Giải bài tập SGK GDCD 7 bài 5: Yêu thương con người
Bài tập môn GDCD lớp 7
Giải bài tập SGK GDCD 7 bài 5: Yêu thương con người được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 7. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.
Câu 1: Gợi ý câu hỏi tình huống
a) Những chi tiết nào trong truyện thể hiện sự quan tâm, thông cảm và giúp đỡ của Bác Hồ đối với gia đình chị Chín?
Trả lời
- Bác đến bên các cháu, âu yếm xoa đầu, trao quà Tết
- Bác hỏi thăm việc làm ăn, học hành, cuộc sống của mẹ con chị
- Bác ân cần dặn dò chị
- Bác chỉ thị cho uỷ ban thành phố có trách nhiệm tạo công ăn việc làm cho những người lao động gặp khó khăn như gia đình chị Chín
b) Những chi tiết ấy biểu hiện đức tính gì của Bác Hồ?
Trả lời
Những chi tiết ấy biểu hiện lòng yêu thương mọi người của Bác Hồ.
c) Em hiểu thế nào là yêu thương con người?
Trả lời
- Yêu thương con người là quan tâm, giúp đỡ, làm những điều tốt đẹp cho người khác, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn hoạn nạn.
- Yêu thương con người là chia sẻ, thông cảm với niềm vui, nỗi buồn và sự khổ đau của người khác.
Câu 2:
a) Em hãy nhận xét hành vi của những nhân vật nêu trong các tình huống sau đây:
- Mẹ bạn Hải không may bị ốm, Nam biết tin đã rủ một số bạn cùng lớp đến thăm hỏi, chăm sóc mẹ bạn Hải.
- Bé Thuý ở nhà một mình, chẳng may bị ngã. Long đi học về qua, thấy vậy đã vào băng bó vết thương ở tay cho Thuý và mời thầy thuốc đến khám cho em.
- Vân bị ốm phải xin phép nghỉ học ở nhà một tuần. Chi đội lớp 7A cử Toàn chép và giảng bài cho Vân sau mỗi buổi học, nhưng bạn Toàn không đồng ý, với lí do Vân không phải là bạn thân của Toàn.
- Trung hỏi vay tiền của Hổng để mua thuốc lá hút, Hồng không cho Trung vay mà còn khuyên Trung không nên hút thuốc lá.
Trả lời
Hành vi của Nam, Long, Hồng, tập thể lớp 7A thể hiện lòng yêu thương con người.
Hành vi của Toàn là không có lòng yêu thương con người. Lòng yêu thương con người là phải có sự chia sẻ, cảm thông, không phân biệt đối xử.
b) Tìm những câu ca dao, tục ngữ, danh ngôn nói về tình thương yêu của con người đối với con người.
Trả lời
Tục ngữ:
- Thương người như thể thương thân
- Lá lành đùm lá rách
- Chia ngọt sẻ bùi
- Yêu nhau chín bỏ làm mười
- Chị ngã em nâng
- Máu chảy ruột mềm
Ca dao:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Danh ngôn:
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muôn tột bậc làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. (Hồ Chí Minh)
c) Hãy kể về một việc làm cụ thể của em thể hiện tình thương yêu giúp đỡ mọi người (đối với cha mẹ, anh chị em, bạn bè hoặc hàng xóm láng giềng, người trên đường phố...).
Trả lời
Bố mẹ em đều là công nhân của nhà máy dệt. Hàng ngày khi em và em của em còn yên giấc ngủ ngon, bố mẹ đã phải dậy sửa soạn ra ngã tư để chờ xe ô tô của nhà máy chở đi làm.
Thương bố mẹ vất vả có lúc về đến nhà đã 7 giờ tối, ngoài việc chăm chỉ học hành, em thay bố mẹ chăm sóc em bé, dỗ dành em ăn sáng, đưa em đi nhà trẻ, chiều đón em về tắm rửa cho em, nấu cơm, quét dọn nhà cửa...
d) Em hãy kể về những tấm gương (trong lớp, trong trường hoặc nơi em ở) đã giúp người khác trong đời sống, trong học tập thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Trả lời
Đó là câu chuyện về anh Nguyễn Giang Nam - Học sinh lớp 8 trường THCS Nguyễn Tri Phương - Huế đã dũng cảm hi sinh thân mình cứu ba người bạn khỏi chết đuối.
Vào một chiều chủ nhật, tháng 10 năm 1998, Nguyễn Giang Nam cùng các bạn đi đá bóng, sau khi đá bóng xong các bạn rủ nhau xuống tắm ở dòng sông Như Ý, vì bị cảm nên Giang Nam không xuống tắm, Nam ngồi trên bờ nhìn các bạn vừa tắm vừa vui đùa với quả bóng. Bỗng quả bóng trôi ra xa các bạn mải đuổi theo quả bóng nên hụt chân bị nước cuốn trôi. Ngồi trên bờ nghe tiếng kêu cứu, Giang Nam vội lao ra cứu các bạn, vừa lúc đó có anh sinh viên đi qua thấy vậy đã giúp Nam kéo lần lượt ba bạn lên bờ, nhưng khi anh sinh viên quay lại, vì quá đuối sức Nam đã bị nước cuốn trôi. Nguyễn Giang Nam đã anh dũng hy sinh.
Tấm gương hi sinh thân mình cứu bạn của Nguyễn Giang Nam được Thủ tướng truy tặng Bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng “Huy chương tuổi trẻ dũng cảm” và phát động thanh thiếu niên toàn quốc học tập noi gương Nguyễn Giang Nam. Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận liệt sĩ và trao tặng “Bằng Tổ quốc ghi công”.