Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải thích và chứng minh câu nói Người không học như ngọc không mài

Văn mẫu lớp 8: Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài” bao gồm dàn ý và 9 bài văn mẫu hay cho các em tham khảo, có thêm nhiều ý tưởng cho bài kiểm tra Ngữ văn 8 sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài”

Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”.

2. Thân bài

a. Giải thích

“ngọc không mài”: viên ngọc sần sùi, thô ráp của tự nhiên, không có tác động của con người, chưa được chế tác hay mài giũa để trở nên tỏa sáng, làm đẹp cho đời, cho người.

Ý cả câu: con người không được học hành sẽ không trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội, tỏa sáng, không giúp cho xã hội phát triển. Đề cao vai trò của việc học tập trong cuộc sống mỗi người và trong sự phát triển chung của xã hội.

b. Phân tích

  • Để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, con người cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình.
  • Không có học hành, con người sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
  • Nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn.

c. Chứng minh

Học sinh tự lựa chọn dẫn chứng minh họa cho bài làm văn của mình.

(Lưu ý: dẫn chứng phải gần gũi, xác thực và tiêu biểu được nhiều người biết đến).

d. Phản biện

Trong xã hội có những người tuy có điều kiện tốt để học tập và phát triển bản thân nhưng lại không biết trân trọng và cố gắng mà chỉ biết lao theo những thú vui của bản thân mình. Những người này đáng bị chỉ trích và phê phán thẳng thắn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận (Câu nói: “Người không học như ngọc không mài”) và rút ra bài học và bản thân.

Văn mẫu Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài”

Giải thích và chứng minh Người không học như ngọc không mài mẫu 1

Xưa nay, việc học hành luôn được các thế hệ coi trọng và tôn vinh. Trong văn học dân gian, cụ thể là thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều câu nói hay về giáo dục. Trong số đó, có không ít những lời khẳng định về vai trò quan trọng của việc học, ví như: “Người không học như ngọc không mài”.

Mượn lối nói so sánh gần gũi, người xưa ví “người không học” hành giống như những viên ngọc “không mài”. “Ngọc” là một loại đá quý thường được dùng làm trang sức hay vật trang trí. Tuy nhiên, trước khi trở thành món đồ quý giá, những viên ngọc thô phải trải qua việc được chọn lọc, mài giũa. Quá trình này cũng chính là quá trình con người học tập, rèn luyện.

Như vậy, “Người không học như ngọc không mài” có nghĩa là người không chịu học hành thì đầu óc tăm tối, chậm chạp, thiếu hiểu biết, thiếu sự linh hoạt. Giống như “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài/Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”.

Ngược lại, người chịu khó học hành, rèn luyện, tu dưỡng, như ngọc đã qua mài giũa thì mới có thể thành tài.

Quan niệm này đã tồn tại từ bao đời: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Trong Bàn luận về phép học, tác giả Nguyễn Thiếp cũng khẳng định: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”.

Cho nên, thông qua câu nói “Người không học như ngọc không mài”, ông cha ta đã bàn về tầm quan trọng của việc học đồng thời khuyên răn con người tu chí học tập, rèn luyện để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giải thích và chứng minh Người không học như ngọc không mài mẫu 2

Trong cuộc sống, luôn xuất hiện những biến cố mà chúng ta không thể dự đoán trước. Để đối mặt và vượt qua những khó khăn và biến cố đó, chúng ta cần phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc. Cái quan trọng là tự tin trong bước tiến vào cuộc sống với niềm tin: "Người không học như ngọc không mài." Người không chịu học hỏi, không cố gắng để nâng cao tri thức cho bản thân sẽ dẫn đến hiểu biết hạn hẹp, khó có thể đối mặt với những thách thức lớn, tỏa sáng, và góp phần vào xã hội.

Hình ảnh "Ngọc không mài" mô tả viên ngọc tự nhiên, chưa qua sự can thiệp của con người, thô sơ và sần sùi. Nó cần được chế tác và mài giũa để bắt đầu tỏa sáng, làm đẹp thêm cho cuộc sống và cho con người. "Người không học" được so sánh với "Ngọc không mài" để làm nổi bật ý nghĩa và vai trò của việc học, tự rèn luyện và mở rộng kiến thức. Người không chấp nhận học hỏi và tự phát triển sẽ không thể trở thành người tài năng, không thể đóng góp cho xã hội và không thể tỏa sáng. Học hành có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của mỗi con người.

Quá trình học tập, đặc biệt là học tại trường, giúp chúng ta xây dựng kiến thức cơ bản về cuộc sống, bao gồm cả các lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Đây là nền tảng cho việc nghiên cứu sâu hơn trong tương lai. Học hỏi giúp chúng ta nâng cao trình độ và hiểu biết, nhận biết được những điều quan trọng, điều chỉnh cách tư duy và ứng xử của bản thân, cùng với cái nhìn sáng suốt về cuộc sống. Nếu không chấp nhận học hỏi, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng thiếu kiến thức, đưa ra quyết định sai lầm và khó khăn trong việc đạt được thành công.

Với vai trò là học sinh, chúng ta cần đặt ra mục tiêu cho bản thân, nuôi mơ ước và khao khát, và nỗ lực học hỏi, tự phát triển, và tự rèn luyện. Cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí thời gian. Hãy đầu tư vào bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và đóng góp những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời.

Giải thích và chứng minh Người không học như ngọc không mài mẫu 3

Sống trong một xã hội đang ngày một phát triển thì vấn đề học tập, tiếp thu tri thức để hoàn thiện bản thân, để phục vụ cho công việc. Không một ai ngay từ khi sinh ra đã mang tri thức trong đầu, đã giỏi ngày được mà còn cần phải trải qua thời gian học tập, rèn luyện. Điều đó đã được ông cha ta thể hiện trong câu tục ngữ: “Người không học như ngọc không mài”.

Câu tục ngữ hình thành dựa trên sự ví von, so sánh giữa “Người không học” với hình ảnh “Ngọc không mài”. “Không học” tức là bỏ qua quá trình tiếp thu tri thức ở cả trường học và xã hội. Khi ấy trong đầu ta sẽ có những gì? Họa chăng là những kí tự hỗn độn giống như một loại mật mã nào đó. Tại sao ta nói vậy? Bởi, không học chúng ta sẽ không biết đến ý nghĩa của ngôn ngữ, biết những lý lẽ, lí luận không những của khoa học mà còn ngay ở đời sống thực tiễn. Việc ấy giống như một viên ngọc thô không được mài giũa, đẽo gọt thì chúng cũng chỉ là một viên đá bình thường, không thể hiện được vẻ đẹp cũng như giá trị của nó. Muốn thấy được giá trị đó thì mỗi viên ngọc khi lấy từ tự nhiên cần trải qua bàn tay mài giũa, gọt đẽo tạo thành hình khối. Giống như vậy, mỗi chúng ta khi sinh ra giống như một trang giấy trắng tinh và trang giấy sẽ mang những nét vẽ nghệch ngoạc hay những bức tranh đầy màu sắc về cuộc sống thì còn tùy thuộc vào quá trình học tập, rèn luyện mở mang kiến thức của mỗi người.

Với con người, ngay từ nhỏ chúng ta đã nhận được sự giáo dục của gia đình, rồi ở trường lớp và cả trong xã hội. Hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp còn do sự cố gắng rèn luyện của bản thân. Quá trình này cần diễn ra liên tục bởi nếu chúng ta dừng lại, đứt quãng một thời gian thì rất dễ bị những cái xấu ảnh hưởng. Điều đó giống như viên ngọc khi đã mài giũa toát lên vẻ đẹp nhưng sau đó lại không được bảo quản tốt, vứt xó vạ vập đâu đó thì chúng sẽ bị hư hỏng, bị bao phủ bởi lớp bụi của thời gian. Con người cũng như vậy, không một ai có thể khẳng định khi nhỏ chúng ta chăm ngoan, học giỏi thì lớn lên cũng vậy, hay nắm chắc về những người từ bé lười biếng, tiếp thu chậm thì lớn lên họ không thành công, thành tài được cả.

Có câu nói: “Thiên tài chỉ có một phần trăm là trời phú còn chín mươi chín phần trăm còn lại là mồ hôi nước măt”. Nhưng tài năng trời phú đấy cũng còn phải có điều kiện, có sự tu dưỡng rèn luyện, tài năng đi đôi với phẩm chất đạo đức tốt thì mới có ích cho xã hội, trở thành thiên tài được mọi người thừa nhận, tung hô. Ngược lại khi dựa vào tài năng của mình để ỷ lại, coi thường những người xung quanh, cho rằng như thế là quá đủ mà không cần rèn luyện thêm khi ấy chắc chắn một ngày nào đó thì cái thiên phú ấy cũng sẽ bị quên lãng, lụi tàn. Ngoài một phần trăm bẩm sinh thì những thiên tài còn lại họ đạt được danh xưng này nhờ điều gì? Đó chính là nhờ mồ hôi nước mắt, nhờ siêng năng học hỏi, nghiên cứu, là sự tư duy, sáng tạo. Nhờ những vấp ngã, thất bại để đúc rút kinh nghiệm để thành công. Tài phải đi liền với đức có như vậy mới bền lâu và có vị thế trong xã hội, được mọi người tin yêu.

Đứng ở vai trò của một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần tích cực, ham học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt. Nếu ta có đủ sự kiên trì cần mẫn, có đủ lòng quyết tâm thì ắt hẳn có một ngày chúng ta sẽ trở thành viên ngọc sáng của gia đình, trường lớp và cả xã hội. Nếu muốn thành công, muốn tương lai trên đường đời đỡ vất vả thì học tập, mài giũa bản thân là điều vô cùng cần thiết.

“Người không học như ngọc không mài” là bài học rất đúng đắn và sâu sắc cho thế hệ ngày nay và mai sau. Mỗi chúng ta nguyên bản đều là viên ngọc quý nếu muốn phát huy được giá trị, vẻ đẹp cần phải có ý thức rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức, có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi để phát huy những cái tốt sẵn có, bổ sung cho những khiếm khuyết. Từ đó trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Giải thích và chứng minh Người không học như ngọc không mài mẫu 4

Cuộc sống luôn có những biến cố xảy ra mà chúng ta không thể biết trước được. Để đối diện và vượt qua những khó khăn, biến cố đó, chúng ta phải trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc để tự tin vào đời, bởi lẽ: “Người không học như ngọc không mài”. Người không học là những người không chịu khó tiếp thu, trau dồi kiến thức cho bản thân dẫn đến việc thiếu hiểu biết, khó mà làm được việc lớn, tỏa sáng, có vị trí trong xã hội. Ngọc không mài là viên ngọc sần sùi, thô ráp của tự nhiên, không có tác động của con người, chưa được chế tác hay mài giũa để trở nên tỏa sáng, làm đẹp cho đời, cho người. Người không học được so sánh với ngọc, quá trình học tập được so sánh với quá trình chế tác những viên ngọc giá trị để từ đó khẳng định ý nghĩa, vai trò của việc học, việc trau dồi, nâng cao kiến thức, trình độ. Con người không được học hành sẽ không trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội, tỏa sáng, không giúp cho xã hội phát triển. Sự học có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Quá trình học tập, trước hết học tập ở nhà trường giúp con người có kiến thức cơ bản của cuộc sống trên các lĩnh vực: tự nhiên, xã hội… sẽ làm cơ sở cho việc tiếp thu các lĩnh vực khác chuyên sâu ở những giai đoạn sau này. Học tập giúp nâng cao trình độ, hiểu biết, hiểu được những điều hay, lẽ phải để điều chỉnh cách tư duy, ứng xử của bản thân và có cách nhìn nhận đúng đắn, sáng suốt về cuộc đời. Nếu không chịu học sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hiểu biết, dễ có suy nghĩ, hành động sai lầm, lạc lối và khó đạt được thành công trong sự nghiệp cuộc sống. Là một người học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác định cho mình được mục tiêu, được ước mơ, khát vọng và cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân thật tốt để có những bước hành trang chắc chắn xây dựng ước mơ, khát vọng đó. Cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí thời gian. Hãy trau dồi bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời.

Giải thích và chứng minh câu nói Người không học như ngọc không mài mẫu 5

Lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay! Với thế hệ trẻ, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình. Cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học, đó là yêu nước và cũng là để phát triển tốt đa bản thân mình, bởi lẽ: “Người không học như ngọc không mài”. Ngọc không mài không sáng, người không học không thành tài. Học tập là quá trình tiếp thu kiến thức, đồng nghĩa với sự khám phá học hỏi, lĩnh hội những gì mới mẻ, và thực hành, tập duyệt những gì đã học được, rèn luyện những kỹ năng người khác trao truyền lại. Đối với con người nói chung, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, chúng ta cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình. Nếu không có học hành, con người chúng sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ, một trình độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ngược lại, nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn. Chúng ta yêu nước khi học sinh thuộc sử Việt Nam: “Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.” Chúng ta tiếp thu văn minh hiện đại của nước bạn trên thế giới trên phương châm “hòa nhập chứ không hòa tan.” Bên cạnh đó là những thanh niên có nhận thức hết sức lệch lạc. Một số thanh niên đang chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức mà không cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để trở thành người công dân tốt. Những trường hợp này cần bị phê phán và chỉ trích. Việc học của học sinh thời nay là vô cùng cần thiết. Với xu thế hội nhập, học sinh ngày càng phải trau dồi vốn kiến thức hiểu biết của mình. Hành trang để vào đời chính là những kiến thức mà chúng ta tích lũy được từ thuở ấu thơ, nó sẽ là vô giá nếu chúng ta tranh thủ học nhưng cũng sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta mải chơi, lười học.

Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài” mẫu 6

Mỗi người trẻ chúng ta được sống trong nền hòa bình và tự do như hiện nay là một điều vô cùng may mắn. Chính vì thế, chúng ta cần có khát vọng, sống biết vươn lên phía trước, cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, bởi lẽ: “Người không học như ngọc không mài”. Khi chúng ta sống có khát vọng, ta mới có động lực làm việc, học tập và cống hiến cho xã hội. Mỗi con người trên con đường thực hiện ước mơ của mình cũng chính là đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển. Trên con đường thực hiện khát vọng của mình, ta có thể gặp những khó khăn thử thách, khi vượt qua được thử thách đó, ta sẽ có thêm những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình. Bên cạnh đó, người sống có khát vọng sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn, lan tỏa được những năng lượng tích cực và thông điệp tốt đẹp ra xã hội để người khác học tập theo. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm, thờ ơ, mặc kệ, phó mặc cho số phận mà không giác ngộ ra con đường cho bản thân mình. Lại có những người tuy có ước mơ, khát vọng nhưng không cố gắng thực hiện nó mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn,… những người này sẽ khó có được thành công và sớm bị xã hội đào thải. Là một người học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần xác định cho mình được mục tiêu, được ước mơ, khát vọng và cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân thật tốt để có những bước hành trang chắc chắn xây dựng ước mơ, khát vọng đó. Mỗi người có một khát vọng, hoài bão khác nhau, chúng ta cần xác định được cho bản thân mình một mục tiêu cụ thể. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài” mẫu 7

Chúng ta từ khi sinh ra và lớn lên trải qua nhiều giai đoạn, quá trình khác nhau để hoàn thiện và trưởng thành. Để có được thành công trong cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải vươn lên, cố gắng học tập, bởi lẽ: “Người không học như ngọc không mài”. Học tập là quá trình tiếp thu kiến thức, đồng nghĩa với sự khám phá học hỏi, lĩnh hội những gì mới mẻ, và thực hành, tập duyệt những gì đã học được, rèn luyện những kỹ năng người khác trao truyền lại. Để có được kiến thức, con người phải học tập, học tập để thu nhận kiến thức làm nền tảng cơ bản đưa đến mọi sự thành công. Muốn có hạnh phúc, không còn cách nào khác hơn phải học tập. Học là một quá trình bền bỉ đòi hỏi sự cần mẫn của con người, nhưng vốn kiến thức nó mang lại cho con người để chúng ta thành công là một thành quả quý báu, ngọt ngào nhất. Học tập phải chọn lọc, tiếp nhận những điều hay lẽ phải, và phải có phương pháp học tập phù hợp với điều kiện xã hội, cũng như bản thân, nhằm tích lũy kiến thức, và phải biết vận dụng kiến thức đó tạo nên cuộc sống tốt đẹp, thỏa mãn nhu cầu của bản thân và xã hội. Sự học có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời của mỗi con người. Quá trình học tập, trước hết học tập ở nhà trường giúp con người có kiến thức cơ bản của cuộc sống trên các lĩnh vực: tự nhiên, xã hội… sẽ làm cơ sở cho việc tiếp thu các lĩnh vực khác chuyên sâu ở những giai đoạn sau này. Con đường dẫn đến thành công là con đường đầy khó khăn, chông gai, thử thách. Để đạt đến kết quả đòi hỏi con người phải cần cù, miệt mài, chịu khó, có ý chí quyết tâm cao. Không có thành công, thành quả nào mà không phải đổ bằng mồ hôi và nước mắt. Mỗi chúng ta phải xác định động cơ học tập đúng đắn, thu lượm kiến thức bổ ích, hướng tới hạnh phúc của cộng đồng hài hòa với hạnh phúc cá nhân. Có như vậy mới thật sự trở thành con người có ích cho xã hội. Hãy sống thật ý nghĩa, sống và cống hiến, tận hưởng hết mình. Không một ai sinh ra đã ở vạch đích hay hoàn hảo, chỉ cần ta biết sống và biết yêu, ta sẽ cảm thấy cuộc đời này ý nghĩa và tươi đẹp hơn.

Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài” mẫu 8

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về trí tuệ của con người cũng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, mỗi con người cần chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức thật vững chắc để bước vào đời, chính vì thế, câu nói “Người không học như ngọc không mài” đã cổ vũ và khích lệ tinh thần học tập của con người vô cùng đúng đắn.

Để hiểu hết nội dung, ý nghĩa của nhận định này, chúng ta cần cắt nghĩa, lí giả từng phần của câu nói. Ngọc không mài là một viên ngọc sần sùi, thô ráp của tự nhiên, không có tác động của con người, chưa được chế tác hay mài giũa để trở nên tỏa sáng, làm đẹp cho đời, cho người. Ngọc không mài là ẩn dụ cho hình ảnh con người: con người không được học hành sẽ không trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội, tỏa sáng, không giúp cho xã hội phát triển; đề cao vai trò của việc học tập trong cuộc sống mỗi người và trong sự phát triển chung của xã hội.

Đối với con người nói chung, để có được cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn, chúng ta cần phải học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân mình. Nếu không có học hành, con người chúng sẽ chỉ dừng lại ở một mức độ, một trình độ nhất định và xã hội không thể phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ngược lại, nếu tất cả con người đều cố gắng mài giũa bản thân, trau dồi kiến thức, vươn lên, hướng về phía trước thì xã hội sẽ phát triển và tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có những người tuy có điều kiện tốt để học tập và phát triển bản thân nhưng lại không biết trân trọng và cố gắng mà chỉ biết lao theo những thú vui những ích kỉ nhỏ nhen của bản thân mình,… những người này đáng bị chỉ trích và phê phán thẳng thắn.

Mỗi con người có một thời gian, giai đoạn nhất định để học tập và phát triển bản thân, chính vì thế, chúng ta hãy biết trân trọng khoảnh thời gian đó, cố gắng học tập và phát triển bản thân để trở thành một công dân có ích cho xã hội.

Giải thích và chứng minh câu nói: “Người không học như ngọc không mài” mẫu 9

Ngày nay xã hội phát triển, nhu cầu công nghệ ngày càng tăng, việc học hỏi ngày càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy mà nhân dân ta có câu nói: “Người không học như ngọc không mài”.

Học tập là nhiệm vụ suốt đời của con người “người không học như ngọc không mài”. Đúng vậy nếu không học tập con người sẽ không có tri thức, không tiếp thu, theo kịp được những tiến bộ của thế giới.

Viên ngọc càng được va chạm và mài thì càng sáng và đẹp. Việc học được sánh với viên ngọc sáng.

Tuy nhiên để học tập một cách khoa học và hiệu quả cần phải xác định được mục đích đúng đắn của việc học. Hiểu được điều đó UNESCO đã từng đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống “trường đời”. Nếu không học thì sẽ mãi mãi không biết, chúng ta phải học mọi nơi, mọi lúc, trong nhà trường và ngoài xã hội để nâng cao hiểu biết của bản thân.

Học để biết: “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống. Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc… Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”, biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho hay và thu hút. Học để làm: “Học để làm” là mục đích tiếp theo của việc học. “Làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – “Học đi đôi với hành”.

Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội. Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ… đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

Học để chung sống: Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. “Chung sống” là khả năng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc “biết”, “làm”.

Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

Học để tự khẳng định mình: Là mục đích sau cùng của việc học. “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống. Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…

Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện. Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học.

Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu. Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp; học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình.

Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội; người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy “làm người”…

Học không bao giờ là lãng phí, luôn học hỏi xây dựng bản thân, học bất cứ đâu để bản thân được hoàn thiện.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
44
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm