Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Tổ chức lao động khoa học
Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Tổ chức lao động khoa học được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Tổ chức lao động khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Tổ chức lao động khoa học
1. Đối tượng
Muốn xây dựng được mức lao động, cần xác định lượng lao động hao phí để sản xuất ra sản phẩm, có nghĩa là cần nghiên cứu quá trình sử dụng thời gian lao động của người lao động và các phương pháp để nghiên cứu, phân tích quá trình sử dụng thời gian lao động đó. Việc nghiên cứu đó có mục đích tiết kiệm lượng lao động sống hao phí để sản xuất ra sản phẩm, loại bỏ các loại thời gian lãng phí trông thấy và không trông thấy. Do vậy, đối tượng nghiên cứu của tổ chức và định mức lao động là quá trình sử dụng thời gian lao động của người lao động (trong quá trình lao động và tổ chức nơi làm việc), các phương pháp xây dựng các mức lao động (mức thời gian, mức sản lượng, mức phục vụ, mức biên chế) và các biện pháp sử dụng, quản lý lao động có hiệu quả.
2. Nội dung
Nội dung cơ bản của tổ chức và định mức lao động trong các cơ sở, doanh nghiệp bao gồm:
Nghiên cứu phân chia quá trình sản xuất ra các bộ phận hợp thành, xác định kết cấu hợp lý của các bước công việc, trình tự thực hiện bước công việc, nghiên cứu các loại thời gian được định mức và các loại thời gian không được định mức.
Nghiên cứu đầy đủ các khả năng sản xuất, công tác ở nơi làm việc. Trước hết nghiên cứu tình hình tổ chức nơi làm việc: trang bị nơi làm việc phù hợp với khả năng của con người, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn; bố trí hợp lý nơi làm việc, tạo điều kiện cho người lao động hoạt động nhịp nhàng, liên tục, rút ngắn độ dài của động tác, thao tác, giảm bớt sự đi lại trong quá trình lao động. Nghiên cứu phục vụ nơi làm việc để xác định những nhân tố ảnh hưởng đến lượng hao phí thời gian; nghiên cứu tình hình sử dụng máy móc, thiết bị, trình độ và tình hình sử dụng thời gian làm việc của người lao động.
Tiến hành khảo sát, xác định các loại hao phí thời gian làm việc, không làm việc, tìm nguyên nhân lãng phí thời gian để đề ra biện pháp khắc phục. Phân tích kết quả khảo sát, sử dụng mức và tiêu chuẩn định mức lao động.
Đề xuất các biện pháp tổ chức kỹ thuật nhằm cải tiến tổ chức nơi làm việc, hợp lý hoá các phương pháp và thao tác lao động, áp dụng vào sản xuất những thành tựu khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và kinh nghiệm sản xuất, công tác tiên tiến, cải thiện điều kiện lao động cho người lao động, tăng năng suất lao động.
Doanh nghiệp áp dụng mức lao động trung bình tiên tiến vào sản xuất và thường xuyên quản lý, theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện mức để có biện pháp điều chỉnh, sửa đổi kịp thời những mức sai, mức đã lạc hậu.
Năm nội dung trên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nội dung sau là kế tục và phát huy tác dụng của nội dung trước nhằm xây dựng mức trung bình tiên tiến, tạo mọi điều kiện cho người lao động đạt và vượt mức lao động.
3. Phương pháp nghiên cứu
Tổ chức và định mức lao động sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, bao gồm:
- Phương pháp tiêu chuẩn
- Phương pháp khảo sát
- Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp điều tra xã hội học
- Phương pháp toán học và thống kê.
Các phương pháp này được sử dụng độc lập, cũng có thể sử dụng kết hợp trong điều kiện nhất định nhằm đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất trên cơ sở các tiềm lực tài chính và nhân lực mà tổ chức có được.
4. Mối liên hệ của mô đun với các mô đun khoa học khác
Tổ chức và định mức lao động liên quan đến nhiều môn học thuộc về khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật, xã hội. Do vậy, khi nghiên cứu định mức lao động phải xem xét mối quan hệ, sử dụng những kết luận, những nguyên tắc, phương pháp của các môn học có liên quan để đưa ra kết quả nghiên cứu được toàn diện, chính xác và mang hiệu quả thiết thực. Các môn học khác có mối quan hệ nhiều hơn với tổ chức và định mức lao động là:
- Toán học
- Quản lý nguồn nhân lực
- Luật lao động; Bảo hộ lao động
- Xã hội học
- Tâm lý lao động; Sinh lý lao động
Khoa học về công nghệ sản xuất – kinh doanh thuộc các quy trình công nghệ quản lý, chế độ công nghệ và phương pháp quản lý tối ưu.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Tổ chức lao động khoa học về quá trình sử dụng thời gian lao động của người lao động (trong quá trình lao động và tổ chức nơi làm việc), các phương pháp xây dựng các mức lao động (mức thời gian, mức sản lượng, mức phục vụ, mức biên chế) và các biện pháp sử dụng, quản lý lao động có hiệu quả...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu môn Tổ chức lao động khoa học. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.