Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Núi Thành, Quảng Nam
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Núi Thành, Quảng Nam có đáp án kèm theo là tài liệu tham khảo môn văn, giúp các bạn thử sức trước kì thi quốc gia 2015 sắp tới, ôn thi đại học môn văn khối C, D. Mời các bạn cùng tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Bình Thạnh, Tây Ninh
SỞ GD & ĐT QUẢNG NAM
TRƯỜNG THPT NÚI THÀNH
ĐỀ THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP QUỐC GIA 2015
Môn: Ngữ Văn
Thời gian: 180 phút
Phần I - Đọc hiểu: (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:
“Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.”
(Trích “Chiếu cầu hiền”- Ngô Thì Nhậm)
a. Đoạn văn được viết với phong cách ngôn ngữ nào? (0.5 điểm) Nội dung của đoạn văn là gì? (0.5 điểm)
b. Nét đặc sắc trong hình thức lập luận của tác giả trong đoạn văn trên? (1.0)
Phần II - Làm văn: (8 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm)
Viết một bài văn (khoảng 400 từ) để trình bày suy nghĩ của anh (chị) khi xem hình ảnh sau:
Kế hoạch và thực tế khác nhau rất xa. Hãy chuẩn bị tinh thần vững chắc để đương đầu với mọi khó khăn.
Câu 2: (5.0 điểm)
Có ý kiến cho rằng: “Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là bản anh hùng ca, bản tình ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến”. Ý kiến khác lại khẳng định: “Ở Việt Bắc, tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tố Hữu rõ nét nhất”.
Bằng cảm nhận về đoạn thơ Việt Bắc (SGK - Ngữ Văn 12, Tập Một - NXB Giáo dục), anh/ chị hãy làm sáng tỏ những ý kiến trên.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn
Phần I - Đọc hiểu: (2,0 điểm)
a. (1,0 điểm)
- Đoạn văn trên được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận. Đây là thể loại Chiếu (Văn bản chính luận cổ). (0,5đ)
- Nội dung cơ bản của đoạn trích: Qui luật xử thế của người hiền. (0,5đ)
b. Nét đặc sắc về hình thức lập luận của tác giả:
- Mở đầu bằng hình ảnh so sánh: người hiền - ngôi sao sáng như thiên tử - sao Bắc Thần (0,5đ)
- Nêu lên một phản đề: người hiền, có tài mà đi ẩn dật, lánh đời như ánh sáng bị che lấp, như vẻ đẹp bị giấu đi. (0,5đ)
- Tác giả đã đặt ra vấn đề: người hiền phụng sự cho thiên tử là một cách xử thế đúng, là tất yếu, hợp với ý trời.
Phần II - Làm văn: (8 điểm)
Câu 1: (3.0 điểm)
a/ Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội.
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, trong sáng; có tính biểu cảm.
- Chữ viết rõ ràng, bài sạch sẽ; không mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
b/ Yêu cầu về kiến thức: HS có thể cảm nhận khác nhau và trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được các nội dung cơ bản sau:
- Nêu vấn đề cần nghị luận: tinh thần vững chắc để đương đầu với những khó khăn.
- Hiểu về hình ảnh trong bức tranh: (1,5đ)
- Hình ảnh thứ nhất nói về kế hoạch vạch ra để con người đi đến đích.
- Hình ảnh thứ hai nói về thực tiễn mà con người đi đến đích không như kế hoạch (hình ảnh thứ nhất).
- Câu văn dưới bức tranh: khẳng định giữa kế hoạch và thực tế khác xa. Động viên con người hãy rèn luyện tinh thần vững chắc để thành công.
- Bàn luận về nội dung tư tưởng được rút ra từ ý nghĩa của bức tranh. (1,5đ)
- Tại sao thực tế khác xa với kế hoạch? do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: đường xấu hoặc đang thi công, buộc phải đi chậm, đi lâu; thời tiết (máy bay cất cánh muộn hoặc hoãn), ốm đau, tiền bạc,... (dẫn chứng)
- Cần tinh thần vững chắc để đi đến đích: sự tự tin giúp ta nhận thức được năng lực của bản thân, kiểm soát cuộc sống, làm chủ trong hoàn cảnh thực tế, đủ năng lực để vượt qua những khó khăn thử thách, cam go. Khi thực hiện mục tiêu thất bại là điều không thể tránh khỏi, cần ý chí (dẫn chứng).
- Có kế hoạch và tính toán đến thực tế với những vấn đề phát sinh không như mong muốn giúp con người bình tĩnh đối phó, xử lí tình huống linh hoạt nên cần có tinh thần vững chắc? (dẫn chứng)
- Phê phán những con người máy móc, không linh hoạt (giữa kế hoạch và thực tế), gặp khó khăn trong thực tế (khác với kế hoạch), nảy sinh trạng thái chán nản, thối chí, buông xuôi, quay về với vị trí ban đầu, những người không vạch ra kế hoạch (cẩu thả). (0,5đ)
- Bài học nhận thức: (0,5đ)
- Cần lập kế hoạch cụ thể để thực hiện công việc nhưng phải tính đến những phương hướng hành động phát sinh trong thực tế, linh hoạt, nhạy bén.
- Liên hệ với bản thân: hoạch định thời gian biểu, chọn nghề,... để trở thành con người lao động khoa học, sáng tạo, mềm mỏng,...
Câu 2: (5.0 điểm)
a) Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết làm một bài văn nghị luận về ý kiến bàn về văn học
- Kết cấu chặt chẽ, luận điểm, luận cứ rõ ràng, hành văn lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu,…
b) Yêu cầu về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đạt được các nội dung cơ bản sau:
- Giới thiệu chung về Tố Hữu, giá trị bài thơ “Việt Bắc”, đồng thời nhấn mạnh hai ý kiến: “Việt Bắc là bản anh hùng ca, tình ca về kháng chiến và con người kháng chiến”, “Ở Việt Bắc, tính dân tộc trong nghệ thuật thơ Tố Hữu rõ nét nhất” (0,5đ)
- Giải thích ý kiến: (0,5đ)
- Ý kiến thứ nhất: Ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, những con người kháng chiến (nhân dân và cán bộ cách mạng) anh hùng trong chiến đấu, căm thù giặc cao độ, có tinh thần đoàn kết.
- Thể hiện tình cảm lưu luyến vấn vương giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ cách mạng, ca ngợi lối sống ân nghĩa ân tình giữa nhân dân và cách mạng
- Ý kiến thứ hai: Khẳng định vẻ đẹp về nghệ thuật thơ Tố Hữu - tính dân tộc - thể hiện ở kết cấu đậm chất ca dao, thể thơ lục bát điêu luyện, ngọt ngào, ở việc sử dụng cặp đại từ “mình”, “ta”.
- Cảm nhận đoan thơ “Việt Bắc”:
- Việt Bắc là bản tình ca… (1,0đ)
- Tình cảm lưu luyến vấn vương giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ cách mạng, ca ngợi lối sống ân tình thủy chung của đồng bào Việt Bắc (8 câu thơ đầu).
- Thể hiện qua những kỉ niệm của tác giả về những năm tháng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ của đồng bào Việt Bắc (“Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”).
- Ca ngợi vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc: cảnh đẹp, hài hòa từ đường nét, màu sắc, âm thanh; con người đẹp trong lối sống nghĩa tình “ Rừng xanh…trăng rọi hòa bình”
- Việt Bắc là bản anh hùng ca… (1,0đ)
- Anh hùng trong chiến đấu: khung cảnh hùng tráng đậm chất sử thi, cảm hứng lãng mạn thể hiện qua giọng điệu dồn dập, âm hưởng hào hùng, những hoạt động sôi nổi… góp phần diễn tả sức mạnh và khí thế chiến đấu của cuộc kháng chiến (“Những đường Việt Bắc của ta…muôn tàn lửa bay”).
- Sức mạnh bắt nguồn từ lòng căm thù trước tội ác của giặc “Nhớ khi giặc đến giặc lùng”, “…mối thù nặng vai”, từ tinh thần đoàn kết “Rừng cây núi đá, ta cùng đánh Tây”, “Đất trời ta cả chiến khu một lòng”.
- Sức mạnh của đau thương biến thành hành động và lập được những chiến công vang dội “Tin vui chiến thắng trăm miền”.
- Sức mạnh của niềm tin, lạc quan tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ; khẳng định Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc của cuộc kháng chiến (“Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”)
- Việt Bắc thể hiện rõ nét tính dân tộc…. (1,0đ)
- Tâm trạng bao trùm là nỗi nhớ, nương theo những câu hỏi, theo lối đối đáp của ca dao ta- mình để khơi gợi kỉ niệm về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.
- Sử dụng ngôn ngữ xưng hô “ta- mình” khá linh hoạt, hình thành một cuộc đối đáp thực sự, cũng là sự phân thân, tự vấn của người đi (cán bộ cách mạng) để đáp lại tấm chân tình sâu nặng của người ở lại (Đồng bào Việt Bắc), tạo nên cảnh tiễn biệt dùng dằng thương nhớ, tạo độ sâu về tư tưởng cho bài thơ.
- Bình luận ý kiến: (0,5đ)
- Là những đánh giá về giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật độc đáo về bài thơ Việt Bắc – một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của thơ ca Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Tác dụng: Nói lên được những vấn đề có ý nghĩa lớn lao của thời đại, khơi được đúng chỗ sâu thẳm nhất trong truyền thống ân tình thủy chung ngàn đời của dân tộc ta.
- Đánh giá chung: Đây là những ý kiến đánh giá đúng đắn về giá trị của bài thơ Việt Bắc, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về thi phẩm. Đây là câu chuyện lớn, là một vấn đề tư tưởng được diễn đạt bằng một hình thức nghệ thuật dân tộc. Bài thơ vừa làm sống dậy những kỉ niệm ân nghĩa, ân tình của đời sống cách mạng và kháng chiến vừa là lời nhắc nhở về sự thủy chung của con người với con người và đối với quá khứ cách mạng của dân tộc Việt Nam. (0,5đ)