Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh có đáp án là đề thi thử đại học môn Văn mà VnDoc.com giới thiệu tới các bạn, nhằm giúp các bạn tự ôn luyện, thử sức trước các kì thi sắp tới. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi minh họa THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Bình Thạnh, Tây Ninh

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT HÀN THUYÊN

(Đề gồm 02 trang)

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I

NĂM HỌC 2015 – 2016

MÔN: NGỮ VĂN – 12

Thời gian làm bài:180 phút (Không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

"Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn...".

(Trích Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh).

Câu 1: Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0.25đ)

Câu 2: Em hãy đặt tiêu đề cho đoạn văn? (0.25đ)

Câu 3: Nghệ thuật đặc sắc của đoạn văn trên ? Nêu tác dụng của nghệ thuật ấy? (0.5đ)

Câu 4: Từ nội dung đoạn văn anh chị suy nghĩ về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta (Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng) (0.5đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời từ Câu 5 đến Câu 8

Làng Quan họ quê tôi
Những ngày bom Mỹ dội
Quán đổ dưới gốc đa
Chín nhịp cầu đứt nối

Pháo lên núi Thiên Thai
Súng trường lên Quán Dốc
Loan phượng vẫn ăn xoài
Vườn xoan đào vẫn mọc

Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát

Mẹ mang nước lên đồi
Yêu các con mẹ hát
Bao nhiêu máy bay rơi
Sau mái đầu tóc bạc...

Thuyền thúng thuyền thúng ơi
Có ghé về tỉnh Bắc
Nghe tiếng hát quê tôi
Trên tầm bom đạn giặc

(Trích Làng quan họ, Nguyễn Phan Hách, theo Tinh tuyển thơ Việt Nam 1945 -1975 NXBKH và XH, 1978)

Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên? (0.25đ)

Câu 6: Nêu nội dung của đoạn thơ? (0.25đ)

Câu 7: Hình ảnh "làng quê" và "con người làng quê" được miêu tả bằng những chi tết nào? Suy nghĩ của anh (chị) về chi tiết đó? (0.5đ)

Câu 8: Cảm nhận của anh (chị) về tiếng hát xuyên suốt ba khổ thơ? (Viết đoạn văn khoảng 5-7 dòng)? (0.5đ)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm)

Hiện nay nhiều bạn trẻ có thói quen nghiện chụp ảnh "tự sướng" để thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi của mình.

Bằng bài văn nghị luận khoảng 600 từ anh (chị) hãy trình bày về thói quen này của giới trẻ.

Câu 2 (4.0 điểm)

Cảm nhận anh (chị) về hai đoạn thơ sau:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

Trong bài Việt Bắc Tố Hữu viết:

"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan"

(Trích Việt Bắc –Tố Hữu Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Toàn bộ kiến thức về đọc hiểu thi THPT quốc gia

Một số đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi THPT Quốc gia năm 2016

Đề cương ôn tập THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ Văn

Đề thi thử ĐHQGHN 2015 môn Văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức và kĩ năng đọc hiểu văn bản để làm bài.
  • Đề không yêu cầu đọc hiểu mọi phương diện của văn bản, chỉ kiểm tra một số khía cạnh. Cảm nhận của học sinh có thể phong phú nhưng cần nắm được những yêu cầu sử dụng tiếng Việt, nhận ra các phương thức biểu đạt dùng trong văn bản.

Yêu cầu cụ thể

1. Đoạn văn trên viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận

2. Đặt tiêu đề phù hợp cho đoạn văn: Học sinh có thể đặt nhiều tiêu đề khác nhau phù hợp nội dung.

Tiêu đề của đoạn: Tội ác của thực dân Pháp.

3. * Nghệ thuật của đoạn văn trên:

  • Điệp từ "chúng", lặp cú pháp câu bắt đầu bằng từ "chúng", biện pháp liệt kê.
  • Cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh: tắm, bể máu, dã man, tiêu điều, xơ xác, ngóc....
  • Cách đưa dẫn chứng chân thực, linh hoạt:
    • Vừa kể vừa luận tội "chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết".
    • Vừa kể vừa phân tích âm mưu và hậu quả "chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều"

* Tác dụng: Nhấn mạnh, tạo sự ám ảnh về tội ác của thực dân Pháp gây ra cho nhân dân ta. Hồ Chí Minh đang vạch trần luận điệu xảo trá của bọn chúng trước dư luận quốc tế. Thực dân Pháp nói có công khai hóa văn minh cho Việt Nam nhưng thực chất là đi xâm lược, đàn áp, bóc lột nhân dân ta.

4. Học sinh trình bày theo suy nghĩ riêng theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, yêu cầu cách viết đoạn văn chặt chẽ, logic.

5. Đoạn thơ viết theo phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm.

6. Hình ảnh làng quê vùng Kinh Bắc và con người trong những năm tháng chiến tranh bị giặc phá huỷ, vượt lên trên tất cả là tinh thần dũng cảm, kiên cường chiến đấu của người dân nơi đây cùng với niềm lạc quan về một ngày thắng lợi.

7. Hình ảnh "làng quê" và "con người làng quê" được miêu tả bằng những chi tết: Quán đ dưới gốc đa, nhịp cầu đứt nối, pháo lên núi, súng lên Quán Dốc. Đặc biệt hình ảnh cô gái, người mẹ tiễn người con trai của làng ra trận. Những chi tiết đó thể hiện hình ảnh làng quê bị giặc tàn phá, tác giả tái hiện lại hiện thực của chiến tranh, tinh thần chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc.

8. Cảm nhận của Anh (chị) về tiếng hát xuyên suốt ba khổ thơ.

Học sinh trình bày theo suy nghĩ riêng theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, yêu cầu cách viết đoạn văn chặt chẽ, logic. Sau đây là gợi ý:

  • Tiếng hát là đặc trưng của quê hương quan họ, nuôi dưỡng tâm hồn những chàng trai, cô gái miền quan họ.
  • Tiếng hát biểu hiện sự lạc quan, của niềm tin tưởng vào ngày mai chiến thắng.

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (3.0 điểm) Suy nghĩ về thói quen nghiện chụp ảnh "tự sướng" của giới trẻ

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của học sinh đòi hỏi thí sinh phải huy động hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng khi làm bài.
  • Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, được tự do bày tỏ quan điểm của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Dưới đây chỉ là một cách hướng dẫn giám khảo không bắt buộc phải theo, khuyến khích bài viết sáng tạo.

Yêu cầu cụ thể

1. Nêu vấn đề và giải thích: (0.5đ)

  • Chụp ảnh tự sướng (tiếng Anh gọi là selfie) dùng để chỉ thói quen tự chụp ảnh và cập nhật trạng thái đăng tải lên các trang mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
  • Nghiện chụp ảnh "tự sướng" trở thành căn bệnh dù đi đâu, ở đâu, làm gì, trong trang phục như thế nào cũng có thể chụp ảnh "tự sướng", nếu không chụp sẽ thấy khó chịu.

2. Bàn luận (2.0đ)

a. Thực trạng

  • Hiện nay chúng ta bắt gặp hiện tượng các bạn trẻ giơ điện thoại lên chụp ảnh "tự sướng" bất cứ ở đâu, thậm chí cả nhà tắm, khi đi chùa, trong các cuộc họp hội nghị sang trọng, trong đám tang.... bất cứ thời gian nào, họ sẵn sàng "take and share" (chụp và chia sẻ). Sau khi chụp xong chỉnh sửa và nhiều người đăng tải, chia sẻ hình ảnh thông tin trên các trang mạng xã hội như Fecebook, Twitter, Intasgram... nơi bạn bè có thể "like" (ưa thích) và đưa ra những commet (lời nhận xét) về bức ảnh thông tin đó. Khi đăng tải những thông tin này bản thân người chụp hy vọng sẽ nhận được những lời tán dương, ngợi khen.
  • Nhiều người nghiện chụp ảnh "tự sướng" thường bỏ ra nhiều thời gian để chụp được những bức ảnh sao cho hoàn hảo nhất không có bất cứ sai sót nào. Theo trang tin Daily Mirror đưa tin chàng trai trẻ người Anh tên là Danny Bowman (19 tuổi) chụp ảnh tự sướng từ lúc 15 tuổi. Hằng ngày anh dùng tới 10 tiếng chụp bằng điện thoại và chia sẻ lên trang mạng cá nhân với 200 bức ảnh.

(Học sinh đưa dẫn chứng minh hoạ)

b. Hậu quả

  • Mạng xã hội là thế giới ảo, những nội dung đăng tải có tính đa chiều giúp chúng ta tham khảo học tập, giải trí, nhiều khi thông tin không có đủ tin cậy, nhưng những ảnh hưởng của thông tin đó là thật. Nhiều người tin tưởng vào lời tán dương của cư dân mạng từ đó ảo tưởng về giá trị bản thân. Khi nhận được những lời nhận xét ác ý có thể gây ra những tổn thương về tinh thần.
  • Việc ham mê chụp ảnh tự sướng mất nhiều thời gian ảnh hưởng tới công việc, học tập, bỏ lỡ những cơ hội tốt cho tương lai.
  • Chụp và đăng ảnh selfie có thể làm cản trở người xung quanh, gây cho người khác sự phiền phức.
  • Nhiều trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng lắp ghép, chỉnh sửa, tống tiền gây ra những tổn hại về vật chất và tinh thần.

(Học sinh đưa dẫn chứng minh hoạ)

c. Nguyên nhân

  • Một số bạn chụp ảnh "tự sướng" muốn khẳng định bản thân thực chất đang muốn khoe khoang mình.
  • Nghiện chụp hình "tự sướng" là một loại bệnh lí, là chứng ám ảnh, mặc cảm về ngoại hình, hoặc chứng bệnh tự yêu bản thân mình (theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Ohio)

d. Giải pháp

  • Mỗi chúng ta cần ý thức được việc sử dụng công nghệ thông tin hiện đại thế nào cho phù hợp và có ý thức văn hóa.
  • Phê phán những người có thói quen nghiện chụp ảnh "tự sướng"
  • Dành thời gian chụp ảnh tự sướng cho những công việc khác thiết thực hơn, tuyên truyền mọi người hiểu được những giá trị chân thực của cuộc sống.

3. Bài học: Học sinh tự rút ra bài học cho bản thân (0.5đ)

Câu 2 (4.0 điểm) Cảm nhận hai đoạn thơ

Yêu cầu chung

  • Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm nhận văn chương của mình để làm bài.
  • Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
  • Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cáh khác nhau. Dưới đây là một cách để tham khảo, giám khảo không bắt buộc phải theo.

Yêu cầu cụ thể

1. Giới thiệu vài nét tác giả tác phẩm (0.5đ)

  • Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: vừa làm thơ, viết văn, vừa vẽ tranh, soạn nhạc. Quang Dũng trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ lãng mạn, tài hoa. Là nhà thơ của "xứ Đoài mây trắng", thơ Quang Dũng giàu chất nhạc, chất hoạ. Ông rất thành công với những bài thơ viết về người lính, trong đó có bài "Tây Tiến". Bài thơ được viết tại làng Phù Lưu Chanh vào năm 1948. Lúc đầu có tên là "Nhớ Tây Tiến" sau đổi thành "Tây Tiến" in trong tập "Mây đầu ô".
  • Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó có bài thơ "Việt Bắc". Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Miền Bắc được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc (Thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sự lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi đã khơi nguồn cảm xúc lớn cho nhà thơ sáng tác "Việt Bắc".

2. Phân tích (3.5đ)

a. Đoạn thơ trong Tây Tiến:

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được các ý sau:

* Chân dung người lính Tây Tiến:

  • Với ngoại hình lạ lùng, in đậm dấu ấn của hiện thực chiến trường khốc liệt "không mọc tóc, xanh màu lá" có thể họ bị sốt rét rừng hoặc phải cạo trọc đầu phục vụ cho chiến đấu. Hình ảnh thơ gợi nhớ tới những anh "vệ trọc" trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Chân dung khác thường của người lính Tây Tiến là do hoàn cảnh chiến đấu, do sốt rét.
  • Khí phách hiên ngang "dữ oai hùm". Tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, mang vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp cảm tử cho tổ quốc quyết sinh: không tiếc đời mình, không thoái chí sờn lòng, không bỏ cuộc; đời sống quân ngũ gian khổ mà vẫn trẻ trung, tinh nghịch; lăn lộn trận mạc đầy mất mát hi sinh.

* Vẻ đẹp tâm hồn:

  • Mắt trừng gửi mộng đó là giấc mộng lập chiến công, đánh đuổi giặc, truy kích giặc qua biên giới kết hợp với từ "trừng" như mài sắc tinh thần cảnh giác và quyết tâm chiến đấu của người lính. Người lính Tây Tiến có lí tưởng khát vọng.
  • Đêm mơ về thiếu nữ Hà thành thanh lịch, mơ về nơi mà mình từng gắn bó. Tình yêu đất nước hoà quyện trong tình yêu riêng tư. Nỗi nhớ ấy là nguồn sức mạnh động viên họ chiến đấu. Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn hào hoa của người lính Tây Tiến.

* Nghệ thuật: bút pháp hiện thực hài hoà với cảm hứng lãng mạn, nhiều biện pháp tu từ đặc sắc: tả thực, đối lập, ẩn dụ làm nổi bật chân dung người lính Tây Tiến vừa lẫm liệt oai hùng vừa lãng mạn, hào hoa.

b. Đoạn thơ trong Việt Bắc

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được các ý sau:

* Bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận:

  • Đoàn quân ra trận với khí thế hào hùng sôi sục khẩn trương của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì "Những đường Việt Bắc của ta / Đêm đêm rầm rập như là đất rung". Đoàn quân xuất phát từ những ngả đường, những con đường Việt Bắc bây giờ đều thuộc sở hữu của ta - niềm tự hào của người làm chủ giang sơn. Khí thế xung trận tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm rung chuyển cả trời đất (rầm rập, điệp điệp ...)
  • Hình ảnh bộ đội hành quân ra trận đông đảo (điệp điệp trùng trùng), bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào, nối tiếp tưởng chừng kéo dài vô tận. Câu thơ mang ý nghĩa tả thực đoàn quân đi trong đêm đầu súng lấp lánh ánh sao trời. Như sao trời hay là ánh sáng lí tưởng chỉ đường dẫn lối người lính đánh đuổi kẻ thù bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

* Nghệ thuật: chất lãng mạn hài hòa chất hiện thực (ánh sao, đầu súng bạn cùng mũ nan), thể thơ lục bát đậm đà tính dân tộc, âm hưởng thơ hào hùng..

c. So sánh

* Tương đồng:

  • Cả hai đoạn đều tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến, góp phần hoàn thiện chân dung người lính Việt Nam buổi đầu kháng chiến chống Pháp: gian khổ nhưng anh dũng, hiên ngang, chiến đấu dũng cảm, quên mình vì Tổ quốc nhưng tinh thần vẫn lạc quan, tâm hồn vẫn lãng mạn, hào hoa.
  • Qua hai đoạn thơ khắc sâu tình cảm của hai tác giả đối với thiên nhiên và con người trong kháng chiến ở Tây Bắc, Việt Bắc.

* Khác biệt

  • Tây Tiến mở đầu – Việt Bắc kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp
  • Hình ảnh người lính trong Tây Tiến được tô đậm ở vẻ đẹp tâm hồn vừa đậm chất tráng sĩ kiêu hùng, lãng mạn hào hoa vừa đậm chất hiện thực của buổi đầu cuộc kháng chiến còn nhiều thiếu thốn, gian khổ, thể hiện qua thể thơ thất ngôn mang âm hưởng vừa cổ điển vừa hiện đại.
  • Hình ảnh đoàn quân trong Việt Bắc được nhấn mạnh ở sức mạnh vật chất và tinh thần, biểu tượng cho sức mạnh tổng hợp quân dân trong cuộc chiến toàn dân, toàn diện, dốc toàn lực lượng cho trận chiến, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, qua thể thơ lục bát đậm chất hùng ca.

* Lí giải sự tương đồng và khác biệt

  • Tương đồng: Cả hai bài thơ đều ra đời trong thời kì kháng chiến chống Pháp, đều là đỉnh cao thơ ca giai đoạn này. Quang Dũng và Tố Hữu đều là những nhà thơ lớn.
  • Khác biệt: Mỗi nhà thơ có một phong cách riêng trong sáng tác; mỗi tác phẩm văn học là sự khám phá về nội dung và hình thức nghệ thuật; Văn học lặp lại người khác là cái chết cho nên hai đoạn thơ có sự khác biệt là đương nhiên.

3. Đánh giá chung về hai đoạn thơ

Lưu ý chung

  1. Đây là đáp án mở, thang điểm không qui định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
  5. Cần trừ điểm lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
12
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm