Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng theo dõi để có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia 2023 nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn Sở Bắc Ninh

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

… Như sau một ngày trở về nhà thấy mình như một đứa trẻ cần niềm vui

được nhìn Má nấu một nồi canh chua cho cả nhà ăn tối

có Ba ngồi hỏi han với tiếng cười thân quen quá đỗi

không gian của những cuộc đời gần gũi

vì cần có nhau…

… Chỉ là một cái nắm tay có khi cứu được một con người

chỉ là có khi lắng nghe thôi mà làm bớt đi một đêm trắng

chỉ là có khi cúi xuống cũng đã là câu trả lời cho những điều ân hận

chỉ là có khi một nụ cười cũng trở thành yêu thương vô tận

giúp sống sót trong cuộc đời…

Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi rồi

muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé

đến khi biết cắn răng cuộn tròn mình trong góc tối mới nhận ra giá trị của hơi thở

của giọng nói, tiếng bước chân, của thanh âm “Xin lỗi” trước một giây đổ vỡ

đâu phải ai cũng có thể bắt đầu…

Đâu phải ai cũng có thể nhận ra mình ảo tưởng quá lâu

đâu phải ai cũng biết mình đang làm đau những người bên cạnh

đâu phải ai cũng tự choàng khăn khi trời trở lạnh

đâu phải ai cũng ít ỏi những vết thương dù bên ngoài lành lặn mặc từng giờ đều thứ tha…

Chỉ là, có rất nhiều yêu thương

đơn giản trong mỗi ngày đi qua…

(Đi qua thương nhớ - Nguyễn Phong Việt, NXB Văn học, 2012, tr.129)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Theo tác giả, niềm vui sau một ngày trở về nhà là gì?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ điệp cấu trúc được sử dụng trong những dòng sau:

Chỉ là một cái nắm tay có khi cứu được một con người

chỉ là có khi lắng nghe thôi mà làm bớt đi một đêm trắng

chỉ là có khi cúi xuống cũng đã là câu trả lời cho những điều ân hận chỉ là có khi một nụ cười cũng trở thành yêu thương vô tận

giúp sống sót trong cuộc đời…

Câu 4. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi/ rồi muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của những niềm vui bình dị trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất. Hắn quay lại nhìn thị cười cười:

- Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!

Thị nhếch mép cười nhạt nhẽo. Tràng vỗ vỗ xuống giường đon đả:

- Ngồi đây!… Ngồi xuống đây, tự nhiên…

Người đàn bà theo lời hắn ngồi mớm xuống mép giường. Cả hai bỗng cùng ngượng nghịu. Tràng đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc, chợt hắn thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân gắt lên:

- Sao hôm nay bà lão về muộn thế không biết!

Hắn loanh quanh hết chạy ra ngõ đứng ngóng, lại chạy vào sân nhìn trộm vào trong nhà. Thị vẫn ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần. Hắn nghĩ bụng: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?… Ồ sao nó lại buồn thế nhỉ?…”

Hắn nhổ vu vơ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười một mình. Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng…

(Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.25-26)

Phân tích diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn Sở Bắc Ninh

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do/ Thể thơ tự do.

Câu 2. Theo tác giả, niềm vui sau một ngày trở về nhà là được nhìn Má nấu một nồi canh chua cho cả nhà ăn tối, là có Ba ngồi hỏi han với tiếng cười thân quen.

Câu 3.

- Biện pháp điệp cấu trúc: chỉ là …

- Hiệu quả:

+ Nhấn mạnh vào những việc làm bé nhỏ, giản đơn nhưng mang ý nghĩa lớn lao, từ đó thể hiện sự suy ngẫm về lối sống đúng đắn, tích cực.

+ Tạo nhịp điệu, gợi suy tư, trăn trở.

Câu 4. Tác giả cho rằng: Chúng ta hay muộn phiền cho những gì lớn lao tận xa xôi/ rồi muộn phiền luôn những gì thân quen và nhỏ bé bởi vì:

Gợi ý: Cuộc sống thời đại 4.0 luôn đòi hỏi con người không ngừng hoàn thiện, thay đổi bản thân để phù hợp với những hoàn cảnh mới. Không hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, con người sẽ luôn đắm chìm trong những lo âu, muộn phiền không lối thoát.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của những niềm vui bình dị trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

HS có thể vận dụng các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách. Có thể trình bày theo hướng sau:

- Niềm vui bình dị là trạng thái cảm xúc tích cực của con người đến từ những điều giản đơn, nhỏ bé nhất, là cách sống đúng đắn, ý nghĩa mỗi người cần tạo cho mình.

- Niềm sung sướng, hạnh phúc, hân hoan bình dị đã giúp tâm hồn thanh thản, bình yên hơn, nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn, thêm tin yêu, trân trọng sự sống…

- Cần phân biệt giữa niềm vui bình dị với sự hời hợt, dễ dãi. Phê phán lối sống ảo tưởng, bi quan …

Lưu ý: HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của niềm vui bình dị trong cuộc sống; có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt trong đoạn theo Tràng về nhà, nhận xét về cái nhìn mới mẻ của nhà văn Kim Lân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành cách luận điểm

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và đoạn trích

* Giới thiệu về nhân vật người vợ nhặt, nhan đề, tình huống truyện

* Diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt trong đoạn trích

- Sự thay đổi trong tâm lý và hành động của người vợ nhặt khi về đến nhà Tràng:

+ Hành động lẳng lặng theo hắn vào trong nhà của thị trái ngược hoàn toàn với những biểu hiện cong cớn, chao chát, chỏng lỏn lúc gặp nhau trên tỉnh -> Tâm lí ngượng ngùng, e thẹn của cô dâu mới về nhà chồng, cùng nỗi lo lắng, phấp phỏng về tương lai.

+ Hành động đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài khi thấy cái nhà vắng teo, rúm ró của thị vừa gợi ra sự xót xa cho bản thân, thương cảm cho gia cảnh người chồng mới cưới, vừa tràn ngập nỗi lo toan mang thiên chức của một người vợ cho cuộc sống gia đình -> Sự pha trộn của những cảm xúc phức tạp đã thể hiện vẻ đẹp nơi tâm hồn người đàn bà khốn khổ khao khát được sống, được thuộc về một gia đình giữa lúc cái đói, cái chết bủa vây.

+ Chuyện cưới gả được diễn ra quá mức nhanh chóng, liều lĩnh, bất ngờ, nên những đối thoại của Tràng với thị đều vô cùng vụng về, lúng túng. Mặc cho Tràng cười cười, đon đả, chạy ra chạy vào, thị chỉ nhếch mép cười nhạt nhẽo, rồi ngồi mớm xuống mép giường, mặt bần thần. Có lẽ, tới tận bây giờ, thị vẫn chưa hiểu vì sao mình lại thành vợ thành chồng với một người mới chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận gặp nhau.

+ Tư thế ngồi mớm ở mép giường đầy căng thẳng, song cũng lại vô tình thể hiện sự ý tứ, e dè tự ti của một nàng dâu mới.

+ Hành động ôm khư khư cái thúng con đựng một vài thứ lặt vặt được Tràng mua cho trên chợ tỉnh, vừa là biểu hiện của sự lo lắng, sợ hãi, nhưng cũng vừa là niềm tin, là nỗi mong chờ, hi vọng.

-> Những biến chuyển rất nhỏ trong tâm lý và hành động của nhân vật người vợ đã chứng tỏ sự tồn tại bất diệt của những phẩm chất tốt đẹp nơi người lao động nghèo khổ. Bị dồn vào cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có cơ hội sống và xây đắp cuộc sống ấy.

- Nghệ thuật: Nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, sinh động, tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, đời thường, nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo, diễn biến tâm lý nhân vật được miêu tả chân thực, tinh tế ….

* Đánh giá: Tình huống truyện éo le, kì lạ, bi hài nay đã trở thành câu chuyện đầy xúc động về khát vọng sống và mong ước yêu thương. Thông qua những biến chuyển rất nhỏ trong tâm lý và hành động của nhân vật người vợ nhặt, … tạo nên một hình tượng đặc sắc, vừa giàu giá trị hiện thực, vừa đậm tính nhân đạo.

* Nhận xét về tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

- Nhà văn Kim Lân đã viết về người nông dân bằng tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm, lạc quan tin tưởng vào con người, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp của con người ngay cả trong tình cảnh bi đát nhất; trân trọng trước khát vọng sống mãnh liệt và những phẩm chất tốt đẹp nơi người lao động nghèo trước cách mạng tháng Tám.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Bắc Ninh. Mong rằng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12. Mời các bạn cùng theo dõi thêm tại mục Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm