Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 trường THPT Tây Ninh, Tây Ninh (Đề số 03)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 trường THPT Tây Ninh, Tây Ninh (Đề số 03) có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo mà VnDoc.com muốn gửi tới các bạn. Tài liệu này giúp các bạn làm quen với đề thi, chuẩn bị sẵn sàng cho các kì thi quan trọng sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 trường THPT Tây Ninh, Tây Ninh (Đề số 01)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 trường THPT Tây Ninh, Tây Ninh (Đề số 02)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2015 trường THPT Tây Ninh, Tây Ninh

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn

SỞ GD& ĐT TÂY NINH
TRƯỜNG THPT TÂY NINH

ĐỀ THI THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2014 – 2015 (II)
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

"… (1) Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ ... rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.

...(2) Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus... Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v... càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay...”

(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” – Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại, Thứ hai ngày 13.4.2015)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Trong đoạn (2), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,25 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha”? (0,5 điểm)

Câu 4. Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

Câu 5. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)

Câu 6. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Anh/chị hãy nhận xét tư tưởng của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: “Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

H. Ban – dắc, nhà văn Pháp nổi tiếng cho rằng: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”

Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Câu 2. (4,0 điểm) Trong đoạn thơ “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm có đoạn:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại”

(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.121)

Phân tích đoạn thơ trên. Từ ý thơ “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói”, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ hiện nay.

Đáp án đề thi thử Quốc gia môn Ngữ Văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay

  • Điểm 0,5: Ghi lại đúng câu văn trên
  • Điểm 0: Ghi câu khác hoặc không trả lời

Câu 2. Thao tác lập luận so sánh/ thao tác so sánh/ lập luận so sánh/ so sánh.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. Tác giả cho rằng “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha” vì ở thời đại công nghệ số, con người chỉ cần gõ bàn phím máy tính hoặc điện thoại di động đã có thể tiếp cận thông tin ở nhiều phương diện của đời sống, tại bất cứ nơi đâu, trong bất kì thời gian nào, nên việc đọc sách đã dần trở nên phôi pha.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu 02 tác dụng của việc đọc sách nhưng không hợp lí;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức tự sự/tự sự.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Hai biện pháp tu từ: lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ “Những mùa quả”…), so sánh (trong câu “Như mặt trời, khi như mặt trăng”).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ từ chuyện trồng cây sang khắc sâu sự hy sinh thầm lặng của mẹ; lòng biết ơn công dưỡng dục sinh thành và nỗi lo sợ khi mẹ mất đi mình vẫn chưa nên người

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.

Câu 8. Tư tưởng của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: Hai câu thơ không chỉ là hàm ý lòng biết ơn mà còn là sự ân hận như một thứ “tự kiểm” về sự chậm trễ thành đạt của đứa con chưa làm thỏa được niềm vui của mẹ. Đó là suy nghĩ của một người con chí hiếu.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,25: Nêu đầy đủ tư tưởng của tác giả và nhận xét theo hướng trên; hoặc nêu chưa đầy đủ quan niệm của tác giả theo hướng trên nhưng nhận xét có sức thuyết phục.
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu không đúng quan niệm của tác giả và không nhận xét hoặc nhận xét không có sức thuyết phục;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý;
    • Không có câu trả lời.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: khi dám thừa nhận, phơi bày cái yếu của bản thân để nỗ lực phấn đấu vươn lên thì con người sẽ thành công.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích ý kiến để thấy được: khi công nhận cái yếu tức là chúng ta đã dũng cảm, trung thực và năng lực tự nhận thức để kiểm điểm bản thân một cách khách quan và toàn diện, dám thừa nhận cái yếu là một sự mạnh mẽ; chính sự mạnh mẽ ấy đã giúp chúng ta có nghị lực, trưởng thành hơn và trở nên mạnh mẽ hơn; hơn nữa bên cạnh việc nhìn nhận và khắc phục cái yếu, chúng ta không thể quên phát huy những cái mạnh làm cho cuộc sống thêm phần tươi đẹp và ý nghĩa hơn.
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
    • Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về vấn đề dám phơi sự yếu kém của mình ra để có ý thức vươn lên hoàn thiện chính bản thân mình
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” từ bản sắc văn hóa trích từ bài “Đất nước” – Nguyễn Khoa Điềm.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

  • Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Phân tích đoạn thơ:
      • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
      • Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ:
        • Nội dung: triển khai tư tưởng “Đất Nước của Nhân Dân” từ bản sắc văn hóa
        • Nhân dân là người sáng tạo, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần (hạt lúa, ngọn lửa, giọng điệu ngôn ngữ, đắp đập, be bờ, tên xã, tên làng, ...);
        • Nhân dân là những người không tiếc máu xương, sẵn sàng đứng lên chống thù trong, giặc ngoài (chống ngoại xâm, đánh nội thù); từ đó khơi dậy lòng biết ơn, niềm tự hào về những đóng góp của nhân dân và thức tỉnh ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước.
        • Nghệ thuật: thể thơ tự do; ngôn từ, hình ảnh vừa giản dị, gần gũi vừa mang tính khái quát; các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt; có sự hòa quyện giữa chất chính luận và chất trữ tình.
    • Phần liên hệ, bày tỏ suy nghĩ:
      • Thí sinh trình bày được ý kiến của mình về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giới trẻ hiện nay, trong đó cần nêu được: Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt? Thực trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay? Làm thế nào để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? …
      • Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, nghị luận) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
11
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm