Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hậu Lộc 4, Thanh Hóa

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hậu Lộc 4, Thanh Hóa là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án dành cho các bạn luyện đề, ôn tập chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia năm 2016 sắp diễn ra trong thời gian tới. Mời các bạn tham khảo.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý - Số 1

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Bình Thạnh, Tây Ninh

SỞ GD&ĐT THANH HÓA

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC 4

-------------

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG ÔN THI THPT QUỐC GIA

Năm học 2015 – 2016

Môn thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 180 phút

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Vị vua và những bông hoa

Một ông vua nọ rất có tài chăm sóc những cây hoa và ông đang muốn tìm một người kế vị mình. Ông quyết định để những bông hoa quyết định, vì thế ông đưa cho tất cả mọi người mỗi người một hạt giống. Người nào trồng được những bông hoa đẹp nhất từ hạt giống này sẽ được lên ngôi.

Một cô gái tên là Serena cũng muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh để trồng được bông hoa đẹp nhất. Cô gieo hạt giống trong một cái chậu rất đẹp, chăm sóc nó rất kỹ càng, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy hạt giống nảy mầm.

Năm sau, cô thấy mọi người tụ tập tại cung điện với những chậu hoa rất đẹp. Serena rất thất vọng, nhưng vẫn tới cuộc tụ họp với chậu hoa trống rỗng. Nhà vua kiểm tra tất cả chậu hoa, rồi dừng lại ở chậu hoa của Serena. Ngài hỏi "tại sao chậu hoa của cô không có gì?" "Thưa điện hạ, tôi đã làm mọi thứ để nó lớn lên nhưng tôi đã thất bại" – cô gái trả lời.

"Không, cô không thất bại. Những hạt giống mà ta đưa cho mọi người đều đã được nướng chín, vì thế chúng không thể nảy mầm. Ta không biết tất cả những bông hoa đẹp này ở đâu ra. Cô đã rất trung thực, vì thế cô xứng đáng có được vương miện. Cô sẽ là nữ hoàng của vương quốc này".

(Dẫn theo Quà tặng cuộc sống)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên? (0,25 điểm)

Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản trên. (0,5 điểm)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao cô Serena lại được nhà vua phong làm nữ hoàng? (0,25 điểm)

Câu 4. Anh/chị hãy rút ra bài học cho bản thân khi đọc xong câu chuyện trên. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

Thuyền và biển

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển:

"Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Ðưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa... còn xa

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thì thầm gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ

Biển ồ ạt xô thuyền

(Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?)

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.

(Dẫn theo Thơ Xuân Quỳnh, NXB Giáo Dục, 2014)

Câu 5. Bài thơ trên viết về đề tài gì? Viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)

Câu 6. Hãy nêu nội dung chính của bài thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 7. Trong bài thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào qua hai hình ảnh thuyền, biển? (0,25 điểm)

Câu 8. Hãy nhận xét quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh trong bài thơ trên. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm):

Có nhận định cho rằng: Người trẻ hiện nay "xấu xí". Hãy viết bài văn trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định trên.

Câu 2. (4,0 điểm):

Sự kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.

(Trích Việt Bắc - Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.111)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là phương thức tự sự/tự sự. (0,25 điểm)

Câu 2. Nội dung: kể về việc một vị vua muốn lựa chọn người kế vị bằng cách thử lòng trung thực của mọi người từ những hạt giống hoa đã được nướng chín và chỉ có duy nhất cô gái tên Serena là người chiến thắng nhờ lòng trung thực của mình; thông qua câu chuyện Vị vua và những bông hoa để khẳng định tính trung thực sẽ đem lại cho chúng ta những món quà bất ngờ (0,5 điểm)

Câu 3. Cô Serena lại được nhà vua phong làm nữ hoàng vì Cô đã rất trung thực khi trồng đúng hạt giống hoa mà nhà vua ban/ Cô không tìm mọi cách để có chậu hoa đẹp như người khác mà chỉ chăm sóc hạt giống nhà vua đã ban.... (0,25 điểm)

Câu 4. Bài học của bản thân: Con người cần phải sống trung thực, có lòng tin vào sự trung thực của bản thân/ có lòng trung thực con người sẽ gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống... Câu trả lời có sức thuyết phục. (0,5 điểm)

Câu 5. Bài thơ viết về đề tài tình yêu, thể thơ tự do 5 chữ. (0,25 điểm)

Câu 6. Nội dung chính của bài thơ:

Từ câu chuyện mang tính ẩn dụ về "thuyền và biển", nhà thơ đã diễn tả tình yêu của "anh" và "em" với những cung bậc: thấu hiểu, đồng cảm, nhớ nhung và khát khao gặp gỡ, qua đó thể hiện quan niệm về tình yêu của mình. (0,5 điểm)

Câu 7. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ qua hai hình ảnh như thuyền, biển. Thuyền chỉ người con trai, biển chỉ người con gái (Biển như cô gái nhỏ) (0,25 điểm)

Câu 8.

- Nêu quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh: Tình yêu luôn là sự đồng cảm, thấu hiểu của hai người ở mức độ sâu sắc; luôn hướng về nhau với nỗi nhớ nhung da diết. Nhận xét về quan niệm đó: đúng hay sai, đẹp hay không đẹp, phù hợp hay không phù hợp với tình yêu đôi lứa.... (Câu trả lời phải hợp lí, có tính thuyết phục cao). (0,5 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm): Về nhận định cho rằng: Người trẻ hiện nay "xấu xí".

I. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài NLXH, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...

II. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể linh hoạt trong cách trình bày, nhưng cần làm rõ được các ý sau:

  • Nêu vấn đề nghị luận. (0,25 điểm)
  • Giải quyết vấn đề (2,5 điểm)
    • Giải thích: Người trẻ hiện nay "xấu xí". Xấu không dừng lại ở phương diện hình thức mà muốn nhấn mạnh sự xuống cấp ở các phương diện thuộc về nhân cách của một bộ phận người trẻ hiện nay. (0,5 điểm)
    • Bàn luận
      • Không thể phủ nhận thực tế là dù được hưởng những điều kiện tốt (đất nước hòa bình, cuộc sống ấm no, có điều kiện học hành...) nhưng một bộ phận giới trẻ hiện nay vẫn đang "xấu xí" về nhiều mặt như văn hóa ứng xử, lời ăn tiếng nói, hành động ... (HS nêu và phân tích dẫn chứng) (0,5 điểm)
      • Hiện tượng đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: ý thức bản thân, sự quan tâm, giáo dục của gia đình, bối cảnh xã hội... Sự xấu xí của một bộ phận người trẻ là dẫu hiệu đáng buồn, làm vơi đi truyền thống tốt đẹp của thanh niên Việt Nam (HS nêu và phân tích dẫn chứng). (0,5 điểm)
      • Bên cạnh đó một bộ phận lớn giới trẻ đang giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đưa đất nước hội nhập với thế giới, làm rạng danh cho Tổ quốc với những cống hiến cao đẹp, họ sống đẹp, sống có ước mơ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để khẳng định bản thân, cống hiến cho xã hội (HS nêu và phân tích dẫn chứng) (0,5 điểm)
      • Nhận định người trẻ hiện nay "xấu xí" không sai nếu nhìn vào rất nhiều những hiện tượng xấu xuất hiện trong xã hội thời gian qua. Tuy nhiên công bằng mà nói, cách nhận xét như trên vẫn có phần bi quan bởi bên cạnh một bộ phận người trẻ sống ích kỉ, xuống cấp về văn hóa, lối sống vẫn còn rất nhiều những tấm gương người trẻ sống đẹp rất đáng để noi theo. (0,5 điểm)
  • Thí sinh nêu bài học nhận thức, hành động của bản thân. (0,25 điểm)
    • Phê phán, loại bỏ lối sống xấu xí của một bộ phận người trẻ
    • Học tập, phát huy lối sống đẹp
    • Không ngừng học tập, tu dưỡng để trở thành người có ích, được mọi người quý mến

Câu 2 (4,0 điểm)

I. Yêu cầu về kĩ năng trình bày:

Đảm bảo một văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, hợp lí, tổ chức sắp xếp ý một cách lôgic, chặt chẽ, hành văn trôi chảy, mạch lạc, chữ viết rõ ràng, cẩn thận, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt...

II. Yêu cầu về kiến thức

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận. (0,5 điểm)

2. Sự kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong đoạn thơ (3,0 điểm)

a. Tính dân tộc (1,0 điểm)

  • Biểu hiện của tính dân tộc trong hình thức (ngôn ngữ, thể thơ, giọng điệu,... ) (0,5 điểm)
    • Thể thơ lục bát: vốn là một trong những thể thơ mang tính dân tộc sâu sắc.
    • Lối kết cấu đối đáp quen thuộc trong ca dao.
    • Ngôn ngữ thơ: giàu tính dân tộc (sử dụng cặp đại từ mình – ta).
    • Nhịp điệu: quen thuộc của ca dao góp phần tạo nên giọng thơ tâm tình ngọt ngào, tha thiết.
  • Biểu hiện của tính dân tộc trong nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hứng,...) (0,5 điểm)
    • Đề tài: nằm trong đề tài viết về một cuộc chia tay, tiễn biệt mang tính truyền thống.
    • Chủ đề: bức tranh tứ bình về bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) với bút pháp chấm phá, các nét vẽ đơn sơ phù hợp với văn hoá phương Đông.
    • Cảm hứng: tình yêu thiên nhiên đất nước, con người qua nỗi nhớ.

b. Tính hiện đại (1,0 điểm)

  • Lối kết cấu: được vận dụng một cách sáng tạo. Ta (người đi) là những cán bộ kháng chiến, mình (người ở lại) là người dân Việt Bắc.
  • Thể thơ lục bát: mang màu sắc hiện đại trong điệp khúc nhịp 2/4 ở một số câu lục gắn với điệp từ "nhớ" đem đến cho người đọc những xúc cảm thẩm mĩ thú vị .
  • Ngôn ngữ thơ: cặp đại từ mình – ta sử dụng sáng tạo: đóng vai trò như một thủ pháp nghệ thuật độc đáo thể hiện sự phân thân của tác giả - cái tôi trữ tình, đại từ mình dùng ở ngôi thứ hai kết hợp với đại từ ta (điệp ba lần) diễn tả chiều sâu nỗi niềm của người đi trong nỗi nhớ da diết cảnh và người.
  • Hình ảnh thơ: con người là hình ảnh trung tâm của bức tranh thiên nhiên.
  • Biểu hiện của tính hiện đại trong nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hứng,...)
    • Đề tài: cuộc chia tay mang sự kiện thời sự có tính lịch sử.
    • Chủ đề: bức tranh tứ bình về bốn mùa được tác giả bắt đầu bằng mùa đông đến mùa xuân, mùa hạ và mùa thu phù hợp với tiến trình phát triển của cách mạng dân tộc.

c. Tính dân tộc và tính hiện đại trong đoạn thơ được Tố Hữu kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn đến tự nhiên. Bức tranh tuyệt đẹp về thiên nhiên, con người Việt Bắc (đặc biệt tám câu thơ cuối cứ câu lục nói về cảnh thì câu bát nói về người) ấy thể hiện sâu sắc tình cảm yêu thương, gắn bó của người đi với mảnh đất chiến khu. Người đọc như nhập vào giai điệu riêng vừa thân thuộc vừa mới mẻ để nhận biết và càng thêm tự hào, có ý thức bảo tồn một thể thơ mang bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo. (1,0 điểm)

3. Đánh giá (0,5 điểm)

Đoạn thơ đã thể hiện được sự kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại ở cả nghệ thuật và nội dung tư tưởng. Qua đó, người đọc có thể hiểu rõ hơn đóng góp đầy ý nghĩa của thơ Tố Hữu đối với sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và nền văn học nước nhà.

Đánh giá bài viết
1 2.460
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm