Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 8: Tập đọc - Kì diệu rừng xanh
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 8: Tập đọc - Kì diệu rừng xanh được biên soạn đầy đủ, chi tiết giúp các em học sinh nắm được nội dung bài văn với giọng tả nhẹ nhàng, cảm xúc ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của rừng. Qua đó, cảm nhận vẻ đẹp kì thú của rừng; tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của tác giả đối với vẻ đẹp của rừng. Mời các thầy cô cùng tham khảo.
Tập đọc
Kì diệu rừng xanh
I. Mục tiêu
1. Đọc thành tiếng
- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc trôi chảy toàn bài, đọc ngắt nghỉ hơi đúng theo các dấu câu và giữa các cụm từ.
- Biết đọc diễn cảm bài với giọng tả nhẹ nhàng, biết nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp rất lạ, những tình tiết bất ngờ, thú vị của cảnh vật trong rừng, sự ngưỡng mộ của tác giả với vẻ đẹp của rừng.
2. Đọc hiểu
- Hiểu các từ ngữ trong bài.
- Hiểu được nội dung bài văn: Cảm nhận được vẻ đẹp kì diệu của rừng; tình cảm yêu mến và sự ngưỡng mộ của tác giả đối trước vẻ đẹp của rừng.
II. Đồ dùng dạy - học
- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to). Sưu tầm thêm những tranh ảnh nói về cảnh đẹp của rừng, những động thực vật có nói đến trong bài (nếu có).
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- Gọi hai HS lên bảng đọc thuộc lòng bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà sau đó trả lời câu hỏi về nội dung. - Nhận xét và cho điểm HS. | - HS thực hiện theo yêu cầu của GV. |
B. Dạy bài mới | |
1. Giới thiệu bài | |
- GV đưa ra các tranh ảnh giới thiệu về rừng và nói: Vẻ đẹp của rừng xanh từ bao đời nay luôn luôn hấp dẫn con người. Để xem rừng đẹp và hấp dẫn như thế nào chúng ta cùng học bài tập đọc Kì diệu rừng xanh của nhà văn Nguyễn Phan Hách. | - HS quan sát và lắng nghe. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở |
2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài | |
a) Luyện đọc đúng | |
- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài. | - Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK. |
- GV hướng dẫn HS nhận biết các đoạn của bài. | - HS nhận biết các đoạn của bài: * Đoạn 1: Từ đầu đến…lúp xúp dưới chân. * Đoạn 2: Tiếp đến …đưa mắt nhìn theo. * Đoạn 3: Còn lại. |
- GV gọi ba HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn của bài, GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). | - Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài. |
- GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS. | - HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp . |
- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2. | - Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc. |
- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK. - GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết. | - Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK. - HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa. |
- Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp. | - Hai HS ngồi cùng bàn nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài. |
- Gọi HS đọc toàn bài. | - Ba HS nối tiếp nhau đọc từng đoạn của bài trước lớp. |
- GV đọc diễn cảm toàn bài: đọc bài với giọng tả, nhẹ nhàng, cảm hứng ngợi ca ngưỡng mộ vẻ đẹp của rừng; nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp rất lạ, những tình tiết bất ngờ thú vị của cảnh vật trong rừng. | - HS theo dõi giọng đọc của GV. |
b) Tìm hiểu bài | |
- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1 và suy nghĩ trả lời câu hỏi: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì? | - HS đọc thầm và trả lời: Nấm nhiều như một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa. Nấm như một tòa lâu đài kiến trúc tân kì. Tác giả như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của một vương quốc tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân. |
- Những liên tưởng ấy làm cảnh vật trong khu rừng trở nên đẹp như thế nào? | - Sự liên tưởng ấy đã làm cho cảnh vật trong khu rừng trở nên đẹp một vẻ đẹp huyền bí, lãng mạn. Cảnh vật khu rừng thật là hấp dẫn, nó như một thế giới xa xưa của những câu chuyện cổ tích và thần thoại với những ông vua, hoàng tử, công chúa …và những phép thần thông biến hóa. |
- Tìm những chi tiết mà tác giả miêu tả muông thú trong bài? | - HS trả lời: Những muông thú trong rừng dưới nắng trưa được miêu tả bằng màu sắc, dáng vẻ, hoạt động của chúng; mỗi con vật có một nét riêng: + Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp. + Những con chồn sóc với chùm lông đuôi ta đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo. + Những con mang vàng đang ăn cỏ non, những chiếc chân vàng giấm trên thảm lá vàng… |
- Qua các chi tiết miêu tả về muông thú giúp em cảm nhận được điều gì? | - Muông thú trong rừng thật nhanh nhẹn, dễ thương, đáng yêu. Sự thoắt ẩn, thoắt hiện của chúng làm nổi bật sức sống, vẻ đẹp hoang dã, sống động, đầy hấp dẫn kì thú của rừng xanh. |
- Rừng khộp hiện lên với màu sắc đẹp và hấp dẫn như thế nào? | - Rừng khộp hiện lên với màu sắc vàng hòa quyện vào nhau rất đẹp: lá khộp úa vàng, những con mang vàng như màu lá khộp, thảm lá rụng màu vàng, sắc nắng vàng. Toàn khu rừng là một giang sơn vàng rợi. Chỉ có mấy vạt cỏ xanh biếc càng tôn thêm màu vàng của rừng khộp. |
- Em hiểu "giang sơn vàng rợi" nghĩa là như thế nào? | - Nghĩa là một không gian bao la rộng lớn toàn là màu vàng ngời sáng, rực rỡ, đều khắp và rất đẹp mắt. |
- Hãy nói cảm nghĩ của em khi đọc đoạn văn trên. | - HS phát biểu tự do: + Vẻ đẹp khu rừng thật hấp dẫn. + Khu rừng đẹp diệu kì. + Em rất thích cảnh đẹp của khu rừng. + Em muốn được vào rừng ngắm cảnh đẹp thiên nhiên. |
c) Luyện đọc diễn cảm | |
- Gọi ba HS đọc nối tiếp từng đoạn của bài. Yêu cầu cả lớp theo dõi, bạn đọc. | - Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi bạn đọc. |
- GV hướng dẫn HS nhận xét để xác lập kĩ thuật giọng đọc diễn cảm của bài. | - HS nhận xét, tìm ra giọng đọc của bài. Cụ thể: *Đoạn1: đọc giọng tả thể hiện sự ngỡ ngàng, háo hức; nhấn giọng vào những từ ngữ miêu tả, liên tưởng vẻ đẹp của nấm. * Đoạn 2: đọc nhanh hơn; nhấn giọng vào những từ ngữ gợi tả sự thoắt hiện, thoắt biến của mông thú. * Đoạn 3: đọc với giọng ngỡ ngàng, ngạc nhiên, ngưỡng mộ nhấn giọng vào những từ ngữ gợi tả màu sắc và tâm trạng của tác giả. |
- GV hướng dẫn HS luyện đọc diễn cảm đoạn văn (GV có thể chọn đoạn khác): | - HS luyện đọc theo yêu cầu của GV. |
Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp /dưới bóng cây thưa. Những chiếc nấm to bằng cái ấm tích / màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm / là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác / mình là một người khổng lồ / đi lạc vào kinh đô của một vương quốc tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ / lúp xúp dưới chân. | |
- Yêu cầu HS luyện đọc diễn cảm toàn bài theo nhóm. | - HS luyện đọc diễn cảm theo nhóm đôi. |
- Gọi đại diện một số nhóm thi đọc diễn cảm, từng đoạn, toàn bài. | - Bốn đến năm HS thi đọc diễn cảm từng đoạn, toàn bài. |
- GV nhận xét cho điểm từng HS. | |
3. Củng cố, dặn dò | |
- Nội dung bài tập đọc Kì diệu rừng xanh nói lên điều gì? | - Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của rừng xanh với một tình cảm yêu mến và đầy ngưỡng mộ. |
- GV nhận xét giờ học, dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tiếp theo. | - HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV. |