Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn cụm trường THPT Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng
Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn cụm trường THPT Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn cụm trường THPT Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia 2023 nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn cụm trường Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
CỤM TRƯỜNG THPT HOÀN KIẾM – HAI BÀ TRƯNG
ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2023
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm).
Đọc văn bản:
MÙA HẠ
Xuân Quỳnh
Đó là mùa của những tiếng chim reo
Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả
Đất thành cây, mật trào lên vị quả
Bước chân người bỗng mở những đường đi
Đó là mùa không thể giấu che
Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng
Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng
Từ những miền cay đắng hoá thành thơ.
Đó là mùa của những ước mơ
Những dục vọng muôn đời không xiết kể
Gió bão hoà, mưa thành sông thành bể
Một thoáng nhìn có thể hoá tình yêu
Đó là mùa của những buổi chiều
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
(Thơ Xuân Quỳnh, Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả thiên nhiên mùa hạ trong văn bản trên.
Câu 2. Hình ảnh mùa hạ trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?
Câu 3. Hãy nêu cảm nhận của anh/chị về sự đặc sắc trong cách dùng từ ngữ của tác giả ở những dòng thơ sau:
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
Câu 4. Khổ thơ dưới đây gợi cho anh/chị nghĩ về điều gì? Vì sao?
Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa
Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?
Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển
Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa.
Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về khát vọng mở đường của tuổi trẻ hôm nay.
Câu 2. (5,0 điểm)
“Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp- lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ- Yên Bái- Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy có một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh- Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.”
(Trích Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.191-192)
Hãy viết bài văn nghị luận trình bày cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp trữ tình của hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên; từ đó, nêu nhận xét về tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho thiên nhiên Tây Bắc.
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn cụm trường Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng
I.ĐỌC HIỂU
Câu 1. Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả thiên nhiên mùa hạ trong văn bản:
Tiếng chim, trời xanh biếc, nắng tràn, đất, cây, mật, quả (khổ 1); nắng, biển xanh, cánh buồm (khổ 2); gió bão hòa, mưa thành sông thành bể (khổ 3); buổi chiều, vòm trời, tiếng dế, tiếng cuốc, nắng trưa (khổ 4); mặt đất màu xanh, quả ngọt ngào (khổ 5).
Câu 2. Hình ảnh mùa hạ trong bài thơ tượng trưng cho:
- Vẻ đẹp rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh, trần đầy sức sống của thiên nhiên, đất trời.
- Sức sống căng tràn của tuổi trẻ với những ước mơ, đam mê, khao khát, hi vọng.
Câu 3. Đặc sắc trong cách dùng từ ngữ của tác giả ở những dòng thơ:
Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút
Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức
Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa
- Nghiêng: từ chỉ trạng thái chuyển sang chỉ hành động, khiến người đọc có cảm nhận cánh diều giấy làm nghiêng cả vòm trời cao vút.
- Thức: không ngủ, chỉ trạng thái của sự vật, con người, ở đây là con dế. Nhưng câu thơ lại đem đến cảm nhận là âm thanh đang thức – “tiếng dế thức”, tạo ra một cảm giác khác lạ khi thanh âm cũng như sinh thể sống.
- Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng…: Âm thanh của tiếng cuốc như thúc giục nắng, một hiện tượng thời tiết vô tri (nắng) như đang bị dồn thúc bởi âm thanh của chim cuốc (tiếng cuốc).
Câu 4. Thí sinh có thể có những suy nghĩ khác nhau dựa trên việc hiểu nội dung khổ thơ. Khi đưa ra những ý kiến riêng của bản thân, cần phải giải thích hợp lí. Dưới đây là những gợi ý cơ bản:
- Sự thảng thốt, giật mình, cả chút tiếc nuối về những ước mơ, hoài bão, khát khao còn dang dở của tuổi trẻ.
- Năm tháng sẽ qua đi nhưng niềm tin và hi vọng vẫn sẽ mãi song hành cùng với những con người biết nuôi dưỡng nó.
- Khổ thơ gợi những suy tư về ý nghĩa của những tháng năm tuổi trẻ, về sự chảy trôi của thời gian đời người.
Phần II. LÀM VĂN
Câu 1
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận
Thí sinh có thể trình bày đọan văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp,...
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:
Khát vọng mở đường của tuổi trẻ hôm nay.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể theo hướng sau:
- Khát vọng mở đường: là những mong ước mạnh mẽ, cháy bỏng của những người tiên phong, đi đầu, đặt nền móng cho sự phát triển của một lĩnh vực, hoạt động nào đó trong cuộc sống; là khát khao sáng tạo, thể hiện ước muốn đóng góp những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
- Tuổi trẻ cần có khát vọng mở đường vì:
+ Tuổi trẻ là thế hệ tiếp nối cha anh trong công cuộc dựng xây, phát triển đất nước và thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
+ Tuổi trẻ là thời kì đẹp nhất, sung sức nhất, giàu năng lượng, nhiệt huyết cống hiến cũng như giàu sức sáng tạo và ước mơ, hoài bão vươn tới những đỉnh cao tri thức.
+ Khát vọng mở đường thôi thúc các bạn trẻ tư duy độc lập, sáng tạo ra cái mới cũng như tỉnh táo và sáng suốt đón nhận cái mới.
+ Khát vọng mở đường khiến họ không ngừng trau dồi tài năng, lòng dũng cảm, bản lĩnh để có thể dấn thân vào hành trình đặt những viên gạch đầu tiên.
- Khát vọng mở đường là chính đáng nhưng cũng cần biết kế thừa và học hỏi những người đi trước. Cần phân biệt khát vọng mở đường và sự liều lĩnh, thiếu hiểu biết hoặc sự viển vông, không thực tế; đồng thời, cần phê phán lối suy nghĩ dập khuôn, tâm lí ngại khó, ngại khổ, không dám dấn thân trước cái mới.
- Bài học nhận thức và hành động: Trong bản thân mỗi người đều tiềm ẩn năng lực của “người mở đường”. Điều quan trọng là cần có bản lĩnh và một cái tôi đủ mạnh dám đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thể khơi dậy được tiềm năng ấy và dám đặt bước chân đầu tiên khai phá những con đường mới.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Câu 2.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận
- Vẻ đẹp trữ tình của hình tượng sông Đà trong đoạn trích.
- Nhận xét về tình cảm của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho thiên nhiên Tây Bắc.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
(1) Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò Sông Đà và đoạn trích.
(2) Cảm nhận về đoạn văn:
2.1. Về nội dung
2.1.1. Vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của khung cảnh ven sông
+ Không gian êm đềm, tĩnh lặng, thanh bình (Cảnh ven sông ở đây lặng tờ, quãng sông này cũng lặng tờ…)
+ Không gian tràn đầy nhựa sống (nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp, con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, đàn cá dầm xanh…)
+ Không gian nguyên sơ, cổ kính, trầm mặc (Bờ sông hoang dại, bờ sông hồn nhiên…)
2.1.2. Vẻ đẹp đa tình, đa cảm của dòng sông
+ Dòng sông “lững lờ” biết “nhớ thương những hòn thác đá xa xôi”.
+ Dòng sông biết “lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi” để tìm sự hài hòa trong nhịp sống mới
2.2. Về nghệ thuật
- Thủ pháp nhân hóa, so sánh khiến hình tượng con sông hiện ra như một sinh thể nghệ thuật sống động.
- Câu văn ngắn dài đan xen, nhịp văn chậm, có câu toàn thanh bằng đã diễn tả thành công đặc điểm trữ tình, thơ mộng của sông Đà.
(3) Nhận xét về tình cảm của nhà văn dành cho thiên nhiên Tây Bắc
- Tình yêu thiết tha với thiên nhiên Tây Bắc.
- Tấm lòng yêu nước thầm kín mang màu sắc riêng của nhà văn.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn cụm trường THPT Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.