Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 Cụm chuyên môn 11, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2015 Cụm chuyên môn 11, Quảng Nam được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là tài liệu ôn tập môn Ngữ Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh, giúp các bạn luyện tập và củng cố kiến thức môn Văn hiệu quả, từ đó chuẩn bị tốt nhất cho kì thi THPT Quốc gia 2016 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Chuyên Lào Cai

Đề thi thử THPT Quốc gia 2015 môn Ngữ Văn trường THPT An Mỹ, Bình Dương

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NAM

CỤM CHUYÊN MÔN 11

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM 2015

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút;

Không kể thời gian giao đề

I/ ĐỌC – HIỂU (4.0 điểm)

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

(Thương vợ - Trần Tế Xương)

Đọc ngữ liệu và thực hiện các yêu cầu sau:

1/ Bài thơ được viết theo thể thơ nào? (1.0 điểm)

2/ Xác định những thành ngữ được vận dụng trong 4 câu thơ cuối. (1.0 điểm)

3/ Viết một đoạn văn ngắn (từ 7 - 10 câu) trình bày cảm nhận của anh/chị về tiếng chửi của Tú Xương trong hai câu thơ cuối. (2.0 điểm)

II/ LÀM VĂN (6.0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng (Vợ nhặt - Kim Lân). Từ đó trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

(Trịnh Công Sơn).

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn

Phần 1: Đọc – hiểu:

* Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh có năng lực đọc - hiểu văn bản để trả lời câu hỏi.
  • Biết cách viết một đoạn văn ngắn.
  • Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...

* Yêu cầu về kiến thức:

1/ Bài thơ được viết theo thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

2/ Thành ngữ được vận dụng trong 4 câu thơ cuối:

  • Một duyên hai nợ.
  • Năm nắng mười mưa.

3/ Đoạn văn cần đảm bảo những ý sau:

  • Hai câu thơ là tiếng chửi:
    • Chửi thói đời đen bạc (nếp chung của xã hội, của người đời).
    • Tự chửi mình (tự nhận lỗi về mình).
  • Tiếng chửi làm nên nhân cách cao đẹp của Tú Xương.

Phần 2: Làm văn

* Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, từ đó biết trình bày suy nghĩ về một vấn đề của đời sống xã hội.
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...
  • Chữ viết rõ ràng; trình bày sạch, đẹp.

* Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

1/ Đặt vấn đề:

  • Giới thiệu vài nét về nhà văn Kim Lân và tác phẩm "Vợ nhặt".
  • Dẫn dắt hướng vào yêu cầu của đề.

2/ Giải quyết vấn đề:

a/ Vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng:

a1/ Nội dung:

  • Tràng là người lao động nghèo khổ nhưng tốt bụng và cởi mở: giữa lúc đói, anh sẵn lòng đãi người đàn bà xa lạ.
  • Là người luôn khao khát hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc:
    • Câu nói đùa: có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về đã ẩn chứa niềm khát khao tổ ấm gia đình.
    • Tràng đã "liều" đưa người đàn bà xa lạ về nhà dù cái đói, cái chết đang cận kề. Rõ ràng, nạn đói không thể ngăn cản ánh sáng của tình người.
  • Là người biết yêu thương, gắn bó, có trách nhiệm với gia đình:
    • Vui sướng vì mình đã có một gia đình: cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng.
    • Nhận ra bổn phận của mình: hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái...; phải lo lắng cho vợ con sau này; muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.
  • Có niềm tin và hi vọng vào tương lai: trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...

a2/ Nghệ thuật:

  • Tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện tự nhiên; dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc.
  • Miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, nhân vật được khắc họa rõ nét, ấn tượng,...
  • Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng chắt lọc và giàu sức gợi.

b/ Suy nghĩ về câu nói: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.

  • Tấm lòng: là tình cảm, là sự quan tâm, sẻ chia với mọi người xung quanh hay đơn giản là sự cảm thông, động lòng trắc ẩn trước những cảnh ngộ, những mảnh đời.
  • Sự cần thiết của một tấm lòng trong đời sống:
    • Đời sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta biết cho đi tấm lòng trong sáng, vô tư, không vụ lợi, không toan tính,...
    • Tấm lòng được sẻ chia sẽ tiếp thêm sức mạnh, nghị lực sống cho những ai khó khăn, bất hạnh; cuộc đời sẽ bớt đi những khổ đau, phiền muộn; cho chúng ta niềm vui, hoàn thiện nhân cách và ngược lại.
  • Bài học nhận thức và hành động:
    • Phải biết cho cuộc đời này những gì tốt đẹp: sự yêu thương, cảm thông, sẻ chia,...
    • Mỗi cá nhân, dù ở địa vị nào, lứa tuổi nào thì bằng khả năng, ý thức của mình đều có thể giúp đỡ, sẻ chia cùng người khác.

3/ Kết thúc vấn đề:

  • Từ việc phân tích vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Tràng, thí sinh cần khái quát tư tưởng: ngay trên bờ vực của cái chết, con người vẫn khao khát tổ ấm gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vẫn hướng về sự sống và tin tưởng ở tương lai.
  • Khẳng định: sự cần thiết của một tấm lòng trong đời sống.

** LƯU Ý CHUNG:

  • Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích, trân trọng những bài làm đạt cả hai (hoặc chỉ một) mặt sau:
    • Có ý tưởng riêng một cách hợp lí.
    • Hành văn mang nét riêng, giàu cảm xúc, giàu hình ảnh.

(Bài viết sáng tạo nhưng không trái với những chuẩn mực đạo đức và pháp luật).

  • Không cho điểm cao với những bài viết chung chung, sáo rỗng.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm