Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa
Đề thi thử THPT Quốc gia 2016 môn Địa lý
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Địa hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, những bạn chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia 2016, luyện thi Đại học khối C, mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng (Lần 1)
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LAM SƠN ĐỀ CHÍNH THỨC | ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG THPT QUỐC GIA NĂM 2016MÔN ĐỊA LÍ Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 24/01/2016 (Đề thi có 01 trang, gồm 4 câu) |
Câu I (2,0 điểm)
1. Trình bày hoạt động của gió mùa mùa hạ ở Việt Nam. Nêu hệ quả hoạt động của gió mùa đối với sự phân chia mùa khác nhau giữa các khu vực nước ta.
2. Chứng minh rằng Việt Nam là nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc. Đặc điểm đó có ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước?
Câu II (2,0 điểm) Dựa vào Atlat địa lý Việt Nam, em hãy:
1. Kể tên các cánh cung núi lớn ở vùng núi Đông Bắc nước ta theo hướng từ đông sang tây.
2. Cho biết những đô thị nào ở nước ta có quy mô dân số trên 1000000 người; từ 500001 – 1000000 người?
Câu III (3,0 điểm) Cho bảng số liệu:
GDP (theo giá thực tế) phân theo thành phần kinh tế nước ta (đơn vị: tỉ đồng)
Năm Thành phần | 2000 | 2010 |
Kinh tế Nhà nước | 170 141 | 668 300 |
Kinh tế ngoài Nhà nước | 212 879 | 941 814 |
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài | 58 626 | 370 800 |
Tổng số | 441 645 | 1 980 914 |
(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2010, Nhà xuất bản Thống kê 2011)
1. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô và cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta năm 2000 và 2010.
2. Nhận xét về cơ cấu và sự thay đổi cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta trong giai đoạn trên. Giải thích tại sao thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới?
Câu IV (3,0 điểm)
1. Nêu sự khác biệt của nền nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hoá. Tại sao nước ta vẫn song song tồn tại hai nền nông nghiệp này?
2. Phân tích tình hình phát triển và phân bố cây công nghiệp ở nước ta. Tại sao Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước?
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Địa lý năm 2016
Câu I:
1. Hoạt động của gió mùa mùa hạ ở Việt Nam. Hệ quả hoạt động của gió mùa đối với sự phân chia mùa khác nhau giữa các khu vực nước ta
* Hoạt động của gió mùa mùa hạ ở Việt Nam
Vào mùa hạ (từ tháng V đến tháng X) có hai luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào nước ta.
- Đầu mùa hạ: khối khí nhiệt đới ẩm từ Bắc Ấn Độ Dương xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào, tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần phía nam của khu vực Tây Bắc, khối khí này trở nên khô nóng (gió phơn Tây Nam hay còn gọi là gió Tây hoặc gió Lào).
- Giữa và cuối mùa hạ:
- Gió mùa Tây Nam (xuất phát từ cao áp cận chí tuyến bán cầu Nam) hoạt động mạnh. Khi vượt qua vùng biển xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn, thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
- Hoạt động của gió Tây Nam cùng dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng IX cho Trung Bộ. Do áp thấp Bắc Bộ, khối khí này di chuyển theo hướng đông nam vào Bắc Bộ tạo nên "gió mùa Đông Nam" vào mùa hạ ở miền Bắc nước ta.
* Hệ quả hoạt động của gió mùa đối với sự phân chia mùa khác nhau giữa các khu vực nước ta
Do tác động của gió mùa, trong chế độ khí hậu, miền Bắc có sự phân chia thành mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; miền Nam có hai mùa: mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Giữa Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ có sự đối lập về mùa mưa và mùa khô.
2. Việt Nam là nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc. Ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
* Việt Nam là nước đông dân, có nhiều thành phần dân tộc
- Đông dân:
- Số dân nước ta đông (dẫn chứng)
- Thứ bậc trong khu vực và trên thế giới (d/c)
- Nhiều thành phần dân tộc
- Số lượng dân tộc nước ta (d/c)
- Cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài (d/c)
* Ảnh hưởng của đặc điểm dân số này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
- Đông dân:
- Thuận lợi: Dân số là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Với số dân đông, nước ta có nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
- Khó khăn: Trong điều kiện của nước ta hiện nay, số dân đông lại là một trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, tác động xấu đến việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường,...
- Nhiều thành phần dân tộc:
- Thuận lợi: Các dân tộc luôn đoàn kết, phát huy truyền thống sản xuất, văn hoá, phong tục tập quán, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, tạo nên nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc, giàu kinh nghiệm sản xuất; tuyệt đại bộ phận người Việt ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.
- Khó khăn: Sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể, mức sống của một bộ phận dân tộc ít người còn thấp; trình độ dân trí thấp, có tín ngưỡng riêng nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, chia rẽ khối đại đoàn kết, ảnh hưởng đến chủ quyền an ninh quốc gia,...
Câu II:
1. Các cánh cung núi lớn ở vùng núi Đông Bắc
- Kể đúng tên 4 cánh cung núi lớn
- Chính xác hướng từ đông sang tây: Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm.
2. Các đô thị ở nước ta có quy mô dân số trên 1000000 người và từ 500001 đến 1000000 người
- Trên 1000000 người: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.
- Từ 500001 đến 1000000 người: Đà Nẵng, Biên Hoà, Cần Thơ.
Câu III:
1. Vẽ biểu đồ:
* Xử lí số liệu:
- Tính tỉ lệ bán kính:
Coi bán kính biểu đồ năm 2000 (R2000) là 1 (đơn vị bán kính)
Tính bán kính biểu đồ năm 2010 theo bán kính biểu đồ năm 2000, ta có bán kính biểu đồ năm 2010 (R2010) = 2,1R2000 = 2,1 (đơn vị bán kính).
- Tính cơ cấu:
Cơ cấu GDP (theo giá thực tế) phân theo thành phần kinh tế nước ta (đơn vị: %)
Năm Thành phần | 2000 | 2010 |
Kinh tế Nhà nước | 38,5 | 33,7 |
Kinh tế ngoài Nhà nước | 48,2 | 47,5 |
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài | 13,3 | 18,8 |
Tổng số | 100,0 | 100,0 |
* Vẽ biểu đồ:
Yêu cầu:
- Vẽ hai biểu đồ tròn, chính xác tỉ lệ bán kính.
- Có tên biểu đồ, đơn vị, chú giải, chính xác về tỉ lệ, ghi số liệu trên biểu đồ.
2. Nhận xét và giải thích
* Nhận xét:
- Về cơ cấu: thành phần kinh tế ngoài Nhà nước luôn chiếm tỉ trọng GDP cao nhất (d/c); tiếp đến là thành phần kinh tế Nhà nước (d/c); chiếm tỉ trọng thấp nhất là thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (d/c).
- Sự chuyển dịch cơ cấu: Trong giai đoạn 2000 - 2010, cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng: giảm tỉ trọng của thành phần KT Nhà nước và thành phần KT ngoài Nhà nước, tăng nhanh tỉ trọng thành phần KT có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể:
- Kinh tế Nhà nước (d/c)
- Kinh tế ngoài Nhà nước (d/c)
- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (d/c)
- Đánh giá: Sự chuyển dịch như trên là tích cực, phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần trong giai đoạn hiện nay.
* Giải thích:
Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay vì: giúp giải quyết được những khó khăn thực tại của nền kinh tế về vốn, kĩ thuật, giúp tăng cường chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế,... tạo động lực để phát triển kinh tế đất nước.
Câu IV:
1. Sự khác biệt của nền nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hoá. Tại sao nước ta vẫn tồn tại song song hai nền nông nghiệp này?
* Sự khác biệt của nền nông nghiệp cổ truyền và nông nghiệp hàng hoá
Tiêu chí | Nông nghiệp cổ truyền | Nông nghiệp hàng hoá |
Quy mô và hình thức sản xuất | Sản xuất quy mô nhỏ, công cụ thủ công, sử dụng nhiều lao động. | Sản xuất quy mô lớn, sử dụng nhiều máy móc, vật tư, gắn liền với thâm canh, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp. |
Năng suất | Năng suất lao động thấp. | Năng suất cao, sản lượng lớn. |
Mục đích | Sản xuất nhiều loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ (SX mang tính tự cung, tự cấp). | SX theo hướng chuyên môn hoá, tạo ra nhiều lợi nhuận, đẩy mạnh xuất khẩu. |
Phân bố | Phổ biến ở nhiều vùng lãnh thổ nước ta, đặc biệt những nơi xa thị trường tiêu thụ, giao thông khó khăn. | Phát triển ở những vùng có truyền thống sản xuất hàng hoá, các vùng gần trục giao thông và các thành phố lớn. |
* Nước ta vẫn song song tồn tại hai nền sản xuất này vì:
- Nền nông nghiệp nước ta xuất phát từ một nền nông nghiệp lạc hậu mang tính chất tự cấp tự túc, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; hiện nay đại bộ phận lao động nước ta vẫn sống ở nông thôn, điều kiện sản xuất còn khó khăn, trình độ sản xuất chưa cao, do đó vẫn phổ biến nền nông nghiệp cổ truyền.
- Hiện nay, nền nông nghiệp hàng hoá có điều kiện phát triển mạnh nhờ những chính sách đổi mới của Nhà nước nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong nước và ngoài nước (về tự nhiên, nguồn lao động, thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư...) và phù hợp với quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
2. Phân tích tình hình phát triển và phân bố cây công nghiệp ở nước ta. Tại sao Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước?
* Tình hình phát triển và phân bố cây công nghiệp ở nước ta:
- Tình hình chung:
- Chủ yếu là cây CN nhiệt đới, ngoài ra có một số cây có nguồn gốc cận nhiệt.
- Tổng diện tích gieo trồng liên tục tăng (d/c), sản lượng và giá trị sản xuất tăng, trong đó ưu thế thuộc về cây CN lâu năm (d/c).
- Cây CN lâu năm:
- Chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, dừa, chè,... Một số sản phẩm của cây CN lâu năm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực (d/c).
- Sự phân bố một số loại cây CN lâu năm chủ yếu:
- Cà phê: trồng chủ yếu trên đất badan ở Tây Nguyên, ngoài ra còn trồng ở Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ; cà phê chè mới được trồng nhiều ở Tây Bắc.
- Cao su: được trồng chủ yếu trên đất badan và đất xám bạc màu trên phù sa cổ ở Đông Nam Bộ, ngoài ra được trồng ở Tây Nguyên, một số tỉnh Duyên hải miền Trung.
- Hồ tiêu: được trồng chủ yếu trên đất badan ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Điều: được trồng nhiều nhất ở Đông Nam Bộ.
- Dừa: được trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
- Chè: được trồng nhiều ở Trung du miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên (nhiều nhất là tỉnh Lâm Đồng).
- Cây CN hàng năm:
- Chủ yếu là mía, lạc, đậu tương, bông, đay, cói, dâu tằm, thuốc lá,...
- Sự phân bố một số loại cây CN hàng năm chủ yếu:
- Mía: phát triển các vùng chuyên canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
- Lạc: được trồng nhiều trên các đồng bằng Thanh – Nghệ - Tĩnh, đất xám bạc màu ở Đắk Lắk.
- Đậu tương: được trồng nhiều ở Trung du miền núi Bắc Bộ, gần đây phát triển mạnh ở Đắk Lắk, Đồng Tháp.
- Đay: vùng trồng truyền thống là Đồng bằng sông Hồng.
- Cói: vùng trồng lớn nhất là ven biển Ninh Bình, Thanh Hoá.
* Đông Nam Bộ trở thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất trong cả nước vì:
Vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển cây CN trên quy mô lớn.
- Tự nhiên:
- Địa hình tương đối bằng phẳng, đất đỏ badan màu mỡ, đất xám phù sa cổ thoát nước tốt,... thích hợp cho việc phát triển sản xuất cây công nghiệp quy mô lớn.
- Khí hậu cận xích đạo phù hợp với các cây công nghiệp nhiệt đới, nhiều nắng thuận lợi cho phơi sấy, bảo quản sản phẩm; nguồn nước phong phú thuận lợi cho tưới tiêu ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
- Kinh tế - xã hội:
- Nguồn lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm, trình độ tay nghề cao trong trồng và chế biến cây CN, năng động trong cơ chế thị trường,...là động lực để đẩy mạnh sản xuất cây CN theo hướng hàng hoá.
- Cơ sở vật chất – kĩ thuật khá hoàn thiện, đặc biệt là các cơ sở CN chế biến, hệ thống thuỷ lợi (công trình thuỷ lợi Phước Hoà, hồ Dầu Tiếng, các trạm bơm, kênh mương,...), dich vụ cung ứng giống, vật tư, phân bón cho phát triển cây CN; cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước, có thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong và ngoài nước về các sản phẩm cây CN; đường lối ưu tiên phát triển cây CN, nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây CN, được đầu tư vốn, kĩ thuật cho trồng và chế biến cây CN,...
- Điều kiện khác...