Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang

Nhằm giúp các bạn có thêm tài liệu thử sức trước kì thi THPT Quốc gia môn 2015, ôn thi đại học khối C, D, VnDoc.com xin giới thiệu đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Lịch sử trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Địa lý trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt

ĐỀ THI THI THỬ QUỐC GIA
NĂM HỌC 2014-2015
MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180', không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 3:

"Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi"

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

  1. Nhân vật trữ tình đã gửi gắm cảm xúc, tâm tư gì vào đoạn thơ?
  2. Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức gì về Tổ quốc xưa và nay?
  3. Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ?

Đọc các đoạn văn sau đây và thực hiện các yêu cầu từ 4 đến 6:

(1)"Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh"

(Trích Chữ người tử tù- Nguyễn Tuân)

(2)" Nhưng tức quá, càng uống càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoáng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức."

(Trích Chí Phèo- Nam Cao)

(3)" - Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ....- Bà lão ngoảnh vội ra ngoài. Bà lão không dám để con dâu nhìn thấy bà khóc."

(Trích Vợ nhặt- Kim Lân)

4. Xác định nội dung của từng đoạn văn bản? Tìm một câu khái quát đặt làm nhan đề chung cho các đoạn văn?

5. Các đoạn văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Lí giải?.

6. Hãy viết một đoạn văn nhỏ (khoảng 5-7 dòng), bày tỏ cảm nhận về tác động của hình ảnh những giọt nước mắt trong các đoạn văn bản trên đối với anh/chị?

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Lí giải về nguyên nhân của sự thành đạt, có người khẳng định: “Thành đạt là do có điều kiện, được học tập hơn người”; có người lại cho rằng: “Thành đạt là do tài năng thiên bẩm”; cũng có người nói: “Thành đạt là do may mắn gặp thời”.

Cho biết chính kiến của anh/chị?

Câu 2 (4,0 điểm)

Vẻ đẹp riêng của hai nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà-nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành và nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC-HIỂU (3 điểm)

Câu 1: Nhân vật trữ tình đã gửi gắm những suy ngẫm, tự hào về lịch sử dân tộc, nhìn từ góc độ công cuộc giữ gìn biển đảo, trách nhiệm của mỗi con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

  • Điểm 0.5: Trả lời đúng theo cách trên, hoặc có cách diễn đạt khác nhưng phải đúng tinh thần nội dung, diễn đạt tốt.
  • Điểm 0.25: Trả lời được một trong hai ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức về Tổ quốc xưa và nay: Một đất nước luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm, nhân dân phải hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất, thước biển nhưng vẫn bất khuất, hiên ngang.

  • Điểm 0.5: Trả lời đúng theo cách trên, hoặc có cách diễn đạt khác nhưng phải đúng tinh thần nội dung, diễn đạt tốt.
  • Điểm 0.25: Trả lời được một trong hai ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là phép điệp cú pháp (Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát). Hiệu quả nhấn mạnh cảm xúc tự hào, suy ngẫm lắng đọng về lịch sử đau thương mà hùng tráng của dân tộc.

  • Điểm 0.5: Trả lời đúng theo cách trên, hoặc có cách diễn đạt khác nhưng phải đúng tinh thần nội dung, diễn đạt tốt.
  • Điểm 0.25: Trả lời được một trong hai ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4: Nội dung của đoạn văn bản (1) là tái hiện thái độ kính cẩn, tiếng khóc nghẹn ngào, sám hối, phục thiện của viên quản ngục ở phần cuối truyện ngắn Chữ người tử tù; đoạn văn bản (2) là tâm trạng buồn bã, tiếng khóc tuyệt vọng của nhân vật Chí Phèo khi bị từ chối quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên; đoạn văn bản (3) là tâm trạng lo lắng, tuyệt vọng của nhân vật bà cụ Tứ khi nghe tiếng trống thúc thuế trong truyện ngắn Vợ nhặt? Câu văn khái quát đặt làm nhan đề cho các đoạn văn có thể là: Những giọt nước mắt.

  • Điểm 0.5: Trả lời đúng theo cách trên, hoặc có cách diễn đạt khác nhưng phải đúng tinh thần nội dung, diễn đạt tốt.
  • Điểm 0.25: Trả lời được khoảng 50% số ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5: Các đoạn văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Vì các đoạn văn đều xây dựng hình tượng (quản ngục, nhân vật Chí Phèo, nhân vật bà cụ Tứ); ghi dấu ấn riêng của mỗi nhà văn và truyền cảm xúc cho người đọc.

  • Điểm 0.5: Trả lời đúng theo cách trên, hoặc có cách diễn đạt khác nhưng phải đúng tinh thần nội dung, diễn đạt tốt.
  • Điểm 0.25: Trả lời được một trong hai ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6: Viết một đoạn văn bày tỏ cảm nhận về tác động của hình ảnh những giọt nước mắt trong các đoạn văn bản trên đối với bản thân:

  • Nội dung: Các đoạn văn bản là khơi gợi tình thương, sự cảm phục, nỗi xót xa trước những thân phận, cảnh đời... để từ đó, ta sống tốt hơn.
  • Hình thức: Viết đúng cấu trúc một đoạn văn: có câu mở đoạn, các câu thân đoạn và câu kết đoạn. Các phần liên kết chặt chẽ, văn có cảm xúc, diễn đạt tốt.
  • Cho điểm:
    • Điểm 0.5: Bảo đảm hết các yêu cầu trên, hoặc có cách diễn đạt và cảm nhận khác nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
    • Điểm 0.25: Bảo đảm 50% yêu cầu
    • Điểm 0: Viết chưa đúng hoặc không viết.

II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Lí giải về nguyên nhân của sự thành đạt, có người khẳng định: “Thành đạt là do có điều kiện, được học tập hơn người”; có người lại cho rằng: “Thành đạt là do tài năng thiên bẩm”; cũng có người nói: “Thành đạt là do may mắn gặp thời”.

Cho biết chính kiến của anh/chị?

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a. Đảm bảo cấu trúc bài luận (0.5)

  • Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ các phần Mở, thân, kết. Phần mở biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân biết tổ chức thành nhiều đoạn, liên kết chặt chẽ với nhau, cùng làm sáng tỏ vấn đề, phần kết khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0.25: Trình bày đầy đủ các phần Mở, thân, kết nhưng chưa thể hiện đầy đủ, phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn
  • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có một đoạn văn

b. Xác định vấn đề cần nghị luận (0.5đ)

  • Điểm 0.5: Xác định đúng vấn đề: các nguyên nhân dẫn đến thành công và quan điểm của bản thân.
  • Điểm 0.25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung
  • Điểm 0: Lạc vấn đề

c. Chia vấn đề NL thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; d/c phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. (1.0đ)

  • Điểm1.0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích các ý kiến lí giải nguyên nhân của sự thành công: Ý kiến (1) khẳng định nguyên nhân điều kiện thuận lợi, đầy đủ, được học tập hơn người. Ý kiến (2) cho rằng do yếu tố tài năng bẩm sinh. Ý kiến (3) chú trọng yếu tố thời thế.
    • Bày tỏ chính kiến:
      • Đánh giá: Các ý kiến trên đều nêu lên được một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công, thực tế cũng đã chứng minh điều này là đúng (d/c); Tuy nhiên, tất cả các nguyên nhân này không thể lí giải cho hiện tượng những học sinh con nhà nghèo (thiếu điều kiện), những nông dân (không thông minh bẩm sinh), những người lao động bình thường, không vai vế trong xã hội (không thời thế) vẫn thành công (d/c)...do các ý kiến chỉ nhấn mạnh yếu tố may mắn như điều kiện, bẩm sinh, thời thế mà không quan tâm đến nguyên nhân ý chí, bản lĩnh, cần cù, sáng tạo ở chính bản thân mỗi con người.
      • Chính kiến: Thành công của con người có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất vẫn là yếu tố chủ quan ở mỗi con người: Đó là mục đích, lí tưởng sống và bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm thực hiện bằng được mục đích, lí tưởng cuộc đời bằng chăm chỉ học tập, nghiên cứu, lao động, sáng tạo... (d/c)
    • Bài học hành động: Phê phán những kẻ lười biếng. phó mặc cho số phận, đỗ lỗi cho điều kiện, thời thế. Muốn thành công con người không ngồi chờ may rủi, không oán trách số phận, phải có ý chí, nghị lực vươn lên. Coi hoàn cảnh, điều kiện là yếu tố hỗ trợ, chính yếu nhất vẫ là ở bản thân.
  • Điểm 0.75: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, song tính liên kết thể hiện chưa chặt chẽ.
  • Điểm 0.5: Đáp ứng khoảng 1/2 hoặc 2/3 các yêu cầu trên
  • Điểm 0.25: Có viết nhưng chung chung, chưa rõ vấn đề, thiếu chính kiến.

d. Sáng tạo (0.5đ)

  • Điểm 0.5: Có cách diễn đạt sáng tạo và độc đáo, thể hiện quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0.25: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện quan điểm riêng ở mức độ vừa phải, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không thể hiện tính sáng tạo.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5đ)

  • Điểm 0.5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
  • Điểm 0.25: Mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu ở mức độ vừa phải
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi.

Câu 2 (Bài văn NLVH)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài NLVH để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a. Đảm bảo cấu trúc bài luận (0,5)

  • Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ các phần Mở, thân, kết. Phần mở biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân biết tổ chức thành nhiều đoạn, liên kết chặt chẽ với nhau, cùng làm sáng tỏ vấn đề, phần kết khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ các phần Mở, thân, kết nhưng chưa thể hiện đầy đủ các yêu cầu trên, phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn
  • Điểm 0: Thiếu mở hoặc kết, phần thân bài chỉ mới viết 1 đoạn văn hoặc cả bài chỉ mới viết 1 đoạn văn

b. Xác định vấn đề cần nghị luận (0.5đ)

  • Điểm 0.5đ: Xác định đúng vấn đề: Vẻ đẹp riêng của hai nhân vật Tnú và Việt trong hai tác phẩm văn xuôi thời chống Mĩ.
  • Điểm 0.25: Xác định chưa rõ, nêu chung chung về cả hai nhân vật.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c. Chia vấn đề NL thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; d/c phải chọn lọc từ hai tác phẩm.(2.0đ)

  • Điểm 2.0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật:
      • Nguyễn Trung Thành và truyện ngắn Rừng xà-nu, nhân vật Tnú.
      • Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, nhân vật Việt.
    • Vẻ đẹp riêng ở mỗi nhân vật
      • Tnú:
        • Con người có cá tính, bất khuất, kiên trung; gắn bó với gia đình, bản làng; vượt qua bi kịch cá nhân để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược
        • Nghệ thuật thể hiện: không gian sử thi, cuộc đời sử thi, ngôn ngữ chọn lọc, tạo không khí.
      • Việt:
        • Mang vẻ trẻ con hồn nhiên, ngây thơ, tính cách bộc trực, dũng cảm, kiên cường, gắn bó sâu nặng với gia đình, đồng đội, khát khao cầm súng trả thù nhà, đền nợ nước.
        • Nghệ thuật thể hiện: Nhân vật được đặt vào một tình huống thử thách đặc biệt; lối trần thuật nửa trực tiếp, ngôn ngữ đậm sắc thái Nam bộ.
    • Bình luận: Mỗi nhân vật có một vẻ đẹp riêng, đến với người đọc bằng những tài năng nghệ thuật riêng của mỗi người nghệ sĩ, nhưng ở họ toát lên một nét chung: Đều là những điển hình của con người VN kháng chiến mang thân phận bi kịch, chịu nhiều đau thương, mất mát, giàu tình cảm, căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước, quê hương.
  • Điểm 1.5: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu, song tính liên kết thể hiện chưa chặt chẽ.
  • Điểm 1.0: Đáp ứng khoảng 1/2 hoặc 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0.5: Đáp ứng rất ít, hoặc nói chung chung về hai nhân vật.
  • Điểm 0: Lạc đề hoặc chưa viết được gì.

d. Sáng tạo (0.5đ)

  • Điểm 0.5: Có cách diễn đạt sáng tạo và độc đáo, văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; bày tỏ quan điểm và thái độ riêng đối với hai nhân vật nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0.25: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện quan điểm riêng ở mức độ vừa phải, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5đ)

  • Điểm 0.5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0.25: Mắc lỗi vừa phải.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm