Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử để bạn đọc cùng tham khảo. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

Dàn ý nghị luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong thi cử

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử.

Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của mình.

2. Thân bài

a. Hiện trạng

Trong những kì thi, những giờ kiểm tra xảy ra rất nhiều trường hợp các em học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài.

Học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài khi giám thị không để ý.

Nghiêm trọng hơn có những trường hợp học sinh mang thiết bị công nghệ cao như điện thoại, tai nghe không dây,… để tra cứu đáp án.

b. Nguyên nhân

Chủ quan: các em học sinh lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích.

Khách quan: đề thi dài và khó, thầy cô và gia đình tạo áp lực về thành tích,…

c. Hậu quả

Tạo thói quen xấu, đức tính xấu cho các em, ảnh hưởng đến quá trình làm người của các em.

Các em không nắm vững kiến thức bài học.

d. Giải pháp khắc phục

Bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử.

Gia đình cần dạy dỗ các em đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích.

Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: hiện tượng tiêu cực trong thi cử, đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Viết đoạn văn ngắn về hiện tượng tiêu cực trong thi cử 200 chữ

Hiện tượng tiêu cực trong thi cử luôn là vấn đề đáng quan ngại của xã hội trong mọi thời đại. Tiêu cực trong thi cử là cách gọi chung cho những hành động gian lận, bao che, gian dối trong thi cử. Biểu hiện của hiện tượng tiêu cực trong thi cử vô cùng đa dạng và phức tạp, không chỉ có ở học sinh mà còn xuất hiện ở thầy cô, nhà trường, thậm chí là cán bộ của các phòng, sở giáo dục. Với học sinh thì đó là hành động gian lận, quay cóp, nhắc bài trong quá trình làm bài kiểm tra, bài thi. Với thầy cô, nhà trường, cán bộ thì đó là hành động tiết lộ đề, tiết lộ đáp án, nhắc bài cho học sinh, nâng/hạ điểm không có căn cứ, bao che cho các hành động tiêu cực của học sinh… Hiện tượng tiêu cực trong thi cử ngày càng biến tướng, nghiêm trọng nhất là trong kì thi THPT quốc gia năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018, Sở Giáo dục các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La,… đã bị điều tra và phát hiện, xử lí hàng trăm trường hợp nâng điểm một cách trắng trợn, cao nhất có thí sinh được nâng đến 9 điểm/một môn. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là ở đâu? Theo tôi, nguyên nhân chính là xuất phát từ lòng tham, từ cách suy nghĩ tiêu cực, lạm dụng chức quyền của cán bộ, từ thói lười biếng, không có mục đích học tập đúng đắn của học sinh. Và hậu quả của tình trạng, hiện tượng này là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhân lực của đất nước, tạo ra xôn xao, nghi ngờ trong dư luận. Để đẩy lùi hiện tượng trên, bên cạnh việc học sinh phải tự rèn luyện đức tính trung thực của chính bản thân mình, thì Bộ Giáo dục, các nhà chức trách cũng cần nghiêm túc theo dõi sát sao, đề cao tính công bằng khi tổ chức bất kì một kì thi, kì sát hạch nào.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử

Tiêu cực trong thi cử là những hành vi gian lận, không trung thực, không có tính công bằng trong thi cử. Thí sinh mang những tài liệu không được cho phép vào phòng thi sau đó vứt tài liệu quay cóp, những chiếc "phao" đầy thùng rác, tràn lan trên sân trường. Thậm chí có học sinh sử dụng những thiết bị điện tử để thực hiện hành vi gian lận: điện thoại, tai nghe không dây... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ quan là do ý thức học kém, lười học ở một số bộ phận học sinh vẫn muốn được điểm cao mà không muốn học, còn nguyên nhân khách quan là do đề thi dài và khó, áp lực thành tích từ thầy cô, cha mẹ... Điều này đã để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tận tương lai sau này của các học sinh. Tiêu cực trong thi cử sẽ tạo thói quen xấu, học sinh không có kiến thức, ảo tưởng về học lực và thành tích của chính mình. Để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi học sinh cần ý thức học tập chăm chỉ hơn, trung thực, nghiêm túc tuân thủ nội quy thi cử. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm, không tạo áp lực học hành, thầy cô và nhà trường động viên, không áp lực thành tích và có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử. Như vậy, tiêu cực trong thi cử là một hành vi xấu cần đẩy lùi để nâng cao chất lượng đào tạo, học tập của học sinh.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 3

Hành động quay cóp, gian lận trong thi cử thể đem lại cho học sinh những cái "lợi" nhất định, giúp ta làm tốt và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, thi cử. Nhưng nếu suy nghĩ kĩ thì cái “lợi” trước mắt sẽ là cái hại lâu dài cho bản thân chúng ta. Việc quay cóp khiến chúng ta có thói quen ỷ lại vào người khác trong học tập, thụ động, không tư duy sáng tạo. Nó tạo cho ta những lỗ hổng kiến thức vô cùng nghiêm trọng khó có thể bù đắp, nó làm cho ta trở nên mục nát. Khi quay cóp chúng ta cảm thấy sung sướng vì đã làm được bài tập, nhưng bù lại chúng ta sẽ bị day dứt hằng đêm vì việc làm của mình. Với những cuộc thi lớn hơn, khi các giám thị coi thi nghiêm túc hơn, khi các bạn xung quanh không cho chép bài thì chúng ta sẽ ra sao? Không có kiến thức mà vẫn lên lớp ắt dẫn đến tình trạng ngồi nhầm lớp. Xã hội ngày càng phát triển, không kiến thức thì mình sẽ làm gì? Liệu ta có thể là gánh nặng của xã hội hay không? Dân tộc ta, đất nước ta sẽ ra sao khi những con người bất tài làm chủ nhân? Việc quay cóp trong giờ kiểm tra còn làm cho các thầy cô mất lòng tin đối với ta, làm nảy sinh sự nghi ngờ và làm sứt mẻ mối quan hệ thầy trò thiêng liêng. Không chỉ vậy, chúng ta còn tự tạo ra cơ hội cho mình dối trá, tự bôi bẩn nhân phẩm, tư cách của mình. Thật xấu hổ cho những ai mắc bệnh quay cóp! Việc quay cóp là cực kì đáng chê trách, nó có tác hại rất nhiều và hết sức to lớn đối với tương lai của học sinh và tương lai của đất nước. Bản thân chúng ta cần phải hiểu điều đó để trách xa việc quay cóp.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 4

Trường học là ngôi nhà thứ hai dạy cho con người nhiều điều hay lẽ phải. Tuy nhiên, hiện nay trong trường học có nhiều hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của các em học sinh, trong đó phải kể đến chính là hiện tượng gian lận trong thi cử. Gian lận trong thi cử là những hành vi vi phạm quy chế của các bạn học sinh trong các kì thi, làm những việc bị cấm như: mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, trao đổi bài,… Đây là những hành động tiêu cực mà chúng ta cần phải tẩy chay, phê phán. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là ý thức chủ quan các em học sinh, nhiều bạn còn lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích. Tuy nhiên, một phần khác là do đề thi mà các thầy cô giáo dài và khó, gia đình tạo áp lực về thành tích học tập khiến các em tìm mọi cách để đạt được điểm cao để mọi người hài lòng. Việc gian lận thi cử tưởng nhỏ nhưng thực ra nó có tác động và hệ quả vô cùng to lớn đối với các em học sinh. Đầu tiên, nó tạo cho các bạn thói quen xấu, đức tính xấu, sẵn sàng gian lận để được điểm cao, ảnh hưởng đến quá trình làm người của các em. Cũng từ hiện tượng này mà nhiều thành tích ảo cũng từ đó mà hình thành, điểm số đã không còn đánh giá được đúng năng lực của học sinh. Muốn môi trường học đường tốt hơn, các em học sinh có điều kiện phát triển hơn thì trước hết bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, gia đình cần dạy dỗ các em đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích. Ngoài ra, nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe. Chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng một môi trường học đường tích cực, tốt đẹp, đẩy ra những tiêu cực và hiện tượng gian lận trong thi cử để sau này trở thành một công dân tốt, cống hiến những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 5

Vấn nạn gian lận trong thi cử được xem là đáng báo động đối với giáo dục. Gian lận trong thi cử là gì? Gian lận trong thi cử là hành vi làm trái so với quy định của học sinh như quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi, chạy tiền của để đạt được điểm cao. Gian lận không chỉ diễn ra ở học sinh mà còn diễn ra ở giáo viên và phụ huynh. Chính phụ huynh, giáo viên đang “dọn đường” cho học sinh, tiếp tay để học sinh gian lận. Đây thực sự là điều rất đáng buồn. Biểu hiện của gian lận trong thi cử hiện nay không phải giấu kín mà nó hiển hiện ra rất lộ liễu, hơn hết có nhiều người biết nhưng mà cũng không lên tiếng. Gian lận trong thi cử sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho học sinh, làm hư học sinh, khiến các em luôn ở trong tâm thế sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý chí vươn lên phấn đấu giành thành tích. Bao thế hệ học sinh đi qua là bất nhiêu thế hệ còn tồn tại thói xấu gian lận đáng phải bài trừ này. Người ta bảo ngựa quen đường cũ, việc gian lận cũng vậy, nếu như các em có lần một thì chắc chắn sẽ có lần hai. Và vai trò của nhà trường trong việc đối phó với nạn gian lận thi cử này cũng hết sức quan trọng. Nếu thầy cô dễ dãi, không siết chặt xử lý nghiêm những hành động làm trái quy định này thì chắc chắn học sinh sẽ tiếp tục tái diễn ở những lần tiếp theo. Hậu quả mà việc gian lận trong thi cử gây ra rất lớn, hiện tượng này có thể phá hủy tương lai còn dài của các em. Chỉ vì các em đã quen với việc gian lận, quen với việc được nâng đỡ cũng đã khiến cho các em lười tư duy, vận động để đạt kết quả tốt. Để có thể hạn chế được hiện tượng này thì thầy cô giáo cần phải nghiêm khắc và xử lý mạnh tay hơn nữa những thành phần dám vi phạm. Có như thế thì học sinh mới có thể nghiêm túc làm bài, không dựa dẫm. Thế chủ động đó sẽ khiến cho các em có thể nắm vững được kiến thức thật chắc và thật sâu. Tình trạng gian lận ở ngành giáo dục nước ta đang còn nhiều, không chỉ kiểm tra ở trường mà còn tại các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học cũng không hiếm. Các em đã không thể tự khẳng định được năng lực học của mình mà chỉ lo chạy theo cái danh vọng hão huyền, không thực tế. Gian lận thi cử sẽ tạo nên bệnh thành tích cần phải bài trừ. Học tập không phải vì điểm số mà là vì chính tương lai của bạn. Đừng để gian lận trong thi cử làm hại đến cuộc sống mai sau. Trung thực và thẳng thắn từ bây giờ, sẽ giúp cuộc sống mai sau của bạn tươi đẹp và mãi mãi vững bền!

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 6

Hiện nay, trong trường học đã và đang xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực đáng báo động về việc suy thoái đạo đức của các em học sinh. Một trong những hiện tượng tiêu cực đó mà chúng ta không thể không nhắc đến chính là hành vi gian lận trong thi cử. Hiện tượng gian lận trong thi cử là những hành vi vi phạm quy chế của các bạn học sinh trong các kì thi, làm những việc bị cấm như: mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, trao đổi bài,… Đây là những hành động tiêu cực mà chúng ta cần phải tẩy chay, phê phán. Nếu kiểm tra một cách kĩ càng thì trong bất cứ kì thi nào cũng sẽ bắt gặp các bạn học sinh có hiện tượng gian lận dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu giám thị coi thi không nghiêm thì sẽ mở tài liệu ra chép bài, nếu giám thị có việc đi ra ngoài thì trao đổi bài,... không còn là điều khó thấy ở trường học. Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến ý thức chủ quan của các em học sinh, các em còn ham chơi, lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích. Nguyên nhân khác phải kể đến là nhiều đề thi dài và khó ngoài tầm hiểu biết nên dẫn đến tình trạng trao đổi. Bên cạnh đó là việc thầy cô và gia đình tạo áp lực về thành tích,… khiến các em bằng mọi cách phải được điểm cao nên dẫn đến gian lận trong thi cử. Việc gian lận trong thi cử sẽ tạo thói quen xấu, đức tính xấu cho các em, ảnh hưởng đến quá trình làm người của các em. Ngoài ra, nhiều thành tích ảo cũng từ đó mà hình thành, điểm số không đánh giá được đúng năng lực của học sinh. Để đánh giá đúng năng lực, trước hết bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Gia đình cần dạy dỗ các em đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích. Nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe. Khi cả xã hội cùng chung tay để tẩy chay hành vi gian lận trong thi cử cũng như tiến đến xây dựng một môi trường học đường vững mạnh thì không chỉ bản thân các em học sinh tốt lên mà cả xã hội cũng sẽ tốt lên từng ngày.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 7

Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng là lúc có nhiều vấn đề nổi cộm nổ ra nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến hiện tượng gian lận trong thi cử của học sinh hiện nay.

Một hiện trạng dễ dàng nhận thấy là trong những kì thi, những giờ kiểm tra xảy ra rất nhiều trường hợp các em học sinh giấu tài liệu mang vào phòng thi để chép bài bị giáo viên, giám thị bắt được và nhắc nhở. Bên cạnh đó là việc các bạn học sinh lén lút bàn luận, trao đổi bài trong giờ học, giờ thi khi giám thị không để ý. Nghiêm trọng hơn nữa là có những trường hợp học sinh mang thiết bị công nghệ cao như điện thoại, tai nghe không dây,… để tra cứu đáp án.

Nguyên nhân của hiện tượng gian lận trong thi cử này không thể không nhắc đến đầu tiên là do ý thức chủ quan của chính các bạn học sinh: vì lười học, không có ý thức học tập nhưng vẫn muốn được điểm cao hoặc bị bệnh thành tích mà đâm ra quay cóp, gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến nguyên nhân khách quan là do thầy cô ra đề thi khó và dài, bao quát hết mọi chương trình học và mở rộng, nâng cao ra khỏi chương trình. Một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là việc nhà trường, thầy cô tạo áp lực cho các bạn học sinh về thành tích.

Hậu quả của việc gian lận trong thi cử để lại cho các bạn học sinh là vô cùng to lớn, trước hết, nó tạo ra thói quen xấu, đức tính xấu cho các bạn, làm ảnh hưởng đến quá trình làm người. Bên cạnh đó là việc các bạn học sinh không nắm vững kiến thức bài học mà chỉ chăm chăm vào việc mang “phao” vào trong phòng thi.

Để khắc phục tình trạng gian lận trong thi cử, trước hết, bản thân mỗi người học sinh cần phải tự có ý thức học tập, thực hiện nghiêm túc nội quy thi cử, không gian lận trong thi cử. Bên cạnh đó, gia đình cần dạy dỗ con em mình đức tính trung thực, không tạo áp lực cho các em và không đặt nặng bệnh thành tích. Ngoài ra, nhà trường cần đưa ra đề thi hợp lí, phổ biến nội quy thi cử và xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để răn đe.

Mỗi người một hành động nhỏ nhưng cùng chung tay với sẽ tạo ra ý nghĩa lớn, lan tỏa được thông điệp lớn lao. Để đẩy lùi hiện tượng gian lận trong thi cử, chúng ta cần chung tay xây dựng một thói quen học tập thật tốt và rèn luyện đức tính trung thực cho bản thân để trở thành một người chủ nhân thực thụ của đất nước.

Viết đoạn văn 200 chữ về hiện tượng tiêu cực trong thi cử mẫu 8

Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, một số người đã quên đi những chuẩn mực đạo đức để chạy theo những tiêu cực trong xã hội mà bệnh thành tích trong học tập là một ví dụ. Trước tình hình đó, Bộ Giáo Dục nước ta đã vận động nhân dân “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” “Tiêu cực” là những biểu hiện không lành mạnh, có tác dụng không tốt đối với xã hội, làm cho xã hội ta ngày càng đi xuống. “Thành tích” là kết quả của sự nỗ lực mà con người đã bỏ ra. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước. Thế nhưng “bệnh thành tích” lại là kết quả của sự “nỗ lực” giả dối, ngụy tạo. Sự khác nhau căn bản giữa “thành tích” và “bệnh thành tích” chỉ là sự khác nhau giữa cái thật và cái giả. Và yếu tố then chốt làm nên sụ khác biệt đó chính là tính trung thực. Chính vì thế mà nỗ lực để đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thề là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương. Còn những tiêu cực và bệnh thành tích cần phải lên án và xoá bỏ. Căn bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhà trường vì muốn đạt chỉ tiêu của bộ đề ra, giáo viên muốn hoàn thành tốt thi đua của nhà trường nên đã lờ đi đạo đức nghề nghiệp mà cho điểm ảo. Phụ huynh vì muốn con em mình là học sinh giỏi, học sinh thì muốn lên lớp, có danh hiệu mà không cần phải tốn sức học bài. Vì những lý do đó mà ngày nay mới có hiện tượng chạy theo thành tích mà không cần quan tâm đến chất lượng. Đối với các vị phụ huynh, chắc chắn rằng chẳng ai muốn con mình học kém hay học mà không có chất lượng. Họ là những người đã bỏ ra tiền của thật, công sức thật, thời gian thật và những hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình khi lo cho chúng được ăn học đến thành tài. Vì thế, chẳng có lý do gì họ lại mong muốn nhận sự giả dối từ kết quả học tập của con em mình. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất mà chúng ta đã được biết qua báo chí, để con em họ qua được một kỳ thi, có một tấm bằng đề tìm việc sau này. Có một tấm bằng đi đã, vì đó là tấm bằng được xã hội thừa nhận, rồi sau này khi có điều kiện sẽ cố mà học tiếp một cách chân thực. Như vậy, suy cho cùng, phu huynh và học sinh chính là những người đã tiếp tay, để cho bệnh thành tích ngày càng lan rộng và nặng hơn. Đầu năm 2006, tại trường trung học cơ sở Trần Phú, huyện miền núi Sông Hinh tỉnh Phú Yên đã phát hiện hai mươi sáu học sinh lớp sáu đọc chưa thông, viết chưa thạo nhưng vẫn cứ được lên lớp. Trong những kì thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, hiện tượng mang tài liệu vào phòng thi, tài liệu vất trắng cả sân trường sau buổi thi đã từng được báo chí đề cập tới. Khi biết những thông tin này, bản thân chúng ta có suy nghĩ gì? Cả một thế hệ, cả một tương lai đất nước nay phải để những con người như thế gánh vác thì chẳng có gì kinh khủng hơn. Nếu những con người giữ những chức vụ cao trong xã hội là những người “hữu danh vô thực” thì đó là những hạt sạn của xã hội, là nguyên nhân kéo nước ta chậm lại trên con đường phát triển. Chúng ta đều hiểu rằng, một xã hội muốn phát triển phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có năng lực thực sự, là nguyên khí của quốc gia. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thinh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục thực sự tốt sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích ấy sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển. Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới đề giành lấy một vi trí xứng đáng trên hành tinh này. Cuộc đấu tranh kinh tế sắp đến rất quyết liệt và mang tính chất thắng bại sinh tử không khác gì trên chiến trường hay trên võ đài. Ở đó, một võ sĩ chỉ có thể chiến thắng đối chủ bằng tài năng thực sự của chính mình, không phải vì có một văn bằng chứng nhận đẳng cấp cao hơn. Đất nước chúng ta sau này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Chúng ta cần phải học tập thật tốt, ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức để sau này có thể giúp ích cho xã hội và cho bản thân. Cần phải đẩy lùi tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích. Đó không phải là việc quá khó nếu chúng ta cùng có quyết tâm “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Mời các bạn cùng tải về bản PDF để xem đầy đủ nội dung

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm