Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Thuận Thành 2, Bắc Ninh (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý trường THPT Thuận Thành 2, Bắc Ninh (Lần 1) là đề kiểm tra sát hạch môn Địa lý lớp 12 nhằm đánh giá chất lượng học tập cũng như chất lượng ôn thi đại học, ôn thi THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa. Đề thi môn Địa lý có đáp án đi kèm, hi vọng sẽ giúp các bạn củng cố kiến thức hiệu quả nhất. Mời các bạn tham khảo.
SỞ GD & ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH SỐ 2 | KIỂM TRA SÁT HẠCH LẦN 1 NĂM HỌC 2015-2016 MÔN: ĐỊA LÍ 12 Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian phát đề. |
Câu 1 (2,0 điểm)
- Trình bày hoạt động của gió mùa mùa Đông ở nước ta. Giải thích tại sao thiên nhiên vùng núi Đông Bắc và vùng núi Tây Bắc có sự khác nhau?
- Chứng minh rằng Việt Nam là nước có nhiều thành phần dân tộc. Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
Câu 2 (3,0 điểm)
- So sánh và giải thích sự khác nhau về thành phần loài động, thực vật của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tại sao miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là miền duy nhất ở nước ta tồn tại cả ba đai cao?
- Trình bày hiện trạng tài nguyên đất ở nước ta. Vì sao việc khai hoang đất ở miền núi phải hết sức thận trọng? Nêu các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lí đối với đất miền núi?
Câu 3 (2,0 điểm)
Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
- Kể tên các quốc gia tiếp giáp trên đất liền và có chung biển với Việt Nam.
- Vùng biển nước ta bao gồm những bộ phận nào? Vì sao biển Đông được xác định là hướng chiến lược của nước ta trong thời đại mới?
Câu 4 (3 điểm)
Cho bảng số liệu sau:
DIỆN TÍCH RỪNG VÀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP PHÂN THEO NGÀNH CỦA NƯỚC TA QUA CÁC NĂM.
Năm | Diện tích rừng (nghìn ha) | Giá trị sản xuất (tỉ đồng) | Chia ra | ||
Trồng và nuôi rừng | Khai thác lâm sản | Dịch vụ và hoạt động khác | |||
2000 | 10 916 | 7 674 | 1 132 | 6 235 | 307 |
2003 | 11 975 | 8 653 | 1 250 | 6 882 | 521 |
2005 | 12 419 | 9 495 | 1 403 | 7 550 | 542 |
2010 | 13 515 | 18 715 | 2 711 | 14 012 | 1 992 |
Anh (chị) hãy:
- Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình sản xuất của ngành lâm nghiệp nước ta trong giai đoạn 2000-2010.
- Nhận xét và giải thích sự thay đổi về diện tích rừng và giá trị sản xuất lâm nghiệp của nước ta qua các năm trên.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý
Câu 1 (2 điểm)
1. Trình bày hoạt động của gió mùa mùa Đông ở nước ta. Giải thích tại sao thiên nhiên vùng núi Đông Bắc và vùng núi Tây Bắc có sự khác nhau?
a. Hoạt động của gió mùa mùa Đông ở nước ta:
- Nguồn gốc: Từ áp cao phương Bắc (Xibia)
- Hướng: Đông Bắc
- Thời gian: từ tháng 11 năm trước tới tháng 4 năm sau
- Tính chất:
- Nửa đầu mùa: lạnh, khô
- Nửa sau mùa: lạnh, ẩm
- Thời tiết đặc trưng:
- Nửa đầu mùa: gió gây thời tiết lạnh, khô hanh cho miền Bắc.
- Nửa sau mùa: gió gây thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn ở đồng bằng Bắc Bộ và ven biển Bắc Trung Bộ
- Khi di chuyển xuồng phía nam gió mùa Đông Bắc suy yếu dần, bớt lạnh và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã. Từ Đà Nẵng trở vào là gió Tín Phong BBC hoạt động cũng theo hướng Đông Bắc, gây mưa cho ven biển Trung bộ và là nguyên nhân tạo nên 1 mùa khô sâu sắc cho Nam Bộ và Tây Nguyên.
b, Thiên nhiên vùng núi Đông Bắc và vùng núi Tây Bắc có sự khác nhau:
- Vùng núi Đông Bắc: Thiên nhiên mang sắc thái cận nhiệt đới gió mùa. Do đặc điểm địa hình của vùng chủ yếu là đồi núi thấp, hướng núi vòng cung (dg), lại nằm ở của ngõ đón gió mùa Đông Bắc nên vùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của gió mùa Đông Bắc.
- Vùng núi Tây Bắc: Thiên nhiên phân hóa theo độ cao
- Vùng núi thấp: Thiên nhiên NĐÂGM
- Vùng núi cao: Thiên nhiên giống như vùng ôn đới.
- Do vùng ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (nhờ bức chắn địa hình là dãy Hoàng Liên Sơn), nhưng đây là vùng núi cao và đồ sộ nhất nước ta nên thiên nhiên bị phân hóa theo độ cao.
2. Chứng minh rằng Việt Nam là nước có nhiều thành phần dân tộc. Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
a. Việt Nam là nước có nhiều thành phần dân tộc:
- Có 54 dân tộc sinh sống trên mọi miền Tổ quốc. Trong đó chủ yếu là người Kinh (chiếm 86,2% dân số), các dân tộc khác chỉ chiếm 13,8% dân số.
- Có khoảng 3,2 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Ôxaaylia, Trung Quốc,...
b, Ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước:
- Thuận lợi:
- Có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Các dân tộc trong và ngoài nước luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tạo sức mạnh để phát triển đất nước.
- Khó khăn: Giữa các dân tộc còn tồn tại khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và mức sống dân cư.
Câu 2 (3,0 điểm)
1. So sánh và giải thích sự khác nhau về thành phần loài động, thực vật của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tại sao miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là miền duy nhất ở nước ta tồn tại cả ba đai cao?
a, So sánh và giải thích sự khác nhau về thành phần loài động, thực vật của miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ với miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
- So sánh sự khác nhau:
- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ:Các loài nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra còn có thêm các loài cận nhiệt và ôn đới:
- Thực vật: Dẻ, Re, Pơ mu, Sa mu
- Động vật: Thú lông dày
- Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ: chủ yếu là các loài nhiệt đới và xích đạo:
- Thực vật: cây chịu hạn, cây rụng lá: tiêu biểu là cây họ Dầu.
- Động vật: các loài thú lớn (dc) và động vật đầm lầy (dc)
- Có diện tích lớn rừng ngập mặn.
- Giải thích sự khác nhau:
- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ: Có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có 1 mùa đông lạnh nhất nước ta do chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của gió mùa Đông Bắc. Trong miền có sự di cư của các loài thực vật từ phương Bắc xuống.
- Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ: Có khí hậu cận xích đạo gió mùa nóng quanh năm có 2 mùa rõ rệt: một mùa mưa và một mùa khô. Trong vùng có sự di cư của các loài từ phía Tây (nguồn gốc Ấn Độ - Mianma) và phía Nam (Mã Lai - Inđônêxia) sang.
b, Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là miền duy nhất ở nước ta tồn tại cả ba đai cao: Do địa hình của miền cao nhất nước ta: là miền duy nhất ở nước ta có khu vực địa hình cao trên 2600m (khu vực núi Hoàng Liên Sơn)
2. Trình bày hiện trạng tài nguyên đất ở nước ta. Vì sao việc khai hoang đất ở miền núi phải hết sức thận trọng? Nêu các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lí đối với đất miền núi?
a, Trình bày hiện trạng tài nguyên đất ở nước ta:
- Hiện trạng sử dụng: Năm 2005, cả nước có 12.7 triệu ha đất có rừng, 9,4 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 28,4% diện tích đất), bình quân đất nông nghiệp đầu người 0,1 ha và có 5,35 triệu ha đất chưa sử dụng (Trong đó miền núi có 5 triệu ha, còn đồng bằng là 0,35 triệu ha).
- Hiện trạng suy thoái đất: Diện tích đất trống đồi núi trọc đã giảm mạnh nhưng diện tích đất bị suy thoái vẫn còn rất lớn: có 9,3 triệu ha đất đang đe dọa hoang mạc hóa (chiếm 28% diện tích đất đai)
b, Vì sao việc khai hoang đất ở miền núi phải hết sức thận trọng? Nêu các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lí đối với đất miền núi?
- Việc khai hoang đất ở miền núi phải hết sức thận trọng vì:
- Nước ta có ¾ diện tích là đồi núi. Địa hình đồi núi có độ dốc lớn trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và lượng mưa lớn theo mùa nếu không sử dụng hợp lí đất sẽ bị xói mòn, rửa trôi, lũ quét, sạt lở đất,...gây tác hại lớn đến đời sống và sản xuất.
- Miền núi còn là nơi phân bố chủ yếu diện tích rừng ở nước ta và là nới sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc ít người cho nên nếu khai hoang không hợp lí sẽ làm mất lớp phủ rừng, gia tăng nạn du canh, du cư.
- Các biện pháp bảo vệ và sử dụng hợp lí đối với đất miền núi:
- Áp dụng tổng thể các biện pháp thủy lợi, canh tác hợp lí (làm ruộng bậc thang, đào hố vẩy cá, trồng cây theo băng)
- Cải tạo đất hoang, đồi núi trọc bằng biện pháp nông lâm kết hợp
- Bảo vệ rừng và đất rừng. Tổ chức định canh định cư cho nhân dân miền núi.
Câu 3 (2 điểm) Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:
1. Kể tên các quốc gia tiếp giáp trên đất liền và có chung biển với Việt Nam.
- Tiếp giáp trên đất liền: Trung Quốc (phía Bắc), Lào, Campuchia (phía Tây)
- Trên biển: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Singapo, Brunay và Philippin.
2. Vùng biển nước ta bao gồm những bộ phận nào? Vì sao biển Đông được xác định là hướng chiến lược của nước ta trong thời đại mới?
- Vùng biển gồm 5 bộ phận: Vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa.
- Biển Đông được xác định là hướng chiến lược của nước ta trong thời đại mới, vì:
- Biển Đông là vùng biển rộng lớn và giàu tiểm năng (tài nguyên khoáng sản, hải sản, phát triển du lịch và giao thông biển).
- Biển Đông là cánh cửa để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập và thu hút đầu tư nước ngoài.
- Biển Đông có vị trí rất quan trọng trong khu vực và trên TG: Nằm gần tuyến hàng hải quốc tế từ ÂĐD sang TBD. Tạo điều kiện để VN giao lưu với các quốc gia và khu vực trên TG.
Câu 4 (3 điểm)
1. Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tình hình sản xuất của ngành lâm nghiệp nước ta trong giai đoạn 2000-2010.
- Dạng biểu đồ: BĐ kết hợp đường và cột chồng
- Yêu cầu:
- Vẽ đúng dạng (BĐ khác không cho điểm)
- Chính xác khoảng cách năm
- Có đầy đủ nội dung: số liệu, chú giải, tên biểu đồ
- Sạch đẹp, rõ ràng, đầy đủ.
2. Nhận xét và giải thích sự thay đổi về diện tích rừng và giá trị sản xuất lâm nghiệp của nước ta qua các năm trên.
- Diện tích rừng của nước ta ngày càng tăng (dc) do nước ta đẩy mạnh trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân,...
- Giá trị sản xuất lâm nghiệp liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2005-2010 tăng gần gấp đôi (dc)
- Giá trị sản xuất của các ngành lâm nghiệp đều tăng nhưng tốc độ tăng khác nhau (dc)
- Là do diện tích rừng ngày càng tăng, các hoạt động sản xuất rừng ngày càng đa dạng và hiệu quả cao nên giá trị sản xuất ngày càng lớn. Nhất là hoạt động khai thác lâm sản.