Giáo án Tiếng việt 5 tuần 7: Tập đọc - Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt lớp 5: Tập đọc - Tiếng đàn ba-lai-lai-ca trên sông Đà được biên soạn chi tiết, rõ ràng giúp các em học sinh đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn, đọc trôi chảy toàn bài, đọc ngắt nghỉ hơi đúng theo nhịp của thể thơ. Đồng thời hiểu được nội dung bài thơ: Ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ của công trường, sức mạnh của con người đang chế ngự, chinh phục dòng sông và sự gắn bó, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Mời các thầy cô tham khảo chi tiết.
Tập đọc
Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà
I. Mục tiêu
1. Đọc thành tiếng
- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Đọc trôi chảy toàn bài, đọc đúng các tiếng phiên âm nước ngoài, đọc ngắt nghỉ hơi đúng theo nhịp của thể thơ tự do.
- Biết đọc diễn cảm bài thơ thể hiện niềm xúc động của tác giả khi lắng nghe tiếng đàn trong đêm trăng, ngắm sự kì vĩ của công trình thủy điện sông Đà, mơ tưởng lãng mạn về một tương lai tốt đẹp khi công trình hoàn thành.
2. Đọc hiểu
- Hiểu các từ ngữ trong bài.
- Hiểu được nội dung bài thơ: Ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ của công trường, sức mạnh của con người đang chế ngự, chinh phục dòng sông và sự gắn bó, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
3. Học thuộc lòng bài thơ.
II. Đồ dùng dạy - học
- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to). Tranh, ảnh về nhà máy thủy điện Sông Đà (nếu có).
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- Gọi hai HS lên bảng kể lại câu chuyện Những người bạn tốt sau đó trả lời câu hỏi về nội dung. - Nhận xét và cho điểm HS. | - HS thực hiện theo yêu cầu của GV. |
1. Giới thiệu bài | |
- Thủy điện sông Đà là một công trình thủy điện lớn của nước ta được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (trước đây). Qua bài thơ Tiếng đàn ba-la-lai-ca giúp các em thấy được sự kì vĩ của công trình, niềm tự hào của con người chinh phục dòng sông, khiến nó tạo ra nguồn điện phục vụ cuộc sống con người. | - HS lắng nghe. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở |
2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài | |
a) Luyện đọc đúng | |
- GV ghi bảng: Ba-la-lai-ca và yêu cầu HS cả lớp đọc đồng thanh. | - HS luyện đọc đồng thanh. |
- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài. | - Một HS đọc bài . Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK. |
- GV hướng dẫn HS nhận biết các đoạn của bài. | - HS nhận biết các đoạn của bài. Mỗi khổ thơ là một đoạn của bài. |
- GV gọi ba HS tiếp nối nhau đọc từng đoạn của bài, GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). | - Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài. |
- GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện phát âm cho HS. | - HS luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp . |
- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2. | - Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một khổ thơ của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc. |
- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK. - GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết. | - Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK. - HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa. |
- Yêu cầu HS luyện đọc theo cặp. | - Hai HS ngồi cùng bàn nối tiếp nhau đọc từng khổ thơ của bài. |
- Gọi HS đọc toàn bài. | - Ba HS nối tiếp đọc nhau đọc từng đoạn của bài trước lớp. |
- GV đọc diễn cảm bài thơ: Giọng nhẹ nhàng, thể hiện sự xúc động khi nghe tiếng đàn trong một đêm trăng đẹp; sự kì vĩ của công trường; mơ tưởng lãng mạn về một tương lai tươi đẹp khi công trình hoàn thành. | - HS theo dõi giọng đọc của GV. |
b) Tìm hiểu bài | |
- Yêu cầu HS đọc thầm khổ 1 và 2 của bài và trả lời câu hỏi: Những chi tiết nào có trong bài thơ gợi lên hình ảnh đêm trăng trong bài rất tĩnh mịch? | - Cả công trường đang ngủ say. Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ. Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ. |
- GV nói thêm : Mọi vật như đang chìm vào giấc ngủ say sau một ngày lao động vất vả. Trong không gian ấy chỉ có một âm thanh duy nhất vang lên: tiếng đàn ba-la-lai-ca. Âm thanh của tiếng đàn ngân nga giữa không gian bao la càng chứng tỏ cảnh đêm tĩnh mịch. | - HS lắng nghe. |
- Yêu cầu HS đọc lướt khổ 1 và 2 của bài và trả lời câu hỏi: Những chi tiết nào trong bài thơ gợi lên một hình ảnh đêm trăng trên công trường tuy tĩnh mịch nhưng cũng rất sinh động? | - Đêm trăng tĩnh mịch nhưng vẫn rất sinh động vì có tiếng đàn của cô gái Nga, có ánh trăng, có người thưởng thức tiếng đàn; mọi vật được tác giả miêu tả bằng biện pháp nhân hóa: công trường say ngủ; tháp khoan như đang bận ngẫm nghĩ; xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ… |
- Yêu cầu HS đọc lướt toàn bài và trả lời câu hỏi: Tìm một hình ảnh đẹp thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên có trong bài thơ. | - HS suy nghĩ và trả lời theo sự cảm nhận của riêng mình.VD: + Chỉ có tiếng đàn ngân nga / Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên. Tiếng đàn là tiếng lòng người đang ngân lên, hòa quyện, lan tỏa…vào dòng sông lấp loáng phản chiếu ánh trăng như một dòng trăng. + Ngày mai / chiếc đập lớn sẽ nối liền hai khối núi / Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên / Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả thể hiện sinh động sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Bằng bàn tay khối óc diệu kì của mình, con người đã đem đến cho thiên nhiên gương mặt mới lạ đến ngỡ ngàng. Còn thiên nhiên mang lại cho con người những nguồn tài nguyên quý giá, làm cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn. |
- Từ bỡ ngỡ trong câu Biển nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên có gì hay? | - Bằng cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa với từ bỡ ngỡ khiến biển có tâm trạng như con người. Bỡ ngỡ nghĩa là lạ lùng, ngơ ngác, chưa quen thuộc. Giữa vùng núi non cao xuất hiện một biển nước mênh mông sâu hàng trăm mét sao không bỡ ngỡ. Chữ "bỡ ngỡ" không những làm cho hình ảnh bài thơ trở nên sinh động hơn mà còn biểu lộ niềm tự hào, ngạc nhiên cao độ. |
c) Luyện đọc diễn cảm và học thuộc lòng | |
- Gọi ba HS đọc nối tiếp từng đoạn của bài. Yêu cầu cả lớp theo dõi, bạn đọc. | - Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi bạn đọc. |
- GV hướng dẫn HS nhận xét để xác lập kĩ thuật giọng đọc diễn cảm của bài thơ (như trên). | - HS nhận xét, tìm ra giọng đọc của bài. |
- GV đọc mẫu để hướng dẫn HS đọc diễn cảm khổ thơ sau: | - HS lắng nghe và luyện đọc diễn cảm đoạn thơ theo yêu cầu của GV. |
Ngày mai // Chiếc đập lớn / nối liền hai khối núi // Biển sẽ nằm / bỡ ngỡ giữa cao nguyên // Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả // Từ công trình thủy điện đầu tiên.// | |
- Yêu cầu HS học thuộc lòng theo nhóm ba. | - Ba HS làm thành một nhóm các em tự học thuộc lòng bài thơ . |
- Tổ chức thi các nhóm đọc thuộc lòng bài thơ. | - Ba đến bốn nhóm HS thi đọc thuộc lòng. Mỗi nhóm ba HS đọc tiếp nối thuộc lòng từng khổ thơ. |
- GV nhận xét cho điểm từng HS. | |
3. Củng cố, dặn dò | |
- Nội dung của bài thơ nói lên điều gì? | - Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ của công trường; sức mạnh của con người đang chinh phục dòng sông và sự gắn bó, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. |
- GV nhận xét giờ học. Dặn HS về nhà học thuộc lòng bài tập đọc và đọc trước bài tập đọc tuần tới. | - HS ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV. |