Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 1) được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là tài liệu ôn tập môn Ngữ văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, các bạn thí sinh tự do, giúp các bạn luyện thi THPT Quốc gia 2016, ôn thi đại học môn Văn hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hậu Lộc 4, Thanh Hóa

SỞ GD&ĐT BẮC NINH

TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 1

ĐỀ KHẢO SÁT THPT QUỐC GIA LẦN 1 NĂM HỌC 2015-2016

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ – để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường. Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống, làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt. Bài thơ là những câu, những lời diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc. Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận. Nhưng kì thực, cái trạng thái tâm lí truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình, khi nhìn những chữ, khi nghe những lời, khi mọi sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh, những ý nghĩa, những mong muốn, những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kéo theo đằng sau như vầng sáng xung quanh ngọn lửa.

(Nguyễn Đình Thi, Mấy ý nghĩ về thơ, Ngữ văn 12, tập một)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản? (0,25 điểm)

Câu 2: Chỉ ra câu văn nêu nội dung chính của văn bản? (0,25 điểm)

Câu 3: Theo Nguyễn Đình Thi, nhà thơ dùng phương tiện/chất liệu nào để thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình? (0,5 điểm)

Câu 4: Trong số những bài thơ đã học hoặc đã đọc, bài thơ nào để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu đậm nhất? Tình cảm/cảm hứng chủ đạo mà nhà thơ gửi gắm trong bài thơ đó là gì? Tình cảm/cảm hứng ấy đã tác động như thế nào đến đời sống tinh thần của anh (chị)? Hãy trả lời ngắn gọn trong khoảng 10 – 12 dòng. (0,5 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm, SGK Ngữ văn 12, Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.17)

Câu 5: Xác định các phương thức biểu đạt sử dụng trong đoạn thơ. (0,25 điểm)

Câu 6: Tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện lòng căm thù giặc của tác giả. (0,25 điểm)

Câu 7: Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của nhà thơ? (0,5 điểm)

Câu 8: Từ đoạn thơ trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (10 – 12 câu) về tình yêu quê hương của thanh niên hiện nay. (0,5 điểm)

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Thói quen là tấm gương phản chiếu con người bạn và giúp bạn không bao giờ thất bại hoặc khiến bạn sụp đổ trước ngai vàng của sự thành công.

Anh, chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2: (4,0 điểm)

Cảm nhận của anh, chị về hai đoạn thơ sau:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, tr.110)

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

(Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, tr.155)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Phần 1: Đọc – hiểu (3,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.
  • Diễn đạt rõ ràng, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức:

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng phương án trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2: Câu: Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ – để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3: Theo Nguyễn Đình Thi, nhà thơ dùng phương tiện/chất liệu là ngôn ngữ (lời và chữ) để thể hiện tình cảm,cảm xúc của mình

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4: Thí sinh nêu tên một bài thơ, nêu được tình cảm/cảm hứng chủ đạo, chỉ ra tác động của bài thơ đến đời sống tinh thần. Nội dung câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5: Miêu tả, tự sự, biểu cảm

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6: khủng khiếp, ngùn ngụt lửa hung tàn, ruộng ta khô, nhà ta cháy, chó ngộ một đàn, lưỡi dài lê sắc máu.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7: - Niềm tự hào về truyền thống văn hóa và tình yêu thiết tha với quê hương.

- Nỗi đau xót khi quê hương bị giặc xâm chiếm.

- Lòng căm thù quân xâm lược.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 8: Thí sinh có thể trình bàu suy nghĩ theo những hướng khác nhau, nhưng cần làm rõ các nội dung:

  • Ý thức trách nhiệm của mỗi người với quê hương (hiện nay: thời bình)
  • Phê phán những biểu hiện của thái độ ích kỉ, bàng quan trước những vấn đề của quê hương; những biểu hiện của tình yêu quê hương chưa đúng đắn.
    • Điểm 0,5: Trả lời đúng nội dung trên.
    • Điểm 0,25: Trả lời đúng một phần nội dung trên.
    • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Phần 2: Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: 3,0 điểm

a. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội.
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Khuyến khích những bài viết sáng tạo.

b. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:

1. Mở bài (0,25 điểm)

Yêu cầu bắt buộc dẫn dắt, giới thiệu được và trích dẫn trực tiếp ý kiến.

2. Thân bài (2,5 điểm)

a. Giải thích (0,5 điểm)

  • Giải thích các từ ngữ, hình ảnh (0,25 điểm)
    • Thói quen: lối sống, cách sống hay hành động do lặp đi lặp lại lâu ngày thành quen, khó thay đổi.
    • Tấm gương phản chiếu con người bạn: thói quen phản chiếu chính xác bạn là người như thế nào. Nhìn vào thói quen của bạn người ta có thể đoán định được đặc điểm tính cách, tâm hồn bạn.
    • Giúp bạn không bao giờ thất bại hoặc khiến bạn sụp đổ trước ngai vàng của sự thành công: thói quen có thể giúp ta đạt được kết quả tốt đẹp như mong muốn hoặc là nguyên nhân dẫn ta đến thất bại, phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.
  • Giải thích ý nghĩa cả câu (0,25 điểm)
    • Khẳng định ý nghĩa của thói quen trong việc thể hiện tính cách, tâm hồn con người và tác động, ảnh hưởng của nó tới cuộc sống, tới sự thành bại của chúng ta.

b. Suy nghĩ về ý kiến (1,75 điểm)

  • Thói quen là tấm gương phản chiếu con người bạn (0,5 điểm)
    • Thói quen không đơn thuần chỉ là sự lặp đi lặp lại mà chính là bản chất thứ hai bên trong mỗi con người. Thói quen dù nhỏ cũng thường phản ánh những tâm tư, suy nghĩ, tính cách, lối sống bởi nó được hình thành từ những suy nghĩ, sở thích, cách sống của mỗi chúng ta... (0,25 điểm)
    • Những thói quen và đặc điểm con người tương ứng với những thói quen ấy; dẫn chứng thực tế...(0,25 điểm)
  • Thói quen giúp bạn không bao giờ thất bại hoặc khiến bạn sụp đổ trước ngai vàng của sự thành công (1,0 điểm)
    • Những thói quen tốt giúp bạn không bao giờ thất bại (0,5 điểm)
      • Từ một thói quen nhỏ cũng có thể mang tới thành công lớn cho con người. Nó tạo dựng cho con người nhận thức đúng đắn và sâu sắc về bản thân, giúp con người biết sống có chuẩn mực. Thói quen tốt sẽ giúp chúng ta có phương hướng đúng để phát triển, nó trở thành bàn đạp trên con đường dẫn tới thành công. Có thói quen tốt là bạn đã có người dẫn đường tuyệt vời. (0,25 điểm)
      • Những dẫn chứng thực tế... (0,25 điểm)
    • Những thói quen xấu khiến bạn sụp đổ trước ngai vàng của sự thành công (0,5 điểm)
      • Nếu bạn hình thành thói quen xấu, bất cứ hành vi nào không tốt của bạn cũng sẽ khiến bạn tuột mất cơ hội. Thói quen xấu sinh ra lười vận động, lười lao động, lười tư duy, suy nghĩ... Hậu quả là con người sẽ trở nên yếu đuối và yếu kém bởi vậy mà không thể có thành công. Thói quen xấu đã trở thành những hòn đá cản đường bạn.
      • Thói quen xấu ủ thành quả đắng, khiến bản thân chúng ta hối hận không kịp. Lỗi nhỏ nếu không kịp thời ngăn chặn, loại bỏ cuối cùng sẽ là sai lầm lớn không thể nào sửa đổi được.
      • Những dẫn chứng thực tế...
  • * Mở rộng vấn đề (0,25 điểm)
    • Thói quen đã là thứ hằn sâu trong tâm trí con người, để có thể tạo dựng một thói quen mới hay từ bỏ thói quen cũ không phải dễ dàng. Con người cần sự kiên trì, phấn đấu bền bỉ, ý chí, nghị lực mới có thể thực hiện được.
    • Đa số các nhà khoa học đều cho rằng có được thành công, điều quan trọng chính là từ nhỏ được dạy bảo những thói quen tốt. Nên việc hình thành thói quen tốt từ nhỏ rất cần thiết.
    • Những thói quen không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến cộng động, xã hội.

c. Bài học nhận thức và hành động (0,25 điểm)

  • Bài học nhận thức: nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sức mạnh to lớn của thói quen trong cuộc sống...
  • Bài học hành động: loại bỏ những thói quen xấu như lười biếng, cẩu thả, ỷ lại, dựa dẫm, tiêu xài hoang phí...nuôi dưỡng, rèn luyện thói quen tốt để cùng thói quen tốt bước vào tương lai: chăm chỉ, ngăn nắp. gọn gàng, sạch sẽ, khoa học, nghiêm túc, biết chia sẻ, thành thực, tích cực suy nghĩ, hành động...

3. Kết bài (0,25 điểm)

Cách cho điểm:

  • Điểm 3: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả diễn đạt.
  • Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 1: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.

Câu 3: 4,0 điểm

a. Yêu cầu về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học.
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Khuyến khích những bài viết sáng tạo.

b. Yêu cầu về kiến thức

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:

1. Vài nét về tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)

  • Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng với phong cách trữ tình, chính trị. Việt Bắc là một thành công xuất sắc của ông. Bài thơ thể hiện một cách tinh tế tình cảm cách mạng giữa những người kháng chiến và người dân Việt Bắc.
  • Xuân Quỳnh là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Sóng là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ ấy.

2. Cảm nhận về 2 đoạn thơ (3,0 điểm)

a. Về đoạn thơ trong bài Việt Bắc (1,5 điểm)

  • Nội dung (1,0 điểm)
    • Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ sâu nặng, nghĩa tình của người cán bộ cách mạng với quê hương Việt Bắc.
    • Tố Hữu diễn tả nỗi niềm thương nhớ day dứt khôn nguôi của người kháng chiến với Việt Bắc luôn thường trực, da diết như trong nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa. "Nhớ gì như nhớ người yêu". Nhưng nỗi nhớ không dành riêng cho một đối tượng mà nỗi nhớ dành cho tất cả đồng bào và thiên nhiên Việt Bắc. Nỗi nhớ đầy vơi trong lòng, giăng mắc khắp không gian, lung linh bao kỉ niệm.
    • Hiện lên trong nỗi nhớ là hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc với cảnh vật bình dị, đơn sơ, đầm ấm: trăng đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương...là những hình ảnh rất đặc trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng.
    • Trên cái nền trữ tình là hình ảnh con người Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ người kháng chiến về xuôi.
  • Nghệ thuật (0,5 điểm)
    • Thể thơ lục bát, nhịp điệu thơ linh hoạt, uyển chuyển, âm hưởng ngọt ngào, tha thiết.
    • Hình ảnh thơ giản dị, cách ví von đậm chất dân gian, phép đối, phép điệp hài hòa, cân xứng.

=> Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình đầy cảm xúc, thể thơ lục bát giàu nhạc điệu và đậm sắc màu dân tộc, kết hợp với cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh giàu chất gợi cảm

b. Về đoạn thơ trong bài Sóng (1,5 điểm)

  • Nội dung (1,0 điểm)
    • Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa, một nỗi nhớ bao trùm cả không gian, trải dài theo thời gian, ám ảnh cả vào cõi vô thức.
    • Nỗi nhớ cồn cào da diết của em được gửi gắm qua hai hình ảnh: sóng và em. Sóng nhớ bờ không ngủ được còn em nhớ anh cả trong mơ vẫn còn thao thức. Sóng hướng vào bờ, em hướng về anh: niềm khát khao gắn bó và ước nguyện thủy chung
    • Nỗi nhớ được bộc lộ trực tiếp, bạo dạn, chân thành gợi mở vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
  • Nghệ thuật (0,5 điểm)
    • Thể thơ năm chữ, với hình tượng sóng vừa ẩn dụ vừa giàu tính thẩm mĩ, hình ảnh thơ giàu sức gợi, đoạn thơ sâu sắc, nữ tính.
    • Sự so sánh cộng hưởng. Khổ thơ dôi hẳn hai câu đủ sức ôm chứa những cảm xúc vô bờ trong nỗi nhớ tình yêu.

=> Đoạn trính tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh hồn hậu. chân thành, Đằm thắm, luôn trăn trở, khát khao một tình yêu thủy chung, bất diệt

3. Đánh giá sự tương đồng, khác biệt (0,5 điểm)

  • Tương đồng: Cả 2 đoạn thơ đều bộc lộ nỗi nhớ tha thiết, bồi hồi, sâu lắng của người trong cuộc. Nỗi nhớ được diễn tả bằng một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với một bút pháp nghệ thuật điêu luyện, tài hoa.
  • Khác biệt:
    • Đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu là nỗi nhớ về thiên nhiên,con người Việt Bắc gắn với tình cảm cách mạng ân tình, thủy chung. Đoạn thơ mang màu sắc dân tộc, truyền thống.
    • Đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh lại là nỗi nhớ của người con gái đang yêu gửi vào hình tượng sóng, gắn với không gian rộng lớn của biển cả. Thể thơ 5 chữ, xây dựng thành công hai hình tượng sóng và em, mang màu sắc hiện đại.

-> Nét tương đồng thể hiện sự gặp gỡ của những tài năng, tấm lòng với con người, quê hương. Nét khác biệt cho thấy sự phong phú, đa dạng của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Cách cho điểm:

  • Điểm 3 - 4: Đáp ứng tất cả các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả diễn đạt.
  • Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức, có thể mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 1: Đáp ứng được một phần yêu cầu về kiến thức, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
  • Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không làm bài.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm