Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Khái niệm và đặc trưng của nhà nước

VnDoc xin giới thiệu bài Khái niệm và đặc trưng của nhà nước được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Các dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước

Trong đời sống xã hội, mỗi con người là một thực thể tự nhiên, độc lập, có ý chí và lợi ích khác nhau, nhưng con người không thể tồn tại ngoài xã hội, không thể tách mình ra khỏi cộng đồng mà phải liên kết với nhau, xác lập quan hệ với nhau nhằm đạt được những mục đích về vật chất, tinh thần. Lịch sử xã hội loài người đã từng biết đến những hình thái liên kết ấy. Nó có thể dựa trên các yếu tố tự nhiên như quan hệ huyết thống, gia đình; có thể dựa trên những nhu cầu về lợi ích vật chất như các phường hội của những người làm nghề buôn bán; có thể dựa trên những quan điểm chính trị như các đảng phái; hoặc các đặc trưng về nghề nghiệp như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo... Nhưng một tổ chức có khả năng liên kết các cá nhân ở mức độ rộng lớn hơn về phạm vi, đa dạng hơn về lợi ích và có sức mạnh chi phối đến các tổ chức khác nhau để cộng đồng cùng tồn tại và phát triển, tổ chức đó là nhà nước.

Trong một quốc gia, cùng với sự tồn tại của Nhà nước còn có các tổ chức chính trị (các đảng phái) hoặc các tổ chức chính trị - xã hội (ví dụ ở Việt Nam: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...). Nhưng trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng. Nhà nước có khả năng tác động mạnh mẽ đối với toàn xã hội về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật, tôn giáo... đến các quyền tự do cá nhân của con người như quyền được sống, quyền được kết hôn... Sự tác động ấy của Nhà nước trước hết nhằm ổn định xã hội, xác lập trật tự cần thiết để xã hội phát triển, hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. So với các tổ chức khác trong một quốc gia, nhà nước có những dấu hiệu đặc trưng sau đây:

1.1 Sự tồn tại của Nhà nước về không gian được xác định bởi yếu tố lãnh thổ

Lãnh thổ là một trong ba yếu tố tạo thành một quốc gia (lãnh thổ, dân cư và tổ chức chính quyền). Lãnh thổ của quốc gia gồm đất đai nằm trong biên giới, hải phận và không phận theo quy định của luật pháp quốc tế. Dân cư sinh sống trên lãnh thổ đó có quyền lựa chọn để tổ chức ra nhà nước của mình (tổ chức chính quyền). Theo đó, nhà nước đại diện cho nhân dân thực hiện chủ quyền trên toàn lãnh thổ và bảo vệ lãnh thổ trước sự xâm lược của các quốc gia khác.

Trong một quốc gia chỉ có một nhà nước, mặc dù có thổ có nhiều đảng phái khác nhau bởi quan điểm chính trị, nhiều tổ chức chính trị - xã hội với những dấu hiệu khác nhau, như: về giới tính (Hội Liên hiệp Phụ nữ), về nghề nghiệp (Hội Nhà văn, Hội Nông dân)... Nhà nước phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính, đồng thời tổ chức chính quyền địa phương tương ứng với các đơn vị hành chính và quản lí hoạt động của dân cư sinh sống trong đơn vị hành chính đó. Mối liên hệ giữa một cá nhân với nhà nước được quy định bởi luật quốc tịch, không phụ thuộc vào chính kiến, nghề nghiệp, giới tính của họ và nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình.

Tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ ảnh hưởng trực tiếp đến sự giàu có của Nhà nước. Chỉ nhà nước mới có quyền khai thác và phân phối lợi ích đó đến toàn thể dân chúng mà nhà nước là người đại diện. Các đảng phái hoặc các tổ chức khác được hình thành bởi những “nhóm dân cư” với những lợi ích khác nhau nên tính đại diện bị thu hẹp và bị kiểm soát bởi nhà nước.

1.2 Nhà nước có quyền lực chính trị đặc biệt

Biểu hiện quyền lực chính trị của Nhà nước là: Nhà nước thiết lập hệ thống các cơ quan nhà nước như Nghị viện (Quốc hội), Chính phủ, Tòa án, quân đội, cảnh sát, nhà tù. Các cơ quan này được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Để vận hành “bộ máy” này, nhà nước tuyển chọn các cá nhân trong số những cư dân trên lãnh thổ của mình theo những tiêu chí nhất định. Trong nhà nước phong kiến, đó là những “quan lại”, ngày nay là “công chức, viên chức nhà nước”. Đây là bộ máy tách biệt khỏi hoạt động sản xuất, chuyên làm nhiệm vụ quản lí, điều hành xã hội trong khuôn khổ pháp luật (ví dụ: cấp giấy phép kinh doanh; kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; cấp giấy phép lái xe...); cung cấp các dịch vụ công (ví dụ: giáo dục đào tạo, y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH)...) hoặc thực hiện những hoạt động có tính cưỡng chế, trấn áp để đảm bảo trật tự xã hội như: xử phạt vi phạm an toàn giao thông, xét xử người phạm tội. Tầng lớp cán bộ, viên chức là những người không trực tiếp làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, nhưng đời sống của họ được nhà nước đảm bảo bằng việc trả lương từ ngân sách nhà nước.

Quyền lực chính trị của Nhà nước cũng có thể hiểu là khả năng sử dụng vũ lực một cách độc quyền, đây cũng là điểm khác biệt căn bản so với các loại quyền lực khác trong xã hội. Ví dụ, không một lực lượng nào có thể sử dụng bộ máy cưỡng chế như cảnh sát, nhà tù, quân đội để giữ trật tự xã hội trừ nhà nước.

1.3 Nhà nước có chủ quyền quốc gia

Chủ quyền quốc gia là một thuộc tính chính trị pháp lí và thuộc về nhân dân sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia đó. Nhân dân uỷ quyền cho nhà nước thực hiện quyền lực của mình theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó, trong một quốc gia chỉ nhà nước mới có khả năng và đủ tư cách đại diện cho nhân dân thực hiện chủ quyền quốc gia. Cụ thể là:

Trong quan hệ đối nội, chủ quyển quốc gia được khẳng định bằng việc nhà nước có quyền tối cao trong hoạch định chính sách, tổ chức thực thi chính sách trên mọi mặt của đời sống xã hội. Đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách là các cư dân và các tổ chức chính trị, tồ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế tồn tại trên lãnh thổ của Nhà nước ấy. Sự hình thành và thay đổi của các tổ chức này phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước.

Ví dụ: Năm 1987, Nhà nước CHXHCN Việt Nam quyết định việc bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước; công nhận quyền tự do kinh doanh của công dân, theo đó các loại hình doanh nghiệp như: DNTN, công ty trách nhiệm hữu hạn... ra đời, tham gia vào đời sống kinh tế trong nước và xuất khẩu, từ đó hình thành hiệp hội của các doanh nghiệp như: Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Trong quan hệ đối ngoại, chủ quyền quốc gia có ý nghĩa là: Nhà nước có quyền độc lập tự quyết trong quan hệ đối ngoại mà các quốc gia khác, các tổ chức khác không thể can thiệp. Nhà nước thay mặt nhân dân có quyền hoạch định những mục tiêu riêng và lựa chọn những phương pháp phù hợp để thực hiện những mục tiêu dó; các quốc gia đều bình đẳng, có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế dù đó là nước lớn hay nước nhỏ.

Ví dụ: Nhà nước xác lập, duy trì hoặc chấm dứt quan hệ ngoại giao với quốc gia khác; Tham gia vào các tổ chức quốc tế; Kí kết và thực thi các điều ước quốc tế.

Các đảng phái, tổ chức chính trị - xã hội tồn tại trong một quốc gia không thể tự mình quyết định những vấn được liên quan đến vận mệnh của quốc gia đó, cũng không có sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với nhà nước vì nhà nước đại diện cho ý chí của nhân dân, quyền lực của nhân dân. Các đảng phái, các tổ chức chính trị - xã hội bị chi phối bởi quyền lực nhà nước.

Ví dụ: Bằng quyền lực của mình, thông qua Tòa án, nhà nước có thể đưa ra xem xét việc quyết định giải tán hoặc cấm một đảng phái hoạt động khi tổ chức đó vi phạm pháp luật, phương hại đến chủ quyền an ninh quốc gia.

1.4 Nhà nước đặt ra và thu thuế một cách bắt buộc

Thuế là những khoản thu do nhà nước đặt ra. Sở dĩ cần phải có khoản thu này vì nhà nước là một tổ chức không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội nhưng phải thực hiện rất nhiều những hoạt động khác nhau để quản lí, điều hành xã hội.

Ví dụ: Trả lương cho công chức, viên chức nhà nước, các khoản chi cho quốc phòng, an ninh, BHXH, y tế, giáo dục đào tạo, giao thông...

Vì vậy, việc thu thuế là tạo ra nguồn tài chính cho nhà nước. Tuy nhiên, thuế không chỉ dùng vào mục đích “nuôi” bộ máy nhà nước mà nó còn là một kênh đầu tư cho xã hội để phát triển. Thuế là một công cụ tài chính của Nhà nước có thể làm thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng hay kìm hãm nền kinh tế của một quốc gia. Thuế còn là một nguồn tài chính rất quan trọng để nhà nước thực hiện chức năng xã hội của nó thông qua việc tạo ra các quỹ phúc lợi, quỹ tiêu dùng để phân phối lại cho các thành viên trong xã hội, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Các đảng phái, các tổ chức chính trị - xã hội không có quyền thu thuế. Để tồn tại và duy trì được hoạt động của mình, các tổ chức đó cũng cần có nguồn tài chính, nhưng nó được hình thành từ sự đóng góp mang tính tự nguyện của các thành viên, hội viên.

Ví dụ: Đoàn phí, Công đoàn phí...

Việc đóng thuế là nghĩa vụ của công dân và mang tính bắt buộc, nếu công dân không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị xử lí hành chính hoặc bị kết án. Nhưng nếu các thành viên, hội viên không thực hiện nghĩa vụ tài chính với tổ chức của mình thì họ có thể bị khai trừ ra khỏi tổ chức đó mà không bị cưỡng chế nhà nước như đối với hành vi trốn thuế.

1.5 Nhà nước ban hành pháp luật và xác lập trật tự pháp luật đối với toàn xã hội

Trước khi có nhà nước, những hoạt động chung của con người trong các tổ chức thị tộc được dẫn dắt bởi niềm tin, sự tôn kính và tinh thần tự nguyện dựa trên các quy phạm đạo đức, tín ngưỡng, tập quán (còn gọi chung là quy phạm xã hội), trật tự xã hội nhờ đó được duy trì.

Trong xã hội có giai cấp và nhà nước, các đảng phái, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mục tiêu, tôn chỉ của mình thông qua việc ban hành các điều lệ, nội quy, quy chế như: Điều lệ Công đoàn, Điều lệ Đảng... để điều hành và phối hợp hoạt động của các thành viên, hội viên tham gia vào tổ chức đó, nhưng nội dung của chúng không thể trái với những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành. Về bản chất, các thành viên, hội viên thực hiện điều lệ của các tổ chức này hoàn toàn mang tính tự nguyện, họ có thể từ bỏ tổ chức của mình khi thấy không còn phù hợp.

Đối với nhà nước, ngoài việc sử dụng có chọn lọc các quy phạm đạo đức, tập quán tồn tại trong xã hội, nhà nước đặt ra hệ thống quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự để quản lí, điều hành xã hội. Phạm vi tác động của pháp luật rộng hơn so với tập quán của một cộng đồng dân cư hoặc điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội, vì pháp luật được ban hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà trước hết là bởi Nghị viện (Quốc hội) là cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân. Mọi cá nhân, mọi tổ chức và chính nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng biện pháp giáo dục, thuyết phục hoặc các biện pháp cưỡng chế nhà nước khi cần thiết với công cụ bạo lực để bảo vệ trật tự pháp luật.

2. Khái niệm nhà nước

Từ những dấu hiệu đặc trưng của Nhà nước, có thể định nghĩa về nhà nước như sau: Nhà nước là một tổ chức có quyền lực chính trị đặc biệt, có quyền quyết định cao nhất trong phạm vi lãnh thổ, thực hiện sự quản lí xã hội bằng pháp luật và bộ máy được duy trì bằng nguồn thuế đóng góp từ xã hội.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Khái niệm và đặc trưng của nhà nước về sự tồn tại của Nhà nước về không gian được xác định bởi yếu tố lãnh thổ, nhà nước ban hành pháp luật và xác lập trật tự pháp luật đối với toàn xã hội, đặt ra và thu thuế một cách bắt buộc...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Khái niệm và đặc trưng của nhà nước. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm