Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội

Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Ngữ Văn trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội có kèm theo đáp án là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp môn văn, luyện thi đại học khối C. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

SỞ GD&ĐT HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀI ĐỨC B

ĐỀ THI THỬ KỲ THI QUỐC GIA
NĂM HỌC 2014-2015
MÔN: NGỮ VĂN KHỐI 12
(Thời gian 180’ không kể giao đề)

Câu I: (3 điểm)

Đọc hiểu văn bản sau:

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn:
Trái cây rơi vào áo người ngắm quả,
Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn,
Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ,
Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...
Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!

(Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng? – Chế Lan Viên)

1

Chế Lan Viên từng là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ Mới 1930- 1945?

Đúng

Sai

2

Bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng” ra đời trong những năm K/C chống Mỹ

Đúng

Sai

3

Đoạn thơ trên viết theo thể thơ tự do?

Đúng

Sai

4

Gieo vần liên tiếp?

Đúng

Sai

5- Hãy chỉ ra câu hỏi tu từ trong đoạn thơ và cho biết tác dụng của câu hỏi tu từ đó?

6- Những danh nhân nào được nhắc tới trong đoạn thơ? Điều đó có ý nghĩa gì?

7- Tác giả đã khẳng định điều gì qua đoạn thơ?

8- Hãy cho biết tác giả muốn nói điều gì qua đoạn thơ:

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!

Câu II. (3,0 điểm)

Facebook và cuộc sống thật của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Câu III: (4 điểm)

Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, có bao nhiêu lần Kim Lân miêu tả những giọt nước mắt của người mẹ (Bà cụ Tứ) khi chứng kiến anh con trai “nhặt được vợ”? Dụng ý của nhà văn phía sau những biểu hiện nghệ thuật đó là gì? Anh (Chị) hãy trình bày ý kiến của mình.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

SỞ GD&ĐT HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT HOÀI ĐỨC B

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA 2014-2015
MÔN NGỮ VĂN

Câu I: ( 3 điểm)

  1. Đúng (0,25đ)
  2. Đúng (0,25đ)
  3. Đúng (0,25đ)
  4. Sai (0,25đ)
  5. Câu hỏi tu từ là: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? Tác dụng: câu hỏi tu từ có tính chất khẳng định chưa bao giờ Tổ Quốc lại đẹp như thế này, đồng thời thể hiện niềm tự hào về Tổ Quốc của tác giả. (0,5đ)
  6. Những danh nhân được nhắc tới trong đoạn thơ là: Nguyễn Trãi, Nguyễ Du, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn... Tác dụng: Thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa và chống giặc ngoại xâm của dân tộc. (0,5đ)
  7. Tổ Quốc ta trải qua 4000 năm Văn Hiến từ nỗi đau, từ truyền thống văn hóa chống ngoại xâm của cha ông thủa trước để đến hôm nay Tổ Quốc chưa bao giờ đẹp như thế. (0,5đ)
  8. Nỗi đau, sự bế tắc của cha ông trong quá khứ vì đói nghèo, và sự khủng hoảng suy đồi của chế độ Phong Kiến. (0,5đ).

Câu II: (3 điểm) Facebook và cuộc sống thật của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

MB: Giới thiệu vấn đề (0,25đ)

TB:

  • Thực trang: Facebook là một mạng xã hội chứa đựng những thông tin cá nhân… Với tuổi trẻ, face không còn là chốn riêng tư mà đã trở thành một không gian mở rất thú vị và đầy màu sắc: nơi để họ quan tâm, chia sẻ, động viên và khích lệ lẫn nhau, khiến cho cuộc sống vì thế mà trở nên ý nghĩa… Bên cạnh những trang lành mạnh, nhiều bạn trẻ lại có cách nói, cách viết khá phóng khoáng nên Facebook trở thành một diễn đàn của những ngôn từ “không sạch sẽ”; những lối nghĩ cực đoan theo “hiệu ứng đám đông”… Từ đây, mức độ lan truyền cũng rất chóng mặt khiến nhiều người không đủ bản lĩnh để “đề kháng” lại với những lối nghĩ, cách nói chuyện kiểu “chợ búa” như vậy. (0,5)
  • Nguyên nhân của những biểu hiện đáng tiếc: Do thói quen theo kiểu hùa vào, “đám đông” mà không cần nhận thức đúng sai; do sự thiếu quan tâm, định hướng của người lớn đối với nhận thức, suy nghĩ và cảm xúc cho giới trẻ… (0,5)
  • Hậu quả: Nghiện Face book làm mất quá nhiều thời gian cho học tập và lao động. Những luồng dư luận không tốt được đăng tải trên facebook có thể ảnh hưởng tới nhân cách của từng cá nhân những người trẻ chưa đủ bản lĩnh. ...(0,5)
  • Giải pháp: Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho giới trẻ khi những hiện tượng tiêu cực xuất hiện ngày càng nhiều. Ứng xử của những người xung quanh được xem là giải pháp quan trọng để thanh lọc và giúp bạn trẻ giữ vững phẩm chất đạo đức giữa những guồng quay khắc nghiệt, giữa vô vàn trào lưu tốt xấu đang tác động xung quanh.

“Ngay cả với thế giới ảo mà nhiều học sinh, sinh viên đang bị lôi cuốn thì thay vì những ác cảm bởi tiêu cực nảy sinh, gia đình, nhà trường cần dạy học trò cách ứng xử có văn hoá, biết kiểm soát chừng mực mỗi hành vi của mình. Các em cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết, dù là chỉ trên thế giới ảo...” - một chuyên gia về tâm lý giáo dục đã nhấn mạnh như vậy. (0,75)

KB:

  • Khái quát nội dung bài làm (0,25)
  • Liên hệ bản thân (0,25)

Câu III: (4 điểm) Các ý cần đạt

Trong truyện ngắn “Vợ nhặt”, có bao nhiêu lần Kim Lân miêu tả những giọt nước mắt của người mẹ (Bà cụ Tứ) khi chứng kiến anh con trai “nhặt được vợ”? Dụng ý của nhà văn phía sau những biểu hiện nghệ thuật đó là gì?

Trong thiên truyện, bà cụ Tứ luôn cố dấu những dòng nước mắt xót thương vì sợ phiền cho chính những người mà mình thương xót. Nhưng tình cảm yêu thương thấm thía và lòng trắc ẩn đã không thể nào dấu hết… => Kim Lân đã 3 lần miêu tả những giọt nước mắt của người mẹ nhân từ:

  • “Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường của con mình thế kia?... Bà lão hấp háy cặp mắt… vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”.
    • Đây là giọt nước mắt xúc động khi thấy người con trai xấu xí ngờ nghệch của mình có vợ. Giọt nước mắt mừng vui của một người mẹ khi thấy con hạnh phúc.
  • “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con… Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt…”.
    • Đây là giọt nước mắt tủi thân, tủi phận của một người mẹ nghèo khi nghĩ đến trách nhiệm của người làm mẹ đối với đứa cong trai xấu số. Giọt nước mặt bất lực của một người đàn bà nghèo muốn lo cho con bằng người mà không lo nổi.
  • “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá… Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.
    • Đây là giọt nước mắt đồng cảm với người con dâu, thương cho con giai phải đến lúc đói kém mới có thể có vợ. Đó cũng là giọt nước mắt của một người lương thiện sẵn sàng dành tình yêu thương của mình cho người khác dù người ấy là người không quen biết.

Đó là tình cảm trắc ẩn, xót xa cho hoàn cảnh trớ trêu của gia đình mình/ cho thân phận của đứa con dâu tội nghiệp. Là giọt nước mắt hạnh phúc của tình mẫu tử thiêng liêng trước niềm niềm vui bất ngờ với đứa con trai.

(Học sinh tự viết mở bài và kết bài).

Cách cho điểm:

  • Điểm 4: Bài viết bám sát yêu cầu của đề, điễn đạt lưu loát, có sức thuyết phuc.
  • Điểm 3: Bám sát đề, có thể diễn đạt còn 1 số lỗi nhỏ, có thể thiếu 1 ý
  • Điểm 2: Bám sát đề, thiếu 2 ý, mắc lỗi diễn đạt và 1 số lỗi chính tả không nghiêm trọng.
  • Điểm 1: Bài viết dang dở, thiếu ý và mắc nhiều lỗi
  • Điểm 0: Lạc đề, hoặc để giấy trắng.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Luyện thi đại học khối C

    Xem thêm