: Học hỏi là việc làm suốt đời.

2. Thân bài

a. Giải thích

Học hỏi: là việc mỗi cá nhân tự mình cố gắng, nỗ lực tiếp thu kiến thức, trau dồi bản thân và hình thành kĩ năng sống để hoàn thiện mình, khiến bản thân mình trở nên tốt hơn. Học hỏi để tiến bộ là một quá trình dài xuyên suốt cuộc đời con người.

b. Phân tích

- Biểu hiện của người có ý thức học hỏi:

Luôn cố gắng, nỗ lực học hỏi, tìm tòi những cái hay, cái mới, không ngừng học hỏi ở mọi lúc mọi nơi.

Có ý thức tự giác, không để người khác phải nhắc nhở về việc học của mình.

Học đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng, có hệ thống lại bài học, rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân từ lí thuyết, sách vở.

- Vai trò, ý nghĩa của việc có ý thức học hỏi:

Tự học giúp ta nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống.

Tự học còn giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác.

Người biết tự học là người có ý thức cao, chủ động trong cuộc sống của chính mình, những người này sẽ đi nhanh đến thành công hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những người ham học, có tinh thần tự học và thành công để minh họa cho bài văn của mình.

d. Phản đề

Bên cạnh những tấm gương tốt về tinh thần tự học hỏi, chúng ta cần phê phán những tư tưởng sai lệch. Đó là những người không thấy được tầm quan trọng của việc học dẫn đến không có tinh thần chủ động học hỏi. Luôn ỷ lại, lười nhác, không có ý chí, nghị lực, học tới đâu hay tới đó.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói: Học hỏi là việc làm suốt đời và nêu cảm nghĩ, liên hệ bản thân.

1. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời  - Mẫu 1

Trong xã hội hiện đại, việc học được coi là nhiệm vụ bắt buộc của mọi công dân. Vậy vì sao việc học lại quan trọng đến thế? Bàn về giá trị của việc học, có ý kiến cho rằng: “Học hỏi là việc làm suốt đời”. Học hỏi chính là việc tiếp thu kiến thức trên nhiều lĩnh vực, tìm tòi và sáng tạo những tri thức mới, rèn luyện bản thân. Học không chỉ gói gọn ở việc đọc sách giáo khoa mà còn là học kĩ năng sống, cung cách ứng xử,… Ý nghĩa của việc học là vô cùng to lớn. Nhờ có học tập, mà con người được rèn luyện tư duy, có nhận thức sâu sắc về đời sống, tích lũy được vốn kiến thức phong phú. Học tập và lao động giáo dục con người về tình cảm yêu thương lẫn nhau, hướng ta đến chân - thiện – mỹ. Trong quá trình học tập, con người trở nên chăm chỉ, kiên cường, tự giác hơn. Càng tiếp thu được nhiều kiến thức, ta càng dễ dàng vượt qua những thử thách của cuộc sống, có thể tồn tại ở bất kì môi trường nào. Học tập mở ra cho ta biết bao cơ hội. Không chỉ vậy, học còn là cách chúng ta làm mới mình, giảm thiểu căng thẳng. Kiến thức là vô biên nên ta không bao giờ có thể học hết được nhưng ta có thể cải thiện cuộc sống, tốt lên từng ngày. Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa có ý thức học hoặc lựa chọn học tủ, học vẹt, Cả xã hội cần chung tay cải tổ tình trạng này. Hãy nhớ rằng: “Nhân bất học, bất tri lí. Ấu bất học, lão hà vi”.

2. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời - Mẫu 2

Mỗi chúng ta ai cũng biết để thành công và nên người phải trải qua quá trình học tập và trau dồi bản thân một cách nghiêm túc. Nhưng việc học không chỉ đơn giản là học trong sách vở hay học khi mình còn trẻ mà học hỏi là việc suốt đời. Học hỏi là việc mỗi cá nhân tự mình cố gắng, nỗ lực tiếp thu kiến thức, trau dồi bản thân và hình thành kĩ năng sống để hoàn thiện mình, khiến bản thân mình trở nên tốt hơn. Học hỏi để tiến bộ là một quá trình dài xuyên suốt cuộc đời con người. Khi ta còn nhỏ ta học đi, học nói, học cách thích ứng với môi trường xung quang. Lớn hơn một chút trong độ tuổi đến trường ta học kiến thức từ thầy cô, sách vở, trau dồi đạo đức trong môi trường học đường. Khi ra đời ta học cách đối nhân xử thế, đối mặt với những khó khăn, sóng gió để có chỗ đứng trong xã hội, để cống hiến những điều tốt đẹp cho công cuộc phát triển chung. Khi có gia đình ta học cách yêu thương, bao dung, kiên trì, nhẫn nại. Về già ta học cách buông bỏ những bộn bề để hướng đến bình yên,… Học hỏi ở mỗi giai đoạn lại là những công cuộc khác nhau, chỉ cần ta lơ là trong học tập, ta sẽ bị thụt lùi về sau. Ngay từ bây giờ, chúng ta hãy luôn cố gắng, nỗ lực học hỏi, tìm tòi những cái hay, cái mới, không ngừng học hỏi ở mọi lúc mọi nơi; có ý thức tự giác, không để người khác phải nhắc nhở về việc học của mình và học đến nơi đến chốn, không bỏ dở giữa chừng, có hệ thống lại bài học, rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân từ lí thuyết, sách vở. Việc tự hỏi hỏi giúp ta nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống và giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương tốt về tinh thần tự học hỏi, chúng ta cần phê phán những tư tưởng sai lệch. Đó là những người không thấy được tầm quan trọng của việc học dẫn đến không có tinh thần chủ động học hỏi, luôn ỷ lại, lười nhác, không có ý chí, nghị lực, học tới đâu hay tới đó. Những người này cần thay đổi và cố gắng học tập hơn nếu muốn có được một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Việc học là quan trọng và cần thiết đối với mọi lứa tuổi ở mọi thời kì. Hãy luôn nỗ lực trong học tập và trau dồi bản thân thật tốt để trở thành công dân tốt cho xã hội.

3. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời - Mẫu 3

Nhà triết học vĩ đại nước Nga, V.I.Lê-nin từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói ấy đã trở thành phương châm giáo dục cho biết bao nhà trường. Điều đó khiến chúng ta suy ngẫm về việc, học hỏi là làm việc suốt đời. Học hỏi tức là thái độ cầu thị, muốn tìm hiểu, chiến lĩnh các kiến thức đời sống xã hội, mà có thể không cần phải học trong nhà trường. Việc học hỏi không nhất thiết phải trong một giai đoạn bắt buộc như độ tuổi đến trường. Để sống và làm việc tốt nhất, con người phải luôn sẵn sàng tinh thần học hỏi. Bởi chẳng có nhà trường nào đào tạo được con người bước ra đời là hoàn hảo, thành thục mọi kĩ năng, kĩ xảo. Con người vì luôn không hoàn hảo và muốn có cuộc sống tốt thì thái độ học hỏi là cần thiết và liên tục. Cho nên, “học hỏi là làm việc suốt đời” là lời khẳng định đúng đắn. Học cũng là cách làm việc mà chúng ta phải thực hiện cả đời có khi không hết, không xong. Chúng ta thực sự thán phục trước những thông tin như có cụ đã 70 tuổi rồi vẫn cố gắng học và tốt nghiệp đại học. Ông chủ thương hiệu gà rán KFC đến tận hơn 60 tuổi vẫn khởi nghiệp và thành công trên toàn thế giới. Điều gì khiến ông ấy lại có được vị trí như thế ngoài việc học hỏi đây! Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cũng vậy, những năm cuối đời của Người, thư ký của bác vẫn nhìn thấy trên bàn làm việc có cuốn từ điển tiếng Tây Ban Nha. Bác là nhân chứng lớn nhất cho tinh thần học hỏi và coi việc học hỏi là việc làm suốt đời của mình. Ấy vậy mà, nhiều bạn trẻ hiện nay lại coi thường việc học. Nóng vội, chủ quan, quá tự tin vào bản thân mình nên coi thường việc học. Thi thoảng lại thấy một cú vấp ngã gieo bao thất vọng cho người thân, nhưng rồi chứng nào tật ấy vẫn không thay đổi. Không học hỏi khác nào như người mù đi đường vậy. Cho nên ở bất cứ độ tuổi nào, việc học hỏi là cần thiết, thái độ học hỏi là ưu tiên hàng đầu cho mọi thành công.

4. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời - Mẫu 4

Đã từ bao thế kỉ nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, học tập là một quyền lợi chính đáng của mỗi con người được sinh ra, lớn lên và tồn tại trên mặt đất này. Nhất là trong thế kỉ 21, thế kỉ của tri thức, thì sự học chẳng những là quyền lợi của mỗi con người để họ sinh tồn mà còn là trách nhiệm của họ với sự phát triển của một quốc gia, thế nhưng dường như ở Việt Nam và cũng như trên thế giới, nhiều người vẫn không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu "Học tập là một cuốn vở không có trang cuối" để thoái thác trách nhiệm đó.

Học tập là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn như nhìn nhận, tiếp thu, vận dụng, sáng tạo, tìm tòi. Nhằm mục đích là tích lũy tri thức về thiên nhiên, xã hội, con người, tôn giáo, tâm linh. Sự học nào chỉ hạn hẹp trong những trang sách, gò bó trong bốn bức tường lớp học mà nó còn mở rộng ra cả cuộc sống, cả thế giới bên ngoài. Mỗi người cần học tập, phải học tập để tồn tại, phát triển trong xã hội mà họ đang sống, khi bé thơ thì ta phải học ăn, học nói, học đi và khi lớn lên, ta phải học kiến thức, học lối sống hay, học nhân cách đẹp. Không ai có thể tồn tại nếu từ bỏ sự học.

Ta nói "Học tập là một cuốn vở không có trang cuối" tức là ta đã khẳng định rằng sự học không hề có một giới hạn nào để cho ta đạt đến cả. Ta có thể ví sự học như một con đường không có đích đến mà ta chỉ có thể cho người khác biết ta đang ở đâu trên con đường này qua những dấu chân mà ta đã để lại.

Ta không thể đến được cái đích ấy bởi đó là một cái đích xa vời vợi với những tinh hoa tri thức của nhân loại về xã hội, thiên nhiên, con người, vũ trụ,… được tích lũy qua hàng vạn năm và cái đích đó, mỗi ngày một xa hơn với một khối lượng tri thức khổng lồ được tìm ra trong mỗi một ngày trôi qua. Và nhất là, dù ta đã thấy được cái đích ấy thì ta vẫn không bao giờ có thể bước qua được nó, bởi những gì mà nhân loại, mà con người biết đến trong vũ trụ này chỉ như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông với những điều chưa biết. Vì thế, đó là một con đường mà không bao giờ đến được cái đích.

Thế nhưng, nhiều người đã lầm tưởng rằng họ đã đến được cái đích ấy hay cho rằng, đi đến một điểm nào đó trên con đường ấy là đã đủ rồi. Nhưng những người đó nào biết rằng, mỗi phút giây họ dừng lại là hàng triệu người phát đã, đang và sẽ vượt lên trên họ. Đến một lúc nào đó, khi họ đã tụt lại ở quá xa với những người khác thì họ sẽ phải bị đào thải khỏi xã hội mà họ đang sống. Thế nên, đừng bao giờ cho rằng học như thế là đủ và cũng đừng bao giờ tự hỏi rằng học bao nhiêu là đủ, mà hãy luôn luôn nhớ "Học, học nữa, học mãi", học kiến thức, học cái hay, cái đẹp,… để tồn tại, để chung sống và để phát triển.

"Học tập là một cuốn vở không có trang cuối" và nếu ta ngừng đọc những trang vở đó thì cũng chính là tự "đào mồ chôn mình", nhất là trong một thế kỉ của tri thức như hiện nay. Vì thế, hãy cùng tôi và mọi người tiếp tục bước đi trên con đường mà đích đến là không hề tồn tại.

5. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời - Mẫu 5

Học vấn có thể gây khó khăn nhưng sẽ mang lại thành quả ngọt ngào. Học vấn là thành quả của sự siêng năng. Có người ví von việc học như chiếc thuyền trên biển, nếu không tiến lên sẽ bị trôi ngược. Để đạt được học vấn, con người cần phải không ngừng nỗ lực học suốt cuộc đời.

Học là con đường tạo ra tri thức và cũng là tiêu chí đánh giá một cá nhân. Sự tích luỹ kiến thức càng nhiều, cuộc sống của chúng ta càng ý nghĩa hơn. Học không chỉ là lý thuyết mà còn là kinh nghiệm thực tiễn, là cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh, là cách sống hiện đại và có ích.

Học là sự kiên trì và bền bỉ. Bất kể là nhà khoa học, bác sĩ hay những nhà lãnh đạo, họ không bao giờ dừng lại trong việc học hỏi. Họ học vì quan tâm đến tương lai, vì yêu thương mọi người, vì mong muốn góp phần vào sự phát triển của xã hội. Bác Hồ là tấm gương sáng về việc không ngừng học hỏi. Ngôn ngữ ngoại quốc, viết báo, nghiên cứu triết học Mác-Lênin, học hỏi và tiếp thu kiến thức văn hóa. Người biết sử dụng nhiều ngôn ngữ nhờ tự học, không thông qua trường học chính thống. Học từ sách báo, từ đồng nghiệp, từ bạn bè, từ nhân dân.

Học hành kiên trì như mầm cây mùa xuân. Nó phát triển dù chúng ta không nhìn thấy sự thay đổi hàng ngày. Lười biếng giống như không dùng đá mài dao. Một người sẽ thất bại nếu không kiên nhẫn trong việc học tập.

Học để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, và học để từ chối những điều không phù hợp với bản thân. Chúng ta cần học hỏi liên tục, vì 'Học, học nữa, học mãi' không chỉ là một câu nói mà còn là chân lí của cuộc sống. Học để phát triển bản thân và nhìn nhận thế giới xung quanh.

Trong hành trình học tập, sự kiên nhẫn và không từ bỏ là chìa khóa của thành công. 'Học từ quá khứ, sống hiện tại, hy vọng vào tương lai. Quan trọng nhất là không ngừng học hỏi'.

6. Nghị luận xã hội 200 chữ: Học hỏi là việc làm suốt đời - Mẫu 6

Hồ Chủ Tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người là ánh đuốc sáng soi đường trong đêm tối, là niềm tin vững chãi chốn lao tù, là khát vọng, là lương tri của loài người tiến bộ, người còn là một tấm gương tự học và học tập suốt đời. Người đã để lại nhiều câu nói nổi tiếng có giá trị như những lời răn dạy cho con cháu đời sau. Có lẽ không ai là không biết câu: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”.

Vậy Học hỏi là gì? Học hỏi là tiếp thu tri thức của nhân loại từ sách vở, từ cuộc sống, từ những người xung quanh ta. Học hỏi là một quá trình lâu dài chứ không thể trong một thời gian ngắn bởi vậy Bác Hồ nói đó là việc phải tiếp tục suốt đời, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi. Cuộc sống ngày càng phát triển không ngừng và tri thức nhân loại thì vô tận và mỗi giây mỗi phút trôi qua là bao tri thức mới được ra đời., nếu không chịu học hỏi nâng cao tầm hiểu biết của mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị tụt hậu và bị đào thải khỏi cuộc sống hiện đại. Học phải đi đôi với hỏi để hiểu sâu sắc kiến thức, biến tri thức thành của mình chứ không phải là sự tiếp nhận thụ động. Bác Hồ là một tấm gương sáng ngời của một người học hỏi không ngừng. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

"Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi
Những đất tự do những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi"

Phát biểu với sinh viên trường đại học Băng Đung trong chuyến thăm Indonesia năm 1959, Người nói đại ý: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường học. Cuộc sống, du lịch và làm việc là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội, khoa học quân sự, lịch sử và chính trị. Nó dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình; căm ghét áp bức, ích kỷ…” Sau này, khi đã lớn tuổi, thành người đứng đầu một nhà nước độc lập, dù thời bình hay thời chiến, Người vẫn tích cực học, học trong thực tế, học suốt đời. Nói chuyện với đảng viên, Bác phê phán đảng viên mới 40 tuổi mà đã cho là mình già nên ít chịu học tập và nói rõ là mình 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm rồi kêu gọi "chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học". Người nói với cán bộ đã kết thúc một khoá huấn luyện là "anh em sẽ còn phải học nữa, học mãi khi ra làm việc". Người còn nhắc nhở cán bộ cơ quan "mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ" và xem việc cán bộ đảng viên vì bận việc hành chính hoặc quân sự mà xao nhãng chuyện học tập là "một khuyết điểm rất to". Người còn dặn phải "biết ham học". Rõ ràng là từ mức giác ngộ về nghĩa vụ – biết tại sao cần phải học – tiến đến mức "ham học" là đạt đến mức giác ngộ cao, là một sự thay đổi về chất bởi khi ta ham học thì tự việc học đã đem lại sự thoả mãn, thích thú trong người, ta sẽ tìm đến việc học một cách tự giác, hăm hở và khi đó việc học chắc chắn sẽ có hiệu quả cao.Người nhắc nhở "học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời", những điều được học, được nghiên cứu tại trường chỉ có thể ví như một "hạt nhân bé nhỏ" mà người học "sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả". Người khẳng định là trong cách học thì "lấy tự học làm cốt". Có thể thấy Hồ Chí Minh đã rất coi trọng trách nhiệm tự học của chính người học, tự học thêm để làm chủ được tri thức, để biến hạt hiểu biết cơ bản được gieo xuống ban đầu trong đầu óc mình nảy nở thành cây tri thức vững chãi. Người còn quan niệm việc mở mang giáo dục không chỉ là lập trường cho người lớn và trẻ em, lập ấu trĩ viên cho trẻ con mà còn phải "lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân". Với tầm nhìn xa của mình, Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò không thể thiếu được của các thiết chế văn hoá trong sự nghiệp mở mang trí óc cho nhân dân.

Câu nói của Bác ra đời đã lâu nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi người Việt Nam phải học theo lời dạy của Người để không ngừng tiến bộ. Tuy Bác đã ra đi nhưng người mãi là tấm gương sáng ngời của một con người suốt đời học hỏi.

Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tập

    Xem thêm